BÀI GIÁO LÝ VỀ THÁNH GIUSE- BÀI 3. THÁNH GIUSE, NGƯỜI CÔNG CHÍNH VÀ HÔN PHU CỦA ĐỨC MARIA

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 2nd, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thánh Kinh, Thế Giới, Tý Linh

« Thật quan trọng biết bao đối với mỗi người chúng ta là vun trồng một đời sống công chính và đồng thời cảm thấy rằng chúng ta luôn cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa ! Để có thể mở rộng chân trời của chúng ta và cân nhắc các hoàn cảnh của cuộc sống theo một quan điểm khác biệt và  rộng lớn hơn.» Đức Phanxicô đã mời gọi như thế trong bài giáo lý về thánh Giuse hôm 1/12/2021, và đồng thời mời gọi, noi gương thánh Giuse,  đừng nhốt mình trong sự cay đắng khổ đau nhưng biết đón nhận các biến cố trong sự quan phòng của Chúa, bởi vì « chính khi đối diện với một số hoàn cảnh của cuộc sống, thoạt đầu có vẻ kịch tính, mà sự Quan Phòng đang được che giấu, theo thời gian, thành hình và soi sáng ý nghĩa ngay cả cho nỗi đau đã ập đến với chúng ta ».

Noi gương thánh Giuse, Đức Thánh Cha cũng mời gọi « các đôi bạn Kitô hữu đã đính hôn » « làm chứng cho một tình yêu … có can đảm chuyển từ lôgíc tiếng sét ái tình sang lôgíc tình yêu trưởng thành. Và đó là một chọn lựa đầy đòi hỏi, mà, thay vì giam cầm cuộc sống, có thể củng cố tình yêu để tình yêu bền vững trước những thử thách của thời gian ».

Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý bằng cách nhắc nhở các đôi bạn : « Con đường chuyển từ tiếng sét ái tình đến tình yêu  trưởng thành này là rất đòi hỏi, nhưng chúng ta phải đi theo đó. Đức khiết tịnh, lòng chung thủy, sự tôn trọng và việc lắng nghe không phải là những đức tính mà người ta yêu cầu lúc đính hôn để khơi dậy mặc cảm tội lỗi, nhưng để chỉ ra đường hướng duy nhất có thể mang lại cho những ước mơ của chúng ta khả năng thành hiện thực và bền vững ».

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Chúng ta tiếp tục hành trình suy tư về con người của thánh Giuse. Hôm nay, tôi muốn đào sâu sự kiện ngài là « người công chính » và « người đã đính hôn với Đức Maria », và như thế mang lại một thông điệp cho tất cả những người đã đính hôn và cả những đôi vợ chồng mới cưới. Nhiều biến cố gắn liền với thánh Giuse được tường thuật trong các Phúc âm ngụy thư, tức là những Phúc âm không phải quy điển, vốn cũng ảnh hưởng đến nghệ thuật và những nơi thờ phượng khác nhau. Những bản văn này, không có trong Thánh Kinh – đó là những trình thuật mà lòng đạo đức Kitô hữu thực hiện vào thời đó – đáp ứng khát vọng lấp đầy những khoảng lặng của các sách Tin Mừng quy điển, những sách có trong Thánh Kinh, vốn mang lại cho chúng ta tất cả những gì thiết yếu đối với đức tin và đời sống Kitô hữu.

Thánh sử Matthêu. Đây là điều quan trọng : Tin Mừng nói gì về thánh Giuse ? Không phải những gì các Phúc âm ngụy thư này nói, vốn không xấu hay có hại ; chúng rất đẹp, nhưng chúng không phải là Lời Chúa. Trái lại, các sách Tin Mừng trong Thánh Kinh là Lời Chúa. Trong số đó, thánh sử Matthêu đã gọi thánh Giuse là người « công chính ». Chúng ta hãy nghe trình thuật của thánh sử : « Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.» (1, 18-19). Bởi vì khi cô dâu không chung thủy hay có thai, thì chú rể phải tố giác cô ta ! Và các phụ nữ vào thời này bị ném đá đến chết. Nhưng thánh Giuse là người công chính. Ngài nói : « Không, tôi sẽ không làm vậy. Tôi sẽ giữ thinh lặng. »

Để hiểu cách cử xử của thánh Giuse đối với Đức Maria, sẽ hữu ích khi nhớ lại phong tục hôn nhân của dân Israel xưa. Hôn nhân bao gồm hai giai đoạn được xác định rõ ràng. Giai đoạn thứ nhất tương tự như lễ đính hôn chính thức, vốn đã bao gồm một hoàn cảnh mới : đặc biệt, người nữ, dù tiếp tục sống trong nhà cha mình trong vòng một năm, đã được coi như là « vợ » thực tế của chú rể. Họ vẫn chưa sống với nhau, nhưng cô ấy đã như là vợ của anh ấy. Giai đoạn thứ hai là đưa cô dâu từ nhà cha của cô sang nhà chú rể. Điều đó diễn ra trong một đoàn rước lễ hội vốn hoàn thành hôn nhân. Và những người bạn của cô dâu đi theo cô đến đó. Theo các phong tục này, sự kiện « trước khi về chung sống với nhau, Đức Maria đã mang thai », đã đặt Đức Trinh Nữ trước cáo buộc ngoại tình. Và tội này, theo luật xưa, phải bị trừng phạt bằng cách ném đá (x. Đnl 22, 20-21). Thế nhưng, trong thực hành về sau của Do Thái giáo, có một lối giải thích ôn hòa hơn, vốn chỉ đòi hỏi chứng thư rẫy vợ nhưng với những hậu quả dân sự và hình sự đối với người vợ, nhưng không bị ném đá đến chết.

