SẮC LỆNH VỀ CHỨC VỤ VÀ ÐỜI SỐNG LINH MỤC – PRESBYTERORUM ORDINIS
Lời Giới Thiệu
1. Việc soạn thảo
Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục được công bố ngày 7-12-1965, áp ngày bế mạc Công Ðồng Vaticanô II, đã được hầu hết các Nghị Phụ đồng thanh chấp nhận, vì trong số 2,394 phiếu chỉ có 4 phiếu trắng. Bản văn hiện tại là kết quả của công việc khó khăn lâu dài đã khởi sự trước khi Công Ðồng khai mạc. Ủy Ban soạn thảo được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII chỉ định, đã soạn thảo tất cả 17 lược đồ về các vấn đề khác nhau liên quan đến các linh mục. Một Ủy Ban mới gồm những nhà chuyên môn do Công Ðồng chỉ định đã cố gắng thu tóm những lược đồ đó thành một lược đồ duy nhất bàn về hàng giáo sĩ. Ðến tháng 12-1963, người ta còn đòi thay đổi lược đồ đó thành một số những đề nghị chính xác và rõ ràng về các linh mục. Nhưng tới tháng 10-1964, những đề nghị này đã bị bác bỏ trong một buổi họp vì còn nhiều thiếu sót. Các Nghị Phụ đòi hỏi một bản văn sâu rộng hơn, thích hợp với chiều hướng mới được khai mở trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội để đáp ứng đúng những khát vọng của đa số linh mục đang quan tâm đến việc rao truyền Phúc Âm trong xã hội tân thời.
Ủy Ban soạn thảo lại tra tay vào việc và đệ trình lên các Nghị Phụ một dự thảo mới vào cuối kỳ họp III của Công Ðồng. Nhờ những nhận xét của các Nghị Phụ trong khi thảo luận, bản văn đã được thay đổi khá nhiều. Rồi tới kỳ họp IV của Công Ðồng, bản văn lại được đem ra thảo luận từng đoạn, từng câu và được sửa đổi theo các đề nghị của các Nghị Phụ để đi đến hình thức dứt khoát. Như thế, bản văn đã được sửa lại lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng.
Vài hàng lược sử này giúp hiểu rõ tầm quan trọng của Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục. Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội cũng như trong các Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ của các Giám Mục, về việc Ðào Tạo Linh Mục và cả trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh cũng đã bàn đến chức Linh Mục. Nhưng bằng một Sắc Lệnh đặc biệt, Công Ðồng muốn phác họa rõ ràng chân dung của Linh Mục, người phải đem áp dụng những quyết định của Công Ðồng không những theo sát từng chữ mà còn phải theo đúng tinh thần công đồng nữa. Trách nhiệm của các Linh Mục thật rất khó khăn: các ngài đóng “vai trò chính yếu trong việc canh tân Giáo Hội Chúa Kitô”. Nhưng vai trò này càng ngày càng trở nên khó khăn… “giữa những hoàn cảnh mục vụ và tình trạng nhân loại luôn chịu những biến đổi sâu xa” (lời mở đầu).
2. Linh Mục trong sứ mạng của Giáo Hội
Trong chương mở đầu ngắn gọn nhưng rất súc tích, các Nghị Phụ Công Ðồng đã muốn trình bày bản chất của hàng Linh Mục cũng như thân phận của các ngài trong thế giới. Chương giáo thuyết này được đặt ngay đầu Sắc Lệnh có mục đích soi sáng những quảng diễn tiếp theo về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục.
Danh từ “hàng Linh Mục” đươc chọn với mục đích để chỉ định toàn thể hàng ngũ Linh Mục. Chúa Giêsu đã cho toàn thể Dân Chúa tham dự vào chức linh mục của Người nhưng Người còn muốn thiết lập những “thừa tác viên” của Người, những người này nhớ bí tích Truyền Chức được quyền dâng thánh lễ, quyền tha tội và thực hành chức vụ linh mục nhân danh Chúa Kitô.
Danh từ “Sứ Mệnh” chỉ sứ mệnh mà các tông đồ và các vị thừa kế các ngài là các Giám Mục đã lãnh nhận từ Chúa Kitô. Hàng Linh Mục dĩ nhiên lệ thuộc hàng Giám Mục. Nhưng qua bí tích Truyền Chức, các Linh Mục trở thành cộng sự viên của các Giám Mục trong việc rao truyền Phúc Âm.
Trong khi Công Ðồng thảo luận, các Nghị Phụ đã tự hỏi nhiệm vụ nào là nhiệm vụ chính của Linh Mục giữa hai nhiệm vụ phụng tự và rao truyền Phúc Âm? Câu trả lời được đúc kết theo các ý kiến đã được đưa vào bản văn của Công Ðồng như ta thấy hiện nay là nhiệm vụ rao truyền Phúc Âm và nhiệm vụ phụng tự liên hệ thiết yếu với nhau, vì tất cả năng lực của việc rao truyền Phúc Âm phát xuất từ lễ Hy Sinh của Chúa Kitô và nhiệm vụ này, theo Thánh Augustinô, nhằm đạt tới mục đích là làm cho “xã hội và toàn thể cộng đoàn các Thánh được tiến dâng lên Thiên Chúa lễ Hy Tế phổ quát…”
Ðể chu toàn sứ mệnh trong Giáo Hội, các Linh Mục không thể sống tách biệt khỏi quần chúng mà các ngài rao truyền Phúc Âm. Các ngài cũng không thể sống như người xa lạ với những điều kiện sống của quảng đại quần chúng. Nhưng các ngài phải sống giữa nhân loại theo gương Chúa Giêsu. Và chính khi noi theo gương sống của Chúa Giêsu, các ngài lại không thể rập theo nếp sống thế tục. Ðược đặc trách rao truyền Phúc Âm, các ngài phải làm cho mọi người nghe được tiếng nói của chính Chúa Kitô. Chương này kết thúc bằng lời nhắn nhủ các Linh Mục phải thực hành những đức tính nhân loại cần thiết cho các ngài để việc giao tế của các ngài với người khác trở nên dễ dàng và hữu ích.
3. Thừa tác vụ của Linh Mục
Chương nói về thừa tác vụ của Linh Mục được chia thành 3 đoạn, lần lượt bàn về những chức vụ của Linh Mục, về những tương quan giữa các Linh Mục và Giám Mục, giữa các Linh Mục với giáo dân, và sau hết về việc phân phối các Linh Mục và về ơn thiên triệu Linh Mục.
a) Cũng như với các Giám Mục, đối với Linh Mục, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nhiệm vụ rao truyền lời Chúa. Thực vậy, chính lời Chúa qui tụ Dân Chúa quanh bàn thờ. Cũng chính nhờ lời giảng dạy mà các Linh Mục thực hiện nhiệm vụ truyền giáo chính yếu của các ngài. Ðàng khác, Công Ðồng còn dự liệu nhiều phương thế để thực hiện việc rao truyền lời Chúa theo những hoàn cảnh cụ thể của những người mà các Linh Mục phải đem lời Chúa đến cho họ. Khi việc rao truyền lời Chúa chưa thể hiện được, thì chính đời sống gương mẫu và gương sáng các ngài giữa lương dân đã là một cách thế rao truyền lời Chúa.
Xét theo giá trị, dâng thánh lễ cũng là một nhiệm vụ chính yếu của các Linh Mục (x. số 13) mà các bí tích khác, các giáo vụ khác và các hoạt động tông đồ đều quy hướng về đó trong mối liên hệ chặt chẽ. Bí tích Thánh Thể do đó là nguồn sống và là tột đỉnh của việc rao truyền Phúc Âm.
Xét theo hoạt động, các Linh Mục được tham dự vào việc điều hành mục vụ của Giám Mục, và theo phạm vi quyền hạn của các ngài mà hành xử nhiệm vụ của chính Chúa Kitô Ðầu Nhiệm Thể và là Ðấng Chủ Chăn. “Chính vì sự tăng trưởng thiêng liêng của Nhiệm Thể mà các ngài hiến dâng toàn lực”.
b) Ðoạn 2 cũng có tầm quan trọng đặc biệt: đoạn này chứng tỏ rằng sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới ngày nay không thể thành tựu nếu thiếu sự đoàn kết chặt chẽ giữa các Linh Mục trong một giáo phận với vị Giám Mục của các ngài, giữa hàng Linh Mục với nhau cũng như giữa các giáo dân với các Linh Mục và Giám Mục. Sắc Lệnh luôn luôn nói đến “các Linh Mục”. Công Ðồng dùng số nhiều khi nói về Linh Mục, điều đó chứng tỏ không một “Linh Mục nào có thể hoàn thành sứ mệnh của mình cách riêng rẽ, đơn độc”.
c) Ðoạn 3 nói về hai vấn đề thực tế: trước hết về việc phân phối các Linh Mục. Các Linh Mục được truyền chức để phục vụ Giáo Hội phổ quát, nên không thể bị ràng buộc quá chặt chẽ vào giáo phận của các ngài đến nỗi không thể được thuyên chuyển đến địa phương khác. Việc tông đồ cần được thể hiện mọi nơi ngay cả những miền thiếu Linh Mục; việc phân phối các Linh Mục vì thế phải tùy theo nhu cầu đòi hỏi. Sau đó, Sắc Lệnh nói về trách nhiệm của các Linh Mục trong việc cộng tác để đào tạo ơn thiên triệu nơi giới trẻ.
4. Ðời sống các Linh Mục
Chương nói về đời sống các Linh Mục cũng được chia làm 3 đoạn:
a) Ðoạn đầu quan trọng hơn cả vì đoạn này nói về ơn gọi đến sự hoàn thiện của Linh Mục. Cũng như tất cả các tín hữu, các Linh Mục được gọi đến bậc sống trọn lành thiêng liêng. Nhưng sự thánh thiện của Linh Mục còn là một đòi hỏi phát sinh từ bí tích Truyền Chức. Qua bí tích Truyền Chức, các ngài được liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô Ðầu Nhiệm Thể để kiến tạo và xây dựng toàn Thân. Ðể làm nổi bật đời sống tu đức riêng của Linh Mục, Sắc Lệnh dạy rằng sự thánh thiện của các Linh Mục liên hệ thiết yếu với chức vụ của các ngài. Ðể chức vụ đó thực sự là nguồn mạch đời sống thánh thiện, cần phải thỏa đáng các điều kiện: các ngài phải tỏ ra “dễ dạy” với ơn thánh, biết lắng nghe theo tinh thần của Chúa Kitô, Ðấng đã hiến mang sống mình cho các ngài và còn tiếp tục dìu dắt các ngài. Một khi hoạt động nhiệt thành với tinh thần bác ái mục vụ các ngài sẽ ứng dụng trong chính đời sống của các ngài lời Chúa mà các ngài rao truyền, các ngài cũng tự hiến thân cho Chúa cùng với Thánh Lễ các ngài dâng để rồi hiến thân cho những người các ngài coi sóc như những đấng chăn chiên thật.
Ðời sống Linh Mục vì thế trở nên duy nhất và hòa hợp vì chức vụ của các ngài giúp sống nội tâm, và đời sống nội tâm lại soi dẫn hoạt động tông đồ. Các ngài được mời gọi noi gương Chúa Giêsu, Ðấng coi “của ăn của Người là làm theo Thánh Ý Ðấng đã sai Người và hoàn thành công việc của Ngài”.
b) Ðoạn 2 trình bày những nhân đức chính và không thể khiếm khuyết nơi các Linh Mục như đức khiêm nhường, vâng lời, bác ái, giữ luật độc thân, tinh thần khó nghèo giữa những của cải vật chất và nhất là tự chọn đời sống khó nghèo thật.
c) Ðoạn 3 đề xướng những phương thế thánh hóa Linh Mục, cần thiết để củng cố và phát triển đời sống nội tâm. Ðoạn này dạy cho các Linh Mục thấy sự cần thiết phải duy trì và phát huy khoa thần học, đặc biệt là khoa mục vụ. Sau hết nêu lên vài phương thế thực tiễn để nâng đỡ nhu cầu vật chất của các Linh Mục.
5. Ðoạn kết của Sắc Lệnh
Ðoạn kết của Sắc Lệnh là một cái nhìn hiện thực về những điều kiện hiện tại chi phối chức vụ các Linh Mục và về những điều kiện sống của các ngài mà đôi khi rất khó khăn. Thế giới các ngài đang sống phô diễn trước mắt các ngài “bao tội lỗi nặng nề, nhưng đồng thời cũng hứa hẹn nhiều khả năng phong phú”.
Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Ðời Sống Linh Mục
Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Khóa IX Ngày 07 tháng 12 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ
Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Ðời Sống Các Linh Mục
Presbyterorum Ordinis
(Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X)
Lời Mở Ðầu
1. Lời Mở Ðầu. Chức Linh Mục trong Giáo Hội hết sức cao trọng, đó là điều Thánh Công Ðồng nầy đã nhiều lần nhắc nhở cho hết mọi người (1). Vả lại, trong công cuộc canh tân Giáo Hội, hàng Linh Mục giữ một vai trò tối quan trọng và hơn nữa càng ngày càng khó khăn, nên thấy rằng đề cập rộng rãi và sâu sắc hơn về các Linh Mục là việc rất hữu ích. Những điều nói đây áp dụng cho hết mọi Linh Mục, nhất là cho những vị hiện đang coi sóc các linh hồn, và tùy nghi ứng hợp cho các Linh Mục dòng. Thực vậy, do Chức Thánh và sứ mệnh lãnh nhận nơi các vị Giám Mục, các Linh Mục được đặc cử để phụng sự Chúa Kitô, là Thầy, là Linh Mục và là Vua; các ngài tham dự vào chức vụ của Người: ngày ngày kiến tạo Giáo Hội ở trần gian thành Dân Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần. Vì vậy, để nâng đỡ các ngài một cách hữu hiệu hơn trong chức vụ của mình và để chuẩn bị cho đời sống các ngài thêm tốt đẹp giữa những hoàn cảnh mục vụ và tình trạng nhân loại luôn chịu những biến đổi sâu xa, Thánh Công Ðồng này tuyên bố và quyết định những điều sau đây.
Chương I: Linh Mục Trong Sứ Mệnh Của Giáo Hội
2. Bản tính của chức Linh Mục. Chúa Giêsu “Ðấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian” (Gio 10,36) và đã được Chúa Thánh Thần xức dầu (2). Người đã làm cho tất cả Nhiệm Thể của Người được thông phần vào sự xức dầu đó: vì trong Người, mọi tín hữu hóa thành một chức tư tế thánh thiện và vương giả để nhờ Chúa Kitô họ hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng liêng, và tuyên xưng quyền năng của Ðấng đã gọi họ từ chốn tối tăm đến ánh sáng diệu kỳ (3). Do đó, không một chi thể nào mà không thông phần vào sứ mệnh của toàn thân, trái lại mỗi một chi thể đều phải tôn vinh Chúa Giêsu trong tâm hồn (4) và phải dựa vào tinh thần tiên tri mà làm chứng về Người (5).
Tuy nhiên, để hợp thành một thân thể duy nhất, trong đó “mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng” (Rm 12,4), chính Chúa đã cắt đặt giữa các tín hữu một số thừa tác viên, nhờ Chức Thánh họ được trao quyền tế lễ và tha tội (6) trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Chúa Kitô họ chính thức thi hành chức vụ Linh Mục cho loài người. Bởi vậy, Chúa Kitô đã sai các Tông Ðồ như chính Người được Chúa Cha sai (7), và rồi qua các Tông Ðồ, Người đã làm cho các đấng kế vị là các Giám Mục (8) cũng được tham dự việc thánh hiến và sứ mệnh của Người, Người lại trao ban cho các Linh Mục (9) chức vụ thừa hành nầy ở một cấp độ tùy thuộc, để một khi đã gia nhập hàng Linh Mục, họ là những cộng tác viên của hàng Giám Mục (10), chu toàn một cách tốt đẹp sứ mệnh tông đồ của Chúa Kitô trao phó.
Chức vụ Linh Mục liên kết với chức Giám Mục, nên cũng được tham dự vào quyền bính mà chính Chúa Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người. Vì vậy, chức Linh Mục của các ngài tuy dựa trên những Bí Tích khai sinh đời sống Kitô giáo, nhưng lại được một Bí Tích riêng in dấu đặc biệt khi các ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu: như thế các ngài nên giống Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Ðầu mà hành động (11).
Vì được tham dự vào chức vụ của các Tông Ðồ theo phận vụ mình, nên các Linh Mục được Thiên Chúa ban ơn sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân, và thi hành chức vụ thánh rao giảng Phúc Âm hầu việc dâng hiến muôn dân làm của lễ được chấp nhận và thánh hóa trong Chúa Thánh Thần (12). Thật vậy, việc loan truyền Phúc Âm của các Tông Ðồ đã triệu tập và đoàn tụ Dân Chúa, để tất cả những ai thuộc về dân này một khi đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa, sẽ tự hiến làm “lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Nhưng nhờ thừa tác vụ của các Linh Mục, lễ tế thiêng liêng của các tín hữu được hoàn tất vì kết hợp với hy tế của Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất; hy tế này nhờ tay các Linh Mục, nhân danh Giáo Hội, hiến dâng một cách bí tích và không đổ máu trong phép Thánh Thể, cho tới khi Chúa lại đến (13). Chính việc tế lễ là điểm nhằm tới và hoàn tất của chức vụ Linh Mục. Thực vậy, việc thi hành chức vụ của các ngài bắt đầu bằng việc rao giảng Phúc Âm, múc lấy sức mạnh và năng lực từ Hy Tê Chúa Kitô, và qui hướng về việc “hiến dâng lên Thiên Chúa toàn thể đô thị được cứu rỗi, đó là cộng đoàn và xã hội các Thánh, như một lễ vật của toàn dân, nhờ vị Linh Mục Thượng Phẩm, cũng là Ðấng tự hiến trong cuộc Tử Nạn vì chúng ta, để chúng ta trở nên Thân Thể của Người, là Ðầu vô cùng cao cả” (14).
