ĐỨC PHANXICÔ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA: “ĐỪNG XẤU HỔ ĐỂ ĐÀM PHÁN”

Written by xbvn on Tháng Ba 10th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Vatican News công bố nội dung cuộc phỏng vấn vào đầu tháng Hai của Đức Phanxicô với Lorenzo Buccella, nhà báo của Đài phát thanh Truyền hình Thụy sĩ bằng tiếng Ý (RSI ), kênh Thụy Sĩ sẽ phát sóng vào ngày 20/3/2024.

Nhà thờ chánh tòa Chúa Biến Hình ở Odessa bị đánh bom vào tháng 7/2023

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 20 tháng Hai với Radiotelevisione Svizzera Italiana (RSI, kênh công cộng Thụy Sĩ bằng tiếng Ý, ghi chú của biên tập viên), sẽ được phát sóng ngày 20 tháng Ba tới, Đức Thánh Cha đã gợi lại những cuộc chiến tranh làm biến dạng thế giới, bắt đầu từ những cuộc chiến tranh trên Đất Thánh và ở Ucraina. Ngài đề cập đến ý nghĩa của màu trắng đối với ngài và với tất cả những vết bẩn làm bẩn nó…

Làm thế nào chúng ta có thể tìm ra một chiếc la bàn để định hướng về những gì đang xảy ra giữa Israel và Palestine?

Chúng ta phải tiến về phía trước. Mỗi ngày vào lúc 7 giờ tối, tôi gọi điện đến giáo xứ Gaza. 600 người sống ở đó và kể lại những gì họ nhìn thấy: đó là chiến tranh. Và cuộc chiến này đang có sự tham gia của hai bên chứ không chỉ một. Những người vô trách nhiệm là hai phe đang có chiến tranh với nhau này. Và rồi không chỉ có chiến tranh quân sự thông thường, mà còn có “chiến tranh du kích”, người ta có thể nói, ví dụ như của Hamas, một phong trào không phải là quân đội. Đây là một điều xấu.

Nhưng liệu chúng ta có nên tiếp tục hy vọng bằng cách thử hòa giải?

Chúng ta hãy nhìn vào lịch sử: các cuộc chiến mà chúng ta đã trải qua đều kết thúc theo thỏa thuận.

Ở Ucraina, một số người kêu gọi can đảm đầu hàng, can đảm giương cờ trắng. Nhưng những người khác nói rằng điều đó sẽ hợp pháp hóa bên mạnh nhất. Ngài nghĩ sao?

Đó là một lối giải thích. Nhưng tôi cho rằng, người mạnh nhất là người nhìn rõ hoàn cảnh, nghĩ đến người dân, có can đảm giương cờ trắng, tức là đàm phán. Và ngày nay, chúng ta có thể đàm phán với sự giúp đỡ của các cường quốc quốc tế. Động từ “đàm phán” là một động từ can đảm. Khi thấy mình bại trận, mọi chuyện trở nên tồi tệ, thì cần phải có can đảm để đàm phán. Bạn xấu hổ, nhưng với bao nhiêu cái chết thì mọi chuyện sẽ kết thúc? Đàm phán khi còn thời gian, tìm một nước trung gian hòa giải. Ngày nay, chẳng hạn như trong cuộc chiến ở Ucraina, nhiều người muốn làm trung gian hòa giải. Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị làm điều này. Và các nước khác nữa. Đừng xấu hổ khi đàm phán trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Có phải bản thân ngài đã từng đề nghị đàm phán ?

Tôi ở đây, thế thôi. Tôi đã gửi thư cho người Do Thái ở Israel để yêu cầu họ suy nghĩ về tình trạng này. Đàm phán không bao giờ là đầu hàng. Đó là can đảm để không dẫn đất nước đến chỗ tự sát. Người Ucraina, với lịch sử của họ, những người nghèo, những người Ucraina trong thời kỳ Stalin, họ đã phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ…

Đây có phải là màu trắng của lòng can đảm?

