THÁCH ĐỐ MỤC VỤ TẠI CÁC GIÁO XỨ – TÂN PHÚC ÂM HÓA Ở MỘT Á CHÂU ĐANG THAY ĐỔI NHANH CHÓNG (2)

Written by lcd on Tháng Năm 31st, 2015. Posted in Giáo Hội Hiệp Thông, Lm Lê Công Đức, Thế Giới, Thiên Phong, Truyền giáo

8. Chủ nghĩa cực đoan đáp trả tình trạng tục hóa thái quá và sự sỉ nhục tập thể

Với việc loại bỏ những sự chắc chắn và lòng trung thành thuộc tôn giáo, nhiều người dứt khoát quay sang chủ nghĩa cực đoan để tìm kiếm nền tảng chắc chắn làm điểm tựa cho thế giới ý tưởng và các xác tín của mình. Ở Á Châu, hiện tượng này mặc lấy một chiều kích mới trong các xã hội  từng bị sỉ nhục thê thảm hồi còn ở trong thời thuộc địa. Vì thế, ở nhiều nơi chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đã liên kết chặt chẽ với cuộc khôi phục văn hóa và chủ trương cấp tiến chính trị.

Koenraad Elst nói rằng xã hội Ấn Độ cảm thấy mình bị sỉ nhục trong một nghìn năm dưới sự thống trị cả về chính trị và văn hóa bởi các thế lực Hồi giáo và Kitô giáo (Elst 2001:9). Những người Hồi giáo cảm thấy mình bị tổn thương về cách đối xử của phương tây đối với các quốc gia Hồi giáo và về việc cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của họ, mà họ coi là sự ngạo mạn của người Kitô giáo. Các nhóm tôn giáo khác, như các tín đồ Phật giáo, cũng bày tỏ nỗi bất bình tương tự như thế.

Dù đúng hay sai, thật quan trọng việc chúng ta lưu tâm đến tâm thức tập thể của một cộng đồng bức xúc. Việc lên án cách chung chung những xã hội này về yếu tố cấp tiến trong đó sẽ chẳng ích lợi gì. Nên khởi xướng một hình thức trao đổi đối thoại nào đó. Các nhà tâm lý cho ta biết rằng những ai mang một mặc cảm tự ti sẽ luôn cố tìm cách khẳng định. Ta cần cảm thông với họ, ngay cả khi ta thấy rằng không thể đồng ý với họ trong mọi chuyện.

Ngày nay chúng ta cần những người làm cầu nối, những người cho dù gặp lắm khó khăn với những kẻ cực đoan hay cấp tiến vẫn cố gắng tìm kiếm một thế giới quan chungcác giá trị đạo đức chung, cũng như một lối tiếp cận chung đối với các vấn đề toàn cầu. Phaolô nhắc nhở: “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, và anh em phải biết đối đáp sao cho phải với mọi người” (Cl 4,6).

Chúng ta cũng không thể xác quyết rằng cộng đoàn Kitô hữu hoàn toàn miễn nhiễm đối với tư tưởng cực đoan. Sự tăng số các giáo phái nghiêng chiều về việc giải thích Kinh Thánh theo nghĩa mặt chữ và rao giảng với giọng điệu hung hăng có thể được xếp vào loại đó. Gần đây họ nhận thêm sức mạnh khi đương đầu với sự hung hăng của những người quảng bá chủ nghĩa vô thần và tư tưởng duy vật thô lậu như Christopher Hutchins và Richard Dawkins, cũng như những cường điệu của các nhóm cực đoan trong các tôn giáo khác.

Nhiều bạn trẻ Kitô giáo chúng ta bị cám dỗ theo hai hướng: một số chọn rời bỏ thực hành tôn giáo với không chút cắn rứt lương tâm, số khác thì cảm thấy bất an khi đối mặt với trào lưu thế tục hóa diễn ra mạnh mẽ, họ dứt khoát đi tìm những lối biểu hiện đức tin xuyên qua cảm xúc và lời nói. Nhà rao giảng Tin Mừng nên quan tâm giúp đỡ những nhóm khác nhau như thế. “Hãy luôn sẵn sàng đáp lời với mọi người chất vấn anh em về mối hy vọng có trong anh em, nhưng với sự dịu dàng và tôn trọng” (1Pr 3,15).

