LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU VÀ SỨ ĐIỆP « SỐNG LINH ĐẠO TÂN PHÚC ÂM HÓA »

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 31st, 2012. Posted in Sứ điệp, Tâm linh, Truyền giáo, Tý Linh, Việt Nam

Hội nghị khoáng đại của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã kết thúc, với Sứ điệp kêu gọi dân Chúa « trở thành những người loan báo Tin Mừng được đổi mới cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa », dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Sứ điệp nhìn nhận « sứ vụ khó khăn loan báo Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ giữa những biến chuyển nhanh chóng ở Á Châu ». Chính vì thế Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu mời gọi ý thức hơn bao giờ hết « rằng chúng ta cần phải là một cộng đoàn kinh nghiệm về Chúa Kitô và làm chứng cho Chúa Kitô hơn nữa », để có thể trở thành « những chứng nhân đích thực và khả tín về Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ » trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà đức Gioan-Phaolô II đã khởi xướng và đức Bênêđictô XVI củng cố. Trong tinh thần đó, các Giám mục Á Châu đã vạch ra một « linh đạo Tân Phúc Âm Hóa » để giúp  và định hướng các Kitô hữu Á Châu trở thành « những người loan báo Tin Mừng được đổi mới » có thể đọc ra « các dấu chỉ của thời đại », nắm bắt được « những trào lưu xã hội ở Á Châu » và hiểu biết « những thực tại trong Giáo Hội của mình », để từ đó có thể nhận diện « những thách đố và những cơ hội » của đức tin.

Linh đạo Tân Phúc Âm Hóa được trình bày qua mười chiều kích căn bản :

1. « Gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu-Kitô ». Những người loan báo Tin Mừng cần có « một đức tin sống động », bén rễ sâu trong « sự gặp gỡ cá nhân và đổi mới với Chúa Kitô », mà kết quả là « sự hoán cải bản thân và trở thành người môn đệ Chúa Kitô trong lời nói và việc làm ». Không có sự gặp gỡ cá nhân này thì việc « chạm đến linh hồn Á Châu » cũng bất khả.

2. « Say mê sứ vụ ». Sứ điệp nhấn mạnh rằng « nếu chúng ta hiện hữu cho sứ vụ, thì chúng ta cần có một sự say mê đối với sứ vụ ». Lịch sử Giáo Hội tại Á Châu cho thấy đã có rất nhiều người đã dám « liều mạng sống mình vì Chúa Kitô ». Các nhà thừa sai, những người tử vì đạo, các giáo dân nam nữ, tu sĩ, linh mục là « hiện thân của sự say mê vì sứ vụ », dưới sự thúc bách của tình yêu Chúa Kitô.

3. « Tập trung vào Nước Thiên Chúa ». Các Giám mục Á Châu lưu ý rằng việc dấn thân loan báo Tin Mừng cho các tầng lớp xã hội hay việc Tân Phúc Âm Hóa « không tách rời thế giới chúng ta khỏi Vương quốc của Thiên Chúa », « không tách rời vật chất khỏi tôn giáo, cũng không tách rời đời sống-đức tin ra khỏi nhiệm vụ biến đổi đời sống kinh tế xã hội và chính trị ». Nói chung là « không tách rời Chúa Giêsu-Kitô khỏi Nước Thiên Chúa », và đồng thời ý thức rằng « tập trung vào Nước Thiên Chúa là cam kết bước theo Chúa Giêsu và tuân theo cái nhìn của Ngài về một nhân loại mới lấy Ngài làm khuôn mẫu».

4. « Cam kết hiệp thông ». « Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta để chúng ta có thể sống hiệp thông với Chúa Cha, với Ngài và với nhau (x. Ga 17, 20-22) ». « Những người Tân Phúc Âm Hóa phải là những người sống và thăng tiến sự hiệp thông. Quả thế, linh đạo hiệp thông là linh đạo của việc Tân Phúc Âm Hóa », bởi vì như đức Gioan-Phaolô II đã nói, « hiệp thông và sứ vụ liên kết với nhau không thể tách rời ». Chính Ba Ngôi Thiên Chúa « vừa là nguồn mạch vừa là hoa trái của sự hiệp thông : hiệp thông mở ra cho sứ vụ và sứ vụ được hoàn tất trong sự hiệp thông ». Lời mời gọi xây dựng hòa bình và sự hiệp thông còn cấp bác hơn nữa trong bối cảnh Á Châu với « những căng thẳng và xung đột » không ngừng.