Tin Mừng nói rằng thánh Giuse là « người công chính » chính bởi vì ngài đã tuân theo lề luật như mọi người Israel ngoan đạo nào. Nhưng trong tâm hồn mình, tình yêu của ngài dành cho Đức Maria và sự tin tưởng của ngài nơi Đức Mẹ đã gợi ra cho ngài một con đường sẽ cứu lấy việc tôn trọng lề luật và danh dự của hôn thê của ngài : ngài quyết định trao cho Đức Mẹ chứng thư rẫy vợ cách bí mật, không ồn ào, không sỉ nhục Mẹ trước công chúng. Ngài đã chọn con đường bí mật, không kiện tụng và đền bù. Thật thánh thiện biết bao nơi thánh Giuse ! Chúng ta, ngay khi chúng ta có một tin  tức nhỏ nhoi hay xấu xa về ai đó, tức khắc chúng ta bị lôi cuốn vào chuyện ngồi lê đôi mách ! Thánh Giuse, ngài giữ thinh lặng.

Nhưng thánh sử Matthêu nói thêm ngay : « Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su (nghĩa là : Đức Chúa-cứu), vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”» (1, 20-21). Tiếng nói của Thiên Chúa can thiệp vào sự phân định của thánh Giuse và, thông qua một giấc mơ, mạc khải cho ngài ý nghĩa lớn lao hơn sự công chính của ngài. Và thật quan trọng biết bao đối với mỗi người chúng ta là vun trồng một đời sống công chính và đồng thời cảm thấy rằng chúng ta luôn cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa ! Để có thể mở rộng chân trời của chúng ta và cân nhắc các hoàn cảnh của cuộc sống theo một quan điểm khác biệt và  rộng lớn hơn. Thông thường, chúng ta cảm thấy mình là tù nhân đối với những gì đã xảy đến với chúng ta : « Nhưng hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra cho tôi ! » và chúng ta vẫn là tù nhân của điều xấu xa đã xảy ra cho chúng ta ; nhưng chính khi đối diện với một số hoàn cảnh của cuộc sống, thoạt đầu có vẻ kịch tính, mà sự Quan Phòng đang được che giấu, theo thời gian, thành hình và soi sáng ý nghĩa ngay cả cho nỗi đau đã ập đến với chúng ta. Sự cám dỗ là khép kín mình trong nỗi đau đớn này, trong suy nghĩ về những điều không mấy dễ chịu đã xảy ra cho chúng ta này. Và điều đó không tốt. Điều đó dẫn đến buồn chán và cay đắng. Tâm hồn cay đắng là rất xấu xa.

Tuy nhiên, tôi muốn chúng ta dành thời gian suy nghĩ về một chi tiết của câu chuyện được kể trong Tin Mừng này và chúng ta thường bỏ qua. Đức Maria và thánh Giuse là hai người đã đính hôn có lẽ đã ấp ủ những ước mơ và kế hoạch cho đời sống tương lai của mình. Thiên Chúa dường như bất ngờ xen vào cuộc sống của các ngài và, bất chấp những khó khăn ban đầu, cả hai đều mở rộng tâm hồn mình cho thực tại đang đặt ra cho mình.

