CHUYỆN PHIẾM ĐẠO ĐỜI ĐỌC TRONG TUẦN 31 TN C

Written by xbvn on Tháng Mười 28th, 2013. Posted in Mai Tá

“Yêu là lòng bâng khuâng,”
nhớ hay thương một chiều thu vương,

Gió êm đưa, dạt dào tre đua,

Lá rơi rơi, rơi tả tơi.”
(Văn Phụng – Yêu)

 (Mc 10: 11)

            Bâng khuâng”, “nhớ hay thương, một chiều thu vương” vẫn là tình tự mà nhạc sĩ Văn Phụng coi đó như tâm tình của những người đã và đang “yêu”. Tình tự ấy, kéo dài cả vào khi người-mình-yêu hoặc người-yêu-mình lại có cảm giác, như: “gió êm đưa,” “dạt dào tre đưa”, “lá rơi rơi, rơi tả tơi.”

Yêu, theo ý và kiểu của người nghệ sĩ, còn có nghĩa:

“Yêu, là tình dâng cao, gió lao xao.

Ngả hàng phi lao, phút ái ân đắm say tâm hồn.

Nhớ mãi đêm nào bên nhau.”

(Văn Phụng – bđd)

 À thì ra, yêu là như thế. Là, “đắm say tâm hồn”. Là, “nhớ mãi đêm nào bên nhau”. Là, tình tự mà những người đương yêu thường vẫn có, vào mọi lúc. Những lúc và những lần, từng có kinh nghiệm đôi khi cũng khác. Khác đến độ, khiến người trong cuộc cứ cảm thấy dây dưa, day dứt và bứt rứt cả ở ngoài đời lẫn trong Đạo.

Ngoài đời, nhiều vị/nhiều người vẫn bị “cơn yêu” nó day dứt đến tức bực, đã đành. Người đi Đạo lại cũng không tránh được tình huống giống như thế và như thể nhà thơ/nhạc sĩ có kinh-nghiệm nhiều hơn thế. Kinh và nghiệm, như chuyện kể trích dẫn, ngay bên dưới:

 Chuyện kể rằng:

Vào đời Tống ở Trung quốc có đôi bạn thân, cả hai đều học rộng tài cao, rất nổi tiếng. Về phẩm hàm là quan nhất, nhị phẩm. Đó là nhà văn Vương An Thạch và nhà thơ Tô Đông Pha. Văn chương, thơ phú của hai người đều rất nổi, Vương An Thạch giữ chức Tể  tướng, còn Tô Đông Pha thì làm quan cai trị cả một vùng. Hai người là bạn thân chơi với nhau từ lâu lắm, nhưng do bởi mỗi người có năng khiếu và sở trường riêng, người này giỏi văn còn người kia lại giỏi về thơ, nên Tô Đông Pha không  phục Vương An Thạch, coi bạn không giỏi bằng mình. Biết là bạn coi thường mình, nhưng Vương An Thạch chỉ im lặng không nói gì cả. Có một lần, Vương An Thạch mời Tô Đông Pha đến tư-dinh Tể tướng của mình chơi, để đàm đạo chuyện văn chương thi phú. Khi Tô Đông Pha đến, Vương An Thạch cố ý lánh mặt một cách tế nhị nên Tô Đông Pha một mình bước vào thư phòng của bạn quý. Vì không thấy chủ, lại thấy trên bàn có bài thơ đã làm xong và một bài khác đang viết dở. Là người giỏi thơ văn, nên khi thấy thơ là ông liếc mắt đọc ngay tức thì. Bài thơ đầu, có đôi câu như sau:           

“Minh nguyệt sơn đầu khiếu

  Hoàng khuyển ngọa hoa tâm”.

 Tô Đông Pha nhíu mày, nhăn trán suy nghĩ trong phút chốc: Minh nguyệt là trăng sáng, còn khiếu là hót. Vậy thì ánh trăng sáng, sao mà lại hót được ở đầu núi nhỉ? Câu tiếp, Hoàng khuyển là con chó vàng thì làm sao ngọa (nằm) được ở trong tâm (giữa) bông hoa? Ông lắc đầu và tỏ ý coi thường tác giả viết ra bài thơ ấy. Ông suy nghĩ: “Vậy mà người ta cứ đồn là Vương An Thạch giỏi”? Nhân lúc vắng chủ và sẵn có bút mực tại chỗ, ông sửa lại hai câu, thành:

            “Minh nguyệt sơn đầu chiếu

            Hoàng khuyển ngọa hoa âm

 Câu sửa lại có nghĩa là: ánh trăng chiếu nơi đầu núi và con chó vàng nằm dưới bóng của bông hoa. Sửa xong hai câu trên, Tô Đông Pha tỏ ý hài lòng và cho rằng khi đọc lại hai câu này hẳn là Vương An Thạch sẽ phải phục tài của mình lắm, đây. Thơ phải như thế mới đúng!

