TIỂU SỬ CHA JEAN-JACQUES OLIER, ĐẤNG SÁNG LẬP HỘI LINH MỤC XUÂN BÍCH

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 4th, 2012. Posted in J.J.Olier, Sách - livres, Tiểu sử cha Olier, Trường Phái Tu Đức Pháp - Ecole française de spiritualité, Xuân Bích Việt Nam

Bernard Pitaud

TIỂU SỬ CHA

JEAN-JACQUES OLIER

XUÂN BÍCH VIỆT NAM

2007

Nguyên tác : “Petite vie de

JEAN-JACQUES OLIER”

do Lm. Bernard Pitaud, p.s.s.

Chuyển nghĩa (với chú thích) do

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, p.s.s.

Lời nói đầu

Hai tiếng Saint-Sulpice (Xuân-Bích) được liên kết trong ngôn ngữ thường nhật với một nghệ thuật đã lỗi thời. Nghệ thuật này được gọi như thế vì đã thịnh hành vào thế kỷ XIX trong các cửa tiệm bán ảnh tượng đạo tại khu phố Saint-Sulpice ở Paris.jj-olier Nó không có liên quan trực tiếp gì với ngôi Thánh Đường mang tên đó, huống hồ là với con người đã là cha sở tại đó vào giữa thế kỷ XVII. Vị này, Jean-Jacques Olier, đã có một ảnh hưởng rực rỡ hãy còn tồn tại tới ngày nay. Ngài đã là một trong những nhà sáng lập chính yếu những chủng viện tại Pháp quốc. Ngài đã thành công, vào thời đó, trong việc đem tới kết quả lâu bền chương trình cần thiết này cho việc cải tổ hàng giáo sĩ. Để điều khiển các chủng viện, ngài đã thiết lập một đoàn thể linh mục, tức Hội Linh Mục Xuân Bích (Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice), ngày nay có mặt tại Pháp quốc, Phi Châu, Việt Nam, Canada, Hoa Kỳ, Colombia, Brésil, Nhật Bản. Để phục vụ các linh mục tương lai tại các nước này, các linh mục Xuân Bích đã đầu tư cả một vốn liếng kinh nghiệm sư phạm và thiêng liêng luôn được làm giầu thêm bởi một thực hành từ trên ba thế kỷ nay. Các ngài cũng sinh động hóa giáo xứ Saint-Sulpice tại Paris, trong sự trung thành với cha Jean-Jacques Olier đã là cha sở tại đây suốt mười năm trời.

Những trang dưới đây có mục đích thuật lại vắn tắt đời sống và lộ trình thiêng liêng của vị sáng lập Hội Xuân Bích. Ngài là thành phần trong các vị, tại thế kỷ XVII, đã cố công “canh tân Kitô giáo” theo cách nói thời đó, nghĩa là đem đến một sinh khí mới cho Giáo Hội Pháp quốc bị kiềm chế trong một hình thức câu nệ tôn giáo làm tê liệt. Tên của các ngài là Pierre de Bérulle, Charles de Condren, Jean Eudes, Vincent de Paul và nhiều vị khác. Bérulle, qua đời năm 1629, để lại sau ngài một sự nghiệp lớn lao của một bậc thầy thiêng liêng có tầm cỡ lớn. Sáng lập dòng Giảng thuyết (Oratoire), ngài là người khai mở điều mà rất muộn sau này người ta gọi là “Trường phái thiêng liêng Pháp” (École Française de spiritualité), trong đó Jean-Jacques Olier là một trong những đại diện chính. Nhưng các người này không chỉ là những nhà thần học hoặc tác giả thiêng liêng, họ còn là những nhà truyền giáo hoạt động không mỏi mệt với lòng hăng say tông đồ bất khuất. Tiểu sử của cha Olier là một bằng chứng hùng hồn.

Người ta bắt đầu biết đến các ngài mỗi ngày nhiều hơn trong đại chúng, nhờ vào nhiều công trình xuất bản về các ngài. Cuốn sách nhỏ này có mục đích góp phần làm cho nên thân cận hơn bộ mặt của cha Jean-Jacques Olier, vị linh mục rất trìu mến này đã luôn kín múc niềm hăng say tông đồ của mình trong sự hoàn toàn phó thác cho Chúa Thánh Thần.

1

Những năm thụ huấn

(1608-1631)

Ngày 20 tháng 09 năm 1608, tại khu phố Marais, khu phố dân cư chính của Paris vào thời đó, đứa con thứ bốn trong gia đình Olier de Verneuil chào đời. Gia đình này có một biệt thự tư tại phố Roi de Sicile. Người cha thuộc hàng quý tộc văn thần có ảnh hưởng và quyền hành mỗi ngày một lớn. Ông Jacques Olier là cố vấn Thượng Nghị Viện, Thư ký Nhà Vua, Thỉnh nguyện viên thường xuyên tại biệt thự tư. Làm Bá tước tại Verneuil, ngày nay nằm trong Quận Yvelines, gần Poissy, ông đã kết hôn với bà Marie Dolu d’Ivoy, xuất thân từ một gia đình thuộc dòng quý tộc Berry. Bốn người con sinh ra trong gia đình. Riêng cậu út mang tên đệm là Jean-Jacques, tên đệm kép, để khỏi quên người anh cả là Jacques, qua đời ít ngày sau khi sinh.

Thời đó, số tử vong của trẻ thơ rất thường xảy ra, và hy vọng sống nơi người lớn cũng chẳng cao là mấy, nhất là nơi người nghèo. Nhiều trẻ em chết ngay khi sinh hoặc chết yểu. Hơn nữa phải có một thân thể cứng cát và chút may mắn để chống lại những nạn đói, những bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là nạn dịch tễ ; thế kỷ XVII được đánh dấu bằng một cuộc hồi sinh mạnh mẽ cơn dịch tễ đáng sợ vẫn luôn tồn tại dưới hình thức lây lan kể từ đại dịch năm 1342. Chỉ trong vài tuần, dân số của một thành phố, một làng xã có thể mất đi một phần ba hay hơn nữa. Vào đầu thế kỷ XVII này, người thường dân rất áy náy về sự dòn mỏng của bản thân mình, trong khi các nhà nhân bản, thừa kế thời Phục Hưng, tiếp tục ca ngợi sự cao cả của con người.

Tuy nhiên, năm 1608, nước Pháp được xả hơi một chút, vì được sống hòa bình. Cuộc lên ngôi của Vua Henri IV theo tin lành, nay trở lại công giáo vì hoàn cảnh, đã tạm chấm dứt chiến tranh tôn giáo. Sắc lệnh Nantes năm 1598 đã thiết lập tự do thờ phượng và đã phần nào trấn an các tâm hồn. Như một người mất máu, xứ sở thoát ly một cuộc tranh chấp lâu dài, một cuộc tranh chấp làm lộ bộ mặt phức tạp của xã hội Pháp thời đó, đặc biệt về những liên hệ giữa hàng quý phái với nhà vua, và giữa các nhà quý phái với nhau. Xứ sở cần lấy lại nhịp thở, tìm lại sức mạnh kinh tế, điều mà triều đại của Henri IV sẽ giúp triển nở. Bất hạnh thay, nhà vua bị ám sát vào năm 1610 và việc Richelieu lên nắm quyền hành đã khai mạc một giai đoạn bất ổn mới, cho dù những năm đó có củng cố thêm thế lực cho nước Pháp. Dõi theo cuộc sống của mình, J.-J. Olier sẽ thấy tái sinh những tranh chấp tôn giáo, sự chống đối ngấm ngầm giữa quyền lực nhà vua và các nhà quý phái sẽ đạt tới đỉnh cao trong nội chiến Đầu Thạch Đẳng (La Fronde)[1], trong chiến tranh Ba Mươi năm (Guerre de Trente ans) mà nước Pháp sẽ bước vào. Nó sẽ gây biết bao tàn phá trong bước tiến của xứ sở, đặc biệt tại Lorraine và miền Bắc. Thêm vào đó là những cuộc nổi loạn xảy ra đây đó do nạn nghèo đói, thuế má quá nặng, và nạn bắt lính. Những cuộc nổi loạn này thường bị thẳng tay đàn áp.

Dầu sao, cũng không nên đưa ra một hình ảnh quá ảm đạm của đầu thế kỷ XVII này. Những khó khăn thay đổi tùy theo từng miền. Người ta vẫn có thể di chuyển cho dù đường xá có thể gặp nguy hiểm. Hoàn cảnh kinh tế nói chung có khá hơn, cho dù sự bấp bênh hãy còn lớn trong dân. Tuy nhiên, đúng là vào thời đó dân chúng trải qua những điều kiện sinh sống khá khó khăn và luôn luôn bị viễn ảnh cái chết đe dọa. Đôi khi người ta bỡ ngỡ đọc thấy nơi những tác giả thiêng liêng lớn thời đó một cái nhìn khá tiêu cực về con người. Điều này được giải thích nhất là do phản ứng của các ngài chống lại sự lạc quan quá đáng, theo con mắt các ngài, của trào lưu nhân bản. Nhưng cũng không được bỏ quên ảnh hưởng của sự có mặt thường xuyên của cái chết luôn nhắc nhở con người về thực tại “hư vô” của mình.

Tuổi thiếu thời và thanh niên (1608-1625)

Khoa thánh tích học sau này đã cố gắng nhiều để nắm lấy những năm đầu của J.-J. Olier hầu tìm ra trong đó những của đầu mùa trong vận mệnh tương lai của ngài. Những loại văn chương này đã quá quen thuộc để chúng ta rơi vào cạm bẫy của chúng. Khi thiếu tài liệu nghiêm túc thì cần phải lặng thinh. Chúng ta biết ngài đã được rửa tội tại nhà thờ Saint-Paul, ngày nay đã biến mất ; hơn bốn mươi năm sau, ngài sẽ nói về phép Rửa của ngài như một biến cố trọng đại nhất đã đưa ngài vào một cuộc sống mới : “Qua phép Rửa tội, tôi đã tuyên hứa chết đi cho đời sống đầu tiên, và tôi chỉ còn sống cho đời sống thứ hai, thật rất vinh hiển đối với tôi ; bởi chưng qua đời sống này, tôi có Thiên Chúa là cha, Giáo Hội và Đức Trinh Nữ là mẹ, Chúa Giêsu là anh cả tôi, còn các thánh là anh em, và các thiên thần là tôi tớ” ; kiểu nói đầy cảm động theo linh đạo đặc sắc về phép Rửa của các môn đệ Hồng Y Bérulle mà J.-J. Olier là thành viên.

Ngay từ buổi mới sinh, cũng như nhiều trẻ em thuộc hàng quý phái hoặc giai cấp trung lưu, ngài được gửi nuôi trong một thời gian nơi một bà vú ở ngoại ô Saint-Germain. Trên thực tế đấy là những sự việc chắc chắn duy nhất của thời kỳ này, có lẽ với việc nhập học một trường nào đó lúc tám tuổi. Nhưng một vài tiếng vọng chính ngài đã để lại về tuổi thơ ấu của mình trong Nhật ký (Mémoires) cũng bộc lộ cho chúng ta thấy một vài khía cạnh về nhân cách của ngài. Ngài tỏ ra như một đứa trẻ rất linh lợi, tinh nghịch, mà hạnh kiểm đã kéo theo những liên hệ khó khăn với mẹ ngài :

Người ta luôn la mắng sau tôi ; liên tục tôi bị hất hủi, hành hạ, phiền muộn, đánh đập, roi vọt ; tôi không có được một giây phút nghỉ ngơi bên cạnh mẹ tôi. Thực sự tôi đã gây cho bà quá nhiều điều làm cho bà phải xử với tôi như vậy. Tôi hết lòng khiêm nhường xin lỗi Chúa và xin lỗi chính bà.

Phải chăng đây là dấu hiệu đầu tiên của một tính tình nghiêng về sự nhận tội ? Một đoạn văn khác xem ra cũng đi về cùng một chiều hướng :

Tôi đã lưu ý rằng không bao giờ tôi học được chi mà không nhờ ơn Chúa và trong thời gian tôi sống trong ơn Chúa, theo như tôi thấy. Khi còn ở học đường, ngay khi tôi phạm một tội nào, thì trí khôn tôi hoàn toàn bị đóng lại và hoàn toàn mù quáng, và tôi tự thấy mình bất lực không thể học và nhớ được gì, đến nỗi tôi phải lập tức đi xưng tội.

Dầu sao, phải thừa nhận rằng em thiếu nhi, rồi cậu thanh niên mà chúng ta gặp thấy từ năm 1617 tại Lyon nơi cha cậu được bổ nhiệm làm Quan Giám Sát của nhà vua, không có một sự quân bình tâm lý hoàn hảo. Những nguy hiểm cậu chấp nhận trong các cuộc chơi tỏ rõ đây là một người có nhu cầu muốn mình được chú ý. J.-J. Olier sẽ giữ lâu ngày một thứ tự ái, một cách muốn đặt mình ở trung tâm mọi sự, điều mà sau này ngài sẽ gọi là tính “kiêu căng” (la superbe) của mình, mà nó sẽ là nguồn gốc cho cuộc khủng hoẳng thiêng liêng lớn của ngài vào những năm 1639-1641.

Tại Lyon, cậu học tại trường các cha Dòng Tên. Chính năm 1622, lúc đó cậu đúng 14 tuổi đã xảy ra cuộc gặp gỡ thời danh với Đức Giám Mục Phanxicô Salêsiô (François de Sales) đang lâm bệnh và sắp qua đời. Không nên quan trọng hóa cuộc gặp gỡ, ngay cả khi chính cậu đã coi trọng sự việc này :

Nếu đôi khi tôi gọi Ngài là Cha, thì bởi vì tôi đã được phúc nhận phép lành của Ngài, và đã mặc áo dòng (soutane) vì ý kiến và lời khuyên thánh thiện của Ngài.

Bà Olier, vợ quan Giám Sát nhà vua, tất nhiên đã tới thăm viếng vị Giám Mục nổi tiếng nhất thời đại, được dư luận quần chúng coi như một vị thánh, mà chồng bà đã nhiều lần gặp gỡ. Bà đã trình diện với Ngài các con của bà, đặc biệt là Jean-Jacques mà người ta có ý định chọn cho nghề làm giáo sĩ ; và dĩ nhiên là Giám Mục Phanxicô Salêsiô đã khuyến khích nhiều và sẵn sàng ban phép lành nữa. Nhưng J.-J. Olier đã giữ từ buổi gặp gỡ đầy ấn tượng đối với cậu ở tuổi thanh niên đó, một sự ngưỡng mộ sau này sẽ đổi thành một sự sùng kính Giám Mục Genève.

Bởi vì gia đình đã định trước, nên cậu thanh niên sẽ bước vào các chức thánh. Một thực hành làm ta bỡ ngỡ ngày nay, nhưng rất thông dụng vào một thời mà hệ thống bổng lộc (la commende[2]) đã thành phổ quát. Tất cả mọi chức vụ giáo sĩ đều kèm theo một bổng lộc (bénéfice), một lợi tức như tên gọi chỉ rõ, mà chủ nhân của chức vụ được quyền thu nhập. Như thế những gia đình lớn đều rất có lợi nắm giữ các Nhà Dòng, các Tu Viện, các Tòa Giám Mục. Đó là một nguồn lợi tức đáng kể. Và hơn nữa nhà vua còn dành quyền trên một số bổng lộc lớn, để ban làm dấu hiệu đặc ân của triều đình. Khi Richelieu trở thành Giám Mục tại Luçon, lúc 22 tuổi, là để cho Tòa Giám Mục này, mặc dầu “tồi tàn nhất nước Pháp”, được giữ trong gia đình.

Cũng vì thế mà cậu trai Olier, chịu chức cắt tóc vào 12 tuổi, đã nhận được tu viện Bazainville tại địa phận Chartres, rồi mấy năm sau nhận tu viện biển đức Clisson tại địa phận Nantes, ít lâu sau đó lại nhận thêm nhà dòng Pébrac tại địa phận Saint-Flour, và tu viện Madeleine de Pouancé trong địa phận Angers. Thế là vị giáo sĩ trẻ tuổi của chúng ta đã được chu cấp đầy đủ ngay từ những buổi đầu của nghề giáo sĩ, tuy rằng đây chỉ là những bổng lộc hạng nhì thôi. Năm 1626 ngài lên đường tới Pébrac lần đầu tiên để được đón nhận với tư cách Viện Phụ.

Tình cảnh hàng giáo sĩ

Những ảnh hưởng tai hại của hệ thống bổng lộc đã hiện lộ rõ rệt. Các Viện Phụ hay các Giám Mục thuộc chế độ hưởng lộc không giữ luật hiện diện. Họ đặt tại chỗ một vị Bề Trên hoặc một vị Phó để thế chân họ cai quản Tu viện hoạc Địa phận, và nhận một “phần thích hợp”, nghĩa là tiền lương trả cho việc hoàn thành công việc được trao phó. Nhiều vị hoàn toàn không quan tâm gì đến chức phận của mình và cũng chẳng thèm đến thăm viếng tu viện hay địa phận của mình nữa. Họ ưa về sống tại lãnh thổ riêng của mình, hoặc trú ngụ tại triều đình. Bởi thế phẩm cách của việc cai quản các tu viện và các địa phận, cũng như tình cảnh thiêng liêng tại những nơi đây thay đổi rõ rệt tùy theo khả năng, lương tâm nghề nghiệp và sự hăng say tông đồ của những vị quản nhiệm.

Một số chủ nhân đích danh lại cũng chẳng bước lên các chức thánh. Nhiều vị rất trẻ. Người ta cắt tóc để đưa họ vào hàng giáo sĩ, và nếu họ kết hôn, thì chức vụ lại chuyển sang cho một người khác trong gia đình. Và trong trường hợp họ trở thành linh mục hay giám mục thì nói đến ơn gọi thế nào được, bởi vì một cách nào đó họ đã được xếp đặt trước để bảo tồn việc nắm giữ các bổng lộc cho gia đình rồi ? Trong đoạn cuối của cuốn “Luận về các Chức Thánh” (Traité des Saints Ordres), người ta gặp một công thức của cha Olier từ đây luôn được trích dẫn : “cần phải vào qua cửa ơn kêu gọi”. Câu nói này chỉ được hiểu trong văn mạch vừa được miêu tả cách vắn gọi trên đây. Trong một bài giảng ngài đọc ngày 20 tháng 08 năm 1642 vào lễ thánh bổn mạng giáo xứ, vị cha sở mới của Saint-Sulpice đã hùng hồn đưa ra một công tố trạng thẳng nhặt lên án những cha mẹ đã dành những đứa con kém cỏi nhất của họ đề làm linh mục :

Vậy hãy lưu ý, hỡi các bậc cha mẹ, để dâng lên cho Thiên Chúa những đứa con xứng đáng với sự cao cả của Ngài, những đứa con mà quý vị sẽ không phải nhận những lời quở trách trước mặt Thiên Chúa …Quý vị không hề đề nghị với các chúng việc phụng sự Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ đến việc tiến thân của quý vị, chỉ nghĩ đến lợi lộc của các chúng, và như thế quý vị làm cho con cái quý vị thành những hiến vật và những vật hy sinh cho hư vinh, quý vị hiến dâng những vật hy sinh của Thiên Chúa cho vinh dự và cho của cải…”

Điều nhấn mạnh mà sau này J.-J. Olier sẽ diễn đạt về ơn kêu gọi nội tâm, về lời trả đáp cá nhân, tự do, đối với tiếng gọi của Thiên Chúa vì lòng mến Ngài và yêu người, được giải thích do một hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ đối với chúng ta ngày nay.

Những thói tục khác nhau này được rộng rãi coi như là bình thường thời đó, và người ta không hề nghĩ là có thể khác. Công Đồng Trentô đã thật cố gắng sửa trị những tệ hại đó, chẳng hạn như buộc các Giám Mục phải cư ngụ trong địa phận mình. Nhưng những biện pháp quyết định tại Công Đồng rất ít được áp dụng tại vương quốc Pháp do tính dị cảm Pháp quốc thường dễ dàng tỏ hiện qua việc xa lánh những quyết định của Rôma. Thượng Nghị Viện Paris mãi đến năm 1615 mới chấp nhận đăng lục những sắc lệnh của Công Đồng. Trong khi Công Đồng lại đã kết thúc vào năm 1565. Và từ việc đăng lục đó để bước sang hành động, còn phải vượt qua một bước rất dài.

Như vậy hoàn cảnh của hàng giáo sĩ thật đáng báo động ; vào cuối thế kỷ XVI, đặc sứ Tòa Thánh là Alexandre de Médicis, được sai sang kinh lý tại Pháp đã gửi một bản báo cáo cho Đức Clêmentê VIII, ngài nói trong nhiều điều khác : “Trên 144 Tòa Giám Mục, thì có 43 tòa thiếu vị thực nhiệm”. Giữa các Giám Mục “…có rất ít vị thông minh, họ rất coi thường việc truyền chức, vì thế đã nảy sinh biết bao linh mục dốt nát và hành khất, thiếu chứng thư, biết bao nhiêu người đã bước vào các chức thánh không đủ tuổi và thiếu chuẩn bị. Những lợi tức của nhiều địa phận thuộc về đàn bà, lính tráng và các vương hầu, thật đáng ghê tởm”. Bản văn này khỏi cần chú giải.

Tuy nhiên tình cảnh sự việc này cũng đã gây nên những phản ứng. Ngay từ năm 1579 tại Hội Đồng hàng giáo sĩ diễn ra ở Melun, một phát biểu viên đã nói thẳng với nhà vua lời khuyến cáo nghiêm khắc này : “Những nhà thờ được bán đi, được trao đổi, được cho làm của hồi môn, bị cầm cố, bởi vì Bệ Hạ bổ nhiệm bừa bãi để hưởng bổng lộc cả một đống người bất tài và thiếu lương tâm, chúng vơ vét bao nhiêu chúng có thể”. Và thường xuyên trong Quốc Hội những lời phản kháng mạnh mẽ được phát biểu theo cùng chiều hướng.

Tình cảnh hàng giáo sĩ hạ cấp[3] dĩ nhiên là không thể khả quan hơn tình cảnh các giám mục và các viện phụ. Các linh mục không được đào tạo. Quyết định thành lập chủng viện của Công Đồng Trentô đã hầu như không có một kết quả nào tại Pháp, cho dù có một vài thử nghiệm nhút nhát, rất chóng biến thành mây khói vì thiếu phương tiện tài chính. Rất nhiều linh mục dốt nát, và có khi còn không hiểu được những điểm sơ lược nhất của chức vụ mình, ngay cả về đức tin kitô giáo nữa : “Có những linh mục không hiểu được lấy một từ la-tinh và nhiều vị khác hầu như không biết đọc chữ”, một vị Tổng Đại Diện địa phận Bourges thở than như vậy.

Phải nói rằng để có được “ủy nhiệm thư” cần thiết để được truyền chức, chỉ cần chứng minh có một khoản thu nhập và qua một cuộc khảo hạch nhanh chóng theo giáo luật. Nhưng người ta có thể dễ dàng tìm được một giám mục khoan nhã chẳng mấy gắt gao về những điều kiện này. Chính vì thế mà vị thánh tương lai là Vincent de Paul đã nhận được thư ủy nhiệm của một vị giám mục già lão hầu như mù lòa và được phong chức linh mục vào 19 tuổi. Bởi vậy, vào thời đó, rất nhiều linh mục không có chức phận cứ làm tăng số đoàn lũ hành khất. Tính theo phần trăm, sánh với toàn thể dân chúng Pháp, các linh mục chiếm một tỷ lệ rất quan trọng. Các nhà sử học ước lượng tổng quát ở đầu thế kỷ XVII, tại Paris, với số dân cư chưa đầy 500.000 người, mà có thể đếm được 5000 linh mục.

Không cần phải nói, trong bối cảnh này, mức sống luân lý của hàng giáo sĩ không luôn là gương mẫu, trái lại là khác. Denis Amelote, bạn đồng sự với J.-J. Olier trong những lần đi truyền giáo và sau đã vào dòng Oratoire, nói rằng tên linh mục đã trở thành đồng nghĩa với ngu dốt và dâm đãng bị coi như một lời chửi thề (đèo tục) đối với dân chúng. Nhất là tại những miền quê, các kitô hữu thường làm quen chẳng mấy vấn đề với những hoàn cảnh ít thích hợp với phẩm cách của chức linh mục. Một giám mục đã thổ lộ với cha Vincent de Paul tình trạng bối rối của ngài khi nghĩ đến, trong địa phận mình, nhiều linh mục “say sưa và dâm đãng” vẫn bước lên bàn thờ hằng ngày.

Dĩ nhiên cũng phải chừng mực. Có nhiều giáo sĩ liêm khiết, ở mọi cấp độ trong hàng giáo phẩm. Vào đầu thế kỷ XVII, người ta bắt đầu thấy xuất hiện một thế hệ Giám Mục cải tổ trong đường hướng của Công Đồng Trentô. Các ngài sẽ bảo toàn sự cư ngụ tại địa sở và can đảm tiến hành việc cải tổ các địa phận mình. Nhưng chính qua hành động, các ngài đã chứng minh rằng việc cải tổ đã thật cần thiết. Một số thỉnh nguyện thư của Đệ Tam Cấp, được Quốc Hội[4] xác định vào thế kỷ XVI, đòi hỏi mạnh mẽ ; người ta yêu cầu “phải có những giáo sĩ nhân đức hơn và thông thái hơn…phải năng có các bài giảng hơn, phải có những cuộc viếng thăm của các Giám Mục đều đặn hơn, phải có một sự giám sát đúng mức và chật chẽ hơn bởi các Giám mục về những tội công khai, phạm thượng, bỏ ngày Chúa Nhật, thú vui vô luân hoặc những sách vở rối đạo”. Cả chính những dòng tu cũng trải qua một thời sa sút, trong đó hệ thống hưởng lộc (la commende) cũng không vắng mặt. Khi một thanh niên nghĩ đến việc vào dòng, họ thường hướng về các vị Chartreux hoặc Capucins[5] là hai dòng duy nhất, theo người ta nói, không cần cải tổ. Nhưng đó không phải là điều J.-J. Olier muốn ; cho dù cậu thanh niên đã có những lúc cảm thấy niềm rất sốt sắng tu dòng, cậu vẫn ưa thích viễn ảnh một sự nghiệp giáo sĩ tươi đẹp đang mở rộng trước mắt. Hơn nữa đấy lại là điều cha mẹ cậu đã xếp đặt thật kỹ càng rồi, đặc biệt là bà mẹ, người đã nghĩ đến cho cậu chức tuyên úy nhà vua, rất được ao ước, vì tất nhiên nó sẽ đưa thẳng tới chức Giám Mục.

Học triết học và thần học (1625-1631)

Năm 1624 Jean-Jacques lên 16 tuổi, gia đình bỏ Lyon. Được bổ nhiệm làm Cố Vấn Quốc Gia, Quan Giám Sát nhà vua chấm dứt phận sự và đưa vợ con về lại Paris. Tháng 10 năm 1625, Jean-Jacques nhập trường Harcourt để theo các lớp triết học. Kết thúc thời gian ba năm học, -chỉ gián đoạn không đáng kể bởi cuộc hành trình đi Pébrac để nhận quyền sở hữu nhà dòng- ngày 18 tháng 07 năm 1627, Jean-Jacques được tuyên dương khoa bảng là “maÝtre ès arts” (nghệ thuật làm thầy?). Việc học hành rất xuôi chảy, còn xuất sắc là khác vì vị giáo sĩ trẻ tuổi này tỏ ra rất thông minh. Ngài lập tức bước vào khoa thần học tại Sorbonne. Tại đó ngài theo các lớp của các danh sư thời đó, đặc biệt là Duval, thành viên trong Tiểu Hội gồm các nhà thần bí và thần học thường họp nhau tại nhà bà Acarie, em của Bérulle. J.-J. Olier đã cám ơn Thiên Chúa trong Nhật Ký vì đã ban cho ngài “những giáo sư là những nhân vật có thế giá như vậy có mặt tại Đại Học”.

Một cách chung, ngài ít nói đến việc học hành của ngài ; nhưng có một đoạn văn nhỏ làm khá sáng tỏ liên hệ của ngài với môn thần học kinh viện người ta dậy ngài thời đó :

Tôi đánh giá môn kinh viện như nó đáng giá, thú thật tôi chịu ơn nó rất nhiều về trí hiểu và sự nâng đỡ trong các mầu nhiệm. Thật ra, tự nó, nó không thể làm sáng tỏ các mầu nhiệm và khai thông thực sự được những lối vào, bởi vì những mầu nhiệm đó đã được giấu kín do nghiêm lệnh của Thiên Chúa, nếu chính Thiên Chúa không mặc khải chúng ra thì con người chẳng có thể biết được. Nhưng người ta đừng có kêu trách khoa thần học là trong khi dùng lý trí đưa ra những kết luận từ những nguyên lý đức tin, đã không chủ trương khám phá qua đó điều chỉ có thể được khai mở nhờ một ánh sáng thiên linh.

Đã hẳn văn bản này chỉ được viết mười lăm năm sau và nó không tất nhiên diễn đạt điều J.-J. Olier cảm thấy chính lúc ngài theo học. Tuy nhiên nó cũng tỏ cho chúng ta thấy tính khí Olier hướng ngài về khoa thần bí hơn là về thần học ; chắc chắn ngài không khinh miệt khoa này, nhưng ngài ghi nhận những giới hạn của nó. Sự hiểu biết đích thực các mầu nhiệm do chính Thiên Chúa ban trong một ánh sáng nhận được từ trọng tâm của kinh nghiệm đức tin.

Cùng một trật với việc phấn khởi theo học, ngài hăng hái lao mình vào việc giảng thuyết, một diễn tập cần phải thực hành đối với những giáo sĩ bước vào nghề nghiệp. Vào thời đó người ta không chỉ giảng trong thánh lễ mà cả sau buổi trưa ngày Chúa Nhật, trong các nhà thờ nơi cả Thành Paris đều tuấn đến tùy theo danh tiếng của vị giảng thuyết. Trong những bước đầu của khoa hùng biện thánh vị giáo sĩ trẻ tuổi của chúng ta được hộ tống bởi bà mẹ luôn theo sát sự thành công thế tục của con mình :

Bà rất yêu thương tôi, ngài sẽ nói sau này, trong khi bà thấy tôi bước đi giữa những sự sang trọng và được thiên hạ vỗ tay ca ngợi, chẳng hạn khi cao hứng, tôi đã nói rất khéo léo, đưa ra những lời giảng thuyết đẹp đẽ hợp thời, đầy khoe khoang, nhiều điểm lợi khẩu và kỳ thú, và khi tôi không nói gì chống lại những thói tục thế gian, tức hà tiện và kiêu ngạo.

Thực vậy, người ta đễ dàng tưởng tượng thấy người sinh viên trẻ tuổi đang theo học thần học của chúng ta, bước từ xe tuấn mã xuống, có các đầy tớ hộ tống, và leo lên tòa giảng để tuyên đọc bài giảng thuyết theo thể văn cầu kỳ của thời đại, mà Vincent de Paul, Jean Eudes và nhiều vị khác đã kịch liệt chống lại. Nhưng lúc này thì J.-J. Olier cứ hồn nhiên bước theo lối tà vạy đó. Hãy nhớ lại lần nữa kiểu nói bóng gió của ngài về tính khoe khoang (la superbe), sau này sẽ là tâm điểm của cuộc khủng hoẳng thiêng liêng lớn của ngài.

Lần “trở lại đầu tiên”

Nhưng này, vào tháng 02 năm 1629, sự xếp đặt đâu vào đấy của cuộc đời ngài đã bị xáo trộn bởi một biến cố kỳ cục sẽ định đoạt cho bước đường tương lai của ngài, nó mở đầu cho cả một loạt ân sủng sẽ từ từ biến đổi sự liên hệ giữa ngài với Thiên Chúa. Khu chợ lớn tại Saint-Germain, đang náo nhiệt rầm rộ, và vị cha sở tương lai của xứ Saint-Sulpice không coi khinh loại giải trí đó, ngài hòa mình vào đám đông cùng với mấy người bạn sinh viên thần học như ngài. Khi từ một quán rượu bước ra, thì kìa toán nhỏ này bị một người đàn bà lạ mặt gọi với, bà nặng lời quở trách họ vì đã hòa mình vào những thú vui thế tục và không làm vinh danh cho phẩm cách các giáo sĩ : “… bà nói : đã từ lâu tôi cầu xin cho các người biết hối cải”. Người đàn bà đó tên là Marie Rousseau, gốc ở Gournay, làng Vexin, nằm ở biên giới xứ Normandie và Ile-de-France. Chồng bà buôn rượu tại ngoại ô Saint-Germain, ông qua đời năm sau đó và để lại cho bà năm đứa con. Ngay lúc này bà đã có một đời sống chăm chỉ cầu nguyện và hãm mình. Chính Olier cho chúng ta biết trong Nhật ký của ngài là bà rất thâm tín về sự giả trá của mọi sự trên thế gian này. Con người trẻ tuổi bị ấn tượng mạnh mẽ vì cuộc gặp gỡ đó, sau này ngài sẽ nói : “Phần tôi, tôi thừa nhận là phải mắc ơn tâm hồi thánh thiện này về cuộc trở lại đầu tiên của tôi”. Khi viết câu này, phải chăng về sau ngài đã thêu dệt thêm sự quan trọng của biến cố này xét theo vai trò bà Marie Rousseau sau trở thành thân tín với ngài, đã nắm giữ trong đời ngài ? Có lẽ không, vì một sự biến đổi thiêng liêng đã diễn ra cách kín đáo nơi ngài :

Vậy tôi bắt đầu sinh ra cho Thiên Chúa, do ước ao và lòng mến còn nhẹ thôi, chưa hoàn toàn dứt bỏ tội lỗi. Tôi thấy khó lòng yêu mến thế gian, không thể tìm thấy trong đó sự vui thỏa chân thật ; tuy nhiên tôi vẫn sa ngã hằng ngày, bất chấp những lôi cuốn của Thiên Chúa, những săn đón liên lỉ của Ngài, những hình phạt mỗi ngày tôi cảm thấy sau những lỗi phạm của mình, và sự năng chịu các bí tích, cho tới thời gian đi hành hương tới Đức Bà tại Loretta nơi tôi được cưu mang hoàn toàn cho ơn thánh.

Người ta sẽ lưu ý rằng Olier thường tự nhiên dùng để miêu tả sự tiến triển của mình, một ngôn ngữ về sinh nở, nghĩa là về phép Rửa. Đối với ngài đời sống thiêng liêng không là gì khác ngoài việc triển nở trong đời sống của người tín hữu hồng ân rửa tội. Hơn nữa tình trạng ngài miêu tả rất được biết đến bởi những người dấn thân trên con đường tiến tới thiêng liêng. Như ngài nói, ngài thấy rất khó yêu mến thế gian, nhưng lòng ao ước Thiên Chúa trong ngài lại không đủ mạnh để giải thoát ngài khỏi sự dữ. Đó là tình trạng thiếu thỏa mãn trong đó con người tự thấy mình bị phân chia, giằng co giữa sự cuốn hút của Thiên Chúa và sự ràng buộc vào những gì họ sống trước đây. Trong khi vẫn ý thức rằng tội lỗi hủy hoại mình, họ không thể quyết định hoàn toàn từ bỏ nó, vì lòng mến Thiên Chúa chưa đánh động họ đủ mức. Như thế tình trạng của họ thật là khó chịu.

Chính trong tình trạng thiêng liêng này J.-J. Olier lên đường sang Rôma, mang theo bằng Tú tài thần học. Những lý do của cuộc khởi hành này vẫn ít rõ rệt đối với con mắt các sử gia. Hình như phải có một sự gián đoạn bắt buộc trong hai năm sau khi lãnh bằng Tú tài. Nên Olier có ý định đi Rôma để học tiếng Hy bá hầu khi trở về sẽ có thể tiếp tục học trổi vượt hơn. Tuy nhiên chính ngài nói là ngay từ thời đó, thỉnh thoảng ngài cảm thấy như một sự bất lực không thể đọc nổi những sách thần học, điều sẽ thường xảy ra cho ngài sau này, khi ngài đọc chỉ vì tò mò hoặc là Thiên Chúa muốn gọi ngài làm một việc khác.

Lần “Trở lại thứ hai”

Dầu sao, ít ngày sau khi tới Rôma, ngài mắc bệnh đau mắt làm trở ngại hoàn toàn việc học hành và làm ngài sợ trở thành mù lòa luôn. Ngài quyết định đi xin ơn chữa lành tại thánh điện Đức Mẹ ở Loretta, nơi đây một truyền thống lâu đời quả quyết rằng ngôi nhà của Đức Trinh Nữ Maria tại Nazareth đã được các thiên thần chuyển tới. Ngài đi bộ tới đó. Câu chuyện ngài kể về việc mình được chữa lành nhấn mạnh đến khía cạnh thiêng liêng nhiều hơn là khía cạnh thể xác. Về phần thân xác, ngài chỉ nói đơn giản là mình được chữa lành bệnh sốt rét đã mắc phải trong cuộc hành trình vì sức nóng nghẹt thở, và rằng từ đây ngài không còn sợ gì cho cặp mắt nữa. Về phần linh hồn, ngài lợi khẩu hơn nhiều :

Tôi đã xúc động biết bao bởi những sự mơn trớn của Đức Rất Thánh Đồng Trinh, và cảm thấy những ơn cứu giúp mạnh mẽ đến nỗi tôi phải đầu hàng Đấng Cứu Chuộc đã bách hại (nghĩa là đã theo đuổi tôi) từ một thời gian dài đến thế…

Và việc đầu hàng Chúa Giêsu-Kitô đó kéo theo hai hậu quả : trước hết ngài dứt bỏ tội lỗi : “Từ đó không bao giờ tôi ưa sống trong tội lỗi, đây là phát đánh mạnh nhất trong việc trở lại của tôi” ; tiếp đến, ngài nhận được “trong tâm hồn một sự ao ước mạnh mẽ cầu nguyện”.

