THÁNH LỄ KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC LÊÔ XIV, MỘT PHỤNG VỤ GIỮA CÁC NGHI LỄ VÀ BIỂU TƯỢNG

Written by xbvn on Tháng Năm 17th, 2025. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Với thánh lễ Chúa Nhật, ngày 18/5/2025, sứ vụ Phêrô của Đức Lêô XIV sẽ chính thức bắt đầu. Nghi lễ cụ thể cho dịp này sẽ nhấn mạnh mối liên hệ với Thánh tông đồ Phêrô và cuộc tử đạo của ngài, vốn đã nuôi dưỡng Giáo hội Rôma khai sinh, và sẽ làm nổi bật giá trị đặc thù của những phẩm hiệu giám mục “Phêrô” được trao cho Đức Giáo hoàng: dây pallium và nhẫn ngư phủ.

Với thánh lễ cử hành vào lúc 10 giờ sáng (15 giờ VN) ngày 18 tháng Năm tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và quảng trường cùng tên, Đức Lêô XIV, Giám mục thứ 267 của Rôma, chính thức bắt đầu sứ vụ Phêrô của mình với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô và do đó là mục tử của Giáo hội Công giáo. Nghi lễ, như được giải thích bởi văn phòng cử hành phụng vụ của Đức Giáo hoàng, bao gồm một số khoảnh khắc mang tính biểu tượng trong đó nổi bật lên những phẩm hiệu giám mục “Phêrô” cổ xưa: dây pallium và nhẫn ngư phủ.

Dây pallium

Dây Pallium là một loại áo phụng vụ được làm từ lông cừu. Nó gợi lên hình ảnh Người Mục Tử Nhân Lành, vác con chiên lạc trên vai, và ba lần trả lời của thánh Phêrô trước yêu cầu của Chúa Giêsu phục sinh về việc chăn dắt chiên và cừu của Người. Như Siméon de Thessalonique viết trong De sacris ordinationibus, dây này “tượng trưng cho Đấng Cứu Thế, Đấng đã gặp chúng ta như con chiên lạc, đã vác ​​nó trên vai, và khi mang ly bn tính con người ca chúng ta trong s Nhp th, đã thn hóa nó, bng cái chết trên thp t giá, Người đã dâng chúng ta cho Chúa Cha, và bng s phc sinh ca Người đã nâng chúng ta lên.” Đó là một chiếc đai hẹp nằm ở vai, phía trên áo lễ. Nó được trang trí bằng sáu cây thánh giá bằng lụa đen – một ở ngực, một ở sau lưng và bốn ở trên vòng trên vai – và được trang trí ở mặt trước và mặt sau bằng ba chiếc ghim (acicula) tượng trưng cho ba chiếc đinh trên cây thánh giá của Chúa Kitô.

Nhẫn ngư phủ sẽ được trao cho Đức Lêô XIV

Nhẫn ngư phủ

Nhẫn ngư phủ có giá trị đặc thù như chiếc ghim xác nhận đức tin, một nhiệm vụ được giao cho Phêrô để củng cố anh em mình. Nó được gọi là “nhẫn ngư phủ” vì thánh Phêrô là vị tông đồ đã tin vào lời Chúa Giêsu và kéo mẻ lưới cá kỳ diệu từ thuyền vào bờ. Cùng với dây pallium, nhẫn ngư phủ sẽ được trao trong Thánh lễ, sau bài Tin Mừng.

Trên ngôi mộ của thánh Phêrô

Phụng vụ sẽ bắt đầu bên trong Vương cung thánh đường thánh Phêrô. Đức tân Giáo hoàng sẽ cùng với các thượng phụ giáo chủ của các Giáo hội Đông phương đến mộ của Thánh Phêrô, nơi ngài sẽ cầu nguyện và xông hương. Khoảnh khắc này nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa Giám mục Rôma với Thánh tông đồ Phêrô và cuộc tử đạo của ngài, tại chính nơi mà vị Đại diện đầu tiên của Chúa Kitô đã tuyên xưng đức tin bằng máu của mình, cùng với rất nhiều Kitô hữu khác đã cùng làm chứng với ngài. Sau đó, hai phó tế sẽ cầm dây pallium, nhẫn ngư phủ và sách Phúc Âm rồi tiến đến bàn thờ cử hành tại tiền sảnh Quảng trường thánh Phêrô.

Ở tiền sảnh của Vương cung thánh đường thánh Phêrô

Đức Lêô XIV sẽ tham gia đoàn rước, trong khi bài Laudes Regiæ – một bài thánh ca phụng vụ – sẽ được hát lên, cầu xin sự chuyển cầu của các thánh Giáo hoàng, các vị tử đạo và các thánh của Giáo hội Rôma. Tấm thảm thêu về mẻ lưới cá kỳ diệu, tượng trưng cho cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô, được nhắc đến rõ ràng trong các văn bản của buổi lễ, sẽ được treo ở cửa chính của Vương cung thánh đường thánh Phêrô. Đây là bản sao tấm thảm xứ Flamăng được làm cho Nhà nguyện Sistine theo bản hình mẫu của Raffaele Sanzio và được lưu giữ tại Bảo tàng Vatican. Ngược lại, trên bàn thờ có hình Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành từ đền thánh Đức Mẹ Genazzano, phía nam Rôma. Sau đó, nghi thức chúc lành và rảy nước thánh sẽ diễn ra vì đây là ngày Chúa Nhật trong mùa Phục Sinh. Kinh Vinh Danh sẽ được hát, sau đó là lời cầu nguyện nhập lễ, nhắc lại kế hoạch của Chúa Cha xây dựng Giáo hội của Người trên thánh tông đồ Phêrô.