 Đọc bài thứ hai, thấy Vương An Thạch  tả cảnh mùa đông lạnh lẽo, có tuyết rơi, có hoa cúc rụng tơi tả, ông cảm thấy bực bội vì, thực tế làm gì có chuyện hoa cúc lại rụng như thế? Hoa cúc, khi tàn héo, nó vẫn bám vào đài và thân hoa cho đến khi cây cúc chết. (Hoa cúc, vì như vậy nên các đôi trai gái khi yêu thường lấy hoa làm biểu tượng để tặng cho nhau hầu thể hiện sự chung thủy của mình) Ông cầm bút viết cạnh bài thơ để nói thẳng với tác giả rằng “ Hoa cúc không bao giờ rụng”. Biết mình có chức tước phẩm hàm còn dưới Vương An Thạch nên lúc ra về suy nghĩ lại, ông biết rằng mình đã phạm thượng, vì Vương An Thạch là quan đầu triều, chỉ dưới có mình vua, thế nào mình cũng bị trị tội, hoặc trả thù là điều chắc chắn. Quả nhiên, sau một thời gian không lâu Tô Đông Pha nhận được “trát” điều đi nhậm chức tận vùng phương Bắc xa xôi như đi “đầy”. Tô Đông Pha hối hận và nhận ra hậu quả của việc làm bồng bột của mình!

Còn với tể tướng Vương An Thạch, sau khi ban “trát” điều Tô Đông Pha đi, ông hạ lệnh cho các quan địa phương nơi Tô Đông Pha đến làm việc, là: phải tạo điều kiện  thuận lợi cho ông tìm hiểu đất đai, thổ nhưỡng cũng như thiên nhiên vùng đó và đối xử với Tô Đông Pha như  bậc đại khách. Là người yêu thiên nhiên và biết cảm thông với nỗi thống khổ của người dân ở vùng đất khô cằn, khắc nghiệt, Tô Đông Pha thường xuyên tiếp xúc với dân, ông thỏa sức đi du ngoạn để tìm hiểu con người và đất đai trong khắp vùng. Vì sống hòa đồng và hết sức thân thiện với mọi người, nên ông đi đến đâu cũng được quan, dân đón tiếp chân thành và nồng thắm.

Có lần đến thăm làng quê nọ, Tô Đông Pha bỗng nghe thấy tiếng chim lạ hót véo von, tiếng hót rất trong lại vang vọng vào núi đá. Nhà thơ hỏi người đi cùng đấy là loại chim gì mà hót hay thế? Dân địa phương trả lời: Đấy là tiếng hót của laòi chim Minh Nguyệt.  Một lần khác, khi đi thăm một vườn trồng đầy hoa, thấy mọi người đang bắt sâu lạ cứ nằm giữa hoa để cắn nhụy.

Ông hỏi: đó là sâu gì thế? Nông dân trả lời: Đó là sâu Hoàng Khuyển. Thì ra trên thực tế có cả loại chim Minh Nguyệt và sâu Hoàng Khuyển thật sự. Vì tự cao tự đại không hiểu hết ý tứ nên đã sửa bài thơ của Vương An Thạch, làm sai nội dung và tứ thơ hay của bài thơ! Thời gian trôi qua, cái lạnh của mùa đông ở phương Bắc tràn về, Tô Đông Pha ngồi trong nhà nhìn ra ngoài thấy tuyết trắng bay đầy trời và, ở dưới vườn, mấy cánh hoa cúc bị tuyết bám rụng lã chã. Nhà thơ giật mình bèn thở dài: thì ra có hoa cúc rụng thật. Chỉ có điều là nó rụng trong hoàn cảnh và môi trường nào, thôi.

