THẦN HỌC LUÂN LÝ CỦA BERNARD HARING
Thần Học Luân Lý của Bernard Haring – “Moral Theology of Bernard Haring” by Charles E. Curran, in A New Look at Christian Morality (Notre Dame: “Fides Publishers, 1968), pp. 145-157. Chuyển ngữ do Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R.
Bernard Haring là một tên gọi thường gắn liền mật thiết với việc canh tân thần học luân lý. Cha Haring đã đóng một vai trò quan trọng trong công việc của Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Bằng nhiều cách, nhà thần học Dòng Chúa Cứu Thế người Đức này đã tóm tắt cho Công Đồng thấy những thành tựu và những khiếm khuyết của thần học luân lý. Công Đồng chung này chủ yếu đưa ra tiếng nói về vấn đề mục vụ và đang cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, nhằm giúp cho Giáo Hội ngày càng phù hợp hơn với thế giới hôm nay. Cũng vậy, thần học luân lý của cha Haring chủ yếu nhằm về mục vụ.
Sự đóng góp lâu bền và vượt thời gian của Công Đồng Va-ti-ca-nô II có lẽ sẽ là những quan điểm và những định hướng mà Công Đồng đề ra. Các nghị phụ của Công Đồng liên tục nhấn mạnh đến mục tiêu của Công Đồng là mục vụ chứ không phải là tín điều. Thật sự, cha Haring không hề đưa ra bất cứ học thuyết luân lý mới nào hay hệ thống tư tưởng đạo đức học mới nào. Nhưng hơn thế nữa, ngài là hiện thân của việc cởi mở và đối thoại với xã hội hôm nay, và chính điều này đã mang lại nét độc đáo cho Công Đồng. Các nhà thần học tương lai có lẽ sẽ ít thường xuyên trích dẫn các giáo huấn chuyên biệt của cha Haring. Nhưng giống như Công Đồng, cha Haring tượng trưng cho một sự khởi đầu mà không có kết thúc. “Luật Chúa Ki-tô”, bộ thần học luân lý gồm ba quyển của cha Haring chính là bước chuyển tiếp rất độc đáo và phù hợp với thời đại hôm nay.
Quan trọng hơn nữa, cha Haring còn đưa ra một định hướng mới cho nền thần học luân lý. Thần học luân lý như đã được dạy ở các chủng viện Công Giáo, mãi cho tới thập niên cuối cùng này, vẫn còn ở trong một phạm vi khá hạn hẹp là đào tạo cho các cha giải tội giống như những vị thẩm phán của toà cáo giải. Những tiền nhân của các thủ bản thần học luân lý này là những vị ở trong “Viện Các Thần Học Gia Luân Lý’, được hình thành vào cuối thế kỷ 16. Nguồn gốc của “Viện Các Thần Học Gia Luân Lý” là do một số các nhà thần học luân lý muốn cập nhật hoá thần học luân lý, nhằm có một sự ứng đáp đầy sáng tạo đối với các nhu cầu của thời đại nên đã thành lập viện này. Công Đồng Trentô đã nỗ lực canh tân ý nghĩa và việc cử hành bí tích. Công Đồng đã quyết định mọi tín hữu Công Giáo phải lãnh nhận Bí tích Hoà Giải một năm ít là một lần. Bí tích Hoà Giải đòi hỏi phải xưng thú mọi tội luân lý theo từng loại tội và số lần phạm tội (có một điều mà ta phải nhìn nhận rằng giáo huấn của Công Đồng Trentô về Bí tích Hoà Giải thì hơi một chiều và quá nặng tính lề luật).
Các cha Dòng tên là những khí cụ thực hiện cuộc cải cách của Công Đồng Trentô. Các ngài đã giới thiệu một chương trình học hỏi về thần học luân lý thực hành, đòi hỏi hai năm để hoàn tất, nhằm đào tạo đặc biệt những cha giải tội trong vai trò là những vị thẩm phán của Bí tích Hoà Giải. Các lớp học này đã được các cha giáo sư Dòng tên giảng dạy dựa vào những thủ bản thần học luân lý của “Viện Các Thần Học Gia Luân Lý”. Những thủ bản này nhấn mạnh đến việc xét xem những điều gì tạo thành tội và những khác biệt giữa tội nhẹ và tội nặng. Giọng điệu và quan điểm của các thủ bản này thì tiêu cực, hẹp hòi và vụ luật. Có lẽ vấn đề chính, đó là các nhà thần học của các thời đại sau này đã chấp nhận những thủ bản trên như là tổng thể của thần học luân lý, mặc dù mục tiêu và tầm nhìn của chúng rất hạn hẹp.
