CHRISTOPH THÉOBALD : « MỘT ĐỨC TIN TRƯỚC TIÊN LÀ TIẾN BƯỚC HƠN LÀ GIÁO THUYẾT »

Written by xbvn on Tháng Bảy 8th, 2013. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Theo cha Christophe Théobald, thần học gia dòng Tên, nguời Pháp, thông điệp đầu tiên của Đức Thánh  Cha Phanxicô nhấn mạnh sức mạnh biến đổi của niềm tin vào Chúa Kitô.

La Croix : Ta có thể tóm tắt thông điệp Lumen fidei này như thế nào ?

Cha C. Théobald : Ta có thể nói về một thuyết nhân bản Tin Mừng, được đề nghị ở đây bằng một mối ưu tư to lớn về sự quân bình  giữa việc lắng nghe Lời Chúa và cái nhìn về ánh sáng của Chúa Kitô. Tự sâu xa, đó là như thể ta đã nói về « Ánh Sáng Kitô giáo », tương phản với « thế kỷ Ánh Sáng ».

Một đức tin vốn không phải là một chính sách ngu dân hay một thứ tôn thờ ngẫu tượng. Một đức tin vốn cũng không phải là cố chấp : đây là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng nói điều đó. Và điều đó đến đối lập với luận đề của Emile Poulat, cho rằng đạo Công giáo không thể thoát khỏi não trạng cố chấp (intransigeantisme).

Thông điệp nói rõ rằng người Công giáo không thể kiêu ngạo, trái lại, họ phải khiêm tốn, vì họ quy chiếu đến một chân lý vốn không thuộc về họ. Vả lại, tôi không thấy bất cứ yếu tố nào có thể làm cớ cho những cuộc luận chiến, như đó đã là trường hợp, ở vài chỗ, trong hai thông điệp trước. Chắc chắn cần phải quy lối diễn tả đầy hòa bình, khôn ngoan và tốt lành này cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

La Croix : Có phải Đức Phanxicô đã viết phần dẫn nhập không ?

Cha C. Théobald : Không phải, phần dẫn nhập rõ ràng là văn phong của Ratzinger : việc trích dẫn Nietzche là dấu ấn của ngài phần nào, vì ngài đã từng trích dẫn ông ta, trong trích dẫn đầu tiên, trong thông điệp của ngài về tình yêu ! Chắc chắn Đức Phanxicô chỉ thêm vào một vài câu, nhưng người ta cảm thấy rằng mối tương quan giữa hai vị giáo hoàng là rất huynh đệ, nhất là trong cách thức Đức Phanxicô nói rằng ngài « đảm nhận công việc cao quý của ngài (của Đức Bênêđíctô XVI, ctnd) » (số 7). Như thế ngài thực hiện những gì ngài nói về « tri thức được chia  sẻ vốn là đặc điểm của tình yêu. » : theo nghĩa này, thông điệp do bốn tay viết ra này đặc biệt tuyệt đẹp. Trong cùng chương này, thoáng qua, Đức Phanxicô định nghĩa nhiệm vụ của đấng kế vị thánh Phêrô là « luôn đuợc  mời gọi củng cố anh em trong đức tin ».

La Croix : Chương thứ nhất vạch  lại lịch sử đức tin  từ Abraham : phải chăng đó là điều đổi mới ?

Cha C. Théobald : Thực sự không phải. Nhưng những gì có tính đổi mới, đó là cách thức nói rằng đức tin được định hình với một con đường, đức tin là tiến bước và nó được tìm thấy khi bước đi. Thông điệp nhấn mạnh sức mạnh biến đổi của đức tin (số 40), điều đó đổi mới « ý nghĩa bí tích của cuộc sống con người ». Xa hơn một chút, cách mới mẻ, thông điệp cũng nhắc lại rằng « người Kitô hữu càng chìm ngập trong ánh sáng của Chúa Kitô, thì họ càng có thể đồng hành với con đường của mọi người hướng về Thiên Chúa » (số 35). Vì thế, chúng ta rất xa với một đức tin được định nghĩa cách tiên thiên bởi giáo thuyết. Vả lại, trong phần thứ ba, thông điệp đặt lại Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo trong số các yếu tố vốn cấu trúc việc dạy giáo lý (số 46) ; đó là một cách hùng hồn nhắc lại rằng ta không thể ngẫu tượng hóa Sách Giáo Lý. Sách Giáo Lý do đó được sáp nhập vào một chuyển động thực nghiệm mạnh mẽ vốn kết hợp đức tin, đức cậy và đức mến.

La Croix : Kiểu nói « đức tin nhìn theo quan điểm của Chúa Giêsu » có nghĩa là gì ?

Cha C. Théobald : Kiểu nói ý nghĩa này cũng khá có tính canh tân. Nó có nghĩa rằng người Kitô hữu nào chấp nhận cái nhìn của Chúa Giêsu đều có một cái nhìn về thực tại luôn gắn liền với tình yêu : « trong tình yêu chúng ta học nhìn thực tại với con mắt của tha nhân » (số 47). Đó rõ ràng là một đòi hỏi lớn lao và ta có thể nói rằng thông điệp này có tính đòi hỏi hơn các thông điệp về đức ái và đức cậy. Tuy nhiên, điều làm tôi khó chịu, đó là điểm quy  chiếu ở đây đặc biệt là theo Gioan (Tin Mừng theo thánh Gioan) và theo Phaolô, mà không quy chiếu đến ba Tin Mừng nhất lãm (Matthêu, Máccô và Luca), đang khi mà các Tin Mừng này có tính cụ thểhơn và có thể chỉ ra một lộ trình khai tâm.

La Croix : Thông điệp nói nhiều về « Thiên Chúa ánh sáng » : điều đó có nghĩa gì cho đức tin ?

Cha C. Théobald : Đức Giáo Hoàng so sánh giữa ánh sáng mặt trời vốn không soi chiếu tất cả và ánh sáng của Chúa Kitô vốn soi sáng tất cả và không bao giờ mất sức mạnh của nó. Do đó ngài đề nghị một cái nhìn về chân lý của Chúa Kitô như là toàn diện (số 33) bằng cách thanh lọc các cuộc luận chiến xưa xung quanh chủ thuyết tương đối vốn làm cho sợ rằng đức tin trở thành một ánh sáng trong số các ánh sáng khác. Ánh sáng đức tin không phải vì thế mà có thể bị loại trừ như là chuyên chế bởi vì nó không ngừng có tình yêu để điều chỉnh.

Tý Linh chuyển ngữ

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31