Anh chị em thân mến, rất thường, cuộc sống của chúng ta không như chúng ta tưởng tượng. Nhất là trong các mối tương quan tình yêu, tình cảm, chúng ta khó chuyển từ lôgíc tiếng sét ái tình đến lôgíc tình yêu trưởng thành. Và  cần phải chuyền từ tiếng sét ái tình sang tình yêu  trưởng thành. Các bạn mới kết hôn, hãy suy nghĩ kỹ về điều đó. Giai đoạn đầu tiên luôn được đánh dấu bằng một sự say đắm nào đó, vốn làm cho chúng ta đắm chìm trong một thế giới tưởng tượng thường không tương ứng với thực  tại các sự kiện. Nhưng chính khi tiếng sét ái tình chấm dứt với những mong đợi của nó thì tình yêu đích thực có thể bắt đầu. Quả thế, yêu thương, đó không phải là chờ đợi người khác hay cuộc sống tương ứng với trí tưởng tượng của chúng ta ; đúng hơn đó là chọn lựa hoàn toàn tự do đảm nhận cuộc sống như nó được mang lại cho chúng ta. Đó là lý do tại sao thánh Giuse mang lại cho chúng ta một bài học quan trọng, ngài đã chọn Đức Maria « với đôi mắt mở ra ». Và chúng ta có thể nói, với tất cả các rủi ro. Hãy suy nghĩ về điều đó, trong Tin Mừng theo thánh Gioan, một lời trách móc mà các tiến sĩ luật đã làm đối với Chúa Giêsu là như sau : « Chúng tôi không phải là những đứa con hoang », bằng cách ám chỉ đến  việc đĩ điếm. Nhưng vì họ đã biết làm thế nào Đức Maria đã mang thai, họ đã muốn bôi nhọ mẹ của Chúa Giêsu. Đối với tôi, đó là đoạn bẩn thỉu nhất, ma quỷ nhất trong Tin Mừng. Và rủi ro mà thánh Giuse đảm nhận mang lại cho chúng ta bài học này : đón nhận cuộc sống như nó xảy đến. Thiên Chúa có can thiệp vào đó không ? Tôi sẽ đón nhận nó. Và thánh Giuse đã làm những gì thiên thần của Chúa truyền cho ngài : Quả thế, Tin Mừng nói : « Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.» (Mt 1, 24-25). Các đôi bạn Kitô hữu đã đính hôn được mời gọi làm chứng cho một tình yêu như thế, có can đảm chuyển từ lôgíc tiếng sét ái tình sang lôgíc tình yêu trưởng thành. Và đó là một chọn lựa đầy đòi hỏi, mà, thay vì giam cầm cuộc sống, có thể củng cố tình yêu để tình yêu bền vững trước những thử thách của thời gian. Tình yêu của một đôi bạn được tiếp tục trong cuộc sống và trưởng thành mỗi ngày. Tình yêu của lễ đính hôn – nếu tôi có thể nói –  là hơi lãng mạn. Tất cả anh chị em đều biết điều đó, nhưng tiếp đến bắt đầu tình yêu trưởng thành, hàng ngày, công việc, bắt đầu có con cái. Và đôi khi, tính lãng mạn biến mất một chút. Nhưng phải chăng không có tình yêu ? Có chứ, nhưng là một tình yêu trưởng thành. « Nhưng thưa cha, cha có biết, đôi khi chúng con cãi nhau… » Điều đó kéo dài từ thời Ađam và Evà cho đến tận hôm nay : việc vợ chồng cãi nhau là bánh mì hàng ngày của chúng ta. « Nhưng chúng con không được cãi nhau sao ? » Được, được, chúng ta  có thể. « Và thưa cha, nhưng đôi khi chúng con to tiếng » – « Điều đó sẽ xảy đến ». « Và cũng đôi khi các đĩa ăn bay » – « Điều đó sẽ xảy đến ». Nhưng làm  thế nào đảm bảo rằng điều đó không ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân ? Hãy nghe rõ : đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa. Chúng ta đã cãi nhau, anh đã nói với em những điều tồi tệ, Chúa ơi, anh đã nói với em những điều không đẹp đẽ. Nhưng giờ đây ngày sống kết thúc : anh phải làm hòa. Anh chị em có biết tại sao không ? Bởi  vì chiến tranh lạnh của ngày hôm sau rất nguy hiểm. Đừng để cho ngày hôm sau bắt đầu bằng chiến tranh. Đó là lý do tại sao phải làm hòa trước khi đi ngủ. Hãy ghi nhớ điều đó luôn mãi : đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa. Và điều đó sẽ giúp anh chị em trong đời sống hôn nhân của mình. Con đường chuyển từ tiếng sét ái tình đến tình yêu  trưởng thành này là rất đòi hỏi, nhưng chúng ta phải đi theo đó. Đức khiết tịnh, lòng chung thủy, sự tôn trọng và việc lắng nghe không phải là những đức tính mà người ta yêu cầu lúc đính hôn để khơi dậy mặc cảm tội lỗi, nhưng để chỉ ra đường hướng duy nhất có thể mang lại cho những ước mơ của chúng ta khả năng thành hiện thực và bền vững.

Và một lần nữa, chúng ta kết thúc bằng một lời cầu nguyện với thánh Giuse.

Lạy thánh Giuse,

Ngài đã yêu thương Đức Maria cách tự do,

và đã chọn từ bỏ sự tưởng tượng của mình để nhường chỗ cho thực tại,

xin giúp mỗi người chúng con biết để cho mình được Thiên Chúa làm ngạc nhiên

và đón nhận sự sống không phải như một biến cố bất ngờ mà cần phải tự vệ,

nhưng như một mầu nhiệm đang che giấu bí mật của niềm vui đích thực.

Xin ngài ban cho tất cả các đôi bạn Kitô hữu niềm vui và sự tận tâm,

đồng thời luôn ghi nhớ

rằng chỉ lòng thương xót và sự tha thứ mới làm cho tình yêu trở nên khả thi. Amen.

———————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va; bản dịch Thánh Kinh: nhóm CGKPV)

 

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31