Vào thế kỷ 19, một loạt các phản ứng chống lại những quan điểm tiêu cực, hình thức vụ luật, và phương pháp luận ngụy biện thái quá của các thủ bản thần học luân lý này. Những nỗ lực canh tân đầu tiên được khởi sự ở Đức với các tác phẩm của John Michael Sailer (1751-1832) và John Hirscher (1788-1865). Đại Học Tubingen ở Đức đã liên tục phát triển tư tưởng của hai nhà tiên phong này. Tuy nhiên, công việc của Đại học Tubingen này hầu như không được ai ở ngoài nước Đức biết đến, và thậm chí ở ngay tại Đức, các thủ bản thần học luân lý cổ xưa vẫn được dùng làm chuẩn mực trong nhiều chủng viện. Thế kỷ 20 đã đem lại nhiều nỗ lực hơn nữa, vừa ở trong nước Đức vừa ở ngoài nước Đức, nhằm canh tân thần học luân lý. Tuy nhiên, Bernard Haring là một nhà thần học mà vào cuối thế kỷ 20, ngài đã khơi dậy và đánh thức được tư tưởng canh tân thần học luân lý của Giáo Hội Công Giáo. “Luật Chúa Ki-tô”, cách luận giải có hệ thống thần học luân lý của cha Haring, đã được ấn bản đầu tiên ở Đức vào năm 1954. Tác phẩm gốc tiếng Đức này đã liên tục được tái bản 7 lần và được dịch ra ít nhất 8 thứ tiếng khác nhau.
Có nhiều nhân tố đã đóng góp cho sự nổi tiếng của cha Haring trong lãnh vực thần học luân lý vào thời gian đó. Cha Haring đã khắc sâu vào tâm hồn những người gặp gỡ ngài hình ảnh của một Ki-tô hữu tận hiến với một tình yêu nhạy cảm dành cho những người cùng chí hướng với mình. Vị tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế người Đức này đã lấy bằng thần học tại đại học Tubingen vào năm 1947, nơi đây ngài đã tiếp xúc với những nỗ lực tiên phong nhằm canh tân thần học luân lý. Có lẽ điều ý nghĩa hơn cả chính là những kinh nghiệm ban đầu này. Cha Haring sinh ở Botingen vào năm 1912, thụ phong linh mục Dòng Chúa Cứu Thế vào những năm cuối thập niên ba mươi. Tuy nhiên, trong suốt thời gian chiến tranh, ngài đã là một nhân viên cứu thương, phục vụ ở quân đội Đức và ngài cũng đã làm mục vụ giúp cho những người lính có nhu cầu thiêng liêng. Sau chiến tranh, ngài đã phục vụ những người tị nạn (chính trị) ở Ba Lan. Một con người với một bề dày kinh nghiệm như thế có lẽ sẽ không bao giờ hài lòng với một nền thần học đóng khung trong những tòa nhà tôn giáo biệt lập và dường như chẳng liên quan gì đến cuộc sống thường ngày của con người. Từ năm 1950, cha Haring đã xuất bản những sách vở và những bài viết của mình khoảng hơn 300 trang mỗi năm. Ngài đã diễn thuyết khắp Châu Âu và sang cả những nước ở Châu Mỹ. Cha Haring có thể cống hiến toàn bộ thời gian của mình cho việc nghiên cứu ở viện Đại học, song trọng tâm chủ yếu thì vẫn quy về đường hướng mục vụ, điều ấy đã được biểu lộ qua các cuộc giảng tĩnh tâm, các lần nói chuyện tại đại học và vô số các lần hội nghị mà ngài đã trình bày trên khắp thế giới. Một số các bài viết của cha Haring xem ra không sâu sắc và đã lộ ra cho thấy rằng ngài đã chuẩn bị khá vội vàng. Cha Haring có lẽ vẫn bênh vực cho những cuốn sách và những bài viết đó, mặc dù khuyết điểm của các bài viết này rất rõ ràng, song đó như là một cách thức để cha Haring đưa luồng gió canh tân ấy vào trong đời sống Giáo Hội Công Giáo và mang tư tưởng đó đến với mọi người ở khắp nơi.
Tư tưởng trọng tâm nơi thần học luân lý của cha Haring là sự ứng đáp và trách nhiệm. Đời sống Ki-tô hữu là sự ứng đáp của con người với ân sủng của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô. Đặc tính đối thoại của đời sống Ki-tô hữu là phản chiếu giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người – con người tin tưởng ứng đáp lại những khởi sự của Thiên Chúa.
