THÁCH ĐỐ MỤC VỤ TẠI CÁC GIÁO XỨ – TÂN PHÚC ÂM HÓA Ở MỘT Á CHÂU ĐANG THAY ĐỔI NHANH CHÓNG (3)

Written by lcd on Tháng Năm 31st, 2015. Posted in Giáo Hội Hiệp Thông, Lm Lê Công Đức, Thế Giới, Thiên Phong

14. VIỆC CHỮA LÀNH NHỮNG KÝ ỨC TẬP THỂ

Về mặt lịch sử, chúng ta đã làm tổn thương nhau trong tư cách là những nhóm chủng tộc, những quốc gia, hay những nền văn minh. Một phần của công việc phúc âm hóa là chữa lành các ký ức khỏi những vết thương lịch sử này ở các cấp độ chủng tộc, văn hóa, quốc gia và ngay cả văn minh nữa. Điều đó thì không dễ. Chính đây là chỗ mà chúng ta thường thất bại. Ngay cả một người tầm cỡ như Mahatma Gandhi cũng đã nói rằng mình thất bại. Song chúng ta biết rằng việc chữa lành các ký ức là việc làm của Thiên Chúa.

Có những ký ức về những sự tổn thương giữa các Tôn Giáo, các Giáo Hội, các Giáo Phái, các Nghi Lễ, các Dòng; giữa các Cơ Sở Giáo Hội, các tổ chức, các hiệp hội, các nhóm, các người lãnh đạo, các thành viên, giữa các thế hệ thừa sai; giữa các giới tính, các màu da, các đẳng cấp, các tầng lớp, các nhóm tuổi, các nhóm chủng tộc, các nhóm tôn giáo; giữa những cộng đồng người nước ngoài và người bản địa, giữa những người giàu hơn và những người nghèo hơn, giữa giáo viên và sinh viên, cha mẹ và con cái, nhà đào tạo và người được đào tạo, giáo sĩ dòng và giáo sĩ địa phận, giáo sĩ và giáo dân, những người nắm quyền và các thuộc cấp. Thật là một sứ mạng to lớn việc mang sự chữa lành đến với những người bị tổn thương.

Trong bối cảnh mục vụ, chúng ta gặp thấy một cộng đồng-làng xã, cộng đồng-giáo xứ, một cộng đoàn tu sĩ hay một tỉnh dòng còn đọng lại những ký ức tiêu cực trong tương quan với những người thực thi quyền bính trên họ vào một thời kỳ trước đây. Nó nhắc chúng ta là những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người đang thi hành bất k loại quyền lực nào ở bất k cấp độ nào, phải phát triển một ý thức trách nhiệm để không bao giờ lợi dụng vị thế của mình cho những mục tiêu ích kỷ, vốn sẽ để lại những ký ức cay đắng. Toàn bộ truyền thống ngôn sứ đều chống lại bất k quyền bính tôn giáo nào thu lợi từ ơn gọi của mình. Những sự lạm dụng như vậy sẽ không còn tính thiêng thánh nào (đền thờ, luật lệ, các truyền thống, các thực hành, các việc đạo đức). Mỗi tín hữu đều có một bổn phận tôn giáo là góp phần vào việc chữa lành những ký ức tiêu cực như thế và những hệ quả của những kinh nghiệm tiêu cực ấy. Đó là một sứ mệnh đem lại niềm vui.

Vì đã làm việc trong lãnh vực hòa giải giữa những cộng đồng xung đột nhau trong hai thập niên, tôi biết ý nghĩa của sự tức giận tập thể. Nó kinh khủng. Công việc làm nguôi giận đã trở thành tâm điểm sứ vụ thừa sai của chúng ta hầu như ở khắp nơi ngày nay: sự tức giận của tầng lớp này chống lại tầng lớp kia, đẳng cấp chống lại đẳng cấp, nhóm chủng tộc chống lại nhóm chủng tộc, bộ tộc chống lại bộ tộc, nhóm tôn giáo chống lại nhóm tôn giáo, ý thức hệ chống lại ý thức hệ, quan điểm thần học chống lại quan điểm thần học, lợi ích kinh tế chống lại lợi ích kinh tế, tham vọng quốc gia chống lại tham vọng quốc gia, liên minh chính trị chống lại liên minh chính trị. Chúng ta có thể trở thành những con “Chiên Thiên Chúa”, những người cất đi “sự Tức Giận của Thế Giới” được hay không? Ít ra là làm giảm thiểu sự tức giận đó? Trong khi chúng ta ca lên với các thiên thần “Bình an cho người thiện tâm” (Lc 2, 14), chúng ta có thể giúp làm sản sinh “thiện tâm” này, cái bona voluntas dường như đang thiếu vắng ấy hay không?

