ĐÀNG THÁNH GIÁ NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Written by xbvn on Tháng Ba 15th, 2016. Posted in Giáo Hội Hiệp Thông, Tâm linh, Xuân Tịnh

ĐÀNG THÁNH GIÁ NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

***

Chặng thứ nhất

CHÚA GIÊSU CHỊU XỬ ÁN

Cầu cho việc Tân Phúc Âm Hóa Xã Hội

– Lời Chúa: Thế rồi họ cứ một mực la lớn: “Ðóng đinh! Ðóng đinh nó vào thập gía!” Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra”. Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Rồi tiếng la càng thêm dữ dội. Và ông Philatô phán quyết chấp thuận điều họ yêu cầu. (Lc 23,21-24)

Suy niệm: Nơi tòa án Philatô có 2 hình ảnh tương phản: Một bên là sự khiêm tốn, hiền lành của Chúa Giêsu –Dung mạo của Lòng Thương Xót, còn bên kia là sự hung hăng và hỗn loạn của đám đông. Bị kích động bởi các Tư tế và Biệt phái, họ đưa cao nắm đấm và la hét đòi kết án tử hình cho người vô tội; đây là biểu hiện của sự ích kỷ, thói vô cảm và lòng ganh ghét, hận thù.

Cũng như ngày xưa, con người hôm nay muốn kết án và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống. Người ta chủ trương tục hóa và hưởng thụ. Với họ, mục tiêu của đời sống chỉ là tìm cách thỏa mãn “cái tôi” đến độ không còn khả năng nhìn thấy người khác chung quanh mình. Đó chính là nguyên nhân của biết bao tệ nạn và tai ương trong xã hội.

– Thư mục vụ Hội Đồng Giám Mục 2015 viết: “Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội chính là sống, chia sẻ, loan báo và làm chứng cho lòng thương xót ngay trong đời sống xã hội. Trước những dấu hiệu đáng ngại trong xã hội ngày nay: gian dối, vô cảm, bất công, ma túy, bạo lực, phá thai, tự tử…, mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống.”(Thư HĐGMVN 2015)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Xin ban Thánh Thần xuống để canh tân trái đất nầy. Xin Thánh Thần Chúa hướng dẫn lương tâm con người ngày nay để họ tìm về với Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của muôn loài. Xin đánh động con tim để mọi người cảm nhận được tình yêu vô bờ của Thiên Chúa là Người Cha giàu lòng xót thương.

Chúng con cầu xin cho mọi Kitô hữu chúng con biết mở rộng cõi lòng, để “Lòng Thương Xót của Chúa sưởi ấm con tim nguội lạnh, đánh thức niềm hy vọng và thúc đẩy chúng con làm điều thiện” (x. ĐTC Phanxicô 7-7-2013). Nguyện xin Chúa biến đổi chúng con trở thành những chứng nhân của Lòng Thương Xót, những tác nhân ra đi thi thố lòng thương xót với tha nhân. Amen.

***

Chặng thứ hai

CHÚA GIÊSU VÁC CÂY THÁNH GIÁ

Cầu cho mọi người dấn thân phục vụ giáo xứ

– Lời Chúa: Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại, Người nói với họ rằng:“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8,34-35).

Suy niệm: Chúa Giêsu mời gọi mỗi người hãy vác thập giá đi theo Ngài. Vác thập giá mình là chu toàn các bổn phận. Vác thập giá còn là đi theo Ngài, cùng với Ngài, dấn thân trên con đường của lòng thương xót: con đường phục vụ, hy sinh, quảng đại và yêu thương. Hành trình thập giá chắc chắn không đem lại sự thoải mái cho bản thân, nhưng “là con đường dẫn đến sự tự do đích thực, sự tự do vốn giải thoát chúng ta khỏi sự ích kỷ và khỏi tội lỗi.” (x.ĐTC-Kinh truyền tin 13-9-2015)

Người Kitô hữu giáo dân ngoài việc phải chu toàn bổn phận với Chúa và với gia đình, còn được mời gọi tham gia tích cực vào việc xây dựng và phục vụ Giáo Hội trong những công việc thích hợp với vai trò và khả năng của mình. Tại địa phương, giáo xứ là ngôi nhà chung của mọi người, vì thế mọi tín hữu có bổn phận đóng góp công sức của mình để củng cố và làm cho ngôi nhà chung nầy ngày càng xinh đẹp hơn.

– Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi vô cùng biết ơn tất cả những người đang dấn thân hoạt động trong Hội Thánh và cho Hội Thánh. […] Nỗi đau và sự xấu hổ chúng ta cảm thấy vì tội lỗi của một số thành viên của Hội Thánh, và tội lỗi của chính chúng ta, không bao giờ được làm chúng ta quên rằng có vô số người Kitô hữu đang hiến dâng cuộc đời mình trong hy vọng. […] Họ dấn thân bằng những cách thức khác nhau để chứng tỏ một tình thương vô biên đối với nhân loại được khơi dậy bởi vị Thiên Chúa làm người. Tôi biết ơn vì gương sáng tôi nhận được từ rất nhiều Kitô hữu khi họ vui vẻ hy sinh cuộc đời và thời giờ của họ. Những chứng tá này an ủi và nâng đỡ tôi trong cố gắng của chính mình để khắc phục tính ích kỷ và để tôi hiến mình trọn vẹn hơn.” (Tông huấn NVTM,76)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vác thập giá nặng nề vì tội lỗi chúng con. Xin dạy chúng con biết chu toàn bổn phận mình hằng ngày và biết dấn thân vào công việc chung của giáo xứ.

