THƯ CỦA BỘ GIÁO SĨ GỞI CÁC CHỦNG SINH NHÂN NGÀY THÁNH HÓA LINH MỤC: GIÁO HỘI CẦN CÁC LINH MỤC, NHƯNG KHÔNG PHẢI BẤT CỨ LOẠI LINH MỤC NÀO!
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu (7.6.2013)
Các chủng sinh rất thân mến,
Với lễ trọng thể Thánh Tâm Chúa Giêsu, được cử hành cách có ý nghĩa vào Ngày Thánh Hóa Linh Mục và vì quý thầy đang ở chủng viện để đáp lại ơn gọi theo cách thích đáng nhất có thể, nên tôi trìu mến gởi đến quý thầy lá thư này để quý thầy cảm thấy mình có liên hệ đến và quý thầy biết rằng chúng tôi nghĩ đến quý thầy vào dịp quan trọng này.
Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về thực tại nguyên thủy của ơn gọi thần linh. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến đặc tính cụ thể của tình yêu mà tất cả các linh mục của Chúa Kitô và Giáo Hội đều phải thực hành. Trong bài giảng nhân dịp Thánh Lễ Dầu đầu tiên của ngài (28.3.2013), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói : « Tôi xin quý cha điều này : hãy trở thành những mục tử với « hương thơm của đoàn chiên » ». Xuyên qua hình ảnh đầy gợi ý này, Đấng kế vị thánh Phêrô mời gọi chúng ta có một tình yêu mãnh liệt và cụ thể đối với Dân Thiên Chúa, tình yêu mà, như Đức Thánh Cha nhận xét, không được nuôi dưỡng bằng những động cơ thuần túy nhân loại, cũng không được củng cố xuyên qua các kỹ thuật tự ám thị. Đó là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa, là ý thức luôn luôn sống động được Ngài kêu gọi, Đấng ban sức mạnh trỗi vượt, siêu nhiên thực sự, vốn cho phép trở thành linh mục theo hình ảnh của vị Mục Tử Tốt Lành của mọi người là Chúa Giêsu-Kitô. Nhưng để mai ngày trở thành như thế, quý thầy phải chuẩn bị từ hôm nay. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở bằng những từ ngữ rất rõ ràng tính trỗi vượt của ân sủng trong đời sống linh mục : « Không phải trong sự tự-trải nghiệm hay sự nội quan lặp đi lặp lại mà chúng ta gặp gỡ Chúa : các môn học để giúp cho bản thân trong cuộc sống có thể là hữu ích, nhưng sống đời sống linh mục của chúng ta bằng việc chuyển từ môn này sang môn khác, từ phương pháp này đến phương pháp khác, sẽ đẩy đến chỗ trở thành những Pêlagio khác, đến chỗ tối thiểu hóa sức mạnh của ân sủng » (ibidem).
Đối với người môn đệ, bước đi với Chúa Kitô, bước đi trong ân sủng, có nghĩa là mang lên đôi vai mình, với một niềm vui thiêng liêng, sức nặng của thập giá linh mục. Hãy nghe tiếp giáo huấn của Đức Thánh Cha về vấn đề này : « Khi chúng ta bước đi không có thập giá, khi chúng ta xây dựng không có thập giá và khi chúng ta tuyên xưng một Chúa Kitô không có thập giá, thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa : chúng ta là người đời » (Bài giảng trong thánh lễ với các Hồng y, 14.3.2013). Trái lại, sống thừa tác vụ của chúng ta như là sự phục vụ Chúa Kitô của thập giá ngăn không cho xem Giáo Hội như là một tổ chức nhân loại, « một tổ chức phi chính phủ được tôn giáo gợi hứng, nhưng không phải là Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa » (ibidem).
Dưới ánh sáng của những giáo huấn đầu tiên này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi mời gọi quý thầy đọc lại cuộc đời các thầy như là một ân huệ của Thiên Chúa và, đồng thời, như là một nhiệm vụ được giao phó cho quý thầy không chỉ bởi những con người cho dù xuyên qua sự trung gian cần thiết của Giáo Hội, nhưng, xét đến cùng, bởi chính Chúa, Đấng có một kế hoạch cho cuộc sống của quý thầy và cuộc sống của các anh chị em mà quý thầy sẽ được kêu gọi phục vụ.
Cần thiết đọc lại toàn bộ cuộc sống của chúng ta không chỉ như là một lời đáp trả quảng đại của con người, điều đó rõ ràng rồi, nhưng như là một tiếng gọi của Thiên Chúa. Nó hệ tại vun trồng nơi chính chúng ta tính nhạy bén ơn gọi vốn giải thích cuộc sống như là một cuộc đối thoại liên lỉ với Chúa Giêsu phục sinh và hằng sống. Vào mỗi thời, Chúa Kitô đã và đang kêu gọi một số người bước theo Ngài cách sít sao hơn, cho họ dự phần vào chức tư tế của Ngài, điều đó ngụ ý rằng vào mỗi giai đoạn của lịch sử Giáo Hội, Chúa đã dệt nên một cuộc đối thoại ơn gọi với các tín hữu mà Ngài đã chọn để họ trở nên những vị đại diện của Ngài giữa Dân Thiên Chúa cũng như là những người trung gian giữa Trời và đất, cách riêng xuyên qua việc cử hành phụng vụ và bí tích. Quả thế, ta có thể nói về phụng vụ rằng nó mở rộng cửa Trời trên trần gian.
