THÓI LƯỜI BIẾNG, NGUỘI LẠNH TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

Written by xbvn on Tháng Năm 21st, 2021. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Tý Linh

LTS. Nhân bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 19/5/2021 nói về thói lười biếng, nguội lạnh, một trong bảy tội đầu mối, chúng tôi giới thiệu bài tìm hiểu về « tội đầu mối » này trong khóa học tìm hiểu « Bảy tội đầu mối ». Gọi là « đầu mối » vì từ nó sinh ra những tật xấu khác…

THÓI LƯỜI BIẾNG, NGUỘI LẠNH

Thói nguội lạnh (acédie) cũng thường được gọi là thói lười biếng (paresse). Danh sách 7 tội đầu mối của Evagre hay của Cassien chỉ dùng từ « akèdia ». Chỉ khoảng đến thời Phục Hưng mà từ « akèdia » dần dần biến mất, nhường chỗ cho từ « lười biếng ». Tuy nhiên, trên thực tế, còn hơn cả lười biếng, nội dung của thói nguội lạnh còn rộng lớn hơn nhiều và do đó, nghiêm trọng hơn cả thói lười biếng. Đây là tật xấu trong lãnh vực thiêng liêng.

Kẻ lười biếng là gì ? Đó là người có can đảm không giả vờ làm việc !!! Kẻ lười biếng không phải là kẻ không làm gì, nhưng là kẻ chỉ làm những gì nó muốn !!!

Thói nguội lạnh là gì ?

Từ tiếng Pháp « acédie » (nguội lạnh) được dịch từ tiếng Hy Lạp « akèdia ». Từ ngữ này biểu lộ một tình trạng vốn sinh ra nhiều khía cạnh như sự mệt mỏi chán nản, sự buồn phiền, uể oải, lười biếng, nhàm chán… Từ ngữ này trong tiếng Latinh (accidia) được định nghĩa là « tristitia de bono divino » : buồn bực/nhàm chán trong lãnh vực thiêng liêng, về những điều thuộc Thiên Chúa.

Ngay cả trong tiếng Pháp cũng không thể dịch chính xác từ « akèdia » theo nghĩa mà Evagre mặc cho nó : buồn phiền, chán nản, lười biếng, đờ đẫn, chán ngấy…

Evagre định nghĩa thói nguội lạnh như sau : « Quỷ nguội lạnh, còn được gọi là « quỷ ban trưa[1] », là quỷ nặng nề nhất ; nó tấn công đan sĩ vào khoảng giờ thứ tư và bủa vây tâm hồn cho đến giờ thứ tám[2]. Trước tiên, nó làm cho mặt trời có vẻ di chuyển chậm chạp, hay bất động, và ngày sống dường như có đến năm mươi giờ đồng hồ. Tiếp đến, nó buộc vị đan sĩ không ngừng hướng ra cửa sổ, nhảy ra khỏi phòng mình, quan sát mặt trời để xem mặt trời xa giờ thứ chín[3] chưa, và nhìn bên này bên kia xem liệu có người anh em nào của mình không…Ngoài ra, nó làm cho người đan sĩ cảm thấy chán ghét đối với nơi mình ở, đối với chính bậc sống của mình, đối với công  việc tay chân, và, hơn nữa, ý tưởng rằng đức ái đã biến mất nơi các anh em, rằng không có ai để an ủi mình. Và nếu có ai, trong những ngày đó, làm cho vị đan sĩ buồn, thì ma quỷ cũng dùng điều đó để gia tăng sự chán ghét của người ấy. Vì thế, nó làm cho người đan sĩ thèm ở những nơi khác, nơi mà họ sẽ có thể tìm thấy cách dễ dàng những gì mà họ cần, và làm một nghề ít vất vả hơn và sinh lợi nhiều hơn ; nó còn thêm rằng làm vui lòng Thiên Chúa không phải là chuyện chỗ ở : quả thế, nó bảo có thể thờ phượng Thiên Chúa khắp nơi. Nối kết vào đó việc nhớ nhung người thân và cuộc sống của mình trước kia, nó làm cho vị đan sĩ thấy cuộc sống dài đăng đẳng, đặt ra trước mặt họ những mệt mỏi của cuộc sống khổ hạnh ; và, như người ta nói, nó bày ra đủ mưu kế để vị đan sĩ bỏ phòng ở của mình và chạy trốn giai đoạn này. Không còn con quỷ nào khác theo ngay sau con quỷ này : sau cuộc chiến đấu này tâm hồn sẽ cảm thấy bình an và một niềm vui khôn tả ».