Phụng vụ lời Chúa

Sau đó, phụng vụ Lời Chúa sẽ bắt đầu. Bài đọc thứ nhất, được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, sẽ là một đoạn trích từ sách Công vụ Tông đồ (Cv 4, 8-12) trong đó thánh Phêrô tuyên bố rằng Chúa Kitô là “tảng đá bị thợ xây nhà loại bỏ”. Được đọc bằng tiếng Ý, Thánh vịnh (Tv 117 [118]) sẽ lấy lại chủ đề “tảng đá” – “Tảng đá mà thợ xây nhà loại bỏ đã trở thành đá tảng góc tường” – trong khi bài đọc thứ hai, được đọc bằng tiếng Anh, trích từ thư thứ nhất của thánh Phêrô, sẽ làm nổi bật mối liên hệ giữa thánh Phêrô, Giáo hội Rôma và sứ vụ của người kế nhiệm ngài. Bài Tin Mừng, một đoạn của thánh Gioan được công bố bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp (Ga 21, 15-19), sẽ kể lại lời yêu cầu ba lần của Chúa Giêsu với thánh Phêrô là hãy chăn “các chiên con” và “các chiên của Người”. Đây là một trong những văn bản theo truyền thống thiết lập sứ mạng đặc biệt và cá nhân được trao cho thánh Phêrô trong nhóm mười hai tông đồ.

Trao các phẩm hiệu giám mục Phêrô

Sau khi công bố Tin Mừng, ba vị Hồng y thuộc ba đẳng cấp (phó tế, linh mục và giám mục) và đến từ các châu lục khác nhau sẽ đến gặp Đức Lêô XIV: vị đầu tiên sẽ trao dây pallium cho ngài, vị thứ hai sẽ cầu xin, bằng một lời cầu nguyện đặc biệt, sự hiện diện và trợ giúp của Chúa cho Đức Giáo hoàng, và cuối cùng vị thứ ba cũng sẽ dâng một lời cầu nguyện, kêu cầu Chúa Kitô, “mục tử và giám mục của linh hồn chúng ta”, Đấng đã xây dựng Giáo hội trên tảng đá của thánh Phêrô, và được chính thánh Phêrô công nhận là “Con Thiên Chúa hằng sống”. Chính ngài là người sẽ trao cho Đức tân Giáo hoàng chiếc nhẫn ngư phủ. Khoảnh khắc này sẽ kết thúc bằng lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Người ban cho Đức Thánh Cha sức mạnh và sự dịu dàng để gìn giữ các môn đệ của Chúa Kitô trong sự hiệp nhất của tình hiệp thông, sau đó Đức Giáo hoàng sẽ chúc lành cho cộng đoàn bằng Sách Tin Mừng, trong khi tung hô bằng tiếng Hy Lạp: “Ad multos annos!”

Nghi thức tuân phục

Sau nghi thức tượng trưng “tuân phục” đối với Đức Giáo hoàng, được thực hiện bởi mười hai đại diện của mọi tầng lớp dân Chúa đến từ nhiều nơi trên thế giới, thánh lễ sẽ tiếp tục với bài giảng của Đức Giáo hoàng. Sau đó, Kinh Tin Kính sẽ được hát, tiếp theo là lời cầu nguyện của các tín hữu với năm lời cầu nguyện bằng tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập, tiếng Ba Lan và tiếng Trung Quốc. Các tín hữu tụ họp tại quảng trường sẽ cầu xin Chúa cho Giáo hội trên khắp thế giới, cho Đức Giáo hoàng đang bắt đầu sứ vụ của mình, cho những người đang thực hiện trách nhiệm cai trị, cho những người đang đau khổ và tuyệt vọng, cho chính cộng đoàn đang hiện diện.

Phụng vụ Thánh Thể

Trong khi hát bài dâng lễ “Tu es pastor ovium“, lời cầu nguyện trên lễ vật là bánh và rượu sẽ cầu xin rằng, thông qua sứ vụ thừa sai của Giáo hội, hoa trái của ơn cứu chuộc có thể được lan tỏa đến toàn thế giới. Sau đó, Đức Lêô XIV sẽ đọc Kinh nguyện Thánh Thể bằng tiếng Latinh trước nghi thức hiệp thông, kết thúc bằng lời cầu xin Thiên Chúa củng cố Giáo hội trong sự hiệp nhất và tình yêu, và xin cho chính ngài được cứu thoát và bảo vệ cùng với đàn chiên được giao phó cho ngài.

Nghi thức kết lễ

Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức Giáo hoàng sẽ có bài phát biểu ngắn và, sau khi đọc kinh Nữ Vương Thiên Đàng, ngài sẽ ban phép lành trọng thể, lấy hình ảnh cây nho và vườn nho trong Thánh Kinh, được áp dụng cho Giáo hội, cầu xin Chúa để Người “canh chừng” và “bảo vệ” gốc nho và cây nho mà Người đã trồng, và xin cho khuôn mặt cứu độ của Người được “chiếu sáng” khắp thế giới.

Tý Linh

(theo Tiziana Campisi – Vatican News)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2025
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4
5 6 7 8 9 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31