Ông suy nghĩ hồi tưởng lại các sự việc diễn ra trong thời gian vừa qua, thấy rõ là vốn hiểu biết của mình quá nông cạn, lại cứ nghĩ việc mình được bổ làm quan nơi xa, có dịp được tiếp xúc mọi người, lại được du ngoạn, đón tiếp thịnh tình nên có thêm nhiều hiểu biết và được sống cách phong phú ở vùng thiên nhiên kỳ thú, nhưng vô cùng khắc nghiệt này. Tô Đông Pha bỗng nhận ra rằng bạn Vương An Thạch, quan Tể tướng – không phải là người tầm thường, ông không trả thù hay “đầy” mình lên biên cương nhưng lại đã quan tâm, tạo điều kiện cho mình đi tận nơi, đến tận chỗ để có thêm kiến thức tự dân gian. Vừa thấm thía, biết ơn, vừa cảm phục bạn, nhà thơ Tô Đông Pha liền ngồi viết bức thư tạ lỗi Vương An Thạch..

 Truyện thời cổ, về tình bạn thân thiết là thế, vậy mà cũng có lúc đi đến hiểu lầm, suýt mất mạng. Sống ở đời, ngoài tình bạn tri kỷ, thắm thiết còn nhiều thứ tình-tự cũng khắng khít, thân thương, nồng thắm. Thế nhưng, các cụ khi xưa từng trải-nghiệm về thứ tình nồng thắm, có lúc khá đắng cay của mọi cuộc tình nên vẫn bảo: “yêu nhau lắm, cắn nhau đau”, là thế đấy.

Truyện thời nay, tình yêu đôi lứa càng khắng khít, thắm nồng bao nhiêu càng có lúc không chỉ “cắn nhau đau” mà thôi, nhưng còn gây cho nhau buồn phiền và chết chóc, nữa. Chẳng thế mà, cả nhà thơ lẫn người viết nhạc hôm ấy, lại thấy chán mà ca lên:

 “Thôi! Yêu dấu mà chi?

Ngày vui xế bóng, đôi lòng chia xa.

Hồn tàn hơi buốt giá,

Khi mùa xuân qua, úa phai nhạt hoa.”

(Văn Phụng – bđd)

 Quả cũng đúng, như lời nghệ sĩ hát: một khi người tình mình đã cảm thấy “ngày vui xế bóng” rồi, ắt hẳn “lòng (sẽ) chia xa”, và “hồn buốt giá”. Và, khi “xuân (mùa) đã qua”, hoa nhạt úa, thì tình người cũng phai nhạt, “hồn tàn hơi”, và “đôi lòng (cũng) chia xa” , nhạt nhoà do bởi yếu tố rất lạ; chợt khi ấy, người người mới thấy rõ mọi việc.

Về điểm này, cơ quan Liên Hiệp Quốc chuyên trách về cảnh tình của các nữ-phụ trên thế giới, thấy được như thế nên đã khẩn báo mọi người về thảm trạng mà các vị gọi là “bạo động chống phụ nữ” qua báo cáo Ủy Ban cho biết vào hạ tuần tháng 3/2013, có đôi điều cần ghi nhớ như sau:

 “Hành-xử đầy dục-tình của nam nhân đối với phụ-nữ, có thể là hình-thức bạo động chống nữ phụ bởi nó có thể dẫn đến kết cuộc là: phụ nữ cứ phải lãnh hậu quả, là: có thai ngoài ý muốn.

 Tuần qua, báo The New York Times đã tham gia vào “cuộc chơi” bằng một bài quan điểm/lập trường đã không ghi danh tánh người viết, lại cho rằng: Toà thánh La Mã, đất nước Iran và liên bang Nga đang tìm cách bãi bỏ thứ ngôn-ngữ chắc nịch bằng thông-cáo-chung nhất quyết rằng: yếu-tố tôn giáo, tập quán hoặc truyền thống không nên và không thể khiến cho giới cầm quyền dùng nó để đưa ra một số ràng-buộc nhằm chấm dứt tình-trạng bạo lực.

 Báo New York Times còn tố cáo “Liên Minh không lành” này lại đã dửng dưng trước hình-thức bạo-động chống phụ-nữ, nên mới bảo: liên minh ấy sử-dụng tôn-giáo để bênh vực/bảo vệ kẻ vũ-phu chuyên xách-nhiễu vợ, đồng thời liên-minh này còn nhắc nhớ ta rằng: các nỗ-lực do Vaticăng và đất nước Iran đề nghị nên khống-chế phụ-nữ như họ vẫn quen làm như thế.

