THƯỢNG HỘI ĐỒNG: BỐN CUỘC CẢI CÁCH QUẢN TRỊ LỚN ĐƯỢC VATICAN XEM XÉT

Written by xbvn on Tháng Bảy 9th, 2024. Posted in Giáo dân, Linh mục, Ơn gọi, Tâm linh, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Vatican đã công bố hôm thứ Ba, ngày 9/7/2024, “Tài liệu làm việc” của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành. Tài liệu gồm ba phần trọng tâm,  dài khoảng ba mươi trang, cho thấy những thay đổi đáng kể trong các phương thức ra quyết định nội bộ của Giáo hội Công giáo.

Núi có đẻ ra chuột không? Nếu một số người đang lo ngại điều đó, thì Vatican đã công bố một tài liệu mang tính quyết định, vào thứ Ba ngày 9 tháng Bảy, về phần tiếp theo của Thượng Hội đồng về tương lai của Giáo hội, trong khi các thành viên của tiến trình này, được phát động vào năm 2021, phải gặp nhau tại Rôma vào tháng Mười tới.

Đằng sau nội dung dày đặc và khá kỹ thuật, ba mươi trang tạo nên “instrumentum laboris” (tài liệu làm việc) này tập trung vào các vấn đề quản trị. Các vấn đề nổi bật nhất (phó tế nữ, đón nhận người đồng tính, đời sống độc thân) đã được giải quyết vào tháng Ba, thông qua việc thành lập 10 nhóm làm việc.

Xuyên suốt 111 đoạn, tài liệu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc suy nghĩ lại cách thức đưa ra các quyết định trong Giáo hội Công giáo, bằng cách thu hút sự tham gia nhiều hơn của tất cả các tín hữu, mà không ảnh hưởng đến thẩm quyền của các Giám mục. Không bãi bỏ kim tự tháp của hàng giáo phẩm, nhưng làm phẳng nó một chút, tóm lại là sao cho đỉnh gần với đáy hơn.

Bốn đề xuất cải cách

Điểm đầu tiên, tài liệu thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của nữ giới vào đời sống của Giáo hội. Chỉ trích một nền văn hóa đôi khi “trọng nam khinh nữ”, Ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng khuyến nghị “sự tham gia nhiều hơn của nữ giới vào các tiến trình phân định của Giáo hội”. Ngài cũng yêu cầu nữ giới có thể tiếp cận “các vị trí trách nhiệm” trong các giáo phận, chủng viện và các nơi đào tạo, cũng như với tư cách là “thẩm phán trong các tiến trình giáo luật”.

Tài liệu nhấn mạnh “sự cần thiết phải thừa nhận đầy đủ hơn” các đặc sủng và ơn gọi của họ. Tài liệu nhắc nhớ: “Thiên Chúa đã chọn một số phụ nữ làm chứng nhân đầu tiên và là những người tiên phong loan báo sự phục sinh”; do đó, “nhờ bí tích Rửa tội, họ ở trong tình trạng hoàn toàn bình đẳng, nhận được cùng những ơn ban của Thánh Thần và được mời gọi phục vụ sứ mạng của Chúa Kitô”. Sự thay đổi đầu tiên phải thực hiện “do đó là thay đổi về não trạng”, với “sự hoán cải sang tầm nhìn về mối quan hệ, sự phụ thuộc lẫn nhau và sự hỗ tương giữa nữ giới và nam giới, những người là anh chị em trong Chúa Kitô, nhằm hướng tới sứ mạng chung”.

Về việc tiếp nhận phụ nữ vào thừa tác vụ phó tế, Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng chỉ ra rằng “một số Giáo hội địa phương” yêu cầu điều này, trong khi những Giáo hội khác “lặp lại sự phản đối của họ” (số 17). Chủ đề này “sẽ không phải là đối tượng của công việc” vào tháng Mười tới và do đó thật tốt khi “suy tư thần học được tiếp tục”.