Bởi vậy, mục đích mà các Linh Mục theo đuổi trong chức vụ và đời sống các ngài là phải tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô. Vinh danh này hệ tại việc mọi người đón nhận công trình của Thiên Chúa đã được hoàn tất trong Chúa Kitô một cách ý thức, tự do và biết ơn, lại biểu lộ công trình đó trong suốt cuộc đời mình. Vì thế, khi cầu nguyện và tôn thờ cũng như khi giảng thuyết, khi dâng Hy Lễ Thánh Thể và làm các Bí Tích cũng như khi thi hành những thừa tác vụ khác giúp người ta, các Linh Mục đều qui hướng về việc làm vinh danh Thiên Chúa hơn, đồng thời giúp con người tiến tới trong đời sống thiêng liêng. Tất cả những điều đó bắt nguồn từ Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô và sẽ được hoàn tất khi chính Người lại đến trong vinh quang, vì khi đó Người sẽ trao Vương Quyền cho Thiên Chúa là Cha (15). [1*]
3. Ðiều kiện của các Linh Mục ở thế gian. Ðược tuyển chọn từ loài người và được đặt ra cho loài người để lo việc Thiên Chúa hầu dâng những hiến vật và hy tế đền tội, các Linh Mục sống với người khác như với anh em (16). Thực vậy, chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Người được Chúa Cha sai đến với loài người, đã ở giữa chúng ta và muốn nên giống chúng ta là anh em Người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (17). Các Thánh Tông Ðồ đã bắt chước Người, và Thánh Phaolô, vị Tiến Sĩ dân ngoại “Ðấng được lựa chọn để rao giảng Phúc Âm của Thiên Chúa” (Rm1,1), chứng thực rằng Người đã trở nên mọi sự cho mọi người để cứu chuộc mọi người (18). Các Linh Mục Tân Ước, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó được tuyển chọn ngay giữa Dân Chúa, nhưng không phải để tách biệt khỏi họ hoặc bất cứ một người nào, mà để tận hiến làm công việc Chúa đã chọn họ làm (19). Các ngài không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác đời sống thế tục; tuy nhiên các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu lại sống xa cuộc sống và những hoàn cảnh của nhân loại (20). Chính thừa tác vụ của các ngài, vì mang một danh nghĩa đặc biệt, nên đòi buộc các ngài không được theo thói thế gian (21); nhưng đồng thời lại đòi hỏi các ngài sống trong thế gian giữa loài người. Hơn nữa, như các mục tử nhân lành, các ngài phải nhận biết các chiên của mình và còn tìm cách dẫn về những chiên không thuộc đoàn này, để chúng cũng nghe tiếng Chúa Kitô, hầu nên một đoàn chiên cùng một Người Chăn (22). Ðể được thế, cần phải có nhiều đức tính mà xã hội loài người kính chuộng cách chính đáng, như từ tâm, thành thật, dũng cảm, kiên nhẫn, say mê công chính, lịch thiệp và những đức tính khác mà Thánh Phaolô Tông Ðồ khuyên nhủ khi Ngài nói: “Tất cả những gì chân thật, là trong sạch, là công bằng, là thánh thiện, là khả ái, danh thơm tiếng tốt, tất cả những gì là nhân đức, là hạnh kiểm đáng khen, thì xin anh em hãy tưởng nghĩ đến” (Ph 4,8) (23). [2*]
Chương II: Thừa Tác Vụ Của Linh Mục
I. Chức Vụ Của Linh Mục
4. Linh Mục, thừa tác viên Lời Chúa. Dân Chúa được đoàn tụ trước hết là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống (1); lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các Linh Mục (2). Thực vậy, không ai có thể được cứu rỗi nếu trước đó không có lòng tin 3 do đó các Linh Mục, vì là cộng sự viên của các Giám Mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Phúc Âm của Thiên Chúa (4), để khi thi hành mệnh lệnh của Chúa: “Các con hãy đi khắp thế giới rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật” (Mc 16,15) (5), các ngài thiết lập Dân Chúa và làm cho Dân Chúa càng ngày càng đông thêm. Thật thế, chính lời cứu rỗi khơi động đức tin trong tâm hồn những người chưa tin và nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn các tín hữu; chính đức tin này đã khai sinh và phát triển cộng đoàn tín hữu, như lời Thánh Tông Ðồ: “đức tin do nghe nói, còn điều nghe nói thì bởi lời Chúa Kitô” (Rm 10,17). Do đó, các Linh Mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm (6) mà các ngài đã nhận được nơi Chúa. Vì thế, dù khi các ngài sống một đời sống tốt lành giữa các dân ngoại để làm cho họ tôn vinh Thiên Chúa (7), dù khi các ngài công khai giảng thuyết để loan truyền mầu nhiệm Chúa Kitô cho những người chưa tin, dù khi dạy giáo lý Kitô giáo hay giải thích giáo thuyết của Giáo Hội, dù khi chăm lo nghiên cứu những vấn đề thời đại dưới ánh sáng Chúa Kitô: trong mọi trường hợp, phận sự của các ngài không phải là giảng dạy sự thông biết của mình, nhưng là giảng dạy lời Chúa và phải khẩn thiết mời gọi mọi người cải thiện và nên thánh (8). Nhưng trong tình trạng thế giới ngày nay, lời giảng thuyết của Linh Mục thường gặp rất nhiều khó khăn. Do đó để dễ lay chuyển tâm hồn thính giả, giảng thuyết không phải chỉ là trình bày lời Chúa một cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào các hoàn cảnh cụ thể của đời sống.
Như thế, có nhiều cách thi hành chức vụ rao giảng tùy theo nhu cầu mỗi lúc mỗi khác của các thính giả và tùy theo đặc sủng của các vị giảng thuyết. Nơi những miền hay những nhóm người chưa theo Kitô giáo, chính nhờ nghe rao giảng Phúc Âm mà người ta đi tới đức tin và lãnh nhận những Bí Tích ban ơn cứu rỗi (9). Còn trong chính cộng đoàn Kitô giáo, nhất là đối với những người có vẻ ít hiểu và ít tin những điều họ quen thực hành, cần phải rao giảng lời Chúa để dẫn họ đến chịu các Bí Tích, vì đây là những Bí Tích đức tin, mà đức tin lại được phát sinh và nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy (10), điều này đặc biệt thể hiện trong phần phụng vụ lời Chúa khi cử hành Thánh Lễ, trong đó lời loan truyền việc Chúa chịu chết và sống lại liên kết chặt chẽ với câu đáp của dân chúng đang nghe và với chính việc hiến dâng mà Chúa Kitô đã dùng để củng cố Tân Ước trong Máu Người, cũng như các tín hữu thông công vào việc hiến dâng đó bằng lời cầu nguyện và bằng việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể (11). [3*]
5. Linh mục, thừa tác viên các bí tích và bí tích Thánh Thể. Thiên Chúa là Ðấng Thánh Thiện và là Ðấng Thánh Hóa duy nhất đã muốn nhận loài người làm cộng sự viên và trợ tá để họ khiêm tốn giúp vào công việc thánh hóa. Vậy qua tay Ðức Giám Mục, các Linh Mục được Thiên Chúa hiến thánh, để khi đã tham dự đặc biệt vào chức Linh Mục của Chúa Kitô, thì trong lúc cử hành các việc thánh, các ngài hành động như những thừa tác viên của Người, Ðấng không ngừng thi hành Chức Vụ Linh Mục trong Phụng Vụ, nhờ Thánh Thần Người, để mưu ích cho chúng ta (12). Thực vậy, nhờ Phép Rửa, các ngài dẫn đưa người ta vào Dân Chúa; nhờ Bí Tích Cáo Giải, các ngài hòa giải tội nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội; nhờ dầu bệnh nhân, các ngài xoa dịu người đau ốm; nhất là nhờ việc cử hành Thánh Lễ, các ngài hiến dâng Hy Tế của Chúa Kitô cách bí tích. Như Thánh Ignatiô Tử Ðạo đã minh chứng ngay từ thời Giáo Hội sơ khai (13), trong khi thi hành các Bí Tích, các Linh Mục liên kết trong phẩm trật thánh với vị Giám Mục vì những lý do khác nhau; và như thế các ngài nói lên được phần nào sự có mặt của Giám Mục trong mỗi cộng đoàn tín hữu (14).
Tuy nhiên, cả những Bí Tích khác cũng như các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với Bí Tích Thánh Thể và qui hướng về đó (15). Thật vậy, Phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội (16), đó chính là Chúa Kitô; Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta; Người là Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được sống động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được sống. Như thế, Người mời gọi và dẫn đưa con người hiến dâng chính mình, dâng những vất vả của mình và mọi tạo vật làm một với Người. Bởi vậy, Phép Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Phúc Âm; vì các người dự tòng được dẫn đưa dần dần đến việc tham dự Phép Thánh Thể; còn các tín hữu, những người đã mang ấn tín Rửa Tội và Thêm Sức, sẽ được kết hợp trọn vẹn với Thân Thể Chúa Kitô nhờ rước Thánh Thể.
Vì thế, Tiệc Thánh Thể là trung tâm tụ họp của tín hữu mà vị Linh Mục là người chủ sự. Như thế Hiến Tế Thánh Lễ, các Linh Mục dạy tín hữu biết dâng lên Chúa Cha lễ vật chí thánh và hợp cùng của lễ đó hiến dâng lễ vật cuộc sống mình. Với tinh thần của Chúa Kitô Chủ Chăn, các ngài dạy họ hết lòng thống hối xưng thú tội lỗi mình với Giáo Hội qua Bí Tích Cáo Giải để càng ngày càng quay về gần Chúa hơn khi nhớ lại lời Người: “Hãy hối cải vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Cũng thế, các ngài còn dạy họ tham dự những buổi cử hành Phụng Vụ Thánh, để trong các nghi lễ đó họ biết cầu nguyện chân thành; tùy theo ân sủng và nhu cầu của mỗi người các ngài hướng dẫn họ thực thi tinh thần cầu nguyện mỗi ngày thêm hoàn hảo trong suốt đời sống; các ngài khuyến khích mọi người chu toàn nhiệm vụ đấng bậc mình; còn đối với những ai hoàn thiện hơn, các ngài khích lệ họ biết thực thi những lời khuyên Phúc Âm hợp với mỗi người. Cũng thế các ngài dạy tín hữu biết dùng thánh thi và thánh ca mà chúc tụng Thiên Chúa trong lòng, biết nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mà luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha vì mọi ơn lành (17).
Những lời ca tụng và tạ ơn mà các Linh Mục dâng lên, trong khi cử hành Thánh Lễ, chính các ngài còn kéo dài suốt ngày trong các giờ Kinh Nhật Tụng, khi ấy các ngài nhân danh Giáo Hội khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho toàn dân đã được trao phó cho các ngài và cầu cho cả thế giới nữa.
Nhà cầu nguyện, nơi để cử hành và cất giữ Thánh Thể Chí Thánh cũng như để tín hữu tụ họp và gặp được sự nâng đỡ ủi an trong khi tôn sùng sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta, Ðấng đã được hiến dâng vì chúng ta trên bàn tế lễ: nhà nầy cần phải sạch sẽ, xứng hợp với việc cầu nguyện và những lễ nghi long trọng (18). Chính nơi đây, chủ chăn và tín hữu được mời đến, để với lòng biết ơn, họ đáp lại ân huệ của Ðấng đã dùng Nhân Tính mà không ngừng đổ tràn sự sống siêu nhiên vào các chi thể của Thân Thể Người (19). Các Linh Mục phải chăm lo trau dồi kiến thức và nghệ thuật phụng vụ, để nhờ việc các ngài thi hành phụng vụ mà cộng đoàn Kitô hữu được trao phó cho các ngài biết ca ngợi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần mỗi ngày một hoàn hảo hơn. [4*]
6. Linh mục, thầy dạy của Dân Chúa. Thi hành chức vụ của Chúa Kitô là Ðầu và là Chủ Chăn theo phận vụ mình, các Linh Mục nhân danh Giám Mục, tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần các ngài dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha 20. Ðể thi hành thừa tác vụ này cũng như các chức vụ khác, các Linh Mục được trao ban quyền thiêng liêng để kiến thiết Giáo Hội (21). Trong việc kiến thiết này, các Linh Mục phải theo gương Chúa mà đối xử rất nhân đạo với hết mọi người. Tuy nhiên, khi dạy dỗ và khuyên bảo họ như những người con rất yêu qúy (22), các ngài phải đối xử với họ không phải theo sở thích loài người (23), nhưng theo giáo thuyết và đời sống Kitô giáo đòi hỏi, như lời Thánh Tông Ðồ: “Hãy nhấn mạnh khi thuận tiện cũng như khi bất tiện, hãy khiển trách, đe dọa, khuyến khích, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2) (24).
Vì thế, với tư cách là những người huấn luyện đức tin, các Linh Mục có nhiệm vụ, hoặc đích thân hoặc nhờ người khác, lo cho mỗi tín hữu được hướng dẫn trong Chúa Thánh Thần để vun trồng ơn gọi riêng của mình theo Phúc Âm, để có một đức ái chân thành và linh hoạt, để được sự tự do mà Chúa Kitô đã dùng để giải thoát chúng ta (25). Những nghi lễ dù đẹp mắt, những hội đoàn dù phát triển rầm rộ cũng không có ích bao nhiêu, nếu chúng không hướng về việc giáo dục con người đạt tới sự trưởng thành Kitô giáo (26). Ðể đạt đến sự trưởng thành đó, các Linh Mục phải giúp họ sáng suốt nhận ra chính các biến cố lớn nhỏ, đâu là việc phải làm, đâu là ý Chúa muốn. Các ngài cũng phải dạy các Kitô hữu để họ không chỉ sống riêng cho mình, nhưng theo những đòi hỏi của luật bác ái mới, mỗi người phải tùy ơn nhận được mà phục vụ lẫn nhau (27); và như vậy, mọi người chu toàn nhiệm vụ của mình theo tinh thần Kitô giáo trong cộng đoàn nhân loại.
Tuy mắc nợ với hết mọi người, nhưng các Linh Mục phải đặc biệt săn sóc những người nghèo khổ và yếu đuối được trao phó cho mình: vì chính Chúa đã tỏ ra là bạn hữu với họ (28) và coi việc rao giảng Phúc Âm cho họ là dấu hiệu cho công cuộc cứu thế (29). Các Linh Mục cũng phải đặc biệt tận tâm theo dõi các thanh thiếu niên, ngay cả những người đã có đôi bạn và những bậc phụ huynh, để ước gì họ họp thành những nhóm bạn hữu biết giúp đỡ nhau sống đời Kitô giáo một cách dễ dàng và đầy đủ hơn trong cuộc sống đầy khó khăn. Các Linh Mục cũng đừng quên các tu sĩ nam nữ, vì họ là thành phần ưu tú trong nhà Chúa, họ đáng được coi sóc đặc biệt để được tấn tới trong đàng thiêng liêng hầu giúp ích cho toàn thể Giáo Hội. Sau hết, các ngài phải hết sức ân cần chăm sóc những người yếu đau và hấp hối bằng cách thăm viếng và an ủi họ trong Chúa (30).
Vì thế, nhiệm vụ của Chủ Chăn không phải chỉ thu hẹp trong việc coi sóc từng cá nhân tín hữu, nhưng còn lan rộng tới việc huấn luyện một cộng đoàn Kitô hữu đích thực. Muốn thế, tinh thần cộng đoàn đích thực này phải bao gồm không những Giáo Hội địa phương mà cả Giáo Hội phổ quát nữa. Vì thế, cộng đoàn địa phương không những phải lưu tâm đến việc chăm sóc các tín hữu của mình, nhưng một khi đã thấm nhuần nhiệt tâm truyền giáo còn phải dọn đường cho mọi người đến với Chúa Kitô. Tuy nhiên, cộng đoàn đặc biệt chú trọng đến các dự tòng và các tân tòng, họ phải được giáo dục dần dần để hiểu biết và sống đời Kitô hữu.
Không một cộng đoàn Kitô hữu nào được thiết lập mà không đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử hành Phép Thánh Thể Chí Thánh: cho nên mọi nền giáo dục về tinh thần cộng đoàn phải bắt đầu từ đó (31). Nhưng việc cử hành này muốn được chân thành đầy đủ, thì một đàng phải đưa đến những việc bác ái và tương trợ lẫn nhau, đàng khác phải dẫn tới các hoạt động truyền giáo, và cả những hình thức minh chứng Kitô giáo nữa.
