TỘI LY GIÁO

Written by xbvn on Tháng Bảy 3rd, 2024. Posted in Thế Giới, Tín lý, Tý Linh

Giám mục Carlo Mario Viganò, cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Washington, người trong nhiều năm đã trở thành người chống đối khai của Đức Phanxicô, hiện đang là mục tiêu của một phiên tòa xét xử tội “ly giáo” do Bộ Giáo lý Đức tin thẩm cứu. Tại sao và làm thế nào chúng ta trở thành ly giáo?

Theo Bộ Giáo luật của Giáo hội Latinh (điều 751), “ly giáo là từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể của Giáo Hội thuộc quyền ngài”. Theo Pierre Chaffard-Luçon, tiến sĩ giáo luật, ly giáo “trước hết là tình trạng của các tín hữu đã được rửa tội, một hoàn cảnh đối với Giáo hội, và chỉ sau đó là một sự trừng phạt”. Tiêu chí cơ bản để đánh giá một cuộc ly giáo? Nhà giáo luật trả lời: “Người ly giáo từ chối hiệp thông”. Vấn đề không chỉ đơn giản là thực hiện những hành vi bất tuân đối với Giám mục hay Giáo hoàng, cũng không phải là đưa ra lời chỉ trích. “Để hội đủ điều kiện cho hành vi phạm tội này, cần phải có ý định làm tổn hại đến sự hiệp thông và để ý định này được cụ thể hóa trong những hành vi không thể chối cãi được”.

Ly giáo là một trong ba “tội chống lại đức tin”, cùng với lạc giáo – ngoan cố chối bỏ một chân lý đức tin – và bội giáo – chối bỏ hoàn toàn đức tin Kitô giáo. Chẳng hạn, nhà giáo luật nhấn mạnh, trong lịch sử, “điểm đoạn tuyệt với Chính thống giáo vào thế kỷ XI thuộc loại ly giáo (sự thừa nhận quyền tối thượng của giáo hoàng), trong khi điểm đoạn tuyệt với đạo Tin lành vào thế kỷ XVI thuộc loại lạc giáo (khước từ sự biến đổi bản thể, bí tích giải tội, v.v.)”. Ngay cả khi việc bác bỏ tín điều và kỷ luật đôi khi trộn lẫn với nhau. Nhà giáo luật cảnh báo thêm rằng ly giáo giả thiết “tự do hoàn toàn” và “ý thức đầy đủ”. Tuy nhiên, ông nói thêm : “Người ta không ly giáo mà không muốn nó. Chẳng hạn, một người điên không hề ly giáo ngay cả khi anh ta đưa ra những phát biểu mang tính ly giáo.

Phiên tòa xét xử ly giáo

Kể từ cuộc cải cách của Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2010, Giám mục có thẩm quyền xét xử sơ thẩm tội ly giáo. Bộ Giáo lý Đức tin là thẩm phán kháng cáo và cũng có thể đóng vai trò là thẩm phán sơ thẩm trong trường hợp có hành động trực tiếp trước Bộ, như trường hợp của Giám mục Viganò. Bộ Giáo lý Đức tin – Bộ duy nhất có tòa án – khởi xướng một phiên tòa theo giáo luật, trong đó các thẩm phán là thành viên, do Tổng trưởng chủ trì.

Thời hạn thủ tục có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp. “Nếu hành động ly giáo được công khai và không thể chối cãi, thì việc trừng phạt ly giáo là ngay lập tức, latae sententiae (tiền kết). Nếu vụ việc phức tạp hơn, trước tiên Giáo hội sẽ tìm cách thảo luận, điều này có thể mất nhiều thời gian hơn”. Pierre Chaffard-Luçon giải thích: trong việc xử lý các trường hợp ly giáo cũng như trường hợp lạc giáo, “luôn luôn có một sự chăm sóc mục vụ giống như một hình thức ngoại giao, đàm phán… Không phải để tương đối hóa hoàn cảnh, nhưng để hiểu những lời chỉ trích của các tín hữu và soi sáng trở lại. Giáo hội luôn dành thời gian để thảo luận với con người và nhấn mạnh sai lầm”. Giáo hội và người bị buộc tội ly giáo hoặc dị giáo có thể tranh luận và đạt được thỏa thuận.