9. Cần tránh những sự phóng đại, và phải cởi mở với mọi người, mọi nhãn quan

Giữa những tiếng nói đa tạp, ầm ĩ như thế, chúng ta cần đem lại sự cân bằng nào đó cho mọi sự. Đó là câu trả lời cho cả những người ủng hộ trào lưu thế tục hóa lẫn những người cực đoan. Khi người ta phóng đại các quan điểm của mình, dù về phía thế tục hay về phía tôn giáo, họ đều đang đâm đầu vào xung đột. Chúng ta cần ý thức sự thực này. Cần phải có tinh thần tự phê bình để điều chỉnh việc quá tin tưởng vào phía này hay phía kia.

Cách đúng đắn để Phúc âm hóa là trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da và trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa; trả cho mỗi lĩnh vực hoạt động của con người những gì thuộc về nó và qui hướng sự chú ý vào những gì là cốt yếu của con người. Đó là vượt qua những sai lầm của quá khứ và các lý do xung đột trong hiện tại. Đó là thừa nhận rằng không có tôn giáo hay hệ thống đạo đức nào đáng bị lên án chỉ vì những sai phạm về đạo đức nơi một số môn đồ của nó. Đó là chung tay với những người thuộc các niềm tin khác nhằm phụng sự cho lợi ích chung: ví dụ, các giá trị đạo đức, tự do, cải cách, các quyền của cá nhân, thăng tiến phụ nữ, tôn trọng sự đa dạng; quyền phụ nữ, quyền của người thiểu số.

10. Hòa giải các cuộc đối đầu, lựa chọn sự cân bằng, ủng hộ Trung Đạo

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nói rằng chính khi một người đưa ra quyết định đúng với đạo đức là lúc họ giống Thiên Chúa nhất. Kinh nghiệm sứ mạng thừa sai cho ta thấy rằng sự quyết định có tính quân bình, tránh mọi kiểu phóng đại, là điều rất quan trọng cho hiệu quả hoạt động tông đồ. Chúng ta bước tới như Thiên Chúa thúc đẩy và như các hoàn cảnh yêu cầu mình. Chúng ta biết cách hòa điệu Lý trí và Tôn giáo. Một mặt chúng ta muốn hiện đại; nhưng mặt khác chúng ta cũng muốn trung thành với di sản Kitô giáo chung của chúng ta, và với di sản văn hóa riêng biệt của mỗi chúng ta.

Chúng ta muốn cởi mở đối với các phát hiện mới của khoa học: xã hội học, tâm lý học, sinh học, kinh tế, các ngành khoa học khác; nhưng chúng ta không muốn nhượng bộ về các điều cơ bản của đức tin, của các truyền thống Công giáo. Chúng ta chấp nhận sự kiện rằng có sự thay đổi không ngừng trong một xã hội năng động và trong Giáo Hội; nhưng lương tri đòi hỏi chúng ta phải đảm bảo được tính liên tục và giữ gốc rễ. Chúng ta tin tưởng vào sự năng động của thế hệ trẻ; nhưng chúng ta cũng tôn trọng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của các thế hệ lớn tuổi. Chúng ta dựa vào các nguồn lực nhân loại trong những tình huống khó khăn; nhưng chúng ta cũng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và tìm kiếm sự trợ giúp của Người. Tại Ấn Độ, chúng ta nói về Trung đạo của Đức Phật. Các học giả thời Trung cổ thường nói “in medio stat virtus” (nhân đức là ở chỗ trung dung).

