THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Written by xbvn on Tháng Ba 30th, 2013. Posted in Linh mục, Nguyễn Xuân Phong, Thế Giới

Anh chị em thân mến,

Trong niềm vui với tư cách là Giám Mục Rôma, tôi cử hành Thánh Lễ làm phép Dầu đầu tiên. Tôi thân ái chào thăm anh chị em, đặc biệt tôi chào thăm tất cả anh em linh mục thân yêu, ngày hôm nay anh em sẽ cùng với tôi nhớ lại ngày anh em lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh.

Các bài đọc cũng như bài Thánh vịnh nói với chúng ta về người được xức dầu: người tôi tớ của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Isaia, Vua Đavít và Chúa Giêsu là Chúa chúng ta. Cả ba bài có điểm chung là những người này được xức dầu là để xức cho dân của Chúa mà họ là những tôi tớ của dân. Họ được xức dầu là để phục vụ người nghèo, tù nhân, người bị áp bức… Một hình ảnh rất đẹp nói lên sứ vụ của Dấu Thánh là ‘để phục vụ’, đó là hình ảnh mà Thánh vịnh 133 trình bày cho chúng ta: ‘Như dầu quý đổ trên đầu, xuống râu xuống cổ, xuống áo chầu Aharon” (c.2). Hình ảnh dầu được đổ tràn – dầu chảy xuống Aharon cho tới những đường viền của những phẩm phục thánh của ông là hình ảnh xức dầu trong Bí Tích Truyền Chức Thánh, qua người được xức dầu, sự xức dầu này sẽ đến tận những ‘biên thùy’ của vũ trụ được đại diện bằng phẩm phục.

Những phẩm phục thánh của các thượng tế rất giàu biểu tượng; một trong số đó là phẩm phục mang tên con cái Israel được ghi khắc trên những viên mã não dùng để trang điểm cho những bờ vai của áo Êphốt, áo này là nguồn gốc của áo lễ ngày nay, sáu tên được ghi khắc trên viên đá ở bờ vai phải và sáu tên còn lại trên viên đá ở bờ vai trái (cf Xh 28, 6-14). Tên của 12 chi tộc nhà Israel cũng được ghi trên túi đeo trước ngực (cf. Xh 28,21). Điều đó có nghĩa là tư tế cử hành hy lễ mang trên vai dân được trao phó cho mình và cùng lúc mang lấy những cái tên được ghi khắc trong tim. Khi chúng ta mặc vào mình chiếc áo lễ khiêm nhượng chúng ta có thể cảm nhận rõ trên vai và trong tim của chúng ta gánh nặng và khuôn mặt của các tín hữu, của các Thánh và của các vị tử đạo, có rất nhiều vị như thế trong thời chúng ta!

Từ vẻ đẹp của các vật dụng trong phụng vụ, những vật dụng này không chỉ dùng để trang trí hay vì sở thích đối với những phẩm phục, nhưng chúng còn biểu lộ sự hiện diện của vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng giữa dân sống động và an ủi, giờ đây chúng ta cùng nhau xem xét đến tác động của những vật dụng này! Dầu quý xức trên đầu Aharon không chỉ nhằm giúp ông tỏa hương thơm nhưng dầu đó phải được phân phát và đi đến tất cả những vùng xung quanh. Thiên Chúa sẽ nói điều đó một cách rõ ràng: Aharon được xức dầu là để phục vụ người nghèo, người bị cầm tù, bệnh nhân, người sầu muộn và cô đơn. Anh em thân mến, việc xức dầu không nhắm đến việc làm cho chúng ta tỏa hương thơm và càng không phải để cho chúng ta cất giữ trong bình vì dầu sẽ trở nên hôi … và con tim sẽ trở nên cay đắng.

