TRUNG QUỐC: THEO ĐHY PAROLIN, SỰ VÂNG PHỤC ĐỨC THÁNH CHA KHƠI LẠI LÒNG ÁI QUỐC

Written by xbvn on Tháng Năm 22nd, 2024. Posted in Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa thánh đã phát biểu hôm thứ Ba, 21/5/2024, tại hội nghị quốc tế được tổ chức tại Đại học Urbanô về Công đồng đầu tiên ở Trung Quốc, một trăm năm sau khi tổ chức nó tại Thượng Hải. ĐHY Parolin nhắc lại rằng nó là gương mẫu cho nhiều xứ truyền giáo khác và đồng thời hoan nghênh công việc vĩ đại được thực hiện bởi Đại diện Tông Tòa là Đức cha Costantini. Về phần mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh Giáo hội ở Trung Quốc phải mang lấy bộ mặt Trung Quốc hơn.

Đức Giáo hoàng là nhà lãnh đạo tinh thần của tất cả người Công giáo trên thế giới, dù họ thuộc quốc gia nào; nhưng sự vâng phục Đức Giáo hoàng này không chỉ không làm tổn hại đến tình yêu mà mỗi người phải có bổn phận với đất nước mình, nhưng còn thanh lọc và khơi lại nó.”

Những lời mà Đức cha Celso Costantini, Đại diện Tông Tòa đầu tiên ở Trung Quốc, đã viết cách đây hơn một trăm năm về sự hiệp nhất giữa Đức Giáo hoàng và tất cả người Công giáo trên thế giới, “bất kể họ thuộc quốc gia nào”, đều mang tính thời sự, làm rõ làm thế nào “sự hiệp thông này là sự bảo đảm tốt nhất cho một đức tin được loại bỏ khỏi các lợi ích chính trị bên ngoài và gắn chặt vào văn hóa và xã hội địa phương.” Cũng chính Đức cha Costantini đã làm việc không mệt mỏi, không phải là không gặp khó khăn và kháng cự, để Tin Mừng Chúa Kitô bén rễ trên đất Trung Quốc và tương thích với xã hội và văn hóa địa phương. Ngài là người tổ chức và thúc đẩy Công đồng về Trung Quốc, Công nghị đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, được kỷ niệm 100 năm vào thứ Ba ngày 21 tháng Năm, trong một hội nghị quốc tế quan trọng do Đại học Giáo hoàng Urbanô phối hợp tổ chức với hãng thông tấn Fides và Ủy ban Mục vụ về Trung Quốc, với Đức Hồng Y Pietro Parolin trong số những nhân vật chính của phiên họp buổi sáng.

Những tín hữu tốt và những công dân tốt

Hiệu trưởng của Đại học Urbanô, Vincenzo Buonomo, đã tuyên bố rằng đây là một hội nghị “khoa học chứ không mang tính lễ hội” trong phần giới thiệu của mình, được diễn ra trước đó bằng thông điệp video của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây không phải là vấn đề “tái thiết lịch sử” của sự kiện, mà là suy nghĩvề cách thức mà chính sự kiện hiệp hành này tạo nên “nền tảng và quy chiếu cho sự hội nhập văn hóa mà thông điệp Kitô giáo mang đến và ai có thể bảo đảm sự hiện diện của những tín hữu ưu tú và đồng thời là những công dân ưu tú”.

Đây là khái niệm mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhắc lại trong lời chào mừng dân tộc Trung Quốc trong thánh lễ kết thúc chuyến tông du tới Mông Cổ, và Đức Hồng y Parolin đã nhắc lại trong bài phát biểu của mình, nhắc lại rằng Đức cha Costantini đã viết những lời rõ ràng về chủ đề này hơn một thế kỷ trước: “Đức Giáo hoàng muốn người Công giáo Trung Quốc yêu đất nước của họ và trở thành người công dân tốt nhất giữa các công dân của nó. Đức Giáo hoàng yêu quý mọi quốc gia, như Thiên Chúa, mà ngài là người đại diện; ngài yêu quý Trung Quốc, đất nước cao quý và vĩ đại của các bạn, và không đặt nó sau bất kỳ quốc gia nào khác.”

Giá trị to lớn của Công đồng về Trung Quốc cho thời đại hiện tại

Đức Hồng ý Parolin tập trung vào Công nghị Thượng Hải, mặc dù là “một công đồng đặc biệt”, nhưng có “ý nghĩa rộng lớn hơn về mặt Giáo hội”. Quả thế, công nghị ở Trung Quốc là “một kiểu mẫu cho nhiều xứ truyền giáo khác mà, theo gương của nó, đã được chuẩn bị cử hành các công nghị quốc gia tương ứng của họ trong những năm tiếp theo”.

Ký ức về những gì đã xảy ra cũng có “giá trị to lớn”, theo Đức Hồng y Parolin, “bao gồm cả thời điểm hiện tại của Giáo hội mà, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã tham gia vào việc suy tư về tính hiệp hành”, như một lời kêu gọi Dân Thiên Chúa “có trách nhiệm và là nhân vật chính trong đời sống của Giáo hội”. Đó chính là kinh nghiệm như kinh nghiệm của các Nghị phụ họp mặt từ ngày 15 tháng 5 đến ngày 12 tháng 6 tại Thượng Hải năm 1924: Đức cha Costantini lưu ý :  “Chúng ta giống như những công nhân khiêm tốn xây dựng một nhà thờ chánh tòa, kế hoạch được đưa ra bởi kiến ​​trúc sư, nhưng mỗi người đều đóng góp viên gạch của họ cho công trình xây dựng vĩ đại. Đối với chúng ta, kiến ​​trúc sư chính là Đức Giáo hoàng. Các công nhân qua đi, nhưng nhà thờ chánh tòa vẫn còn”.

Từ “thừa sai hải ngoại” đến “Giáo hội thừa sai”

Đức Hồng y Parolin đặt những suy tư này trong một bối cảnh có những khía cạnh tích cực nhưng cũng có những sự mất cân bằng, cả về “sự hiện diện gần như độc quyền của các giáo sĩ nước ngoài” và “một khuynh hướng nào đó của một số giới truyền giáo về sự bảo trợ được thiết lập bởi các cường quốc phương Tây và các phương pháp mục vụ xuất phát từ nó.” Chính trong nhãn quan này mà ngài đã khai triển “chiến lược” truyền giáo và ngoại giao của mình, được lấy cảm hứng từ Tông thư Maximum Illud của Đức Bênêđíctô XV, đã đưa ngài đến “xác tín” về việc tổ chức một công nghị chung của Giáo hội ở Trung Quốc. Nhưng trước đó, trong khi nhìn nhận “công lao của nhiều nhà thừa sai nước ngoài”, những người, với lòng bác ái và sự tận tâm, đã “mang Tin Mừng đến Trung Quốc”, Đức cha Costantini cảm thấy rằng cần phải có một “nỗ lực” để mang thêm đức tin Công giáo vào cuộc sống của người Trung Quốc: “Trong viễn cảnh của Đức cha Costantini, sự cấp bách của việc chuyển từ khái niệm “thừa sai hải ngoại” sang khái niệm “Giáo hội thừa sai” đã trở nên rõ ràng”.

Trong nhãn quan này, “ngài đã ủng hộ việc phong chức cho sáu giám mục đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1926 và, với cùng mục đích, ngài đã thành lập Tu hội Môn đệ của Chúa vào năm sau”. Ngài cũng khuyến khích một cách rõ ràng các hình thức nghệ thuật và kiến ​​trúc của Trung Quốc, “qua đó việc hội nhập đức tin Công giáo có thể được thể hiện hơn nữa”. Đức Hồng Y nhớ lại : không thiếu những lời chỉ trích và một chiến dịch truyền thông thực sự đã được tiến hành để chống lại ngài. Nhưng “đối mặt với những lời trách móc, ngài luôn phản ứng bằng sự sáng suốt”.

Gia hạn thỏa thuận và sự hiện diện ổn định ở Trung Quốc

Di sản của ngài kéo dài đến thời đại chúng ta mà, từ năm 2018 đến nay, cũng chứng kiến ​​việc củng cố mối quan hệ hỗ tương giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thông qua Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục. Một thỏa thuận mà “tất cả chúng ta đều quan tâm bởi sự kiện là nó có thể được ký lại và một số điểm có thể được phát triển”, Đức Hồng y Parolin tuyên bố bên lề hội nghị. Đồng thời, Đức Hồng y hy vọng có thể có “sự hiện diện ổn định ở Trung Quốc”: “Ngay cả, khi ban đầu, sự hiện diện này không có hình thức đại diện Giáo hoàng và một Tòa Sứ thần Tòa Thánh, tuy nhiên nó có thể tăng cường và đào sâu các mối liên hệ của chúng ta . Đó là mục tiêu của chúng tôi.”

Một Giáo Hội hội nhập văn hóa

Những lời được phát biểu bởi Đức Hồng y Parolin cũng là như thế về phía Đức Giám mục Thượng Hải, Đức cha Joseph Shen Bin (Giuse Thẩm Bân), người đã đảm bảo: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng Giáo hội ở Trung Quốc thành một Giáo hội Công giáo thánh thiện, tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, chấp nhận di sản văn hóa truyền thống tuyệt vời của Trung Quốc, và làm hài lòng xã hội Trung Quốc ngày nay”.

Bốn điểm đã được vị Giám mục Trung Quốc minh họa cho sự hiện diện của Giáo hội Công giáo tại đất nước của mình. Trước hết, ngài nói, “sự phát triển của Giáo hội ở Trung Quốc phải trung thành với Tin Mừng của Chúa Kitô”, do đó với “đức tin Công giáo truyền thống”. Vào năm 1949, năm thành lập nước Trung Hoa mới, Giáo hội “luôn trung thành với đức tin Công giáo của mình, ngay cả khi phải nỗ lực rất nhiều để không ngừng thích ứng với chính sách của hệ thống chính trị  mới”. Khi đó, “chính sách tự do tôn giáo do chính phủ Trung Quốc thực hiện không hề quan tâm đến việc thay đổi đức tin Công giáo mà chỉ hy vọng các giáo sĩ và tín hữu Công giáo sẽ bảo vệ lợi ích của người dân Trung Quốc và giải phóng mình khỏi sự kiểm soát của các thế lực nước ngoài”.

Những vấn đề của quá khứ

Đức cha Thẩm Bân kể lại rằng Tổng bí thư Hội đồng Nhà nước vào thời điểm đó, Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), đã đảm bảo rằng chính phủ nhân dân không phản đối việc người Công giáo Trung Quốc có liên hệ tôn giáo với Vatican, nhưng những liên hệ này, ông nói rõ, “chỉ được cho phép với điều kiện là chúng không đi ngược lại lợi ích của nhân dân Trung Quốc, không xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và Vatican đã thay đổi chính sách thù địch đối với Trung Quốc”. Đức Giám mục Thượng Hải đã không quên đề cập đến những vấn đề nảy sinh trong quá khứ giữa Giáo hội và Nhà nước ở Trung Quốc, đặc biệt là do “cảm giác mạnh mẽ về tính trỗi vượt về văn hóa châu Âu” của một số nhà truyền giáo, những người “thậm chí còn có ý định sử dụng Kitô giáo để thay đổi xã hội và văn hóa Trung Quốc.” Thái độ này “chắc chắn bị nhiều người Trung Quốc phản đối và thậm chí ghét bỏ” và “đã ngăn cản việc truyền bá Tin Mừng tình yêu hơn nữa trong người dân Trung Quốc.”

Con đường Hán hóa

Ngày nay, khi nhân dân Trung Quốc tiếp tục “sự tái sinh vĩ đại của dân tộc Trung Quốc một cách toàn diện với sự hiện đại hóa theo cách Trung Quốc”, Giáo hội Công giáo “phải đi theo cùng một hướng”, Đức Tổng Giám mục Thẩm Bân nói, “theo con đường Hán hóa phù hợp với xã hội và văn hóa Trung Quốc ngày nay”. Vì vậy, lời mời gọi các linh mục và tín hữu Trung Quốc là “yêu đất nước và Giáo hội của mình và liên kết chặt chẽ sự phát triển của Giáo hội với hạnh phúc của nhân dân”. Về vấn đề này, ngài trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “trở thành một Kitô hữu tốt không chỉ không tương thích với việc trở thành một công dân tốt, mà còn là một phần không thể thiếu của nó”.

Sự can thiệp của hai nữ báo cáo viên

Hai người phụ nữ đã phát biểu: Zheng Xiaoyun, chủ tịch Viện Tôn giáo Thế giới thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, người đã nhắc lại rằng ngày nay ở Trung Quốc, theo chính phủ, có 98 giáo phận, 9 học viện, 6.000 nhà thờ và 6 triệu tín đồ, hơn thế nữa hơn 8.000 tu sĩ được “đảm bảo đầy đủ quyền tự do tôn giáo” và đã bày tỏ hy vọng vào việc ký lại thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tòa Thánh; sau đó là Giáo sư Elisa Giunipero, giáo sư lịch sử Trung Quốc tại Đại học Công giáo Milan, đã nhắc lại “ảnh hưởng quan trọng, thường bị đánh giá thấp của các xứ truyền giáo Công giáo ở Trung Quốc và trên thế giới” của Công đồng về Trung Quốc. Bà kết luận : “Chính từ Giáo hội ở Trung Quốc đã xuất hiện lực đẩy thay đổi làm biến đổi Giáo hội tại các vùng truyền giáo”, giúp “nghĩ đến một sự thay đổi phổ quát không còn chỉ mang tính văn hóa châu Âu nữa”. “Tòa Thánh, với sự kiên trì và hành động cử hành Công đồng và các lễ tấn phong Giám mục, đã đặt niềm tin vào hàng giáo sĩ Trung Quốc. Điều này đã giúp Giáo hội rất nhiều trong việc chống chọi với những khó khăn của những thập niên sau đó”.

Mang lấy “bộ mặt Trung Quốc »

Về phần mình, trong thông điệp qua video, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại : “Đức cha Constantin chỉ đơn giản nhắc lại rằng sứ mạng của Giáo hội là ‘truyền giáo chứ không phải thuộc địa hóa’”. Do đó, “Quy tụ trong Công đồng, tất cả họ đã hoàn thành một hành trình hiệp hành thực sự và ký kết các điều khoản mở ra những con đường mới cho Giáo hội, bao gồm cả Công giáo Trung Quốc, để ngày càng có bộ mặt Trung Quốc hơn”. Quả thế, đó là “bước phải thực hiện”, bởi vì “việc loan báo ơn cứu độ bởi Chúa Kitô chỉ có thể đến được với mỗi cộng đồng nhân loại và mỗi người nếu nó được diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ của họ”.

Từ đó, ngài nêu rõ rằng Công đồng Thượng Hải không chỉ có tác dụng xóa bỏ những cách tiếp cận sai lầm phổ biến trước đây. Vấn đề “không phải là ‘thay đổi chiến lược’, mà là đi theo những con đường phù hợp hơn với bản chất của Giáo hội và sứ mạng của mình. Bằng cách chỉ tin tưởng – chỉ! – vào ân sủng của chính Chúa Kitô và sự thu hút của Người.”

Các tham dự viên của Công đồng về Trung Quốc đầu tiên đã hướng tới tương lai. Và tương lai của họ là hiện tại của chúng ta”, Đức Giám mục Rôma nói và tiếp đến chỉ ra rằng “giống như các Nghị phụ của Công đồng Thượng Hải, chúng ta cũng có thể nhìn về tương lai”. Và ký ức về Công đồng Thượng Hải cũng có thể “gợi ý cho toàn thể Giáo hội những con đường mới và những con đường rộng mở để can đảm đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng trong thời hiện tại”.

Tý Linh

(Theo Salvatore Cernuzio, Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Sáu 2024
H B T N S B C
« Th5    
  1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28 29 30