Luận cứ chính của Nghiên cứu lịch sử đồ sộ của Arnold Toynbee đã nói rất chính xác rằng bạo lực tập thể trong một chiều hướng thường là một sự đáp lại bạo lực xảy ra trước đó theo hướng ngược lại. Chỉ có một sự chữa lành các ký ức mới có thể đem lại một thế giới ít mang tính hủy diệt hơn. Trong những năm gần đây, những buổi cầu nguyện và tưởng niệm những người đã chết đã diễn ra tại các địa điểm liên quan đến các cuộc chiến, với những vết thương tập thể chưa được chữa lành hay không được nhận biết: Verdun, Gettysburg, Auschwitz, Hiroshima (Russ Parker, Healing Wounded History, Darton, Longman & Todd, London, 2001, 57). Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách trả lời của mình đối với quá khứ.

15. CHĂM LO CHO NỖI ĐÓI KHÁT CỦA CON NGƯỜI ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA

Chúng ta đã nhắc đến chủ nghĩa cực đoan đang nổi lên dưới nhiều dạng khác nhau trên sân khấu thế giới. Hiện tượng mới này ít nhất cho thấy một điều: rằng tôn giáo vẫn còn thích hợp, còn đang sống, nó ảnh hưởng đến người dân và xã hội. Tạ ơn Chúa đã có một sự hồi sinh nỗi đói khát Thiên Chúa ngay cả ở nơi mà niềm tin tôn giáo xem ra đang bị suy yếu: sự quan tâm lớn đối với những cuộc hành hương tới các đền thánh, những Ngày Giới trẻ thế giới, các cuộc hiện ra, các sứ điệp huyền bí, kinh nghiệm cầu nguyện của Taizé; có sự năng động trong các phong trào xã hội và các tổ chức bác ái. Đời sống thánh hiến đang tự đổi mới cả trong những dạng thức truyền thống lẫn trong các hình thức mới được khởi hứng nhờ bản chất triệt để của Tin Mừng. Người dân đang đông đảo kéo đến các nhà thờ chính tòa và các đền thánh: tới Compostella, Lộ Đức, Fatima hay Czestachwa (Taylor 59), Vailamkani hay Bandel.

Những vị lãnh đạo Giáo Hội được đề cập trên tin thời sự. Tiếng nói của Kitô hữu được đưa lên phương tiện truyền thông. Nhưng điều thực sự quan trọng, đó là sứ điệp có thể khởi đi từ những giả định văn hóa và những thực tế xã hội của thời đại chúng ta. Người dân ở Châu Á, một cách đặc biệt, cho thấy rằng họ yêu mến các nơi thánh, tôn trọng các nhân vật tôn giáo, ngưỡng mộ chiều sâu thiêng liêng. Rõ ràng là có hi vọng. Những tình trạng nghèo đói, bất công, tham nhũng và xung đột đòi hỏi một tiếng thầm thì hi vọng, một lời khích lệ, một lời hứa trợ giúp, một tầm nhìn về tương lai. Đó là những điều người làm mục vụ sẽ cung ứng.

16. MỘT KHOA SƯ PHẠM TRUYỀN THÔNG

Rồi người ta đang đòi hỏi thứ gì đó còn sâu xa hơn là sự sống còn chỉ về mặt kinh tế mà thôi. Nhưng ta cần tự nhắc mình rằng khi chúng ta trao tặng món quà Lời Chúa cho những loại người khác nhau, thì nhịp độ tiến triển và phương cách tiếp cận sẽ khác nhau tùy theo tâm trí sẵn sàng, sự cởi mở hay sự đề kháng trong tâm lý mỗi người. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng có một khoa sư phạm truyền thông trong việc trình bày Đức Tin, vốn cần phải dựa trên tâm lý tôn giáo của mỗi cộng đồng hay mỗi người. Chúng ta cần phải sáng tạo, dẫn đưa mỗi người đi từ những gì quen thuộc đến những gì ít quen thuộc hơn, liên kết những ý tưởng mới mẻ với những điều đã cũ trong truyền thống của mỗi người.

