KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: “LỜI CẦU NGUYỆN LÀM CHO TRỜI MỞ RA”

Written by xbvn on Tháng Một 10th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

“Lời cầu nguyện làm cho trời mở ra: nó đem lại dưỡng khí cho cuộc sống, đem lại một luồng không khí trong lành giữa những lo lắng của cuộc sống và cho phép chúng ta nhìn mọi sự từ một viễn cảnh rộng lớn hơn.” Đức Phanxicô đã lưu ý như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 9/1/2022, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, khi giải thích đoạn Tin Mừng theo thánh Luca 3, 15-16.21-22.

Qua bài suy niệm này, Đức Thánh Cha mời gọi nhìn vào thái độ khiêm tốn của Chúa Giêsu vừa đi xuống với con người, “chia sẻ cảnh ngộ của chúng ta là những người tội lỗi”, vừa “ngước mắt và tâm hồn lên, cầu nguyện với Chúa Cha”.

Đặc biệt Đức Thánh Cha tập trung vào khía cạnh Chúa Giêsu “đang cầu nguyện” và qua đó cho thấy ý nghĩa của việc cầu nguyện trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. “Cầu nguyện là cách chúng ta để cho Chúa hành động trong chúng ta, để hiểu những gì Ngài muốn thông truyền cho chúng ta ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, cầu nguyện là có sức mạnh để tiến về phía trước”, Đức Phanxicô giải thích cầu nguyện là gì và đồng thời cho thấy ý nghĩa và sức mạnh của cầu nguyện: “Lời cầu nguyện làm cho trời mở ra: nó đem lại dưỡng khí cho cuộc sống…”, nhất là “nó làm cho chúng ta có cùng kinh nghiệm của Chúa Giêsu bên Sông Giođan: nó làm cho chúng ta cảm thấy mình như những người con yêu dấu của Chúa Cha”.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy khung cảnh mà đời sống công khai của Chúa Giêsu bắt đầu: Ngài là Con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia, lại đến bờ Sông Giođan để được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Sau khoảng ba mươi năm sống ẩn dật, Chúa Giêsu không thể hiện mình bằng một phép lạ, hay bằng cách leo lên bục danh dự để giảng dạy. Ngài xếp hàng với những người sắp nhận phép rửa từ Gioan. Bài thánh thi phụng vụ hôm nay nói rằng dân chúng đã đến để được rửa tội với một tâm hồn trần trụi và đôi chân trần, cách khiêm tốn. Đây là một thái độ rất đẹp, với tâm hồn trần trụi và đôi chân trần. Và Chúa Giêsu chia sẻ cảnh ngộ của chúng ta là những người tội lỗi, Ngài đi xuống với chúng ta; Ngài đi xuống sông, và đồng thời xuống lịch sử tổn thương của nhân loại, Ngài dìm mình trong dòng nước của chúng ta để chữa lành nó, và Ngài dìm mình với chúng ta, giữa chúng ta. Ngài không đứng trên chúng ta, đi xuống với chúng ta bằng một tâm hồn trần trụi, bằng đôi chân trần, giống như mọi người. Ngài không đến một mình, cũng không đến với một nhóm đặc quyền, được chọn lọc. Không: Ngài đến với mọi người. Ngài thuộc về mọi ngời và Ngài đến với họ để chịu phép rửa, với những người khiêm tốn này.

Chúng ta hãy suy nghĩ về một điểm quan trọng: vào lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, bản văn nói rằng Ngài “đang cầu nguyện” (Lc 3, 21). Thật tốt cho chúng ta khi chiêm niệm điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện. Nhưng tại sao? Ngài là Chúa, Con Thiên Chúa, lại cầu nguyện như  chúng ta? Vâng, Chúa Giêsu – các Tin Mừng lặp đi lặp lại điều này nhiều lần – dành nhiều thời gian để cầu nguyện: khởi đầu mỗi ngày, thường vào ban đêm, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng…Lời cầu nguyện của Ngài là một cuộc đối thoại, một mối tương quan với Chúa Cha. Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể thấy “hai thời điểm” trong đời sống của Chúa Giêsu: một mặt, Ngài đi xuống với chúng ta trong dòng sông Giođan; mặt khác, Ngài ngước mắt và tâm hồn lên, cầu nguyện với Chúa Cha.

