TĨNH TÂM LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN VINH: BÀI 6: MỤC TỬ VÀ MỤC VỤ HAY DỊCH VỤ VÀ KẺ CHĂN THUÊ?

Written by xbvn on Tháng Một 23rd, 2014. Posted in Linh mục, Lm. Trần Minh Huy, Việt Nam, Vinh

Dưới đây là bài giảng tĩnh tâm năm của cha Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss, cho linh mục đoàn giáo phận Vinh, diễn ra từ 30/12/2013 đến 4/1/2014.

BÀI 6 

MỤC TỬ VÀ MỤC VỤ  HAY DỊCH VỤ VÀ KẺ CHĂN THUÊ?  

1. Mục Tử và Mục Vụ hay Dịch Vụ và kẻ chăn thuê?

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, Ngài đã tín nhiệm trao cho thánh Phêrô và các Tông đồ sứ mệnh mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa. Đức Giáo Hoàng và các Giám mục là những người thừa kế, và khi lãnh nhận chức linh mục từ tay các ngài, chúng ta được thông dự vào sứ mệnh mục tử ấy. Điều đó minh định rằng đoàn chiên là của Chúa, chứ không phải của chúng ta và chúng ta lãnh nhận trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên từ Giáo Hội, chứ không phải từ nơi nào khác hay tự ý chúng ta. Mọi người đều coi chúng ta là mục tử, nhưng thực tế như thế nào? Thánh Augustinô nói: “Có những mục tử chỉ muốn nghe người ta gọi mình là mục tử, mà không muốn chu toàn nhiệm vụ mục tử[1].

 

Chính Chúa Giêsu nói về Ngài: “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên… Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử… Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi[2].

 

Còn chúng ta? Là linh mục, chúng ta không lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục một mình, mà còn kéo theo những người được giao phó cho chúng ta trách nhiệm chăn dắt. Trách nhiệm đó rất lớn, vì như thánh Augustinô nói, chúng ta vừa là tín hữu vừa là người đứng đầu đoàn chiên Chúa: nguyên là tín hữu thôi chúng ta đã phải trả lẽ với Thiên Chúa về đời sống mình rồi, huống chi là người đứng đầu thì còn phải trả lẽ về công việc chăn dắt của mình nữa[3]. Nhưng chúng ta chăn dắt đoàn chiên Chúa như thế nào? Cùng với Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu hay trèo qua lối khác? Thánh Gioan Tông đồ thánh sử mô tả: “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ…[4]

 

Là mục tử, chúng ta hết lòng phục vụ, quan tâm đến hoàn cảnh sống và sự an nguy của đàn chiên cả về đức tin lẫn cuộc sống đời thường của họ. Các linh hồn đáng cho linh mục chúng ta hy sinh cả cuộc đời cho họ, như Chúa Giêsu, “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên[5]. Trái lại, “người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên[6].

 

Không ai trong chúng ta muốn làm kẻ chăn thuê hay kẻ trộm cướp, thực thi sứ vụ linh mục như một dịch vụ nhằm chỉ tìm lợi ích cho bản thân, còn ai sống ai chết mặc ai. Những lời sau đây của ngôn sứ Giêrêmia và Edêkiel chất vấn và cảnh tỉnh chúng ta: “Khốn thay những mục tử làm cho đàn chiên Ta thất lạc và tan tác… các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm đến chúng”[7]; “Khốn cho các mục tử chỉ biết lo cho mình!… Sữa chiên thì các ngươi uống, len của chúng thì các ngươi mặc, con nào béo tốt thì các ngươi giết, và chẳng thèm lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương các ngươi không băng bó; chiên bị lạc các ngươi không đưa về; chiên bị mất các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, khiến chúng bị tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi, trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm”[8]; “Hỡi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta, đây Ta chống lại các ngươi. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta, Ta sẽ không để các ngươi chăn dắt chiên Ta nữa…để chiên của Ta sẽ không còn làm mồi cho chúng nữa[9].

