TÒA THÁNH TẠI LIÊN HỢP QUỐC: QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO BỊ VI PHẠM Ở GẦN MỘT PHẦN BA THẾ GIỚI

Written by xbvn on Tháng Hai 29th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Trong phiên họp thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền hiện đang được tổ chức tại Geneva, Đức cha Balestrero, quan sát viên của Tòa thánh tại Liên Hợp Quốc, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vô số vi phạm nhân quyền trên thế giới. Ngài nhấn mạnh rằng “trong quá trình ra quyết định và ngoại giao đa phương, phẩm giá con người phải được đặt ở trung tâm và phải là nguyên tắc chỉ đạo trong việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo”.

Trên thế giới vẫn còn quá nhiều vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; và sự phân biệt kỳ thị và đàn áp các tín hữu tiếp tục gia tăng. Trước tình hình này, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Đức cha Ettore Balestrero đã phát biểu nhân phiên họp thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền, trong một tuyên bố, vào ngày 28/2/2024, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Thụy Sĩ. Theo Đức Sứ thần Tòa Thánh, “quyền tự do tôn giáo bị vi phạm ở gần một phần ba các quốc gia trên thế giới”, và khoảng 4,9 tỷ người bị ảnh hưởng, dữ liệu từ tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ cho biết. Trong khi ở một số nước phương Tây, sự phân biệt kỳ thị và kiểm duyệt tôn giáo được thực hiện dưới ngọn cờ khoan dung và hòa nhập, và luật pháp nhằm chống kích động thù hận thường được sử dụng để đặt câu hỏi về quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Nhà ngoại giao hy vọng rằng trong quá trình làm việc của Hội đồng Nhân quyền, những vi phạm dai dẳng các quyền cơ bản sẽ được xác định và giải quyết, nguyên nhân sâu xa sẽ được xác định và các biện pháp tích cực sẽ được thực hiện để chấm dứt chúng.

Phẩm giá của con người ở trung tâm của các quyết định

Như Đức Phanxicô viết trong Laudate Deum, “thế giới đang trở nên quá đa cực, và đồng thời quá phức tạp, đến nỗi cần thiết phải có một khuôn khổ khác để hợp tác hiệu quả”, đại diện Tòa Thánh nhắc lại. Theo ngài, cần phải “phản ứng bằng các cơ chế toàn cầu” trước những thách thức “môi trường, sức khỏe, văn hóa và xã hội, đặc biệt là củng cố sự tôn trọng các quyền cơ bản nhất của con người”, bằng cách thực hiện “một thủ tục mới cho việc đưa ra quyết định và tính hợp pháp của các quyết định này”. Nhưng cũng bằng cách đặt phẩm giá của con người ở trung tâm, điều mà Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền công nhận là nền tảng của hòa bình, nhân quyền, công lý và tự do. Đức Tổng Giám mục Balestrero nói thêm, bằng cách này, “các cơ quan dành riêng cho công ích và các vấn đề kỹ thuật có thể vượt qua tình trạng tê liệt hiện tại do sự phân cực ý thức hệ và sự khai thác bởi các quốc gia riêng lẻ”. Hơn nữa, việc bảo vệ các giá trị vốn bắt nguồn từ phẩm giá con người sẽ cải thiện nền ngoại giao đa phương. Để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng là phải xây dựng lại “một tầm nhìn chung về bản chất nội tại của chúng ta, vốn bao gồm các nghĩa vụ và chuẩn mực đạo đức mà lý trí con người có thể hiểu được và phải được tôn trọng”.

Trí tuệ nhân tạo và các quyền cơ bản của con người

Đối với quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, “phẩm giá con người cũng phải trở thành nguyên tắc hướng dẫn trong việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo”. “Những tiến bộ trong lĩnh vực này phải tôn trọng các quyền cơ bản của con người”, phục vụ tiềm năng của con người và không cạnh tranh với tiềm năng đó; “thúc đẩy và không cản trở các mối quan hệ cá nhân, tình huynh đệ, óc phê bình và khả năng phân định”. Hơn nữa, “việc tôn trọng phẩm giá con người đòi hỏi chúng ta phải bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm thiểu tính độc đáo của con người đối với sự nhận dạng của họ, hoặc giảm thiểu họ thành một thuật toán hoặc một tập hợp dữ liệu”. Do đó, chúng ta không thể “cho phép các hệ thống tinh vi quyết định một cách tự trị số phận của con người”. Vì vậy, “sự phát triển trí tuệ nhân tạo chỉ có thể được coi là thành công” khi hành động một cách có trách nhiệm và bảo vệ các giá trị cơ bản của con người.

Nguy cơ thực dân hóa ý thức hệ

Với các đại diện của các quốc gia Liên Hợp Quốc, Đức cha Balestrero nhấn mạnh nhiều vấn đề hiện tại vốn “xuất phát từ việc thiếu tôn trọng phẩm giá con người” và từ sự kiện là “chúng ta không nhận ra rằng chúng ta được liên kết với nhau”. Trong số các vấn đề khác, những mưu toan nhằm đưa vào “các quyền mới”, mà không phải lúc nào cũng phù hợp với những gì tốt cho con người, “dẫn đến một “sự thực dân hóa ý thức hệ” đe dọa phẩm giá con người, tạo ra sự chia rẽ giữa các nền văn hóa, xã hội và các quốc gia, thay vì thúc đẩy sự hiệp nhất và hòa bình”. Ngược lại, cần phải phát triển “trên nền tảng của sự hiểu biết đúng đắn về tình huynh đệ phổ quát và tôn trọng sự linh thiêng của toàn bộ sự sống con người” của tất cả mọi người, không có sự phân biệt, theo nhận xét của Đức Thánh Cha tại Liên Hợp Quốc vào ngày 25 tháng 9 năm 2015. Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc lưu ý: “Các nguyên tắc về tình huynh đệ nhân loại và tình liên đới một lần nữa phải là trọng tâm trong công việc của chúng ta”. Ngài coi tình huynh đệ phổ quát là “điều kiện thiết yếu để thực hiện đầy đủ các quyền con người trong thế giới ngày nay”.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , , , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31