TÔNG THƯ DƯỚI HÌNH THỨC TỰ SẮC ANTIQUUM MINISTERIUM CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ THIẾT LẬP THỪA TÁC VỤ GIÁO LÝ VIÊN

Written by xbvn on Tháng Năm 12th, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

1. Thừa tác vụ Giáo lý viên trong Giáo hội là rất lâu đời. Các thần học gia đồng ý với nhau rằng những ví dụ đầu tiên đã được tìm thấy nơi những bản văn của Tân Ước. Phận vụ giảng dạy tìm thấy hình thức ban đầu của nó nơi « những người có trách vụ giảng dạy » mà thánh Tông đồ dựa vào khi viết cho cộng đoàn Côrintô : « Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Ðồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao? Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất » (1 Cr 12, 28-31).

Luca mở đầu Tin Mừng của mình bằng cách chứng thực : « Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, thưa ngài Thê-ô-phi-lô, mong ngài nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc » (Lc 1, 3-4). Tác giả Tin Mừng dường như ý thức rõ rằng với các tác phẩm của mình, ngài cung cấp một hình thức giảng dạy cụ thể cho phép mang lại sự vững chắc và sức mạnh cho những người đã lãnh nhận phép rửa. Thánh Phaolô Tông đồ trở lại với chủ đề này khi ngài khuyến cáo các tín hữu Ga-lát : « Người được học Lời Chúa, hãy chia sẻ một phần của cải với người dạy dỗ mình » (Gl 6,6). Như chúng ta nhận xét, bản văn thêm vào một nét đặc thù cơ bản : sự hiệp thông sự sống như là đặc điểm của sự phong nhiêu của việc dạy giáo lý đích thực được đón nhận.

2. Ngay từ đầu, cộng đoàn Kitô hữu đã kinh nghiệm về một hình thức thừa tác viên mở rộng, được cụ thể hóa trong việc phục vụ của những người nam và người nữ mà, vâng theo hoạt động của Chúa Thánh Thần, đã dâng hiến đời mình cho việc xây dựng Giáo hội. Những đặc sủng mà Chúa Thánh Thần không bao giờ ngừng tuôn đổ trên những người chịu phép rửa, đôi khi đã tìm thấy một hình thức phục vụ trực tiếp hữu hình và xác thực cho cộng đồng Kitô giáo trong nhiều lối diễn tả của nó, đến độ được nhìn nhận như là một sự phục vụ không thể thiếu đối với cộng đoàn. Thánh Phaolô Tông đồ trở nên người giải thích có thẩm quyền về điều này khi ngài chứng thực : « Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi nguòi. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì đuọc ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người» (1 Cr 12, 4-11).

Do đó, trong truyền thống đặc sủng rộng lớn của Tân Ước, có thể nhìn nhận sự hiện diện tích cực của những người chịu phép rửa vốn đã thực thi thừa tác vụ truyền đạt dưới hình thức hữu cơ hơn, vững bền hơn và gắn liền với những hoàn cảnh sống, giảng dạy khác nhau của các Tông đồ và các tác giả sách Tin Mừng hơn (x. Công đồng đại kết Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, số 8). Giáo hội đã muốn nhìn nhận việc phục vụ này như là một lối diễn tả cụ thể của đặc sủng cá nhân vốn đã nâng đỡ nhiều cho việc thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Cái nhìn về đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã dấn thân trong việc phổ biến và phát triển Tin Mừng, ngày nay vẫn còn thúc đẩy Giáo hội hiểu đâu có thể là những hình thức mới qua đó tiếp tục trung thành với Lời Chúa để làm cho Tin Mừng đạt tới mọi thọ tạo.

3. Tất cả lịch sử loan báo Tin Mừng trong hai ngàn năm nay cho thấy rất rõ ràng sứ mạng của các giáo lý viên đã hiệu quả đến mức nào. Các Giám mục, linh mục và phó tế, cùng với nhiều người nam người nữ sống đời thánh hiến, đã dâng hiến đời mình cho việc dạy giáo lý để đức tin trở nên một sự nâng đỡ có giá trị cho đời sống cá nhân của mọi người. Một số người cũng đã tập hợp xung quanh họ những anh chị em khác mà, trong sự chia sẻ cùng đặc sủng, đã hình thành những dòng tu hoàn toàn tận tụy cho việc dạy giáo lý.

Chúng ta không thể quên vô số giáo dân đã tham gia trực tiếp vào việc loan báo Tin Mừng bằng việc dạy giáo lý. Những người nam và người nữ được thúc đẩy bởi một đức tin mạnh mẽ, và những chứng nhân đích thực về sự thánh thiện mà, trong một số trường hợp, cũng đã là những người sáng lập các Giáo hội, đến độ hy sinh mạng sống mình. Cả ngày hôm nay nữa, có nhiều giáo lý viên có năng lực và kiên cường đứng đầu các cộng đoàn nơi những vùng khác nhau và thực thi một sứ mạng bất khả thay thế trong việc truyền bá và đào sâu đức tin. Một hàng dài các chân phước, các thánh và các vị tử vì đạo giáo lý viên ghi dấu sứ mạng của Giáo hội, xứng đáng được biết đến bởi vì họ làm nên nguồn mạch phong nhiêu không chỉ đối với việc dạy giáo lý, nhưng còn đối với toàn thể lịch sử linh đạo Kitô giáo.

4. Từ Công đồng đại kết Vatican II, bằng một ý thức mới mẻ, Giáo hội đã cảm nhận tầm quan trọng của sự dấn thân của hàng giáo dân trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Các Nghị Phụ đã nhiều lần nhấn mạnh, đối với việc « plantatio Ecclesiae» (việc vun trồng Giáo hội) và sự phát triển của cộng đoàn Kitô hữu, thật cần thiết biết bao việc bao hàm trực tiếp các tín hữu giáo dân trong những hình thức khác nhau qua đó đặc sủng của họ có thể được diễn tả. « Cũng thế, có một đạo binh thực sự đáng khen ngợi và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi muôn dân, đó là đạo binh các giáo lý viên nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc truyền bá đức tin và Giáo hội. Trong thời đại chúng ta, chức vụ của các giảng viên giáo lý rất quan trọng vì số giáo sĩ ít oi không đủ để rao giảng Tin Mừng cho quần chúng quá đông đúc cũng như để thi hành mục vụ » (Công đồng đại kết Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes, số 17).

Với giáo huấn phong phú của công đồng, điều cần thiết là quy chiếu đến mối quan tâm liên lỉ của các Đức Giáo hoàng, của Thượng hội đồng Giám mục, của các Hội đồng Giám mục và của các mục tử cá nhân mà, trong suốt những thập niên qua, đã ghi dấu một sự canh tân đáng kể cho việc dạy giáo lý. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, Tông huấn Catechesi tradendae (Dạy giáo lý), Chỉ nam huấn giáo tổng quát, Chỉ nam tổng quát dạy giáo lý, Chỉ nam dạy giáo lý gần đây, cũng như nhiều sách giáo lý của các nước, các vùng và giáo phận, là một sự diễn tả giá trị trọng tâm của công trình huấn giáo vốn đặt lên hàng đầu việc dạy dỗ và thường huấn các tín hữu.

5. Không lấy đi bất cứ điều gì khỏi sứ mạng riêng của Giám mục vốn là nhà huấn giáo đầu tiên của giáo phận mình, cùng với linh mục đoàn chia sẻ với ngài trọng trách mục vụ, cũng không lấy đi khỏi trách nhiệm riêng biệt của các bậc cha mẹ đối với việc giáo dục Kitô giáo cho con cái mình (x. CIC (Luật Giáo hội Latinh), c. 774§2 ; CCEO (Luật Giáo hội Đông phương), c. 618), điều cần thiết là nhìn nhận sự hiện diện của giáo dân mà, do phép rửa của họ, cảm thấy được kêu gọi cộng tác vào phận vụ dạy giáo lý (x. CIC, c.225 ; CCEO, c.401, 406). Sự hiện diện này còn trở nên cấp bách hơn trong thời đại chúng ta do ý thức mới mẻ về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện nay (x. Tông huấn Evangelii gaudium, số 163-168), và do sự xuất hiện một nền văn hóa toàn cầu (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 100.138), vốn đòi hỏi một sự gặp gỡ đích thực với các thế hệ trẻ, mà không quên đi sự cần thiết của các phương pháp luận và các dụng cụ sáng tạo làm cho việc loan báo Tin Mừng trở nên tương thích với việc biến đổi truyền giáo mà Giáo hội đã thực hiện. Trung thành với quá khứ và trách nhiệm với hiện tại là những điều kiện cần thiết để Giáo hội có thể thực thi sứ mạng của mình trên thế giới.

Đánh thức lòng nhiệt huyết cá nhân của mọi tín hữu chịu phép rửa, và làm sống lại ý thức được kêu gọi thực hiện sứ mạng của mình trong cộng đoàn, đòi hỏi lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần mà sự hiện diện phong nhiêu của Ngài không bao giờ thiếu (x. CIC, c.774§1 ; CCEO, c.617). Cả ngày nay nữa, Chúa Thánh Thần kêu gọi những người nam và người nữ lên đường ra đi gặp gỡ những ai đang chờ đợi hiểu biết vẻ đẹp, sự thiện hảo và chân lý của đức tin Kitô giáo. Nhiệm vụ của các mục tử là nâng đỡ con đường này và làm phong phú đời sống cộng đoàn Kitô hữu bằng việc nhìn nhận các thừa tác viên giáo dân có khả năng đóng góp vào việc biến đổi xã hội qua việc « làm  cho các giá trị Kitô giáo thấm nhập vào thế giới xã hội, chính trị và kinh tế » (Evangelii gaudium, số 102).

6. Tông đồ giáo dân có một giá trị trần thế hiển nhiên. Nó đòi hỏi « tìm kiếm Nước Thiên Chúa khi quản lý các công việc trần thế và hướng chúng về Thiên Chúa » (Công đồng đại kết Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, số 31). Đời sống thường ngày của họ được dệt nên bởi những mối tương quan gia đình và xã hội cho phép chứng thực làm thế nào « họ đặc biệt được kêu gọi làm cho Giáo hội hiện diện và hành động ở những nơi và những hoàn cảnh trong đó Giáo hội chỉ có thể là muối cho đời nhờ họ » (Lumen gentium, số 33). Tuy nhiên, thật thích hợp để nhắc lại rằng ngoài sứ mạng tông đồ này, « người giáo dân còn được kêu gọi bằng những cách thế khác nhau mang lại sự cộng tác trực tiếp hơn với sứ mạng tông đồ của hàng giáo phẩm, theo cách thức của những người nam và người nữ đã phụ giúp cho thánh Phaolô Tông đồ trong việc loan báo Tin Mừng, và chịu vất vả nặng nhọc trong Chúa» (Lumen gentium, số 33).

Thế nhưng, chức vụ riêng biệt của Giáo lý viên được cụ thể hóa trong những phận vụ khác trong cộng đoàn Kitô hữu. Quả thế, Giáo lý viên được kêu gọi trước tiên thực thi quyền hạn của mình trong việc mục vụ truyền bá đức tin được khai triển theo những giai đoạn khác nhau : từ lời loan báo đầu tiên dẫn vào Kerygma, đến việc giảng dạy giúp ý thức về sự sống mới trong Chúa Kitô và cách riêng chuẩn bị cho các Bí tích khai tâm Kitô giáo, cho đến việc thường huấn cho phép mọi tín hữu chịu phép rửa luôn sẵn sàng « trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng nơi anh em » (1Pr 3, 15). Giáo lý viên đồng thời là chứng nhân đức tin, thầy dạy và là người khai tâm, người đồng hành và là nhà mô phạm giảng dạy nhân danh Giáo hội. Một căn tính mà chỉ qua đời sống cầu nguyện, nghiên cứu và tham dự trực tiếp vào đời sống cộng đoàn mới có thể được phát triển cách phù hợp và có trách nhiệm (x. Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tân Phúc Âm hóa, Chỉ nam dạy giáo lý, số 113).

7. Cách sáng suốt, thánh Phaolô VI đã ban hành Tông thư « Ministeria quaedam » với ý định không chỉ thích nghi với thời điểm lịch sử vốn đã từng thay đổi thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ (x. Tông thư Spiritus Domini), nhưng còn thúc giục các Hội đồng Giám mục để họ cổ võ các thừa tác vụ khác, trong đó có thừa tác vụ Giáo lý viên : « Ngoài các phận vụ chung của Giáo hội Latinh, không có gì ngăn trở các Hội đồng Giám mục yêu cầu Tòa Thánh về các phận vụ khác, nếu, vì những lý do đặc biệt, các ngài xét là cần thiết và hữu ích để thiết lập chúng trong vùng của mình. Chẳng hạn, phận vụ Poitier, phận vụ Trừ quỷ và phận vụ Giáo lý viên ». Cũng lời mời gọi cấp bách này trở lại trong Tông huấn Evangelii nuntiandi khi, đòi hỏi biết đọc ra những đòi hỏi hiện nay của cộng đồng Kitô hữu trong tính liên tục trung thành với cội nguồn, nó đã khuyến khích tìm ra những hình thức thừa tác vụ mới cho việc canh tân mục vụ : « Những thừa tác vụ như thế, mới mẻ bên ngoài, nhưng rất gắn liền với những kinh nghiệm mà Giáo hội đã sống trong suốt cuộc sống của mình – chẳng hạn thừa tác vụ giáo lý viên (…) là quý giá cho việc gieo trồng, cho đời sống và sự tăng trưởng của Giáo hội và cho khả năng của Giáo hội chiếu tỏa xung quanh mình và hướng đến những ai đang ở xa » (Thánh Phaolô VI, Evangelii nuntiandi, số 73).

