TỐT HƠN ĐIỀU TỐT NHẤT (BETTER THAN THE BEST)!
Xin bắt đầu bằng hai câu trong Thư Rôma:
Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo. (Rm 12,1-2)
– Khi viết những dòng này, chắc hẳn Phaolô không nghĩ đến Thánh Giuse. Vị Tông đồ huấn dụ các tín hữu ở Rôma về cách thức xứng hợp để thờ phượng Thiên Chúa. Đây là chuyện “how to” – cách làm – loại chuyện được ưa thích của con người thời đại hôm nay. Cách thức xứng hợp ấy, theo Phaolô, là: “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”, và “đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.
Bài bản này của Phaolô ứng hoàn toàn nơi Thánh Giuse, nhất là nhìn từ câu chuyện ‘Truyền tin cho Giuse’ trong Tin Mừng Matthêu (1,18-25). Ta hãy toát lược câu chuyện:
Một người vợ chưa sống chung với chồng mà đã có thai. Người chồng, là Giuse, giằng co, khổ sở, suy nghĩ rất lung, không biết phải làm gì. Cuối cùng, anh quyết định sẽ rời bỏ nàng một cách kín đáo. Trong bối cảnh của luật Do thái thời ấy, đó là một ý rất tốt. Giuse muốn điều tốt lành cho Maria, bởi Giuse là người công chính, một người tốt, tử tế, cao thượng.
Vâng, Giuse rất cao thượng trong ý định ấy. Ta đừng đòi Giuse phải có hình dung rõ về một trinh nữ thụ thai ‘bởi phép Đức Chúa Thánh Thần’. Từ tạo thiên lập địa – và có lẽ cho đến tận thế – chỉ có một trường hợp ‘một trinh nữ thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần’ thôi. Dù Giuse được sứ thần báo mộng về chuyện này, nhưng hiểu thì không dễ đâu!
Sứ thần báo mộng, nói rõ ý Thiên Chúa đề nghị Giuse nhận Maria về. Và đề nghị này đã thay đổi tất cả. “Khi tỉnh giấc, Giuse làm theo lời sứ thần dạy”!
Ta đừng quên rằng Quan phòng của Thiên Chúa vẫn có chỗ cho tự do của con người (cf. T. Tôma Aquinô). Giuse đã bỏ ý tốt của mình để chọn điều Thiên Chúa đề nghị một cách tự do tự nguyện chứ không phải một cách máy móc đâu. Và chỉ cần nghĩ đến sự tốt lành khôn tả mà sự chọn lựa này của Giuse trực tiếp góp phần đem lại, ta thấy sự chọn lựa ấy tuyệt vời biết bao. Sự chọn lựa ấy làm chứng rằng Giuse là một bậc thầy trong việc phân định.
Thực vậy, thử tưởng tượng xem, nếu Giuse cứ giữ ý tốt của mình và lắc đầu trước đề nghị của Chúa, thì điều gì sẽ xảy ra cho Maria nhỉ. Ta chẳng thể lường được điều gì sẽ xảy ra cho Maria đâu… Giuse sẽ tránh được việc phải đứng ra tố cáo Maria, nhưng còn Maria, với cái bụng bầu ngày càng lộ ra, sẽ ăn nói làm sao với mọi người, nhất là với những người ‘dân chi phụ mẫu’? Và nhất là, nếu Giuse từ chối đề nghị của Thiên Chúa, thì chương trình của Thiên Chúa sẽ bị xáo trộn, và rồi Thiên Chúa sẽ phải đối phó với sự xáo trộn này…
Việc Giuse bỏ ý tốt của mình để làm theo ý Chúa như thế thật tuyệt vời biết bao. Nhưng bằng cách nào Giuse đã nghe Chúa nói và hiểu được ý Ngài? Trong một giấc mộng! Vâng, Giuse là một anh chàng chiêm bao, cũng như tổ phụ Giuse ngày xưa từng bị các anh em mình gọi là “thằng chiêm bao”. Ta đừng xem thường sự kiện này. Phải mềm mỏng lắm với Chúa, phải nhạy bén và tinh tế lắm, người ta mới có thể nghe rõ tiếng Chúa qua một giấc mơ – và phải quảng đại lắm người ta mới có thể sẵn sàng bỏ ý tốt theo mình nghĩ để chọn điều mà Chúa đề nghị cho mình. Bài học ở đây là: Ý tốt của tôi có thể không tốt! (trong cách nhìn của Chúa).
Nhưng câu chuyện vẫn còn: ta hãy xem sau khi Giuse bỏ ý tốt của mình để làm theo ý Thiên Chúa như thế thì điều gì xảy ra. Điều xảy ra ngay lập tức, đó là sự xáo trộn cho chính Giuse. Xáo trộn vì đã tính một đàng, nay đi một nẻo. Có thể nói đến một sự mất an toàn nào đó nơi Giuse, nếu không về tâm linh thì ít nhất về tâm lý. Giuse phải dò dẫm bước đi và phải học thích nghi với tình hình mới. Rồi những phiền phức, những vất vả rất cụ thể nữa – như chuyện sinh con giữa đường…, chuyện giữa đêm phải thức dậy đưa Maria và con trẻ trốn sang Ai cập…
[Có người kể chuyện dí dỏm rằng hai người gõ cửa một quán trọ ở Bêlem. Giuse năn nỉ xin cho chúng tôi trú nhờ vì vợ tôi bụng mang dạ chửa sắp tới ngày rồi. Ông chủ quán lắc đầu, vừa đóng sập cửa lại vừa bảo: “Đó không phải là trách nhiệm của tôi”. Hai người đành lặng lẽ quay đi; Giuse liếc nhìn cái bụng bầu của Maria, rồi nhìn bâng quơ xuống đất, khẽ thì thầm: “Thì đó cũng … đâu phải là trách nhiệm của tôi!” (sic)]
Điều đáng nói là những xáo trộn và phiền lụy ấy của Giuse thật ngọt ngào – vì Maria có một người bạn đời và Giêsu có một người cha nuôi tuyệt vời, không thể tuyệt vời hơn. Và theo đó, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được diễn ra thông suốt và đi đến hoàn tất.
Sau này, người con nuôi mà Giuse chắc chắn đã dày công dưỡng dục ấy sẽ thể hiện lại bài học phân định với kịch tính lên tới đỉnh điểm trong Vườn Cây Dầu. “Cha ơi, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng hãy theo ý của Cha, đừng theo ý con!” Giêsu cũng có ý riêng, và ý riêng ấy có thể khác với ý Cha. Ý riêng của Giêsu hẳn là không xấu, trái lại, ý riêng ấy chắc hẳn rất tốt, vì Giêsu là một con người rất tốt lành. Thế nhưng Giêsu đã quyết bỏ ý của mình để chọn ý của Chúa Cha.
Và chọn ý của Chúa Cha là chọn khổ nạn, chọn thập giá, chọn cái chết thê thảm và nhục nhã… Nhưng ở đây, một lần nữa, thập giá ấy thật ngọt ngào. Thập giá ấy nở hoa Phục sinh. Thập giá ấy là con đường đem ơn cứu độ.
Trở lại với những lời của Phaolô, ta thấy không chỉ Giuse mà cả Đức Giêsu nữa đã bằng sự chọn lựa của mình mà trình bày cách hùng hồn cách thức xứng hợp để thờ phượng Thiên Chúa. Giuse được nhìn nhận và yêu mến như một đại thánh chính từ sự nhận định và chọn lựa của ngài. Giuse đã “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”; Giuse đã không “rập theo đời này” nhưng đã “cải biến con người bằng cách đổi mới tâm thần”, và Giuse đã “nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.
Phân định là tìm kiếm sự bình tâm, sự tự do hoàn toàn của con cái Thiên Chúa. Sự tự do hoàn toàn và sự bình tâm ấy trước hết giả thiết việc dứt khoát bỏ điều xấu (tội lỗi) để chọn điều tốt – chỉ điều này thôi vốn đã không phải dễ! Nhưng để thờ phượng Thiên Chúa cách xứng hợp, mọi người chúng ta còn được mời gọi biết phân định để có thể, như Giuse, bỏ điều tốt theo ý mình và sẵn sàng chọn điều Chúa đề nghị, bất cứ điều gì Chúa đề nghị.
Có một mẩu quảng cáo sản phẩm nọ ghi rằng: “Better than the best!” Tốt hơn cái tốt nhất! Thánh Giuse đã nghĩ rất lung, đã tìm ra cách tốt nhất cho mình; nhưng Thiên Chúa chỉ cần khều nhẹ trong giấc mơ, và Giuse nhận ra rằng còn có điều tốt hơn điều tốt nhất ấy nữa! Đại thánh là vậy đó.
Và nhìn vào cả cuộc đời âm thầm lặng lẽ của Giuse, ta cũng nhận ra: đại thánh cũng là một con người … rất bình thường thôi. Phải không?
THIÊN PHONG (19.3.2015)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- VỊ GIÁO HOÀNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
- LỄ PHỤC SINH 2025: SỨ ĐIỆP URBI ET ORBI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ PHỤC SINH 2025: LUÔN TÌM KIẾM CHÚA KITÔ PHỤC SINH TRONG CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH 2025 : « CHÚA KITÔ PHỤC SINH LÀ BƯỚC NGOẶT QUYẾT ĐỊNH TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI »
- TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU: THÁNH GIÁ TRẢ LẠI CHO CHÚNG TA SỰ TỰ DO LỰA CHỌN ĐÍCH THỰC
- ĐÀNG THÁNH GIÁ TẠI COLISÉE: CHÚA GIÊSU MANG NHỮNG VẾT THƯƠNG CỦA LỊCH SỬ CHÚNG TA
- THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN THÁNH: “TÌNH YÊU LÀ CHỨC TƯ TẾ DUY NHẤT”
- BÀI GIẢNG LỄ DẦU 2025 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: SỨ VỤ LINH MỤC LÀ CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 5. NGƯỜI CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT. EM CON ĐÃ MẤT MÀ NAY LẠI TÌM THẤY (Lc 15, 32)
- MỘT BỨC TƯỢNG “ĐỨC MẸ HOA HƯỜNG MẦU NHIỆM” ĐƯỢC LÀM PHÉP TRONG KHU VƯỜN VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2025: ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG ĐAU KHỔ, HÃY LUÔN CẢM NHẬN VÒNG TAY YÊU THƯƠNG QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG LỄ LÁ 2025: “VÁC THÁNH GIÁ CỦA CHÚA KITÔ LÀ CÁCH CỤ THỂ NHẤT ĐỂ CHIA SẺ TÌNH YÊU CỨU ĐỘ CỦA NGƯỜI”
- GIỮA TIẾP BIẾN VĂN HÓA VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA, BÀI HỌC CỦA BA NGHỆ SĨ CÔNG GIÁO VIỆT NAM
- CHA ROBERTO PASOLINI: QUA VIỆC LÊN TRỜI, CHÚA GIÊSU MỜI GỌI CHÚNG TA TRỞ THÀNH CHỨNG NHÂN CỦA NGƯỜI
- PHÁP : KỶ LỤC MỚI VỀ SỐ LƯỢNG NGƯỜI DỰ TÒNG VÀO NĂM 2025!
- LÀN SÓNG DỰ TÒNG: GIÁO HỘI PHÁP TÁI KHÁM PHÁ SỨC MẠNH CỦA SỰ HOÁN CẢI
- BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 4. CHÀNG THANH NIÊN GIÀU CÓ. CHÚA GIÊSU NHÌN ANH (Mc 10, 21)
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ NĂM THÁNH CỦA BỆNH NHÂN VÀ NHỮNG NHÂN VIÊN CHĂM SÓC SỨC KHỎE: CHIA SẺ NỖI ĐAU KHỔ CỦA NGƯỜI KHÁC LÀ MỘT BƯỚC HƯỚNG ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN
- TÌM HIỂU CHỦ ĐỀ ‘HIỆP HÀNH’ CỦA THĐGM 16
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM C: “TÔI CẢM NHẬN ĐƯỢC ‘NGÓN TAY CỦA THIÊN CHÚA’”