Một cách phân biệt mục tử hay kẻ chăn thuê khác có lẽ rất thời sự mà chúng ta có thể tìm thấy trong lời biện giải của Thánh Grêgôriô Cả Giáo Hoàng: “Khi thinh lặng, người lãnh đạo phải khôn ngoan; khi nói năng phải liệu sao cho hữu ích, để khỏi nói ra điều cần giữ kín, hay không làm thinh khi cần lên tiếng. Một lời nói thiếu thận trọng lôi kéo người ta vào con đường lầm lạc; cũng vậy sự thinh lặng thiếu khôn ngoan khiến người ta tiếp tục sống trong lầm lạc đang khi lẽ ra họ có thể được soi sáng. Thật thế, nhiều khi các vị lãnh đạo không biết lo xa, sợ không được lòng người đời nên ngại không dám thẳng thắn nói ra sự thật. Họ không nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên theo lời Đấng là sự thật, cho đúng với nhiệm vụ mục tử, mà chỉ chăn dắt như người làm thuê, vì khi ẩn mình làm thinh thì chẳng khác gì họ xa chạy cao bay khi chó sói đến… Quả vậy, đối với người mục tử, làm thinh không dám nói sự thật vì sợ hãi lại chẳng phải là quay lưng chạy trốn hay sao?[10]

 

2. Chia sẻ tâm hồn mục tử với Chúa Giêsu

Linh mục chủ động đi bước trước như các tông đồ:

Phúc Âm Mathêô tường thuật: “Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Chúa Giêsu: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”[11].  Còn Marcô thì nói: “Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Chúa Giêsu và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn”. Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!”[12]. Và Luca: “Ngày đã bắt đầu tàn, nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng ‘xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng’. Đức Giê-su bảo: ‘Chính anh em hãy cho họ ăn’[13].

 

Chúa Giêsu chủ động trước

“Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.Người bảo các ông: ‘Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!’[14]. ‘Đem lại đây cho Thầy!’ Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ[15], thành từng nhóm khoảng năm mươi người một’. Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống[16]. “Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: ‘Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?’ Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi[17].

 

Sự hợp tác với Chúa Giêsu và Kết quả

Các ông đáp: ‘Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!’[18]. ‘Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?’[19]. Ông Phi-líp-phê đáp: ‘có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút’. Ông An-rê thưa với Người: ‘Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu![20]. Nhưng Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng[21]. Người cũng chia hai con cá cho mọi người[22]… nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn… ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý[23]. Và khi ai nấy đều được ăn no nê, những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con[24]. Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư[25]. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: ‘Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.’ Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng[26].

 

Kết quả là dân chúng thấy dấu lạ Chúa Giê-su làm thì nói: ‘Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!’ Nhưng Ngài biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Ngài lại lánh mặt đi lên núi một mình[27]. Đây là mẫu gương cho anh em linh mục chúng ta khi đối diện với những cơn cám dỗ của thành công, của vinh dự, giàu sang và quyền lực.

 

3. Cách Linh mục cư xử với đoàn chiên

Noi gương thánh Phaolô và làm theo những lời ngài khuyên bảo: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. Hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. Anh em làm chứng và Thiên Chúa cũng chứng giám rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được. Chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người[28].

 

“Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật. Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước[29]. “Điều khiến chúng tôi tự hào là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa”[30]. “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch… Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy”[31].

“Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do-thái. Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em; trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia. Tôi đã khuyến cáo cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức Giê-su, Chúa chúng ta. Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này là tôi đến thành nào thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa. Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình”[32]. “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch. Anh hãy kính trọng các bà goá, những bà goá đích thực”[33].

 

Cư xử như thánh Phêrô khuyến cáo: “Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát”[34].

 

Sống như ĐTC Phanxicô mong muốn: Các con đừng bao giờ mệt mỏi tỏ lòng xót thương, đừng xấu hổ khi phải ân cần với người cao tuổi. Hãy phân phát cho mọi người Lời Chúa mà chính các con đã vui mừng nhận lãnh”… “Hãy nhớ đến mẹ và bà của các con, nhớ đến giáo lý viên của các con, là những người đã thông truyền cho các con món quà đức tin ấy”… “Các con hãy chăm lo quy tụ các tín hữu trong một gia đình duy nhất… và  luôn ghi nhớ mẫu gương của Người Mục tử Nhân lành, Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Các con là mục tử, chứ không phải là công chức; là người trung gian, chứ không phải người môi giới[35].

