TÍNH TRẦN TỤC THIÊNG LIÊNG, MỘT SỰ TỰ SAY MÊ BẢN THÂN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Được hiểu như là tìm kiếm chính mình, thái độ này, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, là mối nguy hiểm chính của Giáo hội.
« Nó là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội », ngài đã nói như thế vào năm 2007 trên một nhật báo tiếng Ý, lúc ngài đang là Hồng y (1). Sau khi trở thành Giáo hoàng, ngài đã biến tính trần tục thiêng liêng thành một trong những chủ đề chính của giáo huấn của mình. Từ những bài giảng cho đến những Tông huấn, ngài không ngừng cảnh giác chống lại điều mà ngài gọi là « bệnh ung thư », « bệnh phong cùi », một « con sâu gặm nhấm hủy hoại từ từ », một « hiểm họa » to lớn cho Giáo hội, « một sự bại hoại » trong đời sống thiêng liêng, một « cám dỗ nguy hiểm », một đe dọa « nguy hiểm hơn, vì tinh vi hơn là sự bội giáo », «tồi tệ hơn thời các Giáo hoàng tư tình»…
Trọng tâm của khái niệm này càng đáng ngạc nhiên hơn vì nó không thuộc về từ vựng truyền thống của Giáo hội. Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô gán nguồn gốc của nó cho ĐHY Henri de Lubac, người mà, trong cuốn « Méditation sur l’Eglise » (1953), nói về nó như là « mối hiểm họa lớn nhất », thì cha đẻ của kiểu nói này là Dom Anschaire Vonier, Viện phụ của một đan viện Biển Đức ở Anh (2). Chính vị Viện phụ này nói rõ rằng ý nghĩa mà ngài đưa ra cho kiểu nói này không tương ứng với những gì « chúng ta thường hiểu ».
Coi mình là trung tâm thế giới
Những gì được nhắm đến không phải là sự kiện yêu thích những cái trần tục hay danh tiếng. Cha Dominique Salin, giáo sư thần học linh đạo ở Centre Sèvres (3), khẳng định : « Tính trần tục thiêng liêng chỉ rõ việc con người quay về chính mình. Vì thế, trước hết nó là một thái độ thần học : từ chối quay lưng lại với chính mình để hướng nhìn về Thiên Chúa ».
Régis Burnet, chuyên viên Thánh Kinh ở Đại học Công giáo Louvain-la-Neuve, giải thích : « Chính xung quanh tinh thần « thế gian » nơi thánh Gioan hay điều mà thánh Phaolô gọi là « sống theo xác thịt » mà chúng ta tìm thấy nền tảng của khái niệm này vốn không tồn tại trong Thánh Kinh, nhưng đúng hơn phát xuất từ một sự xây dựng văn hóa dần dần ». Cha Salin xác nhận : « Khái niệm bao trùm những gì mà các Giáo phụ sa mạc gọi là « hư danh », thánh Augustinô gọi là « yêu mình », và các nhà tu đức Pháp thế kỷ XVII gọi là tự ái, nghĩa là tìm kiếm chính mình hay « tinh thần chiếm hữu » đối với tu sĩ Dong Tên Lallemant ». Dưới những tên gọi khác nhau, đó luôn là cùng một tội lỗi : coi mình là trung tâm của thế giới, và do đó quên mất Thiên Chúa.
Làm cho Kitô giáo có nguy cơ trở thành một tôn giáo thế tục
Vì thế, tính trần tục rình rập Giáo hội khi Giáo hội khuất phục hai cám dỗ. Trước tiên, cám dỗ « tự quy ngã », theo kiểu nói của Đức Thánh Cha : thay vì là mặt trăng phản chiếu mặt trời là Chúa Kitô, « Giáo hội nghĩ mình nắm giữ ánh sáng của riêng mình ». Lúc đó, Giáo hội không còn lắng nghe và loan báo Lời Chúa để « sống trong chính mình, bởi chính mình và cho chính mình » (4). Tiếp đến, cám dỗ của chủ nghĩa nhân bản, quên mất Chúa Kitô. Điều mà Đức Thánh Cha gọi là « Kitô giáo không có thập giá ». Ngài nói : « Chúng ta có thể xây dựng nhiều, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu-Kitô, thì chúng ta sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ nhân đạo, chứ không phải là Giáo hội, Hiền Thê của Chúa ». Do đó, dưới một hình thức tinh tế, chủ nghĩa nhân bản này xuất phát từ cùng một tật xấu : đặt con người ở trung tâm, xếp Thiên Chúa vào hàng thứ hai. Và khiến Kitô giáo có nguy cở trở thành một tôn giáo thế tục.