Trong viễn ảnh này, quý thầy được kêu gọi, qua việc phong chức mà không có công trạng gì, trở thành những trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài và làm cho khả thi cuộc gặp gỡ cứu độ xuyên qua việc cử hành các mầu nhiệm thần linh. Trước tiếng gọi này, quý thầy đã hân hoan và quảng đại đáp lại, bất chấp những giới hạn của mình. Điều quan trọng là quý thầy luôn giữ cho sống động sự trẻ trung của tâm hồn mình : « Chúng ta phải sống đức tin với một tâm hồn luôn trẻ trung : một tâm hồn trẻ trung, ngay cả ở tuổi 70 hay 80 ! Tâm hồn trẻ trung ! Cùng với Chúa Kitô, tâm hồn không bao giờ già đi ! » (Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá, 24.3.2013, số 3).
Sự trẻ trung của tâm hồn linh mục, cương nghị trong ơn gọi, được đảm bảo bằng đời sống cầu nguyện, tức là bằng một thái độ thinh lặng nội tâm liên lỉ được duy trì, vốn mỗi ngày làm cho việc lắng nghe Thiên Chúa dễ dàng hơn. Việc rộng mở tâm hồn liên lỉ này được tự nhiên thực hiện trong một sự vững chắc mà, một khi các quyết định căn bản của cuộc sống được đưa ra, có khả năng, với sự trợ giúp của ân sủng, trung thành cho đến lúc kết thúc cuộc sống trần thế với những cam kết long trọng được đưa ra. Nhưng sự vững chắc cần thiết này không ngụ ý một sự khép kín tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa, vì Chúa, Đấng củng cố chúng ta mỗi ngày trong ơn gọi căn bản, luôn đứng trước cửa tâm hồn chúng ta và gõ (x. Kh 3,20), chờ đợi chúng ta mở cửa cho Ngài bằng chính sự quảng đại qua đó chúng ta đã thưa với Ngài lời « xin vâng » đầu tiên của chúng ta, bắt chước sự ứng trực của Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa (x. Lc 1,38). Vì thế, chúng ta không bao giờ có thể hạn chế kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và thông ban cho chúng ta, ngày lại ngày, trong suốt cuộc đời chúng ta.
Sự rộng mở ơn gọi này cũng biểu lộ con đường chắc chắn nhất để sống niềm vui Tin Mừng. Quả thế, chính Chúa làm cho chúng ta thật sự hạnh phúc. Niềm vui của chúng ta không đến từ những thỏa mãn trần tục vốn vui vẻ trong chốc lát và biến mất nhanh chóng, như thánh Inhaxiô Loyola đã ghi nhận trong bài phân định thiêng liêng đầu tiên của ngài (x. Phụng vụ các Giờ Kinh, bài đọc Kinh Sách ngày 31.7, bài đọc II). Niềm vui của chúng ta, đó là Chúa Kitô ! Trong cuộc đối thoại thường ngày với Ngài, tinh thần được sinh động hơn và lòng nhiệt huyết được đổi mới không ngừng cũng như lòng nhiệt thành vì phần rỗi các linh hồn.
Chiều kích cầu nguyện này của ơn gọi linh mục còn nhắc chúng ta những khía cạnh quan trọng khác. Khía cạnh đầu tiên của tất cả, sự kiện là các ơn gọi đạt được không phải chủ yếu xuyên qua một chiến dịch mục vụ nhưng đặc biệt qua việc cầu nguyện. Đó là những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta : « Anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về » (Lc 10,2). Giải thích lời Tin Mừng này, Đức Bênêđictô XVI đã ghi nhận : « Chúng ta không thể chỉ « sản xuất » các ơn gọi, những ơn gọi này phải đến từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể chỉ tuyển lựa người ta, như có lẽ đó là trường hợp đối với các nghề nghiệp khác, xuyên qua sự tuyên truyền được đặt mục tiêu tốt, xuyên qua, có thể nói như thế, những chiến dịch thích đáng. Ơn gọi, đền từ trái tim của Thiên Chúa, phải luôn tìm thấy con đường của trái tim con người (Cuộc gặp gỡ với hàng Giáo sĩ Bavière, 14.9..2006). Các chủng sinh thân mến, quý thầy được Chúa kêu gọi, nhưng nhiều người khắp nơi trên thế giới đã và đang luôn cộng tác vào sự đáp trả của quý thầy bằng lời cầu nguyện và những việc hy sinh của họ. Quý thầy hãy ý thức biết ơn về điều đó và hãy kết hiệp với những người này để tạo điều kiện cho những lời đáp trả ơn gọi khác. Và rồi, tiếp theo sự trỗi vượt của việc cầu nguyện là hoạt động của một nền mục vụ ơn gọi lành mạnh, xác đáng và hăng hái từ phía Giáo Hội, xét như là máng chuyển thông ân sủng thần linh này. Liên quan đến sự cộng tác của Giáo Hội vào công trình của Thiên Chúa, Đấng ban các mục tử cho Dân Thiên Chúa và cho Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, đây là lúc nhắc lại cách rất vắn tắt một số nét vốn phân biệt sự cộng tác này, tức là : lòng quý trọng đối với các ơn gọi linh mục, chứng tá bằng đời sống của các linh mục, công việc đặc thù của các nhà đào tạo trong các chủng viện.
