CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A: KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Written by xbvn on Tháng Mười Một 13th, 2014. Posted in Năm A, Nguyễn Văn Nội, Việt Nam

NHỮNG NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA GIÁO HỘI VIỆT

[2 Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Lc 9,23-26]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Trong Lịch Phụng Vụ của Ro-ma, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được gọi là Lễ Kính Thánh An-rê Trần An Dũng Lạc và các Bạn Tử Đạo, vì Thánh An-rê Dũng Lạc đứng đầu danh sách 117 vị Tử Đạo được Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II phong Hiển Thánh ngày 29/06/1988. Mỗi lần nói/nhớ tới Thánh An-rê Dũng Lạc, tôi không thể không nhắc lại một kỷ niệm đẹp của chuyến viếng thăm Nhà Thờ Chính Tòa Los Angeles, CA (Hoa Kỳ), hè năm 2005. Nhà Thờ Chính Tòa Los Angeles có hai nét độc đáo mà tôi rất ngưỡng mộ: một là kiến trúc của Ngôi Nhà Thờ này xuất phát từ ý tưởng của ngôi nhà cộng đồng của thổ dân sinh sống ở vùng này trước khi Ki-tô giáo có mặt (kiểu nhà rồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên Việt Nam); hai là trên hai bức tường phía trong Nhà Thờ có tượng của một số Vị Thánh được chọn lọc bởi Giáo Hội địa phương, trong đó có tượng Thánh An-rê Dũng Lạc của Việt Nam. Khi nhìn thấy tượng Thánh An-rê Dũng Lạc đứng giữa tượng các Thánh khác, lòng tôi bồi hồi xúc động và cảm thấy vô cùng tự hào về cha ông của mình là các Vị Tiền Nhân đã kiên cường tuyên xưng Đức Tin dù có phải chết. Các ngài xứng danh là những người con ưu tú của Giáo Hội Việt.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (2 Mcb 7,1.20-23.27b-29): Bà mẹ là người đáng khâm phục, vì bà can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Chúa.

1 Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

20 Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. 21 Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con:  22 “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. 23 Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”

27b Bà nói với người con út: “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. 28 Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. 29 Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”

2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 8,31b-39):  Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

31b Thưa anh em có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ? 32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? 33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính?  34 Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?

35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? 36 Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.

37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 9,23-26): Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạnh sống ấy.

23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.  24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách    Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

– là Đấng mà 7 mẹ con được kể lại trong sách Ma-ca-bê quyển 2 tôn thờ và trung kiên trong việc tuân giữ giới răn của Người (bài đọc 1).

– là Đấng đã Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được tình thương bao la khiến ai tin vào Người thì không còn phải sợ hãi chi nữa (bài đọc 2).

– là Chúa Giê-su, Đấng đã kêu gọi mọi người đi theo Người bằng con đường từ bỏ chính mình và vác thập giá (bài Phúc âm).

– là Chúa Thánh Thần Đấng cùng hành động với Chúa Cha và Chúa Con để giúp con người sống trung kiên trong lòng tin.

3.2 Giáo Huấn của Thiên Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?)  hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo!”

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như tạo vật đối với Đấng Tạo Hóa, như môn đệ đối với Thầy.

4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa

Để thực hiện giáo huấn của Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy nhìn lên các Thánh Tử Đạo Việt Nam là các bậc tiền nhân của chúng ta mà trung kiên trong đời sống Ki-tô hữu giữa dòng đời phong ba bão táp.

V. CẦU NGUYỆN CHO  THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 «Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài.» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu: cho hết mọi người trên thế gian này, để ai nấy đều được ơn nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa càn khôn đã dựng nên muôn vật muôn loài.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu: cho mọi thành phần của Hội Thánh Công Giáo, nhất là cho các vị lãnh đạo dân Chúa, để mọi tín hữu xác tín vào Tình Yêu của Thiên Chúa mà vững lòng cậy trông.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu: cho mọi người và mọi gia đình thuộc giáo xứ chúng ta để ai nấy đều có lòng khát khao nên giống Chúa Ki-tô mà từ bỏ và chấp nhận vác thập giá mà đi theo Người.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu: cho các Ki-tô hữu đang bị bách hại, giam cầm… vì Đức Tin, để họ vững tin vào phần thưởng mà Thiên Chúa sẽ dành cho sự trung kiên của họ.

X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa.  Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31