Ngoài ra, nhờ bác ái, kinh nguyện, gương lành và những việc sám hối, cộng đoàn Giáo Hội thực thi tình mẫu tử chân thực đối với những linh hồn phải được đưa về với Chúa Kitô. Thực thế, cộng đoàn Giáo Hội hợp thành một khí cụ hữu hiệu để chỉ dẫn hoặc mở đường cho những kẻ chưa tìm đến cùng Chúa Kitô và Giáo Hội Người, cũng như để khích lệ, dưỡng nuôi và củng cố các tín hữu trên đường chiến đấu thiêng liêng.
Trong việc kiến thiết cộng đoàn Kitô hữu, các Linh Mục không bao giờ phục vụ cho một chủ thuyết hay một đảng phái nhân loại nào, nhưng vì là những vị rao giảng Phúc Âm và là chủ chăn của Giáo Hội, các ngài lo lắng theo đuổi việc phát triển thiêng liêng của Thân Thể Chúa Kitô. (5*)
II. Liên Lạc Giữa Linh Mục Với Những Người Khác
7. Tương quan giữa Giám Mục và Linh Mục. Tất cả các Linh Mục, hiệp nhất với các Giám Mục, đều tham dự cùng một chức Linh Mục và thừa tác vụ duy nhất của Chúa Kitô; cho nên, chính tính cách duy nhất của việc tấn phong và sứ mệnh đòi phải có sự hiệp thông phẩm trật giữa các ngài và hàng Giám Mục (32); đôi khi mối hiệp thông đó được biểu hiện một cách rất cao đẹp trong việc cùng cử hành phụng vụ, và một cách minh nhiên trong khi cử hành Tiệc Thánh Thể (33). Do đó, vì ơn Chúa Thánh Thần ban cho các Linh Mục khi lãnh nhận Chức Thánh, các Giám Mục phải coi các ngài như những trợ tá và cố vấn cần thiết trong thừa tác vụ, cũng như trong chức vụ dạy dỗ, thánh hóa và chăn dắt dân Chúa (34). Ngay từ thời xa xưa của Giáo Hội, các văn kiện phụng vụ đã mạnh dạn công bố điều đó khi long trọng cầu xin Chúa ban cho Linh Mục sắp thụ phong “tinh thần ân sủng và khôn ngoan, để ngài giúp đỡ và điều khiển dân chúng với một tâm hồn trong sạch” (35); cũng như xưa trong sa mạc, tinh thần của Môisen đã lan truyền sang tâm trí của bảy mươi người khôn ngoan (36) “để dùng họ như những trợ tá, ông dễ dàng cai trị đám quần chúng đông đúc trong dân” (37). Chính vì sự hiệp thông trong cùng một chức Linh Mục và thừa tác vụ, các Giám Mục phải coi các Linh Mục như anh em và bạn hữu 38, và hết sức lo lắng đến phần ích vật chất và nhất là thiêng liêng của các ngài. Thực vậy, trước hết các ngài gánh lấy trọng trách thánh hóa các Linh Mục của mình (39): do đó các ngài phải hết sức chú tâm đến việc đào luyện liên tục các Linh Mục của mình (40). Các Giám Mục phải sẵn sàng lắng nghe, hơn nữa phải hỏi han và đối thoại với các Linh Mục về những vấn đề cần thiết cho công việc mục vụ và ích lợi cho giáo phận. Nhưng để thực hiện điều đó, phải tùy theo phương thức thích hợp với những hoàn cảnh và nhu cầu ngày nay (41), tùy hình thức và tiêu chuẩn do quy luật ấn định, mà thành lập một hội đồng hay một nguyên lão viện các Linh Mục (42), đại diện cho Linh Mục Ðoàn, để có thể góp ý kiến giúp đỡ Giám Mục một cách hữu hiệu hơn trong việc quản trị địa phận.
Phần các Linh Mục, nên nhớ rằng: các Giám Mục lãnh nhận sung mãn Bí Tích Truyền Chức Thánh, nên phải tôn trọng nơi các Ngài quyền bính của Chúa Kitô, Chủ Chăn tối cao. Vậy các Linh Mục phải kết hiệp với Giám Mục bằng tình thương yêu chân thành và lòng vâng phục (43). Ðược thấm nhuần tinh thần cộng tác, đức vâng phục của Linh Mục, đặt nền tảng trên chính việc tham dự vào thừa tác vụ của Giám Mục, mà các Linh Mục đã lãnh nhận khi chịu Bí Tích Truyền Chức Thánh và bài sai do Ðức Giám Mục trao (44).
Ngày nay, sự hiệp nhất giữa các Linh Mục và các Giám Mục lại càng khẩn thiết hơn, vì trong thời đại chúng ta, bởi nhiều lý do, các công cuộc tông đồ không những cần phải mang rất nhiều hình thức khác nhau, nhưng thật ra còn cần phải vượt khỏi giới hạn giáo xứ hay giáo phận. Vậy, không một Linh Mục nào có thể chu toàn đầy đủ sứ mệnh của mình một cách lẻ loi và hầu như riêng rẽ, nhưng phải hợp với các Linh Mục khác, dưới sự điều khiển của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội. [6*]
8. Hiệp nhất và cộng tác huynh đệ giữa các Linh Mục. Khi gia nhập hàng Linh Mục nhờ Bí Tích Truyền Chức Thánh, tất cả các Linh Mục liên kết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích; nhưng đặc biệt trong một giáo phận, khi được chỉ định phục vụ dưới quyền Giám Mục của mình, các ngài hợp thành một Linh Mục Ðoàn duy nhất. Thực vậy, tuy giữ những chức vụ khác nhau, nhưng các ngài vẫn thi hành một thừa tác vụ Linh Mục duy nhất cho loài người. Thật thế, tất cả các Linh Mục đều được sai đi để cùng cộng tác vào một công việc: hoặc thi hành thừa tác vụ ở giáo xứ hay liên xứ, hoặc giúp vào công cuộc nghiên cứu khoa học hay dạy học, hoặc làm việc chân tay khi được Giáo Quyền hữu trách chấp nhận và được coi là có lợi ích để chia xẻ số phận của chính các công nhân, hoặc sau hết, chu toàn những công việc tông đồ khác, hay những việc chuẩn bị cho công cuộc tông đồ. Nhưng tất cả các Linh Mục đều phải hướng về mục đích duy nhất này là xây dựng Thân Thể Chúa Kitô; việc này đòi hỏi rất nhiều phận vụ khác nhau cũng như nhiều thích nghi mới mẻ, nhất là trong thời đại chúng ta. Bởi thế, điều rất quan trọng là tất cả các Linh Mục, triều cũng như dòng, phải giúp đỡ nhau, để luôn luôn là những cộng tác viên của chân lý (45). Vì vậy, mỗi vị liên kết với những thành phần khác nhau của Linh Mục Ðoàn bằng những mối dây đặc biệt của tình bác ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ: điều này đã được biểu hiện trong phụng vụ, ngay từ thời xa xưa, khi các Linh Mục hiện diện được mời cùng với Giám Mục chủ phong đặt tay trên vị tiến chức, và khi các ngài đồng tâm cùng cử hành Bí Tích Thánh Thể. Vậy, mỗi Linh Mục hiệp nhất với các anh em Linh Mục khác bằng mối dây bác ái, cầu nguyện và cộng tác dưới mọi hình thức, và như thế, thể hiện được sự hiệp nhất mà Chúa Kitô muốn cho các môn đệ Người kết hợp nên một, để thế gian nhận biết Chúa Con đã được Chúa Cha sai (46).
Bởi vậy, những Linh Mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các Linh Mục trẻ như những người em và hãy giúp đỡ họ trong những công tác cũng như những gánh nặng đầu tiên của thừa tác vụ; hơn nữa, các ngài nên cố gắng tìm hiểu tâm trạng của họ, dù khác với tâm trạng mình, và theo dõi các công việc của họ với lòng nhân hậu. Cũng thế, các Linh Mục trẻ phải kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi cũng như phải bàn hỏi với các ngài về những vấn đề liên quan đến việc coi sóc các linh hồn và sẵn lòng cộng tác với các ngài.
Trong tình thần huynh đệ đó, các Linh Mục đừng quên lòng hiếu khách (47), phải lo làm việc thiện và san sẻ của cải (48), nhất là phải chú tâm đến những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn, bị đày ải và ngay cả những vị bị bách hại (49). Các ngài cũng hãy sẵn lòng và vui vẻ họp nhau để tỉnh dưỡng tâm hồn, vì nhớ lại những lời mà chính Chúa đã mời gọi các Tông Ðồ mệt mỏi: “Các con hãy đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31). Ngoài ra, để giúp nhau vun trồng đời sống thiêng liêng và tri thức, để có thể cộng tác với nhau đắc lực hơn trong thừa tác vụ, và để tránh những nguy hiểm có thể xẩy ra do sự cô đơn, các Linh Mục phải cổ võ một đời sống chung, hoặc một lối sống cộng đoàn nào đó. Việc này có thể thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau tùy những nhu cầu khác biệt thuộc cá nhân hay mục vụ: như ở chung nơi nào có thể hoặc ăn chung, hoặc ít là có những cuộc họp mặt thường xuyên và định kỳ. Cũng nên thành lập và nhiệt liệt khuyến khích các hội Linh Mục mà nội quy đã được giáo quyền hữu trách chuẩn nhận, những hội này cổ võ các Linh Mục nên thánh trong khi thi hành thừa tác vụ bằng cách tổ chức một đời sống thích hợp đã cùng nhau chấp nhận và bằng sự tương trợ huynh đệ; như vậy những hội đó hướng về việc phục vụ toàn thể hàng Linh Mục.
Sau hết, vì liên kết với nhau trong chức Linh Mục như thế, nên các ngài phải biết rằng mình đặc biệt có trách nhiệm đối với những vị đang gặp những hoàn cảnh khó khăn; các ngài phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo một cách tế nhị. Ðối với những vị khiếm khuyết về một vài vấn đề nào đó, các ngài phải luôn lấy tình bác ái huynh đệ và quảng đại mà đối xử, lại phải cầu nguyện rất nhiều với Chúa cho các vị đó, và phải luôn tỏ ra mình là anh em và bạn hữu đích thực của họ [7*].
9. Tương quan giữa Linh Muụ và giáo dân. Các Linh Mục Tân Ước, tuy bởi Bí Tích Truyền Chức Thánh, thi hành nhiệm vụ rất cao cả và cần thiết là làm Cha và làm Thầy trong Dân Chúa và cho Dân Chúa, nhưng đồng thời cùng với mọi Kitô hữu, các ngài cũng là môn đệ Chúa Kitô, được dự phần trong Nước Chúa nhờ ơn gọi của Người (50). Thật vậy, cùng với tất cả những ai được tái sinh trong suối nước Rửa Tội, các Linh Mục là những anh em giữa các anh em (51), như chi thể của cùng một Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô mà mọi người có nhiệm vụ xây dựng (52).
Như vậy các Linh Mục phải lãnh đạo làm sao để không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích cho Chúa Giêsu Kitô (53); các ngài hợp tác với giáo dân và sống giữa môi trường của họ theo gương Thầy, Ðấng đến ở giữa mọi người “không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình thay cho nhiều người” (Mt 20,28). Các Linh Mục phải thành thật nhìn nhận và khích lệ phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội. Các ngài cũng phải thành thật kính trọng sự tự do chân chính mà mọi người có quyền được hưởng trong xã hội trần gian. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại. Trong khi nghiệm xem các tinh thần có phải từ Thiên Chúa đến hay không (54), các ngài phải lấy tinh thần đức tin mà khám phá, vui mừng mà nhận biết, và chuyên cần phát triển những đặc sủng muôn hình của giáo dân, từ đặc sủng nhỏ bé nhất đến đặc sủng cao cả nhất. Trong những đặc ân mà Thiên Chúa ban tràn đầy trên các tín hữu, phải đặc biệt lưu tâm đến ơn lôi kéo một số giáo dân tiến xa hơn trên đường thiêng liêng. Cũng thế, các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ cho các giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội, để cho họ được tự do và có lãnh vực hoạt động, hơn nữa lúc thuận tiện, phải khuyến khích họ tự ý đảm trách công việc (55).
Sau cùng, các Linh Mục được đặt giữa giáo dân để dẫn đưa mọi người về hiệp nhất trong đức ái, hãy “thương yêu nhau với tình bác ái huynh đệ, thi đua tôn trọng lẫn nhau” (Rm 12,10). Vậy các ngài phải tìm cách hòa hợp các tâm trạng khác nhau, để không ai cảm thấy mình xa lạ trong cộng đoàn tín hữu. Các ngài là những người bênh vực ích chung mà các ngài coi sóc nhân danh Giám Mục, và đồng thời là những người can đảm bảo vệ chân lý để các tín hữu không bị lôi cuốn bởi bất cứ luồng lý thuyết nào (56). Các ngài phải đặc biệt lo lắng đến những kẻ đã xao lãng việc lãnh nhận các bí tích, và những kẻ có lẽ đã mất đức tin; như những người chăn chiên nhân lành các ngài đừng quên lui tới thăm nom họ.
Các ngài phải lưu tâm đến những nguyên tắc về sự hiệp nhất (57) để đừng quên những anh em không được cùng chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Giáo Hội.
Sau hết, các ngài phải đặc biệt coi sóc tất cả những người chưa nhận biết Chúa Kitô là Ðấng Cứu Chuộc mình.
Nhưng chính các Kitô hữu phải ý thức rằng mình có trách nhiệm đối với các Linh Mục của mình, và phải lấy lòng thảo hiếu mà đối xử với các ngài như những chủ chăn và như là cha mình vậy; cũng thế, họ phải chia xẻ những nỗi lo âu của các ngài, giúp đỡ các ngài bằng lời cầu nguyện và bằng việc làm càng nhiều càng hay, để các ngài có thể thắng vượt những khó khăn một cách dễ dàng hơn, và chu toàn trách vụ của mình một cách hữu hiệu hơn (58). [8*]
III. Phân Phối Linh Mục Và Ơn Kêu Gọi Linh Mục
10. Phân phối Linh Mục để lo cho toàn thể Giáo Hội. Ân huệ thiêng liêng mà các Linh Mục đã nhận lãnh trong khi chịu chức, chuẩn bị cho các ngài không phải cho một sứ mệnh giới hạn và thu hẹp nào đó, nhưng cho một sứ mệnh cứu rỗi rất rộng lớn và bao quát “đến tận cùng trái đất” (CvTđ 1,8), vì bất cứ thừa tác vụ linh mục nào cũng tham gia vào sứ mệnh rộng lớn và bao quát mà Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông Ðồ. Thực vậy, chức Linh Mục của Chúa Kitô mà các Linh Mục được tham dự, cần phải hướng về mọi dân nước và mọi thời đại, không bị hạn chế bởi một ranh giới, một dân tộc hay một thời đại nào, như đã được tiêu biểu cách huyền nhiệm trong hình ảnh Melchiseđê (59). Do đó các Linh Mục phải để tâm lo lắng cho tất cả các giáo hội. Bởi thế các Linh Mục thuộc các giáo phận giàu ơn gọi hơn, khi được Ðấng Bản Quyền cho phép hoặc khích lệ, hãy hăm hở tỏ ra sẵn sàng thi hành thừa tác vụ mình trong các địa hạt, trong các xứ truyền giáo, hay trong những hoạt động bị sa sút vì thiếu Linh Mục.
Ngoài ra, những tiêu chuẩn về việc xuất nhập giáo phận phải được duyệt lại thế nào để, dầu phải duy trì quy chế đã có từ lâu đời, nhưng vẫn đáp ứng được với những nhu cầu mục vụ ngày nay một cách tốt đẹp hơn. Vậy nơi nào hoàn cảnh tông đồ đòi hỏi, thì cần phải dễ dãi hơn trong việc phân phối các Linh Mục một cách thích hợp, cũng như trong những công việc mục vụ chuyên biệt dành cho những môi trường xã hội khác nhau để những công việc đó được hoàn thành trong một miền, một quốc gia, hoặc trong bất cứ phần đất nào trên thế giới. Vậy để đạt mục đích đó, điều hữu ích là có thể thiết lập những chủng viện quốc tế, những giáo phận đặc biệt, hoặc những tổ chức tương tự khác, trong đó các Linh Mục có thể được bổ dụng hoặc gia nhập để mưu cầu công ích cho toàn thể Giáo Hội, tùy theo những cách thức được ấn định cho từng tổ chức và bao giờ cũng tôn trọng quyền lợi các Ðấng Bản Quyền địa phương.