Cassien gọi nguội lạnh là « nhàm chán hay khắc khoải tâm hồn. Là láng giềng với thói buồn chán, tên địch thủ này đặc biệt thử thách các ẩn sĩ, tấn công thường xuyên và dai dẳng hơn những ai ở trong nơi cô quạnh… ».

Thánh Tôma Aquinô đề nghị hai lối tiếp cận thói nguội lạnh bổ túc cho nhau.

Thói nguội lạnh, buồn chán về thiện hảo của Thiên Chúa (tristitia de bono divino)

Thói nguội lạnh đối lập với niềm vui mà sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn mang lại. Sự hiện diện đó chính là sự thiện hảo của Thiên Chúa.

Tội đầu mối này cắt đứt linh hồn khỏi Thiên Chúa. Niềm vui về sự hiện diện của Ngài nơi chúng ta bị dần dần tắt đi. Khi ấy, một sự buồn chán xâm chiếm tâm hồn. Nếu thói ganh ghét là sự buồn phiền không chịu được thiện ích của người khác, thì thói nguội lạnh là sự buồn chán không chịu được thiện ích của Thiên Chúa nữa. Nó tấn công đức tin, đức cậy, đức mến, nó khước từ sự hiệp thông với Thiên Chúa. Đời sống nội tâm trở nên khô cằn, vô vị. Thánh lễ chán ngắt, cầu nguyện chán ngấy.

Thói nguội lạnh, chán ngấy hành động

Thánh Tôma còn thêm vào một định nghĩa khác về thói nguội lạnh : chán ngấy hành động. Sự hiểu sai tồi tệ nhất là hạn chế sự chán ngấy này thành lười biếng. Hành động chỉ được giảm thiểu thành công việc/lao động trong viễn ảnh marxit hay tự do. Đối với thánh Tôma, hành vi nhân linh trước tiên không được hiểu từ nguồn mạch của nó – tức là tự do – , nhưng từ mục tiêu của nó. Và không phải bất cứ mục tiêu nào : cứu cánh hàng đầu, tối hậu : Hạnh phúc. Con người luôn hành động để sống hạnh phúc : nó tìm sự thiện hoàn hảo, trọn vẹn.

Sự thiện duy nhất làm no thỏa tất cả các ước muốn của ta là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Lưu ý rằng mục đích này không chỉ bên ngoài, nhưng trước tiên nó ở nội tâm. Trong mỗi con tim đều đập nhịp ước ao nhìn thấy Thiên Chúa : « Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con khắc khoải bao lâu chưa nghỉ yên trong Chúa ».

Đối với Tin Mừng, không có nửa vời. Tất cả các hành động của chúng ta đều làm cho chúng ta gần hay xa với cứu cánh của chúng ta, sự kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, theo như chúng được sống hay không trong chân lý và tình yêu.

Hạnh phúc không phải là một tình trạng, nhưng là một hành vi. Nhiều người e sợ buồn chán ở trên trời bởi vì họ tưởng tượng hạnh phúc như là một tình trạng thụ động. Chúa Giêsu định nghĩa hạnh phúc : « Sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật ». Vậy mà, sự nhận biết cũng như tình yêu, là một hành vi. Hạnh phúc thiên đàng là năng động.

Không gì tệ hại hơn là sự chán ngấy hành động. Thói nguội lạnh không chỉ là một sự chuyển sang tình trạng trống rỗng ; sâu xa hơn, nó là một sự từ chối Hạnh Phúc.

+ Thói nguội lạnh thiêng liêng :

Thánh Gioan Thánh Giá, trong chương 7 của cuốn « Đêm Dày », đã mô tả tình trạng lười biếng thiêng liêng này như sau : « Những người mới bắt đầu cảm thấy chán với những việc có tính tâm linh nhất và trốn tránh những sự việc ấy bởi vì chúng đi ngược lại với các thích thú khả giác. Vì đã quen chạy theo hương vị của việc tâm linh, nên hễ không tìm được hương vị nơi các việc ấy là họ đâm chán…Và như thế, đang khi con đường hoàn thiện chính là sự từ bỏ ý riêng và sở thích vì Thiên Chúa thì, do tật lười biếng này, họ xem nhẹ con đường ấy để chạy theo sở thích và hương vị của ý riêng, và như vậy họ tìm thỏa mãn ý riêng hơn là ý Thiên Chúa ».