 

Thật đau lòng khi cha nhìn thấy một linh mục hay một nữ tu lái các mẫu xe mới nhất, các con không thể làm điều này được. Một chiếc xe là cần thiết để làm rất nhiều công việc, nhưng xin vui lòng chọn một cái khiêm tốn hơn. Nếu các con thích một chiếc xe hào nhoáng, thì chỉ cần suy nghĩ đến bao nhiêu trẻ em đang chết đói trên thế giới”[36]. Ngài cũng nói rằng điện thoại thông minh mới nhất hoặc những đồ dùng thời trang không phải là con đường đưa tới hạnh phúc. Chính ngài cũng chọn sống đơn giản trong nhà khách Matta của Vatican chứ không ở trong căn hộ sang trọng dành cho các vị Giáo Hoàng. Và chiếc xe ngài đang dùng để di chuyển tại Vatican là chiếc Ford Focus, loại xe bé, rẻ tiền và ít tốn hao xăng nhất do hãng Ford Hoa Kỳ chế tạo[37].

 

Trong cuộc gặp các linh mục, tu sĩ và giáo dân dấn thân tại nhà thờ chính tòa thánh Rufino của giáo phận Assisi, Ngài nói về khao khát của mình là các linh mục phải biết tên của toàn bộ anh chị em giáo dân trong cộng đoàn của họ, như Chúa  Giê-su biết và gọi tên từng con chiên[38]. Linh mục chứng tỏ tình yêu đối với đoàn chiên qua việc đi thăm các gia đình trong giáo xứ, biết rõ hoàn cảnh và nhu cầu của từng người, từng gia đình. Người tín hữu sẽ cảm nhận được tình thương của vị mục tử khi thấy ngài hiểu rõ gia cảnh của mình và ra tay giúp đỡ.

 

Ngài nhấn mạnh đến ba khía cạnh chính trong cuộc sống tâm linh của linh mục là lắng nghe Lời Chúa, đồng hành với nhau như một, và mang đức tin đến những vùng ngoại ô. Đọc Kinh Thánh thôi chưa đủ. Chúng ta cần phải lắng nghe tiếng Chúa Giêsu. Chúng ta cần phải là ăng-ten tiếp nhận đúng Lời Chúa, và cũng là ăng-ten để truyền đạt trung thực Lời Ngài. Phải quay về với cốt lõi Tin Mừng: lòng thương xót, thánh giá và lời mời gọi sống đức tin hằng ngày với niềm vui… Phải phục hồi hy vọng cho người trẻ, trợ giúp người già, cởi mở đối với tương lai, truyền bá yêu thương. Phải nghèo giữa người nghèo, bao gồm người bị loại bỏ và rao giảng hòa bình”. Về ước muốn một Giáo Hội nghèo, một Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo, Ngài đã mạnh mẽ tỏ rõ lập trường với một Giám mục Đức xây dựng Toà Giám mục với một phức hợp văn phòng tốn đến 45 triệu Euros.

 

Đức Cha James D. Conley nhận xét về ĐTC Phanxicô rằng Ngài “là một mục tử rất tốt. Ngài nhận ra tội lỗi của Kitô hữu và những thiếu sót của Giáo Hội. Ngài nhận ra tệ nạn của chúng ta và những cám dỗ của chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta làm cách tốt nhất cho nhân loại. Ngài kêu gọi chúng ta làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô và liên đới với anh chị em của chúng ta[39]. Quả vậy, trong bài giảng Thánh Lễ Dầu ngày 28/3/2013, Ngài nói với các linh mục: “Dân chúng cám ơn chúng ta vì họ cảm thấy rằng chúng ta đã đưa vào lời cầu nguyện của mình những thực tại đời sống thường ngày của họ, những đau khổ và niềm vui, những lo âu và hy vọng của họ… họ được khích lệ để ký thác cho chúng ta tất cả những gì họ ước muốn dâng lên Thiên Chúa “Xin Cha cầu nguyện cho con, vì con có vấn đề này…”, “Xin chúc lành cho con”, “Xin cầu nguyện cho con” ”… Chớ gì dân chúng của chúng ta cảm nhận được chúng ta là những môn đệ của Chúa, cảm nhận được rằng chúng ta mang tên của họ như một tấm áo, rằng chúng ta không tìm kiếm một căn tính nào khác; và chớ gì, qua lời nói và việc làm của chúng ta, họ nhận được thứ dầu hoan lạc mà Đức Giêsu, Đấng-Được-Xức-Dầu, đã mang đến cho chúng ta”.