Nhưng khi gửi các Linh Mục đến một địa hạt mới, nhất là khi các ngài chưa biết rõ ngôn ngữ và phong tục của địa hạt đó, thì hãy hết sức lo liệu làm sao để đừng sai họ đi từng người một, nhưng theo gương các môn đệ của Chúa Kitô (60), hãy cho đi ít là từng hai hay ba người, để nhờ đó họ có thể giúp đỡ lẫn nhau. Cũng phải để tâm chăm sóc đời sống thiêng liêng, sức khỏe tinh thần và thể xác của các ngài; và nếu có thể, chuẩn bị cho các ngài nơi ở và những điều kiện để làm việc tùy hoàn cảnh cá biệt của mỗi người. Cũng phải tiên liệu hết sức cho những vị đi đến một dân tộc mới, chẳng những học biết đầy đủ ngôn ngữ của miền này và hơn nữa những đặc tính tâm lý và xã hội của dân tộc mà các ngài muốn khiêm tốn phục vụ, để dễ dàng cảm thông được với họ, theo gương Thánh Phaolô Tông Ðồ, Ðấng đã có thể nói về mình: “Thật vậy, mặc dầu tôi tự do đối với mọi người, nhưng tôi phục vụ hết thảy hầu làm ích cho nhiều người. Và với người Do Thái, tôi trở nên như Do Thái, cốt sinh lợi cho Do Thái…” (1Cor 9,19-20). [9*]
11. Quan tâm đến các ơn kêu gọi làm Linh Mục. Chúa Giêsu, vị Chủ Chăn và Giám Mục của linh hồn chúng ta (61), khi thiết lập Giáo Hội Người, đã muốn Dân mà Người đã chọn lựa và chuộc lại bằng máu mình (62), phải luôn luôn có các Linh Mục cho đến tận thế, để các Kitô hữu không bao giờ giống như những con chiên không có người chăn (63). Hiểu biết ý muốn của Chúa Kitô như thế và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, các Tông Ðồ đã nhận thấy mình có nhiệm vụ chọn những thừa tác viên “có đủ khả năng mà dạy lại cho người khác” (2Tm 2,2). Chắc chắn nhiệm vụ đó thuộc về chính sứ mệnh Linh Mục, cho nên Linh Mục phải chia xẻ nỗi lo lắng của toàn thể Giáo Hội, để Dân Chúa ở trần gian không bao giờ thiếu người làm việc. Nhưng vì “thuyền trưởng và những khách đi tàu… cùng chung một số phận” (64), nên toàn dân Kitô giáo phải được dạy dỗ để biết mình có nhiệm vụ phải cộng tác bằng nhiều cách khác nhau: bằng lời cầu nguyện tha thiết cũng như bằng những phương thế khác mà họ sẵn có (65) ngõ hầu Giáo Hội lúc nào cũng có những Linh Mục cần thiết để chu toàn sứ mệnh Chúa trao phó. Vậy trước hết các Linh Mục phải hết sức để tâm trình bày cho các tín hữu sự cao quý và cần thiết của chức Linh Mục; các ngài có thể làm cho họ hiểu điều ấy bằng lời giảng dạy và bằng chứng tá đời sống, một đời sống bộc lộ rõ ràng tinh thần phục vụ và niềm vui phục sinh đích thực; và sau khi thận trọng phán đoán những ai hoặc còn trẻ hoặc đã trưởng thành, có đủ tư cách thi hành chức vụ cao cả này, các ngài đừng quản ngại lo lắng và khó khăn mà giúp họ dọn mình xứng đáng, cho đến một ngày kia, các Giám Mục có thể gọi họ mà họ vẫn hoàn toàn tự do cả bên trong lẫn bên ngoài. Ðể đạt tới mục đích đó, phải chuyên cần và khôn ngoan hướng dẫn về mặt thiêng liêng, vì đó là một điều ích lợi hơn cả. Các phụ huynh, giáo chức và tất cả những ai tham gia một cách nào đó vào việc giáo dục thiếu nhi và thanh thiếu niên, phải dạy chúng làm sao để một khi đã nhận biết mối bận tâm của Chúa đối với đoàn chiên Người, cũng như khi nhìn đến những nhu cầu của Giáo Hội, họ sẵn sàng quảng đại đáp lại lời Chúa gọi, như tiên tri xưa: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8). Nhưng tiếng Chúa gọi đây không tới tai các Linh Mục tương lai một cách lạ thường như người ta tưởng. Thật vậy, đúng hơn tiếng gọi đó phải được hiểu và nhận định qua những dấu hiệu mà hằng ngày Chúa muốn dùng để tỏ ý Người cho các Kitô hữu khôn ngoan; các Linh Mục phải cẩn thận cứu xét những dấu hiệu đó (66).
Do đó, hết sức khuyến khích các ngài tham gia những hội cổ võ ơn kêu gọi trong giáo phận hay trong toàn quốc (67). Những bài giảng, những giờ giáo lý, những sách báo phải nêu cho người ta biết rõ các nhu cầu của Giáo Hội địa phương cũng như của Giáo Hội hoàn cầu; phải trình bày cách sống động ý nghĩa và sự cao quý của chức vụ Linh Mục, vì đây là một chức vụ mang những trọng trách nặng nề nhưng đồng thời cũng tràn đầy hoan lạc, và nhất là vì có thể chứng tỏ một bằng chứng cao cả nhất về tình yêu đối với Chúa Kitô như các Giáo Phục dạy (68). [10*]
Chương III: Ðời Sống Linh Mục
I. Các Linh Mục Ðược Mời Gọi Nên Hoàn Thiện
12. Nghĩa vụ sống thánh thiện. Nhờ Bí Tích Truyền Chức Thánh, các Linh Mục nên giống Chúa Kitô Linh Mục, để như là thừa tác viên của Ðầu Nhiệm Thể và như những cộng tác viên của hàng Giám Mục, các ngài xây dựng và kiến thiết toàn Thân Người là Giáo Hội. Ðành rằng ngay từ khi được thánh hiến nhờ phép Rửa Tội, như mọi Kitô hữu, các ngài đã lãnh nhận dấu tích và ân huệ của ơn gọi và ơn sủng cao trọng, dù bản tính nhân loại yếu hèn (1), các ngài vẫn có thể theo đuổi và phải theo đuổi sự hoàn thiện, đúng như lời Chúa phán: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Ðấng Hoàn Thiện” (Mt 5,48). Nhưng các Linh Mục còn có lý do đặc biệt phải đạt tới sự hoàn thiện này, vì khi lãnh nhận Chức Thánh là các ngài được thánh hiến cho Thiên Chúa theo một cách thức mới: các ngài trở nên những khí cụ sống động của Chúa Kitô Linh Mục Ðời Ðời, để qua các thời đại, các ngài có thể tiếp tục công việc kỳ diệu của Ðấng đã lấy quyền năng cao cả mà tái lập toàn thể xã hội con người (2). Do đó, khi đóng vai trò của chính Chúa Kitô theo cách của mình, mỗi Linh Mục cũng nhận được những ơn riêng để trong khi phục vụ dân được trao phó cho ngài và phục vụ toàn thể dân Chúa, ngài có thể dễ dàng theo đuổi sự hoàn thiện của đời sống của Ðấng mà mình đóng vai, và để sự yếu đuối của xác thịt loài người được lành mạnh nhờ sự thánh thiện của Ðấng vì chúng ta đã trở nên Linh Mục Thượng Phẩm “thánh thiện, trong sạch, vô tội, tách biệt khỏi kẻ có tội” (Dth 7,26).
Chúa Kitô, Ðấng Chúa Cha đã thánh hóa, thánh hiến và sai xuống trần gian (3) “đã hiến thân cho chúng ta hầu cứu chúng ta khỏi mọi tội ác và thanh tẩy một dân đáng được Ngài chấp nhận và nhiệt thành với mọi việc lành” (Tit 2,14), và như thế qua cuộc khổ nạn mà vào vinh quang (4). Các Linh Mục cũng vậy, sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hiến bởi việc xức dầu và được Chúa Kitô sai đi, các ngài hãm dẹp những việc của xác thịt nơi chính bản thân và hoàn toàn tận tâm phục vụ nhân loại; nhờ thế các ngài có thể tiến tới trên đường thánh thiện mà các ngài đã được tô điểm trong Chúa Kitô, để thành con người hoàn toàn (5).
Bởi đó, khi thi hành thừa tác vụ của Chúa Thánh Thần và của sự công chính (6), các ngài được vững mạnh trong đời sống thiêng liêng, miễn là các ngài ngoan ngoãn theo Thánh Thần Chúa Kitô, Ðấng ban sự sống và dẫn dắt các ngài. Thực vậy, chính các ngài được kêu gọi đạt tới một đời sống hoàn thiện nhờ chính những công việc thánh thiện hằng ngày, cũng như nhờ thi hành trọn vẹn thừa tác vụ khi các ngài thông hiệp với Giám Mục và các Linh Mục khác. Vả lại, chính sự thánh thiện của Linh Mục giúp các ngài rất nhiều trong việc chu toàn thừa tác vụ của mình một cách hữu hiệu: thật vậy, dù ơn Chúa có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng nghe theo sự thúc giục và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hơn, bằng kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện, để có thể nói như thánh Tông Ðồ rằng: “dù tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà thực ra Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20).
Vì thế, để đạt tới những mục đích mục vụ trong việc canh tân bên trong Giáo Hội, để truyền bá Phúc Âm cho tất cả thế giới cũng như để đối thoại với thế giới ngày nay, Thánh Công Ðồng này tha thiết khuyên tất cả các Linh Mục hãy dùng mọi phương tiện thích hợp mà Giáo Hội ban cho (7) để luôn luôn nỗ lực tiến cao hơn trên đường thánh thiện, nhờ đó các ngài trở nên những khí cụ ngày càng thích hợp hơn cho việc phục vụ toàn thể Dân Chúa [11*].
13. Việc thi hành 3 nhiệm vụ Linh Mục đòi buộc và khuyến khích sự thánh thiện. Thành tâm và kiên nhẫn thi hành chức vụ của mình trong tinh thần Chúa Kitô là phương pháp riêng giúp các Linh Mục theo đuổi sự thánh thiện.
Vì là thừa tác viên lời Chúa nên hằng ngày các ngài đọc và nghe lời Chúa mà các ngài sẽ phải dạy lại cho người khác; vì nếu một khi tâm hồn các ngài đã cố gắng đón nhận lời Chúa, thì càng ngày các ngài trở nên môn đệ hoàn thiện hơn của Chúa Kitô, như lời Thánh Phaolô Tông Ðồ mới nói với Timotheô: “Con hãy tự giữ mình và hãy chăm lo lời mình dạy: hãy cương quyết như vậy, điều đó sẽ khiến con tự cứu rỗi con và cả những ai nghe lời con nữa” (1Tm 4,15-16). Thật vậy, khi tìm những cách thích hợp nhất để có thể thông ban cho kẻ khác những điều mình đã chiêm niệm (8), các ngài mới nếm được một cách ý vị hơn “những sự phong phú không thể khám phá hết được của Chúa Kitô” (Eph 3,8) và sự khôn ngoan muôn mặt của Thiên Chúa (9.) Nhớ rằng chính Chúa là Ðấng mở lòng (10) và sự cao cả không do các ngài nhưng đến từ quyền năng Thiên Chúa (11), các ngài liên kết mật thiết hơn với Chúa Kitô là Thầy và được hướng dẫn bởi Thánh Thần Người trong chính hành động trao ban lời Chúa. Như vậy, thông hiệp với Chúa Kitô, các ngài thông phần vào tình yêu của Thiên Chúa mà mầu nhiệm tình yêu đó đã giấu kín từ lâu đời (12) nay được mạc khải trong Chúa Kitô.
Như thừa tác viên của những Việc Thánh, nhất là trong Hiến Tế Thánh Lễ, các Linh Mục đặc biệt đóng vai Chúa Kitô, Ðấng đã tự hiến chính mình làm lễ vật thánh hóa nhân loại; và như thế các ngài được mời gọi bắt chước điều các ngài đang thi hành, vì khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài phải lo khắc chế chi thể mình khỏi tật xấu và dục vọng (13). Công việc cứu chuộc chúng ta được liên tục (14) thực hiện trong mầu nhiệm Hiến Tế Thánh Lễ, trong đó các linh mục chu toàn chức vụ trọng yếu nhất của mình; do đó, hết sức khuyến khích việc cử hành Thánh Lễ hằng ngày dù các tín hữu không thể tới dự, vì đó là hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội (15). Như vậy, trong khi liên kết với hành động của Chúa Kitô Linh Mục, hằng ngày các Linh Mục tự hiến toàn thân cho Chúa, và trong khi được Mình Chúa Kitô nuôi dưỡng, tự thâm tâm mình, các ngài tham dự vào tình yêu của Ðấng đã tự hiến làm lương thực nuôi các tín hữu. Trong khi thi hành các Bí Tích, các ngài cũng hiệp nhất với ý muốn và tình yêu của Chúa Kitô; và các ngài thể hiện sự hiệp nhất đó một cách đặc biệt, khi tỏ ra hoàn toàn và luôn luôn sẵn sàng ban Bí Tích Cáo Giải mỗi khi các giáo hữu thỉnh cầu một cách hợp lý. Trong khi các ngài đọc Kinh Nhật Tụng, Giáo Hội mượn tiếng của các ngài để không ngừng cầu nguyện nhân danh toàn thể nhân loại, và để kết hợp với Chúa Kitô, Ðấng “luôn luôn sống để cầu bầu cho chúng ta” (Dth 7,25).
Là những vị cai quản và chăn dắt Dân Chúa, các ngài được tình yêu của Chúa Chiên nhân lành thúc đẩy hiến mạng sống cho con chiên (16), và sẵn sàng hy sinh đến tột bậc, theo gương của nhiều Linh Mục, ngay cả trong thời hiện đại, không quản ngại hiến mạng sống mình. Là những nhà giáo dục trong đức tin và “được lòng can đảm bước vào nơi chí thánh nhờ Máu Chúa Kitô” (Dth 10,19), các ngài tới gần Thiên Chúa “với một tấm lòng chân thành tràn đầy đức tin” (Dth 10,22); các ngài gây niềm hy vọng vững vàng cho các tín hữu của mình (17), để nhờ chính sự khích lệ mà Thiên Chúa đã khích lệ các ngài, các ngài có thể an ủi ho trong mọi cơn thử thách (18), là những vị hướng dẫn cộng đoàn, các ngài thực hành việc khổ chế riêng biệt của vị chăn dắt các linh hồn: từ bỏ những tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi (19), luôn tiến bộ hơn trong việc chu toàn hoạt động mục vụ cách hoàn hảo hơn và khi cần, các ngài sẵn sàng đi vào những con đường mục vụ mới mẻ, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần tình yêu, Ðấng thổi nơi nào Ngài muốn (20). [12*]
14. Ðời sống Linh Mục thống nhất và hòa hợp. Trong thế giới ngày nay, vì con người phải đối phó với biết bao công việc và phải khổ tâm vì biết bao vấn đề khác nhau, lắm khi cần phải được giải quyết cấp tốc, nên hay có tình trạng con người bị chi phối bởi nhiều vấn đề khác nhau. Còn các Linh Mục, vì bị vướng mắc và phân tán bởi nhiều trách nhiệm của chức vụ, nên không khỏi lo lắng tìm phương cách nào để có thể phối hợp đời sống nội tâm của mình với những đòi hỏi của hoạt động bên ngoài. Việc thống nhất đời sống này không thể được thực hiện nguyên bằng cách tổ chức hoàn toàn bên ngoài các công việc của chức vụ hoặc bằng cách thực thi những việc đạo đức này, tuy những việc này giúp phát triển sự thống nhất đời sống Linh Mục. Nhưng các Linh Mục có thể kiến tạo sự thống nhất đời sống khi các ngài theo gương Chúa Kitô trong việc chu toàn chức vụ: lương thực của Người là làm theo ý muốn của Ðấng đã sai Người, để Người hoàn thành công việc của mình (21).
Thực ra, Chúa Kitô hành động qua các thừa tác viên của Người để luôn luôn dùng Giáo Hội thi hành ý muốn của Chúa Cha trên trần gian, và vì vậy Người vẫn là nguyên lý và nguồn mạch sự thống nhất đời sống của các ngài. Vậy, các linh mục phải thực hiện việc thống nhất đời sống của mình bằng cách kết hợp với Chúa Kitô trong sự nhận biết ý Chúa Cha và trong sự hiến thân cho đoàn chiên đã trao phó cho các ngài (22). Như thế, nhờ thi hành những nhiệm vụ của Chúa Chiên nhân lành, và trong chính khi thực thi bác ái mục vụ, các ngài tìm thấy mối dây hoàn thiện của Linh Mục ràng buộc đời sống và hoạt động của mình làm một. Thật thế, bác ái mục vụ này (23) trước hết phát xuất từ Hiến Tế Thánh Lễ, do đó Hiến Tế Thánh Lễ là trung tâm và là cội rễ của toàn thể đời sống Linh Mục, cho nên Linh Mục phải cố gắng thực hiện trong tâm tư điều mình đã làm trên bàn tế lễ. Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được, khi chính các Linh Mục nhờ cầu nguyện, luôn luôn đi sâu mãi vào mầu nhiệm Chúa Kitô.
