TẠI SAO THÁNH TÔMA AQUINÔ ĐƯỢC GỌI LÀ “TIẾN SĨ THIÊN THẦN”?

Written by xbvn on Tháng Ba 8th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Các tu sĩ Đa Minh và toàn thể Giáo hội kỷ niệm 750 năm ngày mất của thánh Tôma Aquinô vào ngày 7 tháng 3 năm 2024. Được Đức Gioan XXII phong hiển thánh chỉ 50 năm sau khi ngài qua đời, ngài là tác giả, trong số những tác phẩm khác, của cuốn Tổng luận Thần học nổi tiếng. Ngài được mệnh danh là “Tiến sĩ thiên thần”. Đâu là nguồn gốc của danh xưng này?

Ông còn được gọi là “Tiến sĩ thiên thần” (Doctor angelicus). Thánh Tôma sinh ra ở Aquinô, miền nam nước Ý vào năm 1225. Gia đình gửi ngài đến học tại tu viện Monte Cassino. Ngài theo đuổi việc học tại Đại học Naples và trái với ý kiến của gia đình, ngài gia nhập Dòng Đa Minh. Dòng của ngài gửi ngài đến Paris và trên đường đi, ngài bị bắt bởi gia đình, những người không hiểu lựa chọn của ngài. Được trả tự do sau một năm, ngài đến Paris vào năm 1245 và vào học tại trường đại học của Dòng Đa Minh và có thánh Albertô Cả là thầy của mình.

Thánh Albertô Cả là người thúc đẩy các ngành như văn hóa Hy Lạp, sinh học và siêu hình học. Chính ngài nhận thấy nơi thánh Tôma Aquinô là một thiên tài vô song. Tôma Aquinô theo thầy đến Cologne, nơi ngài hoàn thành việc học triết học và thần học. Ngài trở lại Paris và vào năm 1256, ngài đảm trách một trong hai chức giáo sư do tu viện đại học của Dòng Đa Minh nắm giữ. Ngài sống một cuộc đời cầu nguyện, nghiên cứu trí tuệ, giảng dạy và giảng thuyết.

Vào thế kỷ XIII, người ta đã khám phá lại tư tưởng của Aristote, một học thuyết mà trong mắt Giáo hội và Đại học, dường như không tương thích với đức tin Kitô giáo và thần học theo cảm hứng của thánh Augustinô. Thánh Tôma đạt được sự tổng hợp cân bằng giữa tư tưởng của Aristote và thần học của Thánh Augustinô. Sự giảng dạy của ngài đã gây ấn tượng mạnh.

Ngài qua đời năm 1274 khi đang trên đường đến Công đồng đại kết Lyon, nơi ngài được mời gọi với tư cách là một chuyên gia. Ngài được phong thánh năm 1323 và thánh tích của ngài được Đức Giáo hoàng Urbanô V trao tặng cho nhà thờ Jacobins ở Toulouse vào năm 1368. Đây là nơi “Tiến sĩ thiên thần” vẫn an nghỉ cho đến ngày nay. Tiến sĩ Giáo hội năm 1567, ngài trở thành người bảo trợ các trường Công giáo dưới thời Đức Lêô XIII vào thế kỷ 19.

Thánh Tôma và các thiên thần

Các nhà thần học vĩ đại thời Trung cổ đã nhận được các danh hiệu. Chẳng hạn, thánh Bônaventura, dòng Phanxicô, được gọi là “Tiến sĩ Sêraphim”, Don Scott, nhà thần học người Scotland, nhận danh hiệu “Tiến sĩ tinh tế”. Thánh Tôma Aquinô có danh hiệu “Tiến sĩ thiên thần” từ thế kỷ XVI. Theo cha Serge-Thomas Bonino, thuộc dòng Đa Minh, một chuyên gia về thánh Tôma Aquinô, có thể có một số cách giải thích. Đó có thể là sự so sánh giữa con người của thánh Tôma và thiên thần, thánh Tôma nổi tiếng vì sự trong sạch tuyệt vời của ngài. Nhưng nếu thánh Tôma được gọi là “Tiến sĩ thiên thần” thì chủ yếu là vì ngài viết về các thiên thần.

Trong cuốn Tổng luận Thần học của mình, thánh Tôma phân biệt ba loại thụ tạo: thụ tạo vật chất, công trình tạo dựng; thụ tạo thiêng liêng, các thiên thần; và ở giữa thế giới vật chất và thiêng liêng, con người. Ngài nghĩ về con người dưới ánh sáng của thiên thần. Vào thời của ngài, sự tồn tại của các thiên thần là một sự hiển nhiên văn hóa, con người đắm chìm trong một thế giới vô hình. Ma quỷ và thiên thần giải thích nhiều sự kiện. Thánh Tôma tìm cách Kitô giáo hóa niềm tin tự phát này bằng cách đưa vào một chút lý trí, một sự hiểu biết về đức tin.

Tý Linh

(theo Geneviève Pasquier, nhật báo La Croix)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31