Chúng con cầu nguyện cho Hội Đồng Mục Vụ, các ban ngành và đoàn thể trong giáo xứ. Xin cho mọi người cùng cộng tác và dấn thân phục vụ cộng đoàn với nhiệt tình được thúc đẩy bởi Lòng thương xót Chúa và sức mạnh của thập giá.

Mỗi người chúng con đều mang nặng những yếu đuối của thân xác: sự lười biếng, ù lì, tính ích kỷ và thói dửng dưng… Xin cho chúng con mạnh mẽ đứng lên và can đảm vác lấy thập giá đi theo Chúa. Vì con đường thập giá của Chúa dẫn chúng con đến vinh quang phục sinh. Amen.

***

Chặng thứ ba

CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ NHẤT

Cầu cho Giáo xứ

– Lời Chúa: “ Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2,6-8)

Suy niệm: Ngôi Hai Thiên Chúa là Đấng toàn năng và thánh thiện, nhưng đã “trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” để cứu chuộc chúng ta. Ngài mặc lấy xác thân yếu hèn như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài cảm nghiệm tận cùng những yếu đuối và đau thương của kiếp nhân sinh để thánh hóa và cứu chuộc. Ngài ngã xuống để nâng chúng ta lên. Ngài làm người để chúng ta được làm con Thiên Chúa (thánh Irênê). Đây là tuyệt đỉnh của Lòng Thương Xót; Chúa Giêsu chính là « Lòng Thương Xót nhập thể » (Misericordiae Vultus, số 8).

Giáo Hội Chúa cũng quyết tâm đi theo đường lối của Thầy chí thánh.“Con đường của Giáo Hội là không lên án đời đời một ai, trái lại là phổ biến lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa cho tất cả những ai xin với con tim chân thành. Con đường của Giáo Hội chính là ra khỏi vòng đai của mình để đi tìm kiếm những người ở xa, nơi những ”khu ngoại ô” của cuộc sống. Con đường ấy là chấp nhận trọn vẹn tiêu chuẩn hành động của Thiên Chúa”. (ĐTC, tiếp kiến chung 7-3-2015)

– Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Giáo Hội là thánh thiện, nhưng không từ khước những người tội lỗi; Giáo Hội không từ khước tất cả chúng ta, vì Giáo Hội kêu gọi tất cả; Giáo Hội đón nhận người tội lỗi, Giáo Hội cũng mở rộng đối với những người xa xăm nhất, kêu gọi tất cả hãy để cho mình được lòng từ bi, sự dịu hiền và tha thứ của Chúa Cha ấp ủ, Chúa trao tặng mọi người cơ hội được gặp gỡ ngài, tiến bước về sự thánh thiện.”(Tiếp kiến chung 2-10-2013)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin tuôn đổ Lòng Thương Xót cho Hiền Thê của Chúa là Giáo Hội, để Giáo Hội trở nên người Mẹ hiền lành thấm đẫm sự dịu dàng và là nơi náu nương của mọi người, trong đó tất cả đều có thể “được đổi mới, biến đổi, thánh hóa bằng tình yêu Chúa, những người mạnh nhất cũng như người yếu nhất, người tội lỗi, những người dửng dưng, những người cảm thấy thất vọng và lạc loài.” (Tiếp kiến chung 2-10-2013)

Cách riêng, xin cho giáo xứ Kim Long chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, không loại trừ một ai. Cho cộng đoàn chúng con trở nên một gia đình lớn, nơi mọi người biết quan tâm đến nhau; biết chia sẻ và gần gũi với những người đau khổ tinh thần cũng như vật chất, nhất là những hoàn cảnh neo đơn và các gia đình đang gặp thử thách về đời sống hôn nhân. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng con được hít thở bầu khí trong lành đầy sức sống của “môi trường sinh thái nhân bản”, bầu khí đó được kiến tạo bằng những cử chỉ của lòng thương xót: sự tôn trọng, liên đới, dịu dàng, cảm thông và bao dung tha thứ. Amen.

***

Chặng thứ bốn

ĐỨC CHÚA GIÊSU GẶP ĐỨC MẸ

Cầu cho các Gia đình

Lời Chúa: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21).

Suy niệm: Trên đường tiến về Núi Sọ hiến dâng Hy tế cứu độ, Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ. Trong phút giây tương phùng ấy, lòng Mẹ quặn thắt với nỗi đau của con mình. Thật ra, Mẹ Maria không chỉ gặp Chúa trên một con đường, mà tâm trí Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu, trái tim Mẹ luôn đập cùng một nhịp với niềm vui nỗi buồn của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời.

Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có cùng đồng hành với Chúa Giêsu trong đời sống của mình không? Tôi có mặc lấy tâm tình của Chúa trong mọi hoàn cảnh không? Tôi có phải là “anh em” của Chúa không?

Sự gần gũi với Chúa là mối tương quan căn bản của đời sống Kitô hữu. Trở nên “Mẹ và anh em” của Chúa cũng là điều kiện có tính quyết định cho đời sống của các gia đình. Gia đình lắng nghe và thực hành Lời Chúa là gia đình hạnh phúc. Sống Tin Mừng của Lòng thương xót giúp các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau và dễ dàng vượt qua những thử thách trong đời sống.

– Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác định rằng: Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, “nhờ lãnh nhận các bí tích, kinh nguyện và tạ ơn, chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu”. Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Ki-tô giáo và là “một trường học phát triển nhân tính”. Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui, yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống.” (GLHTCG, 1657)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đời sống gia đình không luôn dễ dàng, nhiều khi khiến chúng con mệt mỏi, đắng cay và chán nản. Xin cho các gia đình chúng con có được mối tương quan mật thiết với Chúa. Nhờ đó chúng con có thể vượt qua những thử thách thường ngày và giữ lòng chung thủy với nhau suốt hành trình của đời sống hôn nhân. Nguyện xin cho các thành viên trong gia đình chúng con biết thực hành lòng thương xót, là luôn sống tử tế, tôn trọng nhau, hy sinh và tha thứ cho nhau. Amen.

***

Chặng thứ năm

ÔNG SIMON VÁC ĐỠ THÁNH GIÁ CHÚA

Cầu cho Giới trẻ

Lời Chúa: Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác đỡ thập giá của Ðức Giêsu. (Mc 15, 21-22).

Suy niệm: Ông Simon ghé vai vác đỡ gánh nặng thập giá với Chúa Giêsu. Đây là một hình ảnh không chỉ nói lên nét đẹp của một việc làm nhân bản, mà còn diễn tả sự cộng tác của con người vào việc cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Tâm lý con người thường thích chọn lựa sự dễ dàng và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, về thể lý cũng như tinh thần, chính sự khó khăn và nặng nề lại cần thiết cho sự trưởng thành và phát triển. Về đời sống thiêng liêng, “Con đường tiến đến hoàn thiện phải ngang qua Thập Giá. Không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không có từ bỏ và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải có tu luyện và khổ chế, từng bước giúp người tín hữu sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc thật.” (GLHTCG, 2015)

Ngày nay, với trào lưu tục hóa, giới trẻ có khuynh hướng nuông chiều thân xác. Họ thích hưởng thụ và tiêu thụ, rồi trở thành mồi ngon cho những đam mê thấp hèn. Họ tôn thờ những thần tượng hào nhoáng phù du và cuối cùng bừng tỉnh trong nỗi ê chề của sự chán chường, thất vọng. Họ đánh mất phương hướng và cuộc đời đi vào ngõ cụt.

– Với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói: “Các bạn đã xin tôi một lời hy vọng, lời hy vọng mà tôi cho các bạn tên là Giêsu Kitô. Khi tất cả xem ra nặng nề, khi xem ra thế giới sụp đổ trên chúng ta, các bạn hãy ôm lấy thập giá của Ngài, ôm lấy Chúa và đừng bao giờ tách rời khỏi tay Ngài, đừng bao giờ xa Ngài. Bởi vì cùng Chúa có thể sống tràn đầy, cùng Chúa có thể tin rằng là đáng sống khi cho đi điều tốt nhất của mình, là men, muối và ánh sáng giữa bạn bè, trong khu xóm, trong cộng đoàn. Vì thế các bạn trẻ thân mến, nhân danh Chúa Giêsu, tôi mời gọi các bạn đừng để cho mình bị loại trừ, khinh rẻ, đừng để cho mình bị đối xử như hàng hóa.” (Mê-hi-cô 17-2-2016)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cầu xin cho những người trẻ biết đặt trọn niềm hy vọng vào thập giá Chúa Giêsu. Xin giúp sức để họ có can đảm lội ngược dòng với trào lưu tục hóa. Xin thúc đẩy để họ biết dấn thân cho những lý tưởng cao cả. Và xin Chúa biến đổi những người trẻ hôm nay trở thành những Si-mon của thời đại, những thanh thiếu niên nam nữ của Lòng thương xót, thúc đẩy họ hăng say ra đi vác đỡ gánh nặng khổ đau về tâm hồn cũng như thể chất của tha nhân. Amen.

***

Chặng thứ sáu

BÀ THÁNH VÊRÔNICA LAU MẶT CHÚA

Cầu cho người nghèo khổ bất hạnh

Lời Chúa: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.(Is 50,6-7)

Suy niệm: Những trận đòn tàn ác của quân lính và những hành vi bất nhân của đám đông làm cho thân thể Chúa Giêsu lấm lem rách nát. Khuôn mặt Ngài biến dạng vì những vết thương, máu me và bụi đất. Khuôn mặt đầy thương tích của Chúa Giêsu đã đánh động tâm hồn bà Vê-rô-ni-ca, bà cầm chiếc khăn chạy đến lau mặt Chúa.

Trước cử chỉ đầy lòng thương xót của bà thánh Vê-rô-ni-ca, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: – Khuôn mặt nào đã đánh động trái tim tôi; khuôn mặt ích kỷ vô tâm của chính tôi hay khuôn mặt của người anh em đang đau khổ bên cạnh mình? – Khuôn mặt nào in dấu trong tâm hồn tôi và điều hướng cuộc đời tôi; khuôn mặt bóng bẩy của các ngẫu tượng trần tục phù du, là tiền bạc, danh vọng, quyền lực, các thói đam mê, hay Khuôn Mặt của Lòng Thương Xót Thiên Chúa?