Có thể nói đó là màu trắng của lòng can đảm. Nhưng đôi khi sự tức giận mà khiến bạn can đảm không phải là màu trắng…

Chúng ta hãy quay trở lại năm 2020, tại buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô trong thời kỳ đại dịch. Ngài là một chấm trắng giữa bóng tối.

Lúc đó, người ta có thể nhìn thấy chấm trắng, vì lúc đó là ban đêm, nên mọi thứ đều tối. Đó là một việc tự phát, được thực hiện mà không hề nhận ra rằng nó sẽ có ý nghĩa to lớn. Đó là một khoảnh khắc tự phát, vừa cô tịch vừa cầu nguyện.

Vào thời điểm đó, ngài đã tập trung vào những gì ngài muốn làm. Nhưng ngài có nhận ra rằng thông điệp này đã thâm nhập vào mọi ngôi nhà, nơi tất cả những người buộc phải ở lại trong nhà họ?

Tôi đã không nhận ra điều đó vào thời điểm đó. Tôi đã cầu nguyện trước bức linh ảnh Salus Populi Romani và trước cây thánh giá bằng gỗ được mang từ Via del Corso (đó là cây thánh giá bằng gỗ được trưng bày trong nhà thờ San Marcello del Corso, nơi kết thúc trận dịch hạch năm 1522, ghi chú của biên tập viên ). Tôi nghĩ xem mình phải làm gì, nhưng tôi đã không nhận ra sự siêu việt của khoảnh khắc đó. Tôi cũng đã bị thử thách. Tôi đã chịu đau khổ này và tôi có nhiệm vụ của người trung gian hòa giải, của linh mục, là cầu nguyện cho những người đang đau khổ. Tôi nghĩ đến một đoạn Thánh Kinh, vua Đa-vít phạm tội khi thực hiện một cuộc điều tra dân số ở Israel và Giuđêa và Chúa đã khiến 70.000 người chết trong một trận dịch. Cuối cùng, khi thiên thần tai họa sắp tấn công Giêrusalem, Chúa đã cảm động và ngăn chặn thiên thần vì Người thương xót dân Người. Vâng, tôi đã nghĩ và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót những người đang phải chịu tai họa này”. Đây là những gì tôi đã trải nghiệm ngày hôm đó.

Ngài có cảm nhận được sự cô đơn của nơi này, vốn cũng là sự cô đơn thể lý không?

Vâng, bởi vì trời đang mưa và việc đó không hề dễ dàng.

Màu trắng là biểu tượng của sự thuần khiết, ngây thơ. Chiếc áo dòng trắng tuyệt vời là của ngài. Truyền thống này đến từ đâu? Và tại sao Giáo hoàng lại mặc đồ màu trắng?

Đó là vì một Giáo hoàng dòng Đa Minh. Ngài mặc bộ áo dòng Đa Minh màu trắng. Và từ đó trở đi, tất cả các Giáo hoàng đều sử dụng màu trắng. Nó được nảy sinh ở đó. Nếu tôi không nhầm thì đó là Đức Giáo hoàng Piô V, người được chôn cất tại Đền thờ Đức Bà Cả. Chính từ đó bắt nguồn truyền thống các Giáo hoàng mặc đồ trắng.

Đâu là giá trị chính của màu trắng đối với Giáo hội ?

Giáo hội sử dụng lễ phục màu trắng, chẳng hạn vào các ngày Chúa Nhật Phục Sinh và Giáng Sinh. Màu trắng còn mang ý nghĩa niềm vui, bình yên, những điều tươi đẹp. Trong Thánh lễ cầu cho người chết, lễ phục màu tím được sử dụng. Nó là biểu tượng của niềm vui và hòa bình, nó được sử dụng vào dịp Giáng sinh và Phục sinh.

Việc mặc áo trắng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngày ngài được bầu lên ngai tòa của Thánh Phêrô, có ý nghĩa gì với ngài?

Tôi chưa từng nghĩ tới, tôi chỉ nghĩ đến các vết bẩn, vì nó thật kinh khủng: màu trắng thu hút vết bẩn.