5. « Đối thoại, một phương thức sống và sứ vụ ». Sứ điệp nhấn mạnh rằng « công cuộc Tân Phúc Âm Hóa đòi hỏi một tinh thần đối thoại », hơn là « đối đầu ». Nó là « dấu hiệu của mọi hình thức thừa tác vụ và phục vụ ở Á Châu ». Nó được biểu lộ qua « sự nhạy bén khiêm tốn trước sự hiện diện ẩn kín của Thiên Chúa trong các cuộc đấu tranh vì người nghèo, trong các nền văn hóa phong phú của các dân tộc, trong các truyền thống tôn giáo khác nhau và trong nơi sâu thẳm của tâm hồn mỗi người ».

6. « Sự hiện diện khiêm tốn ». Đối với Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, con đường Tân Phúc Âm Hóa trên mảnh đất truyền giáo mênh mông của Á Châu, « những chứng từ âm thầm nhưng hùng hồn của một đời sống Kitô hữu đích thực đòi hỏi một sự hiện diện khiêm tốn, một phương thức đối thoại cuộc sống, bao gồm một lối sống cầu nguyện và « chiêm niệm » ». Sự hiện diện khiêm tốn này còn được thể hiện qua « đời sống giản dị và sự hiệp thông với người nghèo ».

7. « Người loan báo Tin Mừng có tính cách ngôn sứ ». « Trở thành ngôn sứ là ý thức, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, về những mâu thuẫn trong thế giới Á Châu của chúng ta và tố giác bất cứ điều gì làm hạ giá, biến chất và tước bỏ phẩm giá của con cái của Thiên Chúa. » Người tân Phúc Âm hóa « phải bảo vệ phẩm giá của mọi người, đặc biệt của người nữ và trẻ em và những ai phải sống trong điều kiện sống hâu như phi nhân trong xã hội Á Châu của chúng ta. Bằng việc tố giác bất công như thế, người loan báo Tin Mừng được đổi mới sẽ loan báo tình yêu của Thiên Chúa, … và tình yêu ưu tiên cho người nghèo của Chúa Giêsu ».

8. « Liên đới với các nạn nhân ». Sứ điệp ghi nhận rằng « con số các nạn nhân của việc toàn cầu hóa, của bất công, những thiên tai và thảm họa hạt nhân, và của những cuộc tấn công của những kẻ theo chủ nghĩa duy truyền thống quá khích và những kẻ khủng bố, đang gia tăng hằng ngày ». Chúa Giêsu đã liên đới với các nạn nhân, và tình liên đới này cũng phải là « một chiều kích thiết yếu » của linh đạo Tân Phúc Âm Hóa.

9. « Quan tâm đến công trình tạo dựng ». Sứ điệp nhấn mạnh rằng « mối quan tâm đến sinh thái, chăm lo cho sự toàn vẹn của công trình tạo dựng, bao hàm sự công bằng và sự đồng cảm giữa các thế hệ là một chiều kích căn bản cho một nền linh đạo hiệp thông ».

10. « Can đảm sống đức tin và sự tử vì đạo ». Chiều kích thứ mười của linh đạo Tân Phúc Âm Hóa mời gọi « làm chứng cho đức tin bằng sự hy sinh cao cả », trên mảnh đất Á Châu được ghi dấu bởi dòng máu của các vị tử vì đạo. Sự tử vì đạo là « dấu chỉ tối hậu của lòng trung tín hoàn toàn với Chúa Kitô và sứ mạng của Ngài ».

Trong phần kết luận, Sứ điệp một lần nữa kêu gọi « đoàn chiên nhỏ bé » « nuôi dưỡng một niềm say mê đặc biệt đối với công cuộc Tân Phúc Âm Hóa » và « không phải rụt rè hay lo sợ giữa hàng tỉ người ở Á Châu », không thờ ơ trước những vấn đề xã hội ở Á Châu, bởi vì « chúng ta có nguồn mạch đặc biệt của đức tin chúng ta là chính Chúa Giêsu, quà tặng độc nhất của Thiên Chúa cho nhân loại ».

Với Sứ điệp này, Liên HĐGM Á Châu đặt mình trong đường hướng chung của Giáo Hội trong Năm Đức Tin, được đánh dấu bởi Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa để thong truyền đức tin.

Cũng cần nói thêm rằng ở phần đầu, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã lấy làm tiếc vì sự vắng mặt các đại diện của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và hy vọng có ngày sự hiện diện này sẽ được thực hiện. Phải chăng ở đây đang đặt ra vấn đề quyền tự do tôn giáo mà Sứ điệp không nhắc đến và qua đó là vấn đề nhân quyền ?

Tý Linh

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31