Lời gọi tình yêu của Thiên Chúa là định đề căn bản trong tư tưởng đạo đức học của cha Haring. Đời sống Ki-tô hữu không phải là việc tự làm cho mình tràn đầy hạnh phúc, cũng không phải là chuyện bày tỏ bổn phận vâng phục Thiên Chúa của mình. Bằng việc nhấn mạnh vào tính ưu việt của tình yêu Thiên Chúa, cha Haring muốn tránh những hiểm họa của lạc thuyết Pêlagiô (Pelagianism) mà lạc thuyết này dường như vẫn còn ẩn núp nơi một số các thủ bản thần học luân lý. Con người không thể tự cứu mình bằng chính những công việc và những nỗ lực của mình, nhưng trên hết, con người được cứu bởi lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa Cha qua công trình cứu độ của Đức Ki-tô. Vì thế, đời sống luân lý là sự ứng đáp của con người đối với đời sống mới được nhận lãnh nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Con người là kẻ ứng đáp phải luôn luôn duy trì sự rộng mở nơi mình, để nhận lãnh ơn huệ không ngơi của tình yêu Thiên Chúa. Khuynh hướng căn bản của Ki-tô hữu được đánh dấu bởi tinh thần nghèo khó và tâm hồn khiêm nhu. Người theo Đức Ki-tô là người luôn tỉnh thức và rộng mở tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày của mình.
Thờ phượng và tạ ơn thật đúng là đặc tính của đời sống Ki-tô hữu, vì Thiên Chúa là Đấng khởi xướng công trình cứu độ. Các tác phẩm của cha Haring liên tục nhấn mạnh mối tương quan giữa phụng vụ và đời sống. Trong phụng vụ, con người tiếp xúc với sự sống mới của Đức Ki-tô phục sinh. Phụng vụ là việc tái công bố mầu nhiệm Ki-tô giáo là nền tảng ưu việt cơ bản của công cuộc cứu độ do Thiên Chúa khởi xướng. Câu ngạn ngữ thường xuyên bị hiểu lầm của thần học bí tích – ex opere operato – đã làm sáng tỏ chân lý nền tảng này: ơn cứu độ là một công trình do Thiên Chúa thực hiện. Phụng vụ, đặc biệt là việc lãnh nhận bí tích tượng trưng cho đặc tính đối thoại của đời sống Ki-tô hữu. Lời và công trình cứu độ của Thiên Chúa mời gọi con người ứng đáp lại với chính Lời và công trình cứu độ của Người. Các bí tích là những dấu chỉ đầy hiệu lực của tình yêu Thiên Chúa và của ân sủng minh nhiên. Từ khi Thiên Chúa trợ giúp con người bằng những ân huệ mà Người ban cho con người thì bí tích trở thành dấu chỉ biểu thị bản chất của ân huệ và bản chất của sự ứng đáp. Phụng vụ và cuộc sống củng cố lẫn nhau. Sự tham dự và đáp trả của con người trong phụng vụ sẽ trở nên vô nghĩa, trừ phi những việc ấy được thực hiện cùng với sự ứng đáp của con người trước lời gọi của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Cũng vậy, đời sống Ki-tô hữu là một đời sống thờ phượng, một đời sống biết nhận ra mọi sự trong thế giới này đều là ân huệ của Thiên Chúa ban cho con người. Con người nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa và ngợi khen Thiên Chúa bằng cách sử dụng những tài nguyên thế giới này vào việc phục vụ Nước Thiên Chúa.
Sự hối cải (metanoia), chuyển đổi tâm hồn, biểu trưng cho sự ứng đáp của Ki-tô hữu trước lời mời gọi tình yêu của Thiên Chúa. Chức năng căn bản của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng hối cải. Thường trong quá khứ, người ta xem việc giảng dạy mang tính luân lý và các phương thức thực hành lề luật như là đặc tính của việc công bố sứ điệp Ki-tô giáo. Qua phụng vụ, đời sống và việc làm chứng nhân của mình, Giáo Hội phải công bố Tin Mừng – Tin Mừng Cứu Độ!
Cha Haring đã mạnh mẽ dạy rằng ơn gọi phổ quát của mọi Ki-tô hữu là đạt tới sự trọn lành và điều này được xem như là định đề nền tảng của thần học luân lý. Sự hối cải không chỉ là một lần cho tất cả, nhưng hơn hết, việc hối cải liên tục chính là luật sống của Ki-tô hữu. Ki-tô hữu phải không ngừng tìm kiếm hầu thông dự vào mầu nhiệm Vượt qua và tình yêu của Thiên Chúa và của anh em mình ngày càng trọn hảo hơn. Cha Haring đã mạnh bạo chống lại học thuyết cho rằng chỉ có một số ít Ki-tô hữu được kêu gọi đạt tới sự trọn lành. Tất cả mọi người đều được kêu gọi để đạt tới sự trọn lành, nhưng như thế không có nghĩa là phải rời bỏ thế gian và vào sống trong các đan viện rập theo các lời khuyên Tin Mừng thì mới đạt được sự trọn lành, trong khi phần lớn các Ki-tô hữu bình thường thì lại hài lòng sống giữa đời và chỉ buộc phải giữ Mười Điều Răn.
