THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC LINH MỤC CỦA GIÁO PHẬN RÔMA
Anh em Linh mục thân mến,
Tôi mong muốn liên lạc với anh em với ý nghĩ về sự đồng hành và tình bằng hữu, mà tôi hy vọng sẽ nâng đỡ anh em khi anh em thi hành sứ vụ của mình, với không ít niềm vui và gánh nặng, hy vọng và thất vọng. Chúng ta cần trao nhau những cái nhìn đầy quan tâm và trắc ẩn, học nơi Đức Giêsu, Đấng vẫn nhìn các tông đồ của mình theo cách này, chứ không đòi hỏi nơi họ một thời biểu được đưa ra bởi tiêu chuẩn về hiệu quả, nhưng trao ban sự quan tâm và sự nghỉ ngơi. Vì thế, khi các Tông đồ trở về từ sứ vụ của mình, nhiệt thành nhưng cũng mỏi mệt, Thầy đã nói với họ: “Hãy ra một nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31).
Tôi nghĩ đến anh em, có thể vào lúc này, với những hoạt động mùa hè, cũng nghỉ ngơi đôi chút sau những gánh nặng mục vụ của những tháng ngày vừa qua. Và trước hết, tôi cũng muốn lặp lại lời cảm ơn của mình: “Cảm ơn vì chứng tá và sự phục vụ của anh em”. Cảm ơn vì điều tốt đẹp âm thầm anh em làm, và vì sự tha thứ và an ủi mà anh em trao ban nhân danh Chúa. Cảm ơn vì sứ vụ của anh em, thường được thực thi với nỗ lực lớn lao, nhưng lại ít được công nhận và không phải bao giờ cũng được hiểu” (Bài giảng Thánh lễ Dầu, 6 tháng 4 năm 2023).
Hơn nữa, thừa tác vụ mục tử không được đo lường bằng những thành công mục vụ (chính Chúa cũng ngày càng có ít hơn những thành công đó khi thời gian qua đi!). Trọng tâm cuộc sống chúng ta không phải là sự mê đắm hoạt động, nhưng là ở lại trong Chúa để trổ sinh hoa trái (x. Ga 15). Ngài chính là sự nghỉ ngơi của chúng ta (x. Mt 11, 28-29). Và sự dịu dàng vốn an ủi chúng ta phát xuất từ lòng thương xót của Ngài, từ việc đón nhận “phép màu” nơi ân sủng của Ngài, điều cho phép chúng ta tiến bước trong công việc tông đồ của mình, để mang lấy những lầm lỗi và thất bại, để mừng vui với một tâm hồn đơn sơ, để trở nên hiền lành và nhẫn nại, để luôn luôn bắt đầu và lại bắt đầu, để đi ra với người khác. Thật vậy, “những thời cơ nạp lại năng lượng” cần thiết của chúng ta xảy đến không chỉ khi chúng ta nghỉ ngơi về mặt thể chất và thiêng liêng, nhưng còn đến khi chúng ta mở lòng cho cuộc gặp gỡ huynh đệ với nhau: tình huynh đệ an ủi, đưa đến không gian cho sự tự do nội tâm và ngăn chúng ta khỏi cảm thấy cô đơn khi đối mặt với những thách đố của sứ vụ.
Chính với tinh thần này mà tôi viết cho anh em. Tôi cảm nhận mình đang tiến bước cùng anh em, và tôi ước mong làm cho anh em cảm thấy rằng tôi gần gũi với anh em trong niềm vui và cả nỗi buồn, nơi những dự tính và cả gian lao, trong nỗi đắng cay và trong niềm an ủi mục vụ. Trên hết, tôi cũng sẻ chia với anh em niềm khát khao hiệp thông, một cách đầy tình cảm và hữu hiệu, khi tôi dâng lời cầu nguyện mỗi ngày để, Giáo Hội Mẹ Rôma của chúng ta, được kêu gọi quản cai trong đức ái, có thể nuôi dưỡng quà tặng quý giá của sự hiệp thông trước hết nơi chính mình, làm cho nó nảy mầm trong những thực tại và cảm thức khác nhau mà Giáo Hội bao gồm. Ước gì Giáo Hội Rôma trở nên gương mẫu về lòng trắc ẩn và niềm hy vọng cho mọi người, với những vị mục tử thật sự luôn sẵn sàng và sẵn lòng mở rộng sự tha thứ của Thiên Chúa, như những kênh của lòng thương xót làm dịu đi cơn khát của nhân loại hôm nay.
