KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM A: TÔI ĐÃ SỐNG ĐỨC TIN NHƯ THẾ NÀO?
« Tôi đã sống đức tin như thế nào ? Đó có phải là vấn đề tính toán, chủ nghĩa hình thức hay là một câu chuyện tình yêu với Thiên Chúa? », Đức Phanxicô mời gọi các Kitô hữu tự vấn như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 12/2/2023, khi giải thích đoạn Tin Mừng về việc Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật chứ không bãi bỏ. Ngài mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, một tình yêu không phải « ở mức tối thiểu vừa đủ », nhưng « ở mức tối đa hết sức có thể », và đồng thời nhắc nhở rằng « có lẽ vì chúng ta thiếu linh hoạt khi nhận xét người khác mà quên sống thương xót, như Thiên Chúa thương xót chúng ta. »
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu nói : « Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn » (Mt 5, 17). Kiện toàn : đây là từ khóa để hiểu Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài. Nhưng sự kiện toàn này có nghĩa là gì ? Để giải thích, Chúa bắt đầu bằng cách nêu lên những gì không phải là kiện toàn. Thánh Kinh nói « Chớ giết người », nhưng đối với Chúa Giêsu, điều này là chưa đủ nếu sau đó anh chị bị tổn thương bằng lời nói ; Thánh Kinh nói « Chớ ngoại tình », nhưng điều này là chưa đủ nếu sau đó một người sống một tình yêu bị vấy bẩn bởi sự hai lòng và giả dối ; Thánh Kinh nói « Chớ làm chứng gian », nhưng thề long trọng là chưa đủ nếu sau đó nguời ta hành động cách giả hình (x. Mt 5, 21-37). Đây không phải là kiện toàn.
Để đưa ra một ví dụ cụ thể, Chúa Giêsu tập trung vào « nghi thức dâng lễ vật ». Dâng lễ vật cho Thiên Chúa là để đền đáp lòng biết ơn về các quà tặng của Ngài. Đó là một nghi thức rất quan trọng – dâng lễ vật để đền đáp một cách biểu tượng, có thể nói như vậy, lòng biết ơn về các quà tặng của Ngài – quan trọng đến nổi việc làm gián đoạn nó đã bị cấm trừ những lý do nghiêm trọng. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng nếu người anh em có điều gì đó bất bình với chúng ta, thì phải ngưng lại để đi làm hòa với người ấy trước đã (x. cc. 23-24) : chỉ bằng cách này là nghi thức được kiện toàn. Thông điệp rất rõ ràng : Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, một cách tự do, đi bước trước đến với chúng ta, mà không cần chúng ta xứng đáng ; và vì thế, chúng ta không thể cử hành tình yêu của Ngài mà không đến lượt chúng ta đi bước trước hướng đến việc hòa giải với những người đã làm tổn thương chúng ta. Bằng cách này, có sự kiện toàn trước mắt Thiên Chúa, nếu không, việc tuân giữ bề ngoài, thuần túy nghi thức là vô nghĩa, thì nó trở thành một sự giả hình. Nói cách khác, Chúa Giêsu làm chúng ta hiểu rằng các quy luật tôn giáo là cần thiết, chúng tốt, nhưng chúng chỉ là khởi đầu : để kiện toàn chúng, cần phải vượt lên trên mặt chữ và sống ý nghĩa của chúng. Các giới răn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta không được cất kỹ trong các hầm kín của việc tuân giữ hình thức ; nếu không, chúng ta bị giới hạn vào một lòng đạo bên ngoài, tách rời, là những đầy tớ của một vị « thần là ông chủ » hơn là con cái của một « Thiên Chúa là Cha ». Chúa Giêsu muốn điều này : không phải có ý tưởng phục vụ một ông chủ thiên chúa, nhưng là người Cha ; và đây là lý do tại sao cần phải vượt lên trên mặt chữ.