Vậy Olier coi việc hành hương Loretta này như là nơi trở lại thật sự của ngài, nơi ngài đã “được cưu mang vào đời sống đạo đức và đời sống thật”. Con người nhạy cảm này đã bị xúc động mạnh mẽ. Ngài đã khóc rất nhiều tại thánh điện Đức Mẹ, và dòng nước mắt đã rửa sạch cặp mắt mang bệnh của ngài cũng đã là dấu hiệu của việc chữa lành con tim. Sau khi từ Rôma trở về, ngài tiếp tục theo học. Trong một lần lưu lại tại Capri, ngài đã có lúc nghĩ tới việc xin nhập dòng Chartreux. Nhưng đây, vào tháng 04 năm 1631, lên 23 tuổi, ngài nhận được tin báo cha ngài qua đời và ngài phải mau lẹ trở về Paris.

Mẹ ngài tiếp đón ngài rất âu yếm :

Thấy mình không còn sự nâng đỡ và tình nghĩa, bà đã đón nhận tôi với niềm âu yếm lớn lao, thấy tôi còn đang trong những sự giả trá thế tục và đầy hăng say trần gian, bà đã không thể mơn trớn và yêu thương tôi cho đủ. Bà còn nói hẳn với tôi là tôi thay chỗ cho cha tôi, và trở nên cho bà niềm an ủi và nâng đỡ.

Nhưng sự góa bụa của bà Olier càng chỉ làm tăng thêm những tham vọng của bà. Chính con bà đã nói với chúng ta :

Bà mẹ tốt lành của tôi mong rằng tôi sẽ trở nên sang trọng rạng rỡ, và rằng tôi sẽ trở về nhà bà, làm rạng danh bà, rằng tôi sẽ đẩy mình vào triều đình ; bà xin tôi nhiều điều, bà tin ngay cả rằng tôi sẽ vào triều đình và làm tuyên úy nhà vua, và bà ra sức vận động cho điều này, điều mà tôi không hề muốn chấp nhận.

Và thật thế, thay vì làm thỏa mãn những dự định cao sang của mẹ, J.-J. Olier lại chọn một lối sống thật gương mù trước con mắt bà. Trước tiên, ngài từ bỏ việc học hành, điều đã không khỏi khơi ra niềm tiếc xót nơi một vài vị trong số giáo sư cũ của ngài. Sau đó ngài không còn tiếp tục những bài giảng huy hoàng theo thời đại trước đây ngài đã giảng tại các giáo đường Paris nữa, trái lại ngài giảng những bài ứng khẩu tại các phố phường. Nhất là ngài thôi không đi lại với những người làm lớn, ngài thích đi giảng tại các làng gần Paris, và ưa sống bè bạn với những người nghèo khó. Ngài tập họp tại nhà mình các em trẻ tuổi để dậy dỗ chúng. Trong niềm phấn khởi của cuộc trở lại, ngài đã dấn mình cả vào một vài thái quá : hầu như ngài không còn về thăm gia đình nữa, ngài bỏ người anh cả ngay buổi chiều trước ngày cưới “vì, ngài nói, việc đi truyền giáo thúc đẩy” ; ngài bước xuống khỏi xe ngựa để chuyện trò với người nghèo và ôm hôn vết thương của họ ; cha giải tội đã phải nhắc nhở ngài rằng sự trở lại chân thật là sự hoán cải tâm hồn và không cần thiết phải bày tỏ ra cho người ta lưu ý. Có lẽ vì nghĩ tới thời gian sống này mà sau này ngài sẽ nói : “cần là nội tâm chúng ta phải lớn hơn bề ngoài của chúng ta”.

Sự chọn lựa dứt khoát

Tất nhiên là cách sống của ngài đã bắt đầu làm cho các thành phần trong gia đình ngài rất lo lắng, và mẹ ngài không ưa gì những kiểu bày tỏ lòng đạo đức, đôi khi hơi trái mùa đó. Cuộc xung đột với thân nhân ngài còn lớn thêm do sự giúp đỡ ngài đem lại cho một trong các người chị em họ, là cô de[6] Bussy, muốn vào Dòng Kín (Carmel) mà cha mẹ làm trở ngại ơn kêu gọi. Khi bỏ thế gian, cô em họ trẻ tuổi này đã để lại cho ngài một số đồ vật quý giá thuộc về cô và ngài đã hiến cho nhà thờ chính tòa Đức Bà tại Paris, kèm theo một số tiền đáng kể, bằng chứng lòng sùng kính lớn ngài bày tỏ với Đức Trinh Nữ của thánh đường này, mà ngài đã không bao giờ phủ nhận. Khi sẽ làm cha sở tại Saint-Sulpice, nếu có một lúc rảnh rỗi, ngài sẽ rất thích tới nhà thờ chính tòa để cầu xin với Đức Maria. Lòng sùng kính Đức Mẹ của ngài đã rất lớn rồi, lại phát triển thêm, bén nhạy hơn, theo chính lời ngài, do việc phản đối ngài hấng chịu từ mẹ ngài, đã thúc đẩy ngài tìm thấy nơi Đức Maria một sự nâng đỡ. Cả cuộc hành hương tới Chartres cũng rất quý hóa và quen thuộc đối với ngài. Mỗi khi đi thăm viếng tu viện Bazainville của mình ngài sẵn sàng đi vòng tới đó. Chính tại Chartres mà năm 1632 ngài được giải thoát khỏi một cuộc khủng hoẳng vì bối rối lương tâm đã dằn vặt ngài và qua đó người ta có thể đọc thấy một dấu hiệu của sự dòn mỏng tâm lý và thiêng liêng của ngài mà chúng ta đã nhiều lần ám chỉ tới.

Những năm này trong đời sống của Olier ăn khớp với thời kỳ tìm tòi, được đánh dấu bằng những cuộc từ bỏ, đoạn tuyệt, bằng một sự kiên trì cầu nguyện trong đó ngài gặp được nhiều niềm an ủi, và cũng bằng một niềm khao khát nói về Thiên Chúa mỗi ngày một sống động hơn :

Tôi không thể vui thích điều gì khác ngoài việc đàm luận về Thiên Chúa. Phần còn lại chỉ là gánh nặng, là hỏa ngục đối với tôi ; đến nỗi trường sở và trung tâm của tôi chỉ là nói về một mình Thiên Chúa thôi.

Nhưng ngài vẫn chưa tự định đoạt dứt khoát đối với một ơn kêu gọi rõ rệt nào. Để thử thực hiện một lựa chọn, ngài đặt mình dưới sự hướng đẫn của Vincent de Paul, cha linh hướng nổi tiếng. Rất nhanh chóng, ngài hướng về hàng giáo sĩ triều. Mười năm sau trở thành cha sở xứ Saint-Sulpice, cha Olier sẽ rất coi trọng một giấc mơ ngài đã gặp hai lần trong thời gian còn lưỡng lự : đang khi ngủ, ngài có một thị kiến hùng vĩ ; ngài thấy những ngôi tòa có thánh Grêgôriô và thánh Ambrôsiô ngồi, và sau đó, thấp hơn một chút, một chiếc ghế cha sở bỏ trống ; và thấp hơn nữa một cộng đồng Chartreux, dòng tu đang tiếp tục lôi cuốn ngài. Ngài nói rõ là điều đó đã không định đoạt gì về ý hướng của ngài, vì chỉ sau khi trở thành cha sở ngài mới hiểu được ý nghĩa. Nhưng giấc mơ đó đã được ghi khắc thật sâu trong trí nhớ của ngài.

Chính vào ngày 21 tháng 05 năm 1633 ngài được thụ phong linh mục, sau khi đã theo những buổi đào luyện dành cho các tiến chức do cha Vincent de Paul điều khiển. Ngày 24 tháng 06, ngài dâng thánh lễ đầu tiên, có lẽ tại nguyện đường Dòng Kín ở Notre-Dame-des-Champs, nơi mà cô em họ của ngài khấn dòng lần đầu trong chính ngày đó, và ngài giảng lễ. Thế là J.-J. Olier đã bước vào dòng dõi truyền thống những vị mục tử của Dân Thiên Chúa, có trách nhiệm rao giảng Phúc Âm cho họ và nuôi dưỡng họ bằng các bí tích. Sau này ngài sẽ nói với một trong những người giao tiếp với ngài bằng thư tín : “Tôi khẩn nài, hãy tha thiết và siêng năng cầu xin cho tôi có được tinh thần tông đồ”.

2

Nhà truyền giáo trẻ tuổi (1633-1641)

Lúc này, ngài thực sự cần có chính tinh thần của các tông đồ để rời bỏ Paris và xông pha vào việc mục vụ tại các nơi truyền giáo, mà cha Vincent de Paul đã lập tức hướng các ngài tới. Thực vậy, dưới sự động viên của cha, những toán nhỏ linh mục được thành lập, sẵn sàng đi về những miền quê nước Pháp để rao giảng, theo yêu cầu và khả năng. Tình trạng tôn giáo của dân chúng đồng quê thời đó thật là cả một thảm họa. Sự ngu dốt ngự trị hầu khắp mọi nơi, với các đồng minh của nó là tin dị đoan và ngay cả yêu thuật nữa. Vậy trước hết cần phải dậy dỗ, và dậy dỗ lâu dài, bằng các buổi dậy giáo lý thích nghi với tinh thần của những con người không biết đọc biết viết này. Nhưng dậy không chỉ để cho biết mà còn phải cải hóa nữa, vậy phải đánh động các tâm hồn, để đưa mọi người tới việc xưng tội chung. Sau cùng, phải giúp các linh mục tại địa phương tiếp tục công việc đã khởi sự và để lại tại chỗ một cơ cấu tối thiểu để cho phép có một sự tiếp tục, đặc biệt là khơi dậy nơi các nhà quý phái lòng tha thiết với đời sống kitô giáo của những nông dân họ sử dụng. Như vậy công việc của các nhà truyền giáo rất khó khăn, với những ngày cực nhọc. Nhiều lần cha J.-J. Olier mà sức khỏe chẳng mấy vững chãi, đã ngã bệnh. Có một lần người ta tưởng ngài đã tới giờ lâm chung.

Sự quyết định đi truyền giáo tại các miền quê đối với ngài đã trở thành sự chấm dứt công khai lớn cho những dự tính của bà mẹ về ngài. Trong Nhật Ký có một lúc ngài gợi đến sự khó khăn ngài có thể gặp trong việc đảm nhận sứ vụ này nếu như cha ngài còn sống, và nói thêm : “… vì việc truyền giáo đã chưa hề được thực hiện bởi những người có địa vị”. Vì thế phải cân nhắc hậu quả của việc ra đi này. Trong khi dấn thân như vậy vào việc truyền giáo cha J.-J. Olier đã hoàn toàn vi phạm những lề thói của giai cấp ngài. Công việc mà ngài tự mặc lấy không thích hợp với một người ở địa vị ngài. Nó chỉ làm cho gia đình ngài cảm thấy bị xúc phạm đến phẩm giá quý tộc của họ. Điều ngài làm bị coi là không thích đáng.

Lần truyền giáo đầu tiên ngài tham dự diễn ra ngay trên lãnh thổ của ngài, tại Auvergne. Các nhà truyền giáo đặt căn cứ tại tu viện Pébrac và từ đó tỏa ra chung quanh. Cha J.-J. Olier đã dự tính cuộc hành trình nhằm hai mục đích : chính thức truyền giáo cho các nông dân, và cũng để cải tổ dòng tu của mình. Các tu sĩ với con số 18 người hầu như không sống theo những đòi buộc của đời tu hành. Trước những khó khăn gặp phải, ngài quyết định cầu cứu đến vị viện phụ của Chancelade (gần Périeux), là Alain de Solminihac, Giám Mục tương lai tại Cahors, nổi tiếng về đời sống thánh thiện và về giá trị của cuộc đời đạo đức mà các vị kinh sĩ dòng nắm giữ dưới quyền ngài. Cha Olier đã thiết lập với ngài một bản giao kèo nhường nhà dòng Pébrac cho ngài. Nhưng bà Olier đã âm thầm hoạt động và các tu sĩ dòng không hề muốn đặt mình dưới sự tùy thuộc nhà cải tổ đáng sợ trên. Những cố gắng liên hoàn của họ đã đưa đến sự hủy bỏ giao kèo. Cha Olier vẫn là viện phụ tại Pébrac.

Mẹ Agnès de Langeac

Nhưng ơn huệ lớn của thời lưu ngụ tại Auvergne kéo dài từ cuối tháng 05 đến hết tháng 09 năm 1634, là việc gặp gỡ Mẹ Agnès, viện trưởng tại nữ tu viện Đaminh ở Langeac, một ngôi làng nằm giữa Brioude và Pébrac. Cuộc gặp gỡ này hiển nhiên đã ảnh hưởng sâu rộng đến cha Olier, bởi vì bảy năm sau, khi bắt đầu viết Nhật Ký ngài đã nhắc đến vị nữ tu này. Phải nói rằng, qua một trong những hiện tượng chuyển thông thần bí không mấy hiếm hoi tại thế kỷ XVII, họ đã được chuẩn bị để đạt tới sự thông hảo thiêng liêng thân mật sẽ được thiết lập giữa họ. Thật vậy, trước khi lên đường đi Pébrac, đang lúc cấm phòng , cha J.-J. Olier đã nhìn thấy trong tưởng tượng hai lần một người đàn bà mặc tu phục dòng nữ Đaminh đã nói với ngài : “Tôi khóc cho cha”. Về phía mình, Mẹ Agnès, ba năm trước đó, đã được Đức Trinh Nữ Maria mời gọi cầu nguyện cho viện phụ dòng Pébrac. Ngày nay chúng ta có phần chưng hửng về hai hiện tượng đó. Phải thừa nhận là đôi khi cha Olier tự diễn đạt trên tiết mục huyền diệu, nhưng ở đây chứng từ của ngài và của Mẹ Agnès lại trùng hợp lạ lùng.

Dầu sao, ngày mà vị linh mục trẻ 26 tuổi giáp mặt với nữ viện trưởng tại nhà khách của tu viện, ngài đã chứng tỏ một sự táo bạo phi thường khi xin Mẹ lột tấm khăn trùm ra để ngài thấy mặt, ngài kêu lên : “Tôi đã thấy Mẹ ở nơi khác rồi”. Mẹ Agnès liền trả lời : “Đúng thế, cha đã thấy tôi hai lần ở Paris nơi tôi đã hiện ra với cha trong buổi cấm phòng tại Saint-Lazare bởi vì tôi đã nhận được lệnh của Đức Rất Thánh Đồng Trinh là phải cầu nguyện cho việc trở lại của cha…”. Vị nữ viện trưởng đã thật chu đáo vâng theo lệnh truyền đó, theo như cha Olier kể lại ở đầu Nhật Ký của ngài : “Đức Nữ Vương trên trời, đáng tôn kính vì lòng hảo tâm của Ngài hơn là vì sự cao sang, dã khứng lưu tâm, nếu tôi dám nói thế, chịu khó xuống trên cõi đất để thăm viếng nữ tỳ Ngài và bảo bà rằng : “Con ơi, hãy cầu nguyện cho T.”, có ý nói về kẻ tội lỗi khốn nạn này, điều đã được tuân thủ kỹ lưỡng đến nỗi bà luôn có tôi trong tâm trí bà cho dầu đã chưa bao giờ nhìn thấy tôi”.

Cha J.-J. Olier hoàn toàn thâm tín rằng sự tấn tới thiêng liêng của bản thân ngài là nhờ ở những lời cầu nguyện của Mẹ Agnès. Hơn nữa còn phải thêm những đau khổ vào lời cầu nguyện, vì bà hãm mình thật nhiệm nhặt, bà đã được Thiên Chúa kết hợp vào mầu nhiệm khổ nạn và sự chết của Chúa Kitô trong một kinh nghiệm thần bí quy hướng trên sự thông hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngay từ thuở nhỏ, bà đã cảm thấy được gọi để cháy lửa kính mến Chúa Kitô trên thập giá. Bà luôn đứng gần trái tim hấp hối của Chúa Giêsu. Vì được hưởng những ơn làm bà mỗi ngày một tiến sâu vào mầu nhiệm sự thương khó Chúa Kitô, bà cảm thấy một trật được kêu gọi để yêu mến với trái tim Chúa Kitô, nghĩa là với sự dịu dàng, khiêm nhường và nhẫn nại.

Chính tất cả kinh nghiệm đó mà Mẹ Agnès đã trao đổi cho viện phụ Pébrac trong những buổi gặp gỡ họ đã có với nhau trong mùa hè 1634. Đây là lần đầu tiên ngài đã đàm đạo lâu dài như vậy với một nhân vật đã trao đổi với ngài những bí mật của đời sống nội tâm mình. Vậy về phần ngài, từ mấy năm nay đã tiến tới nhiều trong đời sống thiêng liêng, ngài cũng trải qua những ước vọng thân bí. Một trong những thư đầu tay nhất chúng ta có được làm chứng về điều này. Bức thư đó được viết cho Mẹ Charlotte-des-Granges, Bề trên các nữ tu Hội dòng Đức Bà (Compagnie de Notre-Dame), dòng có một tu viện tại Brioude :

Hỡi trái tim tôi, chớ gì ngươi chết đi khi ngươi nghĩ đến cái chết vì tình yêu đã làm cho ngươi được sống ! Nào ngươi có thể nghe thấy tiếng thổn thức của nó mà những cảm tình của ngươi không bị tê liệt sao ? Hỡi hồn tôi, hãy tự xa mình ra, để chạy theo hồn Giêsu của tôi, ngươi sẽ được hạnh phúc hơn khi được kết hợp đời đời với cùng đích của ngươi. Hãy ra khỏi tù ngục của ngươi, đi tận hưởng sự hoan lạc của ngươi ! Hỡi trời, sao ngươi ở xa ta vậy ! Ôi Vĩnh Cửu hãy đến gần đi ! Ai giữ ngươi lại, bởi vì những dây ràng buộc ngươi làm ngươi khó chịu, và một đối tượng hùng vĩ lôi kéo ngươi để làm ngươi say mê. Chính những tội lỗi con chặn con lại : lạy Chúa, con chấp nhận những hình phạt. Con hoàn toàn thuộc về Chúa, ôi Giêsu, trong đau khổ cũng như trong vui thỏa ; con thở than trong chốn khổ ải bao lâu Chúa muốn ; hãy hành động cách nào để con yêu mến Chúa luôn mãi.

Rất có thể khi viết những dòng này Cha Olier chưa gặp Mẹ Agnès. Ta thấy ngài hoàn toàn sẵn sàng chăm chú tiếp nhận những lời của vị nữ viện trưởng sẽ khai tâm ngài vào đời thần bí. Mẹ sẽ dậy ngài biết kết hợp sự cần thiết phải chấp nhận thánh giá với tình yêu khiêm tốn và dịu dàng của “Đấng Cứu Chuộc rất hiền từ”. Như vậy, cả khi thánh giá có hình thức đền tội rất nặng nề hoặc một sự kết hợp đau xót với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, nó vẫn thấm nhuần sự dịu dàng và lòng từ ái : “Tôi cầu xin với Đấng Lang Quân trung thành của tôi ban cho cha cả ngàn thánh giá rất lớn, mà tôi cầu chúc cho cha để đạt phần rỗi rất khiêm tốn” ; và còn nữa : “Phải yêu mến nhiều hơn nữa trước khi được đặc ân nhận lấy thánh giá. A ! ân sủng ! A ! đặc ân vô giá ! ôi tôi còn xa mới chiếm được ! Lạy Đấng Cứu Chuộc dịu hiền của linh hồn chúng con, xin Chúa hãy khứng làm cho chúng con nên xứng đáng. Xin hãy làm cho chúng con ra khỏi mình để hoàn toàn thuộc về Chúa. Ôi tình yêu, niềm hy vọng duy nhất của chúng con, xin hãy làm cho chúng con nên xứng đáng với thánh giá này : xin hãy ban đặc ân cho chúng con được chết trên thánh giá này”.

Như thế người ta không thể nói quá lời về ảnh hưởng thiêng liêng của Mẹ Agnès trên cha J.-J. Olier vào giai đoạn ngài bắt đầu chức vụ của ngài. Về phần Mẹ Agnès, Mẹ tỏ lộ tâm hồn cho ngài và tự đặt mình dưới sự hướng dẫn của ngài, dĩ nhiên là chỉ trong một thời gian ngắn, vì ngài sẽ trở về Paris vào cuối tháng 09 và nữ viện trưởng sẽ qua đời ngày 19 tháng 10 sau đó, vào lúc 32 tuổi. Tháng 02 năm 1636, ngài sẽ viết cho Mẹ Hyacinthe du Saint-Esprit, kế vị Mẹ Agnès, về vấn đề những Ký sự Mẹ đã nhận được, với ý định xuất bản một cuốn tiểu sử về Mẹ Agnès :

Mẹ đáng kính, xin nói thật với Mẹ, là phần nhiều những hạnh các thánh thường lố bịch, lý do là vì những kẻ đẻ ra (viết) nó, cho dù là những người nhân đức và đôi khi thông thái, nhưng họ không được thông tin đủ mức cần thiết để có khả năng thực hiện công trình đó. Vậy tôi xin Mẹ làm hết sức mình để gửi cho tôi tất cả những Ký sự Mẹ có thể, để người ta thấy một tác phẩm xứng đáng với Mẹ đáng kính là nữ tu Agnès de Jésus, mà Thiên Chúa buộc tôi phải tôn kính và ngưỡng mộ tới mức người ta có thể đối với một vị thánh.

Cha Olier không muốn đích thân lo công việc này. Ngài muốn trao phó cho một tu sĩ dòng tại Saint-Germain-des-Prés. Nhưng ta thấy rõ ngài tự coi mình một phần là người thừa kế thiêng liêng của Mẹ Agnès. Tuy nhiên, ngay sau ngày Mẹ qua đời, ngài đã viết cho các nữ tu tại Langeac :

Sự mất mát của các thụ tạo luôn kết hợp chúng ta với Thiên Chúa, cũng thế sự hưởng thụ quá ích kỷ và gắn bó quá ân cần với họ làm chia rẽ và xa lìa chúng ta với Ngài.

Họ cũng như ngài phải chịu ơn Mẹ Agnès rất nhiều, nhưng không được quên rằng chính tới Thiên Chúa mà Mẹ đã dẫn dắt họ. Và ngài ký tên : “Olier, linh mục bất xứng”.

Khi về tới Paris, ngài được biết Đức Giám Mục địa phận Langres, là Sébastien Zamet, một trong số giám mục cải tổ tốt thời đó, đang tìm một người kế vị và đã nghĩ đến ngài. Cha Vincent de Paul rất mừng vì sự lựa chọn này ; phản ứng rất bình thường từ một con người rất dấn thân trong những vấn đề tôn giáo của Vương quốc, và ngài thấy rất phải việc tiến lên chức Giám Mục của một linh mục ngài biết rõ đời sống nội tâm và đánh giá các phẩm cách đời sống thiêng liêng. Đây sẽ là một Giám Mục có thể tiếp nối việc cải tổ thể hiện bởi vị tiền nhiệm, và sẽ mau chóng đem lại một ảnh hưởng tốt trên các Giám Mục khác. Hơn nữa, ngài còn trẻ tuổi và ảnh hưởng của ngài có nhiều cơ may sẽ kéo dài lâu năm.

Cha Charles de Condren

Tuy nhiên, việc ngài được bổ nhiệm vào tòa giám mục tại Langres, vẫn lơ lửng tới mùa chay 1636, và sau cùng đã không được thể hiện. Một nhân vật mới, chống lại sự bổ nhiệm này, đã nhập cuộc trong đời sống của cha J.-J. Olier. Đó là cha Charles de Condren, thay thế Hồng Y Bérulle, điều khiển dòng Oratoire tại Pháp. Cha Condren là một trong những nhân vật không ai làm thay đổi được trong Giáo Hội Pháp vào nửa đầu của thế kỷ XVII này. Là cha linh hướng nổi tiếng và rất có thế giá, cha có một ảnh hưởng cá nhân rất lớn. Thành viên của Hội Thánh Thể (Compagnie du Saint-Sacrement), cha đứng ra tổng hợp mọi sáng kiến muốn tìm cách “canh tân Kitô giáo” trong xã hội Pháp, theo kiểu nói thời đó. Gồm cả giáo dân và linh mục, Hội Thánh Thể nhằm vận động tinh thần kitô giáo trong xã hội bằng cách phát huy những sự nghiệp bác ái, tán trợ việc thực hành cầu nguyện và sùng kính Thánh Thể. Tựa trên một tổ chức chặt chẽ, đòi buộc các thành viên sự bảo mật gắt gao, để dễ thúc giục họ sống sự liêm khiết thiêng liêng, Hội Thánh Thể được phổ biến nhanh chóng và kể giữa các thành viên có các linh mục và giáo dân thuộc hàng quý phái bận tâm về tính cách hình thức và hời hợt của việc thực hành đức tin kitô giáo thời đó. Cần phải hồi sinh đời sống kitô giáo bằng cách giúp nó kín múc lại từ những nguồn suối sâu xa của mình và cho phép nó đăng mình cách cụ thể vào những cơ cấu của một xã hội đang đương đầu với nhiều vấn đề, chẳng hạn, nghèo túng, dốt nát về đạo trong quần chúng, tệ nạn đấu gươm trong hàng quý tộc. Năm 1635, cha Olier ghi tên vào Hội Thánh Thể và tham dự những buổi sinh hoạt của Hội.

Chắc là điều này giải thích điều kia, ngài vừa mới nhận Charles de Condren làm cha linh hướng. Chính ngài đã không cho biết lý do nào khác về sự thay đổi ngoài một mệnh lệnh nội tâm cảm thấy trong khi cầu nguyện, lúc đó ngài đang trải qua một thời kỳ khó khăn trong đời sống thiêng liêng của mình :

Khi mà trong buổi cấm phòng đó, lúc tôi còn đang buồn sầu về một lỗi lầm, mà tôi tưởng đã làm tôi hư mất, thì bỗng nhiên một tiếng nói, giống như của một vị thầy quyền phép bảo tôi : cha Condren sẽ làm cho con được bình an : điều đó đã có hiệu lực lớn đến nỗi lập tức tôi cảm thấy một sự bình an và một sự điềm tĩnh không thể tả được. Cơn bão táp tưởng chừng đã vùi dập tôi xuống vực thẳm liền yên lặng, và từ đó tôi chẳng còn cảm thấy gì nữa.

Vậy ngài đặt mình dưới sự dẫn dắt của cha Bề Trên dòng Oratoire. Và sự quyết định có hai hậu quả nặng về ảnh hưởng đối với ngài : hiệu quả thứ nhất liên hệ tới tương lai của ngài trong Giáo Hội. Không bao giờ nói rõ những lý do cho ngài, cha Condren luôn chống lại những lần đề cử khác nhau về chức giám mục mà cha Olier là đối tượng. Phải chăng ngài đã có trong trí óc ý tưởng về ơn gọi tương lai của kẻ ngài dẫn dắt ? Ta không thể quả quyết gì về vấn đề này. Tuy nhiên, khá lạ lùng khi nhận thấy ngài cũng dẫn dắt những bạn bè của cha Olier trong công trình các chủng viện : François de Caulet, Jean du Ferrier, Balthasar Brandon de Bassancourt. Hiệu quả thứ hai liên hệ trực tiếp hơn tới đời sống thiêng liêng của cha Olier : ngài gặp thấy nơi cha linh hướng của mình một lời mời gọi lớn hơn để đặt mình dưới hành động của Chúa Thánh Thần nơi bản thân. Một văn bản nhỏ rút ra từ Nhật Ký của ngài chứng minh điều đó, trong buổi nói về một cuộc cấm phòng ngài làm vào thời đó :

Cha linh hướng thứ hai của tôi, buông tôi theo Chúa Thánh Thần hơn là cha linh hướng thứ nhất, đã để tôi cấm phòng một mình.

Vậy dưới sự dẫn dắt của cha Condren, cha Olier đã bắt đầu kinh nghiệm điều sẽ trở thành chủ trương thiêng liêng của ngài : “buông mình cho Chúa Thánh Thần”, nghĩa là phó thác mình để trở nên mỗi ngày nhạy cảm hơn trước những mời gọi của Thánh Thần, và mỗi ngày tự do hơn để đáp lại, đặt mình để được làm thành một dụng cụ mỗi ngày một ngoan ngoãn hơn cho hành động của Thánh Thần.

Những lần đi truyền giáo tại Auvergne

và tại miền Nantes

Vào cuối tháng 04 năm 1636, ngài lại đi truyền giáo tại Auvergne. Ngài ở lại đó tới cuối tháng 12 năm 1637. Trước hết ngài tới giảng tại Saint-Ilpize, gần Brioude, rồi tới Vieille-Brioude, sau khi đã giảng một tuần cấm phòng tại Pébrac cho tất cả các linh mục trong miền, tiếp đó đi giảng tại Saint-Just-les-Brioude, cuối cùng tại Lamothe.

Lòng nhiệt thành tông đồ của ngài tha hồ tự hiến. Ngài nhận được trong đó ơn lòng mến Thiên Chúa luôn đổi mới. Chứng thực là chuyện kể về một đà thức đẩy thần bí đã vật ngài xuống mặt đất vào một buổi chiều ngày lễ Hiện Xuống :

Hôm đó là ngày lễ Hiện Xuống vào buổi chiều, sau khi đã làm việc theo ngày lễ, tôi muốn nghỉ ngơi và chuẩn bị lên giường nằm, thì tôi bị giữ lại trong nội tâm và đặt mình cầu nguyện một hai kinh. Ngay lúc đó tôi cảm thấy một sức tấn công của tình yêu mãnh liệt đến nỗi không thể chịu được nữa, tôi buộc phải nằm lăn xuống đất. Và tại đó tôi chỉ có thể kêu : Tình yêu, tình yêu, tôi chết mất, tôi không thể chịu được nữa.

Như vậy, những ân huệ mà ngài gọi là những “mơn trớn” của Thiên Chúa không hề thiếu đối với ngài. Tuy nhiên, sự kiêu căng, mối nguy hiểm sẽ gán cho mình những kết quả tông đồ, hoặc coi là bình thường những đặc ân thiên linh cũng luôn nhắc nhở ngài phải lưu ý. Dầu sao ngài cũng luôn thâm tín rằng “việc cải hóa các tâm hồn là công việc của ơn thánh, mà nhiều khi chúng ta đặt trở ngại bằng chính ý nghĩ riêng của chúng ta, và rằng Thiên Chúa luôn hành động, hoặc trong hư vô, hoặc nhờ hư vô, nghĩa là trong hoăc nhờ những kẻ biết thừa nhận sự bất lực và sự vô dụng của mình”.

Thời gian đi Langeac, ngài ngã bệnh rấy nặng đến nỗi mẹ ngài, lo sợ cho tính mệnh ngài, đã đến săn sóc ngài. Sau khi bình phục, vì vẫn còn đau ở một đầu gối, ngài đi hành hương tới Notre-Dame de Bon Secours (Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp) tại Tournon và được hoàn toàn lành mạnh. Ngài lợi dụng để cấm phòng một tuần dưới sự dẫn dắt của một cha dòng Tên, rồi trở về Paris.

Ngài qua những tháng đầu năm 1638 trong cầu nguyện và đọc Sách Thánh. Từ ngày thôi không học thêm thần học nữa, cha Olier ít học hành hẳn. Ta phải thừa nhận rằng về điểm này, thái độ của ngài tỏ lộ một sự mơ hồ phần nào đáng ngạc nhiên đối với một người sẽ là nhà đào tạo các linh mục. Chúng ta đã lưu ý đến sự bất lực trong đó đôi khi ngài cảm thấy không thể đọc nổi một cuốn sách. Sâu xa hơn nữa, ngài giải thích cho chúng ta rằng những kiến thức chân thật duy nhất ngài đã nhận được là do Thiên Chúa đã thông ban cho ngài trong lời cầu nguyện :

Đã từ lâu tôi tìm kiếm, mà không hay biết, con đường được soi sáng bởi một mình Thiên Chúa. Thật vậy, con người đã không lợi dụng được gì nơi tôi, khi họ muốn dậy dỗ tôi và đôi khi tôi muốn chăm chỉ học. Nếu tôi đã không nhận được một vài trợ lực siêu nhiên, thì tôi đã trở thành hoặc là khờ dại, tâm trí bị bưng bít, hoặc sẽ rất đãng trí và vọng ngoại đến độ tôi không thể học được gì. Tôi phải thú thật là Thiên Chúa của tôi, Chúa Giêsu của tôi, là chính thầy tôi vậy.

Vì thế ngài tràn ngập vui mừng khi một ngày kia, đang lúc ngài cố gắng luống công để hiểu Thánh Kinh “qua sức mạnh của bài chú giải và nghiên cứu”, một tia sáng đã lọt vào trí khôn ngài “như xuyên qua sự tối tăm của tôi và mở đầu óc tôi ra”.

Chúng ta càng không hết ngạc nhiên khi biết rằng ngài cũng hành động kiểu đó trong giảng thuyết. Ngài luôn nói sau khi trở lại, nếu ngài muốn chuẩn bị quá nhiều các bài giảng, để nắm chắc trước về những điều ngài sẽ nói, thì kết quả chẳng mấy sáng giá ; tất cả sẽ xuôi chảy hơn nếu ngài phó mình cho Chúa Thánh Thần và khi không phải đầy lòng mà ngài nói ra, nhưng là hầu như chỉ buông mình cho Thánh Thần nói qua miệng mình.

Hẳn là, như thói quen của ngài, ngài có thêu dệt thêm ít nhiều, không phải vì gian ý, nhưng do khuynh hướng đẩy đến triệt để là đặc trưng của tính tình ngài. Dầu sao ngài cũng đã học hành tử tế về triết học và thần học, trổi vượt hơn mức trung bình của các linh mục thời ngài, và ngài không hề bao giờ có thái độ coi khinh kiến thức. Hơn nữa, ngài cho chúng ta biết dầu sao ngài cũng tiếp tục học thần học và Thánh Kinh, cả khi thấy rất khó “hiểu được điều chi” trong đó. Cũng thế ngài không còn sửa soạn những bài giảng mà chẳng muốn nói ra, nhưng có lẽ ngài đã làm theo kiểu của ngài, là chuẩn bị xa hơn và do suy niệm nhiều hơn.

Có lẽ cần nghĩ rằng những cách hành xử đó làm chúng ta bỡ ngỡ ngày nay, là âm vang của cuộc chiến đấu trong bản thân ngài giữa tiếng mời gọi nội tâm mỗi ngày một cấp bách hơn phải “buông mình cho Chúa Thánh thần” và khuynh hướng tự nhiên muốn tự xây dựng lấy đời sống thiêng liêng và tông đồ của mình. Kết cục của cuộc chiến đấu đó, từ từ thêm rõ rệt, mặc lấy nơi ngài một hình thức triệt để, hướng ngài về một sự thụ động mỗi ngày một lớn hơn. Người ta thấy rằng công việc của ân sủng trong tâm lý băn khoăn của ngài không diễn ra, chẳng hạn như nơi thánh Phanxicô Salêsiô, trong một nhân vật mà những ơn ban có tính cách sung túc được chấp nhận đầy đủ và triển nở trong ân sủng ; nhưng ở đây thì lại hệ tại một sự hài hòa được tìm thấy do sự cố gắng để rơi đi từng cái một những sự tự vệ tâm linh và chấp nhận những thiếu sót của tính tình, bằng cách phó thác mình mỗi ngày một hơn trong tay Thiên Chúa ; chính chỉ nhờ vậy mà sau cùng các phẩm chất của ngài sẽ được hoàn toàn triển nở.