 Xem thế thì, cáo buộc cho rằng nhiều nhóm hội/đoàn thể đang tìm cách bãi bỏ nỗ-lực bảo-vệ phụ-nữ, thì đó lại là lời nói dối trắng trợn. Thật ra, những gì đang xảy đến chỉ là sự việc Toà thánh La Mã và các đồng minh của Giáo hội đang tìm cách ngăn chặn đề nghị do Hoa Kỳ và Hiệp hội Châu Âu đưa ra, nhằm thăng tiến cổ cõ quyền phá thai của mọi người, mà thôi.” (xem Sheila Liaugminas, Advancing Radical Agenda, MercatorNet 22/3/2013)

 Vốn dĩ ở đời, người người cũng sẽ nhận ra được điều đó, nên mới hợp giọng cùng người nghệ sĩ bèn hát thêm những câu ca da diết, thiết tha khi chợt thấy người thân yêu đã đi xa nên đã nhớ:

 “Nhớ thương bao nhiêu

Một người than yêu, đã đi xa về miền hoang lieu

Những trang thư là hành trang theo

Cố nhân ơi, giận hờn chi.”

 Bởi lẽ, kinh nghiệm trong đời không chỉ thấy “yêu nhau lắm, cắn nhau đau” mà thôi, nhưng còn cứ hát:

 “Yêu, là tình thương đau,

Với xót xa lệ tình không tan

Biết nói sao những khi âu sầu

Những khi úa nhạt tâm tư.”

(Văn Phụng – bđd)

 “Tâm tư úa nhạt”, “Lệ tình không tan”, có khi lại là tình huống của một số bạn đạo vốn nghe nhiều về đoạn Tin Mừng do thánh-sử Mátthêu viết, nhưng vẫn thắc mắc, như tâm tình của người giáo dân “miệt vườn” Sydney từng ghi thư hỏi han bậc cha/cố rất như sau:

 “Thưa Cha. Trong cuốn “Lời Chúa cho mọi người” con đọc, thấy có đoạn viết: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10: 11-12) Xem như thế, ta có nên hiểu: ngoại tình là lý do để cho vợ chồng ly dị và tục-huyền không?” Xin cha giải thích cho biết, để bớt lo.”   

 “Để bớt lo” là muốn nói: bổn đạo mình, là nam hay nữ, lâu nay vẫn ưu-tư lo lắng về ý-nghĩa lời thánh-sử mà ta gặp ở Tin Mừng Nhất Lãm. Để giáo dân mình bớt “lo” về Lời Chúa có khác biệt, vị cố Đạo có trọng trách giải đáp thắc mắc ở tuần báo “The Catholic Weekly” Sydney, nay lại lấy giấy bút ra mà giải thích đôi điều, rất như sau:

 “Bản văn mà anh/chị vừa trích dẫn, lâu nay vẫn là đề tài khiến nhiều người hiểu lầm và lẫn lộn về Lời Chúa. Lẫn lộn nhiều, ở câu trích: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp” được nhiều dịch-giả lại cứ dịch theo cách khác nhau, tùy bối cảnh. Chẳng hạn, bản dịch của Ủy Ban Các Giờ Kinh Phụng Vụ, có viết: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới người khác là phạm tội ngoại tình.”(Mt 19: 9) Trong khi đó, sách “Kinh Thánh” do Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR lại dịch: “Ai rẫy vợ -trừ phi là nố dâm bôn- và cưới vợ khác, tức là phạm tội ngoại tình.” Dịch thế nào thì dịch, lời dịch tuy có khác, nhưng ý chính vẫn thế.

 Trước khi đi sâu vào ý nghĩa của văn bản, thiết tưởng: ta nên chú trọng hai điều: Một, là chỉ mỗi thánh Mát-thêu mới đưa câu này vào Sách Thánh, thôi. Còn các thánh-sử khác như thánh Máccô và Luca, lại đã bỏ đoạn đó, viết rõ hơn: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng, để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình như vậy.” (Mc 10: 11/Lc 16: 18) Bản văn hai thánh-sử này cho thấy: đó là chưa nói đến nguyên do cho phép vợ chồng được ly dị và tục huyền, ở đây.

 Điều khác nữa, là: Tin Mừng do thánh Mátthêu ghi, xem ra cho thấy trường hợp dù ta có cho phép ly dị và tục huyền đi nữa, thì điều này vẫn nên hiểu theo ánh sáng của truyền thống sống động từ Hội thánh. Và, truyền thống này vẫn “trước sau như một” bởi: ngay từ đầu, Hội thánh chẳng bao giờ cho phép ly dị rồi lại tục huyền, vì bất kỳ lý do nào đi nữa. Trong khi anh em Thệ Phản lại dùng đoạn văn này để biện minh cho việc ly dị và tục huyền, thì Hội thánh Công giáo vẫn duy trì tính-cách không thể tách rời ở hôn-nhân.

