ĐHY PAROLIN: ĐÀM PHÁN KHÔNG PHẢI LÀ ĐẦU HÀNG, NHƯNG LÀ ĐIỀU KIỆN CỦA HÒA BÌNH

Written by xbvn on Tháng Ba 14th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Thế Giới, Tý Linh

Sau những phát biểu của Đức Phanxicô về Ucraina trên Đài Phát thanh Truyền hình Thụy Sĩ bằng tiếng Ý (RSI), ĐHY Quốc vụ khanh Tòa thánh đã trả lời về vấn đề này, trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Ý Corriere della Sera . Đối với ĐHY Pietro Parolin, “thế giới có nguy cơ leo thang hạt nhân”.

Chúng tôi công bố toàn văn cuộc phỏng vấn của Đức Hồng y Pietro Parolin dành cho Gian Guido Vecchi, được công bố hôm thứ Ba ngày 12/3/2024, trên nhật báo Corriere della Sera.

Gian Guido Vecchi : Thưa Đức Hồng y, xem ra rõ ràng là Đức Giáo hoàng đang yêu cầu đàm phán chứ không phải đầu hàng. Nhưng tại sao chỉ đề cập đến một trong hai bên, Ucraina mà không phải Nga? Và việc lấy “thất bại” của những người bị tấn công làm lý do đàm phán, chẳng phải có nguy cơ phản tác dụng sao?

ĐHY Parolin : Như Giám đốc Phòng Báo chí của Vatican nhắc lại, khi trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha vào ngày 25 tháng 2, lời kêu gọi của Đức Thánh Cha là “các điều kiện phải được tạo ra cho một giải pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và bền vững”. Theo nghĩa này, rõ ràng là việc tạo ra những điều kiện như vậy không phải là trách nhiệm của chỉ một bên mà là của cả hai bên, và đối với tôi, điều kiện đầu tiên dường như chính là chấm dứt hành vi xâm lược. Chúng ta không được quên bối cảnh và, trong trường hợp này, câu hỏi được đặt ra cho Đức Thánh Cha, mà khi trả lời ngài đã nói về đàm phán và đặc biệt là lòng can đảm đàm phán, vốn không bao giờ là một sự đầu hàng. Tòa Thánh tiếp tục con đường này và không ngừng kêu gọi “ngưng bắn”, và chính những kẻ xâm lược phải ngừng bắn trước tiên. Đức Thánh Cha giải thích rằng đàm phán không phải là yếu đuối, nhưng là sức mạnh. Đây không phải là đầu hàng mà là lòng can đảm. Và ngài nói với chúng ta rằng chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến mạng sống con người, đến hàng trăm ngàn sinh mạng đã hy sinh trong cuộc chiến ở trung tâm châu Âu này. Đây là những từ áp dụng cho Ucraina cũng như Thánh Địa, và cho các cuộc xung đột khác đang làm đẫm máu thế giới.

Gian Guido Vecchi : Liệu còn cơ hội đạt được giải pháp ngoại giao?

ĐHY Parolin : Vì đây là những quyết định phụ thuộc vào ý muốn của con người, nên luôn có thể đạt được giải pháp ngoại giao. Cuộc chiến tranh được phát động chống Ucraina không phải là kết quả của một thảm họa thiên nhiên không thể kiểm soát được, nhưng chỉ là kết quả của sự tự do của con người. Và chính ý muốn của con người đã gây ra thảm kịch này cũng có khả năng và trách nhiệm thực hiện các bước đi nhằm chấm dứt nó và mở đường cho một giải pháp ngoại giao.

Gian Guido Vecchi : Mối quan ngại của Tòa Thánh có phải là một sự leo thang? Chính ĐHY đã nói về điều đó, khi nói rằng “giả thuyết về sự can dự của các nước phương Tây thật đáng sợ”.

ĐHY Parolin : Tòa Thánh lo ngại về nguy cơ leo thang chiến tranh. Theo nghĩa này, sự ngày càng gia tăng xung đột, sự bùng nổ của các cuộc đối đầu vũ trang mới, cuộc chạy đua tái vũ trang là những tín hiệu bi kịch và đáng lo ngại. Chiến tranh mở rộng đồng nghĩa với những đau khổ mới, tang tóc mới, nạn nhân mới, sự hủy diệt mới, vốn được thêm vào những gì mà người dân Ucraina, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, người già và thường dân, đang phải trải qua bằng xương bằng thịt của mình, phải trả cái giá quá đắt cho cuộc chiến tranh bất công này.

Gian Guido Vecchi : Đức Phanxicô cũng gợi lên cuộc xung đột Israel-Palestine bằng cách gợi lên “trách nhiệm” của các bên tham chiến. Đâu là điểm chung giữa hai hoàn cảnh?

ĐHY Parolin : Hai hoàn cảnh này chắc chắn có điểm chung là đã nguy hiểm vượt quá những giới hạn có thể chấp nhận được, không thể được giải quyết, gây hậu quả ở nhiều quốc gia và không thể giải quyết được nếu không có đàm phán nghiêm túc. Tôi lo ngại về sự thù hận mà chúng khơi dậy. Những vết thương sâu như vậy bao giờ mới lành được?

Gian Guido Vecchi : Vẫn về chủ đề leo thang, Đức Giáo hoàng nhiều lần nói về nguy cơ xung đột hạt nhân, “chỉ một tai nạn là đủ”, đây có phải là nỗi sợ hãi tiềm ẩn của Tòa Thánh? Chỉ một “tai nạn” như ở Sarajevo năm 1914?

ĐHY Parolin : Nguy cơ xảy ra một vụ “lệch hướng” hạt nhân chết người không phải là không có. Chỉ cần nhìn vào mức độ thường xuyên mà một số đại diện chính phủ đưa ra lời đe dọa như vậy cũng đủ. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng đây là tuyên truyền chiến lược, chứ không phải là “cảnh báo” về khả năng thực sự. Đối với “nỗi sợ hãi tiềm ẩn” của Tòa thánh, tôi tin rằng nó nằm ở sự kiện rằng các tác nhân khác nhau trong hoàn cảnh bi thảm này đang ngày càng khép kín hơn với lợi ích riêng của họ, mà không làm những gì trong quyền hạn của họ để đạt được một nền hòa bình công bằng và ổn định.

————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican news)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31