THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỞI CHO CHỦ TỊCH HỘI NGHỊ THẾ GIỚI CÁC TU HỘI ĐỜI, NHÂN DỊP KỶ NIỆM 75 NĂM TÔNG HIẾN PROVIDA MATER ECCLESIA : « ĐI RA KHỎI PHÒNG THÁNH » VÀ « LÀM CHO THẾ GIỚI HIỆN DIỆN TRONG GIÁO HỘI »

Written by xbvn on Tháng Hai 5th, 2022. Posted in Giáo dân, Ơn gọi, Sứ điệp, Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

« Có một bước mới cần được thực hiện. Ban đầu chị em đã chọn « đi ra khỏi phòng thánh » để mang Chúa Giêsu vào thế giới. Ngày nay, chuyển động đi ra phải được bổ sung bằng một cam kết làm cho thế giới hiện diện (không phải tính trần tục !) trong Giáo hội ». Đức Phanxicô định nghĩa lại sứ mạng của các Tu hội đời như thế trong Thư gởi cho chị Jolanta Szpilarewicz, Chủ tịch Hội nghị thế giới các Tu hội đời, nhân kỷ niệm 75 năm Tông hiến Provida Mater Ecclesia.

Đức Phanxicô tiếp kiến phái đoàn Hội nghị thế giới Tu hội đời

Qua Thư này, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các Tu hội đời, « một trong những đặc sủng lâu đời nhất », « hãy cầu xin Chúa Thánh Thần cách đặc biệt để Ngài có thể canh tân nơi mỗi thành viên của các Tu hội đời sức mạnh sáng tạo và ngôn sứ vốn đã biến họ thành một món quà lớn lao như thế cho Giáo hội trước và sau Công đồng Vatican II ».

Đức Phanxicô đặc biệt đề cập đến « thách thức lớn liên quan đến mối tương quan giữa tính thế  tục và sự thánh hiến », những khía  cạnh mà các thành viên Tu hội đời, với ơn gọi ngôn sứ của họ đến từ bí tích Rửa tội, được mời gọi để « giữ cùng nhau », trong ý thức rằng « sự thánh hiến của chị em không được lẫn lộn với đời sống tu dòng ». Ngài nhấn mạnh : « Bản chất đặc thù của đặc sủng của các Tu hội đời đòi hỏi chị em phải triệt để và đồng thời tự do và sáng tạo, để lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần cách thích hợp nhất để sống chứng tá Kitô hữu của chị em. Chị em là những tu hội, nhưng không bao giờ được thể chế hóa ! » Bởi vì « sống giữa đời, nét phân biệt của chị em, chỉ ra một cách thức Tin Mừng cụ thể để hiện diện trong Giáo hội và trong thế giới : như hạt giống, như men ».

Vị  Cha chung của Giáo hội khích lệ các Tu hội đời trở thành « những chứng nhân thu hút » bằng đời sống và trở nên « phương thuốc » chữa trị « một não trạng tôn giáo khép kín và tự quy chiếu nào đó, kỳ quái và dửng dưng » gây ra « sự suy thoái xã hội và sinh thái ».

Dưới đây Thư của Đức Thánh Cha :

 

Gởi chị Jolanta Szpilarewicz

Chủ tịch Hội nghị thế giới các Tu hội đời

nhân dịp kỷ niệm 75 năm Tông hiến Provida Mater Ecclesia

Hôm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm công bố Tông hiến Provida Mater Ecclesia, trong đó vị tiền nhiệm của tôi là Đức Piô XII đã công nhận hình thức chứng tá mà, đặc biệt từ những thập niên đầu tiên của thế kỷ vừa qua, đã lan rộng nơi người Công giáo giáo dân tận tâm đặc biệt.

Một năm sau, vào ngày 12/3/1948, với Tự sắc Primo Feliciter, cũng chính vị Giáo hoàng này đã thêm một chìa khóa giải thích quan trọng : đối với Tông hiến Provida Mater, trình bày chị em chỉ là « Tu hội », thì Tự sắc đã thêm rằng căn tính đặc thù của đặc sủng của chị em đến từ bản chất giữa đời của chị em, được định nghĩa là « lý do hiện hữu » của chính các Tu hội (xem Primo Feliciter, số 5). Điều này đã mang lại tính hợp pháp trọn vẹn cho hình thức ơn gọi thánh hiến giữa đời này. Như tôi đã có cơ hội nói với chị em cách đây 5 năm, tôi vẫn nghĩ rằng văn kiện này đã « có tính cách mạng theo một nghĩa nào đó » (Sứ điệp gởi cho các tham dự viên ở Hội nghị các Tu hội đời ở Ý, ngày 23/10/2017).

Chị thân mến, dường như hơn 75 năm đã trôi qua kể từ Provida Mater, nếu chúng ta nhìn vào những biến chuyển đã xảy ra trong Giáo hội và sự phát triển của nhiều phong trào và cộng đoàn trong Giáo hội với những đặc sủng tương tự của chị em. Bây giờ tôi biết rằng chị em đang hoàn toàn tham gia chuẩn bị cho Đại hội tiếp đến, sẽ được tổ chức và tháng Tám và công việc của nó, nếu Chúa muốn, tôi sẽ vui mừng đến bế mạc. Nhưng giờ đây tôi muốn cảm ơn chị em vì sự phục vụ và chứng tá của chị em. Tôi muốn mời chị em, đặc biệt trong những tháng sắp đến, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần cách đặc biệt để Ngài có thể canh tân nơi mỗi thành viên của các Tu hội đời sức mạnh sáng tạo và ngôn sứ vốn đã biến họ thành một món quà lớn lao như thế cho Giáo hội trước và sau Công đồng Vatican II.

Một thách thức lớn liên quan đến mối tương quan giữa tính thế  tục và sự thánh hiến, những khía  cạnh mà chị em được mời gọi để giữ cùng nhau. Thật vậy, vì sự thánh hiến của chị em, nó dễ dàng đồng hóa chị em với tu sĩ, nhưng tôi muốn ơn ngôn sứ ban đầu của chị em, đặc biệt là đặc tính phép Rửa vốn đánh dấu các tu hội đời giáo dân, là nét đặc trưng của chị em. Các thành viên của các tu hội đời thân mến, hãy để cho ước muốn sống « thánh giữa đời » truyền cảm hứng cho mình, bởi vì chị em là một cơ chế giáo dân. Chị em là một trong những đặc sủng lâu đời nhất và Giáo hội luôn cần đến chị em. Nhưng sự thánh hiến của chị em không được lẫn lộn với đời sống tu dòng. Chính phép Rửa là hình thức thánh hiến đầu tiên và triệt để nhất.

Trong tiếng Hy Lạp cổ của Giáo hội, người ta thường gọi người tín hữu đã được rửa tội là « các thánh ». Cả thuật ngữ Hy Lạp « hagios » và thuật ngữ Latinh « sanctussi » đều không quy chiếu quá nhiều đến những gì « tốt lành », nhưng là « những gì thuộc về Thiên Chúa ». Chính theo nghĩa này mà thánh Phaolô nói về các Kitô hữu Côrintô là « hagioi » (« các thánh »), bất chấp sự hỗn độn và xung đột của họ, để chỉ ra không phải hình thức hoàn thiện nhân loại nào đó, nhưng là việc họ thuộc về Chúa Kitô. Bây giờ, nhờ bí tích Rửa tội chúng ta thuộc về Người. Chúng ta có nền tảng trong sự hiệp thông mãi mãi với Thiên Chúa và với nhau. Sự kết hiệp bất khả đảo ngược này là gốc rễ của mọi sự thánh thiện, và nó cũng là sức mạnh, đến lượt nó, có thể tách chúng ta ra khỏi sự trần tục. Vì thế, bí tích Rửa tội là nguồn mạch của mọi hình thức thánh hiến.

Mặt khác, lời khấn của chị em là dấu ấn của sự cam kết của chị em với Nước Trời. Chính sự dâng hiến trọn vẹn này cho Nước Trời cho phép chị em biểu lộ ơn gọi nguyên thủy của thế giới, biểu lộ sự hiện hữu phục vụ của chị em đối với con đường thánh hóa nhân loại. Bản chất đặc thù của đặc sủng của các Tu hội đời đòi hỏi chị em phải triệt để và đồng thời tự do và sáng tạo, để lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần cách thích hợp nhất để sống chứng tá Kitô hữu của chị em. Chị em là những tu hội, nhưng không bao giờ được thể chế hóa !

Sống giữa đời, nét phân biệt của chị em, chỉ ra một cách thức Tin Mừng cụ thể để hiện diện trong Giáo hội và trong thế giới : như hạt giống, như men. Đôi khi từ « ẩn danh » đã được dùng để chỉ các thành viên của các Tu hội đời. Tôi thích nói rằng chị em được ẩn giấu trong thực tại, giống như hạt giống trong đất và men trong bột. Và chị em không thể nói rằng hạt giống hay men là ẩn danh. Hạt giống là tiền đề của sự sống, men là nguyên liệu cần thiết cho bánh có mùi thơm. Vì thế, tôi mời gọi chị em đào sâu ý nghĩa và cách thức hiện diện của chị em trong thế giới và canh tân, trong sự thánh hiến của chị em, vẻ đẹp và ước muốn tham dự vào việc biến đổi thực tại.

Có một bước mới cần được thực hiện. Ban đầu chị em đã chọn « đi ra khỏi phòng thánh » để mang Chúa Giêsu vào thế giới. Ngày nay, chuyển động đi ra phải được bổ sung bằng một cam kết làm cho thế giới hiện diện (không phải tính trần tục !) trong Giáo hội. Nhiều vấn đề hiện sinh đã đến muộn trên bàn làm việc của các Giám mục và thần học gia. Chị em đã kinh qua nhiều thay đổi tiến triển. Nhưng kinh nghiệm của chị em vẫn chưa làm giàu đủ cho Giáo hội. Chuyển động của ơn ngôn sứ đang thách đố chị em hôm nay là bước tiếp đến sau khi chị em sinh ra. Điều này không có nghĩa trở lại phòng thánh, nhưng là « những ăng-ten thu nhận, truyền tải thông điệp ». Tôi vui mừng nhắc lại : « Chị em giống như những chiếc ăng-ten sẵn sàng đón nhận những đổi mới nhỏ nhất do Chúa Thánh Thần thúc đẩy, và chị em có thể giúp cộng đoàn Giáo hội đảm nhận ánh mắt của lòng nhân từ này và tìm thấy những cách thức mới và dũng cảm để tiếp cận tất cả mọi người » (Diễn văn cho Hội nghị của các Tu hội đời ở Ý, 10/5/2014).

Trong Thông điệp Fratelli Tutti, tôi đã nhắc lại rằng sự suy thoái xã hội và sinh thái mà thế giới hôm nay đang tiến tới (x. chương 1) cũng là hậu quả của một cách sống đạo không đúng đắn (x. chương 2). Đó là những gì Chúa đã nhấn mạnh qua dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, trong đó Người không tố giác sự gian ác của bọn cướp và của thế gian, nhưng là một não trạng tôn giáo khép kín và tự quy chiếu nào đó, kỳ quái và dửng dưng. Tôi nghĩ đến chị em như là phương thuốc cho điều này. Sống thánh hiến giữa đời là một dấu chỉ ngôn sứ thúc bách chúng  ta cho thấy tình yêu của Chúa Cha bằng cuộc sống của chúng ta hơn là bằng lời nói, cho thấy nó hằng ngày trên các nẻo đường của thế giới. Ngày nay không có nhiều thời gian cho những bài diễn văn thuyết phục và thu phục lòng tin ; trên hết, đó là thời gian để làm chứng bởi vì, trong khi hộ giáo gây chia rẽ, thì vẻ đẹp của cuộc sống lại thu hút. Hãy là những chứng nhân thu hút !

Sống thánh hiến giữa đời được mời gọi đưa ra thực hành các hình ảnh men và muối trong Tin Mừng. Hãy là men của chân, thiện, mỹ, làm dậy men hiệp thông với anh chị em xung quanh mình, bởi vì chỉ qua tình huynh đệ mà virút của chủ nghĩa cá nhân mới có thể bị đánh bại (x. Fratelli Tutti, số 105). Và hãy là muối mang lại hương vị, bởi vì không có hương vị, lòng ao ước và ngạc nhiên, thì cuộc sống vẫn vô vị và các sáng kiến vẫn vô ích. Nó sẽ giúp chị em nhớ lại làm thế nào sự gần gũi và thân thiết là những cách thức của tính khả tín của chị em, và làm thế nào sự chuyên môn đã mang lại cho chị em « uy tín của Tin Mừng » trong môi trường làm việc.

Chị thân mến, chị em đã nhận được ân huệ là ơn ngôn sứ vốn « đã báo trước » Công đồng Vatican II, một Công đồng đã chào đón sự phong phú của kinh nghiệm của chị em. Thánh Phaolô VI đã nói : « Chị em là một cánh tiên phong của Giáo hội trên thế giới » (Diễn văn cho Hội nghị quốc tế của các nhà lãnh đạo của các Tu hội đời, ngày 20/9/1972). Hôm nay, tôi xin chị em canh tân tinh thần báo trước hành  trình của Giáo hội này, để trở thành những người lính canh nhìn lên cao và nhìn về phía trước, với Lời Chúa trong tâm hồn và tình yêu đối với anh chị em trong tay của mình. Chị em ở trong thế giới để làm chứng rằng nó được Thiên Chúa yêu thương và chúc lành. Chị em được thánh hiến cho thế giới, nơi đang chờ đợi chị em làm chứng cho một sự tự do mang lại niềm vui, nuôi dưỡng hy vọng, chuẩn bị tương lai. Tôi cảm ơn chị em về điều này và tôi hết lòng chúc lành cho chị em, xin chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi.

Rôma, Đền Thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 2 tháng 2 năm 2022.

PHANXICÔ

——————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31