Ðể có thể kiểm soát sự thống nhất đời sống cả trong những hoàn cảnh cụ thể, các ngài phải xét đoán mọi hoạt động của mình cho biết rõ đâu là ý muốn của Thiên Chúa (24), nghĩa là biết rõ những hoạt động đó có thích hợp với những tiêu chuẩn của sứ mệnh Phúc Âm của Giáo Hội hay không. Thực vậy, ai trung thành với Chúa Kitô không thể không trung thành với Giáo Hội. Do đó, đức bác ái mục vụ đòi hỏi các Linh Mục không được chạy theo hư vô (25), nhưng phải luôn luôn làm việc trong mối hiệp thông với các Giám Mục và với những anh em linh mục khác. Có làm như thế, các Linh Mục mới tìm được sự thống nhất đời sống của mình trong chính sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội, và như vậy các ngài mới hiệp nhất với Chúa, và qua Người, với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, để có thể tràn đầy an ủi và dư thừa hoan lạc (26). [13*]
II. Những Ðòi Hỏi Thiêng Liêng Ðặc Biệt Trong Ðời Linh Mục
15. Khiêm tốn và vâng phục. Trong những đức tính cần thiết hơn cả cho chức vụ Linh Mục, phải kể đến tâm trạng này, là bao giờ cũng sẵn sàng tìm ý muốn Ðấng đã sai mình chứ không phải tìm ý riêng (27). Thực ra công việc của Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần tuyển chọn (28) các ngài để hoàn thành, vượt quá mọi năng lực và tầm mức khôn ngoan nhân loại; vì “Thiên Chúa đã lựa chọn những gì yếu hèn trong thế gian để bêu xấu những gì mạnh mẽ” (1Cor 1,27). Vậy ý thức những sự yếu hèn của mình, thừa tác viên đích thực của Chúa Kitô khiêm tốn làm việc trong khi tìm xem điều gì đẹp lòng Thiên Chúa (29) và như bị ràng buộc bởi Thánh Thần (30), trong mọi sự ngài đều tuân theo ý của Ðấng muốn cho mọi người được cứu rỗi. Ngài có thể khám phá và tuân theo ý muốn này trong những sự kiện hàng ngày bằng cách khiêm tốn phục vụ cho mọi người được Thiên Chúa ủy thác cho mình qua các nhiệm vụ riêng của mình cũng như qua những biến cố của đời sống.
Nhưng vì chức vụ Linh Mục là chức vụ của chính Giáo Hội, nên chức vụ đó chỉ có thể được chu toàn trong sự thông công phẩm trật của toàn thân thể. Vậy đức bác ái mục vụ thôi thúc các Linh Mục đang hoạt động trong mối thông hiệp này biết hy sinh ý riêng mình, qua việc vâng lời phục vụ Chúa và anh em, bằng cách lấy tinh thần đức tin mà lãnh nhận và tuân theo những gì được Ðức Giáo Hoàng, Ðức Giám Mục của mình, cũng như các Bề Trên khác truyền dạy và khuyên bảo, bằng cách hoàn toàn sẵn lòng tự hiến và tự hiến hết mức (31) trong bất cứ chức vụ nào đã được trao phó cho mình dù là thấp kém và nghèo hèn. Thật vậy, nhờ cách đó, các ngài duy trì củng cố sự hiệp nhất cần thiết với các anh em ngài trong thừa tác vụ, và nhất là với những vị được Thiên Chúa đặt làm nhà lãnh đạo hữu hình của Giáo Hội; nhờ thế, các ngài cộng tác vào việc xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, Thân Thể được lớn lên “bằng mọi mối khớp tương trợ” (32). Sự vâng phục này đưa con cái Thiên Chúa tới sự tự do trưởng thành hơn: trong khi vì bác ái thúc đẩy và để chu toàn chức vụ, các Linh Mục khôn ngoan tìm tòi những con đường mới mẻ mưu ích hơn cho Giáo Hội, thì chính sự vâng phục đó tự bản tính cũng còn đòi buộc các ngài phải tin tưởng đưa ra những sáng kiến, phải tha thiết trình bày những nhu cầu của đoàn chiên được trao phó và luôn luôn sẵn sàng tùng phục phán đoán của những vị thi hành các phận vụ chính yếu trong việc điều khiển Giáo Hội Chúa.
Nhờ tự ý khiêm nhượng và vâng phục trong tinh thần trách nhiệm mà các Linh Mục nên giống Chúa Kitô và có những cảm thức như Chúa Giêsu Kitô, Ðấng “tự hủy mình khi nhận lấy thân phận tôi tớ… đã vâng lời cho đến chết” (Ph 2,7-8). Nhờ sự vâng phục này Người đã chiến thắng và chuộc lại sự bất phục tùng của Adam, như Thánh Tông Ðồ đã minh chứng: “vì một người không vâng phục mà muôn người hóa thành tội nhân, thì cũng thế, vì một Ðấng phục tùng mà nhiều người được trở nên công chính” (Rm 5,19). [14*]
16. Chọn lựa và kính trọng đời sống độc thân như một ân sủng. Sự chế dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời đã được Chúa Kitô khuyến khích (33), mà qua các thời đại và ngay cả ngày nay vẫn được một số đông Kitô hữu sẵn lòng chấp nhận và tuân giữ một cách đáng khâm phục, thì hiện thời vẫn luôn được Giáo Hội hết sức quý trọng trong đời sống Linh Mục. Thực vậy, nó là dấu chứng và đồng thời là niềm khích lệ đức bác ái mục vụ và là nguồn mạch đặc biệt làm phát sinh đời sống thiêng liêng phong phú trên thế giới (34). Thực ra tự bản tính của chức Linh Mục không đòi buộc điều đó như đã thấy thực hành trong Giáo Hội sơ khai (35) và trong truyền thống của Giáo Hội Ðông Phương. Trong các Giáo Hội đó, ngoài những vị cùng với tất cả các Giám Mục, nhờ ơn thánh, đã giữ bậc độc thân, cũng còn có những Linh Mục rất xứng đáng đã lập gia đình; thực vậy, khi khuyến khích bậc độc thân Linh Mục, Thánh Công Ðồng này không hề có ý định thay đổi tập quán khác biệt đang thịnh hành một cách chính đáng trong Giáo Hội Ðông Phương, và thân ái khuyên nhủ tất cả những ai đã nhận lãnh chức Linh Mục và hiện đang sống đời đôi bạn, hãy bền chí trong ơn gọi thánh và hoàn toàn quảng đại tiếp tục hy sinh đời sống mình cho đoàn chiên được trao phó (36).
Nhưng bậc độc thân có rất nhiều thuận tiện cho chức Linh Mục. Thật vậy, sứ mệnh toàn diện của Linh Mục là tận hiến để phục vụ một nhân loại mới, mà Chúa Kitô Ðấng chiến thắng sự chết đã phục hồi trong thế gian nhờ Thánh Thần Người và là một nhân loại đã được sinh ra “không bởi khí huyết, không bởi ý muốn xác thịt, không bởi ý muốn của nam nhân, nhưng bởi Thiên Chúa”. (Gio 1,13). Nhờ đức trinh khiết hay là bậc độc thân vì Nước Trời (37) các Linh Mục được thánh hiến cho Chúa Kitô với một lý do mới mẻ và tuyệt hảo được kết hợp cách dễ dàng hơn với Người bằng một trái tim không chia xẻ (38), tận hiến cách tự do hơn trong Người và nhờ Người để phục vụ Thiên Chúa và loài người, sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa và việc tái sinh siêu nhiên; như thế các ngài càng thích đáng lãnh nhận một cách bao quát hơn chức vụ làm cha trong Chúa Kitô. Chính nhờ đó, các ngài tuyên bố trước mặt mọi người rằng mình muốn tận hiến trọn vẹn cho công việc đã được trao phó, nghĩa là muốn đính ước các tín hữu với một người bạn độc nhất và hiến dâng họ cho Chúa Kitô như một trinh nữ thanh sạch (39); như thế các ngài nhắc lại cuộc hôn nhân mầu nhiệm đã được Thiên Chúa thiết lập và sẽ được tỏ lộ đầy đủ ở đời sau. Cuộc hôn nhân trong đó Giáo Hội chỉ có một vị Hôn Phu duy nhất là Chúa Kitô (40). Ngoài ra, các ngài còn trở nên dấu chỉ sống động về thế giới mai sau, mà ngày nay đã hiện diện qua đức tin và đức ái, trong đó con cái sự sống lại không còn dựng vợ gả chồng nữa (41).
Vì những lý do đặt nền tảng trên mầu nhiệm Chúa Kitô và sứ mệnh của Người nên việc sống độc thân trước tiên được khuyến khích cho các Linh Mục, rồi sau đã trở nên luật buộc trong Giáo Hội Latinh cho tất cả những ai muốn chịu Chức Thánh. Thánh Công Ðồng này phê chuẩn và xác định luật này một lần nữa đối với những ai muốn chịu chức Linh Mục, vì Công Ðồng tin tưởng vào Chúa Thánh Thần là ơn độc thân, ơn rất thích hợp với chức Linh Mục Tân Ước, sẽ được Chúa Cha rộng tay ban phát, miễn là những người tham dự chức Linh Mục của Chúa Kitô qua Bí Tích Truyền Chúc cũng như toàn thể Giáo Hội phải khiêm tốn và khẩn khoản nài xin. Thánh Công Ðồng này cũng khuyên mọi Linh Mục vì tin tưởng vào ơn Chúa đã tự do và tự ý chấp nhận bậc độc thân thánh thiện theo gương Chúa Kitô, hãy sống gắn bó với bậc đó bằng một tâm hồn quảng đại và với tất cả con tim của mình. Xin họ hãy kiên nhẫn trung thành trong bậc này và hãy nhìn nhận đó là ơn rất trọng đại mà Chúa Cha đã ban cho mình và Chúa Con đã công khai tán thưởng, cũng như hãy nhớ đến (42) những mầu nhiệm cao cả được biểu lộ và thực hiện qua ơn độc thân. Chắc hẳn nếu càng có nhiều người trong thế giới ngày nay nghĩ rằng sự chế dục hoàn toàn không thể có được, thì các Linh Mục càng phải hiệp cùng với Giáo Hội mà khiêm nhượng và kiên nhẫn hơn nữa để cầu xin ơn trung thành, vì Chúa không bao giờ từ chối những người kêu xin. Ðồng thời các ngài lại phải luôn dùng mọi phương thế siêu nhiên và tự nhiên mà mọi người sẵn có, nhất là các ngài hãy tuân giữ những luật lệ khổ hạnh đã được kinh nghiệm của Giáo Hội chuẩn nhận và không kém cần thiết trong thế giới ngày nay. Vì vậy Thánh Công Ðồng này không những yêu cầu các Linh Mục mà còn kêu gọi tất cả các tín hữu hãy quý trọng ơn độc thân Linh Mục cao quý này và hãy cầu xin cùng Chúa để chính Ngài luôn rộng tay ban phát dồi dào ơn này cho Giáo Hội Ngài [15*].
17. Thái độ đối với trần thế cũng như của cải vật chất và tình nguyện sống khó nghèo. Nhờ đời sống thân hữu và huynh đệ giữa các Linh Mục với nhau và với những người khác, các ngài có thể biết cách thẩm định và vun trồng những giá trị nhân bản và quý mến các tạo vật tốt lành như những ơn phúc của Thiên Chúa. Tuy sống giữa thế gian nhưng các ngài phải luôn biết rằng mình không thuộc về thế gian, như lời Chúa là Thầy chúng ta đã phán dạy (43). Vậy xử dụng trần gian như không xử dụng (44), các ngài được tự do, sự tự do giải thoát các ngài khỏi mọi lo lắng hỗn loạn và làm cho các ngài ngoan ngoãn nghe theo tiếng Chúa trong đời sống hằng ngày. Từ sự tự do và ngoan ngoãn đó sẽ nảy sinh khả năng phân biệt thiêng liêng để nhờ đó tìm ra thái độ đứng đắn đối với thế gian và của cải trần thế. Thực vậy, thái độ đó rất quan trọng đối với các Linh Mục vì sứ mệnh Giáo Hội được hoàn tất giữa trần gian và vì những của cải được tạo dựng lại rất cần thiết cho sự tiến bộ bản thân của con người. Vậy các ngài phải cảm tạ Chúa Cha trên trời vì tất cả những gì Ngài rộng ban cho để được sống xứng đáng. Tuy vậy, các ngài phải phân biệt dưới ánh sáng đức tin tất cả những gì các ngài gặp thấy để một đàng biết xử dụng một cách thích đáng những của cải theo ý muốn của Thiên Chúa, đàng khác biết gạt bỏ những gì phương hại đến sứ mệnh của mình.
Thật vậy, vì Chúa là “phần và là gia nghiệp” của mình (Ds 18,20), nên các Linh Mục chỉ được xử dụng những của cải trần gian vào những mục đích mà giáo lý Chúa Kitô và quy luật của Giáo Hội ấn định.
Về những của cải của Giáo Hội nói riêng, các Linh Mục phải quản trị chúng theo bản chất chúng đúng như tiêu chuẩn của giáo luật, với sự giúp đỡ của những giáo dân thông thạo khi có thể, và các ngài phải luôn luôn nhằm xử dụng chúng vào những mục đích mà Giáo Hội phải theo đuổi khi Giáo Hội làm chủ những của cải trần gian, nghĩa là nhằm vào việc thờ phượng Chúa, cung cấp một mức sống xứng đáng cho hàng giáo sĩ, cũng như thi hành những công cuộc tông đồ thánh thiện, hay những việc bác ái, nhất là đối với những người nghèo túng (45). Còn những của cải có được nhân dịp thi hành một vài nhiệm vụ nào đó của Giáo Hội, trừ khi có luật ấn định cách khác (46), các Linh Mục cũng như các Giám Mục trước hết phải dùng vào việc cấp dưỡng xứng đáng cho mình và việc chu toàn những phận sự của đấng bậc mình, phần còn lại, các ngài hãy dùng vào việc gây ích lợi cho Giáo Hội hoặc cho những công cuộc bác ái. Bởi thế, các ngài không được coi chức vụ của Giáo Hội như một mối lợi, cũng không được dùng những lợi tức để làm giàu cho gia đình mình (47). Bởi vậy các Linh Mục không bao giờ được để tâm hồn dính bén của cải (48) nhưng phải luôn luôn tránh mọi tham lam và xa lánh mọi hình thức thương mại.
Hơn nữa, các ngài được mời gọi tình nguyện sống nghèo khó để nên giống Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn và tận tụy hơn với chức vụ thánh. Thật vậy, dù giàu có, Chúa Kitô đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta để nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta trở nên giàu có (49). Cũng thế, chính các Tông Ðồ đã làm gương chứng minh rằng: đã lãnh nhận ơn cách nhưng không thì cũng phải ban phát cách nhưng không (50), và các ngài đã biết sống khi được sung túc cũng như khi phải túng thiếu (51). Việc xử dụng tài sản như thế theo gương đóng góp tài sản làm của chung đã được tán thưởng trong lịch sử Giáo Hội sơ khai (52), có thể mở một con đường dẫn tới bác ái mục vụ một cách tuyệt hảo và nhờ cách sống này các Linh Mục có thể thực hiện một cách đáng khen ngợi tinh thần nghèo khó đã được Chúa Kitô khuyến khích.
Vì thế, các Linh Mục cũng như Giám Mục, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Ðấng đã xức dầu cho Chúa Cứu Thế và sai đi giảng Phúc Âm cho người nghèo khó (53), phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm xa cách người nghèo khó, và hơn các môn đệ khác Chúa Kitô các ngài phải loại bỏ mọi thứ khoe khoang trong các đồ dùng của mình. Các ngài phải xếp đặt chỗ ở thế nào để không ai coi đó là nơi bất khả xâm phạm, và để không ai dù nghèo hèn đến đâu phải sợ hãi không bao giờ dám lui tới [16*].
III. Những Phương Tiện Giúp Ðời Sống Linh Mục
18. Phương thế nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Ðể có thể sống kết hiệp mật thiết hơn với Chúa Kitô trong mọi cảnh ngộ cuộc đời, ngoài việc thực hành một cách ý thức thừa tác vụ của mình, các Linh Mục còn hưởng nhờ những phương tiện chung và riêng, mới và cũ mà Chúa Thánh Thần không bao giờ ngừng khơi dậy trong Dân Chúa và Giáo Hội hằng khuyến khích đôi khi còn buộc dùng, để thánh hóa các chi thể mình (54). Trong tất cả các phương thế thiêng liêng, quan trọng hơn cả là những hoạt động giúp các Kitô hữu được nuôi dưỡng bằng Ngôi Lời nơi Bàn Thánh Kinh và Bàn Thánh Thể (55); ai cũng biết rằng việc siêng năng lui tới bàn thánh quan trọng chừng nào cho việc thánh hóa bản thân các Linh Mục.
Các thừa tác viên của ân sủng bí tích kết hợp mật thiết với Chúa Kitô là Ðấng Cứu Thế và là Chúa Chiên nhờ chịu các phép Bí Tích cách hiệu quả, nhất là trong việc năng chịu Bí Tích Cáo Giải, được chuẩn bị bằng sự xét mình hàng ngày, vì nó sẽ giúp nhiều cho việc thật lòng trở về với tình yêu của Cha từ bị. Dưới ánh sáng đức tin được nuôi dưỡng bằng việc đọc Sách Thánh, các ngài có thể tận tâm tìm kiếm những dấu hiệu của thánh ý Chúa và những thúc đẩy của ơn thánh Ngài trong những biến cố khác nhau của đời sống, và như thế ngày càng trở nên dễ dàng vâng phục sứ mệnh đã nhận lãnh trong Chúa Thánh Thần hơn. Các ngài luôn tìm thấy gương mẫu lạ lùng về sự dễ vâng phục đó nơi Ðức Trinh Nữ Maria, Người được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đã hiến toàn thân cho mầu nhiệm cứu chuộc loài người (56); các Linh Mục phải lấy lòng con thảo thành kính tôn sùng và mến yêu Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Linh Mục Thượng Phẩm vĩnh viễn, là Nữ Vương các Tông Ðồ và là Ðấng bảo trợ thừa tác vụ Linh Mục.