Vì mọi Ki-tô hữu đều được kêu gọi để đạt tới sự trọn lành, nên cha Haring đã nhận ra tầm quan trọng của cái nôm na được gọi là đời sống hằng ngày của một người bình thường sống giữa thế giới hôm nay. Sự hiện hữu hằng ngày và thế giới mà chúng ta đang sống đều có liên quan đến Nước Thiên Chúa. Con người được kêu gọi, trong cuộc sống hằng ngày của mình, hãy làm cho Nước Thiên Chúa ngày càng trở nên thực tại hơn. Thế giới này không chỉ là một giai đoạn để con người thực hiện việc cứu độ đời đời linh hồn mình; nhưng toàn bộ thế giới này đều thuộc về công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Người Ki-tô hữu được kêu gọi để tiếp nối những hoạt động sáng tạo và công cuộc hoà giải của Vị Chúa lịch sử. Công việc, văn hoá, nghệ thuật, khoa học, chính trị và tất cả những hoạt động khác thực sự của con người đều có một ý nghĩa và một tầm quan trọng đối với Nước Trời và đối với Ki-tô hữu, vì Ki-tô hữu được kêu gọi để kiến tạo ngay bây giờ một trời mới đất mới. Ơn cứu độ mang chiều kích vũ trụ, xã hội cũng như cá nhân.
Những nghiên cứu của cha Haring về trật tự xã hội đã dọi sáng chiều kích vũ trụ và chiều kích xã hội của đời sống Ki-tô hữu. Mọi tài nguyên của vũ trụ tự bản chất vốn mang chiều kích xã hội và cộng đồng, vì chủ yếu chúng hiện hữu cho sự ích lợi của nhân loại. Không có một hệ thống xã hội nào thực sự là công bằng nếu nó tước đoạt đi của con người hay của những nhóm người các tài nguyên của trái đất này, những tài nguyên cần thiết cho sự tồn tại đúng nghĩa của một con người đích thực. Trong ánh sáng này, cha Haring đã xét đến những khuyết điểm của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản tự do. Mặc dù ngài chấp nhận con người có quyền tư hữu nhưng với điều kiện, quyền tư hữu này phải bị giới hạn bởi khía cạnh xã hội và dựa trên tài nguyên trên quả đất này. Cha Haring đã thẳng thừng tuyên bố rằng, trong ánh sáng lý tưởng Ki-tô giáo, luật sở hữu hiện tại phải căn cứ vào nhu cầu thay đổi của toàn thể xã hội. Các quốc gia giàu có trên thế giới phải có bổn phận nhớ đến các quốc gia đang phát triển hay nghèo đói. Việc xã hội hoá và luật phân chia đất đai cũng cần thiết để làm cho việc phân phối tài nguyên của thế giới công bằng hơn.
Khía cạnh cộng đoàn của đời sống Ki-tô giáo chiếm một vị trí quan trọng trong thần học luân lý của cha Haring. Ơn cứu độ đến với con người ở trong cộng đoàn, mỗi người là chi thể của Giáo Hội, Giáo Hội là Ít-ra-en mới. Tình yêu chính là đặc tính của đời sống Ki-tô giáo được toả chiếu trong cộng đoàn và nó được đặt lên trên tất cả, lẽ đó, chúng ta sẵn sàng chia sẻ cho nhau những gì mình có. Những người hưởng ân huệ của lòng mến Thiên Chúa (Agape) phải chính là những người biết sẵn lòng chia sẻ cho người khác những gì mình có. Chiều kích cộng đoàn của đời sống Kitô Giáo cũng là nền tảng cho chiều kích xã hội nơi các Kitô hữu đang hiện diện trong thế giới hiện tại.
Đời sống Kitô hữu không chỉ được đánh dấu bởi việc tuân theo một số lề luật mà còn cả sự trưởng thành và tính năng động. Không có ai thực sự theo Đức Ki-tô mà lại có thể dám nói rằng mình đã tuân giữ luật Chúa Ki-tô cách trọn hảo ngay từ nhỏ. Luật Chúa Ki-tô đòi hỏi một sự hối cải liên tục và phát triển bản thân không ngừng. Bởi lý do đó, cha Haring đã bác bỏ thứ luân lý chỉ hoàn toàn dựa trên những qui tắc chung, có tính cách phổ quát, áp dụng cho tất cả mọi người . Cha Haring thừa nhận và khẳng khái bênh vực những luật chung cấm những điều tiêu cực, đã được dạy trong truyền thống thần học luân lý Công Giáo; song luật cấm này không đơn thuần là việc qui định những giới hạn bên ngoài của đời sống Ki-tô hữu. Các luật cấm này cho thấy có một số những hành vi sẽ luôn không thể phù hợp với đời sống mới được lãnh nhận nơi Đức Giê-su Ki-tô. Trong những phạm vi này, cá nhân ki-tô hữu được kêu gọi ứng đáp lại lời mời gọi nên trọn lành của Thiên Chúa, theo những ân huệ và những tài năng cá biệt mà mình đã được nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa.
