THÔNG ĐIỆP PACEM IN TERRIS, 60 NĂM VÀ MỘT DI SẢN NGOẠI GIAO VẪN CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ

Written by xbvn on Tháng Tư 11th, 2023. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Sáu mươi năm trước, thông điệp cuối cùng của Đức Gioan XXIII ra đời vào ngày 11/4/1963. Thông điệp phản ảnh ý muốn của Giáo hội dấn thân cho hòa bình thế giới. Ra đời hai tháng trước khi Đức Giáo hoàng Roncalli qua đời, Thông điệp được coi là di chúc của Đức Gioan XXIII. Trao đổi với Pierre de Charentenay, s.j., về tính thích đáng của bản văn này trong việc tìm kiếm hòa bình hiện nay. Cuộc phỏng vấn do Delphine Allaire thực hiện.

Đức Gioan XXIII ký Thông điệp “Pacem in terris”, ngày 11/4/1963, Thứ Năm Tuần Thánh

« Pacem in terris » (« Hòa bình dưới thế »), một Thông điệp về hòa bình giữa các dân tộc và quốc gia, sẽ đánh dấu 60 năm ra đời vào ngày 11/4/2023. Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn rộng rãi Thông điệp này trong diễn văn cho ngoại giao đoàn tại Tòa Thánh, vào ngày 9/1/2023.

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, bản văn lịch sử này của « vị Giáo hoàng tốt lành » Roncalli vang vọng vào thời kỳ hiện tại, bị đe dọa bởi các mối đe dọa hạt nhân giống như năm 1963. Giải mã văn kiện quan trọng này đối với hoạt động ngoại giao của các Giáo hoàng thế kỷ XX và XXI, với cha Pierre de Charentenay, nhà xã hội học và chính trị học, Giám đốc Học viện Công giáo Địa Trung Hải ở Marseille.

Delphine Allaire : Đâu là nguồn gốc và bối cảnh của Thông điệp « Pacem in terris » ?

Pierre de Charentenay : Thông điệp có bối cảnh lịch sử nguy hiểm và đầy vấn đề : việc dựng lên bức tường Berlin vào năm 1961, cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba vào năm 1962 ; Nikita Khrouchtchev muốn đặt tên lửa hạt nhân ở Cuba, điều mà tổng thống John F. Kennedy không thể chấp nhận. Do đó, mối đe dọa hạt nhân đã lên đỉnh điểm. Bởi thế, Đức Gioan XXIII  muốn bản văn này để chuẩn bị dư luận cho việc tìm kiếm hòa bình cách sâu xa. Vào năm 1963, chúng ta cũng đang ở giữa Công đồng Vatican II. « Pacem in terris » là một văn kiện quan trọng ở chỗ nó phản ảnh tất cả những sự kiện này.

Delphine Allaire : Trong Thông điệp này, Đức Gioan XXIII đề xuất quan niệm nào về hòa bình dưới mọi hình thức của nó, đâu là lập luận của ngài ?

Pierre de Charentenay : Ngài đề nghị một quan niệm rất rộng về hòa bình. Ở phần mở đầu, ngài giải thích rằng hòa bình là một cảm xúc cá nhân và nội tâm, được sống bởi các cá nhân, nhưng nó cũng bao hàm kiểu các quan hệ có thể tồn tại giữa các nước mà, nếu  chúng xấu đi, có thể biến thành chiến tranh. Một tầm nhìn rất rộng về hòa bình mà Đức Gioan XXIII sẽ làm cho tinh tế hơn để chủ yếu hướng đến hòa bình quốc tế và hòa bình giữa các nước khác nhau, trong đó ngài đưa ra những điều kiện căn bản : sự thật, công lý, bác ái, tự do.

Delphine Allaire : Thông điệp tìm thấy chỗ đứng nào trong học thuyết xã hội của Giáo hội ?

Pierre de Charentenay : Nó có một chỗ đứng rất đặc biệt theo nghĩa là nó có những sáng kiến đáng kể. Đầu tiên là mối tương quan với nhân quyền. Nhân quyền luôn biểu lộ một khó khăn đối với Giáo hội, vốn thường lên án nó. Vào năm 1948, Liên hiệp quốc đã viết một tuyên ngôn về nhân quyền, và đó sẽ là lần đầu tiên Giáo hội, qua tiếng nói của Đức Gioan XXIII, bày tỏ lập trường về tuyên ngôn 1948 này, khẳng định rằng đó là một bước rất quan trọng hướng đến một trật tự pháp lý của cộng đồng quốc tế. Ngài nhận thấy bản văn này rất tích cực, đang khi trước đó Giáo hội nuôi dưỡng một thứ sợ hãi rằng nhấn mạnh nhân quyền đồng nghĩa với việc xóa bỏ các quyền của Thiên Chúa. Thế nhưng, không phải như thế.