Những sự thay đổi tận căn, được đưa vào một cách vội vàng, có thể gây ra một cảm thức bất an và sợ hãi, và thậm chí những đề nghị tốt lành cũng có thể bị kháng cự hay bị vứt bỏ. Nói chung, chúng ta sẽ thấy những ý tưởng mới dễ giành được sự chấp nhận, (1) nếu chúng được trình bày bằng ngôn ngữ được rút ra từ lối nói bình thường hằng ngày và với những hình ảnh từ nền văn hóa đang thịnh hành, (2) nếu chúng ta thiết lập một mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, và (3) nếu chúng ta xây dựng những nhịp cầu liên kết những ý tưởng được đề ra với các nhu cầu của người ta.

17. MỖI NGƯỜI ĐỀU ĐỘC ĐÁO

Trong sứ mệnh cao cả này, chúng ta không thể áp dụng “cách tiếp cận mang tính bầy đàn” được. Việc chúng ta công bố sứ điệp lớn tiếng và rõ ràng, với năng lực và sự xác tín, với sự tin tưởng vào sự thật của mình thôi thì chưa đủ. Duy chỉ một sự tiếp cận chuyên nghiệp cũng sẽ không thuyết phục: ví dụ thuyết giảng như những chính khách, đi vận động như những nhân viên thương mại, tìm kiếm sự chú ý như những nhà truyền thông chuyên nghiệp, sử dụng các thiết bị kỹ thuật như các nhân viên truyền thông. Xã hội đã quen với những trò quảng cáo này. Người ta đã trở nên đề kháng với những quảng cáo rẻ tiền rồi. Người ta có những khái niệm khác nhau về sự thật và cảm thức khác nhau về nghĩa vụ làm thế nào để liên hệ với sự thật đó; những khái niệm khác nhau về tôn giáo và nhận thức khác nhau về tính phù hợp của tôn giáo với cuộc sống của họ; những hệ thống giá trị cá nhân khác nhau và những chiều sâu khác nhau mà họ đã thủ đắc chúng.

Mỗi người là độc đáo. Chúng ta phải nương theo bước sóng của mỗi người trong một cách thế hoàn toàn độc đáo. Đức Giê-su bắt gặp Da-kêu tại thời điểm hiếu k của ông, Matthêu tại đỉnh cao trong thành tích kiếm tiền của ông, viên đội trưởng La Mã khi tham gia vào bổn phận hành hình tội nhân. Philipphê bắt gặp viên thái giám người Êthiôpia đang đọc một bản văn Thánh Kinh; Phaolô thuyết phục Lydia trong lúc cô quan tâm đến việc kiếm được nhiều khách hàng mới cho sản phẩm của cô khi mà người ta đang lắng nghe vị tông đồ. Danh sách còn dài, nhưng mỗi trường hợp đều có thể được nghiên cứu một cách thú vị. Hầu như không có hai trường hợp nào có vẻ tương tự với nhau một cách hoàn toàn.

18. TRÌNH BÀY CHO DÂN CHÚNG KHÔNG PHẢI NHỮNG KỸ NĂNG NHƯNG LÀ ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA

Nhưng dường như trong mỗi trường hợp, tính cách và bản năng sáng tạo của người loan báo Tin Mừng đóng một vai trò to lớn. Nhiều khi một người loan báo Tin Mừng thấy bất an và e ngại việc để cho người đối thoại với mình đến quá gần mình. Anh ta sợ ánh mắt dò xét của người đối thoại sẽ đánh giá anh ta và theo đó mà đánh giá những lời của anh ta. Anh ta cảm thấy tính cách của mình rất không lôi cuốn. Sự lo lắng của anh ta là chính đáng, vì những lời nói của anh ta không thể có giá trị hơn chính anh ta.

Đó là lý do tại sao chúng ta vui khi tỏ lộ cho người ta biết sự uyên thâm của mình, tài hùng biện của mình, những kỹ năng giảng dạy của mình, những kỹ thuật tổ chức của mình, những cơ cấu của mình, chứ không phải là chính chúng ta và đức tin của mình. Khi chúng ta không đủ qui về Thiên Chúa, không đủ tận tâm, không đủ quên mình, không đủ hướng về người khác, không đủ quảng đại, không đủ tốt bụng và sốt sắng, thì chúng ta dường như là thứ gì khác chứ không phải là mẫu người theo Tin Mừng. Đó là lý do chúng ta lúng túng. Đó là lý do tại sao những lời nói của chúng ta không có sức thuyết phục và chúng ta đã đánh mất những kỹ năng thuyết phục từ lâu. Lời thì thầm của Mẹ Têrêsa đã lay động hàng triệu người.

