THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC PHANXICÔ ĐỊNH HÌNH GIÁO HỘI NGÀY MAI

Written by xbvn on Tháng Mười 29th, 2024. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Thượng Hội đồng vừa kết thúc vào Thứ Bảy ngày 26 tháng 10 năm 2024 tại Rôma, đề xuất một cách quản trị mới trong Giáo hội, ít cứng nhắc hơn và phân quyền hơn. Không mang tính cách mạng, cuộc cải cách này có một từ chính: quan tâm, kể cả thần học, đến các bối cảnh.

Đức Phanxicô đang sốt ruột. Một thành viên phục vụ thân cận của ngài nắm lấy chiếc xe lăn của ngài và giúp ngài đi qua hội trường Phaolô VI, nơi kết thúc các cuộc tranh luận của Thượng hội đồng về tính hiệp hành. Vị giáo hoàng 87 tuổi đến gần cha Timothy Radcliffe, người mà những bài suy niệm và sự hài hước kiểu Anh đã đồng hành cùng các cuộc tranh luận trong tháng này. Vào ngày 6 tháng Mười, Đức Phanxicô thông báo phong ngài làm hồng y. Hội trường Phaolô VI, ngài đến nói với Cha hãy giữ phong cách của mình. Vị cựu bề trên của Dòng Giảng thuyết được miễn mặc áo hồng y, và sẽ có thể giữ bộ áo ba mảnh màu trắng của các tu sĩ Đa Minh. Đức Thánh Cha nói với ngài rằng chỉ cần có một chiếc mũ đỏ là đủ.

Cảnh tượng này tóm tắt rõ ràng những gì Đức Phanxicô muốn thực hiện khi triệu tập Thượng Hội đồng kéo dài ba năm này: cho thấy một Giáo hội ít cứng nhắc hơn, đa dạng hơn và bớt căng thẳng hơn. Chủ đề được chọn, “tính hiệp hành”, có thể có vẻ mơ hồ. Nhưng đọc 51 trang của tài liệu cuối cùng, người ta hiểu rằng nó trước hết là một phương thức quản trị. Xin lưu ý, đây không phải là một cuộc cách mạng trong Giáo hội, và càng không phải là một sự đoạn tuyệt: quyền tối thượng của người kế vị Thánh Phêrô, quyền tối thượng của Giáo hoàng đối với các giám mục khác, vẫn còn. Nhưng bây giờ nó phải được thể hiện theo cách khác: bớt quân chủ hơn, bớt kim tự tháp hơn và bớt độc đoán hơn.

Thứ Bảy, ngày 26 tháng Mười, khi kết thúc Thượng Hội đồng, Đức Phanxicô cũng đọc một vài câu thơ của Madeleine Delbrêl, “nhà thần bí của những vùng ngoại vi, người đã khuyên chúng ta đừng cứng nhắc”: “Tôi nghĩ có lẽ các bạn đã chán ngấy rồi, những người nói về các bạn với phong thái của những thuyền trưởng…”

Con ngựa thành Troie

Dường như tự phê phán cách quản trị đôi khi theo chiều dọc của mình, Đức Phanxicô thông báo rằng ngài sẽ không xuất bản Tông huấn hậu Thượng hội đồng. Ngài nói: “Tài liệu mà chúng ta phê chuẩn đã có đầy đủ các chỉ dẫn có thể dùng làm kim chỉ nam.” “Nếu nó được Đức Thánh Cha phê chuẩn một cách rõ ràng, thì Tài liệu cuối cùng này sẽ thuộc về Huấn quyền thông thường của Người Kế vị Thánh Phêrô,” tông hiến Episcopalis communio quy định rõ các quy tắc của các đại hội này. Nói rõ hơn: 155 điều khoản được thông qua vào thứ Bảy ngày 26 tháng Mười bởi 356 thành viên của Thượng Hội đồng có cùng giá trị như thể chúng xuất phát từ chính Đức Giáo hoàng.

Điều này rất quan trọng. Vào ngày 20 tháng 5 năm 2024, Đức Phanxicô đã trả lời “không” với một nhà báo người Mỹ của kênh CBS, người đã hỏi ngài liệu một ngày nào đó phụ nữ có thể trở thành phó tế hay không. Khi được hỏi trong cuộc họp báo ngày 26 tháng Mười về khả năng mâu thuẫn với tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng – vốn coi vấn đề là “để ngỏ” – Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg đã mỉm cười trả lời: “Đức Giáo hoàng đã phê chuẩn văn bản. Đoạn văn này (về việc để ngỏ) do đó cũng là của ngài. Tôi là ai để nói trái lại với Đức Thánh Cha?

Vấn đề về chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội trong những tuần vừa qua đã tượng trưng cho sự gia tăng quyền lực của Đại hội Thượng hội đồng đối với Giáo triều Rôma. Nhưng cũng có sự khác biệt dai dẳng bên trong nó: “Vì người Đức (nổi tiếng là cấp tiến, ghi chú của Biên tập viên) đã không thành công trong việc lôi kéo Giáo hội theo quan điểm của họ, nên năm nay họ đã tìm ra được một con ngựa thành Troie: quyền tự trị của các hội đồng giám mục”, một giám mục tại Thượng Hội đồng phân tích. Khả năng các hội đồng giám mục này đưa ra quyết định cho lãnh thổ của họ là một trong những điểm được tranh luận nhiều nhất trong tháng Mười này.

Bản dự thảo của tài liệu cuối cùng, được trình bày vào thứ Hai ngày 21 tháng Mười tại hội trường Phaolô-VI, và La Croix đã có thể tham khảo, đã dự kiến ​​“rằng tất cả các quyết định được đưa ra cùng nhau (trong các cuộc họp của các hội nghị này, ghi chú của biên tập viên) đều ràng buộc các giám mục trong các giáo phận của họ“. Nhiều sửa đổi (tài liệu nhận được tổng cộng 1.135) đã buộc bốn nhà thần học soạn thảo tài liệu – hai người Ý và hai người nói tiếng Anh – phải sửa lại bản sao của họ. Đoạn văn này, trong số những đoạn văn khác, đã bị xóa, và vấn đề được hoãn lại cho nghiên cứu về sau.

Sự phản đối của nhóm bảo thủ cũng được bày tỏ đặc biệt về vấn đề, luôn tế nhị, trong việc thích ứng phụng vụ. Điều cần thiết là “làm cho các cử hành phụng vụ trở thành một diễn tả về tính hiệp hàn hơn”, tài liệu về điểm này cho biết. Kế hoạch không phải là “thay thế linh mục bằng giáo dân, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich muốn làm rõ vấn đề vào ngày 26 tháng Mười. (Câu hỏi) là: làm thế nào khiến nó trở nên có tính tham gia nhiều hơn một chút?”.

Sự phản đối còn sót lại duy nhất

Việc có nhiều ý kiến ​​khác nhau về những vấn đề này không có gì đáng ngạc nhiên. Trái lại, điều đáng ngạc nhiên, đó là dù có định hướng, tài liệu được trình bày vào ngày 26 tháng Mười là tương đối đồng thuận. Chắc chắn, nó không còn yêu cầu, như dự kiến ​​trong bản dự thảo ngày 21 tháng Mười của nó, việc tổ chức các công nghị giáo phận ba đến năm năm một lần (tài liệu cuối cùng nói về “đều đặn”). Chắc chắn, vẫn còn chưa được diễn tả rõ ràng ý tưởng rằng các hội đồng, bao gồm cả hội đồng kinh tế – vốn trở thành bắt buộc trong các giáo xứ và các giáo phận – bao gồm đa số thành viên giáo dân “không được bổ nhiệm” bởi linh mục hoặc giám mục. Nhưng đối với nhiều tham dự viên, điều cốt yếu là ở tài liệu.

Trong số những người bảo thủ được hỏi, người ta hoan nghênh một văn bản “quan tâm đến bối cảnh mà không xâm phạm đến sự hiệp nhất của Giáo hội,” như một giám mục đã nói. Nơi những người cấp tiến, người ta nhấn mạnh sự “cởi mở” của nó ngay cả khi người ta lấy làm tiếc rằng những người LGBTQI + không xuất hiện. Một giáo dân có mặt tại Thượng Hội đồng cho biết: “Dấu hiệu rằng tiếng nói của các nạn nhân và những người sống sót sau bạo lực tình dục phải được lắng nghe không phải là không có gì”.

Nhất là, một số điểm dường như đã kết hợp với nhau. Ví dụ, khái niệm Anglo-Saxon về trách nhiệm giải trình (accountability / redevabilité, tiếng Pháp ) đã được trích dẫn 19 lần. Và những đoạn văn bản yêu cầu các nhà chức trách của Giáo hội – linh mục, giám mục cũng như sứ thần và người đứng đầu Bộ tại Vatican – tham khảo ý kiến ​​nhiều hơn và báo cáo thường xuyên, chẳng hạn về các vấn đề tài chính và bảo vệ trẻ vị thành niên, đã khơi dậy một sự phản đối duy nhất còn sót lại trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 26 tháng Mười.

Nói rộng hơn, nhiều tham dự viên Thượng Hội đồng này nói về một sự thay đổi văn hóa. Nhà thần học người Bỉ Alphonse Borras, giáo sư danh dự của Đại học Công giáo Louvain và cố vấn cho Ban Tổng thư ký Thượng hội đồng, nhiệt tình nói: “Chúng ta đang ở một bước ngoặt, đối với tôi về mặt thực tế tương tự như bước ngoặt được khởi xướng vào thời điểm của cuộc Cải cách Gregorian và kéo dài gần hai thế kỷ để mang lại tất cả những thành quả của nó trong đời sống Giáo hội”. Nơi nào Giáo hội có xu hướng nhấn mạnh đến sự hiệp nhất, “tính phổ quát” của mình, lần này Giáo hội cho phép thể hiện những khác biệt về bối cảnh. Với niềm xác tín này: việc phân quyền và dân chủ hóa các cấp sẽ không thể đạt được nếu không có sự liên đới. Nếu không có sự đổi mới sâu xa về “các mối quan hệ”.

Khi đọc tài liệu cuối cùng, người ta cảm thấy câu hỏi này, giống như một sợi chỉ đỏ, ưu tiên nhắm đến các cộng đồng địa phương đang gặp khó khăn nhất, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hoặc nghèo đói: làm thế nào các cấp khác của Giáo hội, bắt đầu từ Rôma, có thể giúp bạn tốt hơn?

Tý Linh

(theo Mikael Corre và Malo Tresca, nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31