Người ta nhận ra người mục tử tốt lành qua cách thế mà người đó xức dầu cho dân; đó là bằng chứng hiển nhiên. Khi các tín hữu của chúng ta nhận dầu thơm hoan lạc, chúng ta nhận ra ngay điều đó: ví dụ khi họ ra khỏi nhà thờ sau khi kết thúc Thánh Lễ với khuôn mặt của những người đã được đón nhận Tin Mừng. Các tín hữu của chúng ta vui mừng đón nhận Phúc Âm được rao giảng với sự xức dầu, họ cảm thấy vui mừng khi Tin Mừng chúng ta loan báo đi vào cuộc sống thường nhật của họ. Khi Tin Mừng chạm thấu tới những cùng tận của thực tại như dầu Aharon, khi Tin Mừng chiếu tỏa vào những tình cảnh đen tối, những vùng ngoại vi mà dân phải đối phó với sự xâm chiếm của những người muốn cướp phá đức tin. Các tín hữu cảm ơn chúng ta về những điều đó, vì họ cảm nhận rằng chúng ta đã cầu nguyện với những thực tại từ đời sống thường nhật của họ, nỗi vất vả và niềm vui của họ, nỗi lo sợ và niềm hy vọng của họ. Và khi họ cảm thấy hương thơm của Đấng được xức dầu là Đức Kitô đến với họ thông qua chúng ta, họ được khích lệ khi thổ lộ điều mà họ muốn dâng lên Thiên Chúa: “Thưa cha, xin cha cầu nguyện cho con, vì con gặp phải vấn đề như thế này…”, “xin cha chúc lành cho con”, và “xin cầu nguyện cho con”, là những dấu chỉ về việc xức dầu đi tới những tua áo vì việc xức dầu được biến chuyển thành lời cầu xin, lời cầu xin của dân Thiên Chúa. Khi chúng ta ở trong tương quan này với Thiên Chúa và với dân của Ngài và khi ân sủng này được trao ban ngang qua chúng ta, lúc đó chúng ta là linh mục, là người trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phải luôn làm sống lại ân sủng này và biện phân đối với mỗi lời cầu xin, đôi khi là không thích hợp , đôi khi chỉ mang tính vật chất hoặc ngay cả rất tầm thường- nhưng lời cầu xin chỉ có vẻ bề ngoài như thế, ước muốn của các tín hữu là được đón nhận sự xức dầu bằng dầu thơm vì họ biết rằng chúng ta giữ loại dầu thơm đó. Đoán định và cảm nhận theo cách của Chúa nỗi lo âu nhưng tràn đầy niềm hy vọng của người phụ nữ bị băng huyết khi bà ta chạm vào tua áo của Ngài. Giai thoại ấy về cuộc đời của Chúa Giêsu khi Ngài hiện diện giữa dân chúng đang chen lấn nhau tứ phía thể hiện viên mãn vẻ đẹp của Aharon mặc phẩm phục tư tế với dầu thơm chảy lai láng trên phẩm phục của ông. Đó là một vẻ đẹp kín ẩn chỉ tỏa rạng dưới cặp mắt đức tin của người phụ nữ bị chứng băng huyết. Chính các môn đệ là những tư tế trong tương lai cũng không thấy và không hiểu về những vùng ngoại biên của cuộc hiện sinh, họ chỉ thấy tính chất bề mặt của đám đông đang chen lấn nhau tứ phía làm cho Đức Kitô nghẹt thở (x. Lc 8,42). Ngược lại, Thiên Chúa cảm nhận năng lực của Đấng được xức dầu thánh hiến đi đến những tua áo của Ngài.

Như thế, chúng ta phải có kinh nghiệm về việc xức dầu của chúng ta, sức mạnh và hiệu quả cứu độ của việc xức dầu đó đối với những ‘vùng ngoại vi’, những nơi có đau khổ, có máu đổ, có người mù khao khát được thấy, có những tù nhân của biết bao chủ nhân xấu xa. Một cách chính xác, không phải trong sự tự kinh nghiệm hoặc những sự nội tỉnh được lặp đi lặp lại mà chúng ta gặp Thiên Chúa: những lớp học dạy cho chúng ta biết tự lực có thể là hữu ích, nhưng sống đời sống linh mục bằng cách đi từ lớp này đến lớp khác, từ phương pháp này đến phương pháp khác sẽ đẩy chúng ta đi đến chỗ trở thành những người theo lạc thuyết Pélage, đẩy chúng ta đi đến chỗ giảm nhẹ sức mạnh của ân sủng vốn luôn được hiện tại hóa và tăng trưởng theo mức độ, theo đó, với đức tin chúng ta ra khỏi chính mình để trao ban chính chúng ta và để trao tặng Tin Mừng cho tha nhân và để trao ban một ít dầu cho những người không có gì cả.