Vì thế, tính trần tục thiêng liêng có phải là nét riêng của hàng giáo sĩ không ? Thành thật mà nói, những hành xử cụ thể mà nó thể hiện luôn rình rập mọi Kitô hữu, tu trì hay không. Đức Thánh Cha viết : « Đằng sau vẻ bề ngoài của lòng mộ đạo và ngay cả vẻ bề ngoài yêu mến Giáo hội », điều đó cuối cùng là « tìm kiếm vinh quang nhân loại thay vì vinh quang của Chúa » (5).
Cơn sốt của duy hoạt động hay sở thích quyền lực
Điều đó có thể diễn ra dưới những hình thức rõ ràng : sự hư danh của một số mục tử, những người coi « những dấu hiệu danh dự trở thành mục tiêu đầu tiên », hay sở thích quyền lực nơi những người sử dụng Giáo hội để thăng tiến sự nghiệp, với một « tâm lý ông hoàng ». Nhưng sự tự say mê bản thân này cũng biến hóa thành những thái độ tinh vi hơn. Việc tìm kiếm chính mình lúc đó sẽ được ngụy trang dưới vẻ bề ngoài của lòng tốt và tâm linh cao cả. Dominique Salin phân tích : « Trong « Niềm vui Tin Mừng » (6) nơi ngài phân loại các loại trần tục khác nhau, Đức Thánh Cha lần theo những động cơ tiềm ẩn này với một tài năng chuyên viên luân lý xứng đáng với văn sĩ La Bruyère ».
Trước tiên, có « sự hấp dẫn của chủ thuyết ngộ đạo », của một « đức tin khép kín trong bệnh chủ quan ». Cha Salin giải thích : xu hướng rất thời thượng là « tự điều chỉnh tôn giáo của mình, chủ thể trở thành thước đo của mọi sự ». Hay thậm chí « chủ nghĩa tân Pêlagiô tự quy ngã » nơi các Kitô hữu, những người khoe khoang « trung thành với một phong cách Công giáo đặc thù nào đó trong quá khứ ». Cha Salin giải thích : « Thể thức phức tạp này nhắm đến tất cả những ai đặt niềm tin vào các nghi thức, thực hành ». « Họ nói : Tôi rước lễ dưới các hình thức, tôi rước lễ vào dịp Lễ Phục Sinh, vì thế tôi được cứu độ ». Nhưng họ tìm kiếm Thiên Chúa hay sự an toàn của họ ? »
Đức Thánh Cha cũng trích dẫn trường hợp các linh mục bị lôi cuốn bởi cơn sốt duy hoạt động, hoặc say sưa với thành công, hoặc trở thành những người quản lý, được trang bị bởi số liệu thống kê, ít bảo vệ « Dân Thiên Chúa hơn là Giáo hội như một tổ chức ». Cha Salin kết luận : « Không thể liệt kê tất cả các biến thể của nó. Điều quan trọng là phải hiểu rằng tất cả chúng ta, ở những mức độ khác nhau, đều bị ảnh hưởng bởi tính trần tục này mà những hiện thân của nó là những hậu quả hữu hình về mặt xã hội của tội nguyên tổ trong đời sống của Giáo hội ».
Làm thế nào tránh được sự tàn phá của điều xấu xa này vốn « làm choáng váng còn hơn cả uống rượu trắng với dạ dày trống rỗng » và dẫn đến « cuộc sống hai mặt », tội của người Pharisêu tôn kính Thiên Chúa bằng môi miệng, nhưng lòng lại xa Ngài ? Đức Thánh Cha đưa ra một số phương thuốc : tiếp xúc với người nghèo ; kết hiệp với Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện ; cuối cùng, ra khỏi chính mình và mở ra cho những vùng ngoại vi « vốn giải thoát chúng ta khỏi việc chỉ tập trung vào chính mình, ẩn mình đằng sau một vẻ bề ngoài đạo đức mà không có Thiên Chúa ».