Chúng ta hãy tiếp tục danh sách này (trung dung giữa hai mặt):

-Thiêng thánh thế tục

-Thần bí (linh đạo cá nhân) tinh thần ngôn sứ (dấn thân cho một xã hội rộng lớn hơn)

-Thái độ vui vẻ thái độ nghiêm túc đối với các vấn đề vốn hệ trọng

-Quyền bính Tự do

-Kỷ luật Nhân đạo

-Những vấn đề trước mắt Các mối quan tâm tối hậu, Mục tiêu tối hậu

-Chủ nghĩa duy tâm Chủ nghĩa hiện thực

-Sự khắc khổ sự chừng mực

-Sự tử tế tính hiệu quả

-Nền kinh tế Việc bảo vệ môi trường, văn hóa, các giá trị, sự phân phối, Niềm vui của Tin Mừng

-Hiệu quả trong sản xuất Công bằng trong phân phối, rộng rãi trong chia sẻ

-Sự tự lực tài chính định hướng hiệu quả tông đồ

-Các lợi ích địa phương Những mối quan tâm toàn cầu (EG 234-36)

-Các lợi ích quốc gia Tầm nhìn phổ quát

-Các mối quan tâm đối với giáo xứ sự cởi mở mang tính Công giáo

-Sự hoàn thành cá nhân sự dấn thân cộng đồng

-Khuôn khổ (kỷ luật đời tu) tình trạng hỗn loạn, vô tổ chức, thiếu dấn thân (trong đời tu)

-Cấp tiến Bảo thủ

(Thật lạ là người ta có thể rất cấp tiến trong một lãnh vực, nhưng cực kỳ bảo thủ ở lãnh vực khác, rất cấp tiến trong kỷ luật tôn giáo và các qui tắc phụng vụ nhưng có thể cực kỳ bảo thủ trong các vấn đề công bằng xã hội!)

Tông huấn Evangelii Gaudium số 229 có riêng một danh sách:

-Trời Đất

-Thiên Chúa con người

-Thời gian Vĩnh cửu

-Xác thịt tinh thần

-Cá nhân Xã hội

-Cá thể (căn tính riêng) Cộng đồng (EG 235)

Đã có nhiều sự nhấn mạnh trong triết học và thần học để trả lời cho những sự phóng đại nào đó theo các hướng khác nhau. Các sinh viên học lịch sử tư tưởng cần phải hiểu điều này, để có thể đánh giá đúng một số trường hợp quá cường điệu và tránh sống kiểu phản ứng thiếu suy nghĩ đối với quá khứ.  

Điều vô cùng khó, đó là phát triển một nhãn quan toàn diện về mọi sự, thu họp các quan điểm đối lập lại với nhau, và làm việc để phối kết các chân trời khác nhau. Nếu chúng ta chia rẽ trong các cộng đồng và trong tư tưởng của chúng ta, nếu ta phân cực trong các cuộc tranh luận của chúng ta, thì chúng ta sẽ chẳng thể đạt được kết quả nào trong lĩnh vực tông đồ.

11. Thích nghi chính mình với tất cả các nền văn hóa và các cộng đồng

Hoạt động nơi các nền văn hóa, những người loan báo Tin Mừng cần biết tự thích nghi với những nhóm người khác nhau. Cần lưu ý về những khác biệt trong thế giới quan, mô hình văn hóa, hệ thống ý nghĩa, và tâm lý tôn giáo của các cộng đồng khác nhau khi ứng xử với người ta thuộc các nền văn hóa khác, tại trường học, ký túc xá, cơ sở giáo dục, trung tâm y tế, các hoạt động phát triển xã hội và các bối cảnh mục vụ .

Các nhà thừa sai nên nhớ rằng mỗi cộng đồng đều có cách riêng để nhìn sự vật và đối xử với nhau. Bạn có thể mắc những sai lầm nghiêm trọng nếu bạn quá cứng rắn ở nơi mà một lối tiếp cận nhẹ nhàng thì dễ chấp nhận hơn đối với một cộng đồng, hoặc vì bạn bỏ mặc cho người ta định đoạt mọi sự ở nơi mà người ta cần sự liên can trực tiếp của bạn hơn. Có những chuyện mà đối với cộng đồng này là đáng kính và trang nghiêm lại là nhạt nhẽo và đáng dè dặt đối với cộng đồng khác. Người ta thể hiện cảm xúc của mình theo những cách khác nhau: thân mật hay khó chịu, ngạc nhiên hay sốc, quan tâm hay thương cảm, nồng nhiệt hay lạnh nhạt, chấp nhận hay từ chối. Các cảm nghĩ như thế đôi lúc được thể hiện rõ ràng trong lời nói, lúc khác thì chỉ xuyên qua các ám chỉ gián tiếp. Một số người thích ngụ ý hơn cụ thể, thích đề nghị hơn tuyên bố, thích biểu lộ ý kiến của họ qua sự thinh lặng hay ngôn ngữ cơ thể (lắc đầu, nháy mắt, mỉm cười hoặc cau mày) hơn là nói rõ ràng hay quả quyết.