Thưa anh chị em, vấn đề này không chỉ xuất hiện vào thời Chúa Giêsu ; nó cũng xuất hiện hôm nay. Chẳng hạn, đôi khi chúng ta nghe nói, « Thưa Cha, con không giết người, con không trộm cắp, con không làm hại ai… », như thể muốn nói, « Con tốt rồi ». Đây là giữ luật hình thức, vốn thỏa mãn với mức tối thiểu vừa đủ, trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khao khát điều điều tối đa hết sức có thể. Nghĩa là : Thiên Chúa không lý luận bằng những tính toán và bảng biểu ; Ngài yêu thương chúng ta như một người say mê : không phải ở mức tối thiểu, nhưng ở mức tối đa ! Ngài không nói, « Ta yêu thương con đến một mức nào đó ». Không, tình yêu đích thực không bao giờ đến một mức nào đó, và không bao giờ thỏa mãn ; tình yêu luôn vượt lên trên, người ta không thể làm khác được. Chúa đã cho chúng thấy điều này bằng cách hiến mạng sống mình trên thập giá và tha thứ cho những kẻ giết mình (x. Lc 23, 34). Và Ngài giao phó cho chúng ta giới răn tha thiết nhất đối với Ngài : chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15, 12). Đây là tình yêu làm kiện toàn Lề luật, kiện toàn đức tin, kiện toàn sự sống đích thực !
Vì thế, thưa anh chị em, chúng ta có thể tự hỏi : tôi đã sống đức tin như thế nào ? Đó có phải là vấn đề tính toán, chủ nghĩa hình thức hay là một câu chuyện tình yêu với Thiên Chúa? Tôi chỉ bằng lòng với việc không làm hại, giữ cho “mặt tiền” được ngăn nắp, hay tôi cố gắng lớn lên trong tình yêu đối với Chúa và tha nhân? Và thỉnh thoảng, tôi có kiểm điểm mình về điều răn lớn của Chúa Giêsu không, tôi có tự hỏi liệu tôi yêu thương người thân cận như Ngài yêu thương tôi không? Có lẽ vì chúng ta thiếu linh hoạt khi nhận xét người khác mà quên sống thương xót, như Thiên Chúa thương xót chúng ta.
Xin Đức Maria, Đấng tuân giữ Lời Chúa cách hoàn hảo, giúp chúng ta kiện toàn đức tin và đức ái của chúng ta.
—————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn:Vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- CHA ROBERTO PASOLINI, TÂN GIẢNG THUYẾT CỦA PHỦ GIÁO HOÀNG
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- ĐỐI VỚI TÒA THÁNH, NẠN PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC TRỰC TUYẾN ĐÒI HỎI MỘT QUY ĐỊNH MỚI
- ĐHY PAROLIN GỬI LỜI CHÚC TỐT ĐẸP NHẤT TỚI TRUMP VỀ CHIẾN THẮNG BẦU CỬ
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- MỞ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO SƠ CLARE CROCKETT
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 2024: “CÓ BIẾT BAO SỰ THÁNH THIỆN KÍN ẨN TRONG GIÁO HỘI!”
- ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIEO HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B: NGUỒN MẠCH CỦA MỌI SỰ CHÍNH LÀ TÌNH YÊU
- KHI CÁC GIẢI THƯỞNG NOBEL KINH TẾ KHỚP VỚI HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
- MARGUERITE STERN, CỰU FEMEN, XIN LỖI NGƯỜI CÔNG GIÁO
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: “TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ TỪ BỎ VIỆC VIẾT MỘT TÔNG HUẤN? »
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- BÉN RỄ SÂU VÀ LỮ HÀNH ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
- “LUCE”, VATICAN GIỚI THIỆU LINH VẬT CHO NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 11. «NGÀI ĐÃ XỨC DẦU CHO CHÚNG TA VÀ ĐÃ ĐÓNG ẤN TÍN TRÊN CHÚNG TA». BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH CỦA CHÚA THÁNH THẦN