« Những người ấy cũng cảm thấy chán khi người ta truyền bảo họ một điều gì đó mà họ không thích. Và bởi cứ lo tìm kiếm sự thoải mái và hương vị tâm linh, nên họ rất ươn hèn khi phải mạnh mẽ phấn đấu trên đường hoàn thiện. Họ giống như những người được nuôi nấng trong sự xa hoa ủy mị, luôn buồn bã chạy trốn tất cả những gì là vất vả và cảm thấy khó chịu với thập giá vốn là nơi ấp ủ những hoan lạc tâm lình. Gặp những chuyện càng có tính cách tâm linh, họ càng chán, bởi họ chỉ muốn bước đi trên đường tâm linh cách thoải mái và hợp với sở thích ý riêng họ. »

Hệ tại điều gì nó là một tội đầu mối ?

Thánh Grêgôriô Cả liệt kê hậu quả của nguội lạnh là các tình trạng : thất vọng, chán nản, nhăn nhó, cay đắng, thờ ơ, ngủ gật, nhàm chán, lẩn trốn chính mình, chán chường, tò mò, chia trí, thích nói chuyện tào lao, tâm trí và thân xác không yên, bất thường, vội vàng, lừng khừng. Nguội lạnh là cám dỗ lớn nhất của các ẩn sĩ. Với nó, hoặc sống hoặc chết. Mọi sự đều được đặt thành vấn đề, hứng khởi nội tâm rơi rụng, tâm hồn xem ra bị bệnh trầm kha, bị chao đảo.

Nguội lạnh tương ứng với điều mà M.-L. von Franz gọi là « mất linh hồn ». « Mất linh hồn được thể hiện dưới hình thức uể oải chán chường, chúng thình lình tấn công. Đương sự không còn cảm thấy muốn sống chút nào, cảm thấy trống rỗng, mất hết mọi năng động, mọi sự xem ra mất hết ý nghĩa ». Von Franz giải thích tình trạng này là do phần lớn năng lượng tâm lý trong vô thức bị trôi đi, cái tôi không còn chỗ đứng nữa. Năng lượng này được lôi kéo bằng một mặc cảm vô thức.

Đối với André Louf, nguội lạnh là một « loại chóng mặt đứng trước vực thẳm hư không giữa linh hồn và Thiên Chúa, bất lực trong việc vượt qua nó hay chịu đựng nó ». Trong nguội lạnh, vị đan sĩ kề cận với điên dại. « Trục trặc thiêng liêng hay suy yếu thể lý rình rập người đó. »

Kẻ nguội lạnh phạm tội trước tiên bằng thói hoãn lại hôm sau những gì phải làm hôm nay. Một tội nối kết việc thiếu khôn ngoan và bất công. Họ quên đi « bổn phận bậc sống » của mình.

Vả lại, kẻ nguội lạnh là trái ngược với người sống khổ hạnh. Nó tìm kiếm những bù trừ khác nhau cho sự trống rỗng nội tâm của mình. Thú vui là một « tấm che lo âu » hữu hiệu. Bàn ăn và màn hình là hai thứ dễ tiếp xúc nhất (kẻ nguội lạnh thường nằm mệt mỏi rã rời trước tivi, nhấm nháp sôcôla và đậu phụng). Thói nguội lạnh là mẹ của mọi tật xấu.

Kẻ nguội lạnh đổi chác việc phụng sự Thiên Chúa với việc nô dịch cho thói náo động (activisme). Đức Hồng y Christoph Schönborn giải thích : « Cách đặc biệt, thói nguội lạnh trộn lẫn mặc cảm thất đoạt và tính hung hăng ». « Con quỷ » này được biểu lộ « dưới hình thức lười biếng thiêng liêng, nhưng cũng và đồng thời xuyên qua thói tìm kiếm tính náo động. […] Quỷ ban trưa cũng hiện diện trong đời sống chúng ta dưới những hình thức có thể được nhận thấy cách dễ dàng : trong sự sợ hãi thấy mình một mình đối diện với chính mình, sự sợ hãi bản thân, sợ thinh lặng. Thích nói dài dòng và tính tò mò là « những con đẻ » của thói nguội lạnh. Sau đây là những đứa con đẻ khác : sự náo động nội tâm, việc tìm kiếm liên miên sự mới lạ như là thế phẩm của lòng yêu mến Thiên Chúa và của niềm vui phục vụ ; tính bất thường, việc thiếu cương nghị trong những quyết định, sự dửng dưng đối với những điều thuộc đức tin, với sự hiện diện của Thiên Chúa, tính nhút nhát, mối oán hận rất hiện hành trong số chúng ta trong Giáo Hội và cho đến tính độc địa có suy nghĩ ».

