TÌM HIỂU ĐỀN THỜ ĐỨC BÀ CẢ, VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG NƠI ĐỨC PHANXICÔ MUỐN ĐƯỢC CHÔN CẤT

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 14th, 2023. Posted in Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, nơi Đức Phanxicô mong muốn được chôn cất, là một trong bốn vương cung thánh đường lớn ở Rôma. Được ủy thác bởi Đức Giáo hoàng Sixtô III vào thế kỷ thứ V, đây là nhà thờ ở Rôma lâu đời nhất dâng kính Đức Trinh Nữ Maria.

Một ngày sau khi được bầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến cầu nguyện với Đức Maria tại nhà nguyện Pauline (hay Borghese) của Vương cung thánh đường Đức Bà Cả (Santa Maria Maggiore) và trở lại đó nhân mỗi chuyến tông du của ngài. Nhà nguyện này, phía trên bàn thờ, có một linh ảnh mô tả Đức Trinh Nữ bế Hài Nhi Giêsu và được tôn kính dưới danh hiệu Salus Populi Romani (Đức Bà Bảo vệ Dân thành Rôma). Truyền thống gán linh ảnh này cho thánh Luca; nó có lẽ đã được đưa từ Giêrusalem đến Constantinople bởi thánh Hêlêna, mẹ của hoàng đế Constantin, vào thế kỷ thứ IV. Nhưng theo Đức Hồng y Stanislaw Rylko, “hình ảnh thuộc về truyền thống các linh ảnh  được gán cho thánh Luca, nhưng trên thực tế theo những nghiên cứu gần đây, nó là tác phẩm của một tác giả vô danh có niên đại giữa thế kỷ IX và thể kỷ XII“.

 

Vương cung thánh đường này nằm trên đỉnh đồi Esquiline, được xây dựng vào thế kỷ thứ V. Theo một truyền thuyết kể từ thế kỷ XIII, Đức Maria hiện ra trong giấc mơ vào đêm ngày 4 rạng ngày 5 tháng 8 năm 358 với Đức Giáo hoàng Liberius, yêu cầu ngài xây dựng một thánh đường. Vào ngày 5 tháng 8, dưới ánh nắng chói chang, núi Esquiline phủ đầy tuyết, và một con nai đã vạch ra sơ đồ của đền thánh tương lai bằng gạc của nó. Chính Đức Giáo hoàng Sixtô III là người đã ủy thác việc xây dựng nó.

Vương cung thánh đường Đức Bà Cả được đặt dưới tên Đức Maria, được gọi là « Mẹ Thiên Chúa » bởi Công đồng Êphêsô, được triệu tập vào năm 431 bởi Hoàng đế Rôma Theodosius II của Constantinople. Công đồng này đã khẳng định lại giáo lý của Giáo hội dạy rằng Chúa Giêsu có hai bản tính: một là bản tính Thiên Chúa, hai là bản tính loài người. Hai bản tính ấy kết hợp trong một Ngôi duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa. Chúa Kitô, Đấng được tuyên bố là người thật và là Thiên Chúa thật, đã mang lại cho Đức Maria tước hiệu “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos).

Nghĩa địa giáo hoàng

Trong số 265 Giáo hoàng, chỉ có 149 vị được chôn cất tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma. Mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô được chôn cất tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả là điều bất thường. Thật vậy, kể từ Đức Clément IX (vị Giáo hoàng thứ 238, từ năm 1667 đến 1669), không có vị Giáo hoàng nào có lăng mộ của mình ở đó. Cùng với Đức Clément IX, sáu Giáo hoàng khác cũng được chôn cất tại Đền thờ Đức Bà Cả: Honorius III (vị Giáo hoàng thứ 182, từ 1216 đến 1227), Nicôla IV (Giáo hoàng thứ 191, từ 1288 đến 1292), Piô V (Giáo hoàng thứ 225 từ 1566 đến 1572), Sixtô V (Giáo hoàng thứ 227, từ năm 1585 đến 1590), Clément VIII (Giáo hoàng thứ 231, từ 1592 đến 1605) và Phaolô V (Giáo hoàng thứ 233, từ 1605 đến 1621).

Ý định ở lại Rôma cho đến cuối đời của Đức Phanxicô không phải là mới. Vào tháng 2 năm 2019, trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo người Argentina Nelson Castro, Đức Thánh Cha đã tâm sự rằng ngài sẽ không trở lại Argentina, quê hương của ngài, ngay cả khi ngài từ bỏ triều đại giáo hoàng. Ngài muốn chết “ở Rôma”, dù ngài đang “tại chức hay danh dự”.

Tý Linh

(theo Geneviève Pasquier, nhật báo La Croix)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31