Đầu mùa hè năm 1638 cha J.-J. Olier lại lên đường, không phải tới Auvergne nữa, mà tới miền Tây. Bình thường ra thì ngài phải bắt gặp toán nhỏ các nhà truyền giáo để mở kỳ hoạt động tại Saintonge trên lãnh địa của Denis Amelote. Nhưng ngài đã dự định trước sẽ ngừng lại trong tu viện của ngài tại Clisson. Vào cuối tháng 07, ngài tới viếng một nữ tu viện trực thuộc nhà dòng Fontevrault, nằm trong địa phận Nantes, tại làng Regrippière. Tu viện này sống một cuộc đời rất lỏng lẻo. Ngài tới đó vào một buổi chiều không báo trước. Vì không biết phải đón tiếp ai và tưởng đấy là một người đi trốn nạn dịch tễ đang hoành hành trong miền, các nữ tu từ chối không đón nhận ngài. Ngài trọ lại trong một cái lều trước đây dùng làm chuồng gà, tại đó ngài xin cứ ở lại cả sau khi chân tướng ngài đã được thừa nhận. Ngài thực hiện lập tức cuộc cải tổ tu viện. Ngài thành công trong việc đánh động được trái tim một nữ tu trẻ, Claude de Vauldray, con người hằng luôn gặp tại phòng khách một phần lớn lớp quý phái trong miền. Chị trở thành người được ngài hướng dẫn đầu tiên, “người thứ nhất được nhận” theo ngài nói, và ngài đã giữ với chị, sau khi đi khỏi đó, một sự liên lạc đều đặn bằng thư tín. Các nữ tu khác cũng nối gót chị Vauldray trong việc cải hóa. Ngài thiết lập cho họ một cuộc cấm phòng mười ngày để củng cố họ vững chắc trong sự quyết tâm và thêm can đảm cho họ trước phần còn lại của tu viện không muốn thay đổi đời sống. Những thư ngài viết cho người con thiêng liêng này trong những tháng sau đó tỏ lộ rõ những điểm nhấn mạnh trong sư phạm thiêng liêng của ngài. Con đường ngài chỉ cho chị chính yếu là con đường tình yêu :

Đừng chấp nhận sự đắng cay và đau khổ nào khác về những lỗi phạm của chị, ngoài việc vì nó làm phiền lòng Thiên Chúa… Có việc gì mà chị chẳng phải làm để làm vui lòng vị Cha đó, Đấng hằng nghĩ đến chị trong đáy lòng đến vậy, mà niềm vui và sự cay đắng tùy thuộc vào trạng thái của tâm hồn chị ?

“Làm vui lòng Thiên Chúa” là một thành ngữ luôn trở lại dưới ngòi bút khi ngài viết về làng Regrippière.

Tại Clisson, chính ngài cũng nhiễm lây dịch tễ hoành hành trong xứ. Mẹ de Bressand, Bề Trên dòng Thăm Viếng (Visitation) tại Nantes, khi nghe được tiếng vọng của tất cả công việc ngài vừa hoàn thành, đã mời ngài tới dưỡng sức gần tu viện của Mẹ để hoàn tất việc chữa trị. Mẹ đã biết lòng sùng kính của nhà truyền giáo trẻ tuổi này đối với thánh Phanxicô Salêsiô mà chính Mẹ đã nhận được những lời khuyên trước khi vào dòng. Mẹ nói với ngài rất nhiều về vị thánh Giám Mục Genève. Phần ngài kể cho Mẹ về cuộc trở lại của mình, việc gặp Mẹ Agnès tại Langeac. Một tình bạn thiêng liêng rất thấm nhuần lòng trọng kính đã phát sinh nơi hai người. Mẹ đặt mình dưới sự dẫn dắt của ngài và sau đó cả hai trao đổi thư tín đều đặn. Ngược lại vời điều xảy ra với nữ tu de Vauldray, cha Olier không ngần ngại tỏ với Mẹ de Bressand những chuyện tâm sự về đời sống thiêng liêng của mình. Điều này tỏ rõ ngài biết thích ứng, với một tâm lý rất chắc chắn, với những kẻ đối thoại với mình.

Những cuộc gặp gỡ quan trọng

Bước đầu của cuộc phiêu lưu truyền giáo tại Canada

Ngài trở về Paris vào tháng 02 năm 1639, mà không có dịp nghé qua Saintonge. Sự quan phòng đã dẫn ngài trên những địa hạt tông đồ mới. Ngài lại trầm mình vào việc cầu ngyện và suy niệm Thánh Kinh. Ngày kia những lời trong thánh vịnh 50 làm ngài đặc biệt xúc động : “Xin hãy dựng nên trong con một trái tim trong sạch, ôi lạy Thiên Chúa của con, xin hãy đổi mới trong con tinh thần ngay thẳng”. Sau này ngài sẽ viết để giải nghĩa sự thử thách thiêng liêng của ngài :

Tinh thần tôi mỗi ngày càng lệch lạc, nó không tiến thẳng tới Thiên Chúa.

Như vậy, qua những lần đánh động liên tiếp, Thiên Chúa một trật làm cho ngài cảm thấy sự bất lực cá nhân của mình không thể tiến tới Thiên Chúa mà không phải đi vòng vo, cầu xin sự thẳng thắn, và được mở lòng mỗi ngày một hơn để đón nhận Chúa Thánh Thần, đó là khả năng duy nhất để đem lại con đường tiến thẳng tới Thiên Chúa. Sự khẩn khoản thiêng liêng đó đi kèm với một lòng khao khát cầu nguyện nhiều hơn :

Từ ngày đó, tôi cảm thấy mình được lôi kéo nhiều hơn tới việc nguyện gẫm, thay vì làm một lần (mỗi ngày) như trước đây, tôi được phép làm hai lần.

Kinh nghiệm cầu nguyện đó đánh dấu sâu đậm đời sống thiêng liêng của ngài và sẽ trở thành một trong những điểm cực (pôles) sư phạm của ngài. Ngày kia ngài sẽ nhận được từ Thiên Chúa lời mời gọi sau đây mà ngài kể lại trong Nhật Ký : “Ta muốn con đưa việc nguyện gẫm vào trong chức linh mục”.

Trong thời gian đó, ngài có dịp kết thân với cha Adrien Bourdoise. Con người khó tính nhưng có lòng sốt sắng tông đồ bất khuất này đã thiết lập, tại giáo xứ Saint-Nicolas-du-Chardonnet, một cộng đồng linh mục để làm gương mẫu cho việc cải tổ hàng giáo sĩ, mà cha đặt tên là chủng viện. Cha Bourdoise thâm tín rằng chẳng có thể thực hiện được gì trong việc cải tổ nếu không đạt tới được việc chuẩn bị chu đáo các linh mục để làm tác vụ mình. Cha Olier sẽ gặp cha nhiều lần, điều đó không hề làm phật lòng cha de Condren, vị này xem ta mỗi ngày một nghĩ đến cha Olier cho công trình đào tạo các linh mục.

Cha Olier cũng gặp một nhân vật khác nổi tiếng thời đại đó, là một người giáo dân, Jérôme Le Roger de la Dauversière, người quý phái miền Angers, nhà quan thuế tại La Flèche. Nói thật, niên hiệu đích xác của cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa họ hãy còn rất bị tranh cãi, các nguồn sử liệu không cho phép quyết định dứt khoát, và một vài nhà viết tiểu sử đặt việc gặp gỡ rõ ràng sớm hơn. Một ngày kia trong năm 1636 Ông Roger de la Dauversière đã cảm thấy một tiếng gọi đi làm việc tại các điểm truyền giáo tại Canada, và rõ ràng hơn nữa là thành lập tại đảo Montréal một Hội dòng nữ tu cứu tế. Sau một thời gian dài giữ kín lời mời gọi nội tâm đó, ông quyết định đi Paris để nói về sự nghiệp dự định trên với những nhân vật có khả năng làm sáng tỏ vấn đề. Ông phải tham khảo nhiều nhân vật trong đó có cha Bernier, dòng Tên ngụ tại lâu đài Medon. Phải chăng vị này đã giới thiệu ông với cha Olier ? Không thể quả quyết chắc chắn điều này. Dầu sao họ đã gặp nhau và hai người lập tức đã có thiện cảm với nhau. Họ trao đổi rất dài về những kế hoạch truyền giáo của ông Roger de la Dauversière. Cha sở tương lai của Saint-Sulpice càng tha thiết với vấn đề vì lẽ chính ngài, ngày 02 tháng 02 năm 1636, đã nghe tiếng gọi đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, và đặc biệt cho dân Indiens tại Canada. Trong khi cầu nguyện ngài còn thấy cả trong tưởng tượng “hai ngôi nhà thờ, một đã cũ kỹ và cựu trào và một mới mẻ”, và ơn gọi của ngài đã hiện ra dưới hình một cột trụ nối liền hai tòa nhà lại với nhau. Phần ngài cũng luôn giữ hiện diện trong trí khôn lời mời gọi đó từ ba năm nay, mà không biết làm sao cụ thể hóa nó ra được. Việc gặp gỡ nhà quan thuế miền La Flèche làm ngài đầy vui mừng và biết ơn. Một cửa được mở ra để ngài thực hiện một mong ước cho tới lúc này vẫn còn vô hiệu quả.

Ý định thành lập một hiệp hội với mục đích là “thiết lập đạo tại Tân Pháp Quốc” đã nhanh chóng thành hình trong những buổi đàm đạo giữa vị linh mục và người giáo dân. Họ lập tức lưu ý đến đảo Montréal, được khám ra một thế kỷ trước đây do nhà thám hiểm Jacques Cartier và trên đó chưa có một ai đã đến lập nghiệp vĩnh viễn.

Khó khăn là tìm được những người đàn ông và đàn bà chấp nhận buông mình vào cuộc phiêu lưu với một mục đích khác với việc chinh phục đất đai và làm giầu. Thực thế, hai nhà truyền giáo của chúng ta dự định thiết lập tại Montréal một toán kitô hữu để nêu lên cho người thổ dân hình ảnh một cộng đồng gương mẫu để nhờ đó chinh phục họ cho Chúa Kitô. Những hiệp hội thiết lập trước đây tại Canada đã không có ý định trong sạch đó. Đàng khác, những khó khăn với Anh Quốc để sở hữu các đất đai và động ứng hiếu chiến của thổ dân không mấy ưa nhìn thấy những người khẩn hoang đến, đã chất một gánh rất nặng cho những dự tính phúc âm hóa. Cha Olier và ông Roger de la Dauversière muốn khởi sự lại từ những căn bản mới.

Các ngài cố gắng thành lập hiệp hội đặt tên là “Hội Đức Bà Montréal”(Société Notre-Dame de Montréal). Rất nhiều người trong hàng quý phái nhập hội, như Gaston de Renty, một người con linh hướng của cha de Condren, người quý phái miền Normandie, mà thư tín của ông cho chúng ta thấy ông là một đại diện thế giá của Trường phái thiêng liêng Pháp. Ông de Maisonneuve người quý tộc miền Champagne, tình nguyện đưa cuộc hành trình tới bến an toàn. Thực vậy, ba năm sau, vào tháng 05 năm 1642, họ cập bến đảo Montréal, vào giữa lúc ông Roger de la Dauversière, linh hồn của công trình cùng với cha Olier, thành lập tại La Flèche, với Jeanne Mance, một cô gái trẻ tuổi gốc từ Langres, Cứu tế Viện thánh Giuse, mà các nữ tu từ nay sẽ đều đặn sang Canada để săn sóc bệnh nhân.

Thời đó cha Olier cư ngụ ở Paris tại chính nơi nhà ngài sinh trưởng xưa, điều này có vẻ cho thấy những liên hệ giữa ngài và gia đình đã khá hơn. Dĩ nhiên mẹ ngài vẫn còn mong là một sự bổ nhiệm lên chức giám mục sau cùng sẽ phải đến để thưởng công cho tất cả những khó nhộc mà bà đã hấng chịu để bảo đảm cho sự nghiệp của một đứa con đạo đức quá mức, nhưng sau cùng cũng phải khắc phục bởi lẽ phải. Khi ngài từ chối tòa giám mục tại Langres, ngài đã viện cớ là chưa sẵn sàng để nhận một phận sự mà ngài rất coi trọng. Nhưng bây giờ ngườt ta có thể nghĩ cách chính đáng là ngài đã có đủ thời gian để chuẩn bị và đã có được mọi kinh nghiệm cần thiết.

Thật thế cơ hội lại xảy ra. Đang khi ngài tham dự một kỳ truyền giáo tại Montdidier, thì nhận được từ nhà vua, vào tháng 06, lệnh bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phó tại Châlons-sur-Marne. Cha Olier cảm thấy bị đe dọa, vì ngày 26 tháng 03 ngài đã viết cho Mẹ de Bressand :

Tôi không hề nghe nói đến sự thay đổi về địa vị ; điều đó không phải là tư tưởng của cha Tổng Quyền (de Condren) của chúng tôi, càng không phải là của tôi nữa, mặc dầu người ta có đồn thổi đây đó.

Vậy thật sự việc bổ nhiệm không làm ngài bỡ ngỡ. Ngài bắt đầu xin triển hạn bằng một lá thư khá kiểu cách gửi cho Hồng Y Richelieu, để cho cha Condren có thì giờ hành động. Ngày 30 tháng 07 ngài nói với nữ tu de Vauldray về “câu chuyện Châlons ấy”nó“giữ ngài lại trong thành này (Paris) để cố gắng chấm dứt nó nơi Cha Bề Trên Tổng Quyền ; khi cha nói chấm dứt là có ý nói dũ bỏ”. Ngài cũng viết những lời lẽ đó cho Mẹ Bressand ngày 06 tháng 08 :

Con rất yêu dấu của cha, đừng có sợ gì cho Châlons : cha không tin rằng người ta không làm gì về vấn đề này, vì không phải là chiều hướng của cha Tổng Quyền của chúng tôi, ngài bênh đỡ chúng tôi rất mạnh khỏi chuyện này.

Với các giáo sĩ tại Puy mà ngài biết rõ từ ngày truyền giáo tại Pébrac và họ đã viết thư chúc mừng ngài, ngài trả lời họ :

Chức vị mà quý cha nói với tôi… sẽ không thể kéo tôi ra khỏi ơn gọi đầu tiên của tôi, ơn gọi rất xa vời với những tài năng lớn lao cần thiết cho chức vị kia, một chức vị vượt xa khả năng của chúng tôi.

Cha Olier chắc chắn thành thực khi ngài đặt sự từ chối của mình trên lý do ý thức về sự bất xứng của mình. Nhưng rõ ràng là vì vâng ý cha linh hướng của ngài. Nếu cha Condren đã khuyên ngài chấp nhận, thì ngài sẽ trở thành Giám Mục tại Châlons. Nhưng vì cha Tổng Quyền của Oratoire đã không nói gì với ngài về những ý định của mình về ngài, nên ngài đã chỉ tìm được lý do là vì mình bất xứng. Khi mấy tháng sau, một số bạn bè của ngài, theo chính lời ngài nói, sẽ đặt cuộc khủng hoẳng thiêng liêng của ngài trên sự thất vọng cá nhân liên quan đến chức giám mục mà người ta đã buộc ngài phải từ chối, chắc chắn là lọ lầm ; tuy nhiên họ cũng đã phần nào nhìn thấy sự phức tạp của âm vang từ tất cả những biến cố trong tâm lý của cha Olier.

Cha Condren đã dùng ảnh hưởng của mình để vận động hủy bỏ việc bổ nhiệm, và gia đình cha Olier đã không giấu nổi sự phẫn chí của mình trước sự thất bại mới này, vì nó làm tổn thương nặng nề đến tương lai của ngài. Phải chăng sự chống đối đó đã làm cho vị giám mục hụt bỏ nhà tại phố Roi-de-Sicile đến ở tại Saint-Maur-des-Fossés ? Cha Condren đã tụ họp lại trong một ngôi nhà thuộc sở hữu của một người trong anh em Brandon, một vài người con thiêng liêng của ngài mà cha Olier rất thân thiết với họ vì đã luôn gặp họ và vì đã làm việc với họ trong nhiều kỳ đi truyền giáo. Đàng khác không bao lâu nữa họ sẽ lại đi tới địa phận Chartres nơi Adrien Bourdoise đã chuẩn bị sẵn cho họ nhiều cánh đồng truyền giáo. Họ bắt đầu rao giảng tại Maule vào tháng 12 năm 1639.

3

Cơn thử thách quyết định

Chắc chắn rằng thời kỳ bất ổn trên đã chuẩn bị đường cho cuộc khủng hoẳng nặng nề hơn mà giờ đây cha J.-J. Olier sẽ phải trải qua. Ta biết rằng nơi ngài địa hạt tâm lý rất dòn mỏng, phức tạp, đánh dấu bởi một đòi hỏi muốn được trổi vượt, một ý chí nào đó ít nhiều ý thức muốn đặt mình làm trung tâm ; những xu hướng này có lẽ đã bắt nguồn từ một sự hụt hẫng về tình cảm mà những lời lẽ của ngài về những mối liên hệ gây cấn giữa ngài với mẹ ngài đã đủ minh chứng, và điều đó ngay từ khi ngài còn nhỏ, như ta đã gợi đến. Còn phải thêm vào đó những sự nhọc nhằn chồng chất từ bao năm trong những cuộc hành trình nặng nhọc, những lần giảng thuyết mệt nhoài và những buổi ngồi tòa giải tội kéo dài tại những kỳ truyền giáo trong đó ngài đã không màng đến khó nhọc, bệnh hoạn, và sau cùng là những hãm mình tự phát. Tất cả những cái đó đã tạo nên một tổng hợp khá thuận tiện để làm phát sinh một cuộc khủng hoẳng sẽ kéo dài từ tháng 10 năm 1639 đến lễ Phục Sinh 1641.

Đây là một cuộc suy nhược thực sự đã từ từ xâm nhập vào ngài. Từ những nét bút tế nhị trong Nhật Ký, ngài miêu tả cho chúng ta những diễn biến : việc rao giảng trở thành khó khăn đối với ngài. Một giảng viên sáng giá như ngài, đứng cứng họng trước các thính giả :

Trong tất cả thời gian đó, tôi không hề có thể bước lên tòa giảng. Và nếu có lên đó, tôi chẳng thấy gì trong trí khôn và chẳng biết nói gì nữa.

Tại tòa giải tội, ngài trở thành bất lực không khuyên bảo được. Cả đến những câu chuyện thường nhật cũng để ngài lặng thinh không mở lời :

Tôi bị ngượng nghịu đến mức độ không thể nói được một tiếng. Tôi bị hoàn toàn sững sờ và tinh thần bị treo lơ lửng, như đôi khi người ta thấy nơi những kẻ điên ở giữa quần chúng, nghe thiên hạ nói mà không hiểu gì mà không biết trả lời chi cả.

Ngài mất hết mạch lạc trong tư tưởng, trí khôn trốn thoát ngài. Ngài không còn là chính mình nữa. Ngài tưởng mình bị bỏ rơi bởi mọi người và bởi cả cha linh hướng nữa. Việc nguyện gẫm mà ngài không bao giờ xao nhãng, để ngài trong một tình trạng khô khan ngài chưa hề biết cho tới nay. Ngài nghĩ mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, điều đó đưa ngài đến chỗ tự khinh chê mình và nghĩ rằng mình bị luận phạt rồi. Ngài bị xâm chiếm bởi những mối bối rối. Khi ngài đọc Thánh Kinh, ngài chỉ thấy trong đó sự lên án chính mình và hạnh kiểm của mình :

Tôi không có một sự an ủi nào, hoặc một dấu hiệu nào rằng tôi có thể được Thiên Chúa yêu thương, điều này là khổ hình lớn nhất của tôi.

Tình trạng vô cùng đau đớn mà ngài thấy mình ngụp lặn trong đó có những phản ứng cả trong thân xác ngài :

Tôi không biết đi lại làm sao, và nếu tôi đưa chân này trước chân kia, thì tôi không biết do sức lực nào nữa.

Nhọc mệt lớn lao, không còn khả năng điều khiển được tư tưởng, cảm tưởng không nắm bắt được cái có thực, tự đóng kín mình lại, tin chắc bị mọi người bỏ rơi, khinh dể chính mình, đó tỏ tường là những dấu hiệu của một tình trạng suy nhược. Bị đóng kín trong bệnh hoạn của mình, chắc chắn cha Olier đã bất công đối với các bạn đồng liêu truyền giáo và cha linh hướng của ngài khi đổ cho họ cảm tưởng nội tâm bị bỏ rơi, khi ngài nói họ không ngó ngàng gì đến ngài. Thực sự, chính mối băn khoăn của họ bị ngài coi là một sự ruồng bỏ. Ngài càng cảm thấy cùng cực khi chính Thiên Chúa Đấng phải là chỗ tựa nương cuối cùng của ngài cũng thoát khỏi ngài. Ngài không còn có những mối hưng phấn đã phát xuất từ thẳm sâu bản thân ngài và ngài đi cả đến chỗ tự hỏi có phải Thiên Chúa ghét ngài không.

Vậy, này đây cha J.-J. Olier đang ngụp lặn trong một đêm tối thiêng liêng diễn ra bên trong một cuộc suy nhược tâm lý. Cả hai không thể tách rời ở đây. Thật sự Thiên Chúa sẽ dẫn ngài đến cùng độ của sự dòn mỏng nhân loại, tới chỗ mà con người phải thừa nhận mình là không, tự mình không làm được gì hết, và mình triệt để cần được cứu chữa. Sự thử thách thật là kinh khủng, nguy hiểm, bởi vì trong tình trạng ngài đang sống sự tuyệt vọng không còn xa. Một đôi lúc ngài cảm thấy bị mê hoặc bởi án trầm luân mạnh mẽ đến nỗi ngài khinh chê chính mình : “Khi đó tôi yêu thích hỏa ngục như là điều tốt cho tôi và sự miêu tả nó làm tôi vui thích” ; may thay ngài có nói thêm là ngoài việc ngài muốn trở thành điên “nếu Thiên Chúa muốn”. Không thể nào xuống sâu hơn nữa trong cái vực thẳm đó, trừ ra thực sự chìm ngập vào sự điên dại hoặc sự tự tử. Cha Olier đã bị đả thương đến độ sâu thẳm nhất của bản thân ; trước hết là trong tình yêu Thiên Chúa của ngài, Đấng Thiên Chúa mà ngài vô cùng kính yêu, Đấng đã tỏ mình ra cho ngài cách dễ cảm nghiệm như vậy, Đấng cho tới nay đã ban cho ngài hết ơn này đến ơn khác, giờ đây chỉ còn hiện tỏ cho ngài như “một kẻ bực bội, nghiêm khắc và độc dữ”. Nhưng ngài cũng bị xâm phạm cả trong lòng ước ao nồng nhiệt rao giảng Tin Mừng của mình nữa. Chẳng những ngài không còn cảm thấy hứng thú tông đồ nữa, chẳng những sức truyền cảm từ ngài không tới cử tọa và những người sám hối của ngài nữa, nhưng cả đến các thân nhân của ngài cũng khuyên ngài đi nghỉ, ngưng sứ vụ mình ít lâu, điều đó tỏ rõ sự bối rối của các bạn hữu ngài. Người ta tưởng tượng sự cùng khổ của ngài trước sự ngờ vực ngài cảm thấy hiện lên nơi những kẻ thân thuộc và sự dễ tổn thương càng tăng nơi con người đa cảm, tinh anh, tế nhị, bị đả thương đến tận thẳm sâu của bản thân mình.

Tuy nhiên điều gì đó cản trở không để ngài bị hoàn toàn nhận chìm. Trong lúc bị thử thách nặng nề nhất, cái nhìn của ngài vẫn hướng về những kẻ ngài có trách nhiệm :

Tôi nhớ rằng khi đó tôi thưa với Chúa : Ôi lạy Thiên Chúa của con, hãy đổ xuống trên mình con tất cả sự khốn khó của tội lỗi con. Ôi lạy Chúa xin hãy gia phạt con, tiêu diệt con nếu Chúa muốn, nhưng đừng để những linh hồn đáng thương và người thân cận bị đau khổ.

Chiến đấu với tính kiêu căng

Ở trọng tâm tình trạng tiều tụy đó hiện ra bóng ma của sự kiêu căng (la “superbe”) :

Đôi khi đang ở giữa các Đấng vị vọng, tôi dễ cảm thấy đầy lòng kiêu căng và ngạo mạn. Và hình như tôi thấy có điều gì về đó hiện ra ngay trong điệu bộ và trong thâm tâm tôi, điều chưa bao giờ tôi cảm thấy trước đây. Và điều đó tự diễn ra trong tôi, mà tôi không hề tham dự gì vào đó.

Chúng ta biết không phải bây giờ ngài mới cảm thấy tật xấu đó trong mình. Thật sự đã có ngày ngài cầu xin Thiên Chúa giải thoát ngài khỏi tật đó, cho dầu có phải mất lòng kính chuộng thiên hạ dành cho ngài. Như vậy ngài ý thức cần thiết phải có một sự thay đổi nội tâm. Muốn dấn mình hơn trong một quá trình thanh tẩy, lời ngài cầu xin với Thiên Chúa đã nhắm đúng hình ảnh người ta phản hồi cho ngài về chính mình.

Và đây cuộc khủng hoẳng ngài đang gánh chịu làm cho ngài càng ý thức mạnh mẽ hơn về tính kiêu căng của mình. Ngài bị xúc phạm sâu đậm bởi những suy nghĩ của các bạn coi ngài là bề trên “để chế nhạo” và nghĩ rằng “những mối phiền sầu của ngài đến từ việc ngài đã không là bề trên của đoàn”. Trong tháng 05 năm 1640 ngài viết cho Mẹ Bressand rằng sự thử thách của ngài đã cho ngài thấy sự nghèo nàn của mình. Đặc biệt, là việc bị thiếu hụt những an ủi tỏ cho ngài thấy sự ít nhân đức của mình :

Từ ngày Thiên Chúa rút khỏi cha những hành động nhạy cảm chỉ dùng làm màn che những nết xấu của cha, cha tự thấy mình hoàn toàn trần trụi nhân đức và đầy dẫy những hỗn loạn đến nỗi cha không thể diễn đạt được một phần nhỏ những nết xấu của cha.

Mấy tháng sau ngài lại viết :

Bởi vì cha có thể chân tình nói cho con thấy tận đáy tâm hồn của cha, nó tỏ rõ rằng cha chỉ là một người giả hình, kiêu căng, giấu giếm và thiếu khả năng làm được bất cứ điều gì tốt.

Dần dần ngài cũng hiểu được những liên lụy khác nhau làm nên nỗi đau của ngài. Chẳng hạn ngài nhận thấy sự hàm hồ của sở thích mình đối với những an ủi mẫn cảm và cảm thấy trong đó mình nhượng bộ cho một vài sự tìm kiếm bản thân. Cả đến trong cách ngài coi mình là tội nhân, ngài cũng khám phá một sự gắn bó tinh vi vào cái tôi riêng của ngài. Điều này tỏ lộ trong những lời khuyên ngài gửi cho nữ tu Vauldray :

Nếu con biết coi chừng thì sẽ thấy những sự bối rối phát sinh, không phải chỉ bởi sự đau buồn vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng bởi một vài suy nghĩ của con về chính bản thân mình, chẳng hạn con không được hoàn toàn như con tưởng, bởi những gì người ta nói về con, bởi việc con đã ít tiến tới.

Phải chăng đây trước hết là những lời khuyên nói về chính mình ngài ? Ngài cũng săn đuổi cả sự kiêu căng trong cái tính tự ái luôn luôn phát sinh qua đó ngài không ngừng chiếm hữu cho mình điều mà tuy nhiên ngài thừa nhận là đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ mình.

Trong trọng tâm sự suy nhược của mình, cha Olier đã đương đầu cách gắt gao với tính kiêu ngạo của mình. Khi làm cho ngài bị giam hãm trong bản thân mình, cuộc khủng hoẳng làm hiện lộ mạnh mẽ hơn xu hướng sâu xa đó đã có sẵn trong ngài. Hơn nữa chính ngài nói rõ ràng :

Ngoài việc trong thời gian đó tôi luôn ở trong tối tăm, luôn khô khan, luôn trống rỗng Thiên Chúa, ít nhất là theo tình cảm, tôi đầy những động ứng kiêu căng và tự ái, không thể cảm thấy điều gì khác, luôn bị bao vây bởi lòng tự tôn, lúc nào cũng sợ hãi, lúc nào cũng cố gắng tìm xem nhưng vẫn bất lực suy nghĩ khác được, thiên hạ phán đoán thế nào về tôi, tôi lại chẳng phải là ngu đần, dốt nát , điên khùng, thiếu đạo đức, thiếu bác ái, thiếu kiên nhẫn sao, và tôi không thể chỗi dậy, cũng không thể thoát khỏi đó, vì luôn thâm tín tự đáy lòng là đã bị hư mất rồi.

Như vậy suốt trong gần hai năm trời, ngài sống trong tình trạng khô khan và bất lực đó, thâm tín rằng mình đã bị nhiễm lây tính kiêu căng đến độ sâu thẳm nhất, có vẻ không thể làm được điều gì lành nữa, trên bờ thất vọng, nghi ngờ cả tình yêu Thiên Chúa, không tìm được trợ giúp chung quanh mình, càng tệ hại hơn nữa là vị linh hướng của ngài, cha Condren, đã qua đời vào đầu năm 1641.

Tiến tới bình phục

Chính từ trong đáy sâu của cuộc thử thách mà sự giải thoát đã phát xuất. Bị tước đoạt hết những gì mà lòng tự ái mình có thể bám lấy để tự nuôi sống : thành công trong chức vụ, lòng ngưỡng mộ của người đời, và ngay cả những sự an ủi từ Thiên Chúa, ngài bị dồn tới chân tường. Bị trấn áp đến độ không còn năng lực gì, ngài đã rút ra kinh nghiệm đau đớn là không thể tự mình làm được bất cứ điều gì. Trong khi đụng đầu vào những giới hạn của mình như là đụng vào những bức tường của một nhà tù, ngài cảm nghiệm được sự nghèo nàn căn bản của mình. Từ từ ngài hiểu ra rằng chỉ có sự thừa nhận sự nghèo nàn đó, sự dòn mỏng đó, mới là con đường giải thoát. Từ đó ngài tự phó thác, buông mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, kể cả những yếu đuối nhân loại và đặc biệt lòng tự kiêu của ngài. Ngài hiểu rằng những sai lỗi và thiếu sót của ta, nếu ta biết đặt chúng vào tay Thiên Chúa thì chúng sẽ thành nơi chốn cho phần rỗi của ta, và qua chính việc đó, thành nơi mà sức mạnh tông đồ của ta có thể tái sinh. Như thế tại tâm điểm của sự bỏ rơi, đã chỗi dậy trong ngài một sự tín nhiệm hoàn toàn mới mẻ. Ngài không còn cậy tựa vào mình, hay trên các thụ tạo nữa, như ngài nói, nhưng chỉ trên một mình Thiên Chúa Đấng ngài phó thác luôn cả sự nghèo nàn của mình.

Từ đây trở đi ngài được giải thoát khỏi chính mình. Ngài đã tìm lại được sự liên lạc trong tư tưởng, sự tự do và tính thuyết phục của lời nói ; sự hăng say mà trước đấy đưa ngài tới Thiên Chúa và tới tha nhân lại tuôn trào trong ngài. Ngài không còn lưu tâm đến mình nữa :

Tôi bỡ ngỡ vì bấy nhiêu đổi thay xảy đến một lúc, bấy nhiêu ánh sáng thay cho tăm tối, bấy nhiêu sự minh bạch trong tư tưởng tôi thay cho những lẫn lộn, bấy nhiêu kết quả tốt lành trong lời nói thay cho sự khô cằn mà tôi đã nghiệm thấy trong tôi và tôi còn gây ra trong lòng người khác nữa, bấy nhiêu tình cảm yêu mến và nâng lòng lên với Thiên Chúa thay cho sự bận tâm đáng nguyền rủa và vô phúc đó về chính mình tôi.

Đây là một con người hạnh phúc và tự do mà từ nay chúng ta có trước mặt kể từ những ngày lễ Phục Sinh năm 1641. Hạnh phúc và tự do được tỏ lộ mạnh mẽ trong những dòng sau đây :

Chính tại địa điểm nhà thờ Đức Bà ở Chartres mà tôi bắt đầu thở và cười được, điều mà tôi đã không thể làm suốt trong những đêm tối và giông tố đó.

Sau cùng cha Olier sẽ “buông mình cho Thánh Thần”, tiến sâu mỗi ngày vào sự thông hiệp với Thiên Chúa và rao giảng Tin Mừng, không còn phải với sức riêng mình nữa, không còn gán những thành công tông đồ cho mình nữa, nhưng là do sức mạnh và ơn ban nhưng không của Thánh Thần Thiên Chúa. Qua cuộc thử thách, ngài vừa thấu hiểu được điều sẽ làm sinh động toàn thể cuộc sống của ngài : chính sự phó thác cho Thánh Thần trong khiêm nhượng là nguồn suối duy nhất của mọi liên hệ với Thiên Chúa và của mọi động lực tông đồ :

Bởi vì kết quả của tất cả điều này là do lòng từ bi Thiên Chúa đã đặt tôi vào một tình trạng mà tôi chỉ sống trong sự tín nhiệm vào Ngài dầu có ở trong tình trạng nào đi nữa, cực nhọc bề trong, bề ngoài, miễn là tôi có thể nói được những lời với thầy tôi : con phó thác mình cho Ngài ; thế là mọi sự được chữa lành và là bằng chứng về ý định của Thiên Chúa trong mọi cuộc gặp gỡ, nghĩa là Ngài muốn gỡ tôi ra khỏi mọi sự nương tựa vào các thụ tạo.

Điều đó không có nghĩa là ngài hoàn toàn được giải phóng khỏi tính tự ái của mình. Tính tự ái này đôi khi còn tiếp tục biểu lộ. Nhưng nó sẽ không còn là một trở ngại cho việc ngài tiến tới Thiên Chúa và tới sự hiến dâng bản thân cho tha nhân. Sự yếu hèn đó của ngài, cũng là của mọi người, sẽ không khép kín ngài lại trên mình nữa, bởi vì ngài đã hoàn toàn phó thác nó cho Thiên Chúa rồi. Vì thế mà cha Olier đã học được điều thực tế của sự thánh thiện. Thánh thiện không hệ tại tìm kiếm một thứ trọn lành lý tưởng không thể đạt tới được. Nhưng nó hệ tại sống điều chúng ta là và đặc biệt sống những sự dòn mỏng của chúng ta trong sự tín nhiệm và phó thác. Thế là chúng ta được lôi cuốn trên con đường của sự chữa lành chân thật. Cha Olier đã kinh nghiệm rằng ngài càng muốn dùng sức mình để tự giải phóng khỏi tính kiêu căng, thì thực sự ngài càng chìm sâu vào đó. Trong đoạn văn đã nói đến trên đây, nơi ngài giải thích điều chính yếu trong thử thách thiêng liêng của ngài, ngài gợi đến những cạm bẫy phải tránh :

Điều thứ nhất, ngài nói, về tính tự ái, là chúng ta luôn lưu ý đến chính mình, lấy lý do tốt đẹp là nhìn sự khốn khó của mình để sửa chữa. Nhưng đó là cách không bao giờ thoát ra được ; bởi vì chúng ta chỉ làm cho mình ngã lòng, và hơn nữa mất thời giờ, bởi bất lực vươn mình lên trên bản thân chúng ta để chữa trị mình.

Vậy phải làm gì ? Câu trả lời thật rõ ràng :

Phương thế, theo tôi thấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều và đã giúp đỡ nhiều người khác mà tôi đã đề nghị với họ là phương thế này : Tôi thiết tưởng, đang sống trong ơn nghĩa nối kết chúng ta với Thánh Thần và làm Ngài hiện diện trong chúng ta, kèm theo thiện chí sửa mình chúng ta khỏi những nết xấu thay vì lột bỏ nó, ta hãy phó mình hoàn toàn cho Thánh Thần đang ngự trị trong ta, để Ngài nâng chúng ta lên trên bản thân chúng ta, và để Ngài khiến chúng ta làm những công việc của chúng ta bởi Ngài, vì Ngài ở trong chúng ta để làm cho chúng ta hành động cách thánh thiện và xứng đáng cho Thiên Chúa.

Vậy cha Olier đã chấp nhận phó thác cho Thiên Chúa chính sự bận tâm về nết xấu hằng dằn vặt mình. Cha đã phó mình cho Chúa Thánh Thần để Ngài làm cho mình thực hiện điều mà bản thân mình không thể làm được. Không phải bằng cách tự gọt đẽo mình, như ngài nói, mà mình được giải thoát, nhưng trái lại bằng cách thôi nhìn vào chính mình để lao mình vào Thiên Chúa. Đối với ngài đó là sự lột bỏ tối cao. Ngài trao phó sự ao ước nên thánh của mình cho chính Thiên Chúa. Ngài sẽ không nên thánh bởi sức riêng của mình và theo kiểu mình muốn. Nhưng chính Thánh Thần sẽ hoạt động trong ngài để làm cho ngài sống cách thánh thiện.

4

Vaugirard

Vào tháng 08 năm 1641, cha J.-J. Olier viết cho nữ tu Vauldray, con thiêng liêng ngài ở tu viện Regrippière rằng ngài đang bận “dậy giáo lý trong thành phố Chartres”. Thật ra thì từ nhiều tháng nay, toán nhỏ linh mục, ngoài những hoạt động mục vụ thường xuyên, đang tìm cách thiết lập một chủng viện. Đây không phải là lập một cơ sở như chúng ta thấy ngày nay. Cha Olier và các bạn ngài chỉ đơn giản dự định, đang khi vẫn tiếp tục công việc truyền giáo, tiếp nhận những linh mục hoặc những linh mục tương lai sắp sửa chịu chức để đào tạo về mặt thiêng liêng cho tác vụ của họ. Bất hạnh thay cuộc thử nghiệm đó không thành công. Số ứng sinh đã rất ít làm cho các bạn của cha Olier cảm thấy phải bỏ cuộc. Hơn nữa chính bản thân ngài cũng chỉ tham dự vào cuộc thử nghiệm mỗi ngày một xa hơn, vì ngài phải về Paris một thời gian để giải quyết những vấn đề thuộc tu viện Pébrac của ngài, nơi các tu sĩ đã lạm quyền tự bổ nhiệm lấy một Bề Trên mới.

Vào tháng 09, toán nhỏ tông đồ đi hành hương tại thánh đường Notre-Dame-des-Ardilliers, gần Saumur. Nơi đây rất nổi tiếng đông người tới viếng. Hơn nữa, lại được các cha dòng Oratoire coi sóc. Đối với các con thiêng liêng của cha Condren, nay không còn đó nữa để dẫn dắt họ, việc chọn Notre-Dame-des-Ardilliers để cấm phòng, tất nhiên là có ý nghĩa tượng trưng. Trong khi đang lưỡng lự về tương lai, họ đến tìm ý muốn của Thiên Chúa bằng cách đến tĩnh tâm trong tinh thần của cha linh hướng mình. Chính trong kỳ cấm phòng này mà cha J.-J. Olier đã nhận được sự xác định nội tâm là phải kiên trì trong đường lối đào tạo các linh mục và từ chối việc được bổ nhiệm làm Giám Mục địa phận Puy nơi mà Hội Đồng Chính tòa vừa bầu chọn ngài. Lần này ngài không còn có thể để mình được dẫn dắt bởi những ý kiến của cha linh hướng nữa. Chính ngài quyết định lấy, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngài nghe tiếng đó nổi lên trong mình từ Thiên Chúa phán ra : “Ta muốn ban cho con thay vì Tòa Giám mục rất nhiều tình yêu”.

Cha Olier đã cần có sự dứt khoát đó, bởi vì các bạn ngài đã nghi ngờ và những chia rẽ trầm trọng đã nảy sinh giữa họ. Viết cho Mẹ Bressand vào cuối tháng 11 năm 1641, ngài chia sẻ với Mẹ về sự lo lắng của mình :

Cha thấy rất nhiều công việc trong toán nhỏ của chúng tôi ; bởi vì hoặc là Thiên Chúa hoặc là ma quỉ hình như muốn đẩy xa một người khỏi toán này, điều đó xem ra hoặc rất hữu ích hoặc rất tai hại, xét theo các khía cạnh khác nhau mà người ta nhận thấy. Hãy cầu nguyện nhiều cho người đó trong âm thầm. Hãy trao phó rất nhiều việc này cho Chúa Chúng Ta, bởi vì là việc của Ngài.

Về ai vậy ? Chắc chắn không phải về Étienne Meyster người đã bỏ họ từ ít lâu nay rồi. Về François de Caulet người đã chia sẻ sự hoài nghi của mình trong công việc dự định tại Chartres ? Có thể, nhưng có lẽ đúng hơn là về chính Amelote, bề trên của cộng đồng nhỏ bé mà ngài sẽ sớm từ bỏ để vào dòng Oratoire.

Chính trong giữa thời gian lưỡng lự và bất ổn đó thì một khả năng có thể thực hiện những nguyện vọng của họ được bất ưng mở ra cho nhóm người đang lưỡng lự này. Cha Olier có nói động đến, nhưng không chỉ rõ vấn đề gì trong một lá thư khác cho Mẹ Bressand :

Cha trao phó vào lời cầu nguyện của con và của các con cái tốt lành của con một công việc có hậu quả rất lớn của cộng đồng nhỏ của chúng tôi.

Một trong các thành viên, Charles Picoté, đã tạm thời định cư trong thị trấn Vaugirard, cách Paris vài bước, trên đường đi Versailles. Ngài cộng tác vào công việc của một Hội dòng nhỏ, các Nữ tu Thánh Giá (les Filles de la Croix) được thành lập do Mme de Villeneuve, một người con thiêng liêng xưa của thánh Phanxicô Salêsiô, để lo việc giáo dục trẻ em nghèo miền quê. Bà Bề trên đề nghị với ngài bà sẵn sàng đón nhận toán linh mục nhỏ để thành lập tại Vaugirard một ngôi nhà dành cho các tiến chức. Vậy François de Caulet, Jean du Ferrier, rồi chính Olier cũng sẽ rất nhanh chóng xum họp với Charles Picoté để cùng nhau nghiên cứu xem mình có nên xông pha vào cuộc phiêu lưu đó không.

Địa điểm không thiếu thuận lợi ; nó rất gần Paris, nhưng cũng đủ xa và yên tĩnh để dễ dàng tĩnh tâm và sống trầm mặc. Sự tiếp đón nồng nhiệt của Mme de Villeneuve và của cha sở giáo xứ cho phép dẹp bỏ được nhiều khó khăn, kể cả về vật chất. Tuy nhiên cha Olier còn lưỡng lự. Ngài xin để được cầu nguyện ít ngày và đến làm tại Notre-Dame-des-Vertus, một địa điển hành hương nằm ở Aubervilliers và do các cha dòng Oratoire coi sóc. Chính tại đây mọi lưỡng lự của ngài đã hoàn toàn tiêu tan. Đây là điều chính ngài đã nói :

Tôi thiết tưởng có thể nói ở đây điều mà lòng nhân lành của Thiên Chúa đã khứng cho tôi nhìn thấy, vào tháng 12 vừa qua trong một buổi cấm phòng mà tôi làm về vấn đề tôi nói, là nếu đúng ý muốn của Thiên Chúa cho một vài giáo sĩ chúng tôi tụ họp lại để giúp đỡ các linh mục tự đào tạo và cho họ một nơi có thể tụ họp với mục đích đó. Hãy còn hoàn toàn chưa biết gì về ý định đó và về kết quả sẽ ra sao, và cũng không biết những ai sẽ phải bắt đầu, ngày kia vì lòng nhân lành Thiên Chúa đã khứng hiện ra với tôi trong tinh thần, và trong khi khuyến khích tôi phụng sự Ngài, Ngài cho tôi thấy Ngài ôm trong tay một toán người, và qua đó Ngài tỏ bày sự lưu tâm lớn Ngài sẽ dành cho chúng tôi, với một sự tín cẩn lạ thường có thể xảy ra như vậy : điều đó đã khích lệ tôi nhiều và đã không ngăn cản được tôi, một khi đã ra khỏi nhà và đến bên cạnh các Đấng, đã hoàn toàn chán nản về những đổ vỡ của chủng viện thất bại tại Chartres, để cổ võ các ngài về ý định ấy và nói với các ngài là chúng tôi chỉ mới bắt đầu và trao phó cho lòng nhân từ của Thiên Chúa Đấng nâng đỡ chúng tôi trong cánh tay của Ngài như những đứa trẻ nhỏ.

Những trở ngại cuối cùng được dẹp bỏ.

Vậy cha Caulet, du Ferrier và Olier đến ở trong một ngôi nhà nằm tại phố Vaugirard hiện nay, phỏng ở số 383. Trước đó họ đã đến trình bày cho cho cha Amelote nhưng ngài đã dứt khoát khước từ, làm phát sinh sự vô cùng tiếc xót nơi những anh em mà trước đây ngài là một vị Bề Trên rất được kính chuộng.

Ba “Ngài”[7] của chúng ta bắt đầu sống một cuộc sống cộng đồng mạnh mẽ mà Baudrand, nhà viết sử về Saint-Sulpice, bốn mươi năm sau đã miêu tả như đây : “Công việc của họ là nguyện gẫm, đọc Sách Thánh, học hỏi ; và họ qua nhiều giờ trước Thánh Thể”. Ta thấy ngay ở đây, trong lối sống họ đã tự động nhận, ba yếu tố căn bản trong sư phạm thiêng liêng của cha J.-J.Olier dành cho việc đào tạo các linh mục : thực hành nguyện gẫm, suy niệm Thánh Kinh, sùng kính mầu nhiệm Thánh Thể. Vậy các nhà đào tạo tương lai bắt đầu sống chính mình điều họ mong ước truyền đạt, không quá bận tâm đến ngày mai và “trong sự thoải mái lạ thường” theo lời cha Ferrier nói trong Nhật Ký. Về mặt vật chất, họ sống trong một ngôi nhà nhỏ tương đối thiếu tiện nghi và của ăn thì được Mmede Villeneuve cấp dưỡng.

Nhưng cho được thành lập một chủng viện, không phải chỉ cần tụ họp các đào tạo viên thôi, và mối nguy hiểm thì rất lớn sợ thấy tái diễn sự thất bại đã xảy ra tại Chartres. Sự bấp bênh về tương lai thật sự đe dọa cơ sở mới. Sau này cha du Ferrier nói khi gợi đến điều này : “Khi đó chúng tôi còn chưa hiểu được gì hết về điều Thiên Chúa muốn chúng tôi làm”. Hơn nữa làm sao tưởng tượng được rằng sự nghiệp của những chủng viện có thể nảy sinh từ cái cộng đồng vừa phôi thai đó, nằm trong một làng ở ngay cửa Paris, trong những địa điểm kể là chật hẹp như vậy ? Đúng thế, nhìn vào lịch sử đã qua cho phép chúng tôi ngày nay nhận ra bộ mặt biểu tượng của những buổi đầu thật khiêm tốn đó. Khi những chủng sinh đầu tiên đến gõ cửa căn nhà tại Vaugirard, họ gặp thấy những linh mục sống thành cộng đồng mời gọi họ sống như họ và với họ. Vậy trực quan lớn nhất của các chủng viện Xuân Bích được ghi dấu trong những buổi đầu tăm tối đó : không có hai kiểu sống, một của thầy và một của trò, không có hai kỷ luật. Chỉ có một cộng đồng duy nhất trong đó những người đào tạo và những người được đào tạo cùng cố gắng đáp trả cũng những đòi hỏi của đời sống kitô giáo và đời sống linh mục, và trong đó điều chính yếu của việc đào tạo được truyền đạt trong một mối liên hệ giáo dục được sống trong sự chia sẻ cùng một kinh nghiệm.

Lời khấn làm nô lệ Chúa Giêsu

Vào đầu tháng 01 năm 1642, ngay sau khi thiết đặt xong tại Vaugirard, cha J.-J. Olier viết thư cho bà Marie Rousseau. Ngài đã giữ liên lạc với con người đã là nguyên nhân của việc ngài “trở lại”. Việc ngài trở về miền Paris sẽ cho phép ngài năng gặp bà hơn. Ngài tâm sự dễ dàng với bà và sẵn sàng xin lời khuyên của bà. Lần này đối tượng của lá thư liên hệ tới lời khấn làm nô lệ Chúa Giêsu mà ngài sẽ tuyên đọc mấy ngày sau đó :

Tôi xin bà vui lòng chấp nhận để tôi được ân huệ đến nhà bà vào trưa thứ sáu, để khỏi lấy trộm thời giờ của các bệnh nhân của bà. Tôi sẽ rất vui được bà tỏ lòng bác ái đối với tôi bằng cách cho phép tôi dùng bữa ăn chiều tại đấy, bởi hôm đó là ngày áp của một trong những ngày lớn nhất đời tôi, vì là ngày trong đó tôi định đọc lời hứa làm nô lệ cho Thầy chí tôn chúng ta là Chúa Giêsu-Kitô, mà tôi sẽ nói với bà và sẽ xin bà giúp đỡ tôi về việc này. Trong lúc chờ đợi tôi sẽ nói điều chính yếu với bà, tôi xin bà cầu nguyện Chúa Chúng Ta khứng thương xót chấp nhận tôi vào số các tôi tớ Ngài và chớ gì Ngài vui lòng ban cho tôi tinh thần để phụng sự Ngài trên mặt đất và được ngợi khen Ngài đời đời kiếp kiếp…

Như vậy cha Olier rất coi trọng hành vi ngài sẽ thực hiện đó. Một năm trước, ngài đã muốn thể hiện sự cam kết đó, nhưng cha giải tội đã xin ngài hoãn lại, chắc vì cuộc khủng hoẳng ngài đang trải qua.

Vào thời đó, những cuộc thề hứa làm nô lệ Đức Trinh Nữ Maria hoặc Đức Kitô là một thực hành khá phổ biến. Dĩ nhiên đây chỉ là những lời hứa tư riêng. Chỉ nên coi đó là một sự sùng kính nhỏ mọn giữa các sự sùng kính khác. Thực ra, những lời khấn hứa làm nô lệ này nhằm mục đích đi tới cùng những đòi hỏi của phép Rửa. Chín năm trước, cha Olier đã khấn hứa làm nô lệ cho Đức Maria. Mục đích của sự cam kết này với Đức Trinh Nữ là để phó thác bản thân mình cho Mẹ dẫn dắt tới Chúa Kitô. Như lời ngài giải thích trong Nhật Ký :

Đức Thánh Trinh Nữ lôi kéo mọi người trước hết đến với tình yêu và phục vụ thánh thiêng Người, để sau đó đưa họ đến với Chúa Giêsu-Kitô Chúa Chúng Ta.

Vào đầu năm 1642 này, cha Olier cảm thấy mình sẵn sàng để thực hiện lời khấn hứa làm nô lệ cho chính Chúa Kitô. Đối với ngài, như Thiên Chúa đã bày tỏ cho ngài trong lời cầu nguyện :

Làm đầy tớ của một vị Thầy, là làm mọi việc theo ý Ngài… Tôi chỉ có thể nói với sự tùy thuộc Thánh Thần Đấng chiếm hữu tôi… Tôi chỉ muốn điều gì Ngài muốn… điều này đòi hỏi một sự tín cẩn và một sự phó thác dứt khoát trong tay của vị Thầy đáng chúc tụng và trung tín, Đấng tuyệt đối khôn ngoan, tuyệt đối quyền phép và tuyệt đối tốt lành… điều này đòi buộc một sự hoàn toàn lột bỏ mọi sự để chỉ yêu mến một mình Chúa Giêsu … Nếu thiên hạ biết được sự êm ái dường nào của việc phụng sự chí thánh Ngài… thì Ngài sẽ ràng buộc cả thiên hạ với Ngài. Vậy hỡi vị Thầy tốt lành của con, xin hãy làm cho người ta biết và yêu mến Thầy, hãy làm cho người ta nếm thử Thầy êm dịu và đáng mến biết bao, Thầy đáng thờ lạy biết bao. Kể từ ngày đó, tôi rất đỗi hài lòng được đọc lên tiếng Thầy đó và tiếng tôi tớ, khi mà tôi cũng có thể nói : Ôi Tình Yêu của con, con phó thác mình con cho Ngài.

Mấy câu này bày tỏ rõ ràng rằng lời khấn hứa làm nô lệ mà cha Olier đã tuyên đọc chẳng là gì khác ngoài một kiểu diễn đạt lòng khao khát phó thác mình hoàn toàn trong tay Chúa Giêsu-Kitô để yêu mến và phụng sự Ngài hết mình. Nó cũng diễn đạt bầu khí của mối liên hệ giữa ngài với Đấng mà ngài gọi là “Thầy tốt lành” của ngài. Liên hệ tình ái mà không loại trừ lòng kính cẩn và niềm thờ lạy. Hơn nữa đấy là một tình trạng tương phản trong Trường Phái thiêng liêng Pháp, sự thờ lạy luôn đượm tình yêu mến, và lòng yêu mến luôn kính cẩn ; bởi vì Đấng Thiên Chúa siêu việt là một Thiên Chúa tình yêu tự trao hiến mình hoàn toàn cho con người.

Vậy những tháng đầu của năm 1642 này, là những thời gian thông hiệp mãnh liệt với Thiên Chúa. Trong Nhật Ký ngài diễn đạt thoải mái về những tâm tình yêu mến của ngài đối với vị Thầy của mình. Nhưng đừng lầm lẫn, sự liên hệ không phải chỉ là tình cảm, nhưng nó được thiết đặt cách khách quan trên mầu nhiệm cứu độ. Khi ngài cử hành Thánh Thể, ngài chỉ cảm thấy nơi mình “cái ý hướng cao cả là dâng chính Thầy của tôi cho Thiên Chúa Cha của Người để cảm tạ Ngài đã kén chọn Người làm Con mình”. Như thế hành vi tạ ơn triển nở nơi ngài, tại trung tâm Thánh Thể, cho chính Đức Kitô ngài chiêm ngắm trong liên hệ với Chúa Cha. Hành vi tạ ơn đó ngài muốn chia sẻ cho toàn thể thế giới ; trong buổi cấm phòng tại Vaugirard, ngài để mình tràn ngập bởi tinh thần tông đồ :

Lạy Mọi Sự của con, con muốn tất cả mọi thụ tạo đều được đổi thành những miệng lưỡi để ngợi khen và chúc tụng Ngài.

Như vậy ngài cảm thấy mỗi ngày một hơn sự hiện diện của Thánh Thần xâm chiếm mình, mà ngài phó thác bản thân, “buông mình”, như ngài nói, bởi vì ngài thâm tín rằng tự mình ngài không làm được gì, nhưng Thánh Thần có thể làm nơi ngài những sự lớn lao. Mối liên hệ sâu đậm đó với Thiên Chúa đôi khi có những phản xạ mạnh mẽ trên tình cảm của ngài. Ngài kể như sau một ơn huệ ngài cảm thấy một ngày nọ, trong lúc đang đọc kinh nhật tụng :

Tôi có cảm tưởng là lúc đó bàn tay rộng rãi của Thiên Chúa đổ xuống tràn đầy ân sủng Ngài trong tâm hồn, và thực thế, bởi vì trong một khắc đồng hồ hay lâu hơn, tôi bị áp đặt phải kêu lớn tiếng, sa nước mắt, than thở, và miệng luôn đọc : Ôi Tình Yêu của con, chớ gì con được chết trăm ngài lần cho Ngài !… Ôi Tình Yêu của con, tại sao Ngài yêu con đến thế và tại sao Ngài ban nhiều ân huệ đến như vậy ?… Tôi đã phải vật mình xuống giường trong một góc sau khi đã khép cửa lại, sợ người ta nghe thấy, vì sự việc thật thái quá.

Một vị linh hướng mới

Viết Nhật Ký

Cũng chính trong giai đoạn này, ngay sau khi tuyên hứa làm nô lệ Chúa Giêsu, ngài đã chọn một vị linh hướng mới. Từ khi cha Condren qua đời trước đây một năm, ngài xưng tội với các linh mục khác nhau ; nay ngài cảm thấy cần được soi sáng trong kinh nghiệm thiêng liêng đang nảy nở trong ngài, cần được dẫn dắt để buông mình tốt hơn cho công việc của Thánh Thần. Ngài đến xin Dom Grégoire Tarisse, dòng Biển Đức, Bề Trên Tổng Quyền của Hội dòng Saint-Maur, Viện Phụ tại Saint-Germain-des-Prés. Ta biết do nguồn tin khác là chính bà Marie Rousseau cũng được linh hướng bởi một cha tại dòng này, là Dom Hugues Bataille, giữ chức tổng quản lý. Cha Olier tâm sự với chúng ta là bà cũng có can thiệp trong việc này, Dom Tarisse, vẫn sẽ luôn đối với ngài là một người đối thoại có thế giá, liền hướng ngài tới Dom Bataille, cha này nhận làm linh hướng cho ngài.

Chính vị này lập tức khuyên ngài viết kể lại đời sống mình và những ân huệ mình đã nhận. Phải chăng cha Bataille cũng làm như thế với các con thiêng liêng khác ? Dầu sao chính bà Marie Rousseau cũng có để lại một tập Nhật Ký của bà. Có lẽ cha đã lập tức nhận thấy ích lợi mà cha J.-J. Olier sẽ nhận được từ một bản viết buộc ngài phải khách quan hóa kinh nghiệm của mình chăng ? Dù sao, cha sở tương lai của Saint-Sulpice cũng bắt đầu nghi lại đều đặn trên những tập vở các điều xảy đến trong ngài, sau khi đã kể lại tất cả những gì ngài đã sống tới giờ và đã giúp ngài tựa vào đó để xưng tội chung. Đọc những tập vở này ta liền nhận thấy rõ ràng rằng chúng đã không được viết để xuất bản. Sự xếp đặt, lối hành văn cho thấy cha Olier viết theo hứng ngòi bút, không mấy cẩn thận. Khi so sánh những bản văn này với những văn bản sau này ngài dành cho giáo dân Saint-Sulpice, người ta phải sửng sốt về những câu thật dài và thường có tính chất cầu kỳ, do hay nói đến những chuyện lạc đề. Trước hết đừng tìm trong đó một chuyện kể theo biến cố, cả khi người đọc được lưu ý có thể thấy mình ở giữa những lời ám chỉ mà ý nghĩa tất nhiên là rõ ràng hơn đối với chính tác giả. Trong đó cha Olier nhấn mạnh nhất trên quá trình đời sống thiêng liêng của ngài, trên điều gì xảy ra tại chính nội tâm ngài trong liên hệ với Thiên Chúa. Thực ra những chuyện viết đây dùng làm căn bản cho cuộc đối thoại diễn ra giữa người được dẫn dắt và cha linh hướng. Nhờ việc người con thiêng liêng lưu ý không giấu giếm gì, và bày tỏ những tình cảm của mình như là mình cảm nghiệm, sự biện biệt thiêng liêng mà việc linh hướng tìm thể hiện, nhờ đó sẽ được dễ dàng rất nhiều.

Cha sở Vaugirard lợi dụng sự có mặt của cộng đồng nhỏ để vắng mặt vài tháng và trao phó giáo xứ ngài cho họ. Ba vị “tịch liêu” (solitaires) của chúng ta nắm lấy cơ hội được nhượng cho. Tức khắc, họ thấy mình là mục tử và đặt niềm hăng say truyền giáo của họ để phục vụ giáo dân Vaugirard. Họ mời gọi giáo dân đến tham dự những buổi thực hành truyền giáo, như họ đã làm trước đây tại miền Chartres và nhiều nơi khác nữa. Trong Nhật Ký, cha Olier đã tiết lộ cho chúng ta sự bí mật của niềm khao khát tông đồ mãnh liệt nung nấu ngài lúc đó : chính Chúa Giêsu-Kitô ở trong con tim ngài như “một bánh thánh cháy bầng”, như “một con trẻ bằng lửa”. Sự thông hiệp với Chúa Kitô đó cho phép ngài sống sứ vụ mình trong sự phó thác cho Thánh Thần của Chúa Giêsu. Vì thế mà những lời ngài phát biểu trong bài giảng hoặc trong bí tích sám hối đối với ngài như là được chính Chúa Kitô và Thánh Thần Người ban cho. Đấy không phải là lời của ngài, nhưng là lời của “con trẻ bằng lửa” sống trong ngài. Và vì hơn nữa, ngay khi ngài vừa ngưng lại một lúc việc thực hành sứ vụ, lời cầu nguyện tự động nảy sinh trong ngài, trong sự chiêm ngắm Chúa Kitô Đấng ngự trong ngài và hoàn thành công việc của Người qua ngài. Ngay từ những năm đó, ta thấy rõ là việc phó thác cho Thánh Thần đã được thực hiện trong thời gian thử thách dứt khoát vào năm trước, đã rèn luyện trong cha J.-J. Olier một tâm hồn mục tử mỗi ngày một ít làm trở ngại cho ơn ban của Thánh Thần được chuyển đến qua sứ vụ của ngài. Về việc cử hành Thánh Thể ngài tuyên bố :

Tôi chỉ cần buông mình cho Ngài để đọc Thánh Lễ, Thánh Lễ đó tôi có cảm tưởng là Ngài đọc trong tôi, và chỉ dùng tôi để làm sứ vụ cao cả này, mà chính Ngài hoàn thành cách thánh thiện.

Kinh nghiệm làm thử tại Vaugirard khơi dậy hứng thú nơi một số linh mục mong muốn hoạt động cho việc cải tổ trong Giáo Hội và thiết lập các chủng viện. Một trong những vị hăng say nhất tên là Adrien Bourdoise mà cha Olier đã quen biết, như ta đã thấy. Sinh trưởng tại Brou, trong địa phận Chartres, cựu tập sự công chứng viên này một khi trở thành linh mục đã thâm tín rằng chỉ có việc thành lập các chủng viện mới có thể đem lại cho hàng giáo sĩ sức sinh động thiêng liêng đang thiếu thốn đáng sợ. Ngài nói “điều làm nên một cha dòng Capucin hay dòng Tên tốt là một tập viện tốt… Điều làm cho có quá ít linh mục tốt, là vì không có tập viện cho các linh mục”. Cộng đồng Saint-Nicolas-du-Chardonnet do ngài sinh động tiếp nhận các linh mục hoặc các linh mục tương lai để đào tạo họ về đời sống nội tâm và thực hành chức vụ theo tinh thần Phúc Âm. Họ ở lại đó một vài tuần, một đôi tháng, một năm, tùy họ muốn và theo khả năng họ có.

Tính tình của cha Bourdoise không luôn giúp cho công việc xuôi chảy, công việc mà ngài đã hiến cả cuộc đời vào đó. Quảng đại (về vật chất) vượt mọi thử thách, con người cứng rắn này có một tính tình ít khoan nhượng, có khi còn hung bạo nữa. Cách phi thường, những tư tưởng của ngài rất am hợp với tư tưởng của cha Olier và các bạn của cha. Ngài nhấn mạnh đặc biệt đến sự quan trọng của ơn kêu gọi bề trong giữa một bối cảnh mà các gia đình để ý nhất đến việc bảo tồn những “bổng lộc” và những nguồn lợi tức của mình. Nhưng sự hung hăng, sự thô bạo của ngài không dễ dàng lôi kéo được các tâm hồn. Cộng đồng nhỏ tại Vaugirard lại tìm cách lôi cuốn nhiều hơn bằng gương lành, bằng sự kính trọng, sụ lưu tâm đến con người và những nhu cầu cá nhân của từng người, bằng một sự nội tâm hóa làm phát sinh một bầu khí bình lặng. Như là cha Ferrier nói đùa trong Nhật Ký : “Chúng tôi cố gắng xử đối với hơn một chút lịch thiệp”. Tuy nhiên ai cũng ngưỡng mộ vị linh mục rất thẳng thắn, rõ ràng chân thành đó, một con người của Thiên Chúa, sống khắc khổ, không bận tâm đến những gì rườm rà, nhưng lại thường hay vụng về. Ngài lưu lại nơi họ nhiều tuần lễ, giãi bày cho họ những cái nhìn của ngài về việc cải tổ hàng giáo sĩ. Họ sẵn sàng chấp nhận chứng tá của con người giầu kinh nghiệm đó (ngài gần 60 tuổi), một con người có lời nói hấp dẫn.

Nội trong tháng giêng, những tân binh đầu tiên xuất hiện. Đừng lầm lẫn, những “chủng sinh” mới hầu như không bao giờ vượt quá mười người một lúc, hơn nữa, cũng như tại Saint-Nicolas-du-Chardonnet, mỗi người ở lại Vaugirard trong thời gian họ muốn hay họ có thể thôi. Tuy nhiên, sự nghiệp khởi sự trong khó nghèo đã bắt đầu làm người ta nói đến ; chính Richelieu, nhân vật rất để ý theo dõi những thử nghiệm của cha Bourdoise, của các cha dòng Oratoire tại Saint-Magloire, của Vincent de Paul tại Bons Enfants, cũng lưu tâm tới. Ngài muốn hiến cho ba đồng bạn cả ngôi dinh thự của ngài ở Rueil nữa, đề nghị họ đã khước từ vì thấy ít thích hợp với sự nghèo khó cần thiết cho một cơ sở họ muốn thành lập.

Quan trọng hơn nữa, ước mộng của điều sau này sẽ là Hội linh mục Xuân Bích (Compagnie des prêtres de Saint-Sulpice) bắt đầu thành hình : Cha Picoté, mãn nhiệm nơi các Nữ tu Thánh Giá, lại trở về đoàn tụ với ba vị tiền đạo ; rồi sau đó đến lượt François Houmain de Sainte-Marie và Pierre de la Chassaigne trước đây là nhà thần học ; sau cùng, Balthasar de Bassancourt quyết định bỏ Amelote người ngài rất gắn bó để đến ở Vaugirard. Ngôi nhà trở thành quá nhỏ hẹp để có thể tiếp nhận tất cả số người đó. Ngay trước mặt, phía bên kia đường phố, có một ngôi nhà rộng lớn hơn thuộc về một giáo sĩ địa phận Auch, tên là Godefroy de Rochefort. Vị này rất sẵn sàng đối với anh em hàng xóm mình đã nhượng lại ngôi nhà cho họ với một số tiền rẻ mạt đến nỗi ngài không muốn thâu nhập nữa.

Vậy là cộng đồng chủng viện được bắt đầu trong những điều kiện khiêm tốn nhưng thuận lợi. Những phận sự được phân công ! Cha du Ferrier dậy mục vụ. Cha La Chassaigne tất nhiên là được chỉ định dậy thần học, vì đó là sở trường của ngài. Còn cha Olier thì nhận dậy Thánh Kinh, môn mà hình như ngài có một đặc sủng riêng. Mỗi ngày ngài thuyết trình một bài mà ngài gọi là “thuyết trình Thánh Kinh” (conférence de l’Écriture) dựa trên những văn bản Sách Thánh. Đã từ lâu, ngài vẫn miệt mài với việc học hỏi Kinh Thánh. Cha Condren đã mạnh mẽ động viên ngài : môn này đã trở thành, theo ngài nói, công việc chính yếu của ngài. Ngài đã nắm giữ kỹ càng theo từng chữ lời khuyên của cha linh hướng đến nỗi ngay từ tháng 03 năm 1639, ngài đã lưỡng lự đáp trả lời đề nghị đi truyền giáo tại Amiens để trầm mình vào việc suy niệm Thánh Kinh . Lúc đó ngài viết cho Mẹ Bressand :

Người ta thúc bách cha đi truyền giáo tại Amiens, nhưng con rất yêu đấu của cha, lúc này cha có tinh thần rất cởi mở, do lòng từ bi của Thiên Chúa, để hiểu Thánh Kinh, điều mà trước đây Thiên Chúa chưa rộng ban cho cha, đến nỗi cha không biết có nên bỏ để đi không. Cha đáng kính (Condren) của chúng tôi, Đấng khuyên cha đọc Sách Thánh sẽ quyết định cho cha.

Việc ngài đọc Sách Thánh chính yếu là thiêng liêng, nghĩa là ngài tìm trong những bản văn để chiêm ngắm bộ mặt của Chúa Giêsu-Kitô và hành động của Chúa Cứu Thế giữa loài người. Vì thế mà ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 1642, ngài ghi trong Nhật Ký :

Chính ngày hôm nay, trước khi thức dậy, tôi đã đọc những đoạn nói về vua David… trong đó chưa bao giờ tôi hiểu được ; và tôi sẽ nói trước rằng, từ hai ngày nay, Chúa chúng ta đã ban cho tôi một tâm tình yêu mến mãnh liệt để đọc vua David, dậy tôi để tôi khám phá ra rằng đoạn văn đó hoàn toàn tiên báo về Chúa Chúng Ta và vua David nói mọi chỗ về Ngài, làm cho tôi cảm thấy tim tôi hoàn toàn rạo rực như là tôi nhìn thấy Chúa Chúng Ta được tả ra trước mắt tôi trong một bức tranh hoàn hảo, mà tuyệt đẹp, Ngài không thể bao giờ được yêu mến như Ngài đáng yêu đến mức đó, hiền dịu và êm đềm.

Ngài tự thú, với kiểu đơn sơ vẫn là đặc tính của ngài và luôn đi đôi với một sự thừa nhận sâu xa rằng những ân huệ của ngài đến từ Thiên Chúa :

Kinh Thánh trong những chỗ khó hiểu nhất, không làm tôi vất vả gì, và đặc biệt, tôi nhớ cách đây hai ngày… trong buổi thuyết trình về Kinh Thánh, đã phải cắt nghĩa một đoạn rất khó trong Phúc Âm thánh Gioan chỗ nói đến người phụ nữ xứ Samaria. Tôi đã nhận được nhiều ánh sáng trong khi cắt nghĩa đến nỗi những người nghe đều làm chứng về sự hài lòng và ngạc nhiên của họ, vì không thể tưởng tượng được rằng tôi có thể nói được những điều tôi đã nói, xét vì trước đây… họ tỏ ra hết sức được người ta nghe theo hơn tôi trong mọi sự. Đó là điều làm tôi vui mừng vì người ta thấy rằng điều tôi nói không phải là của tôi nhưng là của một mình Thiên Chúa.

Cha Olier đã không bao giờ lơ là, như người ta sẽ thấy, sự hâm mộ đọc và dậy Thánh Kinh đó. Với ngài Thánh Kinh và Thánh Thể liên kết chặt chẽ như hai của ăn bổ túc cho nhau và không thể thiếu trong đời sống kitô giáo.

5

Cha sở xứ Saint-Sulpice

Ngày 21 tháng 07 năm 1642, cha J.-J. Olier báo tin bằng thư cho nữ tu Vauldray rằng ngài vừa nhận chức vụ cha sở tại giáo xứ Saint-Sulpice. Với chị nữ tu này, thường ngài rất hà tiện về tâm sự. Nhưng ngài cảm thấy sự lo lắng của chị. Tin đã tới tu viện trước rồi. Vì thế nữ tu Vauldray sợ, và rất chính đáng, rằng chức vụ mới này sẽ cướp hết thời giờ của cha linh hướng mình để viết thư và thỉnh thoảng tới thăm miền Nantes. Vì the, với sự tế nhị, ngài chấp nhận nói với chị về sự việc :

Cha sẽ nói gì với con về chủng viện của các giáo sĩ mà chúng tôi có trách nhiệm tại Saint-Sulpice, nói đến thì sẽ làm mất lòng con, nhưng cũng an ủi con vì cho con niềm hy vọng làm sáng danh Thiên Chúa có thể tìm được qua con đường ấy. Vậy đã đủ để nói với con rằng để tìm sự sáng danh đó cho Thiên Chúa nên chúng tôi đã kết hôn với nhà thờ Saint-Sulpice, mà chúng tôi rất khiêm nhường xin con vui lòng giúp chúng tôi bằng những lời cầu nguyện của con…

Như vậy bằng những danh từ hôn lễ mà cha Olier nói về sự giao kết của ngài đối với giáo xứ này mà ngài nhận trách nhiệm. Tâm hồn mục tử của ngài tỏ lộ trong sự trao hiến mà ngài thể hiện với cả bản thân ngài cho giáo dân tương lai của ngài. Nhưng người ta cũng thấy rằng chủng viện và giáo xứ đã liên kết chặt chẽ trong tâm trí ngài rồi : ngài đưa chủng viện tới giáo xứ Saint-Sulpice mà ngài kết hôn. Và thực tế, cả hai từ nay sẽ không thể tách rời.

Nhưng làm sao biến cố bất ngờ đó lại có thể xảy ra ? Việc cha Olier trở thành cha sở tại Saint-Sulpice là kết quả của một cơ hội ngẫu hộp lạ lùng. Nhà xứ được quản trị bởi một vị kia tên là Julien de Fiesque, sinh gần Clisson, nơi theo ta biết, cha Olier có một tu viện. Từ trên mười năm nay vị này đứng đầu giáo xứ rộng lớn này, giáo xứ trực thuộc nhà dòng Saint-Germain gần ngay bên cạnh, niềm sốt sắng tông đồ của ngài đã tàn sức. Ngài tự cảm thấy mệt mỏi.

Phải nói rằng địa dư của Saint-Sulpice vào thời đó rất rộng lớn. Đại để nó bao trùm diện tích những giáo xứ hiện nay là Saint-Pierre-du-Gros-Caillou, Saint-Germain-des-Prés, Saint-François Xavier, Saint-Thomas-d’Aquin, Sainte-Clotilde, Notre-Dame-des-Champs và tất nhiên là Saint-Sulpice. Sự rộng lớn địa dư của nó làm thành giáo xứ đông dân cư nhất Paris. Thực tế, nó trải rộng trên khắp địa hạt của một trong bốn khu ngoại ô của thủ đô, tức ngoại ô Saint-Germain. Ngoại ô này nổi tiếng xấu. Những cảnh miêu tả của những nhà viết sử thời đó hoặc của các người mong có một cuộc cải tổ có lẽ hơi quá đáng. Dầu sao bọn vô tín, nghĩa là những kẻ chủ trương dửng dưng về tôn giáo tự do đến cư trú và tổ chức hội họp tại đây. Hình như cả những kẻ vô thần mà lúc này con số tăng mạnh tại Pháp, và trá hình dưới danh hiệu “nhà Chính trị” hoặc “Triết gia”, cũng chọn nơi đây làm một trong những địa điểm họ yêu thích nhất. Phải nói thêm là những phong tục thì rất đồi bại. Nạn mãi dâm tự do lan tràn. Pháp thuật hình như được công khai thực hành ; người ta đem bán cả những sách yêu thuật ngay tại cửa nhà thờ. Phiên hội chợ nổi tiếng của Saint-Germain khai mạc ngày 03 tháng 02 vào lễ thánh Vinh-Sơn và bế mạc vào Chúa Nhật Thương Khó, thả cửa cho mọi thứ hỗn loạn. Nó lôi cuốn quân trộm cắp và cướp giật, cả đến quân sát nhân nữa ; thực sự rất nhiều cuộc ẩu đả xảy ra và nhiều tội ác phát sinh, trong khi cả một đám dân nghèo và hành khất trà trộn vào các cuộc lễ hội để có gắng lợi dụng chút đỉnh. Chắc hẳn Abelly có hơi quá lời khi nói là giáo xứ Saint-Sulpice là “nơi xú uế nhất không những của Paris, mà hầu như của cả nước Pháp, và dùng làm sào huyệt cho quân vô tín, vô thần và mọi thứ người khác sống trong vô đạo và hỗn loạn”. Tuy nhiên ngoại ô Saint-Germain thật sự nổi tiếng là nơi xấu, cuộc sống lầm than diễn ra mọi chỗ, và môi trường thật không thuận lợi, ngược lại là khác, cho đời sống của một cộng đồng kitô giáo.