Vì thế, chúng ta không thể phủ nhận rằng « ý thức về căn tính và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội đã gia tăng. Chúng ta có một hàng giáo dân đông đúc, dù không đủ, với một ý thức cộng đoàn sâu xa và một lòng trung thành lớn lao với sự dấn thân đức ái, dạy giáo lý và cử hành đức tin » (Evangelii gaudium, số 102). Kết quả là việc đón nhận một thừa tác vụ giáo dân, như thừa tác vụ giáo lý viên, nhấn mạnh hơn sự dấn thân truyền giáo điển hình của mỗi người chịu phép rửa, tuy nhiên phải được thực thi dưới hình thức hoàn toàn trần thế mà không rơi vào bất kỳ biểu hiện nào của việc giáo sĩ hóa.

8. Thừa tác vụ này có một giá trị ơn gọi sâu xa, đòi hỏi một sự phân định thích đáng từ phía Giám mục và được làm nổi bật bằng Nghi thức Thiết lập. Quả thế, đó là một sự phục vụ vững bền đối với Giáo hội địa phương tùy theo những đòi hỏi mục vụ do Đấng Bản quyền địa phương xác định, nhưng được thực thi theo cách giáo dân như chính bản chất của thừa tác vụ đòi hỏi. Thật tốt để kêu gọi đến thừa tác vụ giáo lý viên, những người nam và người nữ có đức tin sâu xa và trưởng thành nhân bản, đã tham gia cách tích cực vào đời sống cộng đoàn Kitô hữu, có khả năng đón tiếp, lòng quảng đại và một đời sống hiệp thông huynh đệ ; họ cần nhận được một sự đào tạo về Thánh Kinh, thần học, mục vụ và sư phạm, cần thiết để trở nên những người thông truyền chu đáo chân lý đức tin, và họ đã thủ đắc một kinh nghiệm dạy giáo lý trước đó (x. Công đồng đại kết Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus, số 14 ; CIC, c.231§1 ; CCEO, c. 409§1). Cũng đòi hỏi họ phải là những cộng tác viên trung thành của các linh mục và phó tế, sẵn sàng thực thi thừa tác vụ khi cần đến, và họ cần được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành tông đồ đích thực.

Do đó, sau khi đã xem xét mọi khía cạnh, bằng uy quyền Tông Tòa

Tôi thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên giáo dân.

Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích sẽ xem xét, trong thời gian sớm nhất, phổ biến Nghi thức Thiết lập thừa tác vụ Giáo lý viên giáo dân.

9. Vì thế, tôi mời gọi các Hội đồng Giám mục làm cho thừa tác vụ giáo lý viên hữu hiệu, bằng cách thiết lập lộ trình (iter) đào tạo cần thiết và những tiêu chí chuẩn mực để đạt tới đó, bằng cách tìm ra, đối với việc phục vụ mà họ sẽ được mời gọi thực thi, những hình thức thích hợp nhất với những gì được diễn tả qua Tông thư này.

10. Các Thượng hội đồng của các Giáo hội Đông phương và các Hội đồng Giáo phẩm sẽ có thể nhận được những gì được thiết lập ở đây cho các Giáo hội riêng biệt của mình, trên cơ sở luật riêng của mình.

11. Xin các vị mục tử không ngừng lấy làm của mình lời khuyến cáo của các Nghị Phụ khi các ngài nhắc nhở : « Các Ngài biết rằng Chúa Kitô không đặt các Ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới; nhưng nhiệm vụ cao cả của các Ngài là chăn dắt tín hữu và nhận biết các phận sự và đặc sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình» (Lumen gentium, số 30). Ước gì việc phân định các ân huệ mà Chúa Thánh Thần không bao giờ rút lại khỏi Giáo hội của Ngài, đối với các ngài luôn là sự nâng đỡ cần thiết để làm cho thừa tác vụ giáo lý viên hữu hiệu nhằm phát triển cộng đoàn của mình.

Những gì được thiết lập qua Tông thư dưới hình thức « Tự sắc » này, tôi chỉ thị rằng nó phải được áp dụng cách vững chắc và ổn định, bất kể điều gì  trái ngược, thậm chí xứng đáng một sự đề cập đặt biệt, và nó phải được ban hành qua việc đăng trên nhật báo Osservatore Romano, có hiệu lực cùng ngày, và tiếp đến được đăng trong bản tin chính thức của Acta Apostolicae Sedis (Công báo Tòa Thánh).

Ban hành tại Rôma, gần Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 10/5/2021, ngày lễ nhớ thánh Gioan Avial, linh mục và tiến sĩ Hội Thánh, năm thứ chính triều đại Giáo hoàng của tôi.

PHANXICÔ

————————–

Lm Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp.

(Phần trích dẫn Thánh Kinh và Công đồng Vatican II, chúng tôi lấy lại từ bản dịch của Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ và của Giáo hoàng Học viện thánh Piô X, Đà Lạt.)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31