TÍNH HIỆP HÀNH THEO ĐỨC PHANXICÔ

Written by xbvn on Tháng Tư 30th, 2025. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Đây là một tiến trình quan trọng do Giáo hội khởi xướng, dưới sự lãnh đạo của Đức cố Giáo hoàng. Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã triệu tập sáu đại hội thượng hội đồng, bao gồm hai đại hội dành riêng cho tính hiệp hành, khuyến khích mỗi người đã chịu phép rửa tội hãy phát biểu và lãnh trách nhiệm. Đức Phanxicô đã ủng hộ và nỗ lực hướng tới một “sự phân quyền lành mạnh” của Giáo hội, điều này tác động như thế nào đến phương thức quản lý Giáo hội và đến quyền bính của Giáo hoàng, giám mục và linh mục? Phân tích với Cha Jean-François Chiron.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã triệu tập Thượng hội đồng giám mục nhiều lần kể từ năm 2014 để suy tư về sứ mạng và ơn gọi của gia đình trong Giáo hội và thế giới đương đại, về “người trẻ, đức tin và sự phân định”, về khu vực Pan-Amazon và “vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”. Đại hội nghị lần thứ 16 này, được chia thành hai kỳ họp (2023-2024), là đỉnh cao của một phong trào bắt đầu vào năm 2021 và lần đầu tiên trao quyền bỏ phiếu cho các nữ tu hoặc giáo dân, nam hoặc nữ, tức là gần một phần năm số thành viên vào năm ngoái.

Trong giáo hội học, tính hiệp hành có nghĩa là gì và sự năng động này bắt đầu khi nào?

Tính hiệp hành bắt nguồn từ việc thực hành các thượng hội đồng, hay nói cách khác là các công đồng, tức là các cuộc họp của các giám mục, từ một khu vực hoặc từ toàn thế giới (“công đồng chung”). Nhưng ý nghĩa hiện tại được mở rộng gấp đôi: “tính hiệp hành” không chỉ đề cập đến các cuộc họp, theo định nghĩa, là thỉnh thoảng, mà còn đề cập đến các tiến trình, hàng ngày, ở mọi cấp độ của Giáo hội (địa phương, giáo phận, Rôma, v.v.). Và tính hiệp hành không chỉ là vấn đề của các giám mục; toàn dân Thiên Chúa đều liên quan.

Trên thực tế, thông qua các cuộc họp thỉnh thoảng cũng như các thể chế thích đáng, và rộng hơn là các thực hành tốt, vấn đề là làm sao để đời sống Giáo hội, theo viễn cảnh truyền giáo, là hoặc có thể là công việc của tất cả những người đã chịu phép rửa tội, mà không chỉ dành riêng cho một nhóm tinh hoa (đặc biệt là các giáo sĩ, từ đó Đức Giáo hoàng Phanxicô tố giác “não trạng giáo sĩ trị”).

Một viễn cảnh như vậy luôn luôn có trong lịch sử Giáo hội, nhưng ít nhiều tùy thuộc vào từng thời đại. Có thể nói rằng, đối với Đức Giáo hoàng, vấn đề là phải thoát khỏi tình trạng mà lời nói và sáng kiến ​​trong Giáo hội chỉ dành riêng cho một số người.

Ở Vatican, các đại hội thượng hội đồng không phải là điều mới mẻ, nhưng việc thực hành tính hiệp hành dường như đã được tái khám phá. Năm 2014, Đức Phanxicô đã yêu cầu 250 tham dự viên đại hội ngoại thường dành cho gia đình “nói rõ ràng“, “không sợ làm mếch lòng, không rụt rè” và “lắng nghe với sự khiêm nhường“. Liệu có thể tái tạo một nền tảng cho các cuộc trao đổi tự do, một không gian tranh luận thực sự trước mặt và với Đức Giáo hoàng, ít nhất là trong các cuộc họp này không?

Những tiến bộ quan trọng nhất đã được ghi nhận trong khuôn khổ các thượng hội đồng ở Rôma, quy tụ các giám mục đại diện cho hàng giám mục trên toàn thế giới. Theo ý kiến chung, ở đó lời nói được kiểm soát chặt chẽ bởi những người phụ trách Giáo triều, và có điều gì đó hình thức. Đức Giáo hoàng Phanxicô thực sự đã cho phép những cuộc tranh luận thực sự diễn ra, nơi các ý kiến ​​khác nhau có thể được bày tỏ, như chúng ta đã thấy trong các thượng hội đồng về gia đình và Amazon. Do đó, có sự tự do của những người phát biểu trước Đức Giáo hoàng, cũng như trước Giáo triều, và cả sự tự do của các tham dự viên đối với nhau – điều này có thể là điều khó đảm nhận nhất.

Các thượng hội đồng như vậy phải hướng tới, không phải là sự nhất trí giả tạo, nhưng là sự đồng thuận mà, về một số điểm, không loại trừ những khác biệt về quan điểm, đặc biệt là tùy thuộc vào các quốc gia, nhưng nhất là là các châu lục.

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến việc sử dụng bảng câu hỏi để chuẩn bị cho các thượng hội đồng. Khi kêu gọi Dân Chúa, đây có phải là cách đánh giá lại trách nhiệm của tất cả những người đã chịu phép rửa tội và do đó là của giáo dân, theo giáo huấn của Công đồng Vatican II không? Phải chăng cảm thức đức tin quá bị lãng quên ở Rôma?

Sensus fidei fidelium, nghĩa là cảm thức đức tin của các tín hữu, có thể tạo nên một chủ đề cho những bài diễn văn mang tính xây dựng hơn là một thực tế. Tham khảo ý kiến ​​người Công giáo trước các cuộc họp của giám mục là một cách để họ có tiếng nói, như chúng ta đã thấy với “phản hồi” cấp giáo phận và cấp quốc gia. Thách thức ở đây là phải lắng nghe được tất cả các “điểm nhạy cảm” của Giáo hội, chứ không chỉ những xác tín – chính đáng! – của các nhóm thiểu số có động lực hơn. Một thách thức khác là tôn trọng sự đa dạng của những kỳ vọng được bày tỏ, mà không vì thế làm suy yếu sự hiệp thông: nhưng sự hiệp thông thực sự không loại trừ căng thẳng, từ khi chúng ta cố gắng đảm nhận chúng. Đây cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo Giáo hội lên tiếng: giải thích lý do tại sao việc xem xét những yêu cầu như vậy là khả thi hay không. Cần khuyến khích sự tham gia của các nhà thần học và chuyên gia giáo luật.

Đức Giáo hoàng thường nhấn mạnh đến cuộc sống của những cộng đồng đầu tiên, những quyết định khi đó mang tính tập thể, nhưng liệu đây có phải là ý định của Đức Giáo hoàng không? Khi ngài đề nghị “bước đi cùng nhau” để tiến về phía trước và “bước qua ngưỡng cửa”, liệu đây có phải là cách định nghĩa lại việc ra quyết định trong Giáo hội không?

Không cần phải lý tưởng hóa cách thức đưa ra quyết định lúc ban đầu. Khi chúng ta đọc Thánh Phaolô (ví dụ, các lá thư của ngài gửi cho các tín hữu ở Côrintô), chúng ta thấy lời của vị Tông đồ này rất mạnh mẽ và áp buộc. Giáo hội chưa bao giờ sống dưới chế độ dân chủ. Thách thức ở đây là phải làm rõ ba vai trò chính: “một người duy nhất” (linh mục trong giáo xứ, giám mục trong giáo phận, Giáo hoàng trong Giáo hội hoàn vũ), “một số người” (các hội đồng giáo xứ và giáo phận khác nhau, giáo triều ở Rôma, v.v.) và “tất cả mọi người” (tất cả các tín hữu, ở các cấp độ khác nhau). Trong truyền thống Công giáo, “một người duy nhất” được ưu tiên hơn. Đó là việc đạt được sự cân bằng thỏa đáng hơn.

Chúng ta sự đồng thuận về nhu cầu tham vấn thực tế hơn và tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định; Một trong những vấn đề là liệu tiếng nói cuối cùng phải luôn luôn thuộc về các thừa tác vụ chức thánh (linh mục quản xứ, giám mục, giáo hoàng) hay không, tức là “một người duy nhất“. Nếu điều này không còn nữa, chúng ta sẽ ra khỏi truyền thống Công giáo để lựa chọn một hệ thống dân chủ. Chúng ta có đi đến mức đó không? Điều chắc chắn phải được xem xét là quyền tự do phát biểu trước khi đưa ra quyết định (mà chỉ có thể tính đến điều này) và trách nhiệm thực sự của “những người ra quyết định“.

Là người bảo vệ “sự phân quyền lành mạnh” để “bảo vệ các nguyên tắc hợp lý, hiệu quả và năng suất“, Đức Giáo hoàng đã củng cố trách nhiệm mục vụ của các giám mục, các hội đồng giám mục và các bề trên thượng cấp liên quan đến việc thành lập các chủng viện liên giáo phận, việc nhập tịch của các giáo sĩ, việc xuất bản các sách giáo lý, v.v. Đồng thời, không còn tùy thuộc vào họ nữa mà là vào Vatican để bật đèn xanh cho việc thành lập các hiệp hội công của các tín hữu hoặc các dòng tu. Dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô, mối quan hệ giữa Giáo triều và các Giáo hội địa phương đã được xây dựng như thế nào?

Quả thật, có điều gì đó nghịch lý khi thấy người thúc đẩy chính sách “phân quyền lành mạnh” lại yêu cầu Giáo triều bật đèn xanh cho việc thành lập các hiệp hội tín hữu và các dòng tu. Chẳng hạn, chúng ta cũng hãy nhớ rằng tông hiến mới quản lý các trường đại học Công giáo không làm giảm bớt sự giám sát của Rôma. Về các hiệp hội tín hữu và các dòng tu, Đức Giáo hoàng cho rằng sự phân định của chỉ các giám mục giáo phận đã có thể tỏ ra còn thiếu sót: thực tế, một số ví dụ đã chứng minh điều này, chúng đã có vai trò trong các vụ lạm dụng xảy ra trong Giáo hội Công giáo liên quan đến việc bảo vệ cá nhân. Rôma có một khoảng lùi và, có lẽ, một sự khôn ngoan mà các cấp địa phương có thể không có phương tiện.

Cuối cùng, cần phải công nhận: tính hiệp hành, theo cách hiểu trong Công giáo, khác với những gì người ta hiểu trong Chính thống giáo hay Tin Lành. Trong Giáo hội Công giáo có một trung tâm được ban cho quyền bính, để phục vụ toàn thể và canh giữ sự hiệp nhất của toàn thể. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng nếu một sự tập trung nào đó vẫn tiếp tục liên quan đến vai trò phổ quát, thì chúng ta không thấy tại sao sự tập trung này không còn chính đáng đối với hai vai trò địa phương, giáo phận và giáo xứ, liên quan đến quyền bính của giám mục và linh mục quản xứ. Cần phải có sự nhất quán tối thiểu.

Các quyết định nêu trên được đưa ra qua Tự sắc và Chỉ dụ; các văn bản xuất phát từ ý muốn của Đức Giáo hoàng, không phải từ các Bộ. Trong 12 năm, Đức Giáo hoàng đã ban hành 77 Tự sắc, nhiều hơn tổng số Tự sắc dưới thời hai vị Giáo hoàng tiền nhiệm cộng lại. Đây chẳng phải là nghịch lý đối với vị Giáo hoàng của tính hiệp hành sao?

Ở đây cũng có điều gì đó nghịch lý, vì “tự sắc” có nghĩa là “theo sáng kiến ​​của riêng mình“: đây là những văn kiện mà Đức Giáo hoàng có thể ban hành theo sáng kiến ​​của riêng mình, mà không cần tham khảo ý kiến ​​trước. Nhưng đây lại là cách tốt để tiến hành cải cách. Liệu chúng ta có thể cải cách một cách dân chủ một thể chế vốn không phải, và không muốn dân chủ không? Chúng ta hãy dám nói rằng “ai muốn mục đích thì muốn phương tiện” (muốn ăn phải lăn vào bếp), ở đây là “tự sắc“. Chúng ta hãy thừa nhận rằng các cuộc tham vấn sẽ làm đình trệ mọi mong muốn cải cách, đặc biệt là ở Rôma, nơi người ta đồng ý với nhau để kéo dài mọi việc, vì có vẻ như lực trơ ì rất đáng kể trong Giáo triều. Theo đó, một Giáo hoàng sau này luôn có thể quay lại với một tự sắc của người tiền nhiệm, hoặc sửa đổi nó: trong các vấn đề kỷ luật, tính bất khả ngộ không bị nghi ngờ.

Với tư cách là người bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo hội, đâu là vị trí của Giám mục Rôma và nhiệm vụ của Phêrô trong cấu trúc hiệp hành là gì?

Chúng ta sẽ nói về sự hiệp thông, một thuật ngữ thần học dùng để chỉ sự hiệp nhất hàm ý sự đa dạng. Sự hiệp thông trong và của Giáo hội trước hết là sự hiệp thông trong cùng một đức tin – điều này không cấm đoán sự đa dạng trong cách diễn đạt đức tin này. Chức năng riêng của người kế nhiệm Thánh Phêrô (người cũng là và thậm chí trước hết là giám mục của Giáo hội của Phêrô và Phaolô) là đảm bảo rằng đức tin của Tin Mừng, đức tin của các tông đồ, thực sự tạo nên sự hiệp thông của và trong Giáo hội. Do đó, vai trò của Đức Giáo hoàng trước hết là mang tính huấn quyền, và trong những trường hợp hạn chế, có thể bao gồm cả đặc sủng bất khả ngộ, luôn để phục vụ cho chân lý được mặc khải.

Nói rộng hơn, quyền bính huấn quyền và giáo thuyết này, để phục vụ, có hệ quả là một quyền bính mục vụ trên toàn thể Giáo hội và tất cả người Công giáo. Quyền bính này phát triển qua nhiều thế kỷ và đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ XIX và XX. Chúng ta có phải hình dung điều gì đó như là việc giảm bớt quyền bính này về mặt giáo thuyết và mục vụ không? Điều này không chắc chắn, trong thời đại toàn cầu hóa hỗn loạn, trong thời đại phân mảnh xã hội thành các nhóm có xu hướng phớt lờ lẫn nhau (người ta nói về “quần đảo hóa“), trong thời đại cực đoan về mặt tư tưởng. Đúng hơn, đó là vấn đề liên kết quyền bính này với những quyền bính khác: trước hết là quyền bính của các giám mục, được xét riêng lẻ hoặc trong các hội đồng giám mục, và biết tính đến cảm thức đức tin của các tín hữu, do đó xem xét rằng họ có tiếng nói với Đức Giáo hoàng và với Giáo hội về những gì tốt cho Giáo hội, nghĩa là, cũng tốt cho họ. Điều này trước hết sẽ có giá trị cho các vấn đề đạo đức, mà giáo dân có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhưng ai nói quyền tự do ngôn luận cũng sẽ nói quy định chặt chẽ đối với quyền tự do ngôn luận này, và đây chính là nơi chúng ta tìm thấy vai trò của Giám mục Rôma.

Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, tính hiệp hành định hình sứ mạng của hàng giáo phẩm không phải trong mệnh lệnh mà là trong phục vụ? Đây có phải là những gì ngài để lại cho hậu thế không?

Trên hết, với tôi, dường như không được đối lập quyền bính (hay “mệnh lệnh“) và phục vụ. Câu trả lời cho những vấn đề trước cho thấy rằng chiều kích quyền bính không chỉ vốn có trong truyền thống Công giáo, nhưng còn được đòi hỏi trong Giáo hội Công giáo cũng như trong bất kỳ nhóm người nào, dù đa dạng và được thể chế hóa đến đâu. Nhưng rõ ràng, quyền bính phải được hiểu là phục vụ, Chúa Kitô đã nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ về điều này.

Về phương diện này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã không làm cách mạng Giáo hội bằng cách thay thế các quy chiếu thần học bằng những quy chiếu khác. Nhưng ngài đã cho tự do phát biểu, từ “đáy” (tham khảo ý kiến ở giáo phận) đến “thượng đỉnh” (thượng hội đồng giám mục), và điều này không bao giờ là chuyện tầm thường: quyền bính không thể quyết định như thể chưa có gì được nói. Ngài cũng đã thực hiện một số cải cách, một số trong đó chúng ta đã nhắc lại. Cuối cùng, thông qua các sáng kiến, các công thức và trước hết là thông qua nhân cách của mình, ngài sẽ có, không phải áp đặt (quyền tự do của mọi người vẫn được giữ nguyên) một “phong cách” nhưng sẽ tạo nên một điểm quy chiếu – đôi khi gây chia rẽ, chắc chắn, đây là số phận của bất kỳ nhân cách mạnh mẽ nào đảm nhận trách nhiệm của mình: sau Đức Phanxicô, người ta sẽ không còn có thể là người Công giáo hoàn toàn như trước nữa. Và thể chế này, chắc chắn cần thiết, sẽ luôn có thể được nhắc nhở, ở mọi cấp độ, rằng nó không phải là một mục đích tự thân và được kêu gọi phải trả lời, trước toàn thể Giáo hội, về những gì nó là và những gì nó làm.

Như thế, những gì Đức Phanxicô đã thực hiện là sự khởi đầu của một quá trình: một câu ngạn ngữ có nguồn gốc từ Tin Lành nói rằng Giáo hội sẽ luôn cần cải cách; các Đức Giáo hoàng sau Công đồng Vatican II sẽ nói rằng Giáo hội sẽ luôn cần hoán cải. Dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, tương lai sẽ là những gì người Công giáo sẽ làm nên, mỗi người theo đặc sủng của mình.

———————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Marie Duhamel và Manuella Affejee – Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30