Giờ đây, noi gương bà thánh Vê-rô-ni-ca, chắc hẳn mỗi người chúng ta, tự thẳm sâu tâm hồn, đều mong muốn chọn lựa Khuôn Mặt của Chúa Giêsu, Dung Mạo Lòng Thương Xót Thiên Chúa. Bởi vì, “Lòng Thương Xót Thiên Chúa biến đổi tâm hồn con người và làm cho nó cảm nghiệm một tình yêu trung tín vốn làm cho con người, đến lượt mình, có khả năng thương xót.” ( Sứ điệp Mùa Chay 2016, 3)

– Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong Năm Thánh này, chúng ta có thể trải nghiệm việc mở lòng tiếp nhận những người đang sống tại những vùng ven xa xôi nhất của kiếp nhân sinh, thường được tạo nên trong cảnh khốn cùng do chính thế giới ngày nay. Hiện có biết bao tình cảnh đói nghèo và khổ đau trong thế giới ngày nay. Có biết bao vết thương trầm trọng nơi thân xác những người không còn tiếng nói, vì tiếng kêu than của họ bị lấn át và dìm tắt bởi thái độ thờ ơ, hờ hững của những dân tộc giàu có.” (MV, 15)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đồng hóa mình với những người nghèo khổ bất hạnh, xin cho họ được thanh thản tâm hồn và đừng bao giờ thất vọng, cho họ biết tận dụng sự thiếu thốn vật chất để tìm kiếm sự giàu có trên trời.

Nguyện xin Chúa in dấu Khuôn Mặt Lòng Thương Xót trong tâm hồn mỗi người chúng con, để chúng con đừng ngủ mê trước thảm trạng đau khổ và nghèo đói phần xác cũng như phần linh hồn của anh chị em mình.

Chúng con đặc biệt cầu nguyện cho những người phải rời bỏ nhà cửa và quê hương của mình vì chiến tranh ở Trung Đông và các nơi khác trên thế giới. Xin cho có nhiều người thiện chí và quảng đại mở rộng vòng tay đón nhận, xoa dịu những khổ đau tinh thần và vật chất của họ. Amen.

***

Chặng thứ bảy

CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ HAI

Cầu cho Người già yếu, bệnh tật

Lời Chúa: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa là niềm hy vọng của con, chỗ cậy dựa của con từ độ thanh xuân…giờ đây xin đừng bỏ rơi con khi con già yếu; chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn… Con sẽ tường thuật quyền năng của Chúa cho thế hệ này được rõ, và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau (Tv 71,5.9.18). Đức Chúa để mắt trông nom những ai yêu mến Người… Người giữ gìn cho khỏi vấp ngã, và bảo vệ cho khỏi té nhào (Hc 34,16).

Suy niệm: Chúa Giêsu lại ngã xuống đất lần thứ hai. Thể lực của người đàn ông 33 tuổi, độ tuổi sung mãn nhất, cũng không chịu nổi những cực hình đang dày xéo thân xác mình. Vì yêu thương, Con Thiên Chúa mặc lấy thân xác con người với tất cả những yếu đuối và giới hạn của nó, ngoại trừ tội lỗi. Ngài làm cho những bất toàn của con người mang một ý nghĩa mới mẻ và hữu ích.

Trong xã hội hôm nay, với lối sống duy vật thực dụng và não trạng duy lợi nhuận, người ta muốn loại bỏ người già yếu và bệnh tật vì họ không còn sức lao động để làm nên của cải vật chất. Các cụ thường rơi vào cảnh cô đơn trong chính gia đình của mình; nơi mà họ đã sinh ra những người con, từng vất vả làm việc để nuôi dưỡng, giáo dục chúng, và hy sinh đời sống để dựng xây và bảo vệ gia đình.

– Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Bạo lực với người cao tuổi là phi nhân, cũng như bạo lực đối với trẻ em”. “Tuổi già là « một thời gian ân sủng, thời gian mà Chúa tiếp tục mời gọi gìn giữ và thông truyền đức tin, mời gọi cầu nguyện, cách đặc biệt cầu thay nguyện giúp, và gần gũi với những ai cần đến điều đó » (Huấn từ 28/9/2014 tại Vatican).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mang lấy thân xác yếu đuối để chúng con được trở nên mạnh mẽ. Chúng con xin dâng những cụ ông cụ bà và người đau yếu, bệnh tật cho Chúa. Xin ban ơn để họ được bình an trong tuổi già và đủ sức chịu đựng những đau đớn thể xác. Xin cho chúng con là con cháu trong gia đình biết hiếu thảo quan tâm chăm sóc, nhất là dành thì giờ gần gũi, để ông bà chúng con không còn trong cảnh cô đơn buồn tủi. Xin cho các thành viên trong giáo xứ và các cộng đoàn biết tôn trọng những người cao tuổi, vì các ngài là người thông truyền đức tin, chứng tá của lòng thương xót, kho tàng khôn ngoan, chuyên gia cầu nguyện và là dấu hiệu ân sủng của Thiên Chúa. Amen.