Ngài đã từng nói điều đó rồi: chiếc áo càng trắng, thì vết bẩn càng lộ rõ…

Đó là sự thật, nó là như vậy.

Nhưng liệu điều này cũng được áp dụng ở mức độ tượng trưng, ​​​​ngoài những vết bẩn vật lý?

Có, các vết bẩn thường xuất hiện rõ ràng. Ví dụ: một người phục vụ người khác. Hãy nghĩ đến một linh mục, một giám mục, một giáo hoàng. Những vết nhơ càng lộ rõ ​​hơn vì người này là nhân chứng cho những điều tốt đẹp, những điều vĩ đại. Và có vẻ như không được có bất kỳ vết bẩn nào. Màu trắng cũng mở ra cho chúng ta thử thách không có vết bẩn.

Nhưng phải chăng chúng có thể không có vết bẩn? Ngài luôn nói rằng ngài là một tội nhân…?

Vâng, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Nếu có ai nói họ không phải, thì họ đã sai: mọi người đều là tội nhân. Đúng là tội lỗi làm ô uế, làm bẩn tâm hồn. Và theo tính biểu tượng, chúng ta có thể nói rằng nó cũng làm bẩn màu trắng. Khi tôi nghĩ đến màu trắng, tôi nghĩ đến trẻ em. Trong lễ rửa tội, tất cả chúng đều mặc đồ trắng. Tôi nghĩ đến lần rước lễ đầu tiên của mình, tôi có một bức ảnh mình mặc áo trắng. Màu trắng đồng nghĩa với sự tinh khiết, những điều đẹp đẽ. Tôi cũng nghĩ đến trẻ em, đến những người phụ nữ lấy chồng. Màu trắng là màu mạnh mẽ chứ không hề yếu đuối.

Đây đều là những nghi thức thoáng qua: màu trắng có giúp ích gì trong những bước chuyển này không?

Có một bản tango nổi tiếng của Argentina chỉ trích một người phụ nữ kết hôn mặc đồ trắng vì đã có một cuộc sống tồi tệ. Bản Tango nói: “Thật là một vụ bê bối, thưa bà, mặc đồ trắng sau khi phạm tội”, sự khôn ngoan  bình dân là như thế. Màu trắng có nghĩa là một tâm hồn trong sáng, một tâm hồn đầy những thiện ý: hãy nghĩ tới lễ rửa tội, rước lễ lần đầu. Đây là những biểu tượng nói lên nhiều điều.

Mối quan hệ của ngài với màu trắng có thay đổi khi ngài trở thành Giáo hoàng không?

Không, nó vẫn như cũ. Chúng ta mặc đồ trắng, nhưng chúng ta không nhận ra điều đó. Tôi nhận ra điều đó khi nhìn thấy những vết bẩn… Đó là điều tự nhiên.

Trách nhiệm ngài phải gánh vác có nặng nề không?

Có, nhưng không được bi kịch hóa. Tất cả chúng ta đều có những trách nhiệm trong cuộc sống. Và Giáo hoàng có trách nhiệm lớn hơn, một nguyên thủ quốc gia cũng thế. Một linh mục, một nữ tu có trách nhiệm làm chứng. Ví dụ, đối với tôi, trách nhiệm của chứng tá nhiều hơn là trách nhiệm của các quyết định. Bởi vì khi đưa ra quyết định, rất nhiều người ở đây đã giúp đỡ tôi, họ chuẩn bị, nghiên cứu và đưa ra giải pháp cho tôi. Trái lại, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không có được nhiều sự giúp đỡ. Những quyết định cũng nặng nề.

Đó có phải là nơi khó khăn hơn đối với ngài?

Đối với tôi, ở đây dễ dàng hơn với tất cả sự trợ giúp mà tôi có. Khi tôi nghĩ về trách nhiệm, nó thật nặng nề. Nhưng Giáo hoàng có rất nhiều sự giúp đỡ, rất nhiều người giúp đỡ ngài.

