ĐỨC TGM GALLAGHER : « KHÔNG AI THỰC SỰ NÊN TỰ GIAM MÌNH TRONG QUÁ KHỨ »

Written by xbvn on Tháng Tư 16th, 2024. Posted in Thế Giới, Việt Nam

Đức TGM Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đã có buổi trả lời phỏng vấn với Ủy ban Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam,  vào ngày 14/4/2024. Qua cuộc phỏng vấn này, người Công giáo Việt Nam có cơ hội thực sự lắng nghe ngài « trải lòng » mình nhân chuyến viếng thăm lịch sử đến đất nước Việt Nam để gặp gỡ đối thoại với các cấp chính quyền và HĐGM VN, cũng như để bày tỏ sự gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Giáo hội Việt Nam với hơn 7,2 triệu người Công giáo. Và đây có lẽ thực sự là những gì mà người dân Việt Nam muốn nghe sau chuyến viếng thăm này.

Cuộc phỏng vấn do cha Giuse Vũ Hữu Hiền thực hiện, trong đó Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh chia sẻ về những tiến triển trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, những bài học cần rút ra từ cuộc đối thoại lâu dài này, và cả những cảm nhận về đất nước và con người Việt Nam, về Giáo hội Công giáo Việt Nam, về khả năng chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Thánh Cha. Lồng vào đó là lời mời gọi của ngài đối với người tín hữu Công giáo Việt Nam trong việc dấn thân loan báo Tin Mừng, không chỉ tại Việt Nam nhưng còn cho Giáo hội hoàn vũ nữa.

Trước hết, trả lời câu hỏi về « những lần gặp gỡ chính quyền Việt Nam, Đức Tổng có cảm nhận thêm được những tín hiệu tiến bộ trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh Vatican không ? », Đức TGM Ngoại trưởng Tòa Thánh cho biết « trong tất cả các buổi đối thoại với Việt Nam, với các cấp chính quyền tại Hà Nội, rõ ràng là những thông điệp mà chúng ta nhận được và những thông điệp mà chúng ta gởi đi đã khẳng định những ý muốn tốt đẹp, mong tạo ra tiến bộ trong mối quan hệ này. Chúng ta phải nói rằng những tiến bộ trong những năm gần đây thật đáng ghi nhận. Và tôi nghĩ rằng mọi dấu chỉ đều cho thấy mọi sự đang tiếp tục tiến triển. Tôi cảm nhận cách chắc chắn rằng có sự tôn trọng rất lớn dành cho Tòa Thánh, cách riêng dành cho cá nhân Đức Thánh Cha, và có sự sẵn lòng thực hiện những cuộc trao đổi rất chân thành với chính quyền. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mọi dấu chỉ đều tích cực vào thời điểm này. »

Tiếp đến, trước câu hỏi về « sự tiến bộ trong mối tương quan giữa Việt Nam và Tòa Thánh Vatican là hoa trái, là kết quả của những nỗ lực lâu dài. Vậy theo Đức Tổng, Giáo hội Công giáo Việt Nam cần học hỏi những gì từ quá trình nỗ lực lâu dài đó ? », Đức TGM Gallagher trả lời : « Vâng, tôi nghĩ rằng điều gây ấn tượng nhất chính là cái cách chính quyền Việt Nam đã nhận ra sự đóng góp tuyệt vời của Giáo hội Công giáo cho thiện ích của dân tộc. Tôi nghĩ rằng điều này được diễn tả cách đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Trong các cuộc gặp gỡ tại Rôma hay tại đây, điều đáng ghi nhớ này đã luôn được nhắc đến. Lòng bác ái đã luôn thể hiện sự liên đới của Giáo hội, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương và những người nghèo, là những người rất cần sự giúp đỡ vào thời điểm đó. Sự can đảm của các Kitô hữu tại đây, sự sẵn sàng bày tỏ tình liên đới, từ cả các linh mục lẫn giáo dân đối với những người đang bị căng thẳng, trầm trọng, và đó đã tác động đến các nhà lãnh đạo quốc gia. Và tôi nghĩ rằng từ quan điểm này của Giáo hội Công giáo tại đây, bài học cần được đón nhận, đó là không ai thực sự nên tự giam mình trong quá khứ. Chúng ta phải tiến về phía trước. Có những sai lầm mà mọi phía đều mắc phải trong mối tương quan, nhưng trong bất kỳ mối quan hệ nào, cũng đều có quá khứ, có hiện tại. Điều quan trọng nhất chính là tương lai. Và tôi nghĩ rằng chúng ta đôi khi cần phải giải thoát chính mình khỏi một vài ký ức trong quá khứ, khỏi một số tình thế không thể giải quyết được trong quá khứ và tiến bước về phía trước với một tinh thần lạc quan. Hãy nhìn xem sự việc đã thay đổi như thế nào, người khác đã thay đổi nhiều như thế nào và chúng ta cũng đã thay đổi nhiều như thế nào. »

Được mời gọi « chia sẻ những ấn tượng và những điều Đức Tổng quan sát thấy về đất nước và con người Việt Nam », vị Ngoại trưởng Tòa Thánh tiết lộ : « Lần trước tôi đến Việt Nam cách đây 25 năm. Tôi đã đến Hà Nội theo lời mời của một người bạn là nhân viên ngoại giao. Tôi đã dành vài ngày cùng với anh ấy và gia đình của anh ấy. Và chúng tôi chỉ đi tham quan thôi. Những gì tôi nhận thấy rõ ràng bây giờ chính là một trải nghiệm sâu sắc hơn nhiều về xã hội Việt Nam. Tôi nhận ra có những tiến bộ to lớn, đặc biệt là những tiến bộ về đời sống vật chất và sự phát triển xã hội. Các bạn có một đất nước xinh đẹp và tôi cũng rất vui vì có cơ hội được đến Huế và Đà Nẵng, và bây giờ là thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời mà tôi có được. Và như cha đã thấy những tiến bộ về đời sống vật chất, dáng dấp đô thị đã thay đổi, cách thức mọi người suy nghĩ cũng đổi thay, và điều này đánh động tôi về con người, chính là, như cha đã thấy, những năng lực tuyệt vời, những con người tuyệt vời. Người ta muốn thay đổi, họ muốn có một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái và cháu chắt của họ. Và tôi cũng nghĩ rằng người Công giáo tại đây cũng muốn có một tương lai tươi sáng cho niềm tin của mình. Mọi người đã nỗ lực làm việc, mọi người đã vận dụng mọi nguồn lực để xây dựng cộng đoàn mà các tín hữu Công giáo đích thực mong đợi. Đó là thực hiện sứ vụ rao giảng toàn cầu, cố gắng xây dựng các cộng đoàn thành mẫu gương sống động cho mọi người. Tôi đã cảm thấy mình nhận được sự thân ái tuyệt vời khi đến đây. Nhiều người đã tiếp đón chúng tôi cách lịch sự, nhã nhặn, là điều mà chúng tôi đã nhận được. Mọi người quan tâm rất nhiều đến nhu cầu của chúng tôi và rất muốn hỗ trợ chúng tôi. Đây là điều mà không phải nơi nào trên thế giới cũng làm được. Nên đây cũng là vài điều mà tôi nghĩ rằng người Việt Nam đã có. Đấy chính là kho tàng kho lớn mà các bạn nên giữ gìn và phát triển thêm trong tương lai. »

Đối với câu hỏi về việc ngài « nghĩ như thế nào về các cộng đoàn Công giáo Việt Nam mà Đức Tổng có dịp gặp gỡ và cử hành thánh lễ với họ, ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn », Đức Cha cho biết : « Điều đầu tiên mà tôi nghĩ tôi phải nói chính là vẻ đẹp của việc cử hành Thánh lễ và niềm vui của việc cử hành này cũng như lòng đạo đức của người dân ở đây. Đây là điều rất ấn tượng với tôi. Một điều rõ ràng có thể nhận thấy là sự dấn thân tuyệt vời của giáo dân để phục vụ Giáo hội, giúp đỡ các giáo sĩ và tu sĩ. Và có một điều khác mà tôi cũng thấy rất ấn tượng ở đây, chính là đời sống của tu sĩ, đặc biệt là đời sống của các nữ tu. Tại các nơi mà tôi đã đến cử hành Thánh lễ đều có đông đảo các nữ tu tham dự. Tôi cũng thấy rằng vẫn còn có nhiều thiếu nữ tiếp tục đến gia nhập các nhà tìm hiểu ơn gọi, nhà thỉnh sinh cũng như nhà tập. Đây là điều rất đáng khích lệ ! Và một lần nữa, tôi thấy điều này không có nhiều trên thế giới. Chúng ta có thể nói rằng đời sống ơn gọi tu sĩ thường đang gặp nhiều khủng hoảng ở khắp nơi. Ở đây, anh chị em đang có một kho tàng và cách anh chị em sử dụng kho tàng ấy là trách nhiệm lớn của các mục tử trong Giáo hội hướng đến tương lai. Các bạn có nguồn lực để đóng góp rất nhiều, không chỉ cho đời sống Giáo hội tại đây, mà còn cho đời sống Giáo hội hoàn vũ nữa. »

Cuối cùng là câu hỏi về « vài bản tin nói rằng chuyến viếng thăm của Đức Tổng sẽ được nối tiếp sau đó với chuyến viếng thăm của Đức Hồng y Parolin, kế đến nữa là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, điều này có đúng không ? », Đức TGM Paul Richard Gallagher khẳng định : « Như cha cũng biết, Đức Hồng y Quốc vụ khanh là một người bạn tuyệt vời của Việt Nam. Ngài cũng đã đến đây một vài lần khi còn là Thứ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, và ngài cũng tham gia vào một số cuộc gặp gỡ của nhóm làm việc chung, nên ngài sẽ rất háo hức được trở lại đây. Đức Hồng y cũng đã nhận được lời mời và, tôi nghĩ rằng, trong tương lai gần ngài cũng sẽ đến. Ngài rất bận rộn, ngài có rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ là ưu tiên. Và tôi nghĩ đến những thời điểm có ý nghĩa khác trong tiến độ của mối tương giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh. Và như cha cũng biết, Đức Thánh Cha cũng được mời, nhưng mọi chuyện rõ ràng là phức tạp hơn và cần nhiều sự chuẩn bị hơn. Thật sự rất khó để nói chính xác khi nào, nhưng chắc chắn rằng Đức Thánh Cha rất sẵn lòng đến. Ngài rất muốn đến để gặp người dân Việt Nam và đặc biệt là để gặp người Công giáo Việt Nam, nên tôi nghĩ câu hỏi ở đây không phải là « liệu Đức Thánh Cha có đến hay không ? », mà là « khi nào ngài sẽ đến được ? ». Và vì thế, tôi nghĩ rằng, như tôi đã nói tối qua ở nhà thờ chánh tòa Sài Gòn, đây là một câu hỏi gắn liền với sự kiên nhẫn và là một câu hỏi gắn liền với lời cầu nguyện. Hy vọng rằng sức khỏe của Đức Thánh Cha và lịch trình sẽ cho phép ngài đến, cùng với một cuộc đàm phán vào một thời điểm thích hợp với chính quyền và Hội đồng Giám mục Việt Nam. »

————————————-

Tý Linh ghi chép

(nguồn : Video Youtube của Truyền thông Hội Đồng Giám mục Việt Nam)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30