***

Chặng thứ tám

CHÚA GIÊSU AN ỦI NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ

Cầu cho Đời Sống Thánh Hiến

Lời Chúa: Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Ðức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em”. (Luca 23, 27-28)

Suy niệm: Những người phụ nữ xót thương và rơi nước mắt khi thấy Chúa chịu cực hình tủi nhục. Họ là những người yêu mến Chúa và luôn đi theo Ngài trên đường rao giảng. Nghe tiếng than khóc, Chúa Giêsu quay lại và với ánh mắt trìu mến, Ngài cất lời nhẹ nhàng an ủi họ: “Đừng khóc thương tôi, hãy khóc cho phận mình”. Khóc cho phận mình là nhìn lại bản thân để sống đúng với ơn gọi và hoán cải theo mời gọi của Tin Mừng. Thật vậy, những đau khổ tinh thần và thể xác, cũng như cái chết tức tưởi của Chúa Giêsu trên thánh giá là vì phần rỗi của chúng ta.

Những người sống đời thánh hiến luôn dõi bước theo Chúa Giêsu. Họ đã tự nguyện hiến dâng đời sống để yêu mến Chúa, sống cho Chúa và chết với Chúa. Tuy nhiên, với phận người, họ cũng mang sự nặng nề yếu đuối của thân xác, đồng thời cũng trải nghiệm những khó khăn thử thách trong đời sống. Vì thế, những lúc nhìn lên Chúa và “khóc cho phận mình” là cần thiết, để đời sống tu trì khỏi trở nên đơn điệu, và tránh nguy cơ rơi vào “tính tục hóa thiêng liêng”.

Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng viết: “Chúng ta hôm nay đang thấy nơi nhiều người hoạt động mục vụ, gồm cả những người thánh hiến nam cũng như nữ, một sự quan tâm quá mức về tự do và sự thoải mái của bản thân họ, khiến họ coi công việc của họ như chỉ là một cái gì phụ thuộc chứ không phải một thành phần thuộc căn tính của họ. Đồng thời, đời sống thiêng liêng trở nên bị đồng hoá với một ít việc thực hành tôn giáo có thể đem lại một sự an ủi nào đó chứ không khuyến khích việc gặp gỡ người khác, dấn thân vào thế giới hay một niềm say mê loan báo Tin Mừng. Kết quả là chúng ta thấy nhiều người hoạt động rao giảng Tin Mừng, tuy họ vẫn cầu nguyện, nhưng có một lối sống rất cá nhân chủ nghĩa, một sự khủng hoảng căn tính và nhiệt tình trở nên nguội lạnh”. (Tông huấn NVTM,78)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, “xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con” (Th. Augustinô). Xin cho những người sống Đời Thánh Hiến chúng con, biết Chúa là hạnh phúc để con không đi tìm nguồn vui ở nơi nào khác. Biết Chúa là Đấng Cứu Độ để con luôn đấm ngực cho tội lỗi mình. Biết Chúa là sức mạnh để con không tự mãn khi đạt được thành công. Và biết thân con mỏng dòn yếu đuối để cậy trông vào Lòng Thương Xót Chúa và luôn bao dung với người khác. Nguyện xin Chúa đổ đầy lòng thương xót trên chúng con và canh tân lòng nhiệt thành của chúng con, thúc đẩy chúng con hăng say phục vụ Giáo Hội và mọi người, nhất là những anh chị em nơi vùng ngoại vi của đời sống. Amen.

***

Chặng thứ chín

CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ BA

Cầu cho những cuộc hôn nhân tan vỡ và các gia đình đang gặp khó khăn

Lời Chúa: Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. (St 3,6-7)

Suy niệm: Chúa Giêsu lại ngã xuống đất một lần nữa, dù vị trí hành hình đã nằm trong tầm mắt. Phải chăng Ngài đã phải trả giá cho sự sa ngã của con người!? Hẳn thật, vì tổ tông con người muốn ăn “trái ngon” mà Ngài sẵn sàng đón nhận “chén đắng” theo ý Chúa Cha. Vì con người chuộng cái “đẹp” bên ngoài mà Ngài phải mang lấy hình ảnh “xấu xí” của tội nhân. Vì con người muốn sự “tinh khôn” mà Ngài hạ mình xuống như kẻ “dại khờ”.

Ông Adong và bà Evà là gia đình đầu tiên đã sa ngã. Vì thế, để phục hồi sự cao quý của hôn nhân-gia đình, Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Đồng thời biến gia đình Na-da-rét thành mẫu gương cho tất cả các gia đình công giáo. Đời sống gia đình là sự kết hợp hài hòa giữa những thành viên tuy khác biệt nhưng bổ túc cho nhau, họ hy sinh cho nhau. Tuy nhiên, một khi có người “ăn trái cấm” của sự tự tôn ích kỷ, –họ tìm kiếm vị “ngon” của cảm xúc thân xác, họ yêu chuộng vẻ “đẹp” hào nhoáng phù du–, người ấy “sa ngã” và kéo theo sự rạn nứt, thậm chí làm cho đời sống hôn nhân và gia đình bị tan vỡ.

– Tông Huấn Gia Đình viết: “Có những nguyên do khác nhau, như sự thiếu thông cảm giữa vợ chồng, thiếu khả năng mở ra với các tương quan liên vị v.v… có thể làm cho cuộc hôn nhân thành sự đi tới chỗ đổ vỡ đau thương, mà thường không hàn gắn nỗi.[…] Cùng với Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi tha thiết kêu mời các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị đã tái hôn. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống Hội Thánh.” (FC, 83)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Đấng ba lần thánh, Chúa đã ngã xuống đất 3 lần để tỏ bày lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha dành cho con người. Chúa đã sinh ra trong một gia đình để cảm thông với những thử thách của chúng con trong đời sống hôn nhân-gia đình. Chúng con cầu nguyện cho những đôi vợ chồng đang gặp bất hòa, xung khắc, xin cho họ biết hòa giải và tha thứ cho nhau vì lời hứa chung thủy của Bí tích Hôn phối và vì tương lai của con cái.