Ðể trung thành chu toàn thừa tác vụ của mình, các ngài phải chuyên tâm đàm đạo hằng ngày với Chúa Kitô trong lúc viếng Mình Thánh Chúa và trong việc cá nhân tôn sùng phép Thánh Thể Chí Thánh; các ngài hãy tự ý chăm lo việc tĩnh tâm thiêng liêng và mến chuộng việc linh hướng. Bằng nhiều cách, nhất là bằng tâm nguyện vẫn được thực hành trong Giáo Hội và bằng những hình thức kinh nguyện khác nhau tùy các ngài tự ý lựa chọn, các Linh Mục tự luyện và cố tâm khẩn cầu Chúa ban cho mình một tinh thần thờ phượng đích thực, nhờ đó các ngài cùng với dân được trao phó sẽ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô là Ðấng Trung Gian của Giao Ước Mới, và như thế, họ có thể kêu lên như những nghĩa tử “Abba, Cha” (Rm 8,15). [17*]
19. Học hỏi và hiểu biết về mục vụ. Trong nghi lễ truyền chức, Ðức Giám Mục khuyên bảo các Linh Mục hãy “trưởng thành trong sự hiểu biết” và lời giáo huấn của các ngài phải là “linh dược thiêng liêng cho Dân Chúa” (57). Nhưng kiến thức của các thừa tác viên thánh cũng phải thánh vì nó phát xuất từ nguồn mạch thánh và quy hướng về cùng đích thánh. Vì vậy, kiến thức đó trước hết được rút ra từ việc đọc và suy gẫm Sách Thánh (58), nhưng nó cũng được nuôi dưỡng hữu hiệu bằng việc nghiên cứu những tài liệu của các Giáo Phụ, các Thánh Tiến Sĩ và các tài liệu khác của Thánh Truyền. Ngoài ra, để trả lời thỏa đáng những vấn đề do người thời nay nêu lên, các Linh Mục phải hiểu biết cho thấu đáo những tài liệu của Quyền Giáo Huấn, nhất là của các Công Ðồng và của các Ðức Giáo Hoàng, cũng như phải tham khảo những tác giả thần học thời danh nhất và đã được thừa nhận.
Thực ra, trong thời đại chúng ta, văn hóa nhân loại và ngay đến những khoa học thánh cũng tiến thêm một bước mới, nên khuyên các Linh Mục hãy hoàn bị kiến thức của mình về Thiên Chúa và về nhân loại một cách thích hợp và liên tục, và như thế, các ngài tự chuẩn bị để đối thoại với những người đương thời một cách thích hợp hơn.
Ðể các Linh Mục nghiên cứu dễ dàng hơn cũng như để học hỏi những phương pháp rao giảng Phúc Âm và làm việc tông đồ một cách hiệu quả hơn, phải hết sức lo cho các ngài có những phương tiện thích hợp, như tổ chức những khóa học tập hay những khóa hội thảo tùy hoàn cảnh chung của từng địa hạt, thiết lập những trung tâm học hỏi mục vụ, thành lập những thư viện và cắt đặt thích ứng những người có khả năng điều khiển công việc học tập. Ngoài ra mỗi Giám Mục riêng biệt hay nhiều Giám Mục hợp lại, phải cân nhắc để tìm ra phương cách thích hợp nhất, hầu tất cả các Linh Mục của mình có thể lui tới khóa học, vào thời gian ấn định, nhất là một vài năm sau khi chịu chức (59); nhờ vậy, các ngài có dịp vừa để thâu nhận thêm những kiến thức đầy đủ hơn về phương pháp mục vụ và khoa thần học, vừa để củng cố đời sống thiêng liêng và để cùng trao đổi với anh em những kinh nghiệm tông đồ (60). Cũng nên dùng những phương tiện này và những phương tiện thích nghi khác để đặc biệt giúp đỡ những cha sở mới và những vị đã được chỉ định cho một công cuộc mục vụ mới, hoặc những vị được sai đến một giáo phận hay một quốc gia khác.
Sau hết, các Giám Mục nên lo liệu cho một số Linh Mục chuyên về các khoa học thánh để không bao giờ thiếu các giáo sư đầy đủ khả năng đào tạo hàng Linh Mục, để giúp các Linh Mục khác và các tín hữu lãnh nhận được nền giáo thuyết cần thiết, và để khuyến khích sự tiến triển lành mạnh trong các môn học thánh, vì sự tiến triển đó rất cần thiết cho Giáo Hội. [18*]
20. Thù lao cân xứng. Nhờ hiến thân phụng sự Thiên Chúa trong việc chu toàn nhiệm vụ được trao phó, các Linh Mục được lãnh một số thù lao cân xứng vì “thợ đáng ăn lương của mình” (Lc 10,7) (61) và “Chúa đã định liệu những ai rao giảng Phúc Âm được sống bởi Phúc Âm” (1Cor 9,14). Bởi thế, nơi nào không có sẵn thù lao cân xứng cho các Linh Mục, thì chính các tín hữu phải nhận lấy trách nhiệm lo cho các ngài được những điều cần thiết hầu có một mức sống thích hợp và xứng đáng, bởi chính vì lợi ích các tín hữu mà các ngài hy sinh hoạt động. Còn các Giám Mục phải nhớ nhắc cho các tín hữu trách nhiệm này và phải lo liệu – hoặc vị nào cho giáo phận nấy, hoặc tiện hơn là nhiều vị chung nhau cho một vùng – lập ra những quy luật giúp bảo đảm đúng mức một số trợ cấp xứng đáng cho những vị đang thi hành hay đã thi hành một vài chức vụ trong việc phục vụ Dân Chúa. Phần thù lao cấp phát cho mỗi vị phải được ấn định hoặc tùy theo bản chất của chức vụ hoặc tùy theo hoàn cảnh địa phương và thời gian. Nhưng phần thù lao căn bản phải đồng đều cho tất cả các vị có cùng một hoàn cảnh, phải xứng hợp với hoàn cảnh của các ngài, và hơn nữa phải giúp các ngài chẳng những có thể cấp một phần thù lao cân xứng cho những kẻ hy sinh giúp việc các ngài, nhưng còn có thể tự mình giúp đỡ những kẻ thiếu thốn vì một lý do nào đó; thực vậy, việc phục vụ kẻ nghèo khó ngay từ thuở ban đầu đã được Giáo Hội luôn luôn nhiệt liệt tán thưởng. Ngoài ra, cũng phải lo liệu làm sao cho phần thù lao này có thể giúp các Linh Mục hằng năm có một thời gian nghỉ ngơi thích đáng và đầy đủ; các Giám Mục phải lo cho các Linh Mục có thể có thời gian nghỉ ngơi đó.
Tuy nhiên, phải dành tầm quan trọng bậc nhất cho chức vụ do các thừa tác viên thi hành. Vì thế, hệ thống mệnh danh là “ân bổng” phải được bãi bỏ, hoặc ít ra phải được cải tổ thể nào để phần ân bổng, nghĩa là quyền thụ hưởng những lợi tức bởi chức vụ, được coi như chuyện phụ thuộc, và theo luật, phải nhường địa vị chính yếu cho chính chức vụ của Giáo Hội, chức vụ mà từ nay phải được hiểu là bất cứ nhiệm vụ nào được trao phó cách lâu bền để thi hành nhằm mục đích thiêng liêng.
21. Quỹ chung và bảo hiểm xã hội. Phải luôn luôn nhớ đến gương mẫu của các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai ở Giêrusalem đã đặt “mọi sự làm của chung” (CvTđ 4,32) và “phân phát cho mỗi người tùy nhu cầu” (CvTđ 4,35). Vì vậy, ít ra trong những miền mà sự cấp dưỡng cho giáo sĩ tùy thuộc hoàn toàn hoặc phần lớn vào việc dâng cúng của các tín hữu, thì rất nên có một tổ chức giáo phận nào đó thu góp những của dâng cúng nhằm mục đích này; tổ chức này do Giám Mục điều khiển với sự trợ giúp của những Linh Mục được ủy nhiệm, cũng như của cả những giáo dân thông thạo trong lãnh vực kinh tế nếu thấy là hữu ích. Ngoài ra, cũng ước mong rằng nếu có thể nên thành lập một công quỹ trong mỗi giáo phận hay mỗi miền để nhờ đó các Giám Mục có thể thỏa mãn các bổn phận khác đối với những người phục vụ Giáo Hội, và trợ giúp những nhu cầu khác nhau trong giáo phận, và cũng nhờ đó các giáo phận giàu hơn có thể giúp đỡ các giáo phận nghèo hơn để sự dư dật của giáo phận này bù đắp cho sự thiếu thốn của giáo phận khác (62). Công quỹ này phải được thiết lập trước hết do những của cải các tín hữu dâng cúng, nhưng cũng còn do những nguồn lợi khác như đã được qui chế ấn định.
Ngoài ra, trong các quốc gia mà sự bảo hiểm xã hội cho hàng giáo sĩ chưa được tổ chức cách thích hợp, các Hội Ðồng Giám Mục hãy lưu ý đến giáo luật và dân luật mà lo liệu cho có những tổ chức trong các giáo phận – và có thể liên kết những tổ chức với nhau – hoặc những tổ chức được thiết lập cho nhiều giáo phận khác nhau, hoặc một hội được thành lập cho toàn vùng; nhờ những tổ chức này và dưới sự chăm sóc của Hàng Giáo Phẩm, việc bảo hiểm xã hội được dự liệu đầy đủ cho tổ chức mà người ta thường gọi là tổ chức y tế dự phòng và cứu trợ, và dự liệu việc trợ cấp cân xứng cho các Linh Mục bệnh tật, tàn phế và già yếu. Các Linh Mục phải giúp đỡ các tổ chức được thành lập như thế với một tinh thần liên đới với anh em mình và thông cảm những nỗi khổ tâm của họ (63). Ðồng thời, chính vì không phải bận tâm đến tương lai, các ngài có thể hoàn toàn tận hiến cho phần rỗi các linh hồn và thực hành đức khó nghèo trong tinh thần Phúc Âm một cách hăng say hơn. Những vị có trách nhiệm phải cố gắng liên kết các tổ chức như thế thuộc các quốc gia khác nhau để chúng thêm vững chắc và được phổ biến rộng rãi hơn.
Kết Luận Và Khuyên Nhủ
22. Kết luận. Thánh Công Ðồng này khi nhớ đến những hoan lạc của đời sống Linh Mục không thể quên được những khó khăn mà các Linh Mục phải chịu trong những hoàn cảnh của đời sống hiện tại. Thánh Công Ðồng cũng biết rằng tình trạng kinh tế, xã hội và ngay cả những phong tục của con người đang thay đổi rất nhiều và bậc thang giá trị cũng đang đảo lộn không ít trong trí phán đoán của con người; do đó, các thừa tác viên của Giáo Hội và đôi khi ngay cả các Kitô hữu đều cảm thấy mình như xa lạ trong thế giới này và áy náy tìm kiếm không biết phải dùng phương pháp, lời nói nào thích hợp để có thể giao thiệp với đời. Thật vậy, những chướng ngại mới cho đức tin, những việc làm bề ngoài xem ra vô ích, cũng như sự cô đơn cay đắng đã từng trải, có thể dẫn các ngài đến chỗ nguy hiểm là làm cho các ngài chán ngán.
Nhưng thế giới ngày nay được trao phó cho tình yêu và thừa tác vụ của các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội là thế giới mà Thiên Chúa hết sức yêu thương đến nỗi đã trao ban Con Một của Ngài (64). Thực ra, tuy bị nhiều tội lỗi chế ngự, thế giới ngày nay vẫn còn có những khả năng lớn lao để hiến cho Giáo Hội những viên đá sống động (65) hầu cùng nhau xây dựng đền thờ Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần (66). Khi Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội mở những con đường mới dẫn đến thế giới ngày nay, thì chính Ngài cũng khởi xướng và khuyến khích những cải tổ thích hợp cho chức vụ Linh Mục.
Các Linh Mục phải nhớ rằng không bao giờ các ngài lẻ loi trong khi thi hành bổn phận, nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa toàn năng và tin tưởng vào Chúa Kitô, Ðấng đã mời gọi các ngài đến thông phần vào chức Linh Mục của mình, các ngài phải hết lòng tin tưởng mà hiến thân cho chức vụ mình, vì biết rằng Thiên Chúa toàn năng có thể ban cho các ngài thêm tình yêu (67). Các ngài cũng phải nhớ rằng các anh em trong chức Linh Mục và ngay cả những tín hữu trên toàn thế giới cũng là bạn hữu của mình. Thực vậy, mọi Linh Mục đều cộng tác để chu toàn ý định cứu rỗi của Thiên Chúa – nghĩa là mầu nhiệm Chúa Kitô hay là bí tích từ muôn đời đã được giấu kín trong Thiên Chúa (68) – ý định đó chỉ được thực hiện dần dần nhờ liên kết nhiều chức vụ khác nhau trong việc xây dựng Thân Thể Chúa Kitô cho đến khi Thân Thể hoàn toàn triển nở. Và tất cả những điều đó, vì được giấu kín với Chúa Kitô trong Thiên Chúa (69), nên nhờ đức tin mà có thể nhận biết được rõ ràng. Thật vậy, các vị lãnh đạo Dân Chúa phải bước đi trong đức tin, theo gương của Abraham trung thành, là người đã lấy đức tin “vâng lời đi đến nơi mà mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: ngài đã ra đi mà chẳng biết mình sẽ đi đâu” (Dth 11,8). Thực ra, người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa có thể sánh với người gieo giống trong ruộng mà Chúa đã nói “và người ấy ngủ hay thức, đêm cũng như ngày, hạt giống nảy mầm và lớn lên, trong khi người ấy chẳng hay biết gì” (Mc 4,27). Hơn nữa, Chúa Kitô đã nói “các con hãy vững tin, Thầy đã thắng thế gian” (Gio 16,33); qua lời này, Người không hứa cho Giáo Hội Người một cuộc toàn thắng ở trần gian này. Vậy Thánh Công Ðồng vui mừng vì mặt đất đã được hạt giống Phúc Âm gieo vãi, nay đang sinh hoa kết quả ở nhiều nơi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ðấng lấp đầy cả trái đất và khởi xướng trong tâm hồn nhiều Linh Mục và tín hữu tinh thần truyền giáo đích thực. Về tất cả những điều đó, Thánh Công Ðồng rất thân ái cám ơn mọi Linh Mục trên hoàn cầu: “Chúc tụng Ðấng Quyền Năng làm được mọi sự cách phong phú hơn điều ta cầu xin hay hiểu biết, tùy theo quyền phép mà Ngài thực hiện nơi chúng ta: chúc tụng vinh quang Ngài trong Giáo Hội và trong Chúa Giêsu Kitô” (Eph 3,20-21). [19*].
Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965.
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.
———————————————-
+ Chú thích cho phần Lời Mở Đầu và Chương I :
1 CÐ Vat II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium: AAS 56 (1964), trg 97 tt; – Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium: AAS 57 (1965), trg 5 tt; – Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục Christus Dominus; – Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục Optatam Totius.
2 Xem Mt 3,16; Lc 4,18; CvTđ 4,27; 10,38.
3 Xem 1P 2,5 và 9.
4 Xem 1P 3,15.
5 Xem Kh 19,10. – CÐ Vat II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 35: AAS 57 (1965), trg 40-41.
6 CÐ Trentô, khóa XXIII, ch. 1 và đ. th. 1: Dz 957 và 961 (1764 và 1771).
7 Xem Gio 20,21. – CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 18: AAS 57 (1965), trg 21-22.
8 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 28: AAS 57 (1965) trg 33-36.
9 Xem n.v.t.
10 Xem Pont. Rom., kinh Tiền Tụng lễ phong chức Linh Mục. Những lời này đã có trong Sacramentarium Veronense: x.b. L.C. Mohlberg, Roma 1956, trg 122; và trong Missale Francorum: x.b. L.C. Mohlberg, Roma 1957, trg 9; cũng thấy trong Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae: x.b. L.C. Mohlberg, Roma 1960, trg 25; và trong Pontificale Romano-Germanicum: x.b. Vogel-Elze, Città del Vaticano, 1963, c.I, trg 34.
11 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 10: AAS 57 (1965), trg 14-15.
12 Xem Rm 15,16 bản Hy Lạp.
13 Xem 1Cor 11,26.
14 T. Augustinô, De civitate Dei, 10,6 : PL 41, 284.
15 Xem 1Cor 15,24.
1* Mỗi phần tử trong Dân Chúa đều tham dự vào chức Linh Mục của Chúa Kitô, vào sứ mạng của Giáo Hội, nhưng không cùng một mức độ và phận vụ. Nhờ Bí Tích Truyền Chức, theo hình ảnh vị Thượng Tế và Tiên Tri cả (GH 35) trở nên cộng sự viên của Giám Mục, các Linh Mục được thánh hiến để rao truyền Phúc Âm, để cử hành việc phụng tự. Khi giúp người khác tăng triển đời sống thần linh, các ngài hoạt động để Danh Chúa được lan rộng.