Linh mục nào ít ra khỏi chính mình, xức dầu một cách dè sẻn, – tôi không nói là ‘không bao giờ’, vì, nhờ vào ơn Chúa, các tín hữu của chúng ta, sẽ ‘lấy trộm’ sự xức dầu, thì linh mục ấy sẽ đánh mất điều tốt lành nhất từ dân của chúng ta, sẽ mất đi khả năng khơi dậy phần sâu xa nhất trong tâm hồn tư tế của mình. Ai không ra khỏi chính mình, thay vì là một người trung gian, dần dần biến thành người môi giới, người quản lý. Tất cả chúng ta biết được sự khác biệt: người môi giới và người quản lý ‘đã nhận được phần thưởng của họ’, và vì họ không trả giá bằng chính họ lẫn bằng con tim của họ, họ cũng không nhận một lời tri ân trìu mến đến từ con tim. Từ đó xảy đến một cách chắc chắn sự không thỏa mãn nơi một số linh mục, những linh mục này cuối cùng cảm thấy buồn và trở thành những nhà sưu tập đồ cổ hay những đồ mới thay vì là những mục tử thấm nhập vào ‘mùi của đàn chiên mình’ – tôi yêu cầu anh em điều đó: hãy là những mục tử mang lấy ‘mùi của đàn chiên mình’, ước gì mùi này được cảm nghiệm thấy – hãy là những mục tử ở giữa đàn chiên mình và những ngư phủ đánh lưới người. Qủa vậy, cuộc khủng hoảng căn tính linh mục được nói ở trên đe dọa tất cả chúng ta và nhập vào cuộc khủng hoảng văn minh; nhưng nếu chúng ta biết vượt qua làn sóng này, chúng ta có thể ra khơi nhân danh Thiên Chúa và thả lưới. Thật là tốt khi thực tại thúc đẩy chúng ta đi tới tình trạng đang có hiện nay nhờ ân sủng, thực tại ấy xuất hiện rõ ràng như ân sủng thuần túy, trên biển trần thế này mà việc xức dầu là đáng kể chứ không phải là chức vụ và lưới thả xuống chỉ được đầy cá khi nhân danh Đấng mà chúng ta tín thác, đó là Đức Giêsu.

Anh chị em tín hữu thân mến, hãy luôn ở gần những linh mục của anh chị em bằng tâm tình trìu mến và bằng lời cầu nguyện để các vị luôn là những mục tử theo lòng Chúa mong ước.

Anh em linh mục thân mến, xin Thiên Chúa canh tân trong chúng ta Thần Khí Thánh Thiện mà nhờ đó chúng ta được xức dầu, xin Ngài canh tân điều đó trong tâm hồn chúng ta để sự xức dầu đó đi tới tất cả mọi người, cả những người ở ‘ngoại vi’ nữa, nơi mà dân Thiên Chúa cần nhất và mến chuộng. Ước gì các tín hữu của chúng ta cảm nhận thấy chúng ta là môn đệ của Chúa; ước gì họ hiểu rằng chúng ta mặc lấy những phẩm phục có tên của họ, và ước gì chúng ta không tìm kiếm căn tính nào khác. Ước gì họ có thể đón nhận qua lời nói và hành động của chúng ta dầu thơm hoan lạc mà Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa xức dầu đã đến trao ban cho chúng ta. Amen.

Giuse Nguyễn Xuân Phong

chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31