Một số vấn đề hệ trọng lại được thì thầm bên tai, chứ không được công bố trên các nóc nhà. Người tây phương thường thích thẳng thắn, người đông phương tìm cách để không làm mất lòng. Thái độ của con cái đối với cha mẹ, của các thành viên trẻ đối với những người lớn tuổi, của các chàng trai ở giữa các cô gái, cách thức mà họ tỏ ra tôn trọng những bậc trưởng thượng hoặc người tu hành sẽ khác biệt tùy theo các truyền thống khác nhau của mỗi cộng đồng. Những gì mà người này xem là tự tin và cởi mở có thể lại là kiêu ngạo và phiền nhiễu đối với người khác. Có người thích lối nói giảm, nói tránh (uyển ngữ), người khác lại khoái tô vẽ thêm. Việc thưởng hay phạt, hay cách thi hành thuởng phạt có thể khác nhau. Cách gợi ý giúp đỡ, kêu gọi hợp tác, mở ra phạm vi tham gia, tìm kiếm sự đồng thuận, bày tỏ quan điểm bất đồng, nhận thức về thời gian, chú trọng tính đúng giờ, vai trò của cá nhân trong gia đình và xã hội, vị thế của người lớn, cách xưng hô với nhau… tất cả những điều này đều tùy thuộc vào nền văn hóa.

12. Quan tâm đến tâm thức tập thể của các cộng đồng

Từ sau vụ sập tòa Tháp Đôi, ở Mỹ người ta đã thay đổi tâm thức đối với tôn giáo. Tương tự như thế, sau một cuộc xung đột địa phương hay sau một đợt thiên tai như sóng thần Tsunami, người ta hướng về Thượng Đế và trở nên chú trọng cả về những trách nhiệm con người của mình.

Các nhà sử học nhận thấy có một sự khác biệt lớn trong tâm thức tập thể và quan điểm chung của người dân các nước tây phương trước và sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Ý thức cộng đồng và niềm tin về các khả năng của con người đã hoàn toàn thay đổi. Trước khi chiến tranh bùng nổ, người ta đã rất đỗi tự tin về các tiềm năng của con người đồng thời quá lạc quan về ‘tính bản thiện’ của con người. Những thái độ phi lý của các nhà lãnh đạo và các hành động tàn ác vô nhân đạo được chứng kiến trong suốt cuộc chiến tranh đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ đó. Chiều hướng bi quan của nhiều triết gia học hiện sinh bắt nguồn từ những kinh nghiệm bi đát của thời chiến và những quan điểm vô lý mà ngay cả những người trí thức cũng mắc phải trong các thập kỷ phân hóa sâu sắc tiếp theo.

Và sau này, bi kịch của các cuộc Chiến tranh thế giới và kinh nghiệm của cuộc Chiến tranh lạnh, sự xói mòn của các nền văn hóa, sự thay đổi trong các kiểu dạng năng lượng thế giới, thắng lợi của cạnh tranh, sự buông theo chủ nghĩa cá nhân, suy thoái kinh tế kéo dài, và dân số già đi dần… đã ảnh hưởng đến tâm thái tập thể của thế giới tây phương.

Tương tự, các nước thuộc Thế giới thứ ba cũng có những ký ức của riêng mình: về sự chinh phục và nô dịch, sự thức tỉnh dân tộc nhờ giáo dục của phương Tây, cuộc đấu tranh giải phóng; những khó khăn trong việc ứng xử với sự tự do vừa giành được; sự tự tôn dân tộc trong xã hội của họ và sự hung hăng ý thức hệ; những kinh nghiệm tương tự như thế đã lưu dấu trong thế giới cảm xúc tập thể của từng xã hội, làm méo mó nền văn hóa của xã hội, mỗi trường hợp theo một cách riêng.

