TIN MỪNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH: VÀI ĐIỂU NGHĨ VỘI

Written by xbvn on Tháng Tư 8th, 2015. Posted in Tâm linh

Có những khi chợt nghe Lời như là lần thứ nhất, lại nghe ra nhiều điều dường như rất lạ.

Cứ theo Tin mừng của sáng Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay[1] thì mọi sự đã diễn ra rất âm thầm. Âm thầm đến ngạc nhiên. Không tin, cứ nhìn vào ba nhân vật quanh mộ Chúa thì thấy. Người thứ nhất, Maria Mácđala đứng ngoài xa, chỉ thấy tảng đá lấp mộ đã được lăn ra. Hoang mang, bà chạy về rồi lại đến đứng ở ngoài mộ và khóc, nhầm Chúa Giêsu Phục Sinh với người làm vườn[2], nhưng đó là chuyện về sau. Nhân vật thứ hai, Simôn Phêrô, thì đi thẳng vào trong mộ và thấy nhiều hơn : băng vải, khăn che đầu được cuốn xếp gọn gàng. Không thấy thánh sử kể thêm gì. Về nhân vật thứ ba, tức người môn đệ khác, người kể lại càng kiệm lời. Chúng ta chỉ biết rằng ông thấy và tin. Dường như cũng có chút gì đó vừa được nhen lên và cơ hồ động đậy, bầu khí âm thầm sắp bị phá vỡ. Nhưng chút hy vọng này tắt sớm. Ai không tin, về mở sách Tin Mừng thứ tư, tìm đọc câu tiếp theo (không được trích trong sách bài đọc) chỉ thấy độc mỗi một cụm này : « sau đó, các môn đệ lại trở về nhà. »

Chúng ta chờ đợi một cảnh tượng khác : người môn đệ kia, sau khi hiểu và tin, sẽ tìm cách giải thích cho Phêrô, thuyết phục vị Tông Đồ trưởng. Sau đó, nếu không lên mái nhà rao giảng thì ít ra cũng rỉ tai nhau[3]. Nhưng, không thấy loan tin[4], cũng chẳng có làm chứng. Không có chi cả. Tuyệt không.

Lạ. Rất lạ.

 Không phụ lòng chờ đợi của chúng ta, thánh Phêrô rồi cũng ra làm chứng trong bài đọc I, trích ra từ sách Tông Đồ Công Vụ. Chứng của ngài được nghe qua hai phần của lời rao giảng tiên khởi, Keryma : kể lại và mời gọi. Kể gì ? Rất đơn giản, thấy gì kể nấy : đời sống của Thầy, cái chết của Thầy, và sự sống lại cùng những lần hiện ra của Thầy. Mời chi ? Cũng không có gì phức tạp : mời gọi tin,  vì « phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội ». Sự sống chưa được minh nhiên nói đến, ơn ở đây là ơn tha tội.

Nên nói thêm về một nhân vật khác, thánh Phaolô, người đã khuyên nhủ tín hữu Côlôxê trong bài đọc II : anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki tô, hãy hướng lòng về thượng giới, vì sự sống mới của Đức Kitô, nguồn sống, hiện đang tiềm tàng trong anh em. Nhưng đừng vội bỏ qua lời của người bị ngã ngựa trên đường Đamát đã thêm trước đó : « thật vậy, anh em đã chết ». Nên nghe lời này như thế nào ? Không ai sống (lại), nếu trước đó chưa chết.

Bốn nhân vật trong thánh lễ sáng CN Phục Sinh hôm nay đều nhìn thấy Đấng Phục Sinh, kẻ trước người sau, và trước đó họ đã phải chết để thấy Đấng Hằng Sống. Bởi vì « không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống »[5].

Maria Mácđala sau này rồi cũng thấy Chúa. Simôn Phêrô nhìn mà không thấy, mãi về sau  mới thấy, để làm chứng về những gì mình thấy. Phaolô chịu một kinh nghiệm khác, có lẽ khốc liệt hơn : mắt phải mù trước đã để có thể thấy. Người môn đệ ẩn danh thấy và im lặng. Trước mặt ông là ngôi mộ : trống rỗng, trống trải, trống vắng. Không có gì để thấy. Muốn thấy, phải đi sang « bên kia », bằng con mắt đức tin (cũng có nghĩa là con mắt trần tục đã chết, hay ít ra không còn cần thiết, hoặc cần phải được thanh tẩy). Ngôi mộ trống tự nó không nói lên điều gì nhiều. Không ai chứng kiến sự kiện Chúa phục sinh, chỉ có đêm hồng phúc mới biết giây phút ấy như lời bài ca Exsultet « Ôi đêm hồng phúc, đêm nối kết trời và đất, chỉ mình ngươi biết giờ Đức Ki tô từ cõi chết đã vinh thăng » (O vere beata noxquae sola meruit scire tempus et horam, in qua Christus ab inferis resurrexit !). Vẫn là ngôi mộ trống, trước mắt Người môn đệ kia, như Maria Mácđala, như Phêrô. Mộ vẫn trống, nhưng riêng tâm hồn người môn đệ ấy thì đầy, và không gian giờ đây trở nên khác đi nhiều, vì sự hiện diện của Thầy. Mà, mới nhìn qua ngỡ như đang vắng mặt.

Kẻ trước người sau, cách này cách khác, bốn nhân vật của chúng ta đã thấy.

 Nhưng trước đó họ đã chết. Và cách họ chết cũng rất khác nhau. Maria, dù danh tính được xác định hay không, bà đã chết. Nếu chúng ta gán bà với người đàn bà tội lỗi, với một cô điếm, với người bị bảy quỷ ám : bà đã suýt chết, ngay trước khi gặp Chúa. Giả như không tên tuổi, chúng ta không gán được bà cho ai, không vì thế mà chúng ta xem như bà đã không chết. Vô danh cũng là một cách chết. Có khi lại khó hơn cái chết hữu danh, vì rất âm thầm. Nhưng điều quan trọng cần nói ở đây, đó là người đã chết rồi thì không còn gì để sợ[6] : người phụ nữ ấy đứng ngay dưới chân thánh giá. Nhưng bà chưa sống (lại) cho đến lúc được Đấng Phục Sinh gọi tên.

Phêrô, cho đến trước lúc chối Thầy, vẫn còn sống. Hay đúng hơn, vẫn tưởng mình sống. Ba lần chối Thầy, ông biết mình đã chết. Cái chết này quá bất ngờ, với người đọc và với ngay cả chính bản thân Simôn Phêrô. Một sự hèn nhát như vậy lại có thể xảy ra với người được đặt làm Tông đồ trưởng ! Thật đến mức khó tin. Nhưng bởi khó tin cho nên rất thật.

Phaolô, vẫn sống cho đến trước khi gặp Chúa Giêsu : hôm ấy trên đường Đamát cả con người của Phao lô, Hy lạp và Do Thái, đã chết. Chết toàn thân, không chỉ là bộ phận.

Người môn đệ kia chết lúc nào ? Khó nói. Nếu chúng ta đồng hóa ông với thánh Gioan, thì  chúng ta biết ông vẫn còn sống khi xúi mẹ dẫn mình và anh đến xin hai chỗ tốt trong Nước Trời, hoặc cùng với anh xin Chúa cho sai khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy dân của một làng Samari không đón tiếp Thầy[7]. Nhưng dù được đồng hóa với thánh Gioan hay không, người môn đệ này chết lúc nào, chúng ta khó biết. Ít ngoạn mục hơn so với Phêrô và Phaolô, cái chết này gần với một tiến trình hơn là một biến cố. Sáng nay, chúng ta thấy một người không những chỉ giấu tên mình, đến mộ trước nhưng nhường bước cho Phêrô để vào sau. Chỉ một người rất âm thầm, mai một đời mình mới có thể làm như thế. Ngay cả cách chết cũng rất kín đáo : không chi ồn ào, vì chết lai rai. Có thể rất đỗi lai rai, nhưng không chắc chi đã nhẹ nhàng.

 Cả bốn nhân vật của chúng ta, họ đều đã chết. Họ đã sống kinh nghiệm này cách riêng biệt, nhưng sâu xa. Tâm tình của họ cũng là tâm tình của tác giả Tv 30 : « Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên ; tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống ». Họ đã đi vào tận tuyệt lộ của cuộc đời. Từ cõi chết, họ trở về. Họ kể chuyện về Đấng Hằng Sống, cũng là Đấng làm cho họ sống. Và chứng từ của họ vì thế rất đáng tin. Đúng là lời của Tổ phụ Abraham trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó vẫn còn vang đâu đó, « Môsê và các Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin », nhưng việc người chết trở về thi thoảng vẫn là một nhu cầu của chúng ta, và nhất là cho những ai chưa bao giờ nghe đến tên « Môsê và các Ngôn sứ ».

Chỉ có những ai thấy mình đã chết mới biết sự sống quý trọng thể nào, và nhất là khi món quà ấy được viết hoa, vì được ban tặng bởi Đấng không chỉ là ĐƯỜNG và là SỰ THẬT. Cũng vậy, những ai suýt chết, được cứu và được đưa vào Sự Sống thì chứng của những người ấy mới khả tín.

 Vài câu hỏi nhỏ đặt ra cho chúng ta hôm nay (mà hôm nào chẳng phải là hôm nay ?) : chúng ta phải chết bao nhiêu lần nữa, để quý trọng sự sống của Đấng Phục Sinh và để lời chứng của chúng ta trở thành khả tín đối với người nghe, nhất là đối với những ai mà tên của « Môsê và các Ngôn sứ » chưa bao giờ chạm đến tai họ ? Và còn để có thể nghe ra những gì hàm chứa trong lời của một người đã chết trên đường Đamát : « Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là… ».

Rất nhiều khi, đối diện với chúng ta hôm nay không phải là những người đã nghe « Môsê và các Ngôn sứ », cũng không phải là những tín hữu như cộng đoàn Galát, họ có quyền muốn biết sau ba dấu chấm lững ấy là danh hiệu của một AI, và tại sao, chúng ta, những người đã chết, hay sắp chết, nhưng lại can đảm rao giảng về SỰ SỐNG. Hai tiếng này hôm nay vang lên mà không chứa đựng một chút chi trừu tượng, bởi vì đó là DANH của một CON NGƯỜI.

MNQ



[1] Mà hôm nào chẳng phải là hôm nay ? Nhất là trong mùa Phục Sinh, « hôm nay » là một âm giai nền : “hôm nay là ngày, ngày Thiên Chúa đã tạo thành”, và “Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con”…

[2] Cũng may là bà chưa nhìn Chúa ra …ma, như có lần các môn đệ trên biển hồ Galilê đã tưởng !

[3] Mt 10, 26-27 và đoạn song song trong Luca 12.

[4] Đúng là Maria Mácđala đã thấy Chúa rồi về kể lại cho các môn đệ. Nhưng đó là chuyện về sau, và phải đọc đoạn kế tiếp mới biết được, vì không được kể trong các bài đọc sáng Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay.

[5] Lời này có thể nghe trong nhiều nghĩa, và nghĩa sau đây không bị loại trừ cách tiên thiên: phải chết đi mới có thể nhìn thấy Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống.

[6] Huống nữa là khi được thúc giục bởi một tình yêu rất mực trung thành.

[7] Có cần phải nói rõ thêm không : Thầy là Thầy của mình ?

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31