Tóm lại, người mục tử lý tưởng theo ĐTC Phanxicô là người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót; là người yêu sự khó nghèo, khó nghèo nội tâm (như sự luôn sẵn sàng cho Chúa), khó nghèo bên ngoài (như sự giản dị trong cuộc sống); là người không tham vọng tìm địa vị cao; là người có khả năng tỉnh thức trên đoàn chiên, săn sóc canh giữ đoàn chiên hiệp nhất, chú ý các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên, làm cho niềm hy vọng của đoàn chiên lớn lên; là người có khả năng củng cố bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn: ở đàng trước để chỉ đường, ở giữa để duy trì đoàn chiên hiệp nhất, ở đàng sau để tránh cho ai đó khỏi ở lại phía sau, và để đoàn chiên đánh hơi tìm ra con đường mới”[40].

 

4. Giáo Dân mong đợi gì ở linh mục?

Giáo dân Việt Nam rất quí trọng linh mục và lòng quí trọng này vừa là một lợi điểm lại vừa là một nguy cơ: Là lợi điểm vì giúp chúng ta linh mục cảm thấy mình cần thiết và có ích, ít cảm thấy bị cô đơn; là nguy cơ, vì lòng quí trọng ấy có thể làm cớ cho linh mục ỷ y mà tôn mình lên, coi thường thiên hạ, cho mình có quyền ăn trên ngồi trước, hách dịch, quan liêu. Chớ gì lòng quí trọng này được coi là một ơn riêng Chúa dành cho hàng ngũ linh mục Việt Nam, để nhờ đó chúng ta được an vui và phấn khởi trong chức vụ chứ không phải ngược lại.

 

Giáo dân mong đợi linh mục là người của Chúa và người cho con người: vui vẻ, cởi mở, dễ gần, thông cảm; tôn trọng phẩm giá và khả năng cộng tác như thợ bạn trong vườn nho Chúa; không làm tổn thương giáo dân, nhất là trên tòa giảng; không khó quá; không quá giáo sĩ trị, gia trưởng, phong kiến, hống hách…, vì được đề cao quá đáng là một Chúa Kitô khác, linh mục dễ bị cám dỗ tôn mình lên và trở thành khác Chúa Kitô; linh mục phải là mục tử chứ không phải công chức, phải biến Giáo xứ thành gia đình.

 

Giáo dân muốn linh mục nên giống Chúa Giêsu về lòng nhân ái và tinh thần phục vụ: dễ gặp, dễ gần và dễ nhờ việc thiêng liêng. Nhiều linh mục ngày nay dành nhiều thời giờ cho mình mà ít cho giáo dân. Có linh mục làm lễ sáng xong là rút lui lên lầu, suốt ngày sống với máy vi tính và các thứ máy móc khác, hoặc đi vắng không mấy khi có mặt ở nhà, mọi việc giao cho thầy xứ, dì xứ hay Ban hành giáo, nhiều người cần gặp mà không gặp được; có vị tuy gặp được, nhưng giáo dân rất sợ tính lạnh lùng và hay bẳn gắt của cha.