Cha Haring đã phát triển nền đạo đức học tuỳ trạng huống, đặt nền tảng trên Kairos là những lời gọi độc nhất của Thiên Chúa nói với mỗi cá nhân Kitô hữu trong từng trạng huống riêng biệt của mình. Tuy nhiên, từng cá nhân và lời gọi độc nhất của Kairos không mâu thuẫn với những bổn phận chung, đặt nền tảng trên lòng nhân ái mà mọi cá nhân thường chia sẻ cho nhau.
Vị linh mục Dòng Chúa Cứu Thế người Đức này đã nhận ra việc người ta quá nhấn mạnh vào tính cá biệt của hành vi ngoại tại trong các thủ bản thần học luân lý là không đúng. Hành vi nhân linh cá biệt này sẽ đạt được ý nghĩa trọn hảo trong mức độ mà nhân vị bày tỏ mình ra. Con người được tạo dựng gồm có thân xác và linh hồn. Con người truyền đạt và diễn tả chính mình trong và qua thân xác của họ. Giá trị luân lý đích thực phát xuất từ những chiều sâu thẳm của nhân vị, song một nền đạo đức học chỉ quy về nội tại và chỉ quan tâm đến động cơ thúc đẩy và ý hướng của con người mà thôi thì điều này thật sai lầm. Những hành vi ngoại tại của con người cũng có thể diễn tả tâm hồn của họ và làm cho tâm hồn ấy trở nên nhìn thấy được. Song con người cũng phải có trách nhiệm đối với trật tự của thế giới và đối với những gì mà con người đã gây nên bằng những hành vi ngoại tại của mình. Riêng thứ chủ nghĩa vụ luật thì chỉ nhấn mạnh đến hành vi ngoại tại như thể những hành vi ấy tách rời khỏi con người. Còn những thứ chủ nghĩa an tịnh sai lầm và việc tái lượng giá lệch lạc sự hiện hữu của đời sống trần gian thì lại phớt lờ giá trị của hành vi ngoại tại. Riêng cha Haring thì vẫn chủ trương rằng chỉ có những giá trị nào liên quan đến con người mà con người ý thức quả thực đúng như thế, thì những giá trị ấy mới là những giá trị luân lý, song những giá trị khách quan cũng là những giá trị có ý nghĩa luân lý, vì chúng được xem như là hiện thân của các giá trị luân lý.
Cha Haring đã áp dụng những hiểu biết về các giá trị có liên quan đến các hành vi nhân linh vào vấn nạn sự tội. Thường trong quá khứ, các nhà thần học Công Giáo đều nhận thức rằng tội thì luôn đi cùng với một hành vi ngoại tại cá biệt nào đó. Chẳng hạn như tội nói dối, tội trộm cắp, tội gian dâm. Cha Haring không hề phủ nhận những hành vi ấy là sai, song tội trước tiên không phải là một điều gì đó hay một hành vi ngoại tại nào. Kinh Thánh và thần học đã cho ta thấy rằng, tội liên quan đến thực tại thẳm sâu của con người, đó chính là sự đổ vỡ mối tương quan của con người với Thiên Chúa. Vì thế, metanoia hay sự hối cải có liên quan đến sự biến đổi tâm hồn và chính nhờ sự biến đổi tâm hồn mà con người quay về với Thiên Chúa, vì tội liên quan đến sự biến đổi của một tâm hồn đang trong tình trạng đổ vở tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Hành vi ngoại tại biểu lộ cho ta thấy sự biến đổi thực tại của tâm hồn. Thần học công giáo đã chấp nhận cách phân biệt giữa tội trọng (mortal sin) và tội nhẹ (venial sin). Tội trọng hay còn gọi là tội nguy tử thì nó phá vở mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và dẫn đến cái chết toàn diện và sự chia cách đời đời với Thiên Chúa. Trong việc phân biệt tội nặng (grave sin) và tội nhẹ, người xưa đã nhấn mạnh đến việc phải xem xét vấn đề có liên quan đến là nặng hay nhẹ. Nếu hành vi là vấn đề ghê gớm (tỷ dụ như ăn cướp, ngoại tình) thì đó là tội nặng. Còn nếu hành vi là vấn đề nhẹ (nói dối, khinh thường, không tôn trọng) thì đó là tội nhẹ. Thế nhưng, cha Haring đã đưa ra một cái nhìn mới mẻ hơn, ngài nhận định rằng: sự phân biệt tối hậu giữa tội trọng, tội nặng hay tội nhẹ hệ tại ở việc liên can đến chủ quan của kẻ hành động, chứ không hệ tại hoàn toàn ở việc xét xem vấn đề liên can ấy nặng hay nhẹ. Vì tội trọng thì gắn kết chặt chẽ với thâm tâm của con người, là cái phương hướng chọn lựa cơ bản (fundamental option) cuả cuộc sống người ấy; trái lại, tội nhẹ duy trì một hành vi nhẹ không đáng kể mà nó không liên đới với toàn thể con người như tội trọng.