—————————————————-
« Một dạng trở thành ngôi sao có thể làm sẩy chân »
Cha Geoffroy de la Tousche, cha sở giáo xứ Dieppe
« Đối với một cha sở, tính trần tục thiêng liêng trước hết là cám dỗ ở-giữa-chính-mình. Chúng ta phải gánh nhiều trách nhiệm đến nỗi có nguy cơ tự nhủ : « Tôi có một ngàn giáo dân, thế cũng không đến nỗi tệ ! » Như thế, chúng ta vẫn ở giữa chúng ta, ở yên giữa mọi người, chúng ta thấy mình tốt đẹp, và chúng ta nghĩ mình có phúc. Sự tự mãn này làm cho giáo xứ trở thành thước đo của chún gta, chứ không phải là thước đo của Tin Mừng. Cũng có nguy cơ bị say sưa bởi những lời khen ngợi, tâng bốc, quyền lực. « Cha thật tuyệt vời, thật may mắn thay cha ở đây ! » Dạng « trở thành ngôi sao » này có thể làm sẩy chân. Cũng có nạn giấy tờ, hành chính. Thế nhưng, Chúa Giêsu không đến trần gian để chủ tọa các buổi hội họp ! Chủ nghĩa hình thức quản lý này bóp nghẹt sự nhiệt thành, sứ mạng. Thực ra, trong đời sống của một linh mục, mọi thứ đều góp phần vào tính thế tục, đó là sự kiện cố định, đóng băng trong một vai trò, một thái độ, thay vì chuyển động, loán báo Tin Mừng, điều chỉnh thừa tác vụ của mình cho phù hợp với những gì chúng ta nghe được ở bên ngoài. Điều bảo vệ tôi khỏi sự xấu xa này, đó là quỳ gối mỗi sáng trước thánh giá, và đi ra hết sức có thể để gặp gỡ mọi người trong đời thường của họ ».
———-
« Nguy cơ bám lấy tiêu chí hiệu quả của thế gian »
Florence de Leyritz, đồng sáng lập khóa đào tạo « Các mục tử như lòng Ta mong ước »
« Khi phát động khóa đào tạo về điều hành mục vụ, « Các mục tử như lòng Ta mong ước », chúng tôi đã ghi nhớ lời cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những vị hữu trách này của Giáo hội đang áp dụng các mô hình quản lý và tổ chức xuất thân từ thế giới kinh doanh. Qua đó, Đức Thánh Cha muốn nhắc nhở chúng ta rằng nguy cơ về tính trần tục mà Giáo hội gặp phải khi Giáo hội quá gắn bó với các tiêu chí hiệu quả của thế gian. Ơn gọi của Giáo hội không phải là trở thành một tổ chức đẹp đẽ, có cơ cấu tốt, với những mục tiệu số lượng tốt đẹp ; tất cả những điều này chỉ là những phương tiện để phục vụ cho mục đích của mình : loan báo Nước Thiên Chúa cho mọi người. Vấn đề không phải là thần tượng hóa các tiến trình, công cụ, kỹ thuật, phương thức quản trị, nhưng là đặt chúng phục vụ các Kitô hữu để họ dấn thân cho điều mà Đức Thánh Cha đòi hỏi bằng cả trái tim : sự hoán cải sứ mạng và mục vụ của các giáo xứ mà ơn gọi của chúng không phải là lo việc kinh doanh của cửa hàng – hình thức nghiêm trọng nhất của tính trần tục thiêng liêng -, nhưng là loan báo Chúa Kitô cho toàn thế giới ».
—————————————-
(1) 30 Giorni, n° 11, 2007.
(2) Dom Anschair Vonier đã đề cập nó trong cuốn « The Spirit and the Bride » (1935), được dịch sang tiếng Pháp năm 1947, mà ĐHY Henri de Lubac quy chiếu đến rất nhiều. Đức Phanxicô cũng đề cập đến nguồn gốc thành ngữ này từ Dom Anschair Vonier trong bài phát biểu cho các tham dự viên Tổng công nghị dòng Cát Minh, vào ngày 11/9/2021.
(3) L’Expérience spirituelle et son langage, Éd. Facultés jésuites de Paris, 150 p.
(4) Trước mật nghị Hồng y, ngày 9/3/2013.
(5) « Niềm vui Tin Mừng », số 93.
(6) Từ số 93 đến số 97.
———————————–
Tý Linh
(theo Charles Wright, nhật báo La Croix)
Tags: Phanxicô-I, tính trần tục
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG