LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2012 : LINH MỤC VÀ CON ĐƯỜNG TÂN PHÚC ÂM HÓA

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 4th, 2012. Posted in Linh mục, Lm Võ Xuân Tiến, Việt Nam, Xuân Bích Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Năm Đức Tin, Cánh Cửa Đức Tin luôn mở ! Đó là thời gian ân sủng mà đức Bênêđictô XVI muốn cho mọi con cái trong Giáo Hội bước vào « đời sống hiệp thông với Thiên Chúa » (Porta Fidei, số 1), nhằm « tái khám phá hành trình đức tin để ngày càng làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới nhờ được gặp gỡ với Chúa Giêsu » (số 2) và để « thông truyền đức tin » bằng đời sống chứng tá yêu thương.

Lễ Đức Mẹ Dâng Mình năm nay được lồng vào biến cố chung này của Giáo Hội và cũng là cơ hội cho anh em cựu sinh viên Xuân Bích đào sâu và đổi mới đức tin của mình vào Chúa theo gương Đức Mẹ. Đặc biệt, đây là cơ hội để nhìn lại con đường Tân Phúc Âm Hóa trong đời sống đức tin của linh mục mà Tông huấn Pastores dabo vobis đã nhấn mạnh.

Nguồn gốc và ý nghĩa của vấn đề Tân Phúc Âm Hóa

Một thuật ngữ để diễn tả rõ nét nhất mục đích này của Năm Đức Tin, và là một thuật ngữ được dùng rất nhiều trong thời gian qua, đó là « Tân Phúc Âm Hóa », thuật ngữ được dùng lần đầu tiên bởi đức Gioan-Phaolô II trong chuyến tông du Ba Lan vào năm 1979. Quả thế, trong buổi gặp gỡ với giới công nhân của thành phố Nowa Huta, ngày 9.6.1979, đức Gioan-Phaolô II đã nói : « Cây thập giá mới bằng gỗ đã được treo lên cách đây không xa, trong suốt những cuộc cử hành kỷ niệm thiên niên kỷ. Cùng với thập giá này, chúng ta đã nhận được một dấu chỉ, dấu mà ở ngưỡng cửa của ngàn năm mới…Tin Mừng một lần nữa được loan báo. Một cuộc Tân Phúc Âm Hóa đang được bắt đầu, như thể đó là một cuộc loan báo thứ hai, cho dầu trên thực tế đó vẫn luôn là một cuộc loan báo.[1] »

Thật ra, trong chuyến tông du Ba Lan năm 1979, đức Gioan-Phaolô II đã dùng hai thuật ngữ cùng một lúc mà không có sự phân biệt : « Tân Phúc Âm Hóa » (nouvelle évangélisation) và « Tái Phúc Âm Hóa » (ré-évangélisation).  Thế nhưng, trong Diễn văn cho hội nghị lần thứ XIX của CELAM, tại Port-au-Prince, ngày 9.3.1983, số.3, Đức Gioan-Phaolô II dường như đã bắt đầu có sự phân biệt rõ giữa chúng : « Việc kỷ niệm 500 năm loan báo Tin Mừng (tại Mỹ châu La-tinh) sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu đi kèm với hành động dấn thân của quý chư huynh Giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa (re-evangelización), mà là tân phúc-âm-hóa (nueva evangelización). Mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả.[2]»

Tuy nhiên, hai thuật ngữ này vẫn còn tiếp tục được tìm thấy đặt gần nhau trong Thông điệp « Redemptoris missio » (7.12.1990) của ngài mà không có sự phân biệt (số 33). Trong số này, xem ra chúng được phân biệt với thuật ngữ « Phúc Âm Hóa » (évangélisation), được hiểu như là sứ mạng đến với muôn dân (ad gentes), còn chúng lại được áp dụng cho trường hợp « các nước thuộc truyền thống Kitô giáo xưa nhưng đôi khi cũng trong các Giáo Hội non trẻ hơn[3], trong đó cả các nhóm những người đã chịu phép Rửa đã đánh mất ý thức đức tin sống động hay đi đến chỗ không còn nhận mình như là những thành viên của Giáo Hội nữa, bằng cách sống một cuộc sống xa rời với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Trong trường hợp này, cần phải có một « cuộc Tân Phúc Âm Hóa » hay một « cuộc Tái Phúc Âm Hóa »». Đức Bênêđictô XVI tiếp nối đường hướng này của đức Gioan-Phaolô II khi triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục để suy tư về vấn đề Tân Phúc Âm Hóa trong đời sống Giáo Hội hôm nay[4].

Tân Phúc Âm Hóa, một vấn đề thời sự

Ngày nay, thuật ngữ « Tái Phúc Âm Hóa » xem ra càng ngày càng ít được dùng hơn (phải chăng là do nó có thể gây hiểu lầm rằng việc Phúc Âm hóa trước đây chưa đầy đủ, còn thiếu sót hay thậm chí là sai lầm, nên giờ đây cần được « tái Phúc Âm hóa » ?), đang khi thuật ngữ « Tân Phúc Âm Hóa » trở thành một kiểu nói được dùng rất phổ biến và rộng rãi. Thượng Hội Đồng Giám Mục về « Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo » là một bằng chứng. Trong Sứ điệp chung cuộc gởi dân Chúa, thuật ngữ « Tân Phúc Âm Hóa » như một điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần, đang khi thuật ngữ « Tái Phúc Âm Hóa » không được dùng đến, dù chỉ là một lần.

Giáo Hội đánh dấu bước khởi đầu của Năm Đức Tin bằng một biến cố quan trọng là cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục về « Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo », diễn ra từ 7-28/10/2012. Xem ra biến cố này không phải là một sự tình cờ ngẫu nhiên, nhưng là một bước khởi động cho Năm Đức Tin, trong đó Giáo Hội ý thức về sứ mạng phục vụ Thiên Chúa và con người của mình, và đồng thời qua đó Giáo Hội huy động mọi nguồn năng lực và nhân lực nội tại để tìm ra những đường hướng tốt đẹp nhất giúp người kitô hữu đổi mới và sống niềm tin vào Chúa và con người : con đường Tân Phúc Âm Hóa. Con đường này được mô tả như là « mới trong sự nhiệt thành, trong các phương pháp, trong những lối diễn tả [5]».

Tuy nhiên, như ĐHY Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân, lưu ý việc Tân Phúc Âm Hóa này, đối với đức Bênêđictô XVI, không chỉ liên quan đến cái chúng ta làm mà thôi, nhưng trước hết nó liên quan đến cái chúng ta là, liên quan đến khía cạnh hữu thể : cách thức mới mẻ là người kitô hữu, là Giáo Hội, trong đó Chúa Kitô chiếm chỗ trung tâm trong đời sống chúng ta[6]. Điều đó cho thấy rằng việc Tân Phúc Âm Hóa, trước khi là một bước đi ra (ad extra) đến với muôn dân (ad gentes), đã là một bước quay trở về (ad intra) với những người con của Giáo Hội và nhất là quay về với chính bản thân để hoán cải và đổi mới niềm tin vào Chúa cũng như củng cố mối liên hệ hữu thể này. Bước khởi đầu của đức tin, bước khởi đầu trên con đường Tân Phúc Âm Hóa không phải là những chiến dịch này hay chiến dịch kia, nhưng là một hành vi trở về với Chúa để được đổi mới[7]. Chính vì thế, Sứ điệp chung cuộc của THĐ Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa đã nhấn mạnh đến « hai lối diễn đạt của đời sống đức tin…trong việc Tân Phúc Âm Hóa » này (số 12), hai chiều kích của việc Tân Phúc Âm Hóa mà chúng ta có thể tóm tắt trong kiểu nói « người của Chúa » (chiêm niệm, cầu nguyện) và « người của con người » (bác ái, phục vụ người nghèo). Trong Tự sắc Porta Fidei để loan báo Năm Đức Tin, đức Bênêđictô XVI đã cảnh giác trước sự kiện « thường xảy ra rằng các kitô hữu chủ yếu quan tâm đến những hậu quả xã hội, văn hóa và chính trị của sự dấn thân của mình, tiếp tục suy nghĩ đức tin như là một điều tiền giả định hiển nhiên của việc sống chung… », đang khi mà trên thực tế, đức tin Kitô giáo ngày nay không còn được đón nhận như thế nữa trong xã hội, do sự « khủng hoảng đức tin » nơi nhiều người (số 2). Khẳng định như thế, đối với Đức Thánh Cha, xem ra điều quan trọng của việc Tân Phúc Âm Hóa hiện nay là khôi phục lại chiều kích đức tin và đổi mới nó nơi dân Chúa, nơi tâm hồn con người và mỗi người trước tiên, trước khi nghĩ đến dấn thân xã hội. Vấn đề sâu xa của nền thần học giải phóng là ở chỗ nó quá bận tâm đến vấn đề xã hội hay chiều kích xã hội của đức tin mà quên đi chính chiều kích đức tin của vấn đề xã hội, thậm chí chỉ tìm giải pháp cho vấn đề xã hội nơi các ý thức hệ bên ngoài và ngược với những giá trị của Tin Mừng. Chính vấn đề « sa mạc hóa tinh thần » này nơi xã hội, tức là sự vắng bóng hay khước từ Thiên Chúa, mà đức Bênêđictô XVI đã thiết lập Năm Đức Tin, không phải chỉ riêng cho Châu Âu nhưng liên quan đến mọi người, nhằm giúp, trước tiên cho người kitô hữu, tái khám phá vẻ đẹp của đức tin, đổi mới đức tin, cử hành đức tin và sống đức tin, ý thức rằng đức tin phải là yếu tố quyết định và bao trùm cả cuộc sống[8]. Thật ý nghĩa khi cuộc hội ngộ của các cựu sinh viên Xuân Bích được diễn ra trong bầu khí thiêng liêng đó. Nó như mời gọi mỗi người nhìn lại con đường Tân Phúc Âm Hóa trong ơn gọi của mình.

Con đường Tân Phúc Âm Hóa, con đường nên thánh

Thật vậy, lễ Đức Mẹ Dâng Mình và lễ Giỗ Tổ Xuân Bích năm 2012 nằm trong « bầu khí đức tin » này. Đó là cơ hội cho mọi người sống và làm mới tình huynh đệ và tình thầy trò trong đức tin, và nhất là một lần nữa sống và làm mới lại cái giây phút đức tin « xin vâng » dâng mình cho Chúa của Đức Maria và giây phút đức tin chọn Chúa làm phần gia nghiệp. Nói cách khác, lễ Đức Mẹ Dâng Mình mở ra cho các cựu sinh viên Xuân Bích và mọi người cơ hội thể hiện cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Giáo Hội mong muốn. Nhắc lại những vấn đề xưa và nay của vấn đề Tân Phúc Âm Hóa không phải chỉ để đánh dấu một sự kiện, nhưng còn là một lời mời gọi nên thánh qua con đường Tân Phúc Âm Hóa trong giây phút hiện tại. Nói cách khác, làm thế nào con đường Tân Phúc Âm Hóa mà Giáo Hội hoàn vũ đang kêu gọi có thể được cụ thể hóa trong đời sống ơn gọi của mỗi người chúng ta, trong các cộng đoàn và các giáo xứ mà chúng ta phục vụ ? Sứ điệp Tân Phúc Âm Hóa phải chăng không giúp chúng ta ý thức mãnh liệt hơn về một sự năng động thiêng liêng đối với những gì cần phải đổi mới trước những lời nhận định của HĐGM Việt Nam về hoàn cảnh Giáo Hội và xã hội Việt Nam hôm nay [9]?

Quam pulchre graditur ! Đẹp thay những bước chân Tân Phúc Âm Hóa, những con người, như Đức Mẹ, trong đức tin, tiến về cửa đền thờ, cửa đức tin, để gặp gỡ « Vua trời cao », để được đổi mới, để được khơi lên ngọn lửa mới, nhiệt huyết mới, dấn thân mới, cam kết mới, để một lần nữa đặt Chúa làm gia nghiệp, để một lần nữa mở ra cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở trung tâm của đời sống đức tin của mỗi người. Và đó cũng chính là xác tín của Tông huấn Pastores dabo vobis khi nhắc đến việc thường huấn linh mục như là thể hiện « nhiệm vụ cấp bách » của việc Tân Phúc Âm Hóa (số 70), được thể hiện cách cụ thể qua bốn chiều kích đào tạo.

Linh mục và con đường Tân Phúc Âm Hóa theo Pastores dabo vobis

Quả thế, Tông Huấn khẳng định : « Việc thường huấn là một đòi hỏi nội tại của ân huệ linh mục…nó tỏ ra luôn cần thiết, trong mọi lúc. Tuy nhiên, ngày nay, nó đặc biệt cấp bách, không chỉ do những biến động nhanh chóng của các điều kiện xã hội và văn hóa của con người và của các dân tộc trong đó thừa tác vụ linh mục được thực thi, nhưng còn vì ‘cuộc Tân Phúc Âm Hóa’ này tạo ra một nhiệm vụ cấp bách của Giáo Hội vào cuối thiên niên kỷ thứ hai này. » (số 70)

Tông huấn Pastores dabo vobis sử dụng 9 lần thành ngữ « Tân Phúc Âm Hóa » và qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của con đường này trong các chiều kích đào tạo linh mục : nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ, cũng như đặt vấn đề đào tạo linh mục trong đường hướng Tân Phúc Âm Hóa này.

Trước tiên, Tông Huấn khẳng định rằng con đường Tân Phúc Âm Hóa « cần những nhà tân Phúc Âm hóa » (số 82), và các linh mục phải là « những nhà tân Phúc Âm hóa đầu tiên » (số 2) và là những con người « xác tín đối với công cuộc Tân Phúc Âm Hóa » (số 10), tức là những con người « sống thiên chức linh mục như là một con đường nên thánh » (số 82), trong việc nên giống Chúa Kitô là Đầu và là Mục Tử, nên giống Chúa Kitô trong « đức ái mục tử » (xem các số 15.21-23). Như thế, đối với những ai đang sống ơn gọi linh mục, con đường Tân Phúc Âm Hóa là con đường nên thánh. Nên thánh trong bản chất ơn gọi của mình và nên thánh trong chính công việc mục vụ. Con đường này đặt người linh mục trong một « tiến trình hoán cải liên lỉ » để « trung tín với thừa tác vụ linh mục » và với « chính hữu thể của mình » (số 70).

Dĩ nhiên, « nhiệm vụ ưu tiên » Tân Phúc Âm Hóa liên quan đến mọi tín hữu, nó đòi hỏi « một nhiệt huyết mới, những phương pháp mới và một ngôn ngữ mới để loan báo và làm chứng cho Tin Mừng»  (số 18). Tuy nhiên, công cuộc Tân Phúc Âm Hóa đòi hỏi các linh mục, trong chiều kích thiêng liêng và nhân bản, « phải hoàn toàn đắm mình trong mầu nhiệm của Chúa Kitô và có khả năng thực hiện một nếp sống mục vụ mới, được nổi bật bằng sự hiệp thông sâu xa với Đức Giáo Hoàng, các giám mục và giữa các linh mục, và bằng sự cộng tác phong nhiêu với giáo dân, trong sự tôn trọng và thăng tiến các vai trò khác nhau, những đặc sủng và những thừa tác vụ giữa cộng đoàn Giáo Hội » (số 18). Mặt khác, trong cuộc Tân Phúc Âm Hóa, người linh mục, trong chiều kích mục vụ, cũng phải đắm mình trong « kinh nghiệm về một Giáo Hội được mời gọi ‘Tân Phúc Âm Hóa’ qua sự trung tín với Chúa Thánh Thần…và theo những khát vọng của thế giới lìa xa Chúa Kitô nhưng đang cần đến Ngài, cũng như kinh nghiệm về một Giáo Hội luôn liên đới hơn với con người…trong việc bảo vệ phẩm giá nhân vị và các quyền của con người… » (số 9).

Phương tiện cần thiết để người linh mục đạt tới cuộc Tân Phúc Âm Hóa này là sức mạnh biến đổi và sáng tạo của Lời Chúa, vì « hiểu biết Lời Chúa là điều kiện cần thiết cho cuộc Tân Phúc Âm Hóa » (số 47). Chính trong Lời Chúa và các Bí Tích mà người linh mục được đắm mình cách sâu xa nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô và cũng chính việc gần gũi với Lời Chúa sẽ giúp mở ra con đường hoán cải bản thân, không chỉ qua việc từ bỏ sự dữ và gắn bó điều thiện, nhưng còn giúp cho các tư tưởng của Thiên Chúa lớn lên (x. số 47). Chính như thế mà Tông Huấn nói đến một « mối liên hệ hữu thể » của dân Chúa nói chung (số 13) và của người linh mục nói riêng (số 11, 72) với Chúa Kitô. Việc tiếp xúc với Lời Chúa như thế giúp làm cho đức tin trưởng thành, một « đức tin hành động nhờ đức ái » (Gl 5,6)  như là « tiêu chí phán đoán và đánh giá con người và sự vật, những biến cố và những vấn đề » (số 47).

Bên cạnh những phương tiện đạt tới những chiều kích thiêng liêng, nhân bản và mục vụ đó trên con đường Tân Phúc Âm Hóa, Tông Huấn còn cho thấy một chiều kích trí thức hoàn toàn gắn liền với chúng và là một đáp ứng quan trọng cho những thách đố mà việc Tân Phúc Âm Hóa đặt ra : « Đào tạo trí thức cho các ứng viên linh mục tìm thấy sự biện minh đặc thù của nó trong chính bản chất của thừa tác vụ linh mục, và thách đố của « cuộc Tân Phúc Âm Hóa » mà Chúa mời gọi Giáo Hội ở ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba làm cho nó càng cấp bách hơn hôm nay » (số 51). Đây là một chiều kích giúp càng ngày càng gắn bó với Chúa hơn và giúp loan truyền Tin Mừng của Chúa Kitô cách hữu hiệu hơn. Quả thế, « qua việc học hành, nhất là thần học, người linh mục tương lai gắn bó với Lời Chúa, lớn lên trong đời sống thiêng liêng và sẵn sàng thực thi thừa tác vụ mục tử » (số 51).

« Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con » (Tv 15 (16), 5)

Thay cho lời kết, không gì đẹp hơn là nhắc lại lời Thánh vịnh trên đây. Truyền thống Xuân Bích thường lặp lại lời tuyên xưng đức tin này trong ngày lễ quan thầy của mình là lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh (21/11). Thật ý nghĩa khi cha Jean-Jacques Olier, đấng sáng lập Hội Linh Mục Xuân Bích, muốn áp dụng lời Thánh vịnh trên đây trước tiên cho chính Đức Maria và muốn các con cái của mình noi gương Đức Maria, Mẹ của các linh mục, hiến thân phụng sự Chúa và chọn Chúa làm gia nghiệp. Cha Olier là người có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt đến độ ngài đã có một « lời khấn tôi tớ » cho Đức Maria, trong ý nghĩa muốn thuộc trọn về Mẹ và thuộc trọn về Chúa Kitô hơn. Ngài luôn nêu lên sự kết hiệp mật thiết của Chúa Giêsu với Đức Mẹ : « Ôi Chúa Giêsu, sống trong Mẹ Maria », và sự kết hiệp này luôn được cha Olier dùng làm mẫu gương cho các linh mục trong Hội cũng như cho những ai mà Hội có nhiệm vụ phục vụ. Đức Maria quả là mẫu gương đức tin trên con đường Tân Phúc Âm Hóa : « Chẳng phải Mẹ là người đầu tiên đã phó thác cho Chúa Thánh Thần, người đầu tiên đã hiệp thông với các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, người đầu tiên đã chia sẻ cách sâu thẳm đà hướng về Cha của Ngài sao ?[10]»

Khởi đầu con đường Tân Phúc Âm Hóa là khởi đầu lại từ xác tín này : « Chúa là phần gia nghiệp của con », « Lời Chúa là ánh sáng soi cho con đi », là sống lại đức tin và niềm vui dâng hiến của Đức Maria và cũng là đức tin và niềm vui mang Chúa đến cho mọi người. Tông huấn Verbum Domini nhấn mạnh : « Thời đại chúng ta phải ngày càng là thời đại của việc tái lắng nghe Lời Thiên Chúa và một cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Tái khám phá đặc tính trung tâm của Lời Chúa trong đời sống kitô hữu làm cho chúng ta cũng tìm lại được ý nghĩa sâu xa nhất cảu điều mà Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã mạnh mẽ nhắc lại : tiếp tục missio ad gentes và ra sức bắt tay vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa » (số 122). Ra sức bắt tay vào cuộc Tân Phúc Âm Hóa, trong ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình này, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Maria, « nơi hoàn tất tương giao hỗ tương giữa Lời Thiên Chúa và đức tin » (số 27), để cùng với « người Trinh Nữ lắng nghe » (số 27), chúng ta « để cho Lời Chúa biến đổi chúng ta », « để cho Thiên Chúa nhào nắn chúng ta » (số 28) nên những người tân Phúc Âm hóa cho thế giới và con người hôm nay.

Lm. Phêrô Võ Xuân Tiến

Lễ Đức Mẹ Dâng Mình 21.11. 2012


[1] Xem mục « nouvelle évangélisation » trên Wikipedia.

[2] Trích dẫn theo Bài giảng ngày 19.10.2012 của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong Thánh lễ bế mạc kỳ tĩnh tâm thường niên lần 7 của Gia Đình Thánh Tâm, cụm 4, thuộc Giáo phận Vinh.

[3] Chúng tôi gạch dưới để lưu ý rằng, trong tư tưởng của đức Gioan-Phaolô II, vấn đề Tân Phúc Âm Hóa không chỉ liên hệ đến các truyền thống Kitô giáo xa xưa hay Tây Phương, nhưng liên quan đến toàn thể Giáo Hội.

[4] Trong bài giảng khai mạc THĐ Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa, đức Bênêđictô XVI tiếp tục xác định rõ ý nghĩa của việc Tân Phúc Âm Hóa « chủ yếu được định hướng đến những con người mà, dù đã được rửa tội, đã rời xa Giáo Hội, và sống không dựa vào thực hành Kitô giáo […], để tạo điều kiện nơi những người này cho một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Chúa, Đấng duy nhất làm cho cuộc sống có ý nghĩa sâu xa và bình an; để tạo điều kiện cho việc tái khám phá đức tin, nguồn mạch ân sủng mang lại niềm vui và niềm hy vọng trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội

[5] Sứ điệp chung cuộc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa gởi Dân Chúa, số 2.

[6] Xem « La nouvelle évangélisation, entre l’être et le faire » (25.6.2011). Đây cũng là điều mà ĐHY André Vingt-Trois, chủ tịch HĐGM Pháp, đã nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc Hội nghị khoáng đại của HĐGM Pháp, diễn ra từ 3-8.11.2012, tại Lộ Đức. Ngài nói : việc Tân Phúc Âm Hóa, cũng liên quan đến các Giáo Hội non trẻ, « đòi hỏi một sự hoán cải thiêng liêng đích thực để đổi mới nơi chúng ta sức mạnh của việc chứng tá. Còn hơn cả chiến dịch và những phương tiện, đó là một sự tái tập trung vào Chúa Kitô… : chính Ngài là Tin Mừng của Thiên Chúa. Chính Thánh Thần của Ngài sai chúng ta đi » (số 2). Nói cách khác, đối với ngài, phải khởi đi từ việc Tân Phúc Âm Hóa đến việc Phúc Âm Hóa.

[7] THĐ Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa vừa qua đã nhấn mạnh nhiều và trước tiên đến việc « kiểm điểm lương tâm », lòng « hoán cải » cũng như sự khiêm tốn phục vụ của Giáo Hội và của mỗi người con của Giáo Hội.

[8] Xem Bài giáo lý của đức Bênêđictô XVI trong buổi tiếp kiến chung ngày 17.102012.

[9] « Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả ngày thường. Đa số các gia đình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thờiđại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái.» (Thư chung ngày 11.10.2012 của HĐGM Việt Nam gởi cộng đồng dân Chúa nhân Năm Đức Tin, số 5).

[10] Bernard Pitaud, Prier 15 jours avec Monsieur Olie: sixième jour: O Jésus vivant en Marie, Nouvelle Cité, n° 111, 2007, p. 49-54.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30