Và giờ đây, anh em quý mến, tôi tự hỏi: trong thời đại của chúng ta, Chúa đòi hỏi chúng ta điều gì, Thần Khí đã xức dầu và sai chúng ta đi như những tông đồ của Tin Mừng dẫn chúng ta về đâu? Trong cầu nguyện, điều này lại quay về với tôi: rằng Chúa muốn chúng ta đi hết con đường trong cuộc chiến chống lại tính trần tục thiêng liêng. Cha Henri de Lubac, trong một vài trang của một đoạn trích mà tôi mời gọi anh em đọc, đã định nghĩa tính trần tục thiêng liêng như là “mối nguy hại lớn nhất cho Giáo Hội – cho chúng ta, những người trong Giáo Hội – là sự cám dỗ xảo quyệt nhất, thứ luôn ngấm ngầm trỗi dậy, khi những cơn cám dỗ khác đã được chế ngự”. Và ngài cũng thêm vào những lời mà dường như đã in hằn trong tâm trí tôi: “Nếu tính trần tục thiêng liêng này lan tràn trong Giáo Hội và làm hư nát Giáo Hội bằng cách phá hoại chính nguyên tắc của nó, thì điều đó sẽ trở nên vô cùng tai hại hơn bất kỳ tính trần tục đạo đức đơn thuần nào” (Meditation on the Church, Milan 1965, 470).
Đó là những điều mà tôi đã nhắc lại trong những dịp khác, nhưng tôi muốn lặp lại, xem chúng như một sự ưu tiên: tính trần tục thiêng liêng, thực ra, thật sự nguy hại bởi vì nó là một lối sống biến tính thiêng liêng thành vẻ bên ngoài: nó dẫn chúng ta trở thành “những lái buôn tinh thần”, những con người khoác lên mình trong những hình thức thiêng liêng nhưng trong thực tế lại tiếp tục suy nghĩ và hành động theo phong cách thế gian. Điều này xảy ra khi chúng ta để mình bị mê hoặc bởi những cám dỗ phù du, bởi sự xoàng xĩnh tầm thường và thói quen, bởi cám dỗ quyền lực và ảnh hưởng xã hội. Và, lại nữa, bởi sự tự cao và tính tự kiêu, bởi sự cố chấp về học thuyết và chủ nghĩa thẩm mỹ phụng vụ, những hình thái và cách thức mà tính trần tục “ẩn núp dưới dáng vẻ của lòng đạo đức và thậm chí lòng yêu mến dành cho Giáo Hội”, nhưng trong thực tế lại “hệ tại ở việc không tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà là tìm vinh quang loài người và sự thoả mãn của bản thân” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 93). Làm sao chúng ta có thể không nhận ra trong tất cả điều đó, phiên bản mới nhất của thói hình thức đạo đức giả này, mà Đức Giêsu đã thấy nơi các nhà cầm quyền tôn giáo thời bấy giờ, trong cuộc đời công khai của mình, đã khiến cho Người chịu đau khổ có lẽ nhiều hơn bất cứ điều gì khác?
Tính trần tục thiêng liêng là sự cám dỗ ‘dịu dàng’ và vì lẽ này, nó thậm chí xảo quyệt hơn. Thật thế, nó ngấm vào, biết rõ cách ẩn núp đằng sau vẻ bề ngoài tốt lành, ngay cả bên trong “những động cơ tôn giáo”. Và, nếu chúng ta không nhận ra và xua đuổi tính trần tục thiêng liêng ra khỏi mình, sớm muộn gì nó cũng lại hiện diện, ngụy trang trong một kiểu cách khác. Như Đức Giêsu nói trong Tin Mừng: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói : ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.’ Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.” (Lc 11, 24-26). Chúng ta cần có sự cảnh giác nội tâm, để giữ gìn lòng trí chúng ta, để dưỡng nuôi trong chúng ta ngọn lửa thanh khiết của Thần Khí, bởi vì cám dỗ thế gian trở lại và lịch sự gõ cửa: “Chúng là những con quỷ ‘thanh lịch’: chúng nhẹ nhàng đi vào, mà ta không hề hay biết” (Diễn văn cho Giáo triều Rôma, 22 tháng 12 năm 2022).
