THƯỢNG HỘI ĐỒNG KÊU GỌI NHỮNG KẺ BUÔN BÁN VŨ KHÍ TÌM LẠI Ý THỨC CỦA HỌ VỀ NHÂN LOẠI
Trong cuộc họp thông tin, ngày 20/10/2023, với các nhà báo về sự tiến bộ của Thượng hội đồng, vai trò của các giám mục và sự đồng trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội, quyền bính được sống như một sự phục vụ đã được thảo luận: “Giám mục có lời cuối cùng, nhưng không có lời duy nhất”. Tính hiệp hành “có thể giúp ngăn ngừa lạm dụng vì nó gắn liền với việc lắng nghe và đối thoại”.
Quyền bính, trong Giáo hội là một “việc phục vụ”, và vấn đề lạm dụng nằm trong số những chủ đề được đề cập trong phiên họp chung lần thứ mười ba (341 người hiện diện) và lần thứ mười bốn (343 hiện diện), được tổ chức vào chiều Thứ Năm và sáng thứ Sáu, luôn theo cùng một phương thức: các bài tham luận của các nhóm nhỏ, sau đó là phát biểu tự do. Đó là những gì đã được báo cáo vào thứ Sáu ngày 20/10/2023.
Quyền lực không phải là thống trị mà là phục vụ
Đề cập đến các bài tham luận hôm nay và chiều hôm qua về phần B3 của Tài liệu làm việc – có tựa đề là “Sự tham gia, trách nhiệm và quyền bính“, chủ tịch Ủy ban Thông tin của Thượng hội đồng, Paolo Ruffini, giải thích rằng sự dấn thân của Giáo hội trong việc “tránh chủ nghĩa độc đoán” đã được khẳng định lại. “Quyền lực không phải là sự thống trị mà là sự phục vụ”, một cách diễn đạt theo nghĩa này đã được đưa ra: quyền lực “được thực thi bằng chân trần”. Vì vậy, người “có quyền bính không được kiểm soát mọi việc nhưng có khả năng ủy thác”; và Giám mục “có lời nói cuối cùng nhưng không có tiếng nói duy nhất.”
Trong số các chủ đề được thảo luận, “vai trò của các mục tử trong việc phục vụ người nghèo”, cũng theo phong cách cầu nguyện do Đức Thánh Cha chủ trì tối qua tại Quảng trường Thánh Phêrô dành cho những người di cư và tị nạn. Chúng ta phải chú ý đến “tiếng kêu của những người đau khổ trên đường phố”, các bài tham luận đã lưu ý như thế. Hơn nữa, theo báo cáo của Paolo Ruffini, “các giám mục phải kêu gọi sự hoán cải tâm hồn để tình cảm nhân đạo được hồi sinh nơi những người, thông qua nạn buôn bán vũ khí, đã góp phần vào “chiến tranh thế giới thứ ba” khiến hàng triệu người phải đau khổ”.
Đồng trách nhiệm trong Giáo hội
Paolo Ruffini cho biết: “Đồng trách nhiệm” là một trong những từ xuất hiện thường xuyên nhất trong các bài tham luận, và nó được hiểu “là sự bao hàm và phối hợp các đoàn sủng”. Về vấn đề này, tầm quan trọng của việc thúc đẩy các nhân vật, kỹ năng và trên hết là sự dấn thân của giáo dân đã được nhấn mạnh trong buổi làm việc.
Sau đó, vị Tổng trưởng muốn làm rõ vấn đề về số lượng người tham gia Thượng hội đồng: có 365 người cùng với Đức Giáo hoàng. Nhắc lại các phương thức tham gia khác nhau, Paolo Ruffini chỉ rõ rằng tổng cộng có khoảng một trăm người bổ sung được tham gia – đưa con số lên 464 – nhưng sự hiện diện của họ rõ ràng không được tính trong các thông tin liên lạc chính thức. Ông cũng nêu rõ rằng Ban tổng thư ký ưu tiên những người chưa lên tiếng.
Tiếp đến, Sheila Pires, thư ký của Ủy ban Thông tin, nói rằng một số thành viên Đại hội đã cảnh báo chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị, ngay cả nơi giáo dân, bởi vì nó “đã dẫn đến lạm dụng quyền lực, lương tâm, kinh tế và tình dục”. Bà nhấn mạnh, những lạm dụng này khiến Giáo hội mất uy tín đến mức cần phải có một “cơ chế kiểm soát”. Sheila Pires cho biết tính hiệp hành “có thể giúp ngăn ngừa lạm dụng vì đây là một quá trình bao gồm việc lắng nghe và đối thoại”.