Đó là một bài học to lớn cho chúng ta: tất cả chúng ta đều đắm chìm trong những vấn đề của cuộc sống và trong nhiều hoàn cảnh phức tạp,  được mời gọi đối diện với những thời điểm và chọn lựa khó khăn đè nặng lên chúng ta. Nhưng, nếu chúng ta không muốn bị đè bẹp, thì chúng ta cần nâng mọi sự hướng lên cao. Và đây chính xác là những gì lời cầu nguyện thực hiện. Nó không phải là một lối thoát; cầu nguyện không phải là một nghi lễ ma thuật hay sự lặp đi lặp lại những câu kinh đã thuộc lòng. Không. Cầu nguyện là cách chúng ta để cho Chúa hành động trong chúng ta, để hiểu những gì Ngài muốn thông truyền cho chúng ta ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, cầu nguyện là có sức mạnh để tiến về phía trước. Nhiều người cảm thấy họ không thể tiếp tục, và họ cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để tiếp tục”. Chúng ta cũng thế, rất thường xuyên, đã làm điều này. Lời cầu nguyện giúp đỡ chúng ta bởi vì nó kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa, nó mở chúng ta ra cho việc gặp gỡ Ngài. Đúng vậy, cầu nguyện là chìa khóa mở tâm hồn chúng ta cho Chúa. Đó là đang đối thoại với Thiên Chúa, đang lắng nghe Lời Ngài, đang thờ phượng: ở lại trong thinh lặng, phó thác cho Ngài những gì chúng ta đang trải qua. Và đôi khi đó cũng là đang kêu lên với Ngài như ông Gióp, những lúc khác đó là đang trút bầu tâm sự với Ngài. Kêu lên như ông Gióp; Ngài là người cha, Ngài hiểu rõ. Ngài không bao giờ nổi giận với chúng ta. Và Chúa Giêsu cầu nguyện.

Lời cầu nguyện – để sử dụng một hình ảnh tuyệt đẹp từ bài Tin Mừng hôm này – “làm cho trời mở ra” (x. c. 21). Lời cầu nguyện làm cho trời mở ra: nó đem lại dưỡng khí cho cuộc sống, đem lại một luồng không khí trong lành giữa những lo lắng của cuộc sống và cho phép chúng ta nhìn mọi sự từ một viễn cảnh rộng lớn hơn. Trên hết, nó làm cho chúng ta có cùng kinh nghiệm của Chúa Giêsu bên Sông Giođan: nó làm cho chúng ta cảm thấy mình như những người con yêu dấu của Chúa Cha. Khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Cha cũng nói với chúng ta, như Ngài đã nói với Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Con là Con yêu dấu của Ta” (x. c.22). Việc trở thành con cái của Thiên Chúa bắt đầu vào ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, vốn đã dìm chúng ta trong Chúa Kitô và, với tư cách là những thành viên  của dân Thiên Chúa, chúng ta trở nên con cái yêu dấu của Chúa Cha. Chúng ta đừng quên ngày Rửa tội của chúng ta! Nếu bây giờ tôi hỏi mỗi người trong anh chị em: ngày Rửa tội của anh chị em là ngày nào? Có lẽ một số anh chị em không nhớ. Đây là một điều đẹp đẽ: nhớ ngày Rửa tội của mình, bởi vì đó là ngày tái sinh của chúng ta, thời điểm chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa với Chúa Giêsu! Và khi anh chị em trở về nhà – nếu anh chị em không biết – hãy hỏi mẹ,dì, bà hay ông của anh chị em: “Con được rửa tội khi nào?”, và hãy nhớ ngày đó để mừng, để tạ ơn Chúa. Và hôm nay, vào lúc này, chúng ta hãy tự hỏi: việc cầu nguyện của tôi đang diễn ra như thế nào? Tôi có cầu nguyện theo thói quen, tôi có cầu nguyện cách miễn cưỡng, chỉ đọc các công thức, hay việc cầu nguyện của tôi là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa? Tôi, một tội nhân, luôn ở với dân Thiên Chúa, không bao giờ bị cô lập? Tôi có vun trồng sự thân mật với Thiên Chúa, đối thoại với Ngài, lắng nghe Lời Ngài không? Trong số nhiều việc chúng ta làm mỗi ngày, chúng ta đừng bỏ qua việc cầu nguyện: chúng ta hãy dành thời gian cho nó, chúng ta hãy dùng những lời nguyện tắt để lặp đi lặp lại cách thường xuyên, chúng ta hãy đọc Tin Mừng mỗi ngày. Lời cầu nguyện làm cho trời mở ra.

Và bây giờ, chúng ta hãy hướng về Đức Mẹ, người Trinh Nữ cầu nguyện, Đấng đã biến đời mình thành một bài ca ngợi Thiên Chúa.

——————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31