Chẳng hạn, hiện nay, 400 linh mục của Giáo hội Syro-Malabar, đang có sự bất đồng nghiêm trọng về phụng vụ, có thể thấy mình tuyên bố đoạn tuyệt với Rôma, nhưng Giáo triều, vốn đã ủy quyền cho một số đại diện giáo hoàng ở Ấn Độ từ nhiều năm qua, hiện vẫn đang tiếp tục việc đối thoại. Trong trường hợp ly giáo Lefebvrist năm 1988, Vatican đã trao đổi cho đến khi “không còn giới hạn khả thi để hành động, khi các giám mục được tấn phong bất chấp các quyết định của Rôma”.

Hậu quả của sự ly giáo

Nếu cuối cùng phiên tòa theo giáo luật kết thúc với tuyên bố về sự ly giáo, thì lời tuyên bố có thể mang tính cá nhân hoặc được tuyên bố chống lại một cộng đồng. Một tuyên bố như vậy của Bộ Giáo lý Đức tin sẽ dẫn đến vạ tuyệt thông. Lúc đó, người “ly giáo” sẽ bị vạ tuyệt thông ngay lập tức và do đó bị cấm lãnh nhận các bí tích, ngoại trừ vào giờ lâm tử. Nếu có dịp, thủ phạm cũng mất giáo vụ của mình. Những hậu quả hình sự không trực tiếp khác cũng cần được ghi nhớ, chẳng hạn như tước quyền an táng trong trường hợp không ăn năn.

Pierre Chaffard-Luçon nhấn mạnh trước hết đó là “một dược hình nhằm đưa các tín hữu đến hối cải”, nghĩa là thừa nhận lỗi lầm của họ. Nó có thể đi kèm với các hình phạt đền tội (thục hình), trong đó điều 1336 đề cập đến các thục hình: cấm hay buộc phải cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định; tước đoạt một quyền bính, một giáo vụ, một nhiệm vụ, một quyền lợi, một đặc ân, một năng quyền, một ân huệ, một danh hiệu, một phù hiệu, dù chỉ là thuần túy danh dự; cấm thi hành những điều kê khai ở 2° hay cấm thi hành những điều ấy trong một nơi hay ngoài một nơi nhất định; những cấm đoán trên không bao giờ có thể trở thành vô hiệu nếu không tuân theo; thuyên chuyển sang một giáo vụ khác với tính cách hình phạt; sa thải khỏi bậc giáo sĩ.

Sự trở lại hiệp thông

Nếu người có tội sửa đổi, Giáo hội sẽ dỡ bỏ vạ tuyệt thông. Chẳng hạn, trong trường hợp vạ tuyệt thông, Pierre Abelard, vào thế kỷ XII, đã đưa ra những phát biểu không phù hợp với giáo lý, nhưng “vì yêu mến Giáo hội, ông đã chấp nhận sự trừng phạt, ngừng giảng dạy chúng và chết trong sự hiệp thông hoàn toàn với Giáo hội. ”

Điều tương tự cũng xảy ra với người ly giáo. Theo nghĩa này, cánh cửa được mở ra cho Giám mục Viganò, người có thể chọn giữ nguyên các phát biểu của mình hoặc rút lại. Trong tương lai, Giáo hội có thể quyết định gởi lại thư mời tới vị Giám mục này – người đã không trình diện tại phiên điều trần vào ngày 20 tháng Sáu – hoặc đưa ra phán quyết vắng mặt. Nhà giáo luật tin rằng vào cuối phiên tòa, một tuyên bố công khai là “không bắt buộc nhưng rất có thể xảy ra”, vì cựu sứ thần đã phát đi các quan điểm của mình trên các phương tiện truyền thông, bao gồm cả vấn đề bị triệu tập ra tòa.

Tý Linh

(theo Emma Gatti, Aleteia)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31