Những cải cách cần thiết trong Giáo hội
Về cải cách, đã có cuộc thảo luận về những thay đổi cần thiết để đạt được sự minh bạch hơn trong các cơ cấu tài chính và kinh tế, việc sửa đổi giáo luật cũng như một số “danh hiệu” đã trở nên lỗi thời. Liên quan đến tính hiệp hành, tính cấp bách của việc củng cố các cơ cấu hiện có – chẳng hạn như các hội đồng mục vụ – đã được nhấn mạnh, chú ý không nhượng bộ trước những lệch lạc của não trạng nghị viện. Cuối cùng, Sheila Pires chỉ ra tầm quan trọng của việc sát cánh cùng giới trẻ trong môi trường kỹ thuật số, một nơi truyền giáo thực sự để xích lại gần những người ở vùng ngoại vi lại với nhau. Bà kết luận rằng trên thực tế, đó là việc gặp gỡ những người trẻ này ở nơi họ đã ở, nghĩa là ở các mạng xã hội khác nhau.
Đức cha Grušas : đào tạo và hoán cải
Đức Tổng Giám mục của Vilnius, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Âu và Hội đồng Giám mục Litva, đã phát biểu để trước tiên gợi lên cuộc họp lục địa vào tháng Hai tại Praha. Theo Đức cha Gintaras Grušas, đây là “cơ hội cực kỳ tích cực để trò chuyện và chia sẻ tâm linh”, nhờ đó các mục tử từ 45 quốc gia khác nhau có thể nói chuyện và đối diện với nhau từ những quan điểm khác nhau. Tiếp đến, gợi lên công việc của Thượng hội đồng, Đức cha Grušas nhấn mạnh tính trung tâm của chủ đề đào tạo như là “một cách trở thành Giáo hội, sống chung, trải nghiệm sự hiệp thông”. Chính kinh nghiệm của Thượng hội đồng đã làm cho tất cả những điều này trở nên cụ thể. Ngài nói: “Bất chấp sự mệt mỏi trong những ngày này, chúng tôi có nghị lực to lớn bởi vì, mặc dù chúng tôi đến từ các quốc gia khác nhau, nhưng chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi có rất nhiều điểm chung: trước hết là đức tin“. Một khía cạnh quan trọng khác được ngài nhấn mạnh là sự hoán cải tâm hồn, mong muốn “phát triển như một Giáo hội” từ ước muốn “thay đổi não trạng”.
Sơ Fadoul: giữa đau khổ và hy vọng
Tiép đến, nữ tu Houda Fadoul, gốc Syria, gia nhập cộng đoàn đan viện theo nghi thức Công giáo Syria Deir Mar Moussa do Cha Paolo Dall’Oglio thành lập vào năm 1993, đã phát biểu. Nữ tu – tham gia vào công việc với tư cách là nhân chứng cho tiến trình hiệp hành dành cho các Giáo hội Đông phương và Trung Đông, trong số những người đến từ các đại hội lục địa mà không nhận được “chức năng” giám mục – đã nói về kinh nghiệm cá nhân và Giáo hội của mình, được đánh dấu bởi những sự kiện kịch tính như chiến tranh, đại dịch, động đất. Giáo phận của sơ cũng không có giám mục trong ba năm và vị linh mục mới, người vừa mới đến, đã cố gắng “bù đắp điều đó” bằng cách thu hút giới trẻ nói riêng và bằng cách mời một giám mục chuyên gia người Libăng đến gặp gỡ các thành phần khác nhau của cộng đồng. Đối với Thượng hội đồng, nữ tu gợi lên “một khoảnh khắc trao đổi rất phong phú” nuôi dưỡng sự căng thẳng hướng tới sự hiệp nhất và chia sẻ được đề xuất trong lời cầu nguyện. Quả thế, mỗi chủ đề đều được tiếp cận theo phương thức “cùng nhau bước đi”: có một điểm khởi đầu, một con đường, một mục tiêu cần đạt tới.
Đức Tổng Giám mục Tokyo : với đôi mắt của Caritas
Đức Cha Tarcisio Isao Kikuchi – nhà truyền giáo của Verbite, Tổng Giám mục Tokyo, chủ tịch Caritas quốc tế, chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản, tổng thư ký Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á – nhấn mạnh rằng người Nhật khó phát biểu theo nhóm như thế nào, bởi vì, theo phong cách riêng của họ, họ thích sự thinh lặng hơn. Đây là lý do tại sao, ngài lưu ý, “cuộc tranh luận mà chúng ta đang có những ngày này là rất quan trọng. Trong các đại hội lục địa, chúng tôi đã bắt đầu sử dụng phương thức các nhóm nhỏ, xung quanh một bàn, với các cuộc gặp gỡ được tổ chức ở Châu Á để chuẩn bị chúng tôi tốt hơn cho Thượng hội đồng. Bằng cách tham gia vào năm nhóm nhỏ, tôi đã có cơ hội trải nghiệm đầy đủ sự đa dạng trong sự hiệp nhất của Giáo hội, mà không quên rằng sự tồn tại của nó là phổ quát”.