 Đức Giáo Hoàng Piô XI cũng đã khẳng điều này rất rõ ở tông thư “Casti connubii” do ngài viết vào năm 1930, trong đó nói: “Đây đích thực là Giáo-huấn có tự Kinh thánh vẫn trước sau như một và là Thánh truyền tự Giáo hội Chúa khắp hoàn cầu. Giáo huấn này, Công đồng Triđentinô long trọng tuyên bố là tín điều dùng lời Sách Thánh làm nền hầu công bố và thiết lập hôn-nhân như khế-ước vĩnh-toàn không thể tách rời tính hiệp nhất và ổn cố vốn có từ Thiên Chúa.”

 Vậy thì, ý nghĩa của câu “ngoại trừ nố dâm-bôn” là thế nào? Tác giả Scott Hahn trong cuốn “Học hỏi Kinh thánh của Người Công giáo theo tinh thần của thánh Ignatiô” giải thích rằng: có ba ý nghĩa giúp cho ta dễ hiểu hơn, nhưng cả ba đều loại bỏ trưòng hợp ly-dị và tục huyền.

 Thứ nhất, các thánh Giáo phụ từng giải thích ý-nghĩa này: khi có sự bất-trung hoặc ngoại-tình từ phía nào đi nữa của bậc vợ chồng, thì vợ chồng ấy có thể chia tay hoặc “ly dị” nhưng quan-hệ hôn-nhân vẫn không sứt mẻ và vợ chồng không được tự do tái giá thêm lần nữa. Truờng hợp này, tiếng Hy Lạp gọi là “nố dâm bôn” (“porneia”), có nghĩa: ngoại tình, tức: một ý-nghĩa khác thế. Cả thánh Phaolô cũng xác-định: “Với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa, rằng: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.”(1Cor 7: 10). Tương-tự như thế, Luật Hội thánh cũng đề cập: ngoại tình, coi như lý do để hai người chia tay/ly cách cùng một thể, vì trước đó Luật này có đề nghị người phía bên kia hãy tha thứ cho người bạn đời mình phiá bên này từng phạm tội ngoại tình (x. Giáo luật số 1152). Thế nhưng, dù gì đi nữa, cũng không thể cho phép hai người đi đến ly dị được.

 Thứ đến, có chỉ dẫn bảo rằng “nố dâm bôn” qui về các cặp hôn-nhân nào mà người vợ hoặc chồng đang sống chung trong quan-hệ nào khác bị pháp luật ngăn cấm, như: trường hợp có quan-hệ giòng tộc/máu mủ chẳng hạn. Trường hợp mà tiếng Hy Lạp gọi là “porneia”, là qui về tình cảnh hai người có quan-hệ bất-chính sống chung với nhau không hôn thú theo luật định nên, vẫn có thể chia tay nhau một cách có hiệu lực. Lập trường này được nói ở hai đoạn Tân Ước trong đó “dâm bôn” qui về trường hợp “loạn luân” (x. Cv 15: 20, 29; 1Cor 5: 1-2). Muốn hiểu lai lịch Cựu Ước ủng-hộ lối giải thích này, phải qui về chuyện hôn nhân bị cấm giữa những người có quan-hệ gần gũi, thân-tộc. (x. Lêvi 18: 6-18)

 Cuối cùng, giải thích trên cũng có nói: “Ngoại trừ nố dâm bôn” có nghĩa là bất kể lai lịch Cựu Ước nói về ly dị” lại nói rõ chuyện “dâm bôn” do người vợ mà ra (x. ĐNL 24: 1). Chiếu theo lối giải thích này, Đức Giêsu đã xoá bỏ điều mà Cựu Ước cho phép trong một vài trường hợp và Ngài cũng không muốn bàn cãi về chuyện ly-dị như thế. Ngài không làm khởi sắc cũng chẳng tái-khẳng-định việc Môsê cho phép làm thế nhưng cùng làm với nhau.

 Bằng vào giáo huấn này, Đức Giêsu đã đưa hôn-nhân về lại theo cách của thời ban đầu, trước khi Adong và Evà bị sa ngã, là lúc cả hai bên đều có quyết tâm sống với nhau suốt đời tạo gương mẫu phản chiếu tình thương-yêu chung thủy của Chúa, với dân Ngài.” (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 15/9/2013 tr. 10)

 Giải thích, thì cứ giải thích. Vấn đề là: người trong cuộc nay có còn nghe theo lời huyên dạy của đấng thánh hiền từng bảo ban:

 “Các môn đệ thưa Người:

“Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ,

thì thà đừng lấy vợ còn hơn.”