Chúng con cũng hướng đến những gia đình tan vỡ, xin cho họ đừng bao giờ rời xa Chúa vì chỉ có Chúa mới có thể cứu rỗi những sa ngã của con người. Và xin giúp chúng con biết diễn tả lòng thương xót Chúa bằng sự gần gũi, giúp đỡ, ủi an để họ không cảm thấy bị lên án hay xa lánh trong cộng đoàn giáo xứ. Amen.

***

Chặng thứ mười

QUÂN DỮ LỘT ÁO CHÚA GIÊSU RA

Cầu cho phẩm giá con người được tôn trọng

Lời Chúa: Ðóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được”. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, còn áo dài, cũng bắt thăm luôn. Ðó là những điều lính tráng đã làm. (Ga 19,23-24)

Suy niệm: Quân lính lột áo Chúa Giêsu trước khi xô Ngài nằm ngửa trên cây thập giá. Ngài nằm đó trần trụi, không còn một mảnh vải che thân. Họ tìm mọi cách thức để hạ nhục Chúa.

Nơi Chúa Giêsu, giờ đây chúng ta nhận ra phẩm giá con người đang bị chà đạp. Trong gia đình, chúng ta “lột áo” người khác với thói vũ phu, tính độc tài, lời chửi bới…; trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta xúc phạm anh chị em và “xé tấm áo hiệp nhất” bằng những lời nói độc địa xấu xa, vu khống, sỉ nhục, sự hung hăng v.v…Nơi xã hội chúng ta gây ra cảnh hỗn loạn, bất an vì hành xử theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”…

– Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Mùa chay, mùa hoán cải, vì hằng ngày ta cảm nghiệm trong cuộc sống sự kiện giấc mơ ấy luôn bị ‘cha kẻ dối trá’ đe dọa, hắn muốn chia rẽ chúng ta, tạo nên một xã hội chia cách và xung đột. Một xã hội của một thiểu số và cho một thiểu số. Bao nhiêu lần chúng ta cảm nghiệm trong thân xác chúng ta, hoặc trong gia đình chúng ta, trong gia đình bạn hữu và những người láng giềng của chúng ta, sự đau khổ phát sinh từ sự cảm thấy phẩm giá của tất cả mọi người không được tôn trọng. Bao nhiêu lần chúng ta đã phải khóc và hối hận vì chúng ta không nhận thấy phẩm giá ấy không được tôn trọng nơi người khác. Tôi phải đau lòng mà nói rằng bao nhiêu lần chúng ta mù quáng và dửng dưng trước sự thiếu nhìn nhận phẩm giá của mình và của tha nhân. (Mê-hi-cô 10-2-2016)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong suốt cuộc đời trần thế Chúa đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, “lòng thương xót đó là dấu chỉ của sự toàn năng của Thiên Chúa chứ không phải là dấu chỉ của sự yếu đuối” (Tông huấn MV, 6). Hiện nay, chúng con đang sống trong một xã hội mà người ta dùng bạo lực và sức mạnh của đồng tiền để chà đạp phẩm giá của những người thấp hèn yếu thế. Xin cho chúng con biết dùng sức mạnh của lòng thương xót để xây dựng một xã hội nhân bản hơn, nơi mà mọi người đều được tôn trọng và bảo vệ.

Trong Năm Thánh nầy, xin cho chúng con tích cực thực hành các công việc xót thương, là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc… Amen.

***

Chặng thứ mười một

ĐỨC CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH VÀO THÁNH GIÁ

Cầu xin ơn biết tha thứ

Lời Chúa: Khi đến nơi gọi là “Núi Sọ”, tiếng Hípri là Gôngôtha; họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Ðức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23, 33-34).

Suy niệm: Chúa là Đấng quyền phép cao cả vô cùng, giờ đây bị đóng chặt chân tay vào thập giá và bị liệt cùng hạng với quân gian phi. Thế nhưng người ta chỉ có thể đóng đinh thân xác của Chúa, mà không thể giới hạn nguồn mạch thương xót vô bờ của Đấng Cứu Thế: Ngài cầu xin sự tha thứ cho kẻ làm hại mình.

Trong đời sống thường ngày trong gia đình và xã hội, đôi khi có người nầy người kia vô tình hay cố ý xúc phạm đến chúng ta. Điều nầy theo tính tự nhiên thật khó để bỏ qua. Chúng ta thường đóng cho họ một cái đinh với nhãn mác xấu xa nào đó, rồi một cách khờ dại, chúng ta cũng tự đóng vào lòng mình một chiếc đinh thù hận. Sự thù hận nầy gặm nhấm và tàn phá tâm hồn chúng ta.

Trong các mối tương quan, có lúc chúng ta cũng đóng đinh anh chị em mình với cái nhìn thành kiến và chủ quan. Chúng ta quên rằng: Thánh nhân cũng có một quá khứ và tội nhân còn có một tương lai.