Đức Giáo hoàng có nhiều người giúp đỡ ngài. Nhưng vì ở một mình, ăn mặc như thế này, nên ngài ấy cũng có thể phải chịu đựng sự cô đơn. Liệu ngài ấy có cảm thấy cô đơn trong bộ trang phục màu trắng này không?

Chẳng hạn, có những khoảnh khắc rất cô đơn khi bạn phải đưa ra quyết định. Nhưng đây không chỉ là trường hợp của Giáo hoàng. Trong đời sống giáo sĩ, ngay cả các giám mục, linh mục… cũng cảm nhận điều đó. Một người cha gia đình cũng thường nghĩ đến thời điểm phải đưa ra những quyết định liên quan đến con cái mình. Hoặc khi cuộc hôn nhân không suôn sẻ: đưa ra quyết định để xa nhau. Đây là những quyết định vốn đè nặng. Là con người, tất cả chúng ta đều trải qua những tình huống cô đơn khi phải đưa ra những quyết định. Kể cả việc kết hôn: khi ở một mình, bạn tự nhủ rằng đó là cuộc sống. Đây là những quyết định có sức đè nặng và có thể nói rằng những quyết định này dẫn đến sự cô đơn. Và sự cô đơn là màu trắng. Nó không tối cũng không đen, nhưng nó có màu trắng. Có một sự cô đơn xấu xí, đó là sự ích kỷ. Đó là rất nhiều người chỉ nhìn vào chính mình. Trong trường hợp này, vấn đề không phải là sự cô đơn màu trắng mà là sự cô độc xấu xí.

Có những vết bẩn cá nhân và những vết bẩn tập thể, những vết bẩn lớn rải rác trên mặt đất như các cuộc chiến tranh. Chúng ta có thể làm gì?

Đây là một nhiệm vụ tập thể. Một tháng trước, Tổng trưởng về Kinh tế đã kể cho tôi nghe về tình hình ở Vatican – luôn thâm hụt – ngài ấy nói với tôi: “Đức Thánh Cha có biết những khoản đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận nhất hiện nay ở đâu không?  Ngành công nghiệp vũ khí.” Bạn kiếm tiền bằng cách giết người, kiếm lợi từ ngành công nghiệp vũ khí. Chiến tranh thật khủng khiếp. Và không có chiến tranh màu trắng. Chiến tranh có màu đỏ hoặc đen. Tôi thường nói điều này: khi tôi đến (nghĩa trang quân đội) ở  Redipuglia vào năm 2014, tôi đã khóc. Điều tương tự cũng xảy ra với tôi ở Anzio, và ngày 2 tháng 11 hàng năm, tôi đến nghĩa trang để cử hành thánh lễ. Lần mới đây nhất, tôi đến nghĩa trang Anh và xem tuổi của các chàng trai. Kinh khủng thật. Tôi đã nói rồi, nhưng tôi xin nhắc lại: trong lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ Normandie, tất cả những người đứng đầu chính phủ đều kỷ niệm ngày này, nhưng không ai nói rằng 20.000 chàng trai đã chết trên bãi biển này.

Con người hiểu rất rõ các cuộc chiến tranh bao hàm những gì, nhưng nó luôn khuất phục trước chúng. Con cũng nghĩ đến ngài với những lời kêu gọi của ngài… Tại sao ngài lại không thể truyền tải thông điệp về số lượng nạn nhân mà chiến tranh gây ra?

Tôi xin lấy hai hình ảnh. Một hình ảnh luôn khiến tôi cảm động và tôi nói ra: hình ảnh người mẹ khi nhận được lá thư này: “Thưa bà, chúng tôi rất vinh dự được nói với bà rằng con trai bà là một anh hùng và đây là huân chương”. Tôi quan tâm đến con trai chứ không phải huy chương. Người ta đã bắt con trai của các gia đình này và người ta trao huy chương cho họ. Họ cảm thấy rằng họ đang bị đùa cợt một chút. Và rồi một hình ảnh khác. Tôi đã ở Slovakia. Tôi phải đi từ thành phố này sang thành phố khác bằng trực thăng. Nhưng do thời tiết xấu nên việc này không thể thực hiện được. Vì thế tôi đã thực hiện chuyến đi bằng ô tô. Tôi đi qua nhiều ngôi làng nhỏ. Người ta nghe trên đài rằng Đức Giáo hoàng đang đi ngang qua và đổ ra đường để gặp tôi. Có những đứa trẻ, những cô bé, những cặp vợ chồng trẻ và rồi các cụ bà. Nhưng họ đang nhớ những các cụ ông: đó là vì chiến tranh. Không còn các cụ ông nữa.