Nhưng Người nói với các ông:

“Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy,

nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.”

Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ,

họ đã không có khả năng;

có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn;

lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời.

Ai hiểu được thì hiểu.”

(Mt 19: 10-12)

 Là môn đồ từng theo Chúa diễn giảng đủ mọi chuyện, mà còn chưa hiểu, huống hồ là giáo dân hạng thứ ở phố chợ. Vấn đề còn lại, vẫn là: làm sao để “Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu”. Và khi hiểu được phần nào bằng cuộc sống, cũng nên cảm tạ Ơn trên đã cho mình huệ lộc ấy.

Cuối cùng, để cho dễ hiểu, cũng nên tìm về với truyện kể ở đời mà ngâm nga, rồi sẽ có ngày nhận được thêm ân-huệ, ta sẽ hân hoan mà vui sống. Vui để sống, có các truyện minh hoạ, vẫn theo mình, ở bên mình, kể rằng:

 “Cặp vợ chồng trẻ nọ nhận được rất nhiều quà cưới quý giá, khi vừa xây tổ ấm ở vùng ngoại ô. Buổi sáng nọ, hai vợ chồng nhận được một phong bì qua đường bưu điệm trong đó đính kèm hai vé mời đi xem trình diễn văn-nghệ nổi tiếng trong thành phố. Trên phong bì chỉ kèm mỗi giòng chữ duy nhất: “Hãy đoán xem ai gửi tặng!”

 Hai vợ chồng rất lấy làm thích thú và cố moi óc xem ai là người gửi tặng mà sao lại cứ giấu tên cùng tuổi, nhưng cả hai chẳng tài nào đoán nổi. Hôm sau, họ đi ra nhà hát xem vở diễn đúng theo giấy mời và tận hưởng một buổi tối rất vui.

 Về đến nhà vào giờ đã khuya khi hai vợ chồng vẫn cố suy đoán xem tung tích của người tặng vé mời cứ giấu tên kia, thì mới khám phá ra rằng: nhà mình đã bị cuổm sạch hết mọi đồ giá trị. Trên bàn ở phòng ăn, hai vợ chồng thấy có mảnh giấy viết đôi giòng cùng một nét chữ như trên phong bì đựng vé mời xem hát, có ghi: “Bây giờ thì nhị vị biết rõ ai tặng vé mời rồi chứ nhỉ?”

 Người vợ buồn rầu nói:

-Chết rồi anh ơi! Mất hết đồ đạc thế này, làm sao mình sống nổi?

-Không sao đâu em! Mất gì thì mất. Đừng mất tình mình yêu nhau là được. Mất đồ ta sắm lại được, chứ đừng để mất tình yêu giữa chúng mình, nhé em.” (truyện kể trích từ trang mạng)

 Truyện kể ở trên, tưởng chừng như nghe quen quen. Duy có điều không quen nghe, là lời bàn của người kể cứ bảo rằng: “Nguyên nhân và cũng là hậu quả thảm khốc của mọi cuộc chia tay/tách rời giữa vợ chồng là tự mình để mất tình yêu mình từng thề hứa. Một khi tình yêu giữa hai người không còn, thì chẳng còn luật lệ hoặc lời khuyên nào nào đáng giá hết.”

Lời cuối của phiếm luận hôm nay, lại cũng là lời chúc hết mọi người: đừng bao giờ để mất tình thương của nhau, và với nhau. Có nó rồi, chẳng bao giờ sợ bất cứ chuyện gì đi nữa, chí ít là ly dị với ly thân hoặc ly trần, trong nuối tiếc.

Nói thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta lại ngâm nga câu ca ở trên, để hát rằng:

 “Yêu, là lòng bâng khuâng,

  nhớ hay thương một chiều thu vương,

Gió êm đưa, dạt dào tre đua,

Lá rơi rơi, rơi tả tơi.”

(Văn Phụng – bđd)

 Tả tơi hay gì đi nữa, cũng không sợ. Chỉ sợ mỗi điều, là: mất trộm tình yêu, rất diễm kiều. Mình trân trọng.


Trần Ngọc Mười Hai

Luôn tâm niệm

những điều đơn giản như thế,

mãi suốt đời.

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31