Ngài nhắc lại, ngôn ngữ được sử dụng trong các cuộc họp “trên thực tế là ngôn ngữ của thần học phổ quát, ngay cả khi một giải pháp không thể có giá trị cho tất cả mọi người. Điều này là do ở Châu Á có quá nhiều ngôn ngữ và quá nhiều thực tế: chúng tôi không thể chọn một giải pháp duy nhất để cùng nhau đồng hành, bởi vì tính hiệp hành cũng có nghĩa là tôn trọng văn hóa địa phương”.
Tiếp đến, Đức cha Kikuchi nói về sự phục vụ của mình với tư cách là chủ tịch Caritas Quốc tế, nhấn mạnh rằng “mỗi Caritas đều là nền tảng trong hành trình hiệp hành của Giáo hội”. Ngài nhấn mạnh, tất cả các tổ chức đều có bản sắc Công giáo riêng, tích cực cộng tác với nhiều đối tác khác nhau và cũng có giá trị đại kết và liên tôn. Ngài kết luận: “Tính hiệp hành được thể hiện rõ ràng ở các quốc tịch khác nhau của những người lãnh đạo tổ chức này và những người làm việc tại địa phương, ở mọi nơi trên thế giới”.
Sơ Barron: Tính hiệp hành tự nhiên của Châu Phi
Nữ tu Mary Teresa Barron người Ailen, bề trên tổng quyền của Dòng Nữ tu Đức Mẹ Các Tông đồ, chủ tịch Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền, đã đưa ra bài tham luận của mình bằng cách gợi lên phương châm bằng tiếng Anh: “No one person reads the same book as the other” (Không ai đọc cùng một cuốn sách như người khác). Sơ tâm sự: “Suy nghĩ về Thượng hội đồng đã khiến tôi nhìn thấy và trải nghiệm những điều dựa trên kinh nghiệm của tôi khi còn là một nữ tu, trưởng thành ở Đông Phi trong một giáo xứ nông thôn, nơi tôi đã sống trải nghiệm đầu tiên về một Giáo hội hiệp hành, trong một Giáo hội có hai linh mục cho 35 ngôi làng và một giáo lý viên cho một khu vực rộng bằng một nửa Ailen”.
Sơ nói tiếp tiếp, tính hiệp hành được trải nghiệm trong các nhóm nhỏ cũng tương tự như tính hiệp hành được sống ở Châu Phi “trong cộng đồng, cùng với các tín hữu giáo dân, mỗi Chúa Nhật bên ngoài các túp lều bằng bùn đất, chúng tôi ngồi thành vòng tròn để cùng nhau đưa ra quyết định”, ngay cả với những người “không được học hành và chúng tôi đã chia sẻ đức tin từ tận đáy lòng mình. Nhưng mỗi giọng nói đều có trọng lượng như nhau”. Sau đó, Sơ Barron đề nghị “lắng nghe nhiều hơn với các Giáo hội trẻ, nơi có sự tham gia mạnh mẽ của người dân” và cũng xác nhận rằng đời sống tôn giáo trong cộng đoàn của Sơ dựa trên tính hiệp hành.
Mỗi người đều có vai trò của mình trong Giáo hội
Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Sơ Fadoul nói về sự đóng góp của chứng tá đời sống chung liên quan đến tính hiệp hành. Sơđặc biệt nhắc lại rằng sơ đã không bỏ rơi các Kitô hữu Syria cùng với cộng đồng của mình, bằng cách giúp đỡ họ cầu nguyện, bằng cách khiến họ cảm thấy tình liên đới. Sơ Barron, người đã nhấn mạnh sự tham gia của các bề trên tổng quyền trong tiến trình hiệp hành, nói thêm rằng đời sống thánh hiến nhận ra tầm quan trọng của việc đào tạo để hiểu làm thế nào sống tính hiệp hành. Sơ Barron đề cập đến “hiệu ứng lan tỏa” của đào tạo trực tuyến, điều này rất hữu ích trong việc mở rộng việc chia sẻ và xây dựng cộng đoàn.