Người ta phân biệt tật xấu nguội lạnh với chứng trầm uất : chứng trầm uất và tật xấu nguội lạnh giống nhau : đó là những buồn chán có cùng những triệu chứng – sự rầu rỉ, chán ngấy tất cả, bất khả hành động – và có thể xảy đến cùng thời điểm. Nhưng cần phân biệt chúng : chứng trầm uất là một căn bệnh, một sự dữ được chịu đựng ; thói nguội lạnh là một tội, một sự dữ có trách nhiệm. Trong chứng trầm uất, sự buồn chán đi kèm theo một sự bất lực hành động, đôi khi hoàn toàn. Trong thói nguội lạnh, sự buồn chán này là một sự chán ngấy hành động, nhưng khả năng hành động vẫn còn ; tìm kiếm thú vui duy nhất của mình, kẻ nguội lạnh hướng đến những hành động làm thỏa lòng mình. Thói nguội lạnh là một tật xấu « đối thần » : nó đập gãy đà năng động hướng đến Thiên Chúa, nó làm cho chúng ta tuyệt vọng không thể thực hiện được ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta. Chứng trầm uất không chạm đến tức khắc tương quan với Thiên Chúa. Nó thường là hệ quả của một cú « sốc » tâm lý hay tình cảm, hệ quả của một vết thương sâu thẳm…Tiêu chí phân định sẽ là tình yêu. Có một sự sụt giảm tình yêu, việc trao ban chính mình, việc quên lãng chính mình hay không ? Nếu có, đó là tật xấu nguội lạnh. (xem Famille chrétienne, số 1207).

Nó giấu mình thế nào ?

+ Những biện minh : « Anh yêu em nhiều, em biết đó, anh thường nghĩ đến em trong công việc, khi lái xe, nhưng anh không có thời gian gọi điện cho em, viết thư cho em và ghé thăm em ». Tình yêu Chúa Kitô còn thúc bách tôi không ?

+ Thói quen : thói nguôi lạnh thấm dần dần mà đôi khi ta không biết.

+ Thói nguội lạnh được ghép với những vết thương…

Làm sao nhận ra nó ?

+ Thiếu kiên nhẫn : Đối với kẻ nguội lạnh, thời gian không chỉ dài dẳng, nhưng cực kỳ đơn điệu, buồn tẻ. Evagre mô tả: mặt trời chuyển động chậm chạp hay bất động.

+ Tính không ổn định/ không định cư : đổi chỗ ở, đổi nghề, đổi xứ…

+ Thích giải trí vô độ

Phương thuốc chữa trị

Từ Evagre, các đan sĩ đã cố gắng tìm phương thuốc chữa trị tật xấu này ; chúng được chứng thực bởi các thế hệ bậc thầy tu đức.

+ Tìm lại ơn gọi làm con Thiên Chúa : tìm lại niềm vui và lòng ước ao Thiên Chúa.

+ Sống giây phút hiện tại : kẻ nguội lạnh chạy trốn giây phút hiện tại và sống trong ảo tưởng, bỏ bê bổn phận bậc sống. Nó thích lý tưởng hóa qúa khứ hay mơ tưởng về tương lai.

+ Tái khám phá đời sống cầu nguyện : đừng chờ tìm lại được sở thích cầu nguyện để lại bắt đầu cầu nguyện ; chính khi cầu nguyện mà nó sẽ trở lại…hay không. Điều quan trọng là trung thành mỗi ngày.

+ « Ở trong phòng của mình »: việc thay đổi bên ngoài không dẫn đến thay đổi bên trong. « Không phải nơi chốn mà cần phải thay đổi, nhưng là tâm hồn ». Ở nơi nào chúng ta đang ở khi sự nguội lạnh ập đến.

+ Kiên trì : chính sự kiên trì đánh bại con quỷ tuyệt vọng này. Kiên trì trong việc cầu nguyện và bổn phận bậc sống. « Sự kiên trì đã là một hình thức hy vọng » (Christoph Schönborn). Các nhà tu đức gọi phương thuốc này là « hypomonè », nghĩa đen là « vẫn ở dưới cái ách ».