Không có hình ảnh nào mạnh mẽ hơn hình ảnh này để diễn tả di sản do chiến tranh để lại.

Chiến tranh là sự điên rồ, điên rồ.

Chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình, là tín hiệu kết thúc chiến tranh. Nhưng còn có thời kỳ hậu chiến, đó là một thời kỳ khác mà tất cả những vết thương này phải được khâu lại…

Có một hình ảnh luôn hiện lên trong tâm trí tôi. Trong một buổi tưởng niệm, tôi phải nói về hòa bình và thả hai con chim bồ câu. Lần đầu tiên tôi làm điều đó, một con quạ ngay lập tức bay từ Quảng trường Thánh Phêrô, vồ lấy con chim bồ câu và mang nó đi. Thật tàn nhẫn. Và điều này hơi giống với những gì đang xảy ra với chiến tranh.

Biết bao trẻ vô tội không thể lớn lên, biết bao trẻ em không có tương lai. Trẻ em Ucraina thường đến đây chào tôi, chúng trở về từ chiến tranh. Không ai trong chúng cười, chúng không biết cười thế nào. Một đứa trẻ không biết cười dường như không có tương lai. Chúng ta hãy suy nghĩ về những điều này, xin làm ơn. Chiến tranh luôn là một thất bại, một thất bại về mặt con người, không phải là một thất bại về mặt địa lý.

Những người có quyền lực trên trái đất sẽ trả lời ngài như thế nào khi ngài xin họ hòa bình?

Một số người nói: “Đúng vậy, nhưng chúng tôi phải tự vệ”… Và bạn nhận ra rằng họ có nhà máy chế tạo máy bay để ném bom người khác. Tự vệ, không, nhưng tiêu diệt. Một cuộc chiến kết thúc như thế nào? Bằng cái chết, sự hủy diệt, bằng những đứa trẻ không cha mẹ. Luôn có một hoàn cảnh địa lý hoặc lịch sử gây ra chiến tranh… Đó có thể là một cuộc chiến dường như chỉ được thúc đẩy bởi những lý do thực tế. Nhưng đằng sau một cuộc chiến là ngành công nghiệp vũ khí và do đó là tiền bạc.

Chiến tranh luôn gắn liền với sự tối tăm, với bóng tối…

Một cuộc chiến là bóng tối, luôn luôn tối tăm. Đây là sức mạnh của bóng tối. Khi nói đến màu trắng là chúng ta nói đến sự ngây thơ, tốt lành và nhiều điều đẹp đẽ. Nhưng khi nói về bóng tối, chúng ta nói về sức mạnh của bóng tối, những điều chúng ta không hiểu, những điều bất công. Thánh Kinh nói về điều này. Bóng tối có sức tàn phá ghê rợn.

Đó là một cách nói mang tính văn chương, nhưng khi một người giết người – ví dụ, hãy nghĩ đến Cain – thì đó là một người đen tối. Khi một người chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, chẳng hạn như đối với người lao động, thì về mặt đạo đức, họ sẽ giết người khác. Tôi cũng nghĩ đến một người cha gia đình, người không thấy con mình ngủ vào ban đêm vì nó về muộn và đi sớm để nhận lương… người này là tối tăm, người này là đen tối.

Nhưng tất cả chúng ta đều có nguy cơ có một phần bóng tối bên trong mình…

Chúng ta là tội nhân và chúng ta có một phần của bóng tối.