Thứ hai, Vatican đang xem xét phát triển “các thừa tác vụ giáo dân”. Khả năng này, đã được Công đồng Vatican II mở ra, và được minh họa trong những năm gần đây bằng việc thành lập thừa tác vụ giáo lý viên, đọc sách và giúp lễ, không nhất thiết phải gắn liền với “lĩnh vực phụng vụ”. Do đó, nên thành lập một “thừa tác vụ lắng nghe và đồng hành”, để có thể quan tâm đến “những người, vì nhiều lý do khác nhau, đang hoặc cảm thấy bị loại trừ hoặc ở bên lề cộng đồng Giáo hội”.

Trong tài liệu này, các tác giả nhiều lần nhấn mạnh đến chiều kích bao hàm của Giáo hội. Nó cũng xem xét việc giáo dân có thể “góp phần vào việc rao giảng Lời Chúa, ngay cả trong khi cử hành Bí tích Thánh Thể”. Rôma tin rằng sự phát triển các thừa tác vụ giáo dân sẽ là một cách để giảm bớt tình trạng quá tải công việc mà nhiều linh mục đang cảm thấy. Điều này thúc đẩy “một cách suy nghĩ và tổ chức hoạt động mục vụ mới mẻ” và do đó “phân bổ lại nhiệm vụ” giữa linh mục và giáo dân.

Sự minh bạch

Tiếp đến, Giáo hội phải suy nghĩ lại cách thức đưa ra quyết định. Không phải vấn đề liên quan đến căn tính của người đưa ra quyết định: trên thực tế, đó sẽ luôn là Giám mục. Nhưng “trong một Giáo hội hiệp hành”, “việc thực thi quyền bính không hệ tại việc áp đặt ý muốn cá nhân một cách độc đoán, nhưng là thực thi một thừa tác vụ nhằm phục vụ sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, bằng cách tạo điều kiện cho việc tìm kiếm chung những gì Chúa Thánh Thần đòi hỏi”.

Với danh nghĩa này, “sự phân định”, đặc biệt quan trọng trong linh đạo Dòng Tên, chiếm vị trí trung tâm trong tài liệu (từ này xuất hiện 50 lần trong tài liệu). Để làm được điều này, các giáo phận nên áp dụng các quy trình tham vấn chặt chẽ hơn hiện nay. Đặc biệt, văn bản này mở ra khả năng các thành viên của các “hội đồng” khác nhau (giáo xứ hoặc giáo phận) có thể được bầu chọn, như trường hợp đã xảy ra ở một số quốc gia như Ý.

Cuối cùng, cuộc cải cách thứ tư cần xem xét: thiết lập tính minh bạch trong các quyết định được đưa ra bởi hàng giáo phẩm của Giáo hội. Một điều cần thiết vì “sự mất uy tín do các vụ bê bối tài chính và đặc biệt là lạm dụng tình dục và các lạm dụng khác xảy ra với trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương”. Tài liệu nhấn mạnh: “Sự thiếu minh bạch và nghĩa vụ giải trình đã nuôi dưỡng nạn giáo sĩ trị, dựa trên giả định ngầm rằng các thừa tác viên chức thánh không chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai trong việc thực thi quyền bính được giao cho họ” (số 75).

Để làm điều này, chẳng hạn, các giáo phận nên báo cáo về các quyết định của mình trên bình diện tài chính cũng như bình diện mục vụ, thông qua “báo cáo hàng năm về việc thực thi sứ mạng, bao gồm minh họa về các sáng kiến ​​được thực hiện trong lĩnh vực bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, cũng như thúc đẩy khả năng tiếp cận của nữ giới với các vị trí quyền bính và sự tham gia của họ vào quá trình ra quyết định”. Một sự thay đổi về lôgic sẽ phải được quyết định bởi các tham dự viên Thượng Hội đồng, họp tại Rôma, từ ngày 2 tháng 10 năm 2024.

Những người hành hương hy vọng

Cuối cùng, tài liệu nhắc lại rằng mỗi vấn đề trong tài liệu đều nhằm mục đích phục vụ Giáo hội và là cơ hội để chữa lành những vết thương sâu xa nhất của thời đại chúng ta. Do đó, Tài liệu làm việc kết thúc bằng lời mời tiếp tục cuộc hành trình với tư cách là “những người hành hương hy vọng”, cũng trong viễn cảnh Năm Thánh 2025 (số 112).

Tý Linh

(theo Loup Besmond de Senneville, nhật báo La Croix và Isabella Piro, Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30