– Trong Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua. Có những lúc dường như thật khó để thứ tha. Nhưng tha thứ là một khí cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để tìm được sự thanh thản cho tâm hồn. Giải tỏa những hờn ghét, giận dữ, bạo lực và trả thù là những điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc.( MV,9)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chính tội lỗi chúng con đã đóng đinh Chúa vào thập giá. Xin cho chúng con siêng năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải để được Chúa thương xót thứ tha. Xin đổ đầy tâm hồn chúng con Lòng Thương Xót của Chúa, để chúng con cũng sẵn lòng tha thứ cho anh chị em mình, như Chúa đã tha thứ cho chúng con. Nhờ đó, tâm hồn chúng con được thanh thản và cộng đoàn chúng con trở thành một tổ ấm yêu thương. Amen.

***

Chặng thứ mười hai

CHÚA GIÊSU CHỊU CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ

Cầu cho Giới gia trưởng

Lời Chúa: Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êlôi, Êlôi, lama sabácthani!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Êlia”. Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Ðể xem ông Êlia có đến đem hắn xuống không. Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. (Mc 15,33-37)

Suy niệm: Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết trên thập giá, Ngài dâng hy tế đền tội thay cho nhân loại chúng ta. Ngài hiến thân chỉ vì tình thương, không vì ích lợi nào khác cho riêng mình. Đúng như lời Ngài đã phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,24).

Gia đình là cộng đoàn yêu thương, nơi các thành viên học cách quên mình và hướng đến người khác. Hơn ai hết, với tư cách người đứng đầu, người gia trưởng cần phải nêu gương tự hiến và phục vụ như Chúa đã dạy: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Tuy nhiên, trong một xã hội chủ trương hưởng thụ, người chồng/người cha quá dể dãi với bản thân có thể sa vào các thói quen xấu rồi trở nên ích kỷ, thô bạo và vô tâm đối với chính những người thân yêu của mình trong gia đình.

– Tông Huấn Gia Đình viết: “Bên trong sự hiệp thông của cộng đồng hôn nhân và gia đình, người nam được mời gọi sống sự tự hiến của ông trong vai trò là chồng và là cha.

Ông nhìn ra vợ mình là sự chu toàn ý định của Thiên Chúa: “Không tốt nếu người nam chỉ có một mình, vậy Ta sẽ làm cho nó một kẻ trợ giúp tương xứng với nó”. Ông sẽ thốt lên lời mà A-đam, người chồng đầu tiên, đã thốt lên : “Phen này, đây là xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi”. Tình vợ chồng đích thực giả thiết và đòi hỏi rằng người nam phải có sự kính trọng sâu xa đối với phẩm giá của vợ mình…” […] Người nam phải sống với vợ mình bằng một “tình bạn trong ngôi vị thật đặc biệt”.” (FC,25)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những gia trưởng, giờ phút nầy chúng con đang nhìn lên Thánh Giá và chiêm ngắm hình ảnh Chúa chịu chết vì chúng con. Quả thật,“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13) Chúa đã thực hiện hành động tột cùng của Lòng Thương Xót đối với loài người chúng con.

Xin giúp sức để chúng con can đảm bước đi trên con đường nghịch lý của thập giá, đó là: quên mình là gặp lại bản thân, cho đi là nhận lãnh, chết để được sống.

Trong đời sống thường ngày, cho chúng con biết thể hiện những cử chỉ của lòng thương xót, –những cử chỉ nhỏ bé nhưng đem lại sự cứu rỗi cho cuộc sống hôn nhân-gia đình của chúng con: một lời nói khích lệ, nụ cười cảm thông, cái nhìn âu yếm, giây phút lắng nghe, bờ vai nâng đỡ, vòng tay bao dung, bước chân đồng hành, hay sự hiện diện gần gũi… Amen.

***

Chặng thứ mười ba

MÔN ĐỆ HẠ XÁC CHÚA GIÊSU XUỐNG VÀ TRAO TRONG TAY ĐỨC MẸ

Cầu cho Giới hiền mẫu

Lời Chúa: Sau đó, ông Giôxép, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Ðức Giêsu xuống. Ông Giôxép này là một môn đệ theo Ðức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy ông Giôxép đến hạ thi hài Người xuống (Gioan 19, 38).

Suy niệm: Các môn đệ hạ xác Đức Giêsu xuống, trao trong tay Đức Mẹ. Ngài trìu mến ôm lấy xác Con vào lòng. Mẹ nâng niu rồi âu yếm hôn lên khuôn mặt Con đã lạnh cứng, đầy máu me thương tích. Trong lúc đau thương nầy, Mẹ Maria không kêu than oán trách nhưng “ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng.” (Lc 2,19) Ghi nhớ và suy niệm để nhận ra mọi biến cố đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Hình ảnh Đức Mẹ sầu bi thật đau thương nhưng cũng rất cao cả. Đau thương vì Con Mẹ đã chết, và cao cả vì tình thương của Mẹ vẫn còn nguyên vẹn; Tình yêu thuần khiết sẽ tồn tại mãi mãi.

Thật ra, chỉ có những người mẹ mới có thể cảm nghiệm được nỗi đau xé lòng trước hình ảnh Đức Maria ôm xác Con rất yêu dấu. Hẳn thật, tình mẫu tử rất cao quý và là chuẩn mực cho mọi thứ tình cảm tốt đẹp của con người.

Làm sao có thể tưởng tượng được một gia đình mà không có sự hiện diện của một người phụ nữ làm vợ và làm mẹ?!

– Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II viết: “Xin cám ơn chị em, hỡi người nữ làm mẹ, vì chị em đã cưu mang người con trong niềm vui và trong đau khổ về một kinh nghiệm độc nhất, chị em đã trở nên nụ cười của Thiên Chúa dành cho đứa trẻ mới chào đời, đã làm người hướng dẫn cho những bước đi đầu tiên của nó, là sự nâng đỡ để nó được lớn lên và là điểm qui chiếu trong những bước đường đời kế tiếp. Xin cám ơn chị em, hỡi người nữ làm vợ, chị em đã kết hợp một cách không thể rút lại cuộc sống của mình với cuộc sống của một người nam, trong một mối dây của ân huệ hỗ tương giữa việc phục vụ, sự hiệp thông và sự sống.” (Thư gởi người phụ nữ ngày 29.06.1995)

Cầu nguyện: Lạy Đức Mẹ Sầu Bi, xin dạy cho các Hiền mẫu trong giáo xứ chúng con biết gìn giữ gia đình mình bằng một tình yêu dịu dàng và cao cả. Sự dịu dàng có thể làm tan chảy những cõi lòng chai đá và sự cao cả đem lại can đảm để đón nhận những đau thương trong đời sống. Xin thông truyền cho các Hiền mẫu niềm vui và nỗi buồn của Mẹ: niềm vui thúc đẩy miệng lưỡi tuôn trào lời ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa; nỗi buồn trong thinh lặng niệm suy để nhìn mọi sự trong bàn tay của Đấng Quan Phòng. Nguyện xin Mẹ của Lòng Thương Xót luôn đồng hành với các Hiền mẫu trong đời sống gia đình. Amen.

***

Chặng thứ mười bốn

TÁNG XÁC CHÚA GIÊSU VÀO HUYỆT ĐÁ MỚI

Cầu cho các tù nhân và những người sa ngã, lầm đường

Lời Chúa: “Tôi đã truyền lại cho anh em […] trước tiên điều mà tôi đã nhận được là, Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta như Thánh Kinh, Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại theo như Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai.” (1Cor 15,3-5).

Suy niệm: Sau khi hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, các môn đệ tẩm liệm và đặt vào trong mộ đá, rồi họ lăn hòn đá lớn đậy lấp huyệt. Mọi sự xem ra đã chấm hết, vì Thầy đã chết!… Thế nhưng 3 ngày sau Đức Kitô đã sống lại, và họ đã tin vào Lời của Ngài (x. Ga 2, 22).

Nói đến sự chết, thường chúng ta chỉ nghĩ đến cái chết về thể lý. Thật ra, cái chết về đời sống thiêng liêng còn đáng sợ hơn rất nhiều. Khi tâm hồn đã chết, con người tự cắt đứt với nguồn mạch tình yêu là chính Thiên Chúa. Họ không còn khả năng yêu thương; thân xác họ cử động nhưng con tim đã chai cứng, mắt họ mở lớn nhưng không còn nhìn thấy tha nhân. Từ đó, người ta bất chấp mọi thủ đoạn để có thể tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Như thế, con người tự chôn mình vào mộ đá ích kỷ. Con người trở nên tù nhân của chính mình.

Chúa Kitô đã chiến thắng thần chết và sống lại vinh hiển! Vậy, “ Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2Tim 2, 11). Chết với Người là chôn vào mộ đá những gì thuộc về thế gian; Sống lại với Người là tin vào Chúa Kitô Phục Sinh (x. Gal 2,12), mở cửa tâm hồn đón nhận Lòng thương xót Chúa và hoán cải đời sống.

– Tông huấn Dung Mạo Lòng Thương Xót viết: “Ước chi lời tha thứ sẽ chạm đến tất cả mọi người, và mong đừng có ai dửng dưng trước lời mời gọi trải nghiệm lòng thương xót. Lời mời gọi thống hối đó, tôi xin tha thiết gửi đến tất cả những ai vì lý do nào đó đang sống xa rời ân sủng của Thiên Chúa. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người nam, người nữ đang tham gia vào một hình thức tổ chức tội phạm nào đó. […] Trước hành vi sai lỗi, cũng như trước các tội phạm nghiêm trọng, đây là thời điểm để nghe tiếng kêu khóc của những con người vô tội đã bị cướp mất tài sản, phẩm giá, tình cảm và cả cuộc sống. Ở lì trong nẻo đường tội ác chỉ đưa đến cảm giác trống rỗng và buồn thảm. Sự sống đích thực là một điều hoàn toàn khác. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc dang tay chờ đón.” (MV,19)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chết và sống lại để cứu chuộc loài người không trừ một ai. Chúng con cầu xin Chúa đánh động trái tim của những tù nhân, những tội phạm xã hội, những ai đang ngủ mê trong mộ đá ích kỷ của các tội ác đối với đồng loại, để họ thức tỉnh lương tâm, đón nhận lời mời gọi hoán cải của Tin Mừng Lòng Thương Xót, mà quyết tâm dứt bỏ con đường của sự chết. Xin cho tất cả những ai đang nô lệ cho tội lỗi, nhờ ân sủng Lòng Thương Xót Chúa biến đổi, được phục sinh với Chúa và trở thành chứng nhân cho niềm hy vọng sống lại của Chúa. Amen.

********************************

Biên soạn: G.B. Lê Xuân Hảo, Giáo xứ Kim Long, Giáo phận Huế.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30