Các linh mục xem ra chẳng mấy bận tâm chi đến việc tìm phương cứu chữa những thái quá đó, bởi vì họ để cho đặt ngay tại nhà mồ của nhà thờ giáo xứ một quán rượu mà chính họ còn sẵn sàng lui tới nữa. Nghĩa trang kề bên không có khung cảnh trang nghiêm xứng đáng thường gặp ở một nơi như vậy. Chính nhà thờ thì bẩn thỉu, bỏ bê. Quá nhỏ bé, qua thời gian đã có những công trình nới rộng mà không làm đẹp hơn. Tuy nhiên cũng đã có những linh mục rất sốt sắng, nhưng lại hành động lẻ loi không liên kết với giáo xứ, xuất hiện như những tông đồ của người nghèo để cố gắng đỡ đần cảnh khốn cùng. Giữa các ngài, phải kể cha Le Gaufre, thầy Claude Leglay, được gọi là “người Lorrain tốt lành”, vì thầy là người gốc miền Lorraine, và nhất là cha Claude Bernard, nhưng ngài qua đời vào cuối năm 1641, để lại một chỗ trống lớn nơi những người nghèo khổ.

Thêm vào tất cả những cái đó lại có một vấn đề khác : những người theo tin lành đã biến khu phố này thành nơi hội họp của họ ; tại đây họ có một nguyện đường, một nghĩa trang nơi họ tổ chức những cuộc biểu tình ; nhiều mục sư đến gặp nhau tại đây và thuyết giảng công khai, đôi khi gây nên những cuộc ẩu đả[8], đến nỗi người ta gọi ngoại ô Saint-Germain là “tiểu Genève”. Họ có ảnh hưởng thật sự. Chống lại luật cấm họ hoạt động, họ đã tỏ ra rất nhiệt tâm khuyến đạo, và rất lưu ý đến sự bền vững của những thành viên, đặc biệt là vào giờ lâm tử.

Bản miêu tả vắn tắt này đủ cho thấy tại sao Julien de Fiesque, cha sở của giáo xứ, đã từ từ ngã lòng. Những sáng kiến ngài đưa ra để kêu mời giáo dân sám hối và sửa đổi phong hóa đã tỏ ra ít hữu hiệu. Ngay cả đến một kỳ truyền giáo ngài mới mở và trao phó cho cha François de Perrochel, một linh mục nổi tiếng mà cha Olier rất thán phục, đã chẳng đạt được kết quả mong muốn. Phải nói rằng những cố gắng của cha sở đã chẳng gặp được bao nhiêu nâng đỡ, cả về phía các linh mục trong xứ như người ta thấy, cả về phía các nhà quý phái, cả về phần chính nhà dòng Saint-Germain. Rất nhiều vị hoàng tử và nhiều thành phần thuộc lớp quý phái đã cho xây đựng những biệt thự tư nhân trên lãnh thổ ngoại ô, vì được hấp dẫn bởi sự gần gũi điện Louvre, dinh thự của nhà vua, và điện Luxembourg Lớn, Nhỏ, tại đó cư ngụ Gaston d’Orléans và bà công tước Aiguillon, con đỡ đầu của hoàng hậu. Nhưng trừ ra một vài vị, phần đông không thích gì tích cực nâng đỡ một thứ chính trị muốn trong sạch hóa khu phố. Phần các cha dòng trong tu viện, họ chẳng có mấy thế giá để can thiệp ; bởi vì Dom Grégoire Tarisse chỉ là Bề Trên; cho dầu ngài cai quản rất tốt tu viện, theo chế độ hưởng lộc, nhân danh Henri de Bourbon, Viện Phụ chính thức, một con người quá bay nhảy, nông nổi, đàng điếm, để có thể vận động được một cuộc cải tổ tôn giáo.

Hằng năm, giáo xứ Saint-Sulpice có tổ chức lễ thánh Marcô bằng một cuộc rước kiệu lớn tới làng Vaugirard và làm lễ tại đó. Đó là dịp để cha Julien de Fiesque gặp cha Olier và các bạn ngài. Ý tưởng trao trách vụ của mình cho họ nảy ra trong đầu óc cha. Mấy ngày sau, 17 tháng 05, cha đề nghị việc đó với cha Ferrier. Dĩ nhiên là toán người sống ẩn dật này hết sức bỡ ngỡ. Không ai đã ngờ tới một việc bất thần như vậy. Ngôi nhà họ vừa tậu được phía đối diện ngôi nhà đầu tiên của họ tỏ rõ họ có ý định ở lại lâu dài tại Vaugirard. Âm vang về họ mỗi ngày một lớn, những cuộc thăm viếng họ tiếp nhận mỗi ngày một nhiều, cho thấy công việc của họ có một vài cơ may thành công. Giả sử họ chỉ tạm thời nhận lo giáo xứ thôi, thì họ vẫn không có nghĩa vụ chính thức, và như vậy, họ vẫn có thể tự do chăm sóc cho các tiến chức. Làm sao họ có thể đương đầu nổi với việc cai quản một giáo xứ tầm cỡ quan trọng như giáo xứ Saint-Sulpice kèm theo việc phát triển một chủng viện ? Tuy nhiên việc họ thấy mình ở ngay cửa Paris, tư tưởng có thể đặt khả năng của những nhà truyền giáo cựu trào như họ để phục vụ một khu phố rộng mênh mông và tràn ngập những nỗi khốn cùng về tinh thần cũng như vật chất, đã càng thúc đẩy tinh thần tông đồ của họ. Đàng khác, một chủng viện lại chẳng nên được đặt ở một nơi dễ lui tới hơn không ? Vậy họ sống trong chờ đợi, phân vân giữa việc thành lập mới đã từ từ bén rễ trong sự yên hàn của Vaugirard và một cuộc phiêu lưu sẽ dìm họ vào một đời sống khuấy động và có lẽ vượt quá sức lực của họ. Họ đi tham khảo ý kiến. Cha Ferrier được cử đi Vendôme để xin ý kiến của Dom Grégoire Tarisse đang chủ trì một Đại Hội của Dòng. Ngài lập tức có phản ứng tích cực. Thấy mình bất lực để nâng đỡ, như ý muốn, những cố gắng tông đồ tại ngoại ô Saint-Germain, ngài lập tức tán thành việc chuyển đến của các vị mục tử mà ngài biết rất rõ lòng sốt sắng tông đồ và phẩm chất của đời sống thiêng liêng. Nhưng cũng không thiếu ý kiến tiêu cực : các bạn cũ đã không muốn theo các ngài trong việc thiết lập tại Vaugirard và đã rút về Saint-Maur-des-Fossés, cố gắng can gián các ngài đừng chấp nhận đề nghị của Julien de Fiesque bằng cách vạch ra cho họ tất cả những nguy hiểm của việc làm, và cho họ hiểu rằng họ lao mình vào “việc xây cất một ngôi tháp mà họ sẽ không có khả năng hoàn tất”. Vậy ít nhất là như bà Marie Rousseau kể lại nguyên văn trong Nhật Ký của bà việc “quở trách mạnh mẽ” họ đã nhận từ François Renar, bạn cũ của cha Olier trong những lần truyền giáo tại Auvergne. Tất nhiên là bà Marie Rousseau cũng được hỏi ý kiến. Bà đã mạnh mẽ khuyến khích các vị sống ẩn dật hãy trả lời tích cực và dấn thân vào cuộc phiêu lưu. Ảnh hưởng của bà trên cha Olier, đôi khi được phép nói là thái quá, ta sẽ trở lại vấn đề này, ở đây đã đặc biệt ích lợi.

Phải giải quyết một vấn đề tài chánh, bởi vì cha Fiesque dĩ nhiên không có ý định bỏ xứ đạo mà không được bồi thường. Ngài mong một sự trao đổi bổng lộc. Cha Olier sẵn sàng đặt những của cải của mình tùy sự sử dụng của cộng đồng nhỏ để giải quyết công việc cách mau lẹ nhất và công bằng nhất. Tu viện Clisson thuộc quyền sở hữu của cha Olier làm cha Fiesque đặc biệt ưa thích vì như vậy ngài có thể về nghỉ ngay tại đất cố hương của mình. Nhưng vì giáo xứ Saint-Sulpice được coi như một bổng lộc đáng giá hơn, người ta phải trả thêm hằng năm một số lợi kim mà cha Olier cam kết sẽ thanh toán. Những cuộc thương lượng đã hoàn toàn thỏa đáng và đôi bên đồng ý. Hẳn là hơi vội vàng, vì cha sở cựu sau đó đã hối hận đối với bản khế ước mà ngài cho là quá thiệt cho mình, và đã lôi cuốn người kế vị mình vào những vụ kiện triền miên và tốn kém.

Việc còn lại là xem ai sẽ đảm nhận trách nhiệm cha sở. Đối với cha Olier, việc đặt tài sản mình để mưu ích cho toàn thể không hề ngụ ý là ngài sẽ tự nhận trách nhiệm đó. Tuy nhiên mọi người khác đều tự động hướng về ngài. Có lẽ vì thấy không hợp lý đối với một người đã bỏ tiền của ra và đã nhiều lần từ chối chức giám mục lại không được coi như thứ nhất ở đây. Nhưng nhất là ngài đã từ từ nắm quyền hành trong nhóm nhỏ. Việc ngài vượt qua sa mạc (thử thách) đã làm cho ngài nên chín chắn. Người ta phải thán phục phẩm chất của những ý kiến thiêng liêng ngài phát biểu. Vì bà Marie Rousseau động viên mạnh mẽ ngài hãy chấp nhận, nên ngài đã không chần chừ bao lâu, mặc dầu vẫn lo ngại :

Đó đã là do tâm hồn tốt lành ấy, Marie Rousseau, mà Thiên Chúa đã dùng để thúc bảo chúng tôi chấp nhận điều mà chúng tôi đã chẳng dám làm.

Ngài đã ít nói tới trong Nhật Ký về đường hướng thiêng liêng đã dẫn ngài tới việc nhận giáo xứ Saint-Sulpice. Chỉ có một vài ghi chú cho biết những sự lưỡng lự của ngài mà bà Marie Rousseau mời gọi ngài vượt qua. Ngài viết vào tháng 05 năm 1642 :

Hôm qua bà chứng thực cho tôi rằng tôi phải can đảm phó mình để phục vụ Thiên Chúa trong việc này, và rằng tôi mắc một món nợ rất lớn với Chúa Chúng Ta vì Ngài đã liên kết cho tôi một toán người đáng kể như thế tức là toán chúng tôi để giúp đỡ tôi.

Và ngày 28 cùng tháng, ngài cho chúng ta biết quyết định ngài đã đạt được :

Về vấn đề giáo xứ đó, mọi sự đang hoàn tất, và trong nội tâm tôi tự cảm thấy đặc biệt rất sẵn sàng nhờ sự chăm sóc của lòng nhân từ Thiên Chúa, và tất cả toán chúng tôi đều nóng lòng ước mong đến đó để phục vụ Thiên Chúa.

Trong thâm tâm ngài, quyết định đã dứt khoát, nhất trí chặt chẽ với các bạn đồng liêu. Quyết định sẽ có hiệu lực vào ngày 25 tháng 06, khi mà khế ước được xác định, ký kết và gửi đi Rôma để được phê chuẩn về sự trao đổi các bổng lộc. Sở dĩ vậy là vì giáo xứ Saint-Sulpice thuộc quyền Tòa Thánh, lý do là nó thuộc về Dòng Saint-Germain trực thuộc Rôma.

Nhưng những trở ngại lớn nhất mà cha Olier phải đương đầu trong hướng đi mới ngài chọn cho đời mình đến từ gia đình ngài. Mẹ ngài không hề buông khí giới trong những tham vọng của bà. Trong khi mà con bà đang lưỡng lự chọn chức vụ cha sở, bà đã hùng hổ tố cáo ngài chọn một chức vị bất xứng với đẳng cấp của ngài. Một lần nữa, để hiểu rõ cuộc xung đột giữa cha J.-J. Olier với gia đình ngài, ta cần phải đặt mình lại vào tâm trạng của người thời đó. Làm cha sở, cả khi làm cha sở một giáo xứ quan trọng, bị coi là bất xứng với một thành viên của hàng quý phái. Loại bổng lộc đó thường bị khinh chê.

Vậy mà chính cha Olier lại dấn thân vào con đường đó do ưu tư tông đồ. Và điều làm cho thân nhân bỡ ngỡ là cho dù để phục vụ Thiên Chúa và con người, ngài lại có thể hạ mình đến cách đó. Những chứng cớ về điểm này đủ rõ ràng. Chẳng hạn, điều được nói trong Nhật Ký của một vị dòng Tên, cha Rapin, gợi thẳng đến khía cạnh thách thức của việc quyết định của cha sở mới : “Việc điều khiển các giáo xứ trước đây bị khinh chê đến nỗi người ta trao các giáo xứ, cả những giáo xứ lớn nhất ở Paris, cho kiều bào đến từ một số miền quê, như là những chức vị ít xứng đáng với những người vị vọng. Cha Olier là người thứ nhất trong hàng quý tộc, do lòng nhiệt thành với các linh hồn, đã nhận làm cha sở ở Paris tại khu ngoại ô Saint-Germain, và nhiều vị khác đã bắt chước ngài”. Hoặc còn nữa : “Ngài xuất thân từ một trong những gia đình quý phái văn thần xưa rất có thế giá trong Thành, chính ngài, chỉ vì muốn phục vụ Thiên Chúa, đã nhận làm cha sở một giáo xứ lớn. Toàn thể gia đình ngài đã muốn chống lại ý định đó, vì những người thuộc quý phái coi những bổng lộc dành cho sứ vụ coi sóc các linh hồn như là quá thấp hèn đối với họ vào thời đó ; và mẹ ngài, theo bà nói, không thể chấp nhận nhìn thấy con trai mình chạy theo một người chết trong đường phố Paris, đó là một trong những phận sự chính của ngài”.

Trái lại, cha Olier gọi ngày ngài được bổ nhiệm làm cha sở là “ngày tôi bắt đầy bước vào ơn kêu gọi của tôi”. Thế là ngài chọn lập trường chống lại những thành kiến của thời đại. Sự tự do thiêng liêng ngài đã nhận được khi thoát khỏi cuộc thử thách của ngài trước đây một năm, sự dứt bỏ được tính kiêu căng đã ám ảnh nghài tới khi đó, lúc này đã đem lại những kết quả. Ngài có thể dấn thân không e dè vào một phận sự bị coi là phụ thuộc và bất xứng với mình. Ngài có thể cắt đứt với gia đình. Ngài hoàn toàn tự do. Ngài có thể nói hết sự thật :

Từ ngày chúng tôi bước vào nhà của Thiên Chúa, thì không còn kể đến sinh trưởng và cấp bậc nữa, vì đã từ bỏ thế gian và đời sống của Adam, từ bỏ mọi thế hệ con cháu của ông và mọi thứ phân biệt giả tạo mà ác tính của sự kiêu căng hoặc sự hà tiện đã bày đặt ra trong thế giới.

Vào rất nhiều dịp, trong khi chỉ trích trong Nhật Ký của ngài về sự mù quáng của xã hội thời ngài, sự hình thức xã hội tôn giáo nó đằm mình trong đó, ngài trả lời thẳng cho những gièm pha không thiếu người đã gửi đến cho ngài :

Vì thế gian này thật là mù quáng, thật sa đọa, thật khốn nạn và ngu ngốc, kẻ đánh giá, như nó làm, những sự cao cả chân thật của Thiên Chúa, bằng cách hạ thấp chúng đến độ coi là hèn mọn do sự ước lượng mù quáng và ngu dốt nghĩ rằng một giáo xứ chẳng là chi, rằng nó hạ thấp phẩm giá một con người sinh ra trong quý tộc, và nó tin, tên khốn kiếp và mù quáng, rằng nguồn góc Adam mà việc sinh nở kéo theo sự giả trá của những của cải tưởng tượng, của những sự giầu sang và vinh dự là điều đáng quý chuộng, ôi chớ chi nó biết rằng chỉ một mình Thiên Chúa và Giáo Hội Ngài là đáng quý chuộng thôi.

Chính do việc làm, ngài sẽ đem lại cho việc thực thi chức phận mục vụ tất cả giá trị của nó. Trong khi chấp nhận làm cha sở Saint-Sulpice, cha Olier nói lên cách biểu tượng cho người đồng thời : thật tốt đẹp, thật cao quý làm mục tử các linh hồn, và điều đó không hề bất xứng đối với một người trong quý tộc, bởi vì con người duy nhất đáng kể là người của Thiên Chúa và của Giáo Hội. Vậy phải tự hiến bản thân mình cách trọn vẹn, dầu mình thuộc giai cấp nào cũng vậy, để phục vụ mọi kẻ mà sự nghèo khổ vật chất hay tinh thần, sự dốt nát ngăn cản không cho làm sáng danh Thiên Chúa và giúp phát triển Hội Thánh Ngài. Phẩm cách đích thực không hệ tại những vinh dự trần gian , mà hệ tại việc phục vụ vinh dự của Thiên Chúa.

Vì thế ngài sẽ hiến mình cho giáo xứ của ngài với một tình yêu trọn vẹn, nói được là ban mình để người ta ăn như chính Chúa Kitô, vị Chúa Chiên Lành, đã ban mình làm của ăn :

Tôi đã quên lưu ý, ngài nói trong Nhật Ký , rằng Chúa Giêsu của tôi không chỉ ước ao chết ngàn lần cho Giáo Hội Ngài, mà còn ước ao ban chính mình làm của ăn cho Giáo Hội, điều Ngài thực hiện mọi ngày trong bí tích Thánh Thể, và cũng là tâm tình mà lòng nhân lành Ngài ban cho tôi để tôi hiến mình làm của ăn cho Giáo Hội nếu Giáo Hội cần đến, và đặc biệt, tôi cảm thấy là tôi không được có gì mà không thuộc về Giáo Hội như là của có thể hữu ích để nuôi những người nghèo trong giáo xứ mà tôi sắp tới ở. Nếu tôi không được phúc đổ máu mình ra vì nó, thì ít ra tôi sẽ là một bánh thánh sống động dùng để nuôi dưỡng nó.

Ta thấy rõ, linh đạo của cha Olier ngay ở lúc này đã hoàn toàn quy về Thánh Thể.

Trong những ngày ngài ký khế ước sẽ đưa ngài lên làm cha sở mới của giáo xứ Saint-Sulpice, ngài tiếp tục ghi lại rất cẩn thận nhật trình nội tâm của ngài. Người ta có thể chờ đợi ngài sẽ gợi đến trong những trang này chi tiết của những bận tâm hằng ngày của ngài. Nhưng không phải thế ! Điều ngài thông tri cho chúng ta là những tâm tình mục tử của ngài. Ngài tiếp tục suy niệm về Thánh Thể : “như là bản thể của bánh trong Mình Thánh được hoàn toàn biến đổi, được tiêu hao và mất hút trong Chúa Giêsu-Kitô”, ngài nhìn thấy chính mình cũng mất hút trong Chúa Giêsu-Kitô,

Nghĩa là ở trong Chúa Giêsu-Kitô đến độ mà bạn không thấy mình nữa, bị chiếm hữu, thấm nhuần và tiêu hao trong Ngài đến độ không còn gì của bạn nữa, đến nỗi từ ít lâu nay tôi không còn có thể nghĩ đến gì nữa, mà chỉ cần để tâm hồn tôi mất hút đi trong Chúa Giêsu thôi.

Ngài nói, đây là một kinh nghiệm phó thác mới mà bước đầu ăn khớp với lễ Hiện Xuống, được tổ chức mấy ngày trước đó. Vậy chính Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt ngài mất hút đi trong Chúa Giêsu, nghĩa là sống bề trong như mọi người tông đồ và tất cả các tông đồ.

Những người mang Chúa Giêsu-Kitô … như những nhiệm tích mang Ngài, để dưới họ và qua họ Ngài cao rao vinh quang của Cha Ngài ; trong trạng thái đó, những hành động của bạn là những hành động của Chúa Giêsu-Kitô, những hành động của bạn được thể hiện theo mọi lý do và ý muốn của Chúa Giêsu-Kitô.

Vậy đấy là những tâm tình trong đó cha J.-J. Olier đã bắt đầu chức vụ mới của ngài. Rồi đây những biến cố sẽ dồn dập xảy đến. Julien de Fiesque nóng lòng muốn đi khỏi, đã bỏ nhiệm sở trước khi các giấp phép của Rôma được cấp. Phải tiến hành việc đặt cha sở mới sớm hơn dự định : Việc này xảy ra ngày 11 tháng 08, sau khi ngài đã vắng mặt trong một tuần lễ để cấm phòng. Ngài không muốn đây là dịp để mở cỗ bàn linh đình. Và thực sự, sổ sách không nói đến sự hiện diện của một số đông các bậc vị vọng. Bà Olier coi như không có mặt. Nhưng toán nhỏ đã dự nghi lễ với tám ứng sinh đến từ Vaugirard, trong đó có một người con trai của bà Marie Rousseau và một người em trai của cha Ferrier. Ngày 15 tháng 08 cha Olier đã cử hành lần đầu tiên thánh lễ trọng thể và tuyên đọc bài giảng đầu tiên của ngài trong ngôi thánh đường mà ngài sẽ là mục tử trong mười năm.

Cuối năm 1642 được đánh dấu bằng nhiều cuộc tiếp xúc và việc xuất hiện những lo âu đầu tiên. Ngay từ ngày 01 tháng 09, ngài đi tham dự cuộc họp hằng tháng của các cha sở miền Paris. Tại đó ngài trình bày chương trình cải tổ giáo xứ, cách thức ngài định tổ chức cộng đồng linh mục, dự định lập chủng viện. Cha sở trẻ chưa đầy 35 tuổi, nhưng đã nhiều người biết đến và khá thành thạo, đã gây hứng thú nơi các bạn đồng liêu. Vào giữa tháng ngài lâm bệnh nặng và buộc lòng phải nghỉ việc trong một thời gian, và mãi đến ngày 04 tháng 11, vào lễ thánh Charles Borromée, ngài mới chính thức nhận quyền giáo xứ, sau khi chứng thư từ Rôma cho phép trao đổi các bổng lộc, sau cùng đã về tới. Cuối tháng 12 ngài gặp các vị trùm trưởng trong giáo xứ lần thứ hai và đề nghị xây mới lại hoàn toàn hoặc ít là nới rộng nhà thờ, rõ ràng là quá nhỏ tuy đã mới đặt thêm các nguyện đường kèm hai bên. Cha Bassencourt, do cha Olier đặt để tổ chức về phụng vụ, đã làm chứng về việc này trong một lá thư gửi cho cha Bourdoise : “Mọi nghi thức của chúng tôi đều được quy định và thực hiện khá chặt chẽ, ngoại trừ việc giáo dân chen lấn chúng tôi và chúng tôi buộc lòng phải để họ trấn vào mọi chỗ : chính địa điểm (chật hẹp) đã gây ra những phiền hà đó”.

Ngay từ tháng 08, ngài đã thuê một căn nhà tại phố Guisarde, gọi là nhà “ảnh đẹp”, vì mang một tấm ảnh nổi trên cửa chính. Thực sự ngài chủ trương, ngay từ bước đầu, chủng viện phải có đời sống độc lập với giáo xứ. Cho dầu chủng sinh có đến nhà thờ để tham dự thánh lễ và cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa, họ vẫn phải làm thành một cộng đồng riêng với các linh mục có trách nhiệm đào tạo họ. Đàng khác cha Olier muốn rằng hai nhà phải có nguồn tài chính riêng mỗi bên ; những lợi tức của giáo xứ không được dùng để nuôi sống chủng viện. Vì vậy những bước đầu của viện này rất khó khăn. Cộng đồng bước vào một ngôi nhà hoàn toàn trống rỗng cần phải trang bị đồ đạc. Khó khăn đến nỗi nhà xứ phải cho các linh mục tương lai tạm trú một thời gian, trong khi chờ đợi ngôi nhà phố Guisarde được trang bị nhờ bà Marie Rousseau ủng hộ vào đó một phần của cải của bà.

Cần phải bắt đầu ngay việc tổ chức giáo xứ và chủng viện, và trước là chỉ định những người trách nhiệm của hai cộng đồng linh mục làm việc dưới quyền cha Olier. Về cộng đồng giáo xứ thì cha Ferrier quán xuyến ; đây là một con người thực tế, thông thạo về công việc, được mọi người tín nhiệm. Về chủng viện, cũng không thể có sự lưỡng lự, cha Olier chỉ định cha Caulet, viện phụ của Foix, mà ngài cảm thấy rất gần gũi, là một người đối với ngài, như ngài nói trong Nhật Ký, “là anh em hơn tất cả mọi anh em ngài”.

GIÁO XỨ

Cộng đồng các linh mục

Cha Olier muốn làm cho các người ở nhà xứ thành một cộng đồng thật sự của các linh mục sống chung và cầu nguyện chung với nhau. Ngài lập tức gặp một khó khăn : các linh mục đã thi hành chức vụ của họ dưới quyền Julien de Fiesque nhiều vị không chấp nhận cách sống mà cha sở mới đề nghị, ngược lại là khác. Thật vậy, ngài đã thiết đặt một kỷ luật để tạo nên một đời sống cộng đồng mạnh mẽ và gắt gao giữa các mục tử , như là điều kiện thiết yếu, theo ngài, để đổi mới giáo xứ. Thức dậy ngay từ 05 giờ sáng, các linh mục giáo xứ cùng tới tham dự giờ nguyện gẫm chung. Họ đọc riêng một vài giờ kinh nhật khóa, và một số giờ khác, như kinh chiều và kinh tối thì đọc chung. Trong bữa cơm, giữ thinh lặng, nghe đọc sách, sau đó giải trí trong một thời gian. Từ lễ Các Thánh đến lễ Phục Sinh mọi thành phần trong cộng đồng cứ hai tuần họp lại một lần, từ 06 đến 07 giờ chiều, để nghe huấn đức. Cũng thế mỗi chiều thứ bảy, mỗi linh mục theo phiên làm huấn đức. Buộc sống khó nghèo và đơn sơ. Lương bổng nhận từ tác vụ được để chung. Chấm dứt cờ bạc , chấm dứt những chuyện trò dây dưa, chấm dứt thâu tiền vào dịp xưng tội hay đi thăm viếng bệnh nhân ; cũng chấm dứt luôn việc mục vụ cá nhân riêng rẽ : thật vậy mỗi vị đều phải lưu ý đến những phận sự được cha sở trao phó và phải hoàn thành tốt nhất, bằng cách tìm nếu cần để đạt được khả năng mình còn thiếu.

Tất cả những đòi buộc đó được diễn đạt trong một bản nôi quy, ngày nay xem ra có phần tỉ mỉ, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là “tiến gần và khuôn mình theo tinh thần của các giáo sĩ đầu tiên trong Giáo Hội chỉ có một trái tim và một tâm hồn, biết để mọi của làm của chung mà mỗi người chỉ dùng tới tùy thuộc vào ý kiến của những người khác…”. Vậy mục tiêu nhắm tới qua sự tuân thủ các chi tiết của đời sống chung là tái tạo cách sống của những cộng đồng kitô giáo đầu tiên theo như sách Công vụ Tông đồ miêu tả cho chúng ta. Đó là hướng đi tự nhiên nơi mọi nhà cải cách, muốn trở về với cách diễn đạt đầu tiên của đời sống kitô giáo, ngoài ra thường còn được quan niệm cách lý tưởng thêm. Nhưng cách lý tưởng hóa đó chỉ là mặt trái, rất dễ hiểu, của một sự hứng thú đã làm phát sinh sự hăng say tông đồ. Hơn nữa mọi điểm mà bản nội quy của cộng đồng mời gọi lưu ý tới đó không phải chỉ là dấu hiệu của một kỷ luật bề ngoài. Trong khi khuyên các linh mục xưng tội, cởi mở tâm hồn cho cha linh hướng, xin họ cấm phòng hằng năm, đọc sách thiêng liêng mỗi ngày, cha Olier tìm cách dẫn họ tới một sự nội tâm hóa trong đó họ có thể kín múc từ nguồn suối thông hiệp với Chúa Kitô để thực thi tốt hơn chức vụ của họ.

Tổ chức giáo xứ

Mặc dầu gặp nhiều chống đối, vào đầu năm 1643, ngài cũng đã có thể đặt tin tưởng vào mười tám linh mục. Con số này cứ lớn thêm dần để rồi đạt tới năm mươi. Cha sở mới rất cần đến số đó để thực hiện cuộc cải tổ ngài đã quyết định theo đuổi. Ngài bắt đầu chia giáo xứ thành tám khu vực. Để hoàn chỉnh việc tổ chức mới này ngài đã theo cách chia cắt địa phận Milan thành tám phần mà thánh Charles Borromée đã làm vào cuối thế kỷ trước. Ngài phổ biến rộng rãi lòng sùng kính vị Giám Mục cải tổ này, Hơn nữa trong năm 1643 ngài còn cho xuất bản cuốn “Những hành động của Giáo Hội Milan” và tôn thánh Charles làm bổn mạng cho cộng đồng linh mục. Ngài đặt mỗi khu vực dưới trách nhiệm của hai linh mục. Các vị này phải đi thăm viếng và sưu tập điều mà Đức Giáo Hoàng Phaolô V đã khuyến cáo trong sách Nghi thức của Ngài, cuốn Status animarum, tình trạng các linh hồn”, nghĩa là một cuốn thống kê về tất cả mọi dân cư theo hoàn cảnh của họ, để có được một sự hiểu biết rõ ràng về giáo xứ hầu phục vụ cho tốt hơn. Họ phải lưu ý đến “công việc làm của người dân như là rất quan trọng, và là một trong những điểm quan trọng nhất mà cha xứ đã giao cho họ làm, bởi vì tùy thuộc vào sự cẩn thận, sự chăm chỉ và sự tỉnh thức không mệt mỏi của họ mà có được trật tự tốt trong giáo xứ, có phần rỗi của phần đông giáo dân, và sự nâng đỡ họ trong mọi sự cần thiết về tinh thần cũng như về thể xác”.

Các linh mục trong khu vực phải hiến tất cả thời giờ của mình vào điều mà cha Olier gọi là “sự ân cần mục vụ”. Cha xứ nêu gương về điểm này cũng như về nhiều điểm khác. Ngay từ khi bước vào phận sự, ngài đã khấn làm nô lệ cho mọi giáo dân. Chúng ta đã nói về những lời khấn kiểu này vào thời đó là một cách biểu lộ thông thường của một đời sống kitô giáo hay linh mục sốt sắng. Chúng ta đã thấy cha Olier đã khấn làm nô lệ cho Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Khi trở thành mục tử tại giáo xứ Saint-Sulpice, ngài khấn làm nô lệ cho giáo dân ngài để bày tỏ sự hiến dâng ngài thực hiện toàn thân ngài cho họ. Họ trở thành chủ nhân của thời giờ ngài, của cải ngài và toàn thể con người ngài. Ngài dứt khoát coi mình là đầy tớ của họ, “đầy tớ của các chi thể Chúa Giêsu-Kitô”, như ngài nói, và ngài tự tuyên bố có bổn phận phải vâng lời họ, nghĩa là phải thỏa mãn mọi nhu cầu thiêng liêng của ho.

Việc dậy giáo lý

Một trong những lo lắng đầu tiên của ngài, sau khi đã chia giáo xứ thành khu vực, là tổ chức dậy đức tin kitô giáo. Trong lãnh vực này, nhà truyền giáo xưa không thiếu những thâm tín cũng chẳng thiếu sáng kiến. Ngài đã có đủ kinh nghiệm về những thiệt hại thiêng liêng gây nên nơi dân chúng miền quê và thành thị do sự ngu dốt về tôn giáo . Đàng khác vào nửa đầu của thế kỷ XVII này, những nhân vật trong Giáo Hội tha thiết với việc cải tổ đều thâm tín rằng việc trình bày mầu nhiệm đức tin trong sự cao cả và sự tốt đẹp của nó bình thường ra phải lôi cuốn các tâm hồn và làm cho họ trở về với Thiên Chúa. Vì thế cha Olier đã coi các buổi dậy giáo lý là phương thế đầu tiên trong hoạt động mục vụ của ngài. Ngài chia các buổi học giáo lý ra các khu vực khác nhau để giúp các trẻ em đến đó dễ dàng hơn. Nhờ vậy người ta thấy nở rộ trên khắp lãnh thổ của giáo xứ những buổi hội họp đều đặn tại đó các linh mục và chủng sinh đến dậy các em về những căn bản đầu tiên trong đức tin. Trong những buổi học tại các trường, rất nhanh chóng đã đếm được không dưới mười bốn lớp giáo lý, thêm vào đó phải kể những lớp xưng tội lần đầu và chịu bí tích Thêm Sức. Chính cha sở không ngại hòa mình vào công việc dậy các trẻ em, và giải tội cho các chúng với rất nhiều sự chú ý và lòng từ tốn.

Kết quả tức thời của các lớp giáo lý đã lôi cuốn các phụ huynh, nên nhiều người theo con đi học. Hơn nữa, cha Olier cũng tổ chức tại nhà thờ Saint-Sulpice điều mà ngày nay người ta gọi là giáo lý cho người lớn, dành cho bất cứ ai đến học cũng như cho những hạng người riêng biệt : cho các cô giáo để giúp họ trong phận vụ truyền đạt đức tin, cho các người cao tuổi, thành phần của những hiệp hội trong những tổ chức nghề nghiệp, tại đó thường thấy lan tràn nhiều thực hành dị đoan ; ngài cũng dành thời giờ dậy cho những người tôi tớ giúp việc, bằng cách báo trước cho các chủ nhân giờ nào phải cho họ nghỉ việc (để đi học giáo lý).

Phụng vụ

Rất mau lẹ, tất cả hành động đó đã mang lại kết quả, và nhà thờ chật ních vào các giờ lễ, điều đó cho phép cha sở làm áp lực thêm trên các vị trùm trưởng để lo các công trình nới rộng. Hơn nữa dân chúng được lôi cuốn do sự tao nhã của những cử hành phụng vụ mà cha Olier và các bạn của ngài gán cho một giá trị rất lớn. Cha Bassancourt, đặc trách về phụng vụ, đã nhận trách nhiệm chuẩn bị các nghi thức mà phẩm cách phải dâng lên cho Thiên Chúa sự tôn vinh xứng đáng với Ngài. Những tiếng ôn ào, những thái độ bất kính, ngự trị trong nhiều nhà thờ Thủ đô thời đó, không hề thấy tại Saint-Sulpice. Phượng thờ Thiên Chúa là sự lưu tâm đầu tiên của những con người tông đồ này. Mầu nhiệm nhập thể và tử nạn của Con Thiên Chúa mà họ tha thiết gắn bó tỏ lộ sự hủy diệt của Thiên Chúa cao cả mà tình yêu khôn dò được bày tỏ trong chính tác động đó nơi mà Ngài từ bỏ vinh quang của Ngài, Vậy chỉ có sự thờ phượng mới thích hợp.

Thánh Thể diễn đạt trọng tâm của mầu nhiệm tự hạ và yêu thương đó. Ngôi Lời Thiên Chúa bày tỏ tại đó sự hiện diện của Ngài giữa nhân loại cách khiêm nhường và náu ẩn, trong đường hướng của việc Ngài nhập thể. Ngài hiến mình làm của ăn cho con người để hoàn tất trong họ mầu nhiệm thập giá và sống lại của Ngài. Vậy hiệp thông với Thánh Thể là kết hợp cách mật thiết nhất có thể vào ơn ban của Thiên Chúa Đấng cứu độ nhân loại. Đó là lý do tại sao cha Olier đau lòng đến thế trước sự hững hờ của nhiều giáo hữu trong việc đến tham dự thánh lễ và rước mình Chúa Kitô trong đó.

Cách rất tự nhiên, hy lễ Thánh Thể kéo dài trong việc phượng thờ đối với ngài. Thực thế, mầu nhiệm này, nơi mà sự cao cả của Thiên Chúa tự hủy đến độ hiến mình làm của ăn, mời gọi con người phải quỳ gối xuống trong chính thái độ mà Thiên Chúa hạ mình. Cha Olier qua những giờ kéo dài để cầu nguyện trước Thánh thể và khuyên giục các linh mục khác trong cộng đồng cũng làm như vậy. Ngay từ năm 1643, ngài lập trong giáo xứ một hiệp hội Thánh Thể mà các thành viên tình nguyện nhận những thời gian thờ lạy theo khả năng của họ ; đông đảo và tốt đẹp đến độ rất mau lẹ việc thờ phượng liên tục đã được thiết lập, đầu tiên là buổi chiều, rồi đến cả ngày và cả đêm nữa.