16 Xem Dth 5,1.
17 Xem Dth 2,17; 4,15.
18 Xem 1Cor 9,19-23, bản Phổ Thông.
19 Xem CvTđ 13,2.
20 “Chính những hoàn cảnh ngoại tại mà Giáo Hội đang sống lại thúc đẩy lòng hăng say tiến tới trong đời sống thiêng liêng và luân lý. Thực vậy, Giáo Hội không thể ngồi yên và lãnh đạm trước những đổi thay của thế giới loài người đang vây bọc Giáo Hội và đang gây ảnh hưởng tới đời sống thực tế của Giáo Hội bằng trăm phương nghìn cách, khiến cho Giáo Hội phải chiều theo một vài hoàn cảnh nào đó. Mọi người đều biết rằng: Giáo Hội không tách biệt khỏi xã hội loài người, nhưng là sống giữa xã hội loài người, cho nên con cái Giáo Hội không những chịu ảnh hưởng của xã hội loài người, lại còn thấm nhiễm nền văn hóa, tuân theo luật lệ và mang lấy những phong tục của xã hội này nữa. Mối liên hệ mật thiết với xã hội loài người tạo cho Giáo Hội một tình trạng luôn luôn có những vấn đề phải giải quyết, mà ngày nay những vấn đề này lại càng thêm trầm trọng (…) Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các Kitô hữu thời ngài: “Anh em đừng mang ách chung với những người vô tín ngưỡng. Thực vậy sự công bằng đâu có hòa hợp với sự bất công? Xã hội ánh sáng đâu có chung đụng với xã hội tối tăm?… Phần của tín hữu làm sao chung phần với người vô tín ngưỡng? (2Cor 6,14-15). Vì thế, những ai lo việc giáo dục và huấn luyện trong Giáo Hội ngày nay, cần phải nhắc nhở thanh thiếu niên Công giáo nhận biết địa vị cao đẹp của họ, cũng như do đó bổn phận phải sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, hợp với lời Chúa Kitô đã cầu nguyện cho các Tông Ðồ: “Con không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi sự dữ. Họ không thuộc về thế gian, như Con không thuộc về thế gian” (Gio 17,15-16). Giáo Hội đã nhận lấy lời cầu nguyện đó làm của mình. Tuy nhiên, phân biệt khỏi thế gian, như thế không có nghĩa là tách biệt khỏi thế gian, cũng không phải là thờ ơ, sợ hãi hay miệt thị thế gian. Thực vậy, khi tự phân biệt với nhân loại, không phải Giáo Hội chống đối thế gian, nhưng đúng hơn, Giáo Hội kết hợp với, thế gian vậy.”: Phaolô VI, Tđ. Ecclesiam suam, 6-8-1964 : AAS 56 (1964), trg 627 và 638.
21 Xem Rm 12,2.
22 Xem Gio 10,14-16.
23 Xem T. Polycarpô, Epist. ad Philippenses, VI, 1: “Hơn nữa, các linh mục phải có lòng thương xót, nhân ái với mọi người, phải dẫn đưa những người lầm lạc, thăm viếng những ai bệnh hoạn, không bỏ quên quả phụ, cô nhi hay người túng cực, một phải luôn luôn lo làm điều thiện trước mặt Thiên Chúa và người ta, phải kiềm chế khỏi mọi nóng giận, đón nhận mọi người, không phán đoán bất chính, phải giữ mình xa lòng ham hố tiền tài, không quá vội tin chuyện xấu của người khác, cũng không nên cứng rắn trong phán đoán, vì biết rằng tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi”: x.b. F.X. Funk, Patres Apostolici, I, trg 273.
2* Các linh mục sống giữa tha nhân, những người anh em của các ngài, để truyền đạt Sứ Ðiệp của Chúa Kitô và đưa dẫn họ lại gần Chúa. Nhưng các ngài luôn tự cảnh giác để khỏi vướng mắc tất cả những gì “thuộc thế gian này…” (Rm 12,2) vì điều đó nghịch lại với tinh thần Chúa Kitô.
+ Chú thích cho Chương II:
1 Xem 1P 1,23; CvTđ 6,7; 12,24. “Các Tông Ðồ đã rao giảng lời chân lý và đã khai sinh các Giáo Hội”: T. Augustinô, Enarr. in Ps. 44,23 : PL 36,508.
2 Xem Mal 2,7; 1Tm 4,11-13; 2Tm 4,5; Tt 1,9.
3 Xem Mc 16,16.
4 Xem 2Cor 11,7. Những gì nói về các Giám Mục cũng có giá trị cho các Linh Mục với tư cách là cộng tác viên của Giám Mục. Xem Statuta Ecclesiae Antiqua, c.3 (x.b. Ch. Munier, Paris 1960 trg 79); Decretum Gratiani, c. 6, D. 88 (x.b. Friedberg, I, 307); – CÐ Trentô Sắc lệnh De Reform., khóa V, ch.2, số 9 (Conc. Oec. Decreta, x.b. Herder, Roma 1962, trg 645); khóa XXIV, ch.4, trg 739; – CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 25 : ASS 57 (1965), trg 29-31.
5 Xem Constitutiones Apostolorum, II, 26,7: “(Các Linh Mục) hãy trở nên những vị tiến sĩ thông thạo khoa học về Thiên Chúa, vì chính Chúa đã truyền cho chúng ta khi Ngài phán: Các con hãy đi giảng dạy v.v…”: x.b. F.X. Funk, Didascalia et Constitutiones Apostolorum, I, Paderborn, 1905, trg 105. – Sacramentarium Leonianum và những sách lễ nghi khác cho tới Pontificale Romanum, Kinh Tiền Tụng lễ phong chức Linh Mục: “Lạy Chúa, với sự quan phòng ấy, Chúa đã cho các Tông Ðồ của Con Chúa có những người bạn tiến sĩ trong đức tin như những người trợ lực trong việc rao giảng, để các Tông Ðồ gieo vãi Phúc Âm trên toàn thế giới”. – Liber Ordinum Liturgiae Mozarabicae, Kinh Tiền Tụng lễ phong chức Linh Mục: “Là tiến sĩ của dân và thủ lãnh của giáo hữu, ước gì các ngài duy trì đức tin công giáo trong trật tự và rao giảng ơn cứu rỗi chân thực cho mọi người”: x.b. M. Férotin, Le Liber Ordinum en usage dans l’Eglise Wisigothique et Mozarabe d’Espagne: Monumenta Ecclesiae Liturgica, q.5, Paris 1904, cột 55, hàng 4-6.
6 Xem Gal 2,5.
7 Xem 1P 2,12.
8 Xem lễ nghi phong chức Linh Mục trong Giáo Hội Giacobit ở Alexandria: “…hãy tập họp dân chúng ngươi đến nghe lời giáo lý, như người mẹ nâng niu con cái mình”: H. Denzinger, Ritus Orientalium, bộ II, Wurzburg 1863, trg 14.
9 Xem Mt 28,19; Mc 16,16; – Tertullianô, De Baptismo, 14,2 (Corpus Christianorum, Series latina, I, trg 289, 11-13); – T. Athanasiô, Adv. Arianos, 2 42 : PG 26, 237 A-B; – T. Hieronymô, In Mt 28,19: PL 26, 226 D: “Trước hết các ngài dạy dỗ mọi dân nước tiếp đến lấy nước rửa tội những kẻ đã được giáo huấn. Thật vậy, không thể để cho thể xác nhận lãnh bí tích Rửa Tội khi linh hồn chưa nhận lãnh chân lý đức tin”; – T. Tôma, Expositio primae Decretalis, 1: “khi sai các môn đệ đi rao giảng, Ðấng Cứu Thế của chúng ta đã trao cho họ ba mệnh lệnh. Trước nhất là giảng đức tin, thứ đến là ban các bí tích cho những kẻ có lòng tin”: x.b. Marietti, Opuscula Theologica, Taurini Roma 1954, 1138.
10 Xem CÐ. Vat. II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrasanctum Concilium, 4-12-1963, số 35,2: A AS 56 (1964), trg 109.
11 Xem CÐ. Vat. II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrasanctum Concilium, 4-12-1963, số 33, 35, 48, 52, trg 108-109, 113, 114.
3* Các linh mục phải hết sức quan tâm tới lãnh vực xã hội và sự tiến hóa nơi môi trường hoạt động của các ngài để có thể áp dụng hữu hiệu chân lý Phúc Âm vào những hoàn cảnh cụ thể của đời sống. Các ngài truyền đạt đến mọi người giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội, đặc biệt là trong khi cử hành phụng vụ.
12 Xem n.t., số 7 (trg 100-101). – Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 230.
13 T. Ignatiô Tử đạo, Smyrn., 8, 1-2: x.b. F.X. Funk 6, trg 240. – Constitutiones Apostolorum, VIII, 12,3: x.b. F.X. Funk. 496; VIII, 29,2, n.t., trg 532.
14 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 28: AAS 57 (1965), 33-36.
15 Bí Tích Thánh Thể là sự đúc kết tất cả đời sống thiêng liêng và là cứu cánh của tất cả các bí tích khác: T. Tôma, Summa Theol. III, q.73, a.3 c : xem Summa Theol. III, q.65, a. 3.
16 Xem T. Tôma, Summa Theol. III, q. 65, a. 3, ad 1; q. 79, a. 1, c, và ad 1.
17 Xem Eph 5,19-20.
18 Xem T. Hieronymô, Epist., 114,2: “…chén thánh, khăn thánh và tất cả những gì liên quan đến việc tôn sùng cuộc Tử Nạn của Chúa… vì được thông công với Mình và Máu Chúa, nên phải được kính cẩn như chính Mình và Máu Người vậy”: PL 22, 934. – Xem CÐ Vat. II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 4-12-1963, số 122-127: AAS 56 (1964), trg 130-132.
19 “Hơn nữa, các tín hữu đừng xao lãng việc năng viếng Mình Thánh Chúa; Mình Thánh Chúa phải được cất giữ trong nhà thờ, tại một nơi xứng đáng nhất và hết sức vinh dự, theo luật phụng vụ. Thực vậy, việc kính viếng Chúa Kitô hiện diện nơi đây là một dấu chỉ biết ơn đối với Chúa Kitô, là bảo chứng tình yêu và là một việc tôn thờ thích đáng”: Phaolô VI, Tđ. Mysterium Fidei, 3-9-1965: AAS 57 (1965), trg 771.
4* Mọi cử hành phụng vụ Thánh Lễ đều thuộc quyền Giám Mục (x. GH số 28) đó là lý do tại sao các linh mục một khi đã được “tấn phong bởi Giám Mục” phải liên kết với chức Giám Mục theo phẩm trật và phải nên như hiện thân của Giám Mục trong mỗi cộng đoàn Kitô hữu.
20 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 28: AAS 57 (1965), trg 33-36.
21 Xem 2Cor 10,8 ; 13,10.
22 Xem 1Cor 4,14.
23 Xem Gal 1,10.
24 Xem Didascalia, II, 34,3; II, 46,6; II 47, 1; – Constitutiones Apostolorum, II, 47, 1: x.b. F.X. Funk, Didascalia et Constitutiones, I, trg 116, 142 và 143.
25 Xem Gal 4,3 ; 5,1 và 13.
26 Xem T. Hieronymô, Epist., 58,7: “Thành quách chói sáng ngọc ngà nào có ích chi, nếu Chúa Kitô chết đói trong thân phận một người nghèo khổ?”: PL 22,584.
27 Xem 1P 4,10 tt.
28 Xem Mt 25,34-45.
29 Xem Lc 4,18.
30 Có thể kể những hạng người khác, ví dụ những người di cư, những dân du mục v.v… Vấn đề này được đề cập đến trong Sắc Lệnh về Nhiệm vụ Mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 28-10-1965.
31 Xem Didascalia, II, 59, 1-3: “Khi dạy dỗ, hãy truyền bảo và khuyến dụ dân chúng năng đến nhà thờ, đừng bao giờ vắng mặt, trái lại tụ họp nhau luôn, và đừng xa lánh, vì như thế khiến Giáo Hội bị giảm thiểu và bớt mất một chi thể nơi Thân Thể Chúa Kitô… Vậy, anh em là chi thể Chúa Kitô, chính anh em đừng phân tán xa Giáo Hội chỉ vì không chịu hội hợp với nhau; anh em có Chúa Kitô là Ðầu, Người đang hiện diện và thông hiệp với anh em theo như lời Người hứa; vì thế chính anh em đừng khinh khi và khiến Ðấng Cứu Thế trở nên xa lạ với các chi thể Người, đừng chia rẽ và phân tán Thân Thể Người…” :x.b. F.X. Funk, I, trg 170. – Phaolô VI, diễn văn trước một số giáo sĩ Ý tham dự Ðại Hội XIII Di aggiornamento pastorale, 6-9-1963: AAS (1963), trg 750 tt.
5* Nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên phải được coi như việc giáo dục đức tin và đức ái đối với mọi người, nhất là những người yếu đuối cần giúp đỡ nhiều hơn. Ngoài ra còn mục đích kiến tạo cộng đoàn Kitô hữu đích thực mà điều cốt yếu chính là tinh thần truyền giáo.
32 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 28: AAS 57 (1965), trg 35.
33 Xem Constitutionem Ecclesiasticam Apostolorum, XVIII: Các Linh Mục là những kẻ đồng tham dự các mầu nhiệm (symmystai) và đồng chiến đấu (synepemachoi) của các Giám Mục: x.b. Th. Schermann, Die allgemeine Kirchenordnung, I, Paderborn 1914, trg 26. – A. Harnack, Die Quellen der sog. Apostolilschen Kirchenordnung, T.u. U. II, 5, trg 13, số 18 và 19. – Hieronymô Giả, De septem Ordinibus Ecclesiae: “…trong việc chúc lành, họ là những người cùng với Giám Mục tham dự các mầu nhiệm”: x.b. A. W. Kalff, Wurzburg 1937, trg 45. – T. Isidorô Hispal, De Ecclesiasticis Officiis, II, ch. VII: “Họ đứng đầu Giáo Hội của Chúa Kitô và tham dự với các Giám Mục trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, cũng như trong việc dạy dỗ dân và trong phận vụ rao giảng”: PL 83, 787.
34 Xem Didascalia, II, 28, 4: x.b. F.X. Funk, trg 108. – Constitutiones Apostolorum, II, 28, 4; II, 34, 3 : n.v.t., trg 109 và 117.
35 Const. Apost. VIII, 16, 4: x.b. F.X. Funk, I, trg 523. – Xem Epistome Const. Apost., VI: n.v.t., II, trg 80, 3-4. – Testamentum Domini: “…Xin Chúa ban cho người này tinh thần ơn thánh, ơn khuyến dụ, ơn đại độ, và tinh thần linh mục… hầu người này giúp đỡ và cai trị dân Chúa trong việc làm với lòng kính sợ và tâm hồn trong trắng”: bản dịch Latinh của I.E. Rahmani, Moguntiae 1899, trg 69. Ý tưởng này cũng gặp trong Trad. Apost.: x.b. B. Botte, La Tradition Apostolique de S. Hippolyte, Munster i. W. 1963, trg 20.
36 Xem Ds 11, 16-25.
37 Pont. Rom. Kinh Tiền Tụng lễ phong chức Linh Mục; những lời ấy đã có trong Sacramentarium Leonianum, Sacramentarium Gelasianum và Sacramentarium Gregorianum. Cũng gặp những ý tưởng tương tự trong Phụng vụ Ðông Phương: xem Trad. Apost.: “…Xin Chúa nhìn đến tôi tớ Chúa đây và khấn ban tinh thần ơn thánh và ơn khuyến dụ, tinh thần linh mục, để tôi tớ Chúa giúp đỡ và cai trị dân Chúa với một tâm hồn trong trắng, như Chúa đã nhìn đến dân Chúa chọn và đã ra lệnh cho Môisen tuyển lựa những bô lão mà Chúa đã đổ tràn Thánh Thần Chúa, Thánh Thần mà Chúa đã ban cho tôi tớ Chúa”: theo bản dịch Latinh Verona, x.b. B. Botte, La Tradition Apostolique de S. Hippolyte. Essai de reconstruction, Munster i. W. 1963, trg 20. – Const. Apost. VIII, 16, 4 :x.b. F.X. Funk I, trg 522, 16-17. – Epist. Const. Apost. VI: x.b. F.X. Funk II trg 20, 5-7. – Testamentum Domini: bản dịch Latinh của I. E. Rahmani, Moguntiae 1899, trg 69. – Euchologium Serapionis, XXVII: x.b. F.X. Funk, Didascalia et Constitutiones II, trg 190, hàng 1-7. – Ritus Ordinationis in ritu Maronitarum: bản dịch H. Denzinger, Ritus Orientalium, II, Wurzburg, 1863, trg 161; – Trong số các Giáo Phục, có thể kể: Theodorô Mopsuestenô, In 1Tim. 3,8 : x.b. Swete, II, trg 119-121. – Theodoretô, Questiones in numeros, XVIII: PG 80, 369C-372 B.
38 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 28: AAS 57 (1965), trg 35.
39 Xem Gioan XXIII, Tđ. Sacerdotii Nostri primordia, 1-8-1959: AAS 51 (1959) trg 576. – T. Piô X, huấn dụ giáo sĩ Haerent Animo, 4-8-1908 : S. Pii X Acta, q. IV (1908), trg 237 tt.
40 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 28-10-1965, số 15 và 16.