19. PHONG CÁCH ĐỨC GIÊSU TRONG VIỆC SỬ DỤNG CÁC HÌNH ẢNH VIỆC TỰ THÍCH ỨNG VỚI DÂN CHÚNG

Điều mà chúng ta tìm kiếm trước hết là chính Đức Giê-su và phong cách diễn đạt của Người. Nơi Người chúng ta tìm thấy sự đa dạng đến kinh ngạc khi truyền thông : những hình thức kịch tính hóa khác nhau, rút ra một bài học sau một sự chữa lành hay sau một phép lạ, khiển trách Phê-rô với một cái nhìn, sử dụng những hình ảnh với hiệu quả tác động sâu sắc, đưa cuộc đối thoại với các cá nhân đi đến chiều sâu. Khoa sư phạm Người sử dụng thật lạ lùng.

Trong những phong cách truyền đạt của Người, chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh. Chúng ta hãy lưu ý sự đa dạng trong :

-những dụ ngôn của Người,

những dụ ngôn bằng hành động (sự nguyền rủa cây vả, sự rửa chân),

những sự so sánh,

những bột phát trong bối cảnh các trạng huống đời sống thực,

-các trường hợp Đức Giêsu lên giọng,

những kiểu kịch tính hóa (gọi một đứa trẻ vào giữa “Nếu anh em không nên giống em nhỏ này”, viết xuống đất, trộn nước miếng với đất),

giọng điệu thuyết phục khi thách thức những kẻ mạnh (những đoạn “Khốn cho các người”),

-thái độ cởi mở với những kẻ bên ngoài đàn chiên (người phụ nữa xứ Syrô-Phênêxi, viên đội trưởng La Mã).

20. ĐỨC GIÊ-SU CHÚ Ý ĐẾN CÁCH SUY NGHĨ, TÂM TƯ CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC

Điều thú vị cần phải ghi nhận đó là Đức Giêsu hết sức chú ý đến thế giới bên trong của những người khác, cái thế giới làm cho Người có thể đối thoại với họ ở chiều sâu. Vì Người có thể đọc được những cảm nghĩ và tư tưởng của những người khác trước khi Ngài nói, nên những đáp ứng của Người rất phù hợp và hướng đích rõ ràng:

Matthêu 9,4 cho biết “Đức Giêsu hiểu điều họ đang nghĩ”

Luca 6,8: “Nhưng Đức Giêsu biết những suy nghĩ của họ”

Luca 9,47: “Đức Giêsu biết điều họ đang nghĩ…”

Luca 11,7: “Nhưng Đức Giêsu biết điều họ đang nghĩ nên đã nói với họ…”

Matthêu 12,25: “Đức Giêsu biết điều họ đang nghĩ nên đã nói với họ”

Vì vậy, những lời nói của Người đã tạo một ấn tượng sâu sắc trên dân chúng.

Cũng vậy, một Kitô hữu khi truyền đạt cần cố gắng thủ đắc một sự hiểu biết đầy tôn trọng về tâm trí của những người khác, nếu muốn thành công trong Sứ Mệnh Thuyết Phục: ví dụ trong việc loan báo Tin Mừng, việc đào tạo, việc giáo dục, việc mời gọi thăng tiến đời sống. Anh ta phải phân định và diễn dịch tâm tư và các thái độ của những người mà anh ta ao ước trao gởi Sứ điệp của mình đến cho họ. Điều này là cần thiết để tránh những phương thức không phù hợp và thiếu khôn ngoan đối với những người khác nhau và để truyền đạt một cách thuyết phục. Nhiều nhà giảng thuyết thấy hài lòng nếu họ tự tin về nội dung sứ điệp của mình và hăng hái muốn nói lên cách mạnh mẽ, đôi khi họ chọn một giọng điệu đối đầu và khiêu khích. Điều đó sẽ gây kết quả ngược lại.

21. SỰ NHẠY CẢM CỦA ĐỨC GIÊSU ĐỐI VỚI TH GIỚI CẢM NGHĨ VÀ CẢM XÚC CỦA NGƯỜI KHÁC

Sự sắc sảo của Đức Giêsu không chỉ trong địa hạt tư tưởng, nhưng còn trong địa hạt tình cảm nữa. Người có thể thấu hiểu những cảm nghĩ và những khao khát kín ẩn của người khác, nhờ đó Người đã đáp ứng và can thiệp một cách hữu ích. Người đi sâu vào trong thế giới cảm xúc và đề cập đến chúng. Người có một cách tiếp cận “nhân văn” với người ta và dùng âm giọng “cá vị” khi nói chuyện với từng người như người phụ nữ Samari, người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình, một phụ nữ đã rửa chân cho Người, người phụ nữ xứ Syrô-Phênixi, Matta, Maria, Da-kêu, Nathanaen, Tôma.

Người bày tỏ lòng trắc ẩn với đám đông dân chúng. Chẳng hạn, chúng ta đọc thấy trong Mc 8,2: “Đức Giêsu gọi các môn đệ đến với Người và nói ‘Thầy thương những người này, vị họ đã ở với Thầy được ba ngày rồi, và bây giờ không có gì để ăn’”. Người đã xao xuyến quá đỗi khi nghĩ về Giuđa (Ga 13,21). Và còn nữa: “Người đến gần thành hơn, và khi Người thấy thành, Người đã khóc thương thành” (Lc 19,41). Đức Giêsu đã khóc tại mộ Ladarô (Ga 11,35).

Có những lúc chúng ta có sứ mệnh phải khóc. Than khóc cũng là một phần của sứ vụ ngôn sứ, đặc biệt khi chúng ta cảm thấy hoàn toàn bất lực trước một sự dữ hay một thảm kịch quá mức đối với mình vào lúc nào đó; như ngày nay, khi chúng ta nghe hàng triệu vụ phá thai, bạo lực ở khắp nơi, tham nhũng ở mọi cấp độ, sự sụp đổ các giá trị luân lý. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã nói rằng cần phải khóc trước nạn bạo lực đang lộ rành rành ra đó.

Nói về sự than khóc ở đây, tôi muốn nói đến việc làm cho nỗi tiếc xót của chúng ta được trở nên hiển nhiên. Ngay cả thinh lặng chịu đau khổ cũng có sức hùng biện. Sự hiện diện thinh lặng của một Mẹ Têrêsa hay một Mahatma Gandhi đã làm thay đổi tình trạng của một xã hội tại một thời điểm cụ thể.

22. LỜI DẠY CỦA ĐỨC GIÊSU THÍCH ĐÁNG VÌ NÓ LUÔN ĐÁP ỨNG NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC TẾ

Phần lớn sứ điệp của Đức Giêsu được trao để đáp ứng những vấn đề vốn cho thấy tâm tư của những người hỏi. Chẳng hạn, chúng ta thấy Đức Giêsu trả lời cho câu hỏi:

-Matthêu 15,2 “Tại sao môn đệ các ông không tuân giữ lời dạy do những bậc tiền nhân của chúng ta truyền lại?”

-Macô 10,2 “Hãy nói cho chúng tôi, Lề Luật chúng ta có cho phép một người chồng li dị vợ mình không?”

-Luca 13,24 “Thưa Ngài, chỉ có ít người sẽ được cứu phải không?”

-Luca 18,18-19 “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?”

-Mt 19,16; Mt 21,28; Mc 7,5; Lc 5,30; 10,29; 10,40; 11,45; 18,26; 20,33; Ga 1,48; 2,18

Có lẽ chúng ta nên tự hỏi phải chăng việc chuyển giao đức tin của chúng ta chỉ là việc truyền đạt những gói thông tin. Có phải chúng ta chỉ trao những câu trả lời trong sách giáo khoa, được làm sẵn, rập khuôn, lạnh lùng, không có tính dấn thân, vô ngã vị, những câu trả lời bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ hay không? Chúng ta có đang biến mình thành chuyên gia trong việc trả lời những câu hỏi mà không một ai ngày nay đang hỏi (mặc dù đã được hỏi cách đây nhiều thế kỷ và đã đi vào trong các sách giáo khoa, hay là những câu trả lời chỉ làm thỏa mãn giới hàn lâm) và không trả lời được cho những câu hỏi đang thực sự được hỏi bởi các cá nhân người ta trong nỗi thống khổ riêng của họ, và bởi những cộng đồng mắc kẹt trong nỗi cay đắng tập thể?

(còn tiếp một kỳ)

TGM. Thomas Menamparampil, SDB.

Nguyễn Hoàng Vũ dịch, Lê Công Đức biên tập

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30