Phục vụ người nghèo

Người ta thường lưu ý rằng cha sở xứ Saint-Sulpice, trong những cuộc hành trình của ngài, khi ngừng lại một địa điểm nào, trước hết ngài vào nhà thờ để thờ lạy Thánh Thể, sau đó đến cứu tế viện của bệnh nhân hoặc nhà tế bần cho người nghèo để thăm viếng những người đau khổ tại đó. Hơn nữa đó cũng là thái độ khá thịnh hành thời đó. Gaston de Renty, con người giáo dân thánh thiện mà cha Olier có liên lạc chặt chẽ, cũng hành động như vậy. Đó là dấu hiệu trước mắt các ngài, sự hiện diện của Chúa Kitô cũng tỏ lộ nơi những người nghèo khổ : “Những kẻ đau khổ nhất là những chi thể đặc biệt của Ngài hơn những người khác : họ có quyền ưu tiên đối với lòng trắc ẩn và yêu thương của chúng ta” ; đó là lời của cha Alexandre de Bretonvilliers, kế vị cha Olier đứng đầu Hội Xuân Bích, nói về tư tưởng của đấng sáng lập trong tiểu sử của ngài. Đừng có quên rằng cha J.-J. Olier rất thân thiết với Vincent de Paul, cha linh hướng thứ nhất của ngài, và ngài đã học được từ vị này quan niệm về người nghèo. Vậy như chúng ta đã nhắc tới, trong khu ngoại ô Saint-Germain, không thiếu chi người nghèo và họ thường ồ ạt xông vào nhà xứ Saint-Sulpice để xin bố thí. Để cứu trợ họ hiệu quả hơn, cha Olier đã cho lập một danh sách những kẻ người ta gọi là “người nghèo hổ ngươi”, là những người vì địa vị, không dám đi ăn mày công khai. Theo cha Bretonvilliers con số của họ lên tới một ngàn năm trăm người. Cả cho những người khác nữa, ngài không ngần ngại phân phát đều đặn những của bố thí tổng cộng lên tới những món tiền khá lớn. Mỗi tuần hai ngày họ đến gõ cửa nhà xứ để nhận của ăn và áo mặc.

Để lo phục người nghèo, cha Olier chia một phần gánh nặng cho một người ăn xin trước đây, là Jean Blondeau, được dân chúng gọi là thầy Gioan Thánh Giá (Jean de la Croix), hoặc thân tình hơn thầy Gioan (Jean).Thầy này trước đây đã là đầy tớ của một tông đồ người nghèo, cha Claude Bernard, được gọi là “vị linh mục nghèo”, qua đời mới đây, mà chúng ta đã có dịp nói tới, và ký ức về ngài còn rất sống động trong miền ngoại ô. Nhưng công việc thật lớn lao, và cho dầu cha Olier tuyên bố phó thác việc chăm sóc người nghèo trong xứ cho “sự dẫn dắt và điều khiển của Mẹ Thiên Chúa”, ngài buộc lòng phải thành lập một tổ chức để lãnh trách nhiệm cách hữu hiệu hơn dịch vụ bác ái lớn lao đó. Chính nhằm mục đích đó ngài đã phát động lại hiệp hội Quý Bà Bác Ái (Dames de la Charité) mà chính cha Vincent de Paul trước đây ít năm đã gửi tới giáo xứ, nhưng ít ra là họ thiếu sinh động. Trong một lá thư có lẽ viết vào cuối năm 1643, ngài cầu cứu cả đến cha Vincent de Paul để

đến động viên Quý Bà Bác Ái họp mặt bất thường hôm nay để nhận định là chính đáng việc các bà phải đi giúp người nghèo, và chu toàn nội quy của Hội mà tới nay các bà đã không hề tuân thủ.

Nhưng cho dầu có thiện chí và nhiệt thành, các bà thuộc hàng quý phái này đã gặp rất nhiều khó khăn để tổ chức nội bộ hầu giữ được những cam kết của họ. Để nâng đỡ họ, một thời gian sau, cha Olier đã cầu cứu đến các Nữ tu Bác Ái (Filles de Charité) của Louise de Marillac là những người hiến dâng đời mình để phục vụ người nghèo.

Chiến đấu chống mãi dâm

Cha sở Saint-Sulpice cũng phải chiến đấu với sự nghèo khổ về mặt luân lý. Miền ngoại ô là nơi trú ẩn của gái điếm. Nghề mãi dâm của họ lôi cuốn đến trên lãnh thổ giáo xứ những con người ít giá trị và gây nhiều xáo trộn mà cha Olier muốn dẹp bỏ. Có lẽ người ta phải sửng sốt khi biết rằng ngài không ngần ngại dùng đến công lý qua vị pháp quan tại Saint-Germain bằng cách chỉ tên những cô gái mãi dâm mới đến cho vị này để bắt giam. Đừng quên rằng thời đó ta đang ở trong một trạng huống mà tôn giáo và xã hội liên kết chặt chẽ với nhau. Các linh mục tự cảm thấy có trách nhiệm về trật tự luân lý mà Chính Quyền phải bảo đảm để cho phép đức tin được phát triển. Chính cha Olier sống trong trạng huống đó mà ngài không đặt lại vấn đề. Điều độc đáo của ngài là làm triển nở một tôn giáo không chỉ có tính cách xã hội nhưng còn được sống nội tâm do các tín hữu. Mà việc Chính Quyền can thiệp để giúp đỡ tôn giáo không được ngài đặt thành vấn đề.

Cũng phần nào trong cùng tinh thần đó đôi khi trong mục vụ ngài dùng đến những phương pháp làm ta ngạc nhiên ngày nay, như bố thí để lôi cuốn những người ăn xin đến nghe dậy giáo lý. Điều mà ngày nay người ta có lý coi như là một áp lực trên sự tự do thì khi đó được coi là bình thường bởi một xã hội trong đó đức tin kitô giáo nói tổng quát không bị chỉ trích và đạo công giáo vẫn là Quốc giáo, cho dù đã có một vài kẽ hở do phái tin lành mở ra.

Tuy nhiên cha Olier không chỉ bằng lòng cậy đến công lý dân sự để xua đuổi các gái điếm khỏi địa hạt mình. Ngài còn hành động với họ một cách có tính mục vụ nhiều hơn. Một đoạn văn rất đẹp trong Nhật Ký của ngài cho chúng ta biết một cuộc gặp gỡ giữa ngài và một người trong những phụ nữ đó, tại đây đã tái diễn cuộc đối thoại giữa Chúa Kitô và người phụ nữ xứ Samaria :

Đúng là một chân dung đích thực của người phụ nữ xứ Samaria đã bị khuất phục bởi một ít lời mà Chúa Chúng Ta đã khứng nói ra qua miệng tôi, chị đã thấy mình hoàn toàn yên hàn khỏi sự cáu kỉnh lúc ban đầu.

Với sự đơn giản thường ngày, ngài không ngần ngại so sánh mình với Chúa Kitô :

để nên giống Ngài hơn, tôi đi nói chuyện với người con gái đó ; mệt vì đoạn đàng tôi đã đi và cũng vì rất cần ăn và uống điều mà tôi đã không đói cho bằng đói linh hồn chị ta ;

và ngài nói đùa thêm : “lúc đó đã quá trưa”. Trong khi lấy lại sự cắt nghĩa theo truyền thống về sự đói khát các linh hồn luôn là mối bận tâm của Chúa Kitô, cha Olier diễn đạt lòng ao ước tông đồ nóng bỏng luôn nung nấu ngài và phát xuất ra trong dịp này, qua việc suốt ngày ngài cảm thấy “những nỗi đau khổ bề trong Chúa Giêsu lãnh chịu trên Thánh Giá”.

Biến cố nhỏ này tỏ rõ không những ngài chỉ bằng lòng điều hành giáo xứ mình từ ngôi nhà xứ thôi, nhưng còn tiêu hao chính bản thân, và không ngại đi tới cả những khu vực nghèo khốn nhất để gặp gỡ người dân. Hôm ngài nói chuyện với cô gái điếm đó, ngài vừa đi thăm một người dàn bà bỏ chồng để cố gắng giao hòa chị ta với chồng. Sự hiện diện tông đồ bên cạnh giáo dân mà ngài đòi hỏi các linh mục của mình, chính ngài cũng sống nữa. Ngài không chờ người ta đến tại nhà thờ, ngài đi thăm họ tại nhà riêng. Người ta thấy ngài đặc biệt lưu ý đến những hoàn cảnh hôn phối bất hợp pháp của nhiều người. Bởi vì rất nhiều hôn lễ đã được tổ chức trong những điều kiện đáng nghi ngờ bất thành sự, và phải điều chỉnh lại. Cũng phải nói rằng, phần lớn các trường hợp, là những đôi vợ chồng trẻ kết ước với nhau không có một chút suy nghĩ gì trong đức tin, điều này khiến cha Olier phải thiết lập trong giáo xứ một lớp cơ bản chuẩn bị hôn phối.

Liên hệ với người tin lành

Một điều bận tâm mục vụ khác của ngài, và không phải là bận tâm nhỏ, là sự có mặt và hăng say truyền bá của người tin lành trên đất ngoại ô mà họ có những cuộc hội họp thầm kín tại đó. Sinh hoạt của họ được hoặch định trong khung cảnh của Sắc lệnh Nantes do vua Henri IV công bố. Thế mà những chỉ thị để áp dụng lại không cho họ có nơi thờ tự tại giáo xứ, vì thế các cuộc hội họp của họ tại đây là bất hợp pháp, hơn nữa, trà trộn với người phái Calvinô cũng có cả người phái Luterô là phái không được chấp nhận tại Vương quốc Pháp. Tuy vậy sự vô trật tự tại ngoại ô đã cho phép họ hoạt động an toàn tại đây.

Ta sẽ ngã lòng nếu muốn tìm nơi cha sở Saint-Sulpice một vị tiền phong của phong trào đại kết thời mới. Ở đây cũng thế ngài nhờ lực lượng công cộng ; ngài kêu gọi đến vị pháp quan của Saint-Germain để ngăn cấm những buổi giảng thuyết của mục sư, và ngài đã thành công đáng kể. Hơn nữa, một trật ngài dùng những phương pháp khác, cổ điển ở thời đại, nhưng cũng cố gắng thiết lập một lối đối thoại , tuy rằng đây là khẩu chiến hơn là lắng nghe nhau : tức những cuộc luận chiến. Ngài xin với một vài chuyên viên đến hỗ trợ ngài, chẳng hạn cha Lucas, linh mục của Mission, mà trong một lá thư ngài xin cha Vincent de Paul dành sẵn cho ngài, hoặc một linh mục có thế giá là cha Véron, nhà luận chiến nổi tiếng, và ngài tổ chức những buổi diễn thuyết công cộng tại đó những đại diện của người công giáo và tin lành đối đầu để tìm cách thuyết phục thính giả của họ.

Ngay từ những tháng đầu của nhiệm vụ ngài tại Saint-Sulpice, cha Olier đã đi thăm những người tin lành ngài biết sắp qua đời nhằm mục đích đạt được sự từ bỏ của họ. Thái độ này gây bỡ ngỡ cho nhiều người thời nay. Để hiểu được điều này ta phải nhớ lại là sự kiên trì trong bè rối khi lâm chung bị coi là đưa thẳng tới cửa trầm luân ; chính vì vậy mà các linh mục ra sức cố gắng để thuyết phục người tin lành trở lại vào giờ chót. Tuy nhiên kết quả của cha không đáng kể. Ngài thành công trong một ít trường hợp, nhưng trong nhiều hoàn cảnh khác, gia đình họ canh giữ và ngài phải rút lui tôn trọng sự tự do của những người đối thoại với mình.

Một vài ghi nhận trên đây chỉ cho chúng ta thấy một cái nhìn sơ lược về sự đa dạng của những lo âu và gánh nặng mà cha Olier phải đương đầu. Chẳng bao lâu, thanh danh của cộng đoàn linh mục trong giáo xứ cũng như của chủng viện, bắt đầu được lan tỏa. Một số linh mục bị cuốn hút bởi nhân cách của cha sở mới xứ Saint-Sulpice và bởi ảnh hưởng mỗi ngày một lớn của ngài, đã đến cư ngụ tại cộng đồng trong một thời gian để cấm phòng dưới sự dẫn dắt của ngài. Những lời khuyên của ngài rất được tôn quý. Ngài thấy những nhân vật nổi tiếng đến với mình, giáo dân và linh mục, như ông Jacques Crétenet, bác sĩ giải phẫu, kết hôn và làm cha gia đình, đã lập tại Lyon Học viện thừa sai Thánh Giuse, và tìm cách đem lại sự sinh động nơi các linh mục ; hoặc còn nữa, cha Yvan, một con người khổ hạnh và đầy nhiệt huyết, nhưng tính tình nóng nảy có phần ít thích hợp với sự dịu dàng xuân bích, ngài đã đến phục vụ giáo xứ trong suốt năm 1644. Cũng vậy lời giảng thuyết mạnh mẽ, óc vô vị lợi, lòng khiêm nhường, và sự hoạt động không biết mệt mỏi của cha Olier đã chinh phục được một số nhân vật vị vọng ngoài đời, chẳng hạn hầu tước Félelon và Abraham de Fabert, Thống chế tương lai của Pháp quốc, giữa nhiều vị khác nữa.

Hoạt động nơi các nhà quý tộc,

Chống nạn đấu gươm

Nhất là hoạt động chống lại nạn đấu gươm làm cho người ta biết đến và mến phục ngài giữa các nhà quý tộc. Thói thực hành đó là một trong những tệ nạn mà hàng quý phái vào nửa đầu thế kỷ XVII này phải gánh chịu. Việc giữ danh dự, đặc biệt bén nhọn trong các đại gia đình, luôn gây nên những cuộc thách thức đấu gươm thường kết thúc bằng nhân mạng. Gần hai trăm người quý tộc đã chết như vậy hằng năm trên khắp nước Pháp vì những vết thương lãnh phải trong cuộc quyết đấu độc chiến. Bất chấp những cấm đoán của triều đình và những hình phạt nghiêm ngặt dành cho những kẻ vi phạm, những người này vẫn ưa bênh đỡ danh dự bị xúc phạm của họ hơn là lợi ích của dân tộc bị mất đi như vậy những chiến sĩ quả cảm nhất. Một trong những lời cầu nguyện tự phát rải rắc khắp Nhật Ký của ngài, cha Olier đã xót xa vì hành động sáng tạo của Thiên Chúa làm cho sống đã bị ác hóa bởi con người để đem cái chết đến :

Chúa làm việc mọi ngày bên trong những thợ thủ công để làm thỏa lòng những bệnh hoạn và yếu đuối tinh thần của bọn nịnh thần và thế tục. Đâu là người làm ra khí giới để làm cho mình bị giết ? Đâu là kẻ cấp phát và chuẩn bị một thanh gươm cho kẻ thù mình để rồi bị phanh thây ; và lạy Chúa của con, Chúa làm việc mọi ngày trong tay thợ thủ công của chúng con để phá hủy Chúa và dập tắt sự sống của Chúa trong chúng con.

Một trong những bạn của ngài, người quý tộc rời triều đình về hưu tại biệt thự riêng ở Citry-sur-Marne, thành viên đáng kính của Hội Thánh Thể tại Paris mà ông đã nhiều lần làm giám đốc, đã ra tay giúp đỡ ngài để cố gắng diệt trừ hành động đấu gươm khỏi lề thói của cấp quý phái. Đó là ông Gaston-Jean-Baptiste de Renty ta đã có lần nói đến tên ông. Con người này có kết hôn và là cha của năm người con, là giáo dân đặc biệt, giống như cha Olier, ông đã được cha Condren hướng dẫn cho đến ngày ngài qua đời vào năm 1641. Chính ông cũng đã trở thành một nhà linh hướng nổi tiếng. Những mối liên hệ của ông với dòng Kín tại Baune, mà ông hướng dẫn bà Bề Trên là Mẹ Elizabeth de la Trinité, đã làm cho ông đặc biệt gắn bó với mầu nhiệm thơ ấu của Chúa Kitô, mà cha Condren đã gây cảm hứng nơi ông và ông đã trở thành một tông đồ thâm tín. Chính với ông, cha Olier đã thành lập năm 1645 Hội Thương Khó (Compagnie de la Passion), có mục đích giúp thánh hóa những người quý tộc, và đặc biệt là vận động để bãi bỏ việc đấu gươm. Việc thành lập đã đưa đến một cuộc thề ước long trọng, do cha sở Saint-Sulpice thảo ra, trong đó những người ký tên cam kết

từ chối mọi thứ thách thức, và không bao giờ đấu gươm vì bất cứ lý do gì , và đưa ra mọi thứ bằng chứng ghét bỏ việc đấu gươm, như là một điều hoàn toàn trái ngược với lý trí, với lợi ích và luật pháp quốc gia, và xung khắc với phần rỗi và với kitô giáo.

Các thành viên của Hội Thương Khó được chọn lọc giữa các chiến binh nổi tiếng, khai triển một hoạt động lớn để đạt tới việc xóa bỏ những cuộc đấu gươm. Cha Olier luôn luôn ủng hộ họ. Người ta còn thấy ngài, năm 1651, viết về vấn đề này cho cha Charles Paulin, cha giải tội của Louis XIV lúc còn trẻ, và là người có ảnh hưởng lớn trên Hoàng hậu nhiếp chính.

Như vậy cha J.-J. Olier lui tới những người nghèo túng nhất trong giáo xứ ngài cũng như người vị vọng nhất. Suốt trong mười năm hoạt động của ngài như cha sở, sự sẵn sàng của ngài đối với bất cứ một ai, đã không bao giờ thiếu sót. Ngài đã không tính toán thời giờ, nhưng đã dành cho bất cứ ai cần đến, không hề có sự phân biệt.

Cha giải tội và linh hướng

Ta không lạ gì trong cảnh huống này, thấy tác vụ giải tội đã chiếm mất nhiều giờ. Chúng ta đã có dịp nhận thấy là tội lỗi đã gây ra trong cha sự đau đớn khốc liệt. Xúc phạm đến sự thánh thiện và tình yêu vô biên của Thiên Chúa làm cho cha vô cùng đau buồn. Với tư cách linh mục cha tự cảm thấy phải lãnh trách nhiệm trước Thiên Chúa. Cùng mang lấy tội lỗi con người với Đức Kitô, trở nên một linh mục với Ngài, cha phải làm việc đền tội thay cho tội nhân. Tuy thế, không bao giờ cha đã nói với họ cách cứng cỏi. Là chứng nhân của sự thánh thiện của Thiên Chúa, cha cũng là người thừa tác của lòng nhân lành Ngài. Vì thế có những bản văn trong Nhật Ký của cha diễn đạt mạnh mẽ vừa về trách nhiệm của cha đối với tội nhân, vừa về lòng nhân từ của cha đối với họ :

Nếu các linh mục tiếp xúc với tội nhân và luận giải với họ, các ngài phải coi mình như là mang tội lỗi của họ trước mặt Thiên Chúa, phải tự thấy mình buộc phải đền tội cho họ, như là của lễ đền tội thiên hạ, xét vì là chi thể của Chúa Chúng Ta là Giêsu-Kitô, và cùng làm nên một linh mục với Ngài Đấng đã mang lấy tội lỗi của tất cả trần gian. Như vậy linh mục với lòng khiêm nhường thẳm sâu phải tiếp xúc với tội nhân với sự dịu dàng lớn lao trong khi mời gọi họ ăn năn thống hối tội lỗi của họ, uốn lòng Thiên Chúa về phía họ, rồi cùng kêu cầu và mời gọi Ngài tỏ lòng cảm thương và nhân từ trên họ cả hai.

Như thế cha Olier không quên rằng ngài cũng là tội nhân như những hối nhân của mình. Hơn nữa, trước khi ngồi để nghe xưng tôi, ngài bắt đầu bằng việc quỳ gối bên cạnh họ.

Ngài cũng hay được bàn hỏi và yêu cầu làm tác vụ linh hướng. Ngài đồng hành, như kiểu nói ngày nay, với rất nhiều người, linh mục, nam tu sĩ, và nữ tu, cũng có cả người đời, đàn ông, đàn bà nữa. Thư từ của ngài, vì ngài cũng linh hướng bằng thư tín nữa, làm chứng về hoạt động rất năng nổ đó, hoạt động mà ngài đã thực hiện từ nhiều năm qua rồi. Sự tự do mà ngài đã đạt được trong thử thách thiêng liêng nay cho phép ngài ban phát hết mức độ, và kinh nghiệm cá nhân của ngài khuyến khích ngài dấn thân giúp các con thiêng liêng ngài tự phó thác cho Chúa Thánh Thần, như trước đây cha Condren đã làm đối với ngài. Cha Alexandre de Bretonvilliers, trong cuốn Nhật ký lịch sử về Cha Olier (Mémoires historiques sur M. Olier) đã ghi nhận những lời đã nghe nói về vị sáng lập chung quanh vấn đề linh hướng, đăc biệt trong những buổi thuyết trình. Người ta khám phá trong đó rằng cha Olier đã sốt sắng đối với các con linh hướng bằng một tình yêu mục vụ, làm cho ngài ước ao mạnh mẽ thấy họ nên thánh và linh hồn họ “đạt được sự đẹp đẽ mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng”. Để thực hiện điều mong ước đó dĩ nhiên phải giả thiết một sự tự do và một sự vô tư lớn lao ; vị linh hướng không thương yêu những kẻ nhận ngài vì lý do liên hệ nhân loại ngài có với họ hay vì những phẩm cách của họ :

Chúng ta phải bước vào tình bác ái của Chúa Giêsu-Kitô đối với mọi người, vậy chúng ta phải yêu họ tất cả vì Thiên Chúa, không có một sự quyến luyến nào và với một sự hoàn toàn tự do.

Chính sự siêu thoát đó cho phép vị linh hướng một trật vừa đòi hỏi lại vừa sẵn sàng đối với các con thiêng liêng. Đòi hỏi vì phải “cấu thành Chúa Kitô trong các linh hồn”, và để đạt tới mục đích đó, phải biết bày tỏ rõ rệt con đường phải theo và những cố gắng phải biết chấp nhận. Sẵn sàng, bởi vì sư phạm của Thiên Chúa phải soi sáng cho vị linh hướng thì vô cùng kiên nhẫn và ân cần. Luôn luôn phải hành động với sự dịu hiền, “vừa phải là cha vừa phải là mẹ đối với họ”, nghĩa là dẫn dắt họ với sức mạnh và can đảm và giúp đỡ họ với lòng từ ái và cảm thông. Cùng một sự hiện diện và cùng một sự nhân từ được đòi hỏi đối với mọi người, cho dù họ đã tiến xa trong đời sống thiêng liêng hay chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu. Yêu chuộng những người trước vì họ hay hơn cho thấy mình hãy còn xa sự vô tư là dấu hiệu của một vị linh hướng đích thực.

Cha Olier thích nói rằng một nghĩa vụ cũng tế nhị như việc hướng dẫn người khác rất đáng sợ đối với kẻ thực hành nó. Ngài quả quyết đó là “nghệ thuật trên mọi nghệ thuật” (l’art des arts), lặp lại kiểu nói của thánh Grêgoriô Cả, rất được Đức Hồng Y Bérulle quý chuộng. Đừng dấn thân vào đó mà không nhận được sứ mệnh và không có một cảm thức nhạy bén để biện phân thiêng liêng. Nó luôn kêu gọi chính vị linh hướng phải gắng đạt tới sự thánh thiện mà ngài muốn dẫn những kẻ tín cẩn chạy đến với ngài tới. Nó cũng mời gọi ngài phải luôn mang họ theo trong lời cầu nguyện :

Chính việc của Chúa Thánh Thần là làm triển nở các tâm hồn trong tình yêu thiên linh và làm cho họ lớn lên trong đời sống siêu nhiên. Nhưng việc của các vị linh hướng là phải lãnh được Chúa Thánh Thần và làm cho Ngài ngự xuống trong các tâm hồn do lời cầu nguyện liên lỉ của các ngài.

Chính trong tinh thần đó mà cha J.-J. Olier đã giúp đỡ nhiều người trong đường thiêng liêng của họ, ngài luôn lưu tâm kính trọng nơi mỗi người hành động của Chúa Thánh Thần Đấng sinh động họ. Vì chưng đối với ngài, không phải cha linh hướng điều khiển, mà chính Chúa Thánh Thần mới là “vị linh hướng bề trong đích thực của chúng ta”. Và Thánh Thần dẫn dắt mỗi người theo một cách thích hợp riêng đối với họ :

Hầu như không có lấy hai linh hồn để theo cùng một con đường ; một sự khác biệt như vậy làm chứng về sự cao cả khôn lường của Thiên Chúa.

Vậy vai trò của vị linh hướng chính yếu hệ tại việc giúp cho những con thiêng liêng mình biết “buông mình cho Chúa Thánh Thần”, theo kiểu nói quen thuộc của cha Olier, nghĩa là theo con đường trên đó Thiên Chúa dẫn đưa họ :

Một vị linh hướng phải có khả năng thực hiện được, nói được như vậy, mọi ngôn ngữ, có khả năng hiểu được và nói được không phải những ngôn ngữ tự nhiên, như các Tông Đồ, nhưng là những ngôn ngữ thiêng liêng. Nói khác, các ngài phải biết những cách thức khác nhau mà Thiên Chúa dẫn đưa các tâm hồn.

Những thử thách

Công việc bề bộn của cha sở mới xứ Saint-Sulpice, những kết quả tông đồ của ngài, đã gây nên nhiều thiện cảm đối với ngài, nhưng đôi khi cũng kéo theo phiền hà cho ngài nữa. Năm 1654, hoàng hậu nhiếp chính, để thực hiện lời hứa bà đã khấn ít năm trước, nếu Thiên Chúa ban cho nước Pháp một vị Hoàng Thái Tử (Dauphin), thì bà sẽ đặt viên đá đầu tiên để xây thánh đường tương lai tại Val-de-Grâce. Bị lôi cuốn bởi danh tiếng thánh thiện của cha J.-J. Olier, bà đề nghị với ngài đổi xứ Saint-Sulpice lấy xứ Saint-Jacques-du-Haut-Pas để bà có thể được dễ dàng hưởng dụng những dịch vụ của ngài , khi bà đến tu viện lớn bên cạnh Val-de-Grâce. Để từ chối đề nghị đó, ngài lấy lý do là sự thay đổi đó sẽ có thể phương hại đến chủng viện. Có lẽ nhất là sự gần gũi cơ sở đào luyện của các cha dòng Oratoire tại Saint-Magloire một phần đã là cớ để ngài từ chối. Những khác biệt về tư tưởng có thể đã kéo theo những khó khăn để cộng tác. Dầu sao, đó cũng chính là điều mà bốn năm sau ngài đã viết cho cha Bourgoing, kế vị cha Condren trong chức Bề Trên Tổng Quyền :

Sự khác biệt đó trong dư luận và tư tưởng đã ngăn cấm tôi tiến gần tới Saint-Magloire cho dầu hoàng hậu đã ra lệnh làm áp lực để tôi nhận nhà xứ Saint-Jacques-du-Haut-Pas… tôi đã không bao giờ muốn nhận, cũng không có một ai trong chúng tôi nghĩ tới việc đó. Tôi tin rằng chính phần các cha thực hiện công việc mình theo cách thức của các cha và đã có biết bao địa điểm túng thiếu khác tại Pháp và nhiều nơi rồi, vậy không nên vội vàng như thế mà chất thêm gánh nặng cho nhau.

Nhưng cha Olier cũng gây nên cho mình nhiều mối bất bình. Nhiều người không ưa gì nhìn thấy sự tái lập một kiểu sống khắc khổ luân lý trên giáo xứ. Phần đông bọn gái mãi dâm chỉ mong được tiếp tục yên hàn những sinh hoạt của họ, và đánh giá sai sự săn sóc mục vụ mà cha xứ nhiệt tâm đối với họ. Đàng khác, các trùm trưởng trong giáo xứ cũng phàn nàn về những tốn phí phải chịu do những sáng kiến của ngài. Nhất là họ khó chịu vì sự thay đổi mà những cải tổ của ngài đưa vào trong những thói quen của họ. Chẳng hạn họ chống lại những buổi chầu Thánh Thể mới thiết lập, và họ gặp được về điểm này những sự ủng hộ vững vàng nơi một số linh mục, cộng sự viên của cha xứ cũ, đã khó thích ứng với cách sống mới và những phương pháp mục vụ mới do cha Olier cổ võ. Những người vị vọng, đặc biệt là hoàng tử Condé, Henri de Bourbon, là những vị chính ra phải nâng đỡ ngài, thì lại hữu ý không ra mặt công kích ngài, nhưng không hề giúp đỡ ngài được điều gì hữu hiệu, và còn tìm nhiều dịp gây khó khăn cho ngài nữa. Chủng viện là đối tượng để người ta nghi ngờ, và những vận động dầy công của vị sáng lập để được phép chính thức thành lập vẫn vô hiệu quả. Tuy nhiên cần phải xây thêm một tòa nhà khác để tiếp nhận những ứng sinh mới. Quyết định được đưa ra là sẽ xây ba ngôi nhà ngay trong vườn nhà xứ, nhưng phí tốn do cha xứ phải chịu, cho dầu nguồn tài chính của ngài đã tiêu hao nhiều. Vừa bắt đầu đặt móng thì các vị trùm trưởng làm nảy sinh các khó khăn và buộc cha Olier phải tìm một thửa đất khác bên cạnh nhà thờ, nằm ở phố Vieux- Colombier, với một ngôi nhà lớn ngài phải xuất một số tiền khổng lồ để mua trong khi chờ đợi có đủ ngân sách để xây.

Vậy cả một bầu khí bất mãn lộ ra chung quanh cha Olier và khơi lên một sự chống đối ngấm ngầm làm trở ngại cho công việc mục vụ của ngài. Tiếng phản đối nổi lên khi cha sở cũ pha mình vào cuộc. Âm thầm rút về tu viện của mình ở Clisson, nhưng ông vẫn theo dõi những biến cố tại giáo xứ qua một số linh mục không chấp nhận những hướng đi mới, và qua những thành phần trong gia đình ông, là giáo dân tại Saint-Sulpice, có ác cảm với người kế vị ông. Ông bắt dầu rêu rao rằng trong việc trao đổi các bổng lộc, tuy nhiên đã được tiến hành theo đúng thể thức quy định, ông đã bị thiệt thòi. Ông phổ biến công khai một lá thư tố cáo cha Olier là thiếu liêm khiết. Thế là đã có những tiếng nói nổi lên yêu cầu ông trở về lại. Một hôm trong tháng 03 năm 1645, người ta đã thấy ngay tại cổng nhà xứ một bảng yết thị với những chữ sau : Nhà cho thuê, và tại cổng của cộng đồng : đầy tớ làm thuê. Các cộng sự viên trung thành nhất của cha Olier, ít nhiều đã cảm thấy bất an do việc bổ nhiệm cha Caulet làm Giám Mục Pamiers, nay ngã lòng và tự đặt ra những vấn nạn về tương lai của sự nghiệp mà , tuy nhiên trước đây ba năm, họ đã quyết tâm thực hiện rất hào hứng.

Thảm kịch đã nổ ra ngày 08 tháng 06 năm 1645. Cả một đám đông tụ họp trước nhà xứ rồi xông vào. Cha Olier bị tàn nhẫn lôi ra khỏi phòng và kéo lê qua các đường phố. Người ta đánh đập ngài, làm xỉ nhục ngài, lăng mạ ngài. Cha Vincent de Paul được báo tin, vôi vàng chạy tới và tìm cách can thiệp. Chính ngài cũng bị ngược đãi, cả cha xứ Saint-Jacques-du-Haut-Pas cũng thế. Trong khi đó, nhà xứ bị cướp phá và vơ vét hết tiền bạc cùng mọi đồ đạc tại đó. May thay, giữa lúc cuộc nổi loạn tàn nhẫn lôi cha sở Saint-Sulpice đi khắp giáo xứ, khi qua trước điện Luxembourg, mấy người trong các bạn ngài bao quanh ngài và tìm cách cứu ngài thoát bạo lực ngài đang hấng chịu, đã dẩy được ngài vào phía trong điện, tại đó ngài được lính phòng vệ che chở. Phu nhân của viên nguyên súy Estampes tiếp đón và bồi dưỡng cho ngài. Tuy nhiên ngài đã không thể trở lại nhà xứ được ngay vì nơi đây hãy còn bị bọn phiến loạn chiếm đóng nhiều ngày sau.

Hơn nữa, sự việc không được lập tức giải quyết. Nội vụ được đưa ra trước Tham Chính Viện (Conseil d’État), rồi trước Tối Cao Pháp Viện (Parlement), tại cả hai viện những kẻ thù của cha sở làm áp lực mạnh mẽ. Tuy nhiên , được sự ủng hộ của công chúa Condé và bà quận công Aiguillon, cũng như của Dom Grégoire Tarisse, sau cùng cha Olier đã toàn thắng. Tối Cao Pháp Viện đã ra lệnh giải tỏa nhà xứ và sửa chữa lại theo nguyên trạng, những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn bị bắt giam. Điều đó càng làm gia tăng các cơn giận dữ, và nhà xứ vừa được các cư dân hợp pháp tái chiếm, lại lần nữa bị bao vây. Xuýt nữa những kẻ phiến loạn nổi lửa đốt thì vào phút chót các linh mục đã được lính phòng vệ đến giải cứu. Lần này thì công lý thực sự sẵn sàng thẳng tay, đã chấm dứt mọi phản kháng. Nhưng cha Olier tiếp tục bị bôi nhọ nơi công cộng và chịu nhiều sự phiền hà quấy phá. Về phía mình, De Fiesque không hề đầu hàng. Ông tìm cách lợi dụng tối đa hoàn cảnh này để đòi những bồi thường tài chính rất nặng mà người kế vị ông sẵn sàng chấp nhận bất chấp những lời can gián của thân nhân và những lời phản đối mạnh mẽ của mẹ ngài, bà vẫn luôn cảnh giác để che chở con mình chống lại chính ngài. Chỉ mấy năm sau đó một thỏa thuận dứt khoát mới được ký kết giữa hai người.

Tuy nhiên, đối với một số bạn bè của ngài, những biến cố vừa xảy ra, biện hộ cho việc ngài nên từ bỏ giáo xứ. Phải chăng ngài đã chẳng gây nên quá nhiều chống đối và khó khăn đó sao ? Giữa lúc đó vào nửa tháng 07, người ta đề nghị với ngài Tòa Giám Mục Rodez. Trong thân quyến, người ta khuyên ngài nhận. Nhưng vị linh hướng ngài là cha Bataille, và bà Marie Rousseau, người thâm tín trong mọi phán luận khó khăn đẩy ngài đến chỗ đừng bỏ dở sự nghiệp đã bắt đầu. Sau một thời gian lưỡng lự, ngài quyết định lãnh ý Viện Phụ Saint-Germain là Henri de Bourbon, tuy vị này không mấy thiện cảm đối với mình, và nói mình sẽ sẵn sàng theo ý kiến của vị này. Rất cảm động trước sự vô tư của ngài Viện Phụ đã xin ngài ở lại làm cha sở Saint-Sulpice, và từ đó hết mình nâng đỡ ngài trong những dự tính. Ngay từ khi đó, những biến cố dồn dập sảy tới : ngày 15 tháng 08, cha Olier chuẩn nhận với ban trùm trưởng sơ đồ của thánh đường mới. Đầu tháng 09 ngài ký nhận cùng với hai đồng sự của mình là Antoine de Poussé và Antoine Damien, chứng thư hiệp hội của “một cộng đồng để chu toàn mọi chức vụ của một chủng viện”, và ngày 23 tháng 10, cha Viện Phụ tu viện Saint-Germain chuẩn y sự thành lập này và nâng lên hàng cộng đồng giáo sĩ. Ngày 20 tháng 02 năm 1646, hoàng hậu tới đặt viên đá đầu tiên của tân thánh đường. Ngày 11 tháng 05 làm phép chủng viện được thiết đặt trong nhiều ngôi nhà gần đó vừa mới được hoàn tất. Như vậy cha J.-J. Olier sau cơn thử thách nặng nề ngài phải vượt qua, sau cùng đã nhìn thấy tan đi những trở ngại chính yếu để thực hiện được sự nghiệp của ngài.

Điều làm các bạn ngài phải bỡ ngỡ đặc biệt vào tháng 06 năm 1645, tháng nhiều biến động đến thế, chính là sự bình an nội tâm ngài đã dùng để đương đầu với những biến cố và lòng hảo tâm ngài đã tỏ ra đối với những người chống đối bất khẳng nhất, đến độ vận động cho một người trong bọn họ ra khỏi tù và sau đó còn tỏ lòng nhân từ rất nhiều đối với người đó. Một vài đoạn trong Nhật Ký nhấn mạnh thêm chứng từ của các bạn ngài về điểm này. Chẳng hạn, về vị tiền nhiệm của ngài, ngài tuyên bố, một năm sau biến loạn, rằng lòng nhân từ của Thiên Chúa “đã không bao giờ cho phép tôi có một tâm tình nội tâm nào nghịch với ông ; trái lại khi người ta đến nói với tôi rằng ông bị dẫn vào tù, điều đã không thật sự xảy ra, tôi đã ứa nước mắt vì đau đớn”. Nhưng những đoạn văn ngài nói về sự thử thách của mình thật ra rất ít ỏi. Và ngày 26 tháng 07 năm 1645 khi ngài tiếp tục Nhật Ký bị gián đoạn từ ngày 03 tháng 06, ngài không hề đả động gì đến những biến cố đau thương ngài vừa trải qua, và ngài tiếp tục viết về đời sống nội tâm, như là đã không có gì xảy ra vậy.