Ngay cả một Giáo hoàng…

Kể cả Giáo hoàng. Tất cả chúng ta đều có chút khôn ngoan nào đó để biết chuyện gì đang xảy ra. Và thường thì chúng ta không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Cũng có thể là một chặng đường dài…

Có thể mất cả đời, nhưng khi bạn cố gắng cả đời để sắp xếp, sửa chữa chúng, bạn sẽ đạt được một điều rất đẹp, đó là tuổi già hạnh phúc. Tôi nghĩ đến những cụ ông, cụ bà già có đôi mắt trong sáng này, họ công bằng, họ chiến đấu… Hãy nghĩ một chút về tuổi già. Chúng ta có thể nói về tuổi già màu trắng, tuổi già trong suốt đẹp đẽ này.

Nhưng ngài có nghĩ rằng hiện tại ngài đang trải qua những cảm giác này, chẳng hạn như sự trong suốt, ngay bây giờ không?

Tôi cố gắng không nói dối, không rửa tay trước những vấn đề của người khác. Tôi cố gắng, tôi là một tội nhân, và đôi khi tôi không thành công. Vì vậy, khi tôi thất bại, tôi đi xưng tội.

Một Giáo hoàng có mối quan hệ gì với lỗi lầm?

Nó rất nhiều, bởi vì một người càng có nhiều quyền lực, thì họ càng có nguy cơ không hiểu được những sai sót mà mình mắc phải. Điều quan trọng là phải có mối quan hệ tự phê bình với những lỗi lầm của mình, với những sai sót của mình. Khi người ta tự tin vào chính mình, vì họ có quyền lực, vì họ biết thế giới công việc, tài chính, thì họ bị cám dỗ quên rằng một ngày nào đó họ sẽ là kẻ ăn xin, kẻ ăn xin tuổi trẻ, kẻ ăn xin sức khỏe, kẻ ăn xin sự sống. … Nó hơi giống sự cám dỗ về sự toàn năng. Và sự toàn năng này không phải là màu trắng. Tất cả chúng ta đều cần phải trưởng thành về những lỗi lầm mình mắc phải, bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân.

Chúng ta thường nói về sự kiện rằng việc này hay việc khác phụ thuộc vào tinh thần mà người ta thực hiện việc đó. Màu trắng thường đi đôi với những thứ đẹp đẽ, nhưng cũng có nguy cơ về mặt tiền màu trắng, về lớp sơn mà chúng ta dùng để che giấu thói đạo đức giả. Có thể có rủi ro này không?

Có thể nói, có một người phủ đầy sơn, biết cách che giấu điểm yếu của mình và thể hiện bản thân một cách giả tạo. Vì vậy, chúng ta gặp phải vấn đề giả vờ, và nó được gọi là đạo đức giả, những người đạo đức giả… Tất cả chúng ta đều có một chút đạo đức giả trong mình.

Chính xã hội cũng có thể đạo đức giả, ví dụ như tiến hành chiến tranh và sau đó gửi viện trợ nhân đạo…

Các cuộc can thiệp nhân đạo? Vâng, đôi khi chúng mang tính nhân đạo, nhưng chúng cũng có tác dụng che đậy cảm giác tội lỗi. Và nó không dễ dàng.

Màu trắng cũng là một màu trung lập. Khi có sự tương phản giữa các ý thức hệ khác nhau, hoặc thậm chí giữa những người khác nhau, tính trung lập có phải là giá trị đối với ngài không?

Có nhiều. Khi bắt đầu cuộc đời, chúng ta có thể nói về trang giấy trắng. Chúng ta không nói trang giấy đen, trang giấy xanh, cờ vàng… Khi nói đến trang giấy để viết, thì đó là trang trắng. Và mỗi người phải viết những quyết định của mình vào đó, trên tờ giấy trắng chính là cuộc sống này. Cuộc đời là một tờ giấy trắng và sẽ đẹp nếu bạn viết được điều gì đó đẹp đẽ lên tờ giấy đó, nhưng nếu bạn viết những điều xấu thì trang đó sẽ không đẹp.

———————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican News)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30