Tuy nhiên, tôi muốn tập trung vào một khía cạnh của tính trần tục này. Khi nó đi vào tâm hồn của các mục tử, nó mang một hình thức cụ thể, đó là chủ nghĩa giáo sĩ trị. Thứ lỗi cho tôi vì đã lặp lại điều đó, nhưng với tư cách là linh mục, tôi nghĩ anh em hiểu tôi, bởi vì anh em cũng chia sẻ những gì anh em tin một cách chân thành, phù hợp với đặc nét tốt đẹp, điển hình của người Rôma (Romanesque!), theo đó sự chân thành của đôi môi xuất phát từ trái tim , và có hương vị của trái tim! Và tôi, với tư cách là một người lớn tuổi và từ tận đáy lòng, muốn nói với anh em rằng tôi lo lắng khi chúng ta sa vào các hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ trị; khi, có lẽ không nhận ra điều đó, chúng ta để người ta thấy rằng chúng ta vượt trội, có đặc quyền, được đặt “ở trên” và do đó tách biệt khỏi phần còn lại của dân thánh của Thiên Chúa. Như một linh mục tốt lành đã từng viết cho tôi, “chủ nghĩa giáo sĩ trị là triệu chứng của đời sống linh mục và giáo dân bị cám dỗ sống theo vai trò chứ không phải mối quan hệ thực sự với Thiên Chúa và anh em”. Nói tóm lại, nó biểu thị một căn bệnh khiến chúng ta đánh mất ký ức về Bí tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận, để lại đằng sau việc chúng ta thuộc về cùng một Dân Thánh và khiến chúng ta sống quyền bính dưới nhiều hình thức quyền lực khác nhau, mà không nhận ra sự hai mặt, không khiêm tốn nhưng với thái độ xa cách và kiêu căng.
Để thoát khỏi cám dỗ này, chúng ta nên lắng nghe điều tiên tri Êdêkien nói với các mục tử: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (34, 3-4). Nó nói về “sữa” và “len”, thứ nuôi dưỡng và sưởi ấm; do đó, rủi ro mà Lời Chúa đặt ra trước mắt chúng ta là rủi ro nuôi dưỡng bản thân và lợi ích của chính chúng ta, cung cấp cho chúng ta một cuộc sống tiện nghi thoải mái.
Chắc chắn, như thánh Augustinô khẳng định, người mục tử cũng phải sống nhờ sự nâng đỡ bằng sữa của đoàn chiên mình; nhưng như Đức Giám mục thành Hippo nhận xét: “Họ hãy nhận lấy sữa của chiên, họ hãy nhận được những gì cần thiết cho nhu cầu của họ, nhưng họ đừng bỏ bê sự yếu đuối của chiên. Họ đừng tìm kiếm bất kỳ lợi ích nào cho bản thân, kẻo họ ra vẻ rao giảng Tin Mừng vì nhu cầu và sự thiếu thốn của chính họ; đúng hơn, họ hãy cung cấp ánh sáng của lời chân chính vì mục đích soi sáng cho con người” (Bài giảng về các mục tử, 46.5). Tương tự như vậy, thánh Augustinô nói về len, gắn nó với danh dự: len bao phủ con cừu, có thể khiến chúng ta nghĩ đến mọi thứ mà chúng ta có thể tô điểm cho mình bên ngoài, tìm kiếm sự ca ngợi của người đời, uy tín, danh tiếng, sự giàu có. Vị Giáo Phụ Latinh vĩ đại đã viết: “Người tặng len là người trao ban danh dự. Đây chính xác là hai điều mà các mục tử, những người nuôi sống chính họ chứ không phải đàn chiên, tìm kiếm nơi dân chúng – lợi ích khi được đáp ứng nhu cầu của họ cũng như ân huệ danh dự và khen ngợi” (ibid., 46.6). Khi chúng ta chỉ quan tâm đến sữa, chúng ta nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình; khi chúng ta tìm kiếm len một cách ám ảnh, chúng ta nghĩ đến việc trau dồi hình ảnh của mình và gia tăng thành công. Và theo cách này, chúng ta đánh mất tinh thần linh mục, lòng nhiệt thành phục vụ, khao khát chăm sóc dân chúng, và cuối cùng chúng ta lý luận theo sự ngu xuẩn của thế gian: “Việc này can hệ gì đến tôi? Hãy để mọi người làm những gì mình muốn; nguồn sống của tôi được an toàn, và danh dự của tôi cũng vậy. Tôi có đủ sữa và len, vì vậy hãy để mỗi người làm như mình thích” (ibid., 46,7).
Như thế, mối quan tâm tập trung vào cái “tôi”: nguồn sống của chính mình, nhu cầu của chính mình, lời khen ngợi nhận được cho chính mình thay vì vinh quang của Thiên Chúa. Điều này xảy ra trong đời sống của những người rơi vào chủ nghĩa giáo sĩ trị: họ đánh mất tinh thần ngợi khen vì họ đánh mất cảm thức về ân sủng, sự ngạc nhiên trước tính nhưng không mà Thiên Chúa yêu thương họ, sự đơn sơ đáng tin cậy của trái tim khiến chúng ta vươn tay hướng về Chúa, chờ đợi lương thực từ Ngài đúng thời đúng buổi (x. Tv 104, 27), ý thức rằng không có Ngài, chúng ta chẳng làm được gì (x. Ga 15, 5). Chỉ khi sống sự nhưng không này, chúng ta mới có thể sống thừa tác vụ và các tương quan mục vụ trong tinh thần phục vụ, đúng như lời Chúa Giêsu: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8).
Chúng ta cần nhìn cách chính xác vào Đức Giêsu, vào lòng thương xót mà Ngài nhìn thấy nơi nhân loại đầy thương tích của chúng ta, vào sự nhưng không mà Ngài đã hiến dâng mạng sống của mình cho chúng ta trên thập giá. Đây chính là liều thuốc giải cho tính trần tục và chủ nghĩa giáo sĩ trị: hãy nhìn vào Đức Giêsu chịu đóng đinh, hãy dán mắt mình mỗi ngày vào Ngài, Đấng đã biến mình ra không và hạ mình cho đến chết (x. Pl 2, 7-8). Ngài chấp nhận khiêm hạ để nâng chúng ta lên khỏi những sa ngã và giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự dữ. Nhờ đó, khi nhìn vào những vết thương của Chúa Giêsu, nhìn vào Đấng khiêm nhường, chúng ta biết được rằng mình được kêu gọi để hiến dâng chính bản thân, để biến mình thành tấm bánh được bẻ ra cho người đói ăn, để sẻ chia cuộc hành trình với người mỏi mệt và kẻ bị áp bức. Đây là tinh thần mục tử: biến mình thành người phục vụ Dân Thiên Chúa chứ không phải là những vị thầy, rửa chân anh em và không giẫm đạp họ dưới chân.
Vì thế, chúng ta hãy tỉnh thức chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị. Xin Thánh Tông đồ Phêrô, như truyền thống gợi lại cho chúng ta, đến lúc chết đã hạ mình quay đầu xuống đất để được ngang hàng với Chúa, giúp chúng ta tránh xa khỏi tính giáo sĩ trị. Xin Thánh Tông đồ Phaolô, vì Đức Kitô là Chúa, đã xem mọi lợi lộc của cuộc đời và trần gian như rác rưởi (x. Pl 3, 8), gìn giữ chúng ta khỏi tính giáo sĩ trị này.
Chúng ta biết rằng, chủ nghĩa giáo sĩ trị có thể gây ảnh hưởng đến mọi người, ngay cả những người làm việc mục vụ và giáo dân: thật vậy, người đó có thể khoác lấy ‘một tinh thần giáo sĩ’ khi thi hành sứ vụ và việc bác ái, sống lời mời gọi riêng của mình theo cách phong lưu nhất, thu mình trong nhóm riêng và dựng lên những bức tường ngăn cách với bên ngoài, phát triển những sợi dây ràng buộc liên quan đến vai trò trong cộng đoàn, nuôi dưỡng thái độ kiêu ngạo và khoe khoang đối với người khác. Quả thật, các triệu chứng là sự đánh mất tinh thần khen ngợi và tính nhưng không đầy niềm vui, trong khi ma quỷ len lỏi vào bằng cách nuôi dưỡng sự phàn nàn, tính tiêu cực và sự bất mãn kinh niên với những gì không tốt, sự châm biếm trở thành lời giễu cợt. Nhưng, theo cách này, chúng ta hãy để mình bị cuốn vào bầu khí chỉ trích và giận dữ mà chúng ta hít thở quanh mình, thay vì trở thành những người, với sự đơn sơ và hiền lành của Tin Mừng, với lòng từ tâm và sự tôn trọng, giúp anh chị em thoát khỏi vũng lầy của tính nóng vội.
Trong tất cả điều này, nơi sự mỏng manh và bất xứng của chúng ta, cũng như trong cuộc khủng hoảng đức tin ngày hôm nay, chúng ta đừng nản lòng! Cha De Lubac kết luận bằng cách tuyên bố rằng Giáo Hội, “ngay cả ngày nay, mặc cho mọi sự tối tăm của mình (…), như là Đức Nữ Trinh, là Bí tích của Chúa Giêsu Kitô. Không có sự bất trung nào của chúng ta có thể ngăn Hội Thánh khỏi việc trở nên ‘Giáo Hội của Thiên Chúa’, ‘nữ tỳ của Chúa” (Meditation on the Church, sđd, 472).
Thưa anh em, đây chính là niềm hy vọng giữ vững bước chân của chúng ta, làm nhẹ đi những gánh nặng nề, và đem lại sự thúc bách mới cho sứ vụ của chúng ta. Mỗi người hãy xắn tay áo lên và quỳ gối (anh em có thể làm được!): hãy cầu xin cho nhau ơn Chúa Thánh Thần, hãy nài xin Người trợ giúp chúng ta để khỏi phải sa ngã, trong đời sống cá nhân cũng như trong hoạt động mục vụ của chúng ta, nơi dáng vẻ tôn giáo đầy dẫy nhiều thứ nhưng lại trống vắng Thiên Chúa, để không trở thành những viên chức của sự thánh thiêng, nhưng trở nên những người loan báo nhiệt thành của Tin Mừng, không phải là ‘những giáo sĩ của nhà nước’, nhưng là những mục tử của đoàn dân. Chúng ta cần một sự biến đổi cá nhân và mục vụ. Như cha Congar nói, vấn đề không phải là mang lại việc tuân giữ tốt hay cải tổ các nghi thức bên ngoài, nhưng đúng hơn là trở về với nguồn gốc của Tin Mừng, khám phá những năng lượng mới để thắng vượt những thói quen, đưa tinh thần mới vào trong những hiến chế giáo hội cũ xưa, để cuối cùng chúng ta không trở thành một Giáo Hội ‘giàu về thẩm quyền và an ninh, nhưng ít mang tính tông đồ và truyền giáo’ (Vera e falsa riforma della Chiesa, Milan 1972, 146).
Cảm ơn vì anh em đã đón nhận những lời của tôi, suy tư về chúng trong cầu nguyện và trước Chúa Giêsu trong giờ chầu mỗi ngày; tôi có thể nói với anh em rằng những lời này phát xuất từ đáy lòng tôi và từ tình cảm mà tôi dành cho anh em. Chúng ta hãy tiến bước với lòng nhiệt thành và can đảm: hãy cùng nhau làm việc, giữa linh mục và anh chị em giáo dân, khởi xướng các hình thức và đường lối hiệp hành, điều sẽ giúp chúng ta cởi bỏ mình khỏi thế gian và khỏi những điều chắc chắn mang ‘tính giáo sĩ’ để khiêm tốn tìm kiếm những con đường mục vụ được Chúa Thánh Thần gợi hứng, để sự ủi an của Chúa thật sự có thể đến mọi người. Trước linh ảnh Đức Mẹ bảo vệ thành Rôma (Salus Populi Romani), tôi cầu nguyện cho anh em. Tôi cầu xin Mẹ bảo vệ và che chở anh em, để lau khô những giọt lệ rơi âm thầm, để nhen nhóm lại trong anh em niềm vui của sứ vụ và để biến anh em mỗi ngày trở nên những mục tử trong tình yêu với Chúa Giêsu, sẵn sàng trao hiến mạng sống mình mà không toan tính vì tình yêu của Ngài. Cảm ơn vì những gì anh em đã và đang làm. Tôi chúc lành và đồng hành với anh em trong lời cầu nguyện. Và, xin không quên cầu nguyện cho tôi.
Trong tình huynh đệ,
Lisbon, ngày 5 tháng 8 năm 2023, Lễ nhớ Cung hiến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả.
PHANXICÔ
————————————-
Cồ Ngọc Hải chuyển ngữ
(nguồn : Vatican.va)
Tags: Phanxicô-I, tính trần tục
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 2025: CHIA SẺ NIỀM HY VỌNG TRONG LÒNG ANH CHỊ EM MỘT CÁCH HIỀN HÒA
- PHỎNG VẤN ĐHY KOOVAKAD, NGƯỜI VỪA ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM TỔNG TRƯỞNG BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