41 Theo Giáo luật hiện hành, Kinh sĩ hội Chính tòa như là “nguyên lão viện và ban cố vấn” của Giám Mục (C.I.C., kh. 391) hoặc nếu không có, thì Hội đồng cố vấn giáo phận thay thế (xem C.I.C., kh. 423-428). Tuy nhiên điều rất đáng mong ước là những tổ chức ấy phải được chỉnh đốn lại cho thích hợp hơn với những hoàn cảnh và nhu cầu hiện đại. Hội đồng Linh Mục dĩ nhiên khác Ủy Ban cố vấn mục vụ: về vấn đề này có nói trong Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 28-10-1965, số 27, vì trong Ủy Ban cố vấn mục vụ có cả giáo dân, và chỉ có thẩm quyền trong những gì liên quan đến hoạt động mục vụ. Về việc các Linh Mục như là cố vấn của Giám Mục có thể xem Didascalia II, 28,4: x.b. F.X. Funk, I, trg 108. – Const. Apost. II, 28,4: x.b. F.X. Funk, I, trg 109. – T. Ignatiô Tử đạo, Magn. 6,1: x.b. F.X. Funk, trg 194; Trall., 3,1: x.b. F.X. Funk, trg 204. Origenê, Contra Celsum III, 30: các Linh Mục là những cố vấn hay là bouleytai: PG 11, 957D-960 A.
42 Ignatiô Tử đạo, Magn., 6,1: “Cha van xin các con hãy chăm chú làm mọi sự trong bầu hòa khi của Thiên Chúa, dưới quyền Giám Mục, Ðại diện Thiên Chúa, dưới quyền các vị linh mục, đại diện hội đồng các Tông Ðồ, và dưới quyền các phó tế rất thân ái của cha, vì những vị này được ủy thác phục vụ Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã ngự bên Thiên Chúa từ trước khi có các thời đại, và đã xuất hiện vào cuối thời”: x.b. F.X. Funk, trg 195. – T. Ignatiô Tử đạo, Trall. 3,1: “Cũng vậy, mọi người hãy kính trọng các vị phó tế như đối với Chúa Kitô, cũng như kính trọng Giám Mục là hình ảnh Chúa Cha, các Linh Mục là nguyên lão viện của Thiên Chúa và là hội đồng các Tông Ðồ: vì không có các đấng ấy, không thể nói đến Giáo Hội”: n.v.t., trg 204. – T. Hieronymô, In Isaiam, II, 3: PL 24,61 D: “Trong Giáo Hội, chúng ta cũng có nguyên lão viện của chúng ta là hội đồng Linh Mục”.
43 Xem Phaolô VI, diễn văn tại đền Sixtine cho các cha xứ và các linh mục giảng thuyết mùa chay ở Roma, 1-3-1965: AAS 57 (1965), trg 326.
44 Xem Const. Apost. VIII, 47,39: “Các linh mục… không được làm gì mà không hỏi ý kiến Giám Mục, vì chính Giám Mục là người mà Dân Chúa đã được ủy thác và Ngài phải trả lẽ về những linh hồn được các linh mục coi sóc”: x.b. F.X. Funk, trg 577.
6* Sự duy nhất trong việc hiến thánh và trong sứ mệnh là lý do sâu xa tạo nên cộng đoàn phẩm trật giữa Giám Mục và các linh mục và quy định mọi liên lạc hỗ tương: đó là lòng quý trọng và tín nhiệm về phía Giám Mục đối với các linh mục đoàn cũng như lòng thảo kính và vâng lời nơi các linh mục đối với Giám Mục của các ngài.
45 Xem 3Gio 8.
46 Xem Gio 17,23.
47 Xem Dth 13,1-2.
48 Xem Dth 13,16.
49 Xem Mt 5,10.
7* Nhờ Bí Tích Truyền Chức, các linh mục trở nên anh em với nhau. Trong một giáo phận, tình đoàn kết huynh đệ giữa các linh mục tạo thành “linh mục đoàn” của Giám Mục địa phương. Dù “phận vụ” của các linh mục dòng và triều có sự khác biệt, nhưng tất cả đều cùng chung một sứ mệnh, các ngài phải được nối kết với nhau trong tình tương thân tương ái tông đồ.
50 Xem 1Th 2,12; Col 1,13.
51 Xem Mt 23,8. – “Muốn trở thành chủ chăn, thành người cha và thầy của mọi người, chúng ta phải là anh em của họ”: Phaolô VI, Tđ. Ecclesiam suam, 6-8-1964: AAS 58 (1964), trg 647.
52 Xem Eph 4,7 và 16. – Const. Apost. VIII, 1,20: “Giám Mục không nên chống các phó tế hoặc linh mục, cũng như các linh mục không nên chống dân chúng, vì cả hai đều làm thành một cộng đoàn”: x.b. F.X. Funk, I, trg 467.
53 Xem Ph 2,21.
54 Xem 1Gio 4,1.
55 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium 21-11-1964, số 37: AAS 57 (1965), trg 42-43.
56 Xem Eph 4,14.
57 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio, 21-11-1964: AAS 57 (1965) trg 90 tt.
58 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21-11-1964, số 37 AAS 57 (1965), trg 42-43.
8* Nhờ Bí Tích Rửa Tội, các linh mục được gia nhập Dân Chúa, trở nên người anh em “của các anh em”. Nhờ Bí Tích Truyền Chúa, các ngài lãnh trách nhiệm lãnh đạo cộng đoàn, nhưng các ngài phải sống như nô bộc biết đón nhận, lắng nghe và nhận ra những đặc sủng nơi các tín hữu mà các ngài giúp khám phá ra trách nhiệm riêng của họ. Các linh mục cần phải nhận thức bổn phận mình là phải hoạt động chung với họ với tinh thần Bác ái trong việc phục vụ Giáo Hội.
59 Xem Dth 7,3.
60 Xem Lc 10,1.
9* Nền tảng giáo lý về sự tùng phục hoàn toàn của các linh mục, nghĩ a là sẵn sàng đảm nhận bất cứ chức vụ gì ở bất cứ nơi nào, hệ tại sự tham dự vào chức Linh Mục của Chúa Kitô, vào sứ mệnh phổ quát mà Chúa đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Trách nhiệm của các linh mục vì vậy cũng mang một trương độ phổ quát.
61 Xem 1P 2,25.
62 Xem CvTđ 20,28.
63 Xem Mt 9,36.
64 Pont. Rom. Lễ phong chức Linh Mục.
65 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục Optatam Totius, 28-10-1965, số 2.
66 “Tiếng Chúa gọi được biểu hiện bằng hai cách khác nhau, nhưng đều tuyệt diệu và đồng quy: một là tiếng nói bên trong, đó là tiếng nói của ơn thánh, của Chúa Thánh Thần, của một sức lôi cuốn nội tâm khôn tả, một tiếng nói âm thầm và quyền năng của Chúa phát tỏa trong thâm cung con người không thể đo lường được; tiếng nói khác từ bên ngoài, có tính cách nhân loại, khả giác, xã hội, luật pháp cụ thể, đó là tiếng nói của thừa tác viên Lời Chúa có đầy đủ phẩm cách, là tiếng nói của vị Tông Ðồ, của Phẩm Trật, một dụng cụ cần thiết đã được Chúa Kitô thiết lập và muốn có như trung gian diễn ngữ sứ điệp của Ngôi Lời và giới luật của Thiên Chúa. Về điều này, giáo lý công giáo đã cùng với Thánh Phaolô dạy rằng: “Nếu không có Người giảng thuyết thì nghe biết làm sao được?… Ðức tin do nghe nói (Rm 10,14 và 17)”: Phaolô VI, huấn dụ ngày 5-5-1965: l’Osservatore Romano, 6-5-1965, trg 1.
67 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục Optatam Totius, 28-10-1965, số 2.
68 Các Giáo Phụ dạy như thế khi chú giải những lời Chúa Kitô nói với Phêrô: “Con có yêu mến Ta không?… Hãy chăn các chiên mẹ của Ta” (Gio 21,17): chẳng hạn T. Gioan Kim Khẩu, De Sacerdotio, II, 2: PG 48, 633; – T. Gregoriô Cả, Reg. Past. Liber: phần I, ch. 5: PL 77, 19A.
10* Các linh mục cộng tác vào ơn thiên triệu linh mục mà Chúa đoái thương ban cho con người bằng gương sống bản thân, bằng việc giáo huấn tín hữu và bằng cách nâng đỡ tinh thần đối với những ứng viên ngưỡng vọng thiên chức linh mục.
+ Chú thích cho Chương III và Kết Luận:
1 Xem 2Cor 12,9.
2 Xem Piô XI, Tđ. Ad catholici sacerdoitii, 20-12-1935 AAS: 28 (1936), trg 10.
3 Xem Gio 10,36.
4 Xem Lc 24,26.
5 Xem Eph 4,13.
6 Xem 2Cor 3,8-9.
7 Xem các văn kiện: T. Piô X, Huấn dụ giáo sĩ Haerent animo, 4-8-1908: S. Pii X Acta, q. IV (1908), trg 237 tt. – Piô XI, Tđ. Ad catholici sacerdotii, 20-12-1935: AAS 28 (1936), trg 5 tt. – Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 657 tt. – Gioan XXIII, Tđ. Sacerdotii Nostri primordia, 1-8-1959, AAS 51 (1959), trg 545 tt.
11* Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Truyền Chức là nền tảng của bậc trọn lành linh mục. Các linh mục được mời gọi để trở thành những dụng cụ sống động của Chúa Kitô. Theo gương Chúa Kitô chết và sống lại, các ngài cũng phải chết cho chính mình để sống trọn vẹn cho tha nhân. Biết sống theo tinh thần của Chúa Kitô, các ngài có thể thánh hóa bản thân trong chính chức vụ của mình.
8 Xem T. Tôma, Summa Theol. II-II, q. 188, a7.
9 Xem Eph 3,9-10.
10 Xem CvTđ 16,14.
11 Xem 2Cor 4,7.
12 Xem Eph 3,9.
13 Xem Pont. Rom. Lễ phong chức Linh Mục.
14 Xem Missale Romanum, Lời nguyện trên lễ vật Chúa Nhật IX sau Hiện Xuống.
15 “Bất cứ Thánh Lễ nào, dù Linh Mục cử hành một mình cũng không mang tính cách riêng tư, nhưng đều là hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội; thực vậy, Giáo Hội đã học biết hiến dâng chính mình trong hy lễ mà Giáo Hội dâng như của lễ phổ quát và ứng dụng sự cứu rỗi độc nhất và vô cùng của hy lễ Thánh Giá cho phần rỗi của toàn thể thế giới. Mỗi một Thánh Lễ được cử hành, không phải chỉ dâng lên vì phần rỗi một vài người nhưng còn cho toàn thế giới (…) Vậy Ta lấy tình cha con tha thiết nhắn nhủ các Linh Mục là niềm vui lớn lao nhất và triều thiên của Ta trong Chúa… các ngài hãy cử hành Thánh Lễ hàng ngày một cách xứng đáng và thành kính”: Phaolô VI, Tđ. Mysterium Fidei, 3-9-1965: AAS 57 (1965), trg 761-762. – Xem CÐ Vat. II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Saceosanctum Concilium, 4-12-1963, số 26 và 27: AAS 56 (1964), trg 107.
16 Xem Gio 10,11.
17 Xem 2Cor 1,7.
18 Xem 2Cor 1,4.
19 Xem 1Cor 10,33.
20 Xem Gio 3,8.
12* Trong khi thi hành chức vụ, các linh mục được mời gọi kết hiệp với hoạt động của chính Chúa Kitô, mà qua các ngài, Chúa hoàn thành sứ mệnh của chính Người là “Thầy dạy”: khi các linh mục biết đón nhận lời Chúa và truyền đạt cho tha nhân; là “Chủ Tế”: khi các ngài tự hiến toàn thân trong lúc cử hành Thánh Lễ; là “Chủ Chăn”: khi các ngài sống khổ hạnh theo đường lối riêng của đấng bậc hướng dẫn các linh hồn, là những người sẵn sàng hy sinh cả đến mạng sống mình.
21 Xem Gio 4,34.
22 Xem 1Gio 3,16.
23 “Chăn dắt đoàn chiên của Chúa là chứng minh tình yêu của mình”: T. Augustinô, Tract. in Jo., 123,5 : PL 35, 1967.
24 Xem Rm 12,2.
25 Xem Gal 2,2.
26 Xem 2Cor 7,4.
13* Nguyên tắc thống nhất đời sống linh mục là chính Chúa Kitô, Ðấng hoạt động qua các thừa tác viên của Người để hoàn thành Thánh Ý Chúa Cha. Các linh mục được mời gọi kết hiệp với Chúa trong việc tìm Thánh Ý Chúa Cha, các ngài phải luôn phản tỉnh trong hoạt động để tìm biết đâu là ý Chúa (x. Rm 12,2).
27 Xem Gio 4,34; 5,30; 6,38.
28 Xem CvTđ 13,2.
29 Xem Eph 5,10.
30 Xem CvTđ 20,22.
31 Xem 2Cor 12,15.
32 Xem Eph 4,11-16.
14* Các linh mục được mời gọi để có tâm hồn luôn sẵn sàng và khiêm nhường đối với thánh ý Chúa. Là thừa tác viên đích thực của Chúa Kitô, các ngài phải ý thức được sự yếu hèn của mình, phải nhận rõ sự cần thiết phải vâng lời để củng cố sự hiệp nhất với anh em và với các vị thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội, để cộng tác trong việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.
33 Xem Mt 19,12.
34 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 42: AAS 57 (1965), trg 47-49.
35 Xem 1Tm 3,2-5; Tit 1,6.
36 Xem Piô XI, Tđ. Ad catholici Sacerdotii, 20-12-1935: AAS 28 (1936), trg 28.
37 Xem Mt 19,12.
38 Xem 1Cor 7,32-34.
39 Xem 2Cor 11,2.
40 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 42 và 44: AAS 57 (1965), trg 47-49 và 50-51. – Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu Perfectae Caritatis, số 12.
41 Xem Lc 20,35-36. – Piô XI, Tđ. Ad Catholici Sacerdotii, 20-12-1935: AAS 28 (1936), trg 24-28; – Tđ. Sacra Virginitas, 25-3-1954: AAS 46 (1954), trg 169-172.
42 Xem Mt 19,11.
15* Các Nghị Phụ Công Ðồng chuẩn y và xác nhận luật độc thân của hàng giáo sĩ như một ân huệ Chúa ban cho Giáo Hội Latinh. Ðời sống độc thân của giáo sĩ biểu lộ những động lực đặt nền tảng trên mầu nhiệm Chúa Kitô và sứ mệnh của Người.
43 Xem Gio 17,14-16.
44 Xem 1Cor 7,31.
45 Xem CÐ Antioch, đ.th., 25: Mansi 2, 1327-1328. – Decretum Gratiani, c. 23, C. 12, q. 1: x.b. Friedberg I, trg 684-685.
46 Ở đây, trước tiên hiểu về những quyền lợi và tập quán hiện có nơi các Giáo Hội Ðông Phương.
47 CÐ Paris, năm 829, đ.th. 15: M.G.H, Legum Sact. III, Concilia, q. 2, trg 662. – CÐ Trentô, khóa 25, De Reform. ch., 1: Conc. Oec. Decreta, x.b. Herder, Roma 1962, trg 760-761.
48 Xem Tv 62,11 (bản Phổ Thông 61).
49 Xem 2Cor 8,9.
50 Xem CvTđ 8,18-25.
51 Xem Ph 4,12.
52 Xem CvTđ 2,42-47.
53 Xem Lc 4,18.
16* Ðoạn này nói về thái độ đứng đắn của linh mục về các giá trị nhân bản và những thực tại trần thế, về việc xử dụng tài sản của Giáo Hội và về giá trị của đức khó nghèo theo gương Chúa Kitô và các Tông Ðồ.
54 Xem C.I.C, kh 125 tt.
55 Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu Perfectae Caritatis, số 7; – Hiến chế tín lý về Mạc Khải Dei Verbum, số 21.
56 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 65: AAS 57 (1965), trg 64-65.
17* Công Ðồng đan cử những phương thế chung và riêng thích hợp với chức vụ mục vụ của các Linh Mục. Bằng những phương thế khác nhau, các Linh Mục có thể thánh hóa bản thân chính khi thi hành chức vụ mình và có thể kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian của Tân Ước.
57 Pontificale Romanum, Lễ phong chức Linh Mục.
58 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải Dei Verbum, số 25.
59 Khóa học này khác với khóa mục vụ phải tổ chức ngay sau khi thụ phong, đã nói trong Sắc lệnh về việc Ðào Tạo Linh Mục Optatam Totius, số 22.
60 Xem CÐ Vat II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, số 17.
18* Ðối với các linh mục, việc học hỏi thêm, việc trao đổi liên tục về kiến thức và văn hóa phổ thông rất cần thiết trong thời đại chúng ta. Thiếu tinh thần ấy, chức vụ của các ngài không thể đáp ứng đúng với những đòi hỏi của thời đại trong việc rao truyền Phúc Âm.
61 Xem Mt 10,10; 1Cor 9,7; 1Tm 5,18.
62 Xem 2Cor 8,14.
63 Xem Ph 4,14.
64 Xem Gio 3,16.
65 Xem 1P 2,5.
66 Xem Eph 2,22.
67 Xem Pont. Rom., Lễ phong chức Linh Mục.
68 Xem Eph 3,9.
69 Xem Col 3,3.
19* Toàn thể nội dung của Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục là một trợ giúp được cống hiến cho các Linh Mục trong những hoàn cảnh cụ thể chi phối chức vụ của các ngài. Chúa Thánh Thần luôn thúc đẩy Giáo Hội khai mở những con đường mới và qua hoạt động mục vụ, Ngài gợi lên những thích nghi cần thiết phải có.
(Trong chiều hướng này, tham khảo thêm Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay).
Tags: Vatican-II
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- GHI CHÚ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ TÀI LIỆU CHUNG KẾT THĐ
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