Phải nói rằng, từ năm 1642, ngài luôn ở trong một đời sống thần bí mãnh liệt. Ngài chiêm ngắm Chúa Kitô toàn thể, như ngài nói, Đầu và Thân Thể, gồm tóm mọi sự, thâu họp trong mình mọi lời ngợi khen của các thiên thần và loài người, và “tự tiêu hao” chính mình trong lời ngợi khen Chúa Cha. Thế là ngài chìm đắm trong sự thán phục trước “đại dương thánh thiện” ấy mà ngài nhìn thấy “trong Thiên Chúa từ đời đời”. Vẻ đẹp của Chúa Kitô đã làm ngài say mê, và ngài thờ lạy “tình yêu nhập thể đó” mà ngài không thể nào “diễn tả thấu đáo được”. Sự chiêm ngưỡng đó tách ngài ra khỏi mọi sự ; và ngài khóc than mối bất hạnh của “mọi kẻ tìm kiếm sự bình an của họ nơi thụ tạo”. Từ đó, mục đích duy nhất của ngài là trở nên thành phần của những kẻ “phổ biến” Chúa Kitô ra trên khắp trần thế, những kẻ làm cho Chúa “bành trướng ra” như những tia sáng làm bành trướng mặt trời ra. Sự thờ lạy và thông hiệp với Chúa Kitô lời ngợi khen Chúa Cha khơi dậy trong ngài tinh thần tông đồ, lòng khao khát làm cho người ta biết và yêu mến Đấng mà tuy nhiên ngài tự cảm thấy bất lực diễn đạt được mầu nhiệm. Thế nên người ta ít bỡ ngỡ vì sao ngài đã vượt qua thử thách với một vẻ thanh bình như vậy.

6

Vị sáng lập các chủng viện

Và Hội linh mục Xuân Bích

Chủng viện Xuân Bích (Le Séminaire de Saint-Sulpice)

Vào tháng 07 năm 1642 trong Nhật Ký, cha J.-J. Olier khi gợi đến những “cửa mở” mà Thiên Chúa đã ban cho ngài, nghĩa là những mời gọi ngài cảm thấy trong khi cầu nguyện, đã nói về

học viện của các giáo sĩ trẻ mà sự Quan phòng của Thiên Chúa từ lâu đã dẩy tôi vào, và chính bản thân tôi cũng bị thu hút từ rất nhiều năm rồi, và cho dù tôi đã luôn luôn có các bạn trẻ ở với tôi mà tôi cố gắng dậy dỗ họ để làm sáng danh Thiên Chúa, điều đó không thể chuẩn chước cho tôi sự bận tâm kia, cho dù có tiếng phản đối nào đi nữa trong gia đình tôi vì họ lấy làm gai chướng.

Hẳn là ngài có thêu đệt thêm ít nhiều khi muốn đưa cội nguồn những dự định của mình lên tận thời ngài mới trở lại. Dầu sao, sự nghiệp khởi công tại Vaugirard đã đứng vững, và sau bốn năm khi đã vượt qua mọi khó khăn nói trên, ngài đã nhận được giấy phép chính thức thành lập chủng viện, và từ nay ngài có thể theo đuổi công trình của mình với một sự tự do tinh thần lớn hơn.

Dự tính của ngài không thiếu tham vọng : “Đào tạo tại nơi này một kiểu mẫu chủng viện cho mọi giáo phận và mọi quốc gia”. Ngay từ năm 1643, Tổng Giám Mục Bordeaux, Đức Cha Sourdis, xem ra cho ngài là có lý khi đến nghiên cứu sinh hoạt của chủng viện Xuân Bích để về thành lập một chủng viện tương tự trong địa phận mình.

Hơn nữa cha Olier được củng cố trong dự định của ngài bởi hoàn cảnh đặc biệt của chủng viện. Được thiết lập trên lãnh thổ của một Dòng lớn miễn trừ, nghĩa là không thuộc quyền Giám Mục địa phương, chủng viện trực thuộc quyền Giáo Hoàng, qua trung gian Đức Viện Phụ Saint-Germain. Điều này giúp cho cha Olier có rất nhiều tự do và cho phép ngài nói rằng

Chủng viện này vì được dành cho Giáo Hội toàn cầu, nên thật thích hợp nó được đặt trong một địa điểm không vướng biên giới nào hoặc tùy thuộc đâu ngoại trừ Tòa Thánh mà nó hoàn toàn hiến mình để làm vinh dự.

Thực vậy, các ứng sinh tuấn đến từ nhiều giáo phận Pháp và cả từ nước ngoài nữa. Hơn nữa họ quá đông đến nỗi phải tái lập trong một thời gian ngôi nhà tại Vaugirard lý do là thiếu chỗ ở. Cha Olier luôn đẩy tới cùng những hậu quả tượng trưng của những hoàn cảnh trong đó ngài sống, đã tuyên bố thẳng rằng Đức Thánh Cha là Bề Trên thứ nhất của chủng viện Xuân Bích. Nhưng các linh mục tương lai được đào tạo trong tinh thần vâng lời các giám mục của họ và phục vụ các giáo phận của mình nơi họ được trả về sau khi được đào tạo.

Tình hình vật chất, ngôi nhà ở

Những bước đầu diễn ra trong sự nghèo nàn rất lớn. Vì ngay từ khởi đầu đã có quyết định tách rời những tài nguyên của giáo xứ và những tài nguyên của chủng viện, vì thế chủng viện chỉ có thể trông chờ vào tài sản cá nhân của vị sáng lập và của các vị đồng nghiệp của ngài, vào tiền học phí do các linh mục tương lai đóng góp và các tặng vật. Nhưng các tặng vật rất hiếm hoi ; đàng khác, chính cha Olier còn trả học phí cho những chủng sinh quá nghèo túng để hỗ trợ họ trong những điều cần thiết, và ngài còn phải đương đầu với nhiều nghĩa vụ khác nữa. Rất nhiều lần cha Caulet đã ngã lòng, ngài là người chịu trách nhiệm thứ nhất về cộng đồng chủng viện trước khi được bổ nhiệm làm Giám Mục Pamiers năm 1645. Vì không có tiền để xây cất một ngôi nhà đủ rộng rãi và vững chắc, nên đành phải chấp nhận dựng những nếp nhà không tiện dụng và nhiều khi thiếu trong lành làm nảy sinh nhiều bất tiện, chẳng hạn ngôi nhà Méliand, mua lại vào tháng 05 năm 1645, được chia thành các ô nhỏ rẻ tiền, ngăn bằng ván gỗ thông, lên tận tới gác. Tuy nhiên đã có một dịp đầy hứa hẹn xảy đến. Một người giầu có, giữ ẩn danh, đã tiếp xúc với cha Ferrier, được ngài ghi lại trong Nhật Ký. Ông này đã đề nghị bỏ tiền xây tường thành theo ý nhà vua để nối liền miền ngoại ô vào thành phố. Đổi lại ông xin được quyền quản trị những thu nhập của Thị Sảnh (Hotel de Ville), lúc đó rất bỏ bê. Chắc vì không có khả năng tự tiếp xúc với quan Thượng Thư, là Ngài de Brienne, ông xin cha Ferrier đứng làm trung gian. Nếu cha chấp nhận đề nghị, ông hứa sẽ nhận xây luôn cả nhà thờ và chủng viện. Phía Xuân Bích hơi lưỡng lự, nhưng trước sự liêm khiết của người đề nghị và những bảo đảm tài chính ông đưa ra, sau cùng việc trung gian đã được chấp nhận. Công việc quá lợi cho mọi người nên Tham Chính Viện (Conseil d’État) đã lập tức chấp thuận đề nghị thú vị và bất ngờ này. Bất hạnh thay, Gaston d’Orléans, lúc đó đang làm chủ tịch Viện, đòi nhà hảo tâm này cũng phải hoàn thành luôn điện Luxembourg còn dang dở. Ông ta cũng chấp nhận phí tốn phụ trội này. Nhưng khi hoàng tử de Condé hay biết sự việc, cũng đòi dược xây cất cho mình một cung điện tại Pré-aux-Clercs, ông ta cho rằng mình bị phỉnh gạt liền dứt khoát rút lại đề nghị của mình. Chi tiết nhỏ này, tuy chẳng đáng ta ngừng lại lâu hơn, vẫn cho thấy rằng những toan tính lương thiện nhất vẫn có thể đụng phải những can thiệp vụ lợi của những kẻ quyền quý. Với những vận động phức tạp về hành chánh, do sự phiền toái của pháp quyền, phải thêm vào vai trò của ảnh hưởng và lợi lộc như ta vừa thấy qua.

Sau cùng mãi đến năm 1649, cha J.-J. Olier mới có thể thực hiện được dự định của ngài. Hầu như ngài không thể trông chờ vào tài sản riêng của mình đã bị suy suyển quá nhiều vì những cuộc bố thí cho người nghèo trong thời Đầu Thạch Đẳng. Nhưng hai người trai trẻ, là anh em Souart, vừa đến đặt mình dưới sự cai quản của cha xứ Saint-Sulpice, đã mang đến trong dịp này, với sự đồng ý của gia đình, một số tiền lớn đủ để cho phép ít nhất là khởi sự công trình. Cùng lúc đó, một đệ tử khác của cha Olier là Alexandre Bretonvilliers vừa thừa kế được nhiều gia tài, đã bổ sung vào số tiền trên, nên rất nhanh chóng, dưới sự điều khiển của kiến trúc sư Le Mercier, ngôi nhà đã mọc lên bên cạnh giáo đường và được phân ranh bởi phố Vieux-Colombier và phố Pot-de-Fer. Viên đá đầu tiên đã được đặt trong tháng 09, và không đầy hai năm sau, Khâm sứ Tòa Thánh là Đức Cha Bagni đã làm phép kiến trúc mới vào ngày 15 tháng 08 năm 1651. Đó là một kiến trúc tráng lệ theo sơ đồ hình vuông, với một sân trong lớn. Cha Bề Trên đã muốn mỗi chủng sinh phải có phòng riêng, điều này xem ra thích hợp hơn với tuổi các ứng sinh và với việc đào tạo đời sống nội tâm ngài muốn dành cho họ. Như thế ngài đổi khác với các chủng viện của thánh Charles Borromée có những phòng ngủ lớn và những phòng học chung tỏ rõ ý chí muốn kiểm soát ngặt, điều không hề có tại Xuân Bích. Không khi nào cha Olier đã khuyên một cha Bề Trên chủng viện, như mới đây vị cải tổ nổi tiếng ở Milan đã làm, là đến bất ưng tại một nơi các chủng sinh đang tụ họp để bắt quả tang những sai phạm kỷ luật có thể xảy ra.

Kỷ luật

Tại chủng viện Xuân Bích, kỷ luật nghiêm nhặt và sự vâng lời trong từ bỏ ý riêng được coi như cần thiết để tìm sự thánh thiện ; tuy nhiên sự nghiêm nhặt luôn đi đôi với sự dịu dàng, và sự vâng lời được sống như một tiếng gọi của tự do. Cha Olier và các cộng sự viên của ngài rất mực trọng kính những kẻ các ngài đào tạo, các ngài luôn ưu tư cùng tham dự với họ và như họ mọi sinh hoạt trong cộng đồng, kể cả những giờ giải trí, để đưa vào đời sống chung một thứ tinh thần gia đình. Để hiến thân tối đa cho chức vụ của mình và để luôn hiện diện với những ứng sinh linh mục, các linh mục trong cộng đồng đã từ khước không đảm nhận cả việc làm linh hướng mà rất nhiều dòng tu khẩn khoản yêu cầu các ngài.

Tại chủng viện, giờ đánh thức rất sớm, 04g.30 trong tuần, 05g.00 ngày Chúa Nhật, đó là thói quen thời đó. Việc nguyện gẫm kéo dài một giờ sau khi thức dậy. Rồi mọi người tham dự thánh lễ. Sau ăn sáng, những ai theo các lớp tại Sorbonne bỏ chủng viện để tới Đại Học. Các anh em khác học ngay tại nhà. Như thế, hầu như cả buổi sáng là dành cho việc học hành. Việc tập hát cũng chiếm một chỗ quan trọng vào cuối buổi sáng. Mười một giờ, cộng đồng tề tựu tại nhà nguyện để xét mình riêng. Lúc đó mỗi người phải đọc một đoạn Tân Ước. Mười một giờ mười lăm chuông báo hiệu cơm trưa, cơm dùng trong yên lặng nghe đọc sách. Tiếp theo ngay là giờ chơi, không ai được vắng mặt vì đây là cơ hội để trao đổi với nhau. Sau đó là Kinh chiều và kinh tối, quá sớm đối với chúng ta ngày nay, nhưng vào thời đó người ta ít lưu ý xếp đặt kinh nhật khóa phù hợp với các giờ trong ngày. Sau trưa lại tiếp tục công việc trí thức hoặc tại Sorbonne, hoặc tại chủng viện đưới hình thức giảng lại (répétitions). Năm giờ chiều, lần chuỗi chung, cơm tối và giữ lặng thinh tới ngày hôm sau.

Mọi Chúa Nhật và lễ trọng, cả cộng đồng ra nhà thờ tham dự thánh lễ và kinh chiều. Cũng ngày Chúa Nhật, các chủng sinh giúp đỡ các linh mục trong giáo xứ dậy giáo lý. Như vậy mặc dầu có đời sống nhiệm nhặt rất gần chế độ tu viện, các ứng sinh linh mục vẫn giữ một sự hiện diện thực sự với đời sống mục vụ.

Trực giác căn bản

Đối tượng chính yếu của chủng viện là chuẩn bị các linh mục trở thành những yếu tố của cuộc đổi mới trong Giáo Hội do phẩm cách thiêng liêng của đời sống và việc giảng dậy của họ. Vì thế cha Olier không chỉ nhằm đào tạo những nhà thần học uyên thâm, hoặc những người có khả năng thành thạo về mục vụ, nhưng còn là những con người nội tâm biết phản ảnh, qua lời nói và việc làm, một điều gì đó từ mầu nhiệm Thiên Chúa mà họ thấm nhuần. Ngài chỉ trích các nhà tiến sĩ tại Sorbonne nơi nhiều chủng sinh Xuân Bích theo học, là quá buông mình theo tinh thần gây sự và tranh biện trường phái, mà không truyền đạt được qua môn thần học của họ, một của nuôi thiêng liêng đích thực. Tuy vậy ngài không hề coi nhẹ sự quan trọng của việc học hành. Trái lại ngài coi sở trường về thần học là chính yếu. Nhưng ngài luôn nghi ngờ thứ khoa học làm cho kiêu căng mà không tăng thêm lòng yêu mến Thiên Chúa trong các tâm hồn.

Lời nguyện thời danh của cha J.-J. Olier : “Lạy Chúa Giêsu sống trong Mẹ Maria, xin hãy đến và sống trong các tôi tớ Chúa…” được lấy lại từ một bản văn của cha Condren, chỉ cho chúng ta đường hướng căn bản sư phạm thiêng liêng của vị sáng lập Xuân Bích : để cho Chúa Kitô cư ngụ và sống trong chúng ta, làm cho chúng ta thấm nhuần các tâm tình của Chúa, ước muốn của Chúa, sức mạnh của Chúa, các nhân đức của Chúa, và sau cùng Thánh Thần của Chúa, ngõ hầu mọi hành động của chúng ta đều được hoàn thành trong Chúa. Đó chính là kinh nghiệm của ngài về sự thông hiệp với Chúa Kitô mà ngài muốn chia sẻ :

Tôi bị kích động và phấn chấn mạnh mẽ bởi Thần Linh của Chúa Giêsu của tôi đến độ tôi coi đó là một linh hồn thứ hai, linh hồn của linh hồn tôi, hay nói đúng hơn chính là linh hồn tôi. Tất cả những gì Ngài muốn, tôi cũng muốn. Điều gì Ngài truyền dậy, tôi cũng làm. Điều Ngài hài lòng, tôi cũng hài lòng. Điều Ngài không muốn, tôi cũng không muốn. Và hoàn toàn ngược lại, tôi cũng không thể thực hiện được cả khi tôi muốn.

Tất cả những cái đó không có điều gì đặc biệt dành riêng cho các linh mục cả. Đó chính là đời sống kitô giáo kín múc từ tận nguồn phép Rửa, mà cha Olier mời gọi các linh mục tương lai bước tới, với chiều kích nội tâm hóa cha rất quý trọng, đánh dấu lòng khao khát sâu thẳm của ngài muốn giúp đỡ con người đổi mới tận sâu thẳm nội tâm của mình, theo đường hướng của thánh Phaolô và thánh Gioan, bằng cách thông hiệp vào “nội tâm của Chúa Giêsu-Kitô” nhận lãnh mọi sự từ Cha Ngài và sống nhờ Thánh Thần. Hơn nữa chính cha đã thiết lập một lễ kính “đời sống nội tâm của Chúa Chúng Ta”. Vậy ngài muốn đào tạo người tín hữu trong vị linh mục. Bởi vì cần “canh tân kitô giáo” nên phải chuẩn bị các linh mục trước hết để họ là những kitô hữu thật tốt, như vậy gương sáng của họ mới gây được ảnh hưởng. Vả lại làm sao có thể dẫn dắt các chi thể khác của Giáo Hội tới sự thánh thiện được nếu chính họ đã không hết sức hướng tới đó ? Ngài nói, một “tâm hồn” có thể bước vào chức linh mục, khi tâm hồn đó “tuyên hứa sống đời sống kitô giáo và đời sống trọn lành mà nó được gọi đến để nên người kitô hữu chân chính và người kitô hữu kiện toàn, là chết cho chính mình và sống cho một mình Thiên Chúa”. Như thế các linh mục trở thành, theo hình ảnh Chúa Kitô, những “kẻ phượng thờ Thiên Chúa” (religieux de Dieu). Kiểu nói này thường bị hiểu sai. Tại đây từ “religieux” không hề có ý chỉ đời sống tu dòng (“tu sĩ”) như người ta hiểu ngày nay. Người “religieux” trong ngôn ngữ của cha Olier, là kẻ thực hành nhân đức thờ phượng (vertu de religion), nghĩa là kẻ đặt mình đối với Thiên Chúa trong một mối liên hệ chính đáng làm thành bởi thái độ thờ lạy và lòng yêu mến. Với danh nghĩa đó Đức Kitô là người thờ phượng đích thực của Thiên Chúa (le vrai religieux de Dieu) ; sau Ngài và trong Ngài mọi thành phần trong Giáo Hội đều được kêu gọi để trở nên như vậy. Riêng phần các linh mục, phải trở nên như thế một cách tuyệt hảo để giúp đỡ các kitô hữu đạt tới tình trạng đó.

Trong viễn tượng hoàn toàn thần bí đó, người ta dễ hiểu hơn cách thức cha Olier quan niệm về đời sống khổ hạnh. Chắc chắn người ta phải bỡ ngỡ về cách sống nhiệm nhặt và tinh thần hãm mình ngài đã đưa vào chủng viện. Những thực hành sự từ bỏ ngài đòi buộc, như kiêng giữ trong lời nói và trong cái nhìn thật là ngặt nghèo đối với tâm trạng thời mới của chúng ta. Tuy nhiên những thực hành đó không nhằm chính chúng. Chúng chỉ được thực hiện để giải phóng con người trong việc tìm kiếm sự kết hợp với Thiên Chúa. Hơn nữa, nhất là chúng muốn dẫn đưa đến sự từ bỏ chính bản thân mình. Đàng khác, cha Olier vẫn nghi ngờ những thái quá. Ngài cho những lời khuyên phải khôn ngoan để tránh cho các đệ tử mình những nguy hiểm của sự sốt sắng hỗn độn vô trật tự . Năm 1650 ngài viết cho một linh mục trẻ :

Tôi phải cảnh cáo cha trước về mùa chay của cha, là cha phải cẩn thận đừng có làm việc đến cạn kiệt sức lực của cha, kẻo có lẽ sẽ là lần cuối cùng đấy, vì những sự thái quá đó rất nguy hiểm. Đừng có theo sự sốt sắng và sự hăng say mà xả thân …thường là do chước cám dỗ, điều đó chỉ đem đến kết quả là hủy diệt những tôi tớ của Thiên Chúa.

Chính ngài tự buộc mình phải vâng lời cha linh hướng trong những thực hành hãm mình của ngài :

Tôi đã rất muốn mặc áo nhặm, ngài viết năm 1642 khi được tin một người ngài chứng kiến cuộc hấp hối đã qua đời, và tôi đã sẵn sàng để thực hiện, thì nhớ lại rằng cha linh hướng đã không hề cho phép, điều đó đã ngăn cấm tôi không được trái lệnh.

Đôi khi người ta đã nghĩ rằng đường hướng nội tâm hóa được luôn nhắc lại trong những lời khuyên bảo của vị sáng lập Xuân Bích, đào tạo ra một loại thái độ thiêng liêng vị cá thể hóa. Trong kinh nghiệm của cha Olier thì lại hoàn toàn ngược lại. Trước kết vì ngài quan niệm đời sống kitô giáo là thuộc Giáo Hội. Một kitô hữu đối với ngài là một thành phần của Giáo Hội, được ăn khớp với những thành phần khác. Chúa Thánh Thần làm sinh động họ là Thánh Thần của Giáo Hội. Cha Olier khuyên bảo như sau về việc cầu nguyện :

Khi anh em đến cầu nguyện… anh em hãy buông mình… cho Thánh Thần của Giáo Hội, chỉ mình Ngài mới biết cầu nguyện như thế nào, điều mà anh em không biết, để Ngài dẫn dắt anh em, và trong khi giúp đỡ anh em, Ngài làm cho anh em cầu nguyện. Thánh Thần của Giáo Hội đó là Thánh Thần của Chúa Giêsu-Kitô, Ngài cũng là một trong những chi thể và trong Đầu.

Chính vì thế mà cha Olier coi lễ Các Thánh như

một trong những lễ quan trọng nhất của Chúa Giêsu-Kitô… vì đây là mầu nhiệm làm cho Chúa Chúng Ta “được hoàn hảo”. Trong lễ trọng này Con Thiên Chúa được nhìn thấy trọn hảo trong các chi thể của Ngài.

Hơn nữa, tất cả kinh nghiệm của ngài đều hướng về đời sống truyền giáo mãnh liệt. Chúng ta đã trích dẫn câu nói thời danh của ngài : “Tôi khẩn nài hãy tha thiết và siêng năng cầu xin cho tôi có được tinh thần tông đồ”. Phải hiểu kiểu nói đó theo nghĩa mạnh : tinh thần tông đồ, là chính Chúa Thánh Thần Đấng sinh động các Tông Đồ từ trong nội tâm và làm phát sinh những lời chứng của các ngài. Thực sự, đối với cha Olier, chính trong sự hiệp thông với Chúa Kitô mà người Kitô hữu kín múc được lòng khao khát tham dự vào ơn cứu độ của thế giới. Mặc lấy những tâm tình của Chúa Kitô cũng là kết ước ý muốn của Ngài dâng mình cho Chúa Cha vì nhân loại. Vậy nơi cha Olier nội tâm hóa không bao giờ là khép mình lại, nhưng trái lại là một cuộc sống mãnh liệt của Thiên Chúa trong ta lan tràn ra bên ngoài bằng chứng tá của lời nói và việc làm. Chiêm niệm và hành động không bao giờ chống đối nhau. Việc sau phát sinh từ việc trước như là từ nguồn suối của nó ; việc trước được thúc đẩy bởi việc sau trong sự thán phục công việc của Thiên Chúa được hoàn thành. Nó kết thúc bằng lời chuyển cầu qua đó các linh mục mang trách nhiệm về Giáo Hội trước Thiên Chúa. Ngài viết cho một cha linh hướng ở chủng viện :

Một linh mục phải cầu nguyện cho cả thế giới. Ngài phải có một con tim cũng rộng rãi và cũng cởi mở như Giáo Hội ; để Thánh Thần của Thiên Chúa diễn đạt (nghĩa là trải ra) và triển nở trong ngài theo như mức độ Ngài làm trong toàn thể Giáo Hội và trong mọi dân tộc.

Cha Olier yêu thích đặc biệt lễ Hiện Xuống. Ngài đã đặt cho nhà nguyện tại ngôi nhà mới của chủng viện một bức họa lớn do họa sĩ nổi tiếng Charles Le Brun, diễn tả việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Trinh Nữ và các Tông Đồ, bức họa ngày nay hãy còn rất đẹp tại Nhà Tổng Hội Xuân Bích tại Paris.

Sư phạm thiêng liêng

Sư phạm của cha Olier chính yếu dựa trên bốn cột trụ của tòa kiến trúc con người nội tâm : đọc Thánh Kinh, sùng kính Thánh Thể, nguyện gẫm và linh hướng. Chúng ta đã có dịp, vào thời ở Vaugirard, lưu ý đến sự quan trọng của việc đọc Thánh Kinh trong đời của chính cha Olier và trong việc đào tạo các ứng sinh linh mục. Chúng ta cũng đã bày tỏ chỗ đứng trung tâm của Thánh Thể trong nhiệm vụ mục tử của ngài. Ngài thấy một mối dây chặt chẽ giữa Lời Chúa và Thánh Thể. Ngày 29 tháng 08 năm 1644, trong giờ nguyện gẫm, ngài nhận được từ Thiên Chúa một tình yêu rất lớn đối với Thánh Kinh. Một trật ngài cũng thấy,

qua một ánh sáng đức tin thầm kín rằng Thiên Chúa ngự dưới Lời thánh của Ngài để nuôi dưỡng Giáo Hội, giống như Ngài ngự dưới những phẩm hạng và tùy thể của Mầu Nhiệm Thánh Thể.

Ngày hôm sau ngài hiểu rằng tại chủng viện người ta phải tỏ lòng trọng kính lớn đối với cuốn Thánh Kinh,

luôn phải đặt tại một nơi có trang trí tại nhà nguyện, khi ra vào phải kính bái như là một bình thánh ở trong có mang Thiên Chúa ẩn mình dưới những Chữ Viết (Écritures) để soi sáng Giáo Hội.

Ngôi Lời, “sự diễn đạt (nghĩa là bày tỏ ra) tất cả hữu thể thần linh”, “sự khôn ngoan vô cùng” mà không ai có thể hiểu được, tự diễn tả mình trong Thánh Kinh theo cách thức nhân loại. Vậy đó là :

nơi mà chúng ta phải kín múc ánh sáng, tình yêu và sức mạnh của chúng ta ; tóm lại, đó là nơi Thiên Chúa ẩn náu để ban mình cho chúng ta và làm cho chúng ta thông hiệp vào các ân sủng của Ngài.

Người ta thấy, việc nghe Lời Chúa làm thành một trong những địa hạt để kinh nghiệm thần bí thông hiệp với Chúa Kitô trải rộng ra. Phương chi cũng như thế về phép Thánh Thể :

Chúng ta hoàn toàn mất hút trong Chúa khi rước Mình Thánh Ngài đến nỗi không còn gì có vẻ là của chúng ta nữa, không còn gì thuộc về chúng ta ; nhưng tất cả đều ở trong Chúa Giêsu-Kitô, và tôi không hề thấy trong tình trạng đó còn sót lại điều gì của tôi, nhưng tất cả là Chúa Giêsu-Kitô bởi vì Ngài đã hấp thụ và tiêu hao linh hồn tôi đến mức đó.

Chính trong cùng một viễn tượng đó phải hiểu chỗ đứng của việc nguyện gẫm và việc linh hướng trong đời sống Kitô giáo và trong khi đào tạo các linh mục. Nguyện gẫm là nơi người kitô hữu thông hiệp vào nội tâm của Chúa Giêsu-Kitô và để mình được biến đổi trong Ngài nhờ Chúa Thánh Thần. Linh hướng là nơi kẻ được hướng dẫn, dưới sự dẫn dắt của cha linh hướng, đặt mình để Chúa Thánh Thần hiệp thông vào ý muốn của Chúa Cha trong chính hành động của Ngài, vì mục đích tối hậu chính là để Chúa Thánh Thần trở thành vị “linh hướng bề trong đích thực” của mình. Nào cha Olier đã chẳng gọi cha linh hướng của mình là “bí thích được chúc phúc của Chúa Thánh Thần sao ?

Vậy bốn điểm cực (pôles) lớn của sư phạm thiêng liêng phải được hiểu trong liên hệ vơi chiều kích thần bí của kinh nghiệm ngài. Không lúc nào ngài đã coi chúng như chỉ đơn giản là phương tiện, nhưng luôn luôn là những địa hạt để thể hiện và đào sâu sự kết hợp với Chúa Kitô, mục đích cuối cùng của mọi đời sống thiêng liêng. Người ta sẽ không bỡ ngỡ thấy tự nhiên ngài quy hướng việc thực hành chức vụ linh mục về cùng một viễn tượng đó. Trong mọi hành động của chức vụ mình, các linh mục tự phó thác cho Thánh Thần của Chúa Kitô để Ngài nói và hành động trong họ và qua họ. Tự hư vô hóa, tự quên mình, để hoàn toàn nhường chỗ cho Thánh Thần sinh động của Chúa Kitô phục sinh, đó là điều họ được mời gọi tới :

Vậy phải buông mình cho Chúa Thánh Thần để Ngài dùng chúng ta mà thực hiện, qua chức vụ và qua cơ quan lời nói của chúng ta, điều Ngài muốn dùng tấm màn che của một lời cảm thấy được mà đưa vào tâm hồn Lời không cảm thấy được của Ngài.

Vậy các linh mục kết hợp với Chúa Kitô trong chính chức vụ của họ, chức vụ do đó trở thành lối diễn đạt đặc cách của đời sống thiêng liêng của họ.

Đó là cách thức cha Olier trình bày về chức vụ cũng như những đòi hỏi cho các linh mục tương lai bước vào chủng viện Xuân Bích. Ngài trao cho họ chính kinh nghiệm bản thân của ngài. Đây là những điều thâm tín ngài đã có được trong đời làm nhà truyền giáo, rồi làm mục tử, mà ngài tìm cách để thông truyền cho họ.

Người ta sẽ phản bội vị sáng lập Xuân Bích nếu không nhắc đến sự bận tâm thường xuyên của ngài để phổ biến nơi các chủng sinh lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta đã lưu ý đến chỗ đứng của việc sùng kính này trong liên hệ của ngài với Thiên Chúa. Vì là Mẹ Thiên Chúa Đức Maria là thụ tạo thông hiệp nhiều nhất vào “nội tâm Chúa Giêsu” trong đó Thiên Chúa được “tôn kính, ngợi khen, trân trọng, tôn vinh, nhận biết, cảm tạ, yêu mến và thờ lạy bao nhiêu có thể được”. Vậy thì chính ở bên Đức Maria ta phải đến để học hỏi về những tâm tình của Chúa Kitô, bởi vì Mẹ cảm thông vào đó hơn bất cứ ai trên trần gian này. Trong ngôi nhà mới của chủng viện, hình ảnh Đức Trinh Nữ có mặt ở khắp nơi, đặc biệt trong nguyện đường nơi những bức họa lớn trình bày những cảnh Phúc Âm nói về Mẹ ; bức họa lễ Hiện Xuống, đã nói trên đây, ngự trị phía trên bàn thờ. Năm 1654, cha Bề Trên còn xin Le Brun vẽ một bức họa miêu tả cuộc “Khải hoàn của Đức Trinh Nữ” trên trần nhà nguyện. Ở cuối sân lớn, đối diện với cổng chính, một pho tượng do nhà điêu khắc Buistel tạc miêu tả Đức Trinh Nữ ngồi giữ Con Trẻ Giêsu đứng trên đầu gối Mẹ. Mấy ngày trước khi làm phép nhà, cha Olier đi hành hương tại Chartres để dâng các chìa khóa của chủng viện cho Đức Maria. Và cũng trong tinh thần đó cha đã chọn làm thánh Bổn Mạng chủng viện Tông Đồ Gioan, người đã được Chúa Giêsu trao phó Mẹ Ngài.

Hội Xuân Bích (La Compagnie de Saint-Sulpice)

Khi tới xứ Saint-Sulpice, cha Olier và các bạn đồng nghiệp làm thành một toán người gắn bó rất chặt chẽ. Một số đã biết nhau từ nhiều năm, còn những người mới tới đã dễ dàng hội nhập vào toán. Nhưng chưa có vần đề liên kết chính thức thành một hội. Tư tưởng thành hình trong tâm trí của vị sáng lập từ từ theo sự nghiệp mỗi ngày cứ vững chãi thêm. Ngài 02 tháng 05 năm 1645, người ta thấy ngài lên Montmartre[9] với hai linh mục thuộc cộng đoàn chủng viện là Antoine de Poussé và Antoine Damien

để thề hứa trên sách Phúc Âm, trong tay Cha Đáng Kính Bataille, là không bao giờ chúng tôi sẽ từ bỏ ý định mà Thiên Chúa đã khứng soi sáng cho chúng tôi liên kết với nhau để Ngài dùng như cơ quan và phương tiện nghèo nàn mà cố gắng chuẩn bị cho Ngài những linh mục biết phục vụ Ngài trong tinh thần và chân lý.

Như thế là hòn đá đầu tiên của Hội tương lai đã được đặt. Tuy nhiên sự cam kết mới chỉ là thử nghiệm trong một năm thôi, mỗi người sau đó sẽ phải vâng theo phán quyết của cha linh hướng riêng của mình. Lúc đó mây mù đã kéo đến. Nhiều vị cộng tác của cha Olier, cảm thấy những khó khăn kinh tế trầm trọng cha Olier phải đương đầu, đã hăm dọa bỏ đi. Đây là cách vài tuần trước khi xảy ra cuộc phiến động chút nữa đã vĩnh viễn đẩy cha sở ra khỏi giáo xứ của mình, và sự bất mãn đã gầm gừ phát nổ. Tuy vậy, ngày 27 tháng 05, ba vị hành hương Montmartre đã hoàn tất ngôi nhà Méliand để tạm chứa những ứng sinh linh mục và ngày 02 tháng 06, cha Antoine de Poussé trối lại tài sản cho chủng viện. Những cử chỉ tín cẩn giữa cơn thử thách đó đã khiêm tốn đặt nền móng cho Hội Linh Mục sẽ phát sinh vài năm sau đó.

Mãi đến năm 1651, trong Tổng Công Hội hàng Giáo sĩ cha Olier mới trình lên các Giám Mục, dự án của ngài, rất độc đáo, phải thừa nhận như vậy, và sau ngày ngài qua đời sẽ được sửa đổi, xét vì những khó khăn nảy sinh khi đem áp dụng cụ thể. Ngài đã không muốn lập thành một hội dòng, cũng không muốn thành một hội có tổ chức chẳng hạn như các cha dòng Eudes hay Oratoire. Hội các linh mục Xuân Bích có một vị Bề Trên được liên kết với mười hai cộng tác viên để gợi lại cách tượng trưng Tông Đồ Đoàn. Các vị này có thể được sai đến các địa phận để thiết lập các chủng viện tại đó và chuẩn bị cho có các linh mục đủ khả năng đảm nhận trách nhiệm. Một khi phận sự hoàn tất, họ phải trở về Saint-Sulpice để có thể nhận những sứ mệnh khác. Chung quanh cha Bề Trên và mười hai vị, nhiều linh mục khác đi kèm theo để giúp đỡ các ngài trong công việc đào tạo, và họ có thể được các Giám Mục yêu cầu chu toàn một phận sự nào đó. Còn về phần chủng sinh, bình thường họ sẽ trở về địa phận mình sau khi việc đào tạo họ đã hoàn tất, trừ ra khi họ muốn nhập Hội.

Vậy từ bước đầu, đây là một Hội rất uyển chuyển, dung nạp nhiều khả năng, nhưng khó quản trị vì lý do con số và sự đa dạng của những yêu cầu. Vị sáng lập không thiếu tài khéo. Không phải cha không biết vào thời đó những dòng tu và hiệp hội được tổ chức chặt chẽ không có mấy thế giá nơi các Giám Mục, các Ngài ngại trao các chủng viện cho họ vì họ sẽ ở lỳ lại sau đó. Sự uyển chuyển của dự án cha Olier đề nghị làm các Ngài hài lòng. Các Ngài rất ưng thấy cả một kho nhân sự được huấn luyện cẩn thận, đủ khả năng giúp khởi đầu các chủng viện rồi sau đó rút lui. Các Ngài chấp nhận Hội và đặt tên là “Hội các Linh Mục của hàng Giáo sĩ Pháp”. Cách gọi đó hợp với nguyện vọng của cha Olier và các bạn đồng nghiệp của ngài. Họ sẵn sàng tự xưng là “những linh mục của hàng Giáo sĩ” (les prêtres du Clergé). Bởi vì họ không hề muốn tách mình khỏi các linh mục khác bằng bất cứ một điều gì. Trong khi tự dành mình để phục vụ các linh mục, họ không hề xin cho Hội của mình “một sự phân biệt nào làm chia cách và loại trừ họ ra khỏi đời sống chung của hàng Giáo sĩ”.