+ Hành động kịp thời : hãy ngưng hoãn lại những quyết  định quan trọng. Hãy lên danh sách những điều quan trọng, cấp bách.

+ Tránh thói nhàn cư vi : thói nhàn cư vi là mẹ của mọi tật xấu. Các Giáo Phụ sa mạc đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công việc tay chân đối với các đan sĩ và cấm các tập sinh ở rỗi : « Người đan sĩ làm việc thì bị cám dỗ bởi một con quỷ mà thôi, nhưng người nào nhàn cư vi là mồi ngon cho vô số quỷ » (Cassien). Đức Gioan XXIII khuyên : « Tôi phải làm mỗi thứ, đọc mỗi kinh nguyện, giữ mỗi luật lệ, như thể tôi không có gì khác phải làm, như thể Chúa đã cho tôi chào đời chỉ để làm tốt hành động đó… ».

+ Đừng đặt lại vấn đề những cam kết, dấn thân : kẻ nguội lạnh thường hối tiếc việc dấn thân , cam kết .

+ Sự đồng hành của một cha linh hướng.

+ Suy niệm thánh giá :  Trong vườn Cây Dầu, đang khi các môn đệ ngủ, thì Chúa Giêsu bị nỗi buồn, lo âu xâm chiếm. Ngài đã chiến thắng cơn cám dỗ bằng cách hoàn toàn chấp nhận thánh ý Cha. Chính vì những lười biếng, những chán ngấy hành động của chúng ta mà Chúa Giêsu chấp nhận hấp hối.

Évagre và các nhà tu đức cho thấy những ai vượt qua được cơn khủng hoảng này mà vẫn bền đỗ sẽ cảm nghiệm được niềm vui và bình an nội tâm sâu xa : « Không còn con quỷ nào khác theo ngay sau con quỷ này : sau cuộc chiến đấu này tâm hồn sẽ cảm thấy bình an và một niềm vui khôn tả ».

——————————–

Các tài liệu được dùng trong môn này :

  1. Dictionnaire de spiritualité ascétique et mystique.
  2. Christian Poirier, Le combat spirituel : de l’ombre à la lumière, Salvator, 2008.
  3. Le Combat spirituel, coll. Christus, số 215, tháng Bảy năm 2007.
  4. Xavier Thévenot, Les péchés, que peut-on en dire?, Salvator, 1983 (bản Việt ngữ « Tội lỗi, trình bày về tội cho người hôm nay » do nhóm Tủ Sách Chuyên Đề chuyển ngữ).
  5. Pascal Idé, Les 7 péchés capitaux, Mame-Edifa, (xuất bản từ 2003?).
  6. Tomáš Špidlík, La spiritualité de l’orient chrétien, OCA. 206 – Rome (1978).
  7. Anselm Grün, Aux prises avec la mal, éd. Abbaye de Bellefontaine, 1990 ? (bản Việt ngữ « Đương đầu với sự dữ», xuất bản năm 2009, do Trần Thiên An chuyển ngữ).
  8. James F. Keenan, Les vertus, un art de vivre, coll. Tout Simplement, Ed. Atelier, 2002.
  9. Hugues de Saint-Victor, Six opuscules spirituels, SC, số 155.
  10. Evagre Le Pontique, Traité pratique, SC, số 171.
  11. Jean Cassien, Institutions cénobitiques, SC, số 109.
  12. Jean de la croix, Nuit obscure (bản dịch Việt ngữ « Đêm Dày» của Nguyễn Uy Nam và Trăng Thập Tự).
  13. Servais Pinckaers, Le renouveau de la morale, Pierre Téqui, 1978.
  14. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo.
  15. Jordan Aumann, Thần học về đời sống tâm linh, Londres, 1993.

….

—————

Lm. Võ Xuân Tiến tổng hợp và biên soạn

——————————–

[1] Thành ngữ « Quỷ ban trưa » được rút ra từ thánh vịnh 90,6 : « Cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa.» 

[2] Tức hai giờ trước buổi trưa và hai giờ sau buổi trưa. Cassien nói đến giờ thứ sáu, tức là ban trưa.

[3] Giờ thứ chín là giờ bình thường của bữa ăn. Theo các Rabbi Do Thái, quỷ Qétéb (quỷ ban trưa trong bản Bảy Mươi) cũng hoành hành từ giờ thứ tư đến giờ thứ chin.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31