 

Ở Việt Nam, cha sở có một vị trí xã hội tốt, nói thì dân dễ nghe và người ta cũng hay nhờ thế cha sở để làm công kia việc nọ. Vì thế, cha sở cũng dễ bị cám dỗ trở thành một nhân vật ngoài đời để có thế ăn nói với người ta. Điều này có thể đưa linh mục đi ra khỏi phạm vi chức vụ chính thức của mình. Linh mục phải coi chừng với tính thích làm quan tự nhiên của mình mà quên đi rằng linh mục chính yếu là người của Chúa, phục vụ Chúa và Tin Mừng của Người. Phải theo bậc thang giá trị mà dành ưu tiên cho những việc thuộc bổn phận linh mục: làm lễ, giải tội, giảng thuyết, đi kẻ liệt, thăm viếng người nghèo khổ, ốm đau bệnh tật.

 

Một linh mục làm đầy đủ bổn phận của mình thì chẳng còn thời giờ rảnh rỗi bao nhiêu; mà nếu có rảnh rỗi thì cũng nên dành thời giờ để học hành, đọc sách vở thêm. Làm linh mục rồi nhưng vẫn còn phải học, phải viết bài giảng và giảng thế nào cho người ta nghe được. Thường sau khi làm linh mục rồi, ít vị còn thích tiếp tục làm việc tri thức. Vì vậy, giáo dân mong linh mục dành giờ làm việc tinh thần mỗi ngày: soạn bài giảng không dài quá, không chạy theo thời sự nhưng chú trọng vào sứ điệp lời Chúa, không khuyên lơn hời hợt nhưng mở lối cho những áp dụng đức tin thiết thực vào cuộc sống, không chiều theo thị hiếu người nghe mà chú tâm vào việc giáo dục đức tin và đem lại cho người ta một cái gì có chất lượng: giáo dân muốn thấy một bài giảng chứ không muốn nghe một bài giảng.

 

Giáo dân muốn linh mục có tác phong thích đáng trong cách ăn mặc, nói năng, cư xử. Ăn mặc như người ta có cái lợi là dễ hoà đồng, thoải mái, nhưng có cái bất lợi là có thể làm cho linh mục quên căn tính của mình mà không còn giữ gìn hay ít giữ gìn trong lời ăn tiếng nói và cư xử với người ta nữa. Vì vậy, tuy ăn mặc như người đời, nhưng linh mục vẫn phải giữ cho mình cái cốt cách linh mục: đơn sơ xứng đáng với con người được học hành, có chữ nghĩa và có văn hoá, không chải chuốt quá đáng mà cũng không lôi thôi, áo quần luộm thuộm, đầu tóc bù xù, nói năng bừa bãi.

Giáo dân muốn linh mục thận trọng trong vấn đề vật chất: tiền bạc, của cải, đất đai, nhà ở, đồ dùng cá nhân. Giáo dân rất để ý, họ thích những linh mục không lo làm giầu hay tìm kiếm của cải vật chất cho mình hoặc bà con họ hàng; họ nể trọng những linh mục sống đơn sơ giản dị, không xa hoa và biết sử dụng tiền bạc cách chính đáng.

Giáo dân mong muốn thấy cha sở và cha phó sống gắn bó thân tình, đồng tâm nhất trí với nhau trong công tác mục vụ và hướng dẫn cộng đoàn. Gương sống hiệp thông thân mật, kính trọng, yêu thương và nhường nhịn nhau giữa các vị mục tử là yếu tố có sức thuyết phục nhất đối với cộng đoàn dân Chúa.

Giáo dân mong linh mục bén nhạy với mọi diễn biến đổi thay của tình hình xã hội để có những kế sách và phương án uyển chuyển, thích nghi năng động và cảm thông sâu sắc những khó khăn trong việc sống đạo của người tín hữu giữa những biến động phức tạp của xã hội hôm nay.

 

Về những mong đợi này, ĐGH Grêgôriô Cả than phiền: “Thế giới này đầy dẫy linh mục, nhưng họa lắm mới có người hoạt động trong cánh đồng của Thiên Chúa, vì lãnh nhận chức vụ linh mục nhưng lại không chu toàn trách nhiệm của chức vụ ấy”. Ngài nói với giáo dân: “Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi để chúng tôi có khả năng phục vụ anh em cho xứng đáng, để chúng tôi biết dùng miệng lưỡi mà khuyên bảo, kẻo sau khi lãnh nhận nhiệm vụ rao giảng, chúng tôi bị đưa ra trước vị Thẩm Phán Công Minh vì đã thinh lặng. Thật thế, nhiều khi vì tội lỗi của người rao giảng khiến lưỡi người ấy bị tê liệt không dám sửa dạy lỗi lầm của người dưới… Sự thinh lặng của người mục tử đôi khi làm hại cho người ấy, nhưng luôn luôn làm hại cho kẻ dưới, đó là điều rất chắc chắn”.