Thế là chính thức bắt đầu điều mà vị sáng lập gọi là “Hội yếu ớt và rất nhỏ mọn các linh mục của hàng Giáo sĩ Pháp”. Nhiều thành viên mới nhanh chóng gia nhập. Giữa ho, có những vị trẻ tuổi rất hứa hẹn, như Alexandre Le Ragois de Bretonvilliers, vị nối nghiệp trực tiếp của cha Olier, đã đến theo ngài tại Saint-Sulpice năm 1643, hoặc thêm nữa, Louis Tronson, linh mục trẻ rất thông thái, có mẹ đã nhận cha Olier làm linh hướng, được mời làm đào tạo viên tại chủng viện. Chính ngài sau này sẽ kế vị cha Bretonvilliers đứng đầu Hội. Thế là toán nhỏ tại Vaugirard đã được đổi mới và lớn mạnh phi thường. Hai bạn đồng nghiệp trung thành đã hỗ trợ cha Olier trong những năm khó khăn, và đã được ngài trao phó những trách nhiệm nặng nề nhất, không còn ở đó nữa : Cha Caulet, người bạn rất thiết nghĩa, đã được bổ nhiệm làm Giám Mục Pamiers năm 1645 ; cha Ferrier lại được sai đi Rodez năm 1648 để lập một chủng viện mới ; trở thành Tổng Đại Diện tại đó. Rồi đây được nhiều địa phận yêu cầu, đã bỏ Saint-Sulpice đi Albi, rồi tới nhiều địa phận khác, tại đâu cũng giữ chức Tổng Đại Diện. Ngoài ra cả hai đã gây thất vọng nặng nề : Caulet bị lôi cuốn bởi phái Jansénisme, đã chống đối mạnh mẽ những phán quyết của Rôma ; Ferrier để mình bị lôi cuốn do ham thích làm chính trị , đã dính líu vào vụ La Régale[10], và đã kết liễu đời mình tại nhà tù Bastille năm 1680. Để đào tạo thiêng liêng các ứng sinh muốn trở nên thành viên của Hội, cha Olier đã thiết lập điều ngài gọi là “chủng viện nội tâm”. Thời gian đào tạo đó, sau này được ấn định là một năm, hẳn là khi cha Olier còn bình sinh đã có những giới hạn uyển chuyển hơn. Dầu sao, nó được diễn ra dưới hình thức một cuộc tĩnh tâm kéo dài. Kể từ năm 1655, nó được diễn ra tại lâu đài Avron, gần Chelles hiện nay ở miền Seine et Marne. Biệt thự này là tài sản của gia đình cha Bretonvilliers. Sau này “chủng viện nội tâm” sẽ được chyển về Issy[11].

Nhận trách nhiệm nhiều chủng viện tại Pháp

Chủng viện đầu tiên được các linh mục Xuân Bích thành lập do lời yêu cầu của một Giám Mục là chủng viện Nantes. Đức Cha Beauvau đã thử nghiệm một tổ chúc với các linh mục địa phận, nhưng đã thất bại. Cha Olier đã sai tới Nantes, vào mùa hè 1649, hai cộng tác viên trực tiếp của ngài, cha Gabriel de Queylus và cha Damien Hurtevent ; việc này ngài đã hơi dè dặt, vì địa phận Nantes có rất nhiều linh mục, và cha Olier ưa giúp đỡ các địa phận thiếu linh mục hơn. Đàng khác ngài sợ sẽ gặp khó dễ từ các cha dòng Oratoire có mặt tại Nantes. Điều đã thật sự xảy ra. Một cuộc trao đổi thư từ rất lịch thiệp nhưng quả quyết giữa cha Bề Trên dòng Oratoire là cha Bourgoing và cha Bề Trên Xuân Bích, làm chứng điều đó. Ngay tháng 10 tiếp đó, cha Queylus được gọi về lại Paris để được đặt đứng đầu cộng đoàn giáo xứ ; cha Hurtevent lên làm Bề Trên, nhận cha Balthasar Maillard làm Phó, năm sau đến lượt ngài sẽ làm Bề Trên. Sau cùng, mặc dầu cha Olier muốn rút lui ngay từ khi trường sở đã hoạt động tốt và các vị linh mục địa phận có thể đảm nhận việc điều khiển, các cha Xuân Bích đã phải ở lại Nantes liên tục mười hai năm trời.

Đối với cha Olier, Đức Giám Mục là Bề Trên đệ nhất của chủng viện. Vì thế ngài không toan tính một việc gì mà không chắc chắn việc đó thực sự hợp với ý muốn của đức Giám Mục.Vì vậy ngài đã không tìm thiết lập tại Avignon, cho dù nhiều phía đề nghị với ngài, vì ngài nghe rằng Giám Mục không mấy hứng khởi. Trái lại vào cuối năm 1650, ngài đã tích cực đáp ứng lời yêu cầu của Đức Giám Mục Viviers, và chính cha Gabriel Queylus, dứt khoát là người tin cậy, được ủy nhiệm đi thành lập chủng viện. Nhưng cũng trong thời gian đó ngài đã không thể gửi các cha Xuân Bích đến Tổng Giáo Phận Toulouse. Tuy vậy sang tháng giêng năm 1651, ngài đã sai cha Eymère đến điều khiển những bước đầu của chủng viện Saint-Flour. Năm sau đó, vào tháng 11, nhân dịp ngài đi qua Puy, ý định thành lập một chủng viện được tranh luận cả từ mười năm nay, sau cùng được quyết định và dĩ nhiên là cha Olier được yêu cầu. Cha Charles de Lantages được chỉ định làm Bề Trên. Ngài nhang chóng chiếm được lòng tín cẩn của hàng giáo sĩ đến độ Giám mục, Đức Cha Maupas, mấy năm sau đã nói là từ ngày thành lập chủng viện, “không còn nhận ra được” hàng giáo sĩ của Ngài nữa. Ngài tín nhiệm cha Lantages đến mức, mặc dù cha phản đối, Ngài vẫn đặt cha làm Tổng Đại Diện. Nhưng cha Olier đã chống lại : ngài đe sẽ rút cha Bề Trên về nếu vị này tiếp tục kiêm hai nhiệm vụ. Ngài cho rằng cha không thể ở gần các linh mục (tương lai) nếu cha giữ chức quản trị quan trọng như vậy trong địa phận, Đàng khác, cha là thành phần trong mười hai vị (cộng sự viên) nên phải luôn sẵn sàng để có thể được sai đến các chủng viện khác hoặc trở về Xuân Bích nếu có nhu cầu.

Năm 1654, các cha Xuân Bích lại nhận trách nhiệm chủng viện mới của địa phận Clermont. Cha Queylus một lần nữa được cử làm BTrên, nhưng mấy tháng sau, có quyết định gửi ngài sang Canada, và ngài được cha Antoine de Poussé thay thế.

Qua tất cả những năm đó, người ta chứng kiến sự thể hiện điều mà cha J.-J. Olier vẫn mơ tưởng từ lâu, sự nảy sinh nhiều chủng viện trên khắp địa dư các địa phận tại nước Pháp. Hoặc ở gần hoặc ở xa, Xuân Bích vẫn tham dự vào những bước khởi đầu khác nữa, hoặc ít ra giúp khởi thảo lên những dự tính sau này sẽ thành hình. Nhưng từ từ hiện ra những giới hạn của cơ cấu đã do vị sáng lập nghĩ ra. Một đàng Hội chỉ có thể có được sẵn sàng một số nhỏ các linh mục, và cho dù có tính cách tượng trưng, con số mười hai cũng không phải là không quá hạn hẹp. Đàng khác, một khi các chủng viện đã được thiết lập, chẳng mấy khi có thể rút lui được. Trong thực tế, các linh mục địa phận thiếu chuẩn bị để có thể bảo đảm được sự liên tục. Chính vì thế để có thể lãnh trách nhiệm những chủng viện cách bền vững, Hội Xuân Bích đã từ từ chuyển đổi, sau ngày cha J.-J. Olier qua đời, sang một hội linh mục, được tổ chức theo mẫu các hiệp hội hay hội dòng khác. Nhưng những thành viên của Hội giữ nguyên nhập tịch (incardination) trong địa phận gốc của mình. Như thế họ vẫn là “linh mục của hàng giáo sĩ” địa phận.

7

Những năm cuối cùng

Đối với giáo xứ Saint-Sulpice, năm 1645 đã là một năm đau thương vì những biến động đã làm lay chuyển, nhưng cũng là một năm phong phú, vì sự nghiệp do cha sở dự tính một khi thoát khỏi thử thách đã được củng cố vững vàng. Trong những năm cha Olier tiếp tục công việc mục vụ của ngài theo những hướng đi lớn ngài đã khai mở. Sức xung động khởi sự ngay từ điểm phát xuất đã đem lại kết quả, và một khi những sôi động của cuộc khủng hoẳng đã lắng dịu, giáo xứ đã gặp được một thời gian lâu dài vừa sống sinh động vừa bình an .

Chúng ta đã thấy, cả chủng viện cũng phát triển ; những ứng sinh đến trình diện mỗi ngày một đông thêm và ảnh hưởng của Xuân Bích trải rộng trên đất Pháp.

Ngày 23 tháng giêng năm 1646, cha Olier sau cùng đã thành công trong việc từ bỏ được nhà dòng Pébrac. Ngài đã thất bại trong việc cố gắng cải tổ. Ngài trao đổi bổng lộc của mình với viện tu Cercanceau, thuộc quyền của một người bà con, làm Giám Mục tại Châlons-sur-Marne là Félix de Vialart. Trong tháng 10 ngài vắng mặt khỏi Paris một thời gian. Tuy mới ba mươi chín tuổi, nhưng ngài đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Ngài đã tự tiêu hao quá nhiều, không hề biết lượng sức khỏe của mình, lãnh chịu biết bao lo lắng và trách nhiệm ; sức khỏe ngài lại không có gì khả quan, và các người thân cận đã khuyên ngài phải nghỉ ngơi.

Cũng trong thời kỳ này đã xảy ra một tiểu tiết kỳ cục bộc lộ tinh thần tông đồ của ngài, nhưng cũng để lộ ra khía cạnh đôi khi quá bột phát trong cảm hứng của ngài. Sau khi Babylon thất thủ vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ[12], Rôma đã chuyển Tòa Giám Mục tới Ispahan[13]. Phải thay thế giám mục đang lâm bệnh. Đức Khâm sứ Bagni đề nghị cha J.-J. Olier nhận tòa. Ngài, cho tới giờ đã từ chối nhiều tòa giám mục, nay lại chấp nhận, không phải để thay đổi hướng đi thâm tín của đời ngài, nhưng do ưu tư truyền giáo. Ngài luôn giữ lòng ao ước đến những nơi xa xôi để rao giảng Phúc Âm. Ngài vẫn tiếp tục làm việc để giúp đỡ việc phúc âm hóa xứ Canada, và cả miền Viễn Đông cũng lôi cuốn ngài. Nay gặp một dịp tốt, ngài liền sẵn sàng nắm lấy. May thay các bạn ngài đã can thiệp và công việc không tiến xa hơn nữa.

Sau cùng, vào cuối năm 1647, ngài mới chịu săn sóc sức khỏe của mình. Trong tháng 09 ngài khởi sự cuộc du hành kéo dài trên ba tháng. Sau khi đã ngưng lại tại Châtillon-sur-Seine, rồi tại Clervaux, ngài tới Dijon lưu lại dòng Chartreuse, ngừng lại viện tu Cýteaux rồi đi Beaune nơi ngài đã nổi danh trước khi đến. Gaston de Renty, thân cận của dòng Kín đã giới thiệu ngài như một “một chiếc tầu lớn của ân sủng”. Ngài đàm đạo với các nữ tu dòng Kín và đặc biệt với chị Marguerite du Saint-Sacrement mà những ơn thần bí làm cho những người thân cận phải bỡ ngỡ, và chị phổ biến lòng sùng kính mầu nhiệm đời thơ ấu của Chúa Giêsu mà chính cha Olier rất nhạy cảm. Một liên lạc thư tín được thiết lập giữa hai người từ lần thăm viếng này cho tới ngày chị nữ tu qua đời vào năm sau đó. Từ Beaune, ngài đi Saint-Claude, rồi tới Annecy để cầu nguyện tại mộ thánh Phanxicô Salêsiô. Vào đầu tháng 10 ngài giảng cho các nữ tu dòng Thăm Viếng tại Grenoble nơi ngài vui mừng gặp lại Mẹ Bressand lúc đó làm Bề Trên tại tu viện. Sau đó ngài xuống niền Nam, viếng Sainte-Baume, qua Avignon, ngừng lại Nýmes, Montpellier, Rodez. Ngài ngược lên phía Limoges và rất xúc động vì tình trạng tồi tệ của địa phận, và sau khi đã cầu nguyện lâu giờ tại mộ thánh Martial, ngài trở về Paris. Lúc đó là vào nửa tháng 12.

Những từ bỏ cuối cùng

Ít tháng trước khi khởi sự cuộc du hành, cha Olier đã lấy một quyết định quan trọng hàng đầu đối với đời sống thiêng liêng của ngài. Ngày 23 tháng 01, ngài tuyên bố trong Nhật Ký rằng Thiên Chúa đã chứng giám “rất hài lòng về cuộc ly dị (sic) mà tôi đã làm với một người kia, mà tôi đã tin là rất hữu ích cho Thiên Chúa và cho linh hồn tôi”. Người mà ngài nói đến là bà Marie Rousseau. Vậy ngài đã đoạn tuyệt với bà, cuộc đoạn tuyệt không rầm rộ cũng không di hận, không loại trừ một vài gặp gỡ cũng như thư từ vắn gọn, nhưng từ nay sẽ đặt một sự cách biệt giữa hai người mà cha Olier cho là có ích lợi. Quyết định này ngài đã phải trả giá, khi người ta thấy chỗ đứng người dàn bà này đã giữ tới nay trong đời ngài. Bà đã là căn nguyên việc ngài trở lại. Ngài đã lấy ý kiến bà trong mọi hướng đi lớn ngài dự tính, và thường là ngài đã theo lời khuyên của bà. Ngài đã hoàn toàn tín nhiệm vào sự sáng suốt của bà. Về phần bà, chính bà cũng đã can thiệp và góp ý dồi dào, phải thừa nhận là những góp ý rất sáng suốt nữa. Rất thường trong Nhật Ký, cha Olier nói đến “linh hồn thánh thiện” này với niềm thán phục. Một vài chỗ làm ta phải đặt câu hỏi về sự tự do của ngài đối với bà, vì sự hiện diện của bà Marie Rousseau xem ra có vẻ gần như đến độ ám ảnh. Sự hiện diện phần lớn có tính cách mẫu tử, mà cha Olier cần đến, nhưng nó cũng làm trở ngại cho việc phô diễn trọn vẹn sự tự do thiêng liêng của ngài.

Ngài đã cảm thấy cần phải dứt bỏ vì ngài thấy rằng sự liên hệ đó ngăn trở ngài thuộc trọn về Thiên Chúa trong sự hoàn toàn trong sáng. Vậy chính vì ao ước một sự kết hợp mạnh mẽ và chân thật hơn với Thiên Chúa đã dẫn đưa ngài đến sự từ bỏ đó, một sự từ bỏ mà người ta đã nghĩ rằng không thể làm được khi đọc một vài đoạn văn trong Nhật Ký của ngài. Nhưng chắc chắn là sau những thử thách trải qua, ngài đã đạt tới một sự thành thục đem lại cho ngài một sự tự do đích thực đối với một người tới nay đã giữ một vai trò quan trọng đến thế trong đời sống của ngài. Hơn nữa người ta đã thấy rằng sau cuộc “ly dị”, như ngài nói, cha Olier đã cảm thấy ít cần phải kể về mình nữa. Cuốn Nhật Ký của ngài, đọc lên thường rất mệt nhọc, vì tác giả đưa chúng ta lạc vào vô vàn những uẩn khúc quanh co của cuộc biến chuyển tâm hồn ngài, nay trở thành vắn gọn hơn nhiều. Chẳng những ngài không cần đến tấm gương của bà Marie Rousseau nữa, mà ngài còn có thể bỏ qua cả tấm gương nhật ký thiêng liêng của ngài luôn.

Một hiện tượng tương tự cũng xảy ra cùng một thời gian về Mẹ Agnès de Langeac, qua đời từ nhiều năm rồi nhưng ngài vẫn luôn nghĩ đến Mẹ. Cả Mẹ nữa ngài cũng phải từ bỏ, và ngài xin lỗi Chúa : “từ nay không bao giờ để một thụ tạo nào ngoài Chúa lọt vào tâm hồn con nữa”. Như thế là ngài giải phóng mình khỏi mọi ràng buộc, dẫu ở bên kia cái chết, vẫn còn quá mẫn cảm theo cái nhìn của ngài.

Trong cùng thời gian đó, đức bác ái của ngài tỏ ra rất tế nhị, và có lẽ phải coi đó là kết quả của sự tự do mới mẻ đạt được do sự từ bỏ. Dầu sao đó hình như cũng là điều ngài nói với Mẹ Bressand mà có lẽ ngài đã bỏ không viết thư từ gì trong nhiều năm :

Thật là một điều tuyệt diệu khi đức bác ái của người kitô hữu tăng trưởng, tự nuôi dưỡng và tự hoàn hảo trong sự vắng mặt, xa lánh, lặng thinh, và ngay cả trong sự quên lãng mẫn cảm của mọi sự mà nó sống vì đó.

Cũng thế, mầu nhiệm các thánh thông công đối với ngài vẫn luôn là một mầu nhiệm chủ yếu, lại trở thành nổi bật hơn nữa trong giai đoạn này của đời ngài, và người ta có thể thấy trong đó một dấu chỉ nữa của mối liên hệ với người khác từ nay được hoàn toàn giải tỏa.

Năm 1648 được đánh dấu bởi một biến cố làm cha sở Saint-Sulpice rất đau khổ. Một sự phạm thánh, một bình đựng đầy bánh thánh đã truyền phép bị đánh cắp, xảy ra trong nhà thờ vào ngày 28 tháng 07. Cha Olier đã tổ chức ba ngày ăn chay và một cuộc rước kiệu đền tạ, tiếp đến ba ngày chầu Mình Thánh có Hoàng hậu và Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tới dự. Vào đầu tháng mười, ngài đi cấm phòng nơi các tu sĩ khổ hạnh tại Saint-François de Meulan. Ngài được tháp tùng tới đó bởi cha A. Bretonvilliers. Một mối tình bạn đã từ từ phát sinh giữa hai người, và cựu sinh viên tại Vaugirard trước đây tỏ ra càng ngày càng như kẻ kế vị thiêng liêng của ngài. Trong tháng 11, ngài lại làm một cuộc du hành tới miền Tây. Ngài gặp lại Clisson và tu viện của ngài mà ngài lại phải lãnh trách nhiệm bao lâu những thương lượng với Julien de Fiesque chưa hoàn toàn kết thúc. Ngài sẽ vĩnh viễn nhường tu viện này cho một anh em đồng nghiệp vào năm 1650, điều này đã cho phép, qua sự chuyển đổi các bổng lộc theo hình tam giác, thanh toán dứt khoát sự việc. Ngài tới Tours và Candes, theo vết chân thánh Martin, và đi qua Nantes, ngài tiến lên tới Vannes để hành hương bên mộ thánh Vincent Ferrier.

Hành động của phái Jansénisme[14] bắt đầu ảnh hưởng mỗi ngày một mạnh mẽ hơn. Ngay từ tháng 04 năm 1648, cha Olier đã viết cho cha Vincent de Paul để xin ngài dùng quyền hành mình mà ngăn chặn những tư tưởng mới. Anh hưởng của họ đã lan tràn tới chủng viện và giáo xứ, vì vào đầu năm 1649, ngài thấy nhiều anh em đồng nghiệp bỏ ngài để sang hàng ngũ những người theo phái Jansénisme. Mấy tháng sau, ngài bước vào cuộc xung đột với các cha dòng Oratoire muốn đến thiết lập tại giáo xứ, điều ngài thấy là không hay, vì một số người trong họ đang ve vãn lý thuyết của linh mục Saint-Cyran[15]. Đến tháng 12 năm 1651, trong Đại Hội các cha sở tại Paris ngài phản đối ra mặt cha sở thân Jansénisme tại Saint-Merry mà ngài tố cáo là dụ dỗ giáo dân xứ Saint-Sulpice bỏ không vâng nghe vị mục tử của mình nữa. Chắc chắn là mọi sự, trong kinh nghiệm thiêng liêng phó thác cho Chúa Thánh Thần, đã làm cho ngài xa lánh phái Jansénisme. Ngài không thể nào cảm thấy có thể thân thiện với một lý thuyết trong đó sự tín cẩn nơi Thiên Chúa và đà yêu mến dẫn đến Ngài giữ một chỗ quá nhỏ nhoi.

Giữa năm 1649 và 1652 ngài không dự tính những cuộc du hành lâu dài. Thời Đầu Thạch Đẳng giữ ngài lại Paris, vì đường xá không mấy an toàn. Ngài chỉ đi nghỉ khi thì tại Verneuil, trong đất tư hữu của gia đình, lúc thì nơi Mme Tronson tại Paray, gần Corbeil hoặc tại Issy, nơi cha Sève, em người con thiêng liêng ngài, người đã bán cho cha Bretonvilliers cơ sở sẽ thành nhà miền quê của chủng viện. Đầu năm 1649, ngài nghĩ đến việc từ bỏ viện tu của ngài ở Cercanceau. Từ từ ngài đã tiêu hao hết tài sản của mình. Ngài đã mất rất nhiều tiền bạc trong những vụ rắc rối với vị tiền nhiệm của mình. Ngài đã cho chủng viện rất nhiều và cũng cho những người nghèo túng trong xứ nữa. Trong thời Đầu Thạch Đẳng, ngài đã phải cứu giúp rất nhiều hoạn nạn. Ngài còn vài bổng lộc nữa, nhưng một ước ao sống khó nghèo rất lớn xâm chiếm ngài. Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1649, ngài ghi trong Nhật Ký “bổng lộc thánh này của đức tin mà tôi biết và nghiệm thấy vô cùng lớn lao hơn tất cả mọi bổng lộc trần gian” và ngài thêm :

Nhìn thấy cách rõ rệt sự vô ích và những nghĩa vụ thừa thãi của chính những bổng lộc mà lòng nhân lành của Thiên Chúa đã để lại cho tôi tới ngày nay, trong khi chờ đợi điều mà lòng thương xót thần thánh đại lượng Ngài làm cho tôi trông cậy bằng cách ban cho tôi đức tin thánh thiện, hôm nay tôi trút bỏ những bổng lộc của tôi trong tay Đức Giáo Hoàng.

Đây không phải là một hành vi pháp luật. Người ta không rõ sự quyết định thiêng liêng này có được áp dụng không. Dầu sao văn bản này cũng cho thấy sự biến chuyển nơi cha Olier được diễn ra trong một sự ao ước lột bỏ mỗi ngày một lớn hơn. Trong năm 1652, ngay sau khi từ bỏ tu viện Bazainville của mình ngài viết :

Tôi thấy trong việc này phương thế để làm trọn những ước vọng của tôi là thấy mình nghèo khó, để chết trần trụi như Chúa Chúng Ta trên thập giá. Đó là điều tôi khát vọng hết lòng, và là điều làm tôi không ngừng rên xiết ngày đêm.

Tháng 06 năm 1652, ngài lâm trọng bệnh đến nỗi người ta đã rất sợ cho mạng sống ngài. Chính bản thân ngài cảm thấy cái chết gần kề. Khi cơn nguy hiểm đã xa đi, ngài hiểu rằng từ đây ngài không còn đủ sức để đương đầu với mọi công việc của mình nữa, và ngài đã quyết định từ chức cha sở Saint-Sulpice, ngài thực hiện điều này vào ngày 20 tháng 06 và một trật đọc chúc thư của ngài. Sự lột bỏ vẫn tiếp tục, nhưng lần này, thì thân xác yếu nhược của ngài bắt ngài phải chịu.

Tinh thần tông đồ triển nở

Khi ngài bắt đầu hồi phục, ngài lại đi du hành. Người ta khuyên ngài đi dưỡng sinh ở Bourbon. Ngài chấp nhận cách ngoan ngoãn, nhưng đã lợi dụng để tới Lyon thăm ông Jacques Crétenet, mà chúng ta đã có dịp nói tới trên đây, tới Notre-Dame du Rhône ngài gặp người chị của Mẹ Agnès, tới Viviers ngài thanh toán những điều kiện vật chất của chủng viện, tới Puy, tới Privas, tới Langeac để cầu nguyện trên mộ của vị nữ tu đã giữ một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống thiêng liêng của ngài. Tất cả thái độ của ngài tỏ ra ngài vẫn không hề mất niềm sốt sắng tông đồ của mình. Chắc chắn sức khỏe của ngài bị giảm sút, nhưng người ta phải nói rằng lúc này ngài nhận được ơn sẵn sàng lớn hơn làm cho ngài càng khao khát đi truyền giáo mãnh liệt hơn. Ngài nâng đỡ những đoàn truyền giáo tại Vivarais, ngay giữa xứ sở tin lành, và ngài còn gửi nhiều linh mục Xuân Bích đến Privas, dưới sự điều khiển của cha Gabriel de Queylus. Các ngài giảng giải tại đây trong bốn năm. Tháng 02 năm 1653, ngài gặp cha Alexandre de Rhodes, tông đồ tại Viễn Đông, và đề nghị cùng theo cha sang Bắc Việt (Tonkin). Nhưng cha de Rhodes là một người thực tế. Cha thấy rõ sức khỏe của vị Bề Trên Xuân Bích không thể kham nổi cuộc hành trình nên đã khéo léo từ chối những dịch vụ của ngài.

Nhưng cha Olier không ngừng lại đó. Từ nhiều năm rồi, ngài vẫn lưu ý đến Giáo Hội Anh quốc mà cuộc ly giáo làm bận tâm nhiều nhân vật trong Giáo Hội Pháp. Những trình tự khởi đầu cho cuộc ly giáo ở thế kỷ XVI đã làm cho họ nghĩ rằng nếu họ có thể ảnh hưởng được vương quyền, là tất cả Giáo Hội sẽ bước theo. Ba mươi năm trước đó, Bérulle đã nghĩ là có thể lợi dụng cuộc hôn nhân giữa Henriette de France với vua nước Anh để làm một cuộc vận động nhưng đã hấng lấy một cuộc thất bại vang dội. Cha J.-J. Olier, về phần mình đã đích thân liên lạc với vua Charles II và đã cố gắng cải tôn nhà vua. Tháng 04 năm 1653, vua sang thăm nước Pháp và đã có những buổi đàm đạo lâu giờ với cha Bề Trên chủng viện Xuân Bích. Sau cùng nhà vua đã kín đáo tuyên thệ từ bỏ ly giáo, nhưng cuộc vận động này đã không bao giờ được công khai hóa và đã không có ảnh hưởng gì trên chính Giáo Hội. Tiểu tiết mà lịch sử đã giữ kín đáo này tỏ rõ uy thế thiêng liêng cha J.-J. Olier nắm giữ thời đó.

Ngài cũng tiếp tục săn sóc hội Notre-Dame de Montréal mà ngài đã thành lập cùng với ông Jérôme Le Roger de la Dauversière. Ngài rất lưu ý tới những gì diễn ra tại Ville-Marie, được thành lập năm 1642 ; ngài luôn giữ liên hệ với bà Jeanne Mauce người đã nhiều lần làm hành trình sang Canada ; ngài đã nâng đỡ kế hoạch của Marguerite Bourgeois[16], người sẽ tới đất Montréal vào tháng 09 năm 1653 để thành lập các trường học tại đó. Ngài dự định sai sang đó những linh mục Xuân Bích và nuôi dưỡng ngay cả mộng chính bản thân ngài cũng sẽ sang đó nữa.

Tất cả những dự định đó cho thấy theo mức độ ngài tiến triển trong sự hợp nhất với Thiên Chúa mỗi ngày một lột bỏ hơn, một hư hóa hơn, như ngài nói, thì lòng ao ước tông đồ lại càng lớn mạnh hơn trong ngài.

Những năm cuối cùng

Ngày 26 tháng 09 năm 1653, khi ngài đang nghỉ tại Péray, trong đất tư hữu của bà Tronson, ngài bị trúng phong bại liệt. Rất yếu đưới về thể xác, ngài được đưa về Paris, tại chủng viện, ba tuần lễ sau đó. Ngài phải liệt giường nhiều tháng. Ngài bắt đầu ra khỏi phòng vào tháng 04 để tới nhà thờ Đức Bà Paris. Ngài chỉ có thể bỏ Thủ đô kể từ tháng 05 năm 1654. Ngài lại đến điều trị tại các suối ở Bourbon và qua mấy ngày tại Moulins và Clermont. Nhưng mãi đến ngày 08 tháng 09 ngài mới có thể lại làm lễ được. Trong tháng 10 ngài đến nghỉ tại lâu đài Avron và bắt đầu tụ họp các ứng sinh vào hội các Linh Mục của hàng Giáo sĩ. Ngài lợi dụng việc bó buộc phải ở nhưng để hoàn tất dự tính muốn viết những tác phẩm dành cho giáo dân xứ Saint-Sulpice và cách rộng rãi hơn cho các kitô hữu mong ước đào sâu đức tin và đời sống thiêng liêng của mình. Tác phẩm đầu tiên là Ngày sống kitô giáo (La Journée chrétienne), xuất bản năm 1655. Sách gồm nhiều lời khuyên về cách sống thường nhật trước mặt Thiên Chúa. Cuốn Giáo lý kitô giáo cho đời sống nội tâm (Catéchisme chrétien pour la vie intérieure) được xuất bản ít lâu sau, vào tháng 04 năm 1656. Sách được trình bày dưới hình thức hỏi thưa, bắt đầu như sau : -Thế nào là một kitô hữu” ? – “Một kitô hữu là một người có trong mình Thánh Thần của Chúa Giêsu-Kitô”. Người ta không thể thấy được một dẫn nhập tuyệt hảo hơn vào đời sống thiêng liêng. Sau cùng, cuốn Dẫn nhập vào đời sống và các nhân đức kitô giáo (Introduction à la vie et aux vertus chrétiennes) , chỉ được xuất bản sau khi cha Olier qua đời.

Theo dòng cuộc sống của ngài, phải thừa nhận ngài đã viết rất nhiều. Ngoại trừ ba tác phẩm vừa kể trên, ngài còn để lại một vài cuốn sách nhỏ ít quan trọng hơn, và rất nhiều văn bản không được xuất bản, dĩ nhiên trong đó có Nhật Ký của ngài, nhưng còn nhiều tập vở và một số sau này sẽ được khai thác bởi những người kế vị ngài như cuốn Tinh thần của một vị linh hướng các tâm hồn (L’Esprit d’un directeur des âmes) do cha Bretonvilliers, cuốn Luận về các chức thánh (Traité des Saints Ordres) do cha Tronson xếp đặt hoặc một cuốn nữa Lòng đạo đức của chủng viện Xuân Bích (Pietas Seminarii Sancti Sulpitii) là cuốn hướng dẫn thiêng liêng cho những thành viên của chủng viện, được mở đầu bằng lời mời gọi nổi danh là “sống triệt để cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu-Kitô”.

Ngày 26 tháng 03 năm 1657, ngài lại bị trúng phong lần nữa đang lúc ngụ tại thổ cư Issy. Được đưa về Paris. Ngày 31 tháng 03, thứ Bảy Tuần Thánh, ngài bị cấm khẩu, lãnh bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Sau hai ngày hôn mê, ngài qua đời ngày thứ hai Phục Sinh (02-04-1657), chưa đầy bốn mươi chín tuổi. Vincent de Paul, cha linh hướng đầu tiên của ngài, đến thăm ngài vào giờ phút cuối cùng. Ngày 07 tháng 04, Đức Cha François de Caulet, Giám Mục Parmiers, bạn đồng hành trong những ngày đầu, đã cử hành tang lễ trọng thể tại nhà thờ Saint-Sulpice. Ngày 17 tháng 05, các cha Queylus, Souart, Galinier và Dallet xuống tầu tại Saint-Nazaire. Họ tới bờ biển của Tân Pháp Quốc tại Québec vào ngày 29 tháng 07.

———————————–

Thư mục

M. Faillon, Vie de M. Olier (3 vol.), 4e édit., Poussielgue-Wattelier, Paris, 1873.

E. Monier, Vie de Jean-Jacques Olier, de Gigord, Paris, 1914.

P. Pourrat, Jean-Jacques Olier, fondateur de Saint-Sulpice, coll. Les grands coeurs, de Gigord, Paris 1932.

Lettres de M. Olier (2 vol.) éd. E. Lévesque, de Gigord, Paris, 1935.

Catéchisme chrétien pour la vie intérieure et

Journée chrétienne, éd. F. Amiot, Le Rameau, Paris, 1954.

Introduction à la vie et aux vertus chrétiennes –

Pietas Seminarii (Directoire spirituel), éd. F. Amiot,

Le Rameau, Paris, 1954.

M. Dupuy, Se laisser à l’Esprit : Itinéraire spirituel de Jean-Jacques Olier, Cerf, Paris, 1982.

Art. “Olier (Jean-Jacques) ”, Dictionnaire de spiritualité, par I. Noye et M. Dupuy, t. 11, col. 737.751, Beauchesne, 1982.

R. Deville, L’École française de spiritualité, coll. Bibliothèque d’histoire du christianisme, no 11, Desclée, Paris, 1987.

“Jean-Jacques Olier (1608-1657)”, Bulletin de Saint-sulpice 14, 1988.

Le directeur spirituel selon Jean-Jacques Olier, éd. G. Chaillot, Compagnie de Saint-Sulpice, 1991.

Monsieur Olier, coll. Les grands maýtres à prier, éd.G. Chaillot, Cahiers sur l’oraison, Feu nouveau, Troussures, 1991.

Jean-Jacques Olier, La sainteté chrétienne, éd. G. Chaillot, coll. Foi vivante no 293, Cerf, Paris, 1992.

Vivre pour Dieu en Jesus-Christ. Textes rassemblés sous la direction du père Michel Dupuy, Cerf, Paris 1995.

Gilles Chaillot, Prier à Saint- Sulpice avec Jean-Jacques Olier, Desclée de Brouwer, 1995.

Mục lục

Lời nói đầu……………………………………………………………………………………..3

1. Những năm thụ huấn (1608-1631) …………………………..5

2. Nhà truyền giáo trẻ tuổi (1633-1641) ………………… 22

3. Cơn thử thách quyết định ………………………………………………38

4. Vaugirard ………………………………………………………………………………….47

5. Cha sở xứ Saint-Sulpice ………………………………………………….60

6. Vị sáng lập các chủng viện

Và Hội Linh mục Xuân Bích……………………………………….92

7. Những năm cuối cùng …………………………………………………..109

Thư mục …………………………………………………………………………………………119

Mục lục ………………………………………………………………………………………… 120


[1] La Fronde, tên một trò chơi trẻ con : bắn ná. Đây là cuộc nổi loạn sau biến thành nội chiến trong ấu thời của vua Louis XIV (1648-1652), chống lại chính sách rất thất nhân tâm của Hồng Y Mazarin, đặc biệt về thuế má và tài chính.

[2] do la ngữ commendare (giao cho) : bổng lộc do Giáo Hoàng ban.

[3] “Bas clergé” (hàng giáo sĩ bình dân) ; còn có “Haut clergé” (hàng giáo sĩ cao cấp) thuộc quý phái và trung lưu tư bản.

[4] Quốc Hội Pháp thời đó gồm 3 cấp : Quý phái, Giáo sĩ, và bình dân tức Đệ Tam Cấp.

[5] Dòng Chartreux do thánh Brunô sáng lập ; dòng Capucins một nghành của dòng Phan-Sinh do thánh Phanxicô Assisi sáng lập.

[6] “de” là biệt hiệu của hàng Quý phái Pháp, ở đây hữu ý viết ngả (de) trong bản Việt ngữ, cũng vậy với chữ “du”.

[7] “Messieurs” (Ngài), vì cả ba thuộc hàng Quý phái, và cũng là cách rồi đây người ta sẽ gọi các linh mục Xuân Bích : “Messieurs de Saint-Sulpice”.

[8] Sở dĩ như vậy là vì có hai khuynh hướng khác nhau : tin lành theo Calvinô và tin lành theo Lutêrô.

[9] có Đền thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu trên đó.

[10] bởi tiếng la-tinh “Regalia jura” (quyền nhà vua) xưa dành cho vua nước Pháp quyền thu huê lợi của các Tòa Giám Mục trống ngôi và được bổ nhiệm các giáo sĩ trong các Tòa Giám Mục đó. Luật này đã gây nên một cuộc tranh chấp giữa vua Louis XIV và Giáo Hoàng Innôcentê XI trong những năm 1673-1693.

[11] tại nhà “Tịch liêu” (Solitude).

[12] theo Hồi giáo.

[13] lúc đó là Thủ đô của Iran.

[14] phát sinh từ lý thuyết của Jansénius.

[15] Saint-Cyran hay Du Gergier de Hauranne, bạn thân của Jansénius.

[16] sẽ được phong Hiển Thánh năm 1950.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30