THƯỢNG HỘI ĐỒNG: “TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ TỪ BỎ VIỆC VIẾT MỘT TÔNG HUẤN? »

Written by xbvn on Tháng Mười Một 1st, 2024. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Vào cuối phiên họp cuối cùng của Thượng Hội đồng, Đức Phanxicô đã quyết định không viết một tông huấn như thường lệ, nhưng bằng lòng với việc xuất bản Tài liệu cuối cùng. Nhà thần học Arnaud Join-Lambert trình bày những lý do có thể biện minh cho sự lựa chọn lạc điệu này, vốn không phải mới lạ.

Chúa Nhật vừa qua, Thượng hội đồng về tính hiệp hành đã kết thúc bằng việc công bố tài liệu cuối cùng. Những căng thẳng, những niềm vui, những thất vọng, những nhiệt tình, những nhẹ nhõm, những sợ hãi đã đi theo tiến trình này với nhiều điều mới mẻ, vượt ra ngoài khuôn khổ lập pháp gần đây của tông hiến Episcopalis communio (2018) chi phối các Thượng hội đồng.

Điều ngạc nhiên cuối cùng là việc Đức Thánh Cha Phanxicô chọn đảm nhận tài liệu cuối cùng mà không công bố tông huấn hậu thượng hội đồng. Sự lựa chọn này không phải là mới. Tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 1971, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thông qua hai văn kiện của Thượng hội đồng mà không công bố tông huấn nào. Tuy nhiên, kể từ năm 1974, các Đức Giáo hoàng luôn công bố các tông huấn hậu thượng hội đồng; điều này thường làm lu mờ các tài liệu của các Đại hội Thượng hội đồng.

Do đó, quyết định này của Đức Phanxicô đáng được quan tâm đặc biệt. Dù các động cơ là gì thì chúng cũng có thể trả lời cho 5 lôgic. Lôgic đầu tiên là hiển nhiên, và mang tính hiệp hành. Từ bỏ một tông huấn là thừa nhận tầm quan trọng của toàn bộ tiến trình. Quả thật, tất cả các tài liệu và công việc trong ba năm đều tìm thấy kết quả trong tài liệu này. Theo lôgic này, bất kể nội dung ở đây là gì, Đức Phanxicô nhất quán với chính mình khi cho thấy rằng tính hiệp hành là điều thiết yếu đối với Giáo hội; vì thế, không có gì bổ sung được thêm vào là cần thiết.

Không có gì quan trọng để nói thêm

Trái lại, lôgic thứ hai có thể gắn liền với nội dung. Với sự phát triển của tiến trình và văn bản được bỏ phiếu, sẽ không có gì quan trọng khác biệt để nói thêm. Chúng ta hãy xem chi tiết điểm này. Từ ba năm qua dưới sự thúc đẩy của Đức Phanxicô, khái niệm ‘hiệp hành’ đã biết đến một “ý nghĩa sâu rộng” (Alphonse Borras). Ban đầu được coi là một nguyên tắc thần học để chỉ việc quản trị trong Giáo hội Công giáo, nó dần dần được mở rộng sang một cách sống sự quản trị, trên thực tế là mọi quyền bính trong Giáo hội. Lúc đó, người ta nói về phong cách hiệp hành.

Trong năm qua, việc gạt các vấn đề khó khăn sang một bên đã làm giảm phạm vi cải cách của tiến trình này. Khi tập trung vào phong cách này, đặc biệt là nhu cầu chuyển đổi/hoán cải (một từ đánh dấu từng chương của tài liệu cuối cùng), các yếu tố cụ thể hoặc kỹ thuật nhất đã biến mất. Tuy nhiên, những chiều kích này đã làm nảy sinh căng thẳng và tranh luận. Chúng lẽ ra có thể biện minh cho một hình thức trọng tài của Đức Thánh Cha trong một tông huấn hậu Thượng Hội đồng. Không có sự bất đồng, không có tông huấn.

Lôgic thứ ba sẽ nhấn mạnh một cách tinh tế vào phong cách cá nhân của Đức Phanxicô. Ngài sẽ không còn cần phải công bố một tông huấn về cách sống tính hiệp hành nữa, bởi vì trước đây ngài hẳn đã làm như vậy rồi. Ba ngày trước tài liệu cuối cùng, Đức Phanxicô đã công bố thông điệp Dilexit nos về tình yêu nhân linh và thần linh của Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô. Như thế, chẳng phải Đức Phanxicô đã đưa ra những chìa khóa tối hậu của riêng mình cho tính hiệp hành sao? Vì một thông điệp là một tài liệu có sức mạnh huấn quyền lớn hơn một tông huấn, nên tông huấn này cách nào đó sẽ trở nên thừa.

Tính hiệp hành, đó là bây giờ

Lôgic thứ tư có lẽ có tính quyết định nhất. Nó liên quan đến cái mà chúng ta gọi là sự tiếp nhận. Mỗi Thượng Hội đồng đều có ba chiều kích: kinh nghiệm được sống, các tài liệu được xuất bản, việc thực hiện cụ thể. Sự tiếp nhận là việc các tín hữu đón nhận ba chiều kích này. Tuy nhiên, trong các Thượng Hội đồng Giám mục trước đây, cần phải đợi nhiều tháng trước khi một văn bản của Đức Giáo hoàng bắt đầu quá trình tiếp nhận, thường đẩy những gì đã có trước đó vào quên lãng.

Khi từ bỏ viết một tông huấn, Đức Thánh Cha Phanxicô ngay lập tức bắt đầu quá trình tiếp nhận Thượng hội đồng: một mặt, phong cách hiệp hành, từ nay vốn phải có trong mọi cách thức thực thi quyền bính trong Giáo hội; mặt khác, dấn thân cho những cải cách cụ thể trong tính liên tục của các công trường được phát thảo hoặc được mở ra. Khi làm như vậy, Đức Phanxicô từ chối một lý do để trì hoãn việc triển khai một Giáo hội hiệp hành, mà ngài không ngừng kêu gọi từ năm 2015. Với quyết định này, Đức Phanxicô nói: tính hiệp hành, đó là bây giờ!

Một không gian dành cho các Giáo hội địa phương

Cuối cùng, Đức Phanxicô sẽ ủng hộ một cách tiếp cận theo bối cảnh, được bén rễ sâu trong tự sắc Ad theologiam Provendam của ngài. Ở đó, ngài nhấn mạnh những lợi ích của một nền thần học quy nạp, nhấn mạnh những khó khăn, thậm chí cả những bế tắc, của một diễn ngôn “phổ quát”. Việc từ bỏ viết một tông huấn sẽ là một tín hiệu cho các Giáo hội địa phương để soạn thảo những áp dụng cụ thể của Thượng hội đồng, phù hợp với thực tế của họ. Tài liệu cuối cùng cũng đề cập đến các Hội đồng lục địa như một “sự đổi mới thích đáng” (số 126).

Nhưng sự đổi mới, theo nghĩa mạnh mẽ của thuật ngữ này, góp phần làm biến đổi thực tế. Gần gũi hơn với các thực tại và bối cảnh địa phương, tương lai của tính hiệp hành, cả về phong cách quản trị lẫn các cải cách, sẽ không phụ thuộc vào một tông huấn, nhưng vào sự tiếp nhận của các lục địa, quốc gia và địa phương. Khi đó sẽ không còn gì để chờ đợi từ Đức Giáo hoàng nữa, nhưng chỉ có thể cùng nhau làm việc, theo tính hiệp hành.

——————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31