Luôn có một sự mơ hồ về từ “tội”trong tư tưởng của người Công Giáo. Đôi lúc tội chỉ về một tình trạng đổ vở mối tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa (hình thức thứ nhất), nhưng ngược lại nhiều khi tội chỉ là những hành vi sai lỗi ngoại tại (hình thức thứ hai). Học thuyết của cha Haring chọn hình thức thứ nhất, nhưng đôi lúc ngài cũng vẫn sử dụng từ “tội” để mô tả một hành vi sai trái nào đó mà tự nó đã tách khỏi chủ thể hành động. Có lẽ cha Haring đã phải có sự quyết định dứt khoát và khẳng khái hơn nữa, bằng việc kiên định chỉ sử dụng từ tội nhằm ám chỉ đến việc làm đổ vỡ mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa hầu có thể tránh bớt đi sự lẫn lộn giữa hai hình thức tội trên.
Thần học luân lý Công Giáo thường bị đóng ấn là vụ luật. Và các thủ bản thần học luân lý thường là những chứng cớ rõ rệt cho việc chỉ trích ấy. Cha Haring đã khơi lên nhiều cuộc tranh luận giữa một số nhà thần học Công Giáo do cách xử lý luật Giáo Hội của ngài, mặc dù trong thực tế giáo huấn về luật Giáo Hội của ngài lại dựa theo sự hiểu biết uyên thâm của kinh viện về bản chất của luật con người. Thánh Thomas đã dạy rằng: mọi nhân luật đều công nhận có một số luật trừ, vì những hoàn cảnh bất ngờ có thể đưa người ta rơi vào một tình huống đặc biệt nào đó. Cha Haring đã tái âm hưởng toàn bộ truyền thống Giáo Hội trong việc xác định lại, trước tiên, vị trí độc tôn của luật nội tâm do Thần khí đang ngự trong tâm hồn của các kẻ lòng ngay và kế đó là tính phụ thuộc, liên đới của nhân luật. Nhân luật của Giáo Hội không bao giờ ép buộc phải tuân theo nếu như luật ấy không đứng trên luật căn bản đó là luật của lòng mến. Đời sống công giáo và thần học công giáo, trong quá khứ đã am hiểu và nhận thức sự cần thiết của một số luật trừ đối với nhân luật, bằng cách nhấn mạnh các luật miễn trừ, các đặt quyền và các nhân tố miễn trừ. Cha Haring và các thần học gia thời ngài đã nhấn mạnh vai trò của nhân đức epikeia trong những tình huống xung đột mà khi ấy nghĩa đen của nhân luật dường như ngăn cản tinh thần đích thực của lề luật. Epikeia đặt trách nhiệm quyết định tối hậu vào chính cá nhân đương sự, nếu nghĩa đen của luật đòi buộc họ phải thực thi một việc gì đó trong một tình huống đặc biệt.
Còn lập trường của cha Haring đối với luật tự nhiên ra sao? Nói chung, cha Haring chấp nhận lối giải thích luật tự nhiên của truyền thống Giáo Hội công giáo, song ngài đã phối hợp luật tự nhiên với sự nhận thức về tính chất đối thoại của cuộc sống Kitô hữu và những gì đã được linh ứng trong Thánh Kinh. Các ân huệ tự nhiên trong vũ trụ mà con người nhận lãnh từ Thiên Chúa đều đòi buộc con người phải có một ứng đáp phù hợp. Con người hành động phù hợp với bản tính mà con người đã nhận lãnh từ Thiên Chúa. Nếu có sự hiện diện của một số nguyên tắc tuyệt đối và tiêu cực thì không nhất thiết là chúng ám chỉ đến thứ luân lý vụ luật và hệ thống. Những nguyên tắc tiêu cực này chỉ có thể chỉ cho thấy một số những hành vi mà nó không bao giờ thích hợp với phẩm giá và đời sống của con người. Trong lãnh vực rộng lớn của những hành vi con người mà những hành vi này phù hợp với bản chất của con người, thì không có một nguyên tắc chung nào mà từ đó con người có thể luôn luôn rút ra điều gì là xứng hợp để thực hiện. Dưới sự linh hứng của Thần khí, con người được hướng dẫn để có thể đón nhận lấy những hành vi phù hợp với từng tình huống riêng biệt của mình.
Cha Haring đã kết hợp hầu hết các cái nhìn sáng suốt của Giáo Hội Công Giáo thời đó với học thuyết luật tự nhiên và vì thế đã tránh được những ấn bản rập khuôn (có tính cách cố định) của luật tự nhiên mà người ta thường thấy chúng xuất hiện trong các sách giáo khoa. Luật tự nhiên không nhất thiết là ngăn trở sự tăng trưởng và phát triển chính mình. Lịch sử tính và sự tiến hoá chính là đặc tính của bản tính con người. Cha Haring cũng cẩn thận cho chúng ta thấy rằng, luật tự nhiên không thể đồng hoá với các tiến trình sinh học. Chẳng hạn như ngài đã chống lại ý kiến hầu như là được chấp nhận gần hết của các thần học gia thời đó khi các vị này cho rằng việc thủ dâm để lấy tinh dịch nhằm phân tích nguyên nhân bệnh lý là sai.
Cha Haring đã trung thành bảo vệ các chuẩn mực luân lý tuyệt đối mà các nhà thần học luân lý Công Giáo đã giảng dạy, về các vấn đề như triệt sản, trực tiếp phá thai, ly dị v.v…thường những vấn đề như trên, chẳng hạn như triệt sản, cha Haring thừa nhận rằng đối với một trường hợp cá biệt nào đó thì có thể không có tội, vì những hoàn cảnh chủ quan liên quan đến. Còn việc phân biệt tội chủ quan và tội khách quan đã có từ lâu trong truyền thống thần học luân lý công giáo. Cho dẫu là một hành vi sai, nhưng đây là một trường hợp riêng biệt của một con người đặc biệt nào đó, thì ngay lúc bấy giờ có thể hành vi đó không mắc tội. Cha Haring cũng đã biện minh cho vấn đề phân biệt như thế qua học thuyết chủ trương phát triển con người. Trong những trạng huống đặc biệt, một con người có thể bị những trạng huống đặc biệt ấy ngăn cản không cho chu toàn những gì mà anh ta được yêu cầu phải làm ngay lúc đó. Nếu anh ấy không làm được những gì mà các chuẩn mực đòi hỏi, thì anh ấy cũng nên làm bất cứ những gì có thể và giữ mình luôn biết mở ra cho những phát triển trong tương lai, nhờ đó anh ấy dần dần có thể chu toàn những đòi hỏi của lề luật. Thỉnh thoảng, người ta thắc mắc, chả lẽ cha Haring lai không sử dụng việc phân biệt giữa tội khách quan và tội chủ quan như là một phương tiện để tránh né những vấn đề luân lý nan giải có liên quan đến những chuẩn mực luân lý tuyệt đối, chẳng hạn như vấn đề triệt sản.
Nói chung, cha Haring đã chấp nhận các giải pháp của luật tự nhiên truyền thống về các vấn đề luân lý và cũng đã chấp nhận cách áp dụng các nguyên tắc thực hành trực tiếp và gián tiếp đối với vấn nạn giết người, đối với thuyết chủ trương chiến tranh có chính nghĩa, và đối với vấn đề cái chết êm dịu (hay an tử). Với sự hiểu biết của mình về vấn đề nói dối và nói thật, cha Haring đã bác bỏ thuyết nói dối mà thuyết này vì đã định nghĩa nói dối là quyền bảo vệ sự thật của con người . Ngài chủ trương bất cứ lời nói nào mà không đúng với sự thật thì đều là nói dối. Nhằm để bênh vực cho lập trường của mình, cha Haring đã cố gắng tranh luận dựa trên những quan điểm sau: Thiên Chúa là nguồn mạch sự thật, những giá trị của công chính, liêm sĩ cá nhân, và sự cấn thiết phải tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau trong cùng một cộng đoàn.
Bất cứ lời phê bình chỉ trích nào về tác phẩm “Luật Chúa Ki-tô” cũng đều phải để ý xét đến sự kiện là tác phẩm này lần đầu tiên xuất hiện cách đây 15 năm. Mười lăm năm sau người ta đã chứng kiến một sự thay đổi lớn lao trong nền thần học Công Giáo. Công trạng này phải được dành cho cha Haring vì ngài đã kêu gọi phải thay đổi nhiều, trước khi những sự thay đổi này trở thành các khẩu hiệu khá phổ biến của thời đại Công đồng Vatican II. Tuy nhiên, “Luật Chúa Ki-tô” đã biểu lộ thời đại của nó và cho thấy những đặc tính chuyển tiếp của nó. Cha Haring đã lấy nền thần học luân lý truyền thống cùng với sự hiểu biết uyên thâm chắc chắn của kinh viện, kết hợp với các nền tảng triết lý, ngài đặt thần học luân lý truyền thống vào một phạm vi lớn hơn, được xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh, đó là mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Cha Haring cũng đã thêm vào đó những tinh hoa của các nhà chủ trương thuyết nhân vị và triết lý của các nhà hiện sinh. Có một điều lý thú là khoa xã hội học tôn giáo đã giúp cha Haring rất nhiều trong việc làm cho nền thần học luân lý ngày càng thích ứng hơn với các vấn đề của xã hội hôm nay. Tầm hiểu biết sâu rộng của cha Haring cũng đã khuyến khích ngài xử lý một số vấn đề liên quan đến cuộc sống con người mà thường không được đề cập đến trong các thủ bản thần học luân lý, đó là những vấn đề hầu hết chuyên về việc đào tạo các cha giải tội.
“Luật Chúa Ki-tô – The Law of Christ” bắt đầu với một cuộc nghiên cứu về thần học nhân bản và tiếp đến là thảo luận về sự tự do như là nền tảng cho sự ứng đáp của con người với Thiên Chúa. Sau đó, cha Haring dựa vào mô hình chung của các sách giáo khoa thần học luân lý, ngài đã đề cập đến các vấn đề lương tâm, hành vi nhân linh, lề luật, đối tượng của luân lý và sự tội. Như là một mô hình thu nhỏ, quyển một (Luật Chúa Ki-tô) kết thúc cuộc thảo luận về các nhân đức, là một ví dụ điển hình về phương pháp thảo luận của cha Haring. Cha Haring vẫn dựa theo truyền thống về cách phân chia các nhân đức chính yếu, nhưng ngài không bao giờ đánh mất viễn tượng Ki-tô giáo trong khi thảo luận. Tuy nhiên, cha Haring đã thêm nhân đức khiêm nhường vào thành một bộ bốn các nhân đức cột trụ, vì khiêm nhường chính là thái độ Ki-tô giáo căn bản của những ai biết đón nhận sự sống và ơn cứu độ như là một ân huệ của Thiên Chúa. Nói chung, quyển một bằng Anh ngữ thật xứng đáng với những gì mà người ta gọi là thần học luân lý tổng quát, vì đã đưa ra những định hướng căn bản cho thần học luân lý.
Quyển thứ hai và quyển ba nằm trong phạm vi thần học luân lý chuyên biệt, nghiên cứu các hành vi và các khía cạnh đặc biệt của đời sống Ki-tô hữu. Bản dịch Anh ngữ của tác phẩm này chia đời sống ki-tô hữu thành hai tiêu đề “Sống trong tình bằng hữu với Thiên Chúa”, bao gồm mối tương quan của con người với Thiên Chúa, cùng với việc tuân giữ giới răn đầu tiên của thập giới; và “Yêu trong tình bằng hữu nhân loại”, xét đến vấn đề con người trong tương quan với mọi người xung quanh và với thế giới, nhất là sống phù hợp với phần thứ hai của Mười Điều Răn.
Thật rất khó để đánh giá tầm ảnh hưởng và ý nghĩa thật sự của một người nào đó sống cùng thời với mình. Huống chi công việc này sẽ càng khó hơn, trong tình huống hiện tại, khi người đánh giá lại được đặc ân gọi cha Bernard Haring là giáo sư và là người hướng dẫn mình. Tôi không nghĩ rằng các nhà thần học tương lai sẽ thường xuyên tham chiếu hệ thống thần học luân lý của cha Haring hay thậm chí cả những phân tích thần học của ngài về những hành vi và những quan điểm riêng biệt của đời sống Ki-tô hữu. Có lẽ đó là điều không thể tránh cho tất cả những ai đã liên tục xem xét các vấn đề thời đại trong ánh sáng sứ điệp Ki-tô giáo. Tuy nhiên, cha Haring đã đóng góp nhiều hơn hẳn những người khác, ngài đã giúp thay đổi quan điểm và hướng đi của thần học luân lý. Giống như Công Đồng Vatican II, cha Haring chủ yếu nhắm đến mục vụ; và giống như Công Đồng Vaticano II, Cha Haring đánh dấu một sự khởi đầu hơn là sự kết thúc.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- ĐỨC PHANXICÔ MỞ CỬA THÁNH TẠI NHÀ TÙ REBIBBIA: “HÃY BÁM LẤY NIỀM HY VỌNG”
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- LỜI KHUYÊN CỦA MỘT GIÁO PHỤ SA MẠC ĐỂ THÁO GỠ MỐI DAY OÁN HẬN
- ĐỨC PHANXICÔ : KHÔNG ĐƯỢC LOẠI BỎ BẤT KỲ MẠNG SỐNG NÀO
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- ĐẶT CHÚA KITÔ TRỞ LẠI TRUNG TÂM
- THẦN BÍ SAI LẠC VÀ LẠM DỤNG THIÊNG LIÊNG, MỘT NHÓM LÀM VIỆC ĐƯỢC THÀNH LẬP TẠI VATICAN
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?