 

Rồi Ngài nói tiếp với các linh mục: “Anh em thân mến, còn một điều khác làm tôi hết sức đau buồn về đời sống của các mục tử. Nhưng để lời khẳng định của tôi khỏi xúc phạm đến ai đó, tôi cũng xin tự tố cáo mình, mặc dầu do thời buổi man di đưa đẩy thúc ép tôi phải miễn cưỡng làm như thế: Chúng tôi bị lôi cuốn vào những công việc bên ngoài. Chức vụ chúng tôi đã nhận thì khác, và công việc chúng tôi làm lại khác. Chúng tôi bỏ tác vụ rao giảng, và như thế chúng tôi được gọi làm giám mục là để bị phạt vì chúng tôi chỉ hữu danh vô thực. Quả thế, những người được giao phó cho chúng tôi từ bỏ Chúa mà chúng tôi lại cứ làm thinh. Họ nằm vùi trong tội lỗi mà chúng tôi không đưa tay nâng dậy. Bao giờ chúng tôi mới sửa đuợc lỗi của người ta, nếu chúng tôi sao lãng đời sống của mình? Khi để tâm lo các việc đời, và càng hăng say làm những việc bên ngoài, thì thật sự chúng tôi càng dửng dưng với những việc bên trong… càng vướng mắc những việc bên ngoài càng sao lãng tác vụ phải hoàn tất[41].

 

5. Linh mục cầu bàu cho giáo dân ngỗ nghịch:

ĐTC Phanxicô khuyên giáo dân: “Anh chị em tín hữu thân mến, anh chị em hãy ở gần bên các Linh mục của mình với lòng trìu mến và kinh nguyện, để các ngài luôn luôn là những Mục tử như lòng Chúa ước mong[42]. Nhưng bên cạnh những chiên ngoan thì cũng có những chiên ngỗ nghịch, những sói đội lốt chiên làm cho chúng ta lắm khi cũng phải khóc[43]. Tuy vậy, chúng ta luôn phải cầu bàu cho những giáo dân ấy theo gương của Mosê: “Ông Mô-sê nghe thấy dân tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà kêu khóc tại cửa lều của mình. Còn Đức Chúa thì bừng bừng nổi giận. Ông lấy làm khổ tâm và thưa với Đức Chúa: ‘Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: ‘Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng? Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn, khi chúng khóc lóc đòi con ‘cho chúng tôi thịt để chúng tôi ăn? Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn -ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải khổ nữa!’[44].

 

“Cộng đồng không có nước, họ bèn tụ tập phản đối ông Mô-sê và ông A-ha-ron. Dân gây chuyện với ông Mô-sê, họ nói: ‘Phải chi lúc anh em chúng tôi tắt thở trước mặt Đức Chúa thì chúng tôi cũng tắt thở luôn cho rồi. Hai ông đưa đại hội của Đức Chúa vào sa mạc này để làm gì? Có phải để chúng tôi và súc vật của chúng tôi chết ở đây hay không? Hai ông đưa chúng tôi từ Ai-cập lên để làm gì? Có phải để đưa chúng tôi vào chốn độc địa này chăng? Đây không phải là nơi để gieo vãi, không vả, không nho, không lựu, không cả nước uống”[45]. “Ông Mô-sê và ông A-ha-ron rời đại hội đến cửa Lều Hội Ngộ, các ông sấp mặt xuống đất. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa hiện ra với các ông và phán với ông Mô-sê: ‘Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với A-ha-ron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, ngươi sẽ nói với tảng đá và từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và súc vật của chúng uống”[46].

