HỘI THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS LÀ AI ?

Written by xbvn on Tháng Sáu 14th, 2023. Posted in Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh, Việt Nam

Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (MEP) là một Hội truyền giáo được thành lập cách đây hơn 350 năm bởi hai Giám mục người Pháp. Đến châu Á và Ấn Độ Dương, trong suốt lịch sử của mình, Hội đã gởi các linh mục đến để thành lập các Giáo hội và đào tạo hàng giáo sĩ bản địa. Ngày nay, Hội hỗ trợ các Giáo hội địa phương.

MEP được thành lập khi nào ?

MEP là một Hội truyền giáo được thành lập vào năm 1658 bởi Đức cha François Pallu, Đại diện Tông Tòa ở Đàng Ngoài, và Đức cha Pierre Lambert de La Motte, Đại diện Tông Tòa ở Đàng Trong. Các Đại diện Tông Tòa là những vị đại diện của Tòa Thánh, với quyền hạn của một Giám mục, không có tước vị vì lãnh thổ họ quản lý chưa được thiết lập như một giáo phận. Do đó, từ ban đầu MEP phụ thuộc vào Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc được thành lập dưới danh xưng « Thánh Bộ Truyền bá Đức tin » vào năm 1622.

Các linh mục của MEP có quy chế nào ?

Họ là những linh mục của giáo phận được sai đi truyền giáo, nhưng vẫn tiếp tục được nhập tịch trong giáo phận gốc của họ (*). Mỗi linh mục tương lai đều nhận được « điểm đến » của mình, ở châu Á và Ấn Độ Dương. « Điểm đến » là đất nước, văn hóa, ngôn ngữ và con người mà các nhà truyền giáo nhận được từ bề trên tổng quyền của mình.

Mỗi nhà truyền giáo ra đi ad extra, ad vitamad gentes (ở nước ngoài, bên ngoài nền văn hóa gốc của mình, trọn đời và bên cạnh những người không phải là Kitô hữu) theo «Monita ad Missionarios » (« Huấn thị cho các Thừa sai ») được viết vào năm 1664 bởi các vị sáng lập là Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte.

Họ được đưa vào ở đâu ?

Ban đầu, mục tiêu của các đấng sáng lập là loan báo Tin Mừng cho các dân tộc ở châu Á, thành lập các Giáo hội và đào tạo hàng giáo sĩ địa phương. Sau Xiêm, Đàng Ngoài, Đàng Trong, Campuchia và một số tỉnh của Trung Quốc, Tòa Thánh đã yêu cầu MEP thay thế Dòng Tên ở miền Nam Ấn Độ vào năm 1776. Vào năm 1831, Tòa Thánh giao phó cho MEP  Triều Tiên và Nhật Bản, vào năm 1838, Mãn Châu , vào năm 1841, Malaysia, vào năm 1846, Tây Tạng và Assam, vào năm 1855 Miến Điện, vào năm 1952 giáo phận mới Hoa Liên ở Đài Loan.

Vào thế kỷ XX, các nhà truyền giáo đã bị trục xuất khỏi nhiều nước, lần lượt là Trung Quốc, Miến Điện, Việt Nam, Campuchia, Lào. Sau đó, các nhà truyền giáo được gởi đến các vùng đất mới, đặc biệt là Madagascar, Đảo Maurice, Indonesia. Ngày nay, các nhà truyền giáo tiếp tục hỗ trợ các Giáo hội địa phương mà họ đã giúp thành lập.

10 mốc thời gian chính

1658 : gởi các Đức cha Pallu, Lambert de La Motte và Cotolendi, những Đại diện Tông Tòa đầu tiên tại châu Á.

1664 : Cha Louis Chevreuil là nhà truyền giáo đầu tiên của MEP đến định cư ở Đàng Trong.

1665 : thành lập Chủng viện ở Ayutthaya (ngày nay là Thái Lan), chủng viện đào tạo các linh mục bản địa.

1760 : 100 năm sau khi thành lập MEP, 92 linh mục đã được sai đi truyền giáo.

1921 : đại hội đồng đầu tiên ở Hồng Kông, quyết định bầu một Bề trên tổng quyền chung ở chủng viện Paris và toàn thể MEP, tổ chức các đại hội đồng định kỳ, và xuất bản một nguyệt san. Bầu Bề trên tổng quyền đầu tiên, Đức cha Jean Budes de Guébriant.

1925 : Đức Piô XI phong chân phước cho 79 vị tử vì đạo Triều Tiên, trong đó có ba nhà truyền giáo đầu tiên được gởi đến Triều Tiên : Đức cha Laurent Imbert và các cha Pierre Maubant và Jacques Chastan.

1960 : Từ năm 1860, MEP đã gởi 3259 nhà truyền giáo.

1966 : Đức Phaolô VI phong chân phước cho 24 vị tử vì đạo Triều Tiên.

1980 : tập hợp Madagascar, Đảo Maurice và Réunion thành một xứ truyền giáo duy nhất, đó là Ấn Độ Dương.

1984 : trong chuyến thăm Nam Triều Tiên, Đức Gioan-Phaolô II đã phong thánh cho 103 vị tử vì đạo.

Tý Linh

(theo Geneviève Pasquier, nhật báo La Croix)

——————————————

(*) Được hình thành vào cùng thời điểm với nhau, nên quy chế của Hội Thừa Sai Paris, cũng như Hội  Linh Mục Xuân Bích do cha Olier sáng lập, Hội Giảng Thuyết do Đức Hồng y Bérulle sáng lập, và một số Hội khác vào thời này… đều  giống nhau ở điểm này: các Giám mục giáo phận nhượng quyền sử dụng một linh mục trong giáo phận của mình cho Hội, để từ nay linh mục này thuộc quyền trực tiếp của Bề trên của Hội, nhưng vẫn nhập tịch trong giáo phận gốc của mình. Vì thế, nếu một linh mục trong Hội này rời khỏi Hội, thì linh mục đó tự động trở về với giáo phận nhập tịch của mình. Do đó, việc coi linh mục này không còn thuộc giáo phận của mình nữa là không đúng với giáo luật của Giáo hội (ctcnd).

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31