Trước tiên, trong Giáo Hội, cần có lòng quý trọng đối với ơn gọi linh mục, vì Cộng đoàn các môn đệ Chúa Kitô không thể tồn tại mà không có sự phục vụ của các thừa tác viên thánh thiện. Từ đó, cần phải chăm lo cho linh mục, sự quan tâm và kính trọng cần phải có đối với linh mục. Thứ đến, như ta biết, các ơn gọi dễ được nảy sinh nhờ mẫu gương và sự săn sóc của các linh mục . Thật khó việc một linh mục gương mẫu lại không khơi lên nơi tâm trí các bạn trẻ câu hỏi này : phải chăng tôi cũng không được kêu gọi đến một đời sống tốt đẹp và hạnh phúc như thế ? Chính theo cách này mà các linh mục là những máng qua đó Thiên Chúa làm vang vọng tiếng gọi thần linh trong tâm hồn của những ai Ngài đã chọn ! Tiếp đó, các linh mục sẽ săn sóc những mầm non ơn gọi mà các ngài khám phá nơi tâm hồn các bạn trẻ xuyên qua Bí tích Giải Tội, việc linh hướng, giảng dạy và hoạt động mục vụ. Về điều đó, tôi tin rằng nhiều người trong quý thầy là những chứng nhân và thụ nhân.
Tôi cũng xin nói một lời về vai trò quan trọng của các linh mục mà các Giám mục giao phó việc đào tạo quý thầy. Các nhà đào tạo ở các chủng viện được mời gọi tiếp tục và đào sâu sự săn sóc mà họ mang đến cho các ơn gọi linh mục và đồng thời cung cấp mọi sự giúp đỡ thích hợp cho việc phân định cần thiết của bản thân mỗi ứng viên. Về điểm này, cần phải nhắc lại hai nguyên tắc vốn phải hướng dẫn việc lượng giá ơn gọi : việc đón nhận thân tình và sự nghiêm nghị đúng đắn. Vả lại, nếu cần tránh mọi thành kiến cũng như mọi nhiệm nhặt khi đón nhận các chủng sinh, thì mặt khác, điều quan trọng là cẩn thận tránh mọi thái độ phóng túng và mọi sự chểnh mảng trong nhận xét dành cho họ. Chắc chắn Giáo Hội cần các linh mục, nhưng không phải bất cứ loại linh mục nào ! Tình yêu đón nhận do đó phải đi kèm chân lý phân định cách rõ ràng liệu, đối với một ứng sinh nào đó, có hay không những dấu hiệu của ơn gọi và những thành tố nhân bản cần thiết cho một sự đáp trả đáng tin cậy đối với ơn gọi. Tính cấp bách mục vụ của các Giáo Hội không thể khiến trao ban thừa tác vụ thánh cách vội vàng.Trái lại, trong trường hợp nghi ngại, tốt nhất là có thêm thời gian cần thiết và xúc tiến việc lượng giá được đòi hỏi mà không loại trừ việc khước từ các ứng viên nào không chứng tỏ những bảo đảm đủ.
Các chủng sinh rất thân mến, qua những chỉ dẫn vắn tắt này, một lần nữa tôi đã muốn lôi kéo sự quan tâm thiêng liêng của tôi đến ân huệ bao la và mầu nhiệm hoàn toàn nhưng không của ơn gọi đặc biệt của chúng ta. Chúng ta hãy phó thác cho sự cầu bàu của Đức Maria và thánh Giuse ân huệ trung tín và bền đỗ trong ơn gọi của Chúa vốn đã được ban cho chúng ta hoàn toàn do ân sủng của Ngài và chúng ta hãy tìm cách đáp lại sự rộng lượng của Chúa, Đấng luôn sai các mục tử đến với đoàn chiên của Ngài, với một nhiệt huyết tông đồ mới mẻ. Quý thầy hãy kiên trì và đồng thời luôn nhớ rằng tên gọi của tình yêu trong thời gian là « lòng trung tín ».
Mỗi ngày, tôi quan tâm và trìu mến nhớ đến quý thầy trong lời cầu nguyện của tôi và tôi hết lòng cầu xin phúc lành của Chúa xuống trên quý thầy !
Hồng y Mauro Piacenza
Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ
Tý Linh chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 2025: CHIA SẺ NIỀM HY VỌNG TRONG LÒNG ANH CHỊ EM MỘT CÁCH HIỀN HÒA
- PHỎNG VẤN ĐHY KOOVAKAD, NGƯỜI VỪA ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM TỔNG TRƯỞNG BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