THÁCH ĐỐ MỤC VỤ TẠI CÁC GIÁO XỨ – TÂN PHÚC ÂM HÓA Ở MỘT Á CHÂU ĐANG THAY ĐỔI NHANH CHÓNG (4)

Written by lcd on Tháng Năm 31st, 2015. Posted in Giáo Hội Hiệp Thông, Lm Lê Công Đức, Thế Giới, Thiên Phong, Truyền giáo

23. ĐỨC GIÊSU CHẤT VẤN ĐỂ ĐÀO SÂU SỰ NHẬN HIỂU

Một đàng là để hiểu một sứ điệp và nhận thấy nó thỏa đáng. Nhưng đàng khác là để làm cho nó chạm đến cõi thâm sâu của người ta. Vì mầu nhiệm của Đức tin chúng ta thật là cao cả (1Tm 3,16). Tác giả Thánh vịnh đã thốt lên: “Tư tưởng Ngài thâm thúy lắm thay!” (Tv 92,5), và ít ai hiểu thấu những tư tưởng ấy. Nhưng ai thật sự hiểu được thì sẽ có thể cung ứng một sứ điệp sâu thẳm cho kẻ khác. Sách Châm ngôn dạy: “Lời miệng con người có thể là nguồn mạch khôn ngoan, là nước sâu thăm thẳm, là dòng suối tràn trề” (Cn 18,4).

Người Á Châu chúng ta xem trọng chiều sâu. Trọng tâm của việc Hội nhập Văn hóa ở Á châu là làm việc hướng đến chiều sâu này, chứ không chỉ mở các Tu viện, hoặc mặc tu phục theo kiểu người bản xứ (Mahatma Gandhi đã chủ ý né tránh điều này), hoặc tập chú vào bất cứ sự thích nghi bề ngoài nào.

Đức Giêsu muốn đào sâu sự nhận hiểu của thính giả Ngài bằng cách gợi suy tư qua việc đặt câu hỏi cách thông minh. Nhiều bậc tôn sư trong quá khứ như Socrates và Đức Phật cũng đã dùng cùng một phương pháp như thế. Thông thường Ngài tách các môn đệ riêng ra và đặt cho họ những câu hỏi để mời gọi suy ngẫm và đào sâu suy tư.

Mác-cô 3,4: “Luật cho phép chúng ta được làm gì trong ngày Sa-bát? Được giúp người hay làm hại người?”

Lu-ca 12,42: “Vậy thì ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan?”

Lu-ca 20,44: “Vua Đa-vít gọi Người là ‘Chúa’; vậy, làm thế nào mà Đấng Mê-si-a lại là dòng dõi của Đa-vít được?”

Lu-ca 7,42: “… rồi ông ta xóa bỏ hết số nợ cho cả hai. Vậy thì ai sẽ yêu mến chủ nợ nhiều hơn?”

Lu-ca 10,26: “Kinh Thánh đã nói gì? Anh em hiểu những điều ấy ra sao?

Nhiều khi Ngài trả lời một câu hỏi bằng cách đặt ra một câu hỏi khác: “Hãy cho chúng tôi biết Lề luật của chúng ta có cho phép một người đàn ông rẫy vợ không?” (Mc 10,2-3). Đức Giê-su trả lời với một câu hỏi: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” Cũng vậy, khi bị chất vấn trong Mc 11,28-29: “Ông có quyền gì mà làm những điều này? Ai đã ban quyền này cho Ông?” Đức Giê-su trả lời: “Tôi chỉ hỏi các ông một điều… Ông Gio-an đã lấy quyền làm phép rửa từ đâu vậy: từ Thiên Chúa hay từ phàm nhân?”

Có những lúc có sự “lên gân” trong những câu hỏi của Đức Giê-su. Chẳng hạn ta đọc Mc 8,17-20: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? … Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?”

24. ĐỨC GIÊSU HIỂU BẢN TÍNH MỎNG GIÒN VÀ BẤT QUYẾT CỦA CON NGƯỜI

Đức Giê-su có thể thông hiểu những tư tưởng và tình cảm của người ta, vì Ngài đã ngẫm suy về bản tính của con người. Điều này giúp Ngài có thể hành động, trong mỗi tình huống, phù hợp với đòi hỏi của tình thế: “Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy. Không cần ai nói cho Ngài biết về họ, vì chính Người biết trong lòng họ có gì” (Ga 2,24-25).

Những ai đoan nguyền trở thành người rao giảng Tin Mừng và người Truyền đạt Đức tin Ki-tô giáo phải là những chuyên gia về bản tính con người trong những bối cảnh đa dạng của sứ vụ, nhằm đáp ứng cách khôn khéo trong từng trạng huống. “Chúng ta, những con người vững mạnh (trong ngữ cảnh này nghĩa là: được chuẩn bị tốt, được giáo dục, được khai phóng, được rèn luyện và đào tạo tốt, có quyền bính, là bậc trưởng thượng) phải khoan thứ cho những thiếu sót của kẻ yếu đuối” (Rm 15,1). Sứ mạng có tính cách ngôn sứ của những người được học hỏi nhiều hơn đích xác là: thấu hiểu, khích lệ và giúp đỡ.

25. CỔ VÕ NHIỀU NẺO ĐƯỜNG KHÁC NHAU

Hơn nữa, trong truyền thống Ki-tô giáo, có nhiều nẻo đường thiêng liêng dẫn đưa đến Thiên Chúa. Không phải chỉ có một lộ trình độc nhất. Không bao giờ là điều tốt việc xem thường những cách thức vươn đến Thiên Chúa của kẻ khác. Tôi xin nêu lên đây một vài ví dụ.

  1. Một số người thiên về một sự hiểu biết tôn giáo có tính thuần trí năng giải nghĩa mọi sự bằng những thuật ngữ đậm chất triết học và phi cảm tính, với một cảm thức cao độ về tính minh bạch và tính khách quan. Họ khinh khi những thực hành đạo đức, những sự vật có tính mộ đạo, việc tuân thủ luật lệ tôn giáo và các cách biểu lộ đức tin mang sắc thái cảm tính.
  2. Tuy nhiên, hiện nay có một sự nhận thức và sự trân trọng mới đối với lòng đạo đức bình dân và những sự mộ đạo. Các nhà nhân học cho chúng ta biết rằng con người chỉ có thể làm cho đời sống chung của mình nên ý nghĩa qua việc sử dụng các lễ nghi và các biểu tượng, rằng họ được nối kết với nhau bởi thần thoại và huyền nhiệm; và rằng họ cần sự trợ giúp của những vật cụ thể mà họ có thể trông thấy và đụng chạm để nắm bắt những gì không thể thấy được.
  3. Nhóm người thứ ba cảm thấy bị thu hút mạnh mẽ bởi sự dấn thân xã hội. Đối với họ, niềm tin tôn giáo là vô nghĩa nếu nó không dấn thân cho các vấn đề công lý, quyền con người, phát triển xã hội, sự phục vụ quảng đại, sự lên án có tính ngôn sứ, những sự đấu tranh cho tự do và bình đẳng. Họ xem những thực hành đạo đức bình dân là mê tín và xem cách tiếp cận tôn giáo theo tri thức triết học là cao xa.
  4. Một nhóm khác nữa nghiêng chiều theo những điều thần bí. Họ được cuốn hút vào đời sống chiêm niệm, tránh xa khỏi những vấn đề thường nhật, và không thấy cảm kích trước những thành quả của các nhóm khác. Họ quý chuộng sự cô tịch và chiều sâu.

Ngoài bốn nhóm người tôi vừa đề cập, cũng có những sự nhấn mạnh khác trong cách diễn tả đức tin của chúng ta. Những người thuộc các nền văn hóa và văn minh khác nhau có thể cảm thấy nghiêng theo hướng này hay hướng khác. Không chiều hướng nào là hoàn thiện cả nếu thiếu những chiều hướng khác. Nếu mỗi nhóm cố gắng tránh những cường điệu, luôn tự kiểm điểm và nhận ra sự đóng góp của các nhóm khác, thì Giáo Hội thật sự sẽ là một nơi chốn hạnh phúc. Cuộc sống, rốt cục, là một cuộc thích nghi không ngừng nghỉ với nhau.

26. PHÁT TRIỂN MỘT CẢM THỨC CHIẾN LƯỢC, MỞ LỐI CHO NHỮNG PHÉP MẦU

Trong hoạt động tông đồ, chúng ta biết rằng chúng ta không thể làm bất cứ gì mình muốn. Nhiều khi việc chúng ta làm thật rất nhỏ bé nhưng kết quả lại lớn lao vô ngần. Điều này đã nhiều lần xảy đến trong đời của các nhà thừa sai vĩ đại và/hoặc ngay cả trong chính cuộc sống cá nhân mỗi người chúng ta. Những sự việc như thế xảy đến cách đặc biệt trong đời sống của những ai có một cảm thức chiến lược, là điều sản sinh ra hoa trái vượt trội so với nguồn lực đã được họ đầu tư. Trong bối cảnh truyền thông, nó giống việc sử dụng một cái micro: âm lực được khuếch đại thêm lên. Chính Chúa làm nên những điều kỳ diệu, và xem ra Người thường làm thế đến nỗi ta phải ngạc nhiên. Người khiến cho phần đóng góp nhỏ bé của chúng ta thu được kết quả bất ngờ.

Liên quan tới công cuộc sứ mạng thừa sai, tôi muốn nói đến địa điểm, thời gian, công việc… có tính chiến lược và cũng nói đến những con người với tiềm năng độc đáo, thường bị ẩn khuất với chính bản thân họ và với người khác. Trong bối cảnh chúng ta bị hạn chế về nguồn lực, khả năng và nhân sự, không còn cách nào khác hơn là tận dụng những gì ta có, hầu sinh hiệu quả nhiều hơn so với cách ta thường làm chẳng có mấy sáng kiến. Tôi xin miễn bàn về việc nên làm gì trong cục diện biến chuyển chóng vánh này. Có tính sáng tạo theo chiều hướng đó, đó là cách mà ta nên sử dụng những năng lực tốt nhất của mình. Tôi không đánh giá thấp những hình thức khiêm tốn nhất của việc tông đồ được thực hiện nơi này nơi khác, tại những vùng cách trở, hay cách tiếp cận cá nhân người ta và các phương thức giản đơn, vốn không bao giờ thay thế được. Luôn luôn có chỗ cho sự sáng tạo làm cho những việc nhỏ ta làm trở thành những việc kỳ diệu bất ngờ.

Những gì chúng ta làm có thể nhỏ bé, nhưng kết quả nó mang lại thì “Kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118,23). Phần đóng góp của chúng ta có thể là năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng một lúc nào đó sẽ có đến năm ngàn người được đầy no. Có rất nhiều diễn ngữ trong truyền thống Ki-tô giáo chỉ ra sự mọn hèn của phần đóng góp do bởi con người chúng ta, nhưng cho thấy hiệu quả khôn lường mà Chúa sẽ ban cho khi Ngài khứng nhận. Chúng ta cùng điểm qua những diễn ngữ như thế. Đn 3,39: Những gì chúng con dâng tiến là một tâm hồn khiêm nhu thống hối, nhưng Đức Chúa chấp nhận như ngàn vạn của lễ toàn thiêu chiên bò. 2Pr 3,8: Sau rốt, những suy tính của Thiên Chúa thì khác biệt quá chừng so với những suy tính của chúng ta; với Người, ngàn năm ví tựa một ngày mà thôi. “Một ngày tại khuôn viên thánh điện thì quý hơn cả ngàn ngày ở nơi nào khác” (Tv 84,10). Tiếng thì thầm của một lời cầu nguyện thành tâm vào một lúc nào đó có thể biến đổi cả thế giới; một lời khẽ nói bên tai hay một cái vỗ nhẹ vào lưng có thể thay đổi chiều hướng của lịch sử, nếu chúng được thực hiện đúng nơi, đúng cách và cho đúng người… Chỉ cần bạn tin điều này là có thể.

Ngài có thể “thực hiện nhiều hơn những gì chúng ta xin, hay ngay cả chúng ta tưởng nghĩ tới”. Nhưng đó sẽ là “nhờ quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta” (Ep 3,20). Chúng ta phải thực thi vai trò của mình. Sự sáng tạo của chúng ta phải mở lối cho những phép mầu của Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, với lòng lân ái dạt dào vượt quá công trạng và ước muốn của những kẻ khẩn cầu Ngài… xin ban phát những gì mà kẻ khẩn cầu Ngài không dám nài xin” (Chúa Nhật 27 TN).

27. CHIA SẺ TIN MỪNG LÀ ĐIỀU ĐƠN GIẢN, KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC CHỈ DÀNH CHO CÁC CHUYÊN VIÊN

Chúng ta đã đi khá xa và đã thảo luận nhiều điều. Tôi có thể đã gieo cảm tưởng rằng chia sẻ Tin Mừng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, gần như là không thể. Nhưng ngược lại, đó là một việc đơn giản. Mối bận tâm chính yếu của việc Phúc-âm-hóa không phải là việc thông truyền một hệ thống giáo lý phức tạp được gom góp qua ngót 20 thế kỷ. Đó sẽ là một dự phóng đáng kinh sợ. Hơn nữa, sẽ chẳng có mấy ai đảm nhận điều đó. Những ai mà với họ Ki-tô giáo còn xa lạ thì họ sẽ dễ dàng quay lưng bỏ đi. Ngay cả các tân tòng cũng cảm thấy lúng túng. Còn những Ki-tô hữu lâu đời đã từ bỏ các truyền thống của mình sẽ thấy mình càng bất lực hơn.

Số 23 trong Bản Câu Hỏi của Thượng hội đồng giám mục về Tân Phúc-âm-hóa khẳng định với các nhà truyền giảng Tin Mừng rằng việc chuyển thông đức tin không phải là sứ mạng duy chỉ của các chuyên viên. Đó là trách vụ của tất cả mọi người. Liên quan đến vấn đề này, những lời của ĐTC Benedicto XVI thật đầy khích lệ: “Ki-tô giáo không phải là một sưu tập quá ư phức tạp của vô vàn những tín điều mà không ai có thể đạt thấu; … nó là một cái gì đó rất đơn giản: Thiên Chúa hiện hữu và Thiên Chúa rất gần gũi trong Đức Giê-su Ki-tô” (ĐTC Bênêđictô XVI nói chuyện với các linh mục vào tháng 7 năm 2007, x. Collins 2010,11).

28. CHĂM SÓC MỤC VỤ LÀ CUỘC DẤN THÂN TRIỆT ĐỂ: LÒNG QUẢNG ĐẠI VỚI NHỮNG NGƯỜI CUỐI CÙNG

Tại một lục địa rộng lớn và đa dạng như Á châu, thật không dễ để xác định và gói ghém trong một vài từ cách thế mà công việc “đơn sơ” này nên được thực thi. Có nhiều vùng lãnh thổ ở Tây Á mà nơi đó ngay cả sự hiện hữu của cộng đoàn Ki-tô giáo cũng đang bị đe dọa. Có nhiều nơi mà trong khi việc phượng tự tại nội vi thì được phép, còn bất cứ hình thức chia sẻ Tin Mừng nào vượt quá khuôn viên thánh đường thì đành không thể. Có nhiều khu vực/quốc gia mà trong đó cộng đồng Công giáo chỉ là một thiểu số yếu ớt. Cũng có nhiều nơi các Ki-tô hữu thành lập được một nhóm thiểu số vững mạnh. Chỉ có tại Philipines và Đông Timor các tín hữu Công giáo mới lập thành một cộng đồng đông đảo. Dầu vậy, ngay cả nơi mà cộng đồng Công giáo là số đông đáng kể, vẫn có những dị biệt: về quyền tự do bị giới hạn theo nhiều cách, về các cơ chế đang hoạt động, về cách điều hành quản lý chúng, về cách thức truyền bá đức tin, về khả năng tổ chức các sự kiện công cộng, v.v…

Thật khó để tôi có thể nói cụ thể về việc tổ chức giáo xứ đang khi thậm chí các vùng lân cận nhau thôi cũng đã quá khác biệt về những hoàn cảnh và triển vọng (tín hữu Công giáo lâu đời, tín hữu Công giáo tân tòng, thuộc thành thị, thuộc nông thôn, có tính công nghiệp, có tính nông nghiệp, các bộ tộc, thuộc về cộng đồng thiểu số hay đa số, thuộc về một giai cấp cụ thể, trong những thể chế dân chủ với nhiều sắc thái dị biệt khác nhau, dưới những thể chế Ấn giáo/Hồi giáo/Phật giáo/toàn trị).

Nhưng điều mà tôi muốn nhấn mạnh trong mọi bối cảnh, đó là một giáo xứ Công giáo thì không chủ yếu là một cơ cấu hành chính, một cơ quan kiểm soát và thi hành kỷ luật, nhưng là một không gian để dấn thân triệt để cho một cộng đoàn, và qua đó dấn thân cho toàn Giáo Hội và toàn nhân loại. Mỗi người làm mục vụ phải cẩn trọng ghi nhớ những lời này của Đức Giê-su: “Tôi là mục tử tốt lành, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đàn chiên… Tôi sẵn sàng chết vì chúng” (Ga 10,11.15). Và nếu hạt lúa mì “mà chết đi, nó mới sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24).

Săn sóc mục vụ nghĩa là, như lời ca của Paul Simon, ngã chính thân mình xuống làm nhịp cầu vắt qua con nước xoáy (Nouwen 59).

29. CHÌA KHÓA CHO MỐI TƯƠNG QUAN MỤC VỤ THÀNH CÔNG, ĐIỀU GIA TĂNG NIỀM VUI

Nếu có bất kỳ điều gì mà tôi muốn nhấn mạnh hơn cả trong khung cảnh một xứ đạo thì đó chính là Mối tương giao. Như Đức Giê-su đã phán: “Chúa Cha và Thầy là một” (Ga 10,30), “Thầy ở trong Chúa Cha và anh em ở trong Thầy…” (Ga 14,20); Ngài cũng nói: “Như Chúa Cha biết Tôi và Tôi biết Chúa Cha, Tôi cũng biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi (Ga 10,14-15). Quả thật, toàn bộ Chương này của thánh Gio-an, toàn thể Diễn từ Tiệc ly đậm đặc những quy chiếu đến các mối tương giao. Chính trong bối cảnh tương quan nồng ấm này mà một cái nhìn, một cử chỉ, một cái đụng chạm, một lời nói, một giọt lệ, một tiếng thở dài và thậm chí cả sự thinh lặng của Đức Giê-su cũng đã làm nên sự khác biệt lớn lao. Ngài đã cố kêu gọi những ai ở ngoài ràn chiên hãy đi vào trong mối tương quan này (Ga 10,16). Chúng ta phải thuộc về; loan báo Tin Mừng là lời mời gọi đi vào tình trạng thuộc về này.

Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu ra tầm quan trọng của những cuộc viếng thăm mục vụ đến “vùng ngoại biên”: các thôn xóm, các khu ổ chuột, những ngõ ngách của khu phố, những căn hộ bị bỏ quên, các mái ấm gia đình; tầm quan trọng của việc gặp gỡ mọi người, đối thoại với những cá nhân, trao đổi cùng các gia đình, gặp gỡ các nhóm mục vụ khác, các phụ nữ, giới trẻ, thiếu nhi. Chính trong tinh thần củng cố, đa dạng hóa và gia tăng các mối tương quan, kích hoạt mọi người trong các bối cảnh tương quan mà chúng ta tổ chức các hoạt động tại xứ đạo: các dịp lễ, các việc đạo đức, những cuộc tĩnh tâm, những dịp gặp gỡ các gia đình; giao lưu giữa các nhóm, các hội đoàn, các thành viên thuộc nhiều giới khác nhau. Mặc cho ích dụng của công nghệ, các thủ thuật tăng tính hiệu quả, các kỹ thuật điều hành, các kỹ năng tổ chức, sứ điệp của Đức Giê-su vẫn được thông truyền cách hiệu quả là trong bối cảnh của những mối tương quan. Đó là lý do tại sao ngay cả trong khung cảnh của những cơ cấu quản trị lớn và những cuộc hội họp mục vụ đại qui mô, chúng ta cần tạo ra những không gian cho việc gặp gỡ cá nhân, việc chia sẻ, cầu nguyện và nêu chứng từ.

Vũ trụ tự thân nó là một mạng lưới các tương quan: các nguyên tử, các hạt bên trong nguyên tử, thái dương hệ, các dải ngân hà. Chính các hữu thể sống động cũng liên hệ hỗ tương và lệ thuộc lẫn nhau. Cũng vậy trong các khung cảnh mục vụ chúng ta phải tôn trọng các dạng tương quan hữu cơ khác nhau vốn đã tồn tại hoặc nảy sinh khi trả lời cho những nhu cầu mới, hoặc xuất hiện nhờ cảm hứng của các cá nhân sáng tạo. Như vậy chúng ta tôn trọng các truyền thống sống động, những việc đạo đức mang tính địa phương, những cách thức diễn tả đức tin của người bản xứ, những mạng lưới tương quan tự nhiên; những cảm hứng mới gợi mở các hình thức tự biểu đạt tâm linh đầy sáng tạo, các cách tổ chức công việc từ thiện, sự liên đới, sự tương trợ lẫn nhau và sửa sai cho nhau.

Chính bằng cách này mà chúng ta phát triển kỹ năng Thuyết phục trong công việc Phúc-âm-hóa hay công việc mục vụ tiếp theo sau. Chúng ta cẩn thận đừng bao giờ sử dụng những ngôn từ và cách diễn đạt khả dĩ gây tổn thương, chúng ta phải luôn bén nhạy, đừng bao giờ giữ thái độ tiêu cực đối với những người đã từ bỏ các truyền thống Công giáo hay các giá trị Ki-tô giáo. Chúng ta giảng dạy với lòng khiêm nhu. Chúng ta lôi kéo mọi người đến với Thiên Chúa bằng tình thương mến. Chúng ta cởi mở với những ý kiến và tư tưởng mới, chúng ta đừng bao giờ làm mếch lòng, đừng khi nào đặt bất kỳ ai ra ngoài mối quan tâm mục vụ của mình. Chúng ta dùng lời lẽ tốt đẹp ngay cả với/về một đối thủ.

30. MƯU CẦU “ĐIỀU BẤT KHẢ” NGAY CẢ KHI CHÚNG TA THẤT BẠI, ĐÓ LÀ QUY LUẬT CỦA CUỘC SỐNG – “CUỘC SỐNG TRIỂN NỞ BẰNG CÁCH CHO ĐI”, EG 10.

Tôi biết tôi đang mong đợi điều “bất khả”. Tuy nhiên, trừ phi chúng ta mưu cầu điều “bất khả”, chúng ta sẽ chẳng thể nào theo chân Đấng đã dạy: “Anh em phải trở nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Đúng vậy, không ước muốn điều đó, mỗi ngày chúng ta mưu cầu “điều bất khả” khi cố công trở nên tốt lành và chúng ta thất bại. Đó là điều làm tôi thấy thương cảm cho những người trẻ bị kéo lôi một mặt về phía các sản phẩm tiêu thụ và mặt khác về phía những ý thức hệ vớ vẩn.

Cũng thế, tôi chạnh lòng trước những ai làm việc mục vụ mà bị lạc lối giữa một bên là những trách vụ quản trị nặng nề và bên kia là những nền thần học không chắc chắn. Ngoài ra nếu họ bị đè nặng quá sức bởi chính công việc mục vụ (với số giáo dân đông đảo, trong bối cảnh những khác biệt về văn hóa và thiếu vắng sự hợp tác, chia rẽ nội bộ, v.v..), thì họ càng cần đến sự cảm thông thật sự. Tuy nhiên trong chính bối cảnh này mà chúng ta hiểu sứ điệp của ĐTC Phanxicô: “Cuộc sống triển nở bằng cách cho đi… thật vậy, những người vui hưởng cuộc sống nhiều nhất là những người bỏ lại sự an toàn trên bờ và trở nên phấn khích bởi sứ mạng thông truyền sức sống cho người khác” (EG 10).

31. HỌC ĐỂ THÔNG CẢM VỚI NHỮNG ĐIỂM YẾU CỦA CON NGƯỜI NHƯ ĐTC PHANXICÔ

Trong khi cần phải luôn cẩn trọng với những yếu đuối nơi bản tính con người, chúng ta cần có một sự nhận hiểu đồng cảm với tính mỏng dòn vốn luôn dính chặt với mỗi con người. Ga 2,24-25 nói rằng Đức Giê-su biết có gì nơi bản tính con người, vì Ngài ý thức những xu hướng sự dữ nơi bản tính họ. Điều này giúp Ngài có thể hành động phù hợp với đòi hỏi của mỗi tình thế: “Chính Đức Giê-su không tin họ, vì Ngài biết họ hết thảy. Không cần ai làm chứng về con người vì chính Ngài biết có gì trong dạ họ” (Ga 2,24-25).

Những ai tự nhận mình là các nhà truyền giảng Tin Mừng và những người truyền đạt đức tin Ki-tô giáo phải là những chuyên viên về bản tính con người trong các bối cảnh đa dạng của sứ vụ mình, nhằm đáp ứng cách khôn ngoan trong mỗi hoàn cảnh. “Chúng ta, những người vững mạnh (trong ngữ cảnh này nghĩa là: được chuẩn bị tốt, được giáo dục, được khai phóng, được rèn luyện và đào tạo tốt, có quyền bính, là  bậc trưởng thượng) phải khoan thứ cho những sai lạc của kẻ yếu đuối” (Rm 15,1). Sứ mệnh có tính ngôn sứ của người hiểu biết nhiều hơn là: thấu hiểu, khích lệ và giúp đỡ.

32. Ở Á CHÂU NHÀ TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG TỐT NHẤT LÀ MỘT NGƯỜI SÂU SẮC, MỘT NGƯỜI LÀ NGUỒN CẢM HỨNG

Công cuộc Phúc-âm-hóa tại Á châu là một lời mời gọi trở về với những nguồn cội tâm linh của nó. Đó không phải là về sự hiện đại hóa công nghệ, nhưng là cá vị hóa và sống lời khẩn nguyện được kêu lên bởi ConNgười Á Châu Đang Tìm Kiếm: “Lạy Chúa, con tìm kiếm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt”. Mô-sê đã thưa với Đức Chúa diện đối diện (Dnl 34,10). Chỉ những ai đã kinh nghiệm cuộc tương ngộ như thế với Đức Giê-su mới có thể chia sẻ Sứ điệp một cách đầy ý nghĩa. Họ có thể thốt lên cách chân thật: “Điều chúng tôi đã nghe thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng tận mắt, điều chúng tôi đã đụng chạm tận tay… chúng tôi công bố” (1Ga 1,1-3).

Những người loan tin như thế trở nên nhữngdấu chứng cho mối quan tâm của Thiên Chúa đối với con người.  Họ nên giống Chúa Cha “Đấng cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Họ là những chứng nhân chứ không chỉ là những thầy dạy. Đối với họ điều quan trọng nhất là những phẩm chất bên trong. Ở những con người như thế lòng sùng mộ tôn giáo không bao giờ biến thành chủ nghĩa cực đoan. Trái lại, họ vẫn mở lòng với mọi dân tộc, mọi nền văn hóa, mọi ý kiến và mọi quan điểm. Trên hết, như ĐTC Phanxicô, họ nhiệt tâm khao khát chăm lo cho những người nghèo khổ và túng quẫn nhất.

Họ tin tưởng mạnh mẽ vào công cuộc Đại kết và Đối thoại. Họ tôn trọng sự đa dạng. Việc cổ võ cho công lý của họ thì không bức xúc, việc bảo vệ cộng đoàn Ki-tô của họ thì không khiêu khích, cách họ ứng xử với các vấn đề xã hội phức tạp thì không có tính đối đầu. Họ hoạt động vì hòa bình và hòa giải ở cấp độ sâu xa nhất. Họ dấn thân cho các mục tiêu xã hội: giáo dục, y tế, công lý, hòa bình, phát triển, xóa nghèo, bảo vệ môi trường, loại trừ tham nhũng, bạo lực, lạm dụng phương tiện truyền thông; với sự xói mòn của các nền văn hóa và sự đánh mất các giá trị. Nhưng mỗi thành quả của họ ở mặt ngoài đều quy hướng về Đời sau.

Họ miệt mài cổ võ những nỗ lực chung của mọi người thuộc mọi tín ngưỡng; họ ủng hộ việc cùng tìm tòi, cùng khảo sát, cùng nghiên cứu. Họ ủng hộ sự thể hiện các quan điểm cách tự do nhưng có trách nhiệm, ủng hộ sự phản tỉnh trong khiêm tốn, và ủng hộ các vai trò có tính bổ trợ và tôn trọng nhau. Họ thông truyền cùng một tinh thần cho các đồng sự của họ, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân và