THỰC THI QUYỀN BÍNH TRONG GIÁO HỘI

Written by lcd on Tháng Ba 26th, 2015. Posted in Huấn thị, Linh mục, Lm Lê Công Đức, Thiên Phong

1. GIỚI THIỆU                                                                  

Có câu nói hay được nhắc đến: “Vào cái thời mà các bề trên ra lệnh thì tôi là thuộc cấp; giờ đây khi thuộc cấp ra lệnh, thì tôi được đặt làm bề trên.” Chúng ta không biết ai đã nói câu này trước tiên. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là nội dung của câu nói.[1] Rõ ràng câu nói này lưu ý chúng ta về nỗi khó khăn của những người nắm giữ quyền bính.

Quả thật, rất thường trong lịch sử Giáo hội, quyền bính và vâng phục làm bộc lộ những căng thẳng thúc đẩy người ta suy tư sâu hơn về các ý nghĩa thần học của chúng. Ở đây chúng ta nói về việc thực thi quyền bính trong Giáo hội. Một chủ đề như thế rõ ràng tự hạn định chính nó, trước hết, nơi những người nắm giữ quyền bính, nghĩa là các vị lãnh đạo trong một khung cảnh Giáo hội nào đó. Tuy nhiên, thảo luận ở đây về việc thực thi quyền bính trong Giáo hội cũng muốn bao hàm nghĩa rộng nhất, nghĩa là nói đến tất cả những ai trong Giáo hội thấy mình cách nào đó đang nắm giữ quyền bính.[2]

2. NGUỒN GỐC, BẢN CHẤT VÀ ĐỊNH HƯỚNG CỦA QUYỀN BÍNH TRONG GIÁO HỘI

Quyền bính trong Giáo hội cũng có lịch sử xa xưa như chính Giáo hội. Vì thế, trước hết cần xác nhận nguồn gốc, bản chất và định hướng của quyền bính trong Giáo hội, nhờ ánh sáng của mạc khải và huấn quyền.

2.1. Nguồn gốc của quyền bính

Nguồn gốc của nọi quyền bính, bao gồm cả quyền bính trong Giáo hội, là chính thẩm quyền tối cao của Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã nói với Philatô: “Ông có quyền trên tôi, đó là bởi vì Thiên Chúa đã trao cho ông quyền ấy” (Ga 19,11). Thánh Phaolô trong Rm 13,1 và Thánh Phêrô trong 1Pr 2,13 cũng khẳng định điều tương tự.

Ngoài ra, ở cuối Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Đức Giêsu xác nhận rằng mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao cho Ngài (x. Mt 28,18). Nếu mọi quyền hành thuộc về Đức Giêsu, thì không có quyền hành nào ở ngoài Ngài. Xác nhận này của Đức Giêsu chắc chắn thách đố thái độ của chúng ta đối với quyền bính. Bất cứ khi nào chúng ta ứng xử với quyền bính là chúng ta đang ứng xử với chính Đức Giêsu.

 2.2. Bản chất của quyền bính

Nếu mọi quyền bính đến từ Thiên Chúa, thì mọi quyền bính đều có bản chất phục vụ. Điều này càng đúng khi chúng ta nói về quyền bính trong Giáo hội. Đức Giêsu làm sáng tỏ điều này cả trong lời nói lẫn trong gương sống của Ngài: “Giữa anh em ai làm lớn hãy phục vụ mọi người. Cũng như Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10,44-45; xem thêm Mt 20,26-28; Lc 22,26-27 và Ga 13,14-15). Chúng ta nghe Thánh Phêrô nói với các mục tử trong Giáo hội: “Tôi khẩn nài anh em hãy chăn dắt đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao cho anh em và hãy nhiệt thành săn sóc đàn chiên ấy. Hãy làm công việc của anh em không phải để chỉ nhận thù lao, nhưng từ khao khát thực sự muốn phục vụ. Đừng thống trị những người được ủy thác cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đàn chiên” (1Pr 5,2-3).

Nói về thiết chế phẩm trật của Giáo hội, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium (Ch. 3) tái khẳng định mạnh mẽ rằng quyền bính Giáo hội là để phục vụ: “[Các giám mục] ý thức rằng người lớn nhất phải trở thành người nhỏ nhất, người lãnh đạo phải là người phục vụ (…) Được Chúa Cha ủy thác nhiệm vụ cai quản gia nghiệp của Ngài, giám mục phải luôn hướng nhìn gương mẫu của vị Mục tử Tốt lành, Đấng đã đến không phải để được hầu hạ nhưng là để hầu hạ” (LG 27).

 2.3. Định hướng của quyền bính

Thật ý nghĩa việc Đức Giêsu tuyên bố Ngài nắm giữ “mọi quyền năng trên trời dưới đất” xảy ra trong bối cảnh Ngài sai phái các môn đệ đi vào sứ mạng (x. Mt 28,18-20). Điều này cho thấy rằng quyền bính rốt cục được định hướng nhắm đến sứ mạng của Giáo hội trong việc xây dựng Triều đại của Thiên Chúa.

Quả thật, quyền bính là một phương tiện để phục vụ cho một cứu cánh. Mục tiêu của Giáo hội là làm chứng cho Tin Mừng, và quyền bính là một phương tiện mạnh mẽ để làm điều đó. Đây là quan điểm Kitô giáo về quyền bính.[3] Hiến chế Lumen Gentium, khi nói về quyền bính của giám mục, đã vọng lại cùng một lệnh truyền ấy: “Thông dự vào quyền bính của Đức Giêsu, các ngài có bổn phận làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa, thánh hóa và cai quản họ” (LG 19).

Đức Bênêđictô XVI, tại buổi tiếp kiến chung ngày 26.10.2010, khi nói về vai trò lãnh đạo của các linh mục, đã tuyên bố: “Việc loan báo Tin Mừng là việc phục vụ lớn nhất cho người ta. Thật vậy, trong cuộc đời dương thế này không có gì tốt hơn việc hướng dẫn người ta đến với Thiên Chúa, đánh thức đức tin của người ta, nâng đỡ người ta vượt lên khỏi sự trì trệ và thất vọng, trao cho người ta niềm hy vọng rằng Thiên Chúa rất gần gũi, rằng Ngài hướng dẫn lịch sử mỗi người và lịch sử của thế giới.”[4] 

Đặc tính định hướng sứ mạng của quyền bính trong Giáo hội càng được thấy rõ hơn nếu chúng ta nhớ đến tuyên bố nổi tiếng của Công đồng Vatican II trong Ad Gentes: “Giáo hội tự bản chất có tính sứ mạng thừa sai” (AG 2). Lý do hiện hữu của Giáo hội là sứ mạng; vì thế, quyền bính trong Giáo hội chỉ có thể tìm thấy mục tiêu cuối cùng của nó trong sứ mạng.

 3. CÁC CHUẨN MỰC CỦA GIÁO HỘI VỀ QUYỀN BÍNH      

Huấn thị về “Sự phục vụ của quyền bính và vâng phục” (11 tháng 5, 2008) của Thánh Bộ các Hội dòng Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Tông đồ đã dành một số (số 14) để đề cập các chuẩn mực của Giáo hội liên quan đến quyền bính. Tài liệu này được biên soạn cho các hội dòng đời sống thánh hiến và các hiệp hội đời sống tông đồ, nhưng một cách nào đó nó cũng có thể được áp dụng mở rộng cho bất cứ ai nắm giữ quyền bính trong Giáo hội. Đáng ghi nhận rằng ba chuẩn mực về quyền bính được tài liệu này tổng hợp (tức sự vâng phục của người nắm giữ quyền bính, tinh thần phục vụ, và quan tâm mục vụ) được thấy tương ứng với nguồn gốc, bản chất và sự định hướng của quyền bính như chúng ta đã ghi nhận trên đây.

 3.1. Sự vâng phục của người nắm giữ quyền bính

Chuẩn mực đầu tiên được trình bày bởi Huấn thị này, đó là vị bề trên trước hết được mời gọi là người đầu tiên vâng phục, dựa theo bản chất phục vụ của quyền bính Giáo hội. Trong quyền lực do chức vụ mình đảm nhận, vị bề trên có bổn phận vâng phục luật của Thiên Chúa, chính từ Ngài mà vị bề trên nhận được quyền bính và chính với Ngài mà vị bề trên phải tính sổ rõ ràng.[5]

            Một minh họa cho chuẩn mực này được tìm thấy trong bài giảng của Đức Bênêđictô XVI lúc bắt đầu sứ vụ Phêrô của ngài. Đức Thánh Cha nói: “Chương trình cai quản thực sự của tôi, đó là không làm theo ý riêng tôi, không theo đuổi các ý tưởng của tôi, nhưng là cùng với toàn thể Hội Thánh lắng nghe lời của Chúa và thánh ý của Chúa, để cho Chúa dẫn dắt, ngõ hầu chính Chúa dẫn dắt Hội Thánh trong thời khắc này của lịch sử.”[6]

Thật vậy, không ai thực sự có khả năng nuôi dưỡng đoàn chiên của Đức Kitô nếu người ấy không sống một thái độ vâng phục đích thực và thâm sâu đối với Đức Kitô và Giáo hội, và chính sự ngoan ngoãn của các thuộc cấp đối với những người lãnh đạo mình cũng tùy thuộc vào sự ngoan ngoãn của những người lãnh đạo đối với Đức Kitô; vì vậy, nền móng của sứ vụ mục vụ luôn luôn là cuộc gặp gỡ thường xuyên và cá vị với Chúa, sự hiểu biết Chúa cách thâm sâu, sự rập khuôn ý muốn của mình theo ý muốn của Đức Kitô.

 3.2. Tinh thần phục vụ

Chuẩn mực thứ hai về quyền bính tương ứng với bản chất của quyền bính, đó là phục vụ. Lumen Gentium nêu rõ rằng các thừa tác viên, được trao cho quyền thánh chức, nhằm để phục vụ anh chị em mình (LG 18). Rõ hơn nữa, văn kiện này dựa trên các giáo phụ để tuyên bố rằng các giám mục, với sự trợ giúp của các linh mục và phó tế, đảm nhận việc phục vụ cộng đoàn; các ngài thay mặt Thiên Chúa quản trị đàn chiên, vì các ngài là mục tử của đàn chiên trong tư cách là thầy dạy, tư tế và người cai quản” (LG 20). Đối với các bề trên dòng tu, chuẩn mực này được trình bày trong Huấn thị “Sự phục vụ của quyền bính và sự vâng phục” như sau: “Cũng như mọi quyền bính trong Giáo hội, quyền bính của các bề trên dòng tu phải được đặc trưng bởi tinh thần phục vụ, bằng cách bắt chước Đức Kitô là Đấng ‘đã đến không phải để được hầu hạ nhưng là để hầu hạ.’”[7]

Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10,42-43). Tinh thần phục vụ, vì thế, là đặc điểm của quyền bính trong Giáo hội. Nó là cái phân biệt việc thực thi quyền bính trong Giáo hội với sự hành xử quyền bính trong thế tục.

 3.3. Quan tâm mục vụ

Trong ánh sáng của Giáo luật (điều 619), chuẩn mực thứ ba về quyền bính được trình bày trong Huấn thị là quan tâm mục vụ. Cụm từ “quan tâm mục vụ” ở đây chỉ thị trách nhiệm của bề trên đối với thiện ích của những người thuộc quyền mình, cả trong tư cách cộng đoàn lẫn trong tư cách những cá nhân thành viên. Bề trên phải liệu sao để cộng đoàn dưới sự săn sóc của mình đích thực là một cộng đoàn của đời sống huynh đệ. Bề trên phải “đáp ứng các nhu cầu cá nhân của các thành viên một cách thích đáng, quan tâm săn sóc và viếng thăm người đau ốm, yên ủi người đau khổ, và kiên nhẫn với hết mọi người.”[8]

Những người khác trong Giáo hội ở vai trò nắm giữ quyền bính cũng có những thuộc cấp và những cộng đoàn riêng của mình. Chuẩn mực “quan tâm mục vụ”, vì thế, cũng được áp dụng cho họ. Chúng ta có thể nghĩ đến “đức ái mục tử” được đề cập bởi Tông huấn Pastores Dabo Vobis. Về “đức ái mục tử” này, Đức Gioan Phaolô II cung cấp một suy tư rất hay khi giải thích rằng “sứ vụ linh mục được ghi dấu ấn bởi đức ái mục tử xét như một amoris officium, một chức vụ yêu thương. Việc phục vụ Giáo hội và các linh hồn trở thành mối quan tâm hàng đầu của linh mục và đặt nền cho linh đạo của ngài xét như một tình yêu sâu xa đối với Giáo hội hoàn vũ và đối với các linh hồn được ủy thác cho ngài săn sóc, như phu quân đối với hiền thê.”[9]

Một người nắm quyền bính chỉ có thể có được “mối quan tâm mục vụ” hay “đức ái mục tử” khi tình yêu của người ấy đối với Thiên Chúa, đối với Giáo hội và đối với những người thuộc về mình trở thành lớn hơn bất cứ những bận tâm nào khác. Điều này giả thiết một đời sống tựa vững chắc trên đức tin, sự hoán cải, sự lắng nghe Lời Chúa và cử hành Phụng vụ.

 4. PHÁC HỌA CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI NẮM GIỮ QUYỀN BÍNH

Sau khi nhìn qua các chuẩn mực liên quan đến quyền bính, giờ đây chúng ta nên mô tả một người nắm giữ quyền bính phù hợp với các chuẩn mực ấy. Đức Giêsu rõ ràng là mẫu gương tuyệt đỉnh về một con người như thế. Mô tả của chúng ta về một người nắm giữ quyền bính sẽ bao hàm ba khía cạnh: một người tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa; một người với tình yêu đến mức quên mình và với trách nhiệm; và một người được định hướng sứ mạng.

 4.1. Kiên trì tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa nhờ phân định trong Thánh Thần

Lương thực của Đức Giêsu là làm theo ý Đấng đã sai Ngài (cf. Ga 4,34). Những người được kêu gọi thực thi quyền bính phải biết rằng họ chỉ có thể chu toàn vai trò của mình khi trước hết biết lên đường tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa với nhiệt tâm và thành ý. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia khuyên một giám mục thân hữu như sau: “Không ai có thể làm điều gì nếu anh không đồng ý, nhưng anh cũng đừng làm điều gì nếu Thiên Chúa không đồng ý.” Những người nắm giữ quyền bính phải nhiệt thành tìm hiểu xem Thiên Chúa thực sự muốn gì, với sự trợ lực của cầu nguyện, suy tư và lời khuyên của những người khác. Nếu chẳng vậy, sẽ có nguy cơ là thay vì thay mặt Thiên Chúa, các bề trên sẽ cả gan đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa.[10]

Tinh thần phân định và vâng phục đối với Chúa Thánh Thần phải là đặc trưng của mọi tiến trình đưa ra các quyết định. Đây là một số thái độ căn bản:[11]

            – cởi mở đối với các quan điểm của người khác, xem đó như trung gian để mình khám phá thánh ý Thiên Chúa;

            – lưu tâm đến các dấu chỉ của thời đại, các kỳ vọng của dân chúng, các nhu cầu của người nghèo, các nhu cầu khẩn thiết loan báo Tin Mừng, các mối ưu tiên của Giáo hội hoàn vũ và của các Giáo hội địa phương;

            – tránh các thành kiến, tránh việc khư khư bám vào các ý kiến của riêng mình, tránh đóng khung suy nghĩ cứng nhắc hoặc méo mó, và tránh những sự áp đặt vốn làm suy yếu tính đa dạng của các quan điểm;

            – can đảm để đặt nền vững chắc các ý kiến của mình nhưng đồng thời cũng mở ra đón nhận các cách nhìn mới và sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình;

            – ưu tiên giữ sự hiệp nhất trong mọi trường hợp, dù quyết định cuối cùng là gì đi nữa.

 4.2. Thực thi quyền bính với tình yêu quên mình và với trách nhiệm

Như Thầy yêu anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Những người nắm giữ quyền bính, vì thế, là những người đầu tiên phải bảo đảm có được tình yêu này. Cha Arrupe, Bề trên Tổng quyền của Dòng Tên có lần viết trong một thư luân lưu gửi các bề trên trong Dòng: “Các thuộc cấp của anh em sẽ tha thứ cho anh em mọi sự. Nhưng có một điều họ sẽ khó tha thứ: đó là, nếu anh em đã không yêu thương họ hoặc anh em đã không diễn tả tình yêu họ thành hành động.”[12]  

Thực thi quyền bính với tình yêu quên mình có nghĩa rằng vị bề trên tránh mọi thái độ thống trị và mọi hình thức của chủ nghĩa gia trưởng. Trong nhiều trường hợp, tình yêu của người nắm giữa quyền bính sẽ được thể hiện nơi khoa sư phạm tha thứ và nhân hậu, trong đó vị bề trên đón nhận, sửa sai và luôn luôn tạo cơ hội cho người anh chị em lầm lỗi có thể sửa đổi.

Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng tình yêu đích thực đối với cộng đoàn và đối với cá nhân các thuộc cấp không có nghĩa là tránh né các hoàn cảnh trong đó cần thiết phải đưa ra các quyết định rõ ràng và đôi khi không hề dễ chịu. Đúng hơn, tình yêu đích thực có nghĩa rằng những người nắm giữ quyền bính có một cảm thức công bằng và có khả năng dung hòa giữa sự nghiêm khắc và sự nhẫn nại. Nói cho cùng, ngay cả dù bề trên không thể – và không nên – làm hết mọi sự, thì bề trên cũng phải chịu trách nhiệm cuối cùng về mọi sự.[13]

 4.3. Quyền bính được định hướng sứ mạng

            Chúng ta không quên rằng một chuẩn mực của quyền bính là “quan tâm mục vụ” hay “đức ái mục tử”. Nghĩa là, quyền bính nhắm đến việc xây dựng và thăng tiến đời sống cộng đoàn. Tuy nhiên, mọi cộng đoàn trong Giáo hội, và chính Giáo hội, được nhắm đến sứ mạng – như chính Đức Giêsu là nhà thừa sai của Chúa Cha. Vì thế, những người nắm giữ quyền bính phải được định hướng sứ mạng cách mạnh mẽ. Các quyết định của các vị phải được thúc đẩy bởi sứ mạng của Giáo hội và nhất là bởi sứ mạng chuyên biệt của cộng đoàn mình.

Hơn nữa, làm sứ mạng chính là thi hành thánh ý Thiên Chúa, tức vâng phục. Trong các sách Tin Mừng, Đức Giêsu luôn luôn được trình bày như Đấng được Cha sai đến để thi hành ý muốn của Cha. Chúng ta hiểu tại sao không thể hình dung về sứ mạng mà không liên hệ đến sự vâng phục. Sống sứ mạng luôn luôn hàm nghĩa việc được sai đi, và điều này qui chiếu đến Đấng đã sai và nội dung của sứ mạng phải được thi hành. Một người nắm giữ quyền bính vì thế có thể được mô tả là người được dẫn dắt bởi sự vâng phục đối với thánh ý Thiên Chúa, chứ không phải bởi ước muốn khẳng định chính mình.

 5. CÁC THÁCH ĐỐ HIỆN NAY ĐỐI VỚI QUYỀN BÍNH TRONG GIÁO HỘI

            Luôn luôn có những thách đố đặt ra cho việc thực thi quyền bính trong suốt dòng lịch sử Giáo hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xin lỗi về những tội lỗi của Giáo hội trong quá khứ; điều ấy có nghĩa là chấp nhận rằng quyền bính của Giáo hội đã không luôn luôn được thực thi cách đúng đắn. Ở phần đầu của tháo luận này chúng ta đã ghi nhận rằng thời đại chúng ta có những khó khăn riêng của nó liên quan đến việc thực thi quyền bính. Thiết tưởng cần nhận diện một số những thách đố tiêu biểu nhất.

            – Trước hết, trong sứ điệp của ngài về vai trò hướng dẫn của các linh mục, Đức Bênêđictô XVI đã chỉ ra thách đố của việc dung hòa giữa một bên là các ý niệm “mục vụ” hay “hiệp thông” và bên kia là ý niệm về “phẩm trật”. Trong những thập niên vừa qua, tính từ “mục vụ” thường được dùng hầu như với ý nghĩa đối ngược lại ý niệm “phẩm trật”, điều tương tự cũng có thể nói về ý niệm “hiệp thông”. Như đức giáo hoàng ghi nhận: “Đối với nhiều người, ý niệm về phẩm trật dường như tương phản với tính uyển chuyển và tính linh hoạt của cảm thức mục vụ, và thậm chí tương phản với tinh thần khiêm nhường theo Tin Mừng. Nhưng đó là một nhận thức sai lầm tệ hại về phẩm trật, phần nào cũng do những lạm dụng quyền bính và do những tham vọng địa vị từng thấy trong lịch sử – chúng quả là những lạm dụng và thực sự không phát xuất từ chính bản chất của ‘phẩm trật’”.[14]

            – Thách đố thứ hai được thấy rõ hơn trong bối cảnh đời sống thánh hiến, như được ghi nhận trong Huấn thị “Sự phục vụ của quyền bính và sự vâng phục”:

 “Trong những năm gần đây, cách lắng nghe quyền bính và thực thi quyền bính, cũng như cách vâng phục, đã thay đổi cả trong Giáo hội lẫn trong xã hội. Điều này phần nào do bởi: thứ nhất, ý thức về giá trị của mỗi cá nhân, với ơn gọi, tri thức, tình cảm và những ân huệ thiêng liêng của riêng mỗi người, với sự tự do và những khả năng lý trí của mỗi người; thứ hai, sự tập trung nhấn mạnh vào linh đạo hiệp thông, với sự đề cao các khí cụ giúp người ta sống linh đạo ấy; thứ ba, một cách hiểu sứ mạng khác so với trước đây và ít có tính cá nhân hơn, nhấn mạnh sự tham dự của mọi thành viên của dân Thiên Chúa, với những hình thức cộng tác cụ thể.

Tuy nhiên, khi xem xét một số yếu tố của ảnh hưởng văn hóa hiện nay, người ta phải nhớ rằng ước muốn thể hiện chính mình đôi khi có thể gặp xung đột với các dự phóng của cộng đoàn; việc tìm kiếm thiện ích cá nhân, dù là tinh thần hay vật chất, có thể gây cản trở cho việc toàn tâm phục vụ sứ mạng chung; những tầm nhìn về đặc sủng và về công tác tông đồ quá nặng chủ quan có thể làm suy yếu sự chia sẻ và sự cộng tác huynh đệ.”[15]

 – Thách đố thứ ba, đó là chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng trong một số khung cảnh, những vấn đề theo hướng đối ngược lại được thấy phổ biến hơn, do bởi một cái nhìn thiếu quân bình thiên về tập thể và thiên về sự đồng nhất thái quá, với nguy cơ bóp nghẹt sự phát triển và trách nhiệm của các cá nhân. Những trường hợp như thế sẽ cần được điều chỉnh theo hướng quân bình giữa cá nhân và cộng đoàn, cũng là sự quân bình giữa quyền bính và vâng phục.

 6. KẾT LUẬN

Theo cách hiểu của Kitô giáo, quyền bính đến từ Thiên Chúa và nhằm phục vụ cho thiện ích tối hậu đích thực của con người, tức ơn cứu độ của chúng ta trong Đức Kitô. Được thực thi nhân danh Chúa, quyền bính là một diễn tả về sự hiện diện và sự săn sóc thường xuyên của vị Mục Tử Tốt Lành. Và chúng ta không bao giờ quên rằng quyền lực của Đức Kitô được biểu lộ nơi hành động rửa chân cho các môn đệ, và vương quyền của Ngài được gắn chặt vào cây Thập giá. Vì thế, trong sự vâng phục hoàn toàn đối với Đức Kitô và trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, những người nắm giữ quyền bính sẽ có thể vượt qua các thách đố, và sứ vụ lãnh đạo của các vị sẽ sinh hoa quả, đó cũng chính là hoa quả của sứ mạng Giáo hội.

           

[Lê Công Đức, 2010]

 


[1]F. D. MARTINEZ, OP., Refounding Religious Life: Charismatic Life and Prophetic Mission (Quezon City: Claretian Publications, 2000), p. 205.

 [2] WIKIPEDIA, the free encyclopedia, for example, speaks of structural authority and sapiential authority. On his part, Max Weber speaks of rational-legal authority, traditional authority, and charismatic authority (See: Authority, in http://en.wikipedia.org/wiki/Authority, 30 Dec 2010).

[3] C.P. VARKEY, Authority: Its Use and Abuse (Bombay: Saint Paul Society, 2008), p. 47.

[4] BENEDICT XVI, The Priest’s Mission As Guide, in http://www.zenit.org/article-29386?l=english (31 Dec 2010).

 [5] Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, The Service of Authority and Obedience, n. 14.

 [6] BENEDICT XVI, Homily during the Mass for the beginning of his Petrine Ministry (24 April 2005), AAS XCVII (2005), 709.

 [7]The Service of Authority and Obedience, ibid., n. 14.

 [8]Code of Canon Law, can. 619.

[10]The Service of Authority and Obedience, ibid., n. 12.

[11]Ibid., n. 20.

[12] C.P. VARKEY, ibid., p. 56.

[13]The Service of Authority and Obedience, ibid., n. 25.

[14] BENEDICT XVI, The Priest’s Mission As Guide, ibid.

[15]The Service of Authority and Obedience, ibid., n. 3.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30