VATICAN GIẢI THÍCH VIỆC CHẤP THUẬN VẮC-XIN CHỐNG COVID, CHO DÙ XUẤT PHÁT TỪ BÀO THAI BỊ PHÁ

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 23rd, 2020. Posted in Luân lý, Tý Linh, Đạo đức sinh học

Trong một thông tri công bố hôm 21/12, Bộ Giáo lý Đức tin khẳng định rằng tính nghiêm trọng của đại dịch biện minh cho việc sử dụng vắc-xin được sản xuất bằng cách sử dụng một phương pháp mà Bộ bác bỏ nguyên tắc.

Vatican đã từng khẳng định điều này trong một văn kiện năm 2008, nhưng ở đây Vatican nói lại rõ ràng hơn nữa: cho phép sử dụng một vắc-xin trong trường hợp rất khẩn thiết, cho dầu nó được sản xuất theo những phương pháp phi đạo đức. Đó là những gì người ta có thể đọc thấy trong một thông tri của Bộ Giáo lý Đức tin được công bố hôm 21/12/2020, về “luân lý tính của việc sử dụng một số vắc-xin chống Covid-19”.

Thông tri viết: “Có thể chấp nhận về mặt luân lý việc sử dụng các vắc-xin chống covid-19 mà các dòng tế bào từ các bào thai bị phá đã được sử dụng trong tiến trình nghiên cứu và sản xuất”

Tế bào gốc lấy từ bào  thai bị phá

Nếu Vatican lên tiếng về vấn đề này, đó là do Bộ Giáo lý Đức tin đã nhiều lần được hỏi, trong thời gian vừa qua, về tính hợp pháp của các vắc-xin được phát triển bởi các nhà công nghiệp sử dụng các tế bào gốc lấy từ một bào thai bị phá ở Hà Lan vào thập niên 1970. Kể từ đó, những tế bào gốc này, vốn có nguồn gốc từ các dòng được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu trên thế giới. Đặc biệt đó là trường hợp các nhà công nghiệp AstraZeneca và Janssen.

Để giải thích cho lập trường của mình, Bộ Giáo lý Đức tin đã lấy lại các yếu tố từ một chú thích vào năm 2008, huấn thị Dignitas Personae, một “huấn thị của Bộ Giáo lý Đức tin về một số vấn đề đạo đức sinh học”.

“Cộng tác vào sự dữ”

Bộ Giáo lý Đức tin cho biết như sau khi trích dẫn lại văn kiện năm 2008: “ ‘Có những trách nhiệm khác nhau’ trong việc cộng tác vào sự dữ. Chẳng hạn, ‘trong các doanh nghiệp sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp, trách nhiệm của những người quyết định hướng sản xuất không giống như trách nhiệm của những người không có quyền quyết định nào cả”.

Như thế, đối với Vatican, “việc cộng tác vào sự dữ” này cũng không giống nhau giữa người sử dụng vắc-xin và người đã tham gia cách trực tiếp vào việc phá thai, rồi tiếp đến dùng phát triển vắc-xin này. Theo Bộ, nếu đây là một “sự cộng tác chất thể thụ động”, thì bổn phận luân lý phải tránh nó bằng mọi giá sẽ được giảm nhẹ bởi tính nghiêm trọng của sự dữ cần phải chống lại. Trường hợp ở đây là đại dịch.

“Không có sự chấp thuận về mặt luân lý”

Thông tri của Bộ Giáo lý Đức tin viết: “Lý do căn bản để xem xét việc sử dụng các vắc-xin này có hợp pháp về mặt luân lý hay không là ở chỗ thể loại cộng tác vào sự dữ (sự cộng tác chất thể thụ động) trong việc phá thai, mà từ đó các dòng tế bào này bắt nguồn, là, về phía những người sử dụng các vắc-xin này, cách xa về mặt thời gian. Bổn phận luân lý phải tránh một sự cộng tác chất thể thụ động như thế là không bắt buộc nếu có một mối nguy hiểm nghiêm trọng như sự lây truyền, nếu không thì không thể ngăn chặn được, tác nhân lây bệnh nghiêm trọng: ở đây, đó là trường hợp lây truyền đại dịch virus SARS Cov2 vốn là nguồn gốc của Covid-19.  Do đó, cần phải xem xét rằng, trong trường hợp như thế, tất cả các việc tiêm chủng mà được công nhận là an toàn và hữu hiệu về mặt chữa bệnh đều có thể được sử dụng theo lương tâm ngay lành cùng với nhận thức chắc chắn rằng việc sử  dụng các loại vắc-xin như thế không cấu thành sự cộng tác mô thể vào việc phá thai mà từ đó các tế bào được dùng cho việc sản xuất vắc-xin phát xuất. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng việc sử dụng hợp pháp về mặt luân lý các loại vắc-xin này, trong những điều kiện đặc biệt như thế, tự nó không cấu thành một sự hợp pháp hóa, thậm chí là gián tiếp, cho việc thực hành phá thai, và nhất thiết phải chống lại lối thực hành này của những người sử dụng các loại vắc-xin này”.

Bộ Giáo lý Đức tin cũng nói rõ rằng, việc sử dụng “hợp pháp các vắc-xin như thế” “trong bất cứ trường hợp nào” không thể được coi như là “một sự tán thành về mặt luân lý đối với việc sử dụng các dòng tế bào xuất phát từ các bào thai bị phá”. “Do đó, cả các công ty dược phẩm và các cơ quan y tế của chính phủ đều được khuyến khích sản xuất, phê duyệt, phân phối và cung cấp các loại vắc-xin có thể chấp nhận được về mặt đạo đức mà không tạo ra những vấn đề lương tâm cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay cho người dân được tiêm chủng”.

Quyền lương tâm và trách nhiệm cộng đồng

“Đồng thời, lý do thực tiễn cho thấy rõ rằng việc tiêm chủng, theo lệ thường, không phải là một bó buộc luân lý và, do đó, nó phải là tự nguyện. Trong bất cứ trường hợp nào, từ quan điểm đạo đức, luân lý tính của việc tiêm chủng phụ thuộc không chỉ vào bổn phận bảo vệ sức khỏe bản thân, nhưng còn bổn phận theo đuổi công ích. Trong trường hợp không có các phương tiện khác để ngăn chặn hay thấm chí ngăn ngừa dịch bệnh, công ích có thể khuyến cáo tiêm chủng, đặc biệt để bảo vệ những người yếu đuối nhất và người dễ bị phơi nhiễm nhất. Tuy nhiên, những ai vì lý do lương tâm mà từ chối vắc-xin được sản  xuất bằng dòng tế bào từ  các bào thai bị phá, phải cố gắng hết sức để tránh, bằng các phương tiện phòng ngừa khác và bằng hành xử thích hợp, trở nên phương tiện lây truyền. Đặc biệt, họ phải tránh mọi rủi ro cho sức khỏe của những người không thể tiêm chủng vì lý do ý tế hay những lý do khác, và những người dễ bị tổn thương nhất”.

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix và Vatican.va)

https://www.la-croix.com/Religion/Le-Vatican-approuve-vaccins-contre-Covid-meme-derives-foetus-avortes-2020-12-22-1201131450

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20201221_nota-vaccini-anticovid_en.html

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31