Còn có những khác biệt khác nữa: nếu đã có kinh nghiệm về nội chiến, xung đột sắc tộc, những hỗn loạn chính trị, nạn tham nhũng, những biến động của nền kinh tế, các trào lưu thế tục hóa, sự xói mòn các nền văn hóa, sự đánh mất các giá trị, mỗi cộng đồng mỗi khác tùy theo kinh nghiệm của mình. Sự đan xen các nền văn hóa càng làm cho các hoàn cảnh thêm phức tạp. Trong các bối cảnh như vậy, người loan báo Tin Mừng bắt buộc phải lưu ý những khác biệt như thế trong tâm thức tập thể của các cộng đồng khác nhau, liên hệ với mỗi cộng đồng theo một cách thế phù hợp và có ý nghĩa, để mình có thể trở nên “mọi sự cho mọi người”.

13. Những ký ức tiêu cực về các thương tổn mang tính lịch sử

Trong các thời điểm khó khăn, chúng ta có xu hướng chú ý đến các nguyên nhân trực tiếp của các xung đột, mà quên rằng phần nhiều nguyên nhân phát sinh do những ký ức tiêu cực về các thương tổn mang tính lịch sử vẫn còn tồn tại trong tâm trí của các cá nhân và xã hội. Trừ khi chúng được chữa lành và các định kiến được tháo gỡ, bạo lực chắc chắn sẽ lại bộc phát.

Hầu hết các nhà hoạt động xã hội ngày nay ý thức sâu sắc về những bất công có tính cơ cấu cần phải được điều chỉnh, nhưng lại không nhận ra những bất công lịch sử vốn yêu cầu sự chữa trị khẩn thiết những ký ức tập thể của một xã hội. Trong trường hợp thứ hai, các liệu pháp phải được cung cấp không phải cho các cấu trúc của xã hội, nhưng là cho các chiều sâu tâm lý của một cộng đồng: cho thế giới cảm xúc tập thể, các thái độ, các động lực, những nỗi sợ hãi, nghi ngờ, định kiến.

Nhiều khi những người đấu tranh cho công lý bị mắc kẹt trong các vấn đề khác. Trong khi chúng ta một mực tôn trọng những chiến sĩ đấu tranh cho công lý cách chân chính – là những người được thúc bách bởi một tình yêu chân thành dành cho những người bị tước đoạt, và là những người hoàn toàn vô vụ lợi – thì chúng ta phải thừa nhận rằng một số “chiến sĩ” công lý này, chỉ là chiến sĩ theo tính khí hay theo thói quen thôi. Họ sử dụng phần hung hăng trong tính cách mà họ đã nuôi dưỡng để giữ vị trí lãnh đạo trong cộng đồng của họ; cũng có thể là những kẻ thủ đoạn hơn đang sử dụng họ để thu lợi riêng cho mình. Nhiều khi một cộng đồng tự chọn những phát ngôn viên biến chất để nói lên những yêu sách của mình, một số trường hợp vượt quá mức thích đáng.

Điều này, đến lượt nó, lại kích động thêm sự kháng cự từ phía chống đối. Trong khi đó các vấn đề công lý thực sự lại bị gạt ra, và những nạn nhân thực sự thì bị bỏ mặc. Những gì khiến công luận chú ý là cái tôi của các nhà lãnh đạo và lập trường tập thể của các nhóm gây áp lực.  Bên chịu thiệt sẽ bị quên lãng trong cuộc đổi chác. Nhiệm vụ của những người rao giảng Tin Mừng được thần khí thúc đẩy đó là sát cánh với các nạn nhân thực sự và cung ứng mọi sự trợ giúp có thể, nhất là nâng đỡ  ‘niềm hy vọng’  nơi họ và chỉ cho họ một lối bước đầy tính xây dựng về phía trước.

(còn tiếp 2 kỳ)

Trần Thanh Huỳnh dịch – Lê Công Đức biên tập

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30