Đức Gioan XXIII sẽ nhấn mạnh nhiều đến bổn phận của người Kitô hữu, bổn phận của mọi người, vì thông điệp này được gởi đến mọi người. Việc đề cập đến nhân quyền và sự phát triển xung quanh tuyên ngôn 1948 này là một giai đoạn rất quan trọng đối với Giáo hội.  Đức Gioan Phaolô II đã minh nhiên về chủ đề này, nhắc đến nó nhiều lần. Nguồn gốc Ba Lan của ngài trong chế độ marxít, nơi nhân quyền và tự do không được tôn trọng chút nào, cho thấy rằng chính ngài đã ủng hộ những gì Đức Gioan XXIII đã cưu mang, để củng cố công việc này của các Kitô hữu nhằm bảo vệ nhân quyền. Các Kitô hữu có phần của họ ở đó và phải làm việc ở đó.

Delphine Allaire : Đâu là những điểm canh tân của Thông điệp ?

Pierre de Charentenay : Nó cũng canh tân về vấn đề các thể chế quốc tế. Đức Gioan XXIII sẽ nói đến một thẩm quyền thế giới do Liên hiệp quốc đại diện, mà Đức Thánh Cha  khích lệ công việc của tổ chức này, dù hoàn toàn ý thức về những giới hạn của nó. Những vấn đề xung quanh một thẩm quyền thế giới đã từng được thảo luận, bởi Đức Piô XII, bởi tu sĩ dòng Tên Taparelli. Có một truyền thống nhỏ về thẩm quyền thế giới này mà Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã dựa vào và cố gắng trình bày chi tiết, biết rằng Liên hiệp quốc không hoàn toàn đáp ứng những gì ngài mong muốn. Liên hiệp quốc là một hội đồng của các quốc gia vốn chỉ vận hành nếu có thiện chí từ phía mọi người. Tuy nhiên, một số cường quốc vẫn luôn có bản năng của các cường quốc, như đã từng xảy ra trong thời chiến tranh lạnh. Đồng thời, Liên hiệp quốc cũng có những giới hạn, Đức Thánh Cha ý thức điều đó, và đồng thời, đó là nơi duy nhất có thể có một thẩm quyền thế giới.

Delphine Allaire : Việc tiếp nhận bản văn này trong Giáo hội và trong giới quốc tế như thế nào ?

Pierre de Charentenay : Nó đã khơi lên những phản ứng rất tích cực. Đức Thánh Cha đề cập một chủ đề được mọi người quan tâm, một cách tích cực, không kết án ai, vì thế nó đã có một tác động đáng kể, đặc biệt hơn nữa vì thời điểm này căng thẳng về các vấn đề căn bản như năng lượng hạt nhân. Vào năm 1962, thế giới đang bên bờ vực của một cuộc xung đột hạt nhân có thể xảy ra, vì thế, việc Giáo hội nắm bắt chủ đề này và Đức Thánh Cha đưa ra những đường hướng làm việc chống lại cuộc chiến tranh hạt nhân này rõ ràng là rất thú vị.

Delphine Allaire : Sáu mươi năm sau, dưới ánh sáng của thời đại chúng ta và các cuộc chiến tranh của nó, làm thế nào Đức Thánh Cha Phanxicô có thể làm cho bản văn này lên tiếng ? Liệu thời đại chúng ta có thể lắng nghe ngài không ?

Pierre de Charentenay : Hơn bao giờ hết. Giải trừ quân bị là điều cần thiết, văn hóa nhân quyền đã được thiết lập, nhưng đôi khi nó bị chà đạp bởi việc dùng vũ lực của một số nước. Cuộc chiến tranh ở Ucraina mời gọi suy tư về hòa bình, và cho chúng ta thấy sự phức tạp của suy tư này : cần thiết biết bao để nhắc nhở cho những kẻ hiếu chiến  tôn trọng các vấn đề công lý, tự do, sự thật. Sự lặp lại này về phía Giáo hội là điều cần thiết.

Delphine Allaire : Hệ tại điều gì mà giáo huấn của « Pacem in terris » mang tính ngôn sứ và có tầm nhìn ?

Pierre de Charentenay : Đức Gioan XXIII là nguồn gốc của một bước ngoặt thực sự trong Giáo hội. Ngài đưa ra một lập trường mà sau đó đã được Đức Phaolô VI làm rõ : « Giáo hội, chuyên viên về con người », mà có thể nói về suy tư cơ bản, mời gọi mọi người tự vấn về thực hành của mình và về việc xây dựng một thế giới có thể tốt đẹp hơn. Ở đó, có một sự mới mẻ của Đức Gioan XXIII vốn sẽ được Công đồng lấy lại, đặc biệt trong « Gaudium et spes », một đại Hiến chế về mối tương quan với thế giới.

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican News)

Tags: , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31