 

6. Linh mục mong đợi gì nơi giáo dân?

Mong có sự cộng tác tích cực từ phía Ban Hành Giáo với cha xứ, cùng bàn hỏi và tìm ra phương hướng chung hiệu quả trong việc phát triển giáo xứ để các hội đoàn cùng hiệp nhất phát triển đức tin.

Mong giáo dân cầu nguyện cho cha xứ và nâng đỡ cha xứ về tinh thần cũng như vật chất. Mong giáo dân yêu thương, tôn trọng cha xứ như người cha tinh thần mà Chúa gửi đến cho giáo xứ và giúp cha thi hành tác vụ cách tốt nhất.

Mong giáo dân tha thứ cho cha xứ về những yếu kém, thiếu sót, lỗi lầm… và góp ý cho cha xứ về những gì ngài không chuyên môn, những mặt trái mà ngài không biết…

Mong giáo dân cộng tác với cha xứ trong những công việc chung, trong việc lãnh đạo cộng đoàn, xây dựng đoàn hội, cơ sở vật chất của giáo xứ…

Mong giáo dân đoàn kết một lòng, luôn là những cánh tay cùng với cha xứ xây dựng giáo xứ, thăng tiến giáo xứ về mọi mặt. Mong giáo dân không lỗi đức bác ái: chửi bới, nói xấu, nói hành, vu cáo, kiện tụng, bôi nhọ cha xứ; coi cha như người xa lạ, rồi ác cảm, tránh mặt, không gặp, không đối thoại, không cộng tác.

Mong giáo dân không tìm cách ảnh hưởng lên cha xứ, cố gắng làm được một chức gì đó trong xứ rồi ỷ thế làm càn, mang tiếng cho cha xứ, gây gương mù cho cộng đoàn.

Mong giáo dân không vay mượn tiền bạc cũng như vật dụng của cha xứ, vì vay mượn thì dễ mà trả thì khó, sinh ra nhiều phiền phức mất lòng nhau; cũng đừng lừa dối cha xứ về tình, về tiền, về quyền.

Mong giáo dân không bè phái, cực đoan dòng họ, làm việc thì ít mà bàn mưu tính kế hại nhau, làm mất mặt, mất thể diện nhau thì nhiều, v.v…và v.v…

 

Con không thể liệt kê hết những mong đợi của giáo dân nơi linh mục, cũng như những mong đợi của linh mục nơi giáo dân. Xin quý Cha vui lòng đọc phần Linh mục giáo phận nên thánh qua các mối tương quan mục vụ trong cuốn sách Linh mục giáo phận như lòng mong ước của con do Nhà Sách Đức Mẹ của DCCT phát hành. Tuy nhiên, con xin nhắc lại tóm tắt lời dạy của Sắc lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục của Công Đồng Vaticanô II: mọi tín hữu đều phải cùng nhau làm việc cho Nước Chúa, trong đó linh mục phải nhìn nhận và thăng tiến phẩm giá cùng sứ vụ của giáo dân, sẵn sàng lắng nghe giáo dân, coi trọng những ước vọng của giáo dân, nhìn nhận kinh nghiệm và chuyên môn của giáo dân trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân loại, tin tưởng vào phận vụ của giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội và Xã Hội, để giáo dân có đủ tự do và lãnh vực hoạt động, cũng như cơ hội thích hợp gánh vác công việc theo sáng kiến của mình. Linh mục luôn cố gắng dẫn dắt giáo dân đi đến hiệp nhất, sự thật và công ích, hòa giải những khác biệt về tâm thức và trình độ, để không ai cảm thấy mình xa lạ ở trong cộng đồng Giáo Hội. Nhưng về phần giáo dân, Công Đồng cũng mời gọi giáo dân nhận biết bổn phận đối với linh mục của mình, và bằng chia sẻ ân cần, tinh thần lẫn vật chất, kính trọng và dè dặt giữ gìn, bảo vệ, giúp đỡ, cầu nguyện, thương yêu và tận tâm cộng tác, ngõ hầu linh mục vượt qua được những khó khăn, giới hạn và yếu đuối nhân loại của mình để chu toàn sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và điều khiển Dân Chúa cách hiệu quả.  

 

Cuối cùng, tất cả chúng ta đều nhận lãnh sứ vụ mục tử từ Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao và Duy Nhất, nên dù việc thực thi và hoàn cảnh có phong phú đa dạng, thì chúng ta cũng đều phải quy hướng về Ngài. Thánh Augustinô kết thúc bài giảng về các mục tử với lời khuyên như sau: “Vậy tất cả các mục tử hãy ở trong Vị Mục Tử Duy Nhất, hãy nói lên một tiếng nói duy nhất của Vị Mục Tử đó, để đàn chiên nghe và đi theo Vị Mục Tử của mình, không phải theo người này hay kẻ kia, mà theo Một Vị Duy Nhất. Ước gì nơi Vị Mục Tử Duy Nhất này, mọi người chỉ nói một tiếng nói, chứ không nói những tiếng nói khác nhau: Thưa anh em, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng có sự chia rẽ giữa anh em. Ước gì tiếng nói này, một khi đã được gạn lọc khỏi mọi chia rẽ và tẩy sạch khỏi mọi tà thuyết, thì được các chiên nghe và đi theo Vị Mục Tử của mình, như Người nói ‘chiên của tôi thì nghe tiếng tôi và theo tôi”[47]. Ước gì được như vậy. Amen. 

 


[1] Mở đầu bài giảng của thánh Augustinô về các mục tử, trong Bài đọc 2 Kinh Sách CN 24 TN.

[2] Ga 10, 7-16.28.

[3] x. Mở đầu bài giảng của thánh Augustinô về các mục tử, trong Bài đọc 2 Kinh Sách CN 24 TN.

[4] Ga 10, 1-5.

[5] Ga 10,11.

[6] Ga 10, 12-13.

[7] Gr 23,1-2.

[8] Ed 34,2-6.

[9] Ed 34,8b-10.

[10] Trích sách Quy Luật Mục Vụ của thánh Grêgôriô Cả GH – Bài đọc 2 Kinh Sách Chúa Nhật 27 TN.

[11] Mt 14, 15-16.

[12] Mc 6, 35-37a.

[13] Lc 9,12-13.

[14] Mc 6, 34.

[15] Mt 14, 18-19a.

[16] Lc 9,14b-15.

[17] Ga 6, 5-6.

[18] Mt 14, 17.

[19] Mc 6,37b.

[20] Ga 6,7-9.

[21] Mt 14, 19b.

[22] Mc 6, 41.

[23] Ga 6, 10-11.

[24] Mt 14, 20-21.

[25] Mc 6, 42-43.

[26] Ga 5,12 -13.

[27] Ga 5,14 -15.

[28] 1 Tx 2, 8-12.

[29] 2 Tx 3,7-9.

[30] 2 Cr 1, 12.

[31] 1 Tm 4, 12. 16.

[32] Cv 20, 19-25.28.

[33] 1 Tm5, 1-3.

[34] 1 Pr 5, 1-4.

[35] Trích huấn dụ lễ truyền chức linh mục đầu tiên với tư cách Giáo Hoàng, ngày 21/4/3013 tại Roma.

[36] Phát biểu khi gặp gỡ các linh mục và tu sĩ đang học tại Rôma ngày 6/7/2013.

[37] Theo thông tấn xã Reuters và Ansa.

[38] Ga 10,3.

[39] Trích bài Bình luận về các phản đối bản Tông Huấn Gaudium Evangelii của Trần Mạnh Trác12/4/2013 http://www.vietcatholic.net/News/Html/119420.htm

[40] Viết theo Nguyễn Minh Triệu sj từ Radio Vaticano – http://vietcatholic.org/News/Html/119253.htm

 [41] Bài đọc 2 Kinh Sách Thứ Bảy CN 27 TN.

 [42] Trích bài giảng Lễ Dầu ngày 28/3/2013.

[43] X. trường hợp thánh Phaolô ở Cv 20,31.

[44] Ds 11, 10-15.

[45] Ds 20, 2-5.

[46] Ds 20, 6-8.

[47] Trích bài giảng của thánh Augustinô về các mục tử, bài đọc 2 Kinh Sách thứ sáu tuần XXV TN.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31