Suy nghĩ về chức phó tế nữ
Trả lời câu hỏi liên quan đến chức phó tế nữ, Sơ Barron lưu ý rằng vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự về sự phân định hiệp hành. Sơ nói thêm, đặc điểm vẻ đẹp của Giáo hội Công giáo là có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng trong khi chúng đang được thảo luận, sẽ không đúng nếu nói ra ngoài không gian đó. Về vấn đề này, Nữ tu Fadoul nhấn mạnh rằng mọi người phải đảm nhận vai trò của mình trong Giáo hội, nam cũng như nữ, bằng cách học cách sử dụng các ân sủng của Chúa. Đức cha Grušas nói thêm rằng cuộc tranh luận về các thừa tác vụ khác nhau trong Giáo hội là một phần của cuộc trao đổi rất rộng rãi này ở Thượng hội đồng. Ngài nhấn mạnh, thông thường chúng ta tìm kiếm câu trả lời như có hoặc không, đen hoặc trắng. Rõ ràng là có những khác biệt về quan điểm, điều này còn phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa, nên còn quá sớm để đưa ra quyết định ở giai đoạn này.
Suy nghĩ về Thượng hội đồng ở Châu Âu và Châu Á
Đức cha Grušas cũng chỉ ra rằng các chủ tịch các Hội đồng Giám mục đã suy tư về một số cơ cấu vốn đã mang tính hiệp hành trong giáo luật và có thể được thực hiện một cách hiệu quả ngay bây giờ. Đức Tổng Giám mục Tokyo giải thích rằng trong thời kỳ đại dịch, không có nhiều cơ hội để tập hợp mọi người cùng bước đi theo cách thức hiệp hành, và do đó phương thức trực tuyến đã được chọn. Sau đó ngài kêu gọi suy nghĩ về thực tế rằng nếu chúng ta thực sự muốn có sự tham gia của giáo dân, chúng ta phải tính đến các hoạt động và gia đình của họ. Trả lời câu hỏi của một nhà báo người Phi Luật Tân về đề xuất trong tài liệu lục địa châu Á về sự hiếu khách và hòa nhập trong Giáo hội, Đức Tổng Giám mục Tokyo lặp lại những gì đã được đề xuất trong các nhóm nhỏ, cụ thể là phong tục phương Đông “cởi giày để vào nhà” như một dấu hiệu của sự chào đón và lòng hiếu khách.
Tiến trình hiệp hành, quan trong hơn các quyết định
Để trả lời câu hỏi cuối cùng về các quyết định chung cuộc của Đại hội, Đức cha Grušas đã nhấn mạnh sự thống nhất của Đại hội “về phương pháp của tình hiệp hành”. Về các chủ đề cụ thể, “Tôi không tin rằng ở giai đoạn này, hoặc thậm chí trước năm 2024, sẽ có quyết định cuối cùng. Nhưng nếu chúng ta lớn lên và sống trong tính hiệp hành, thì chúng sẽ đến, bởi vì chúng ta không tìm kiếm những kết luận tín lý, không có ý tưởng định sẵn về việc Thượng hội đồng này sẽ như thế nào. Mặc dù mọi người đều muốn có quyết định, nhưng quá trình vẫn quan trọng hơn quyết định”. Cuối cùng, Nữ tu Fadoul nói thêm rằng lắng nghe, chia sẻ và phân định là những từ khóa dành cho toàn thể Giáo hội.
Tý Linh
(theo Vatican News)
Tags: nữ giới, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐHY FILIPE NERI FERRÃO, TÂN CHỦ TỊCH CỦA FABC
- MỞ CỬA THÁNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH: NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO NĂM THÁNH
- CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ CÁC NĂM THÁNH: VIỆC MỞ CỬA THÁNH TRONG LỊCH SỬ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: THIÊN CHÚA CHỌN SINH RA CHO CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ
- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ TRONG NĂM THÁNH
- ÂN XÁ NĂM THÁNH, CƠN MƯA LÒNG THƯƠNG XÓT CHO MỌI NGƯỜI
- CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ
- ĐỨC PHANXICÔ: NĂM THÁNH LÀ CƠ HỘI KHAI MỞ CÔNG TRƯỜNG TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA : THÁNH GIA NADARÉT, MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE
- PHÓ CHÁNH ÁN TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO: TÒA GIẢI TỘI, CỬA THÁNH CHO TÂM HỒN
- VĂN PHÒNG PHỦ GIÁO HOÀNG : THÔNG TIN ĐẶT VÉ THAM DỰ CÁC BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG VÀ CÁC NGHI LỄ
- MỞ CỬA THÁNH ĐỀN THỜ LATÊRANÔ: “GIEO NIỀM HY VỌNG VÀ XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỞ CỬA THÁNH TẠI NHÀ TÙ REBIBBIA: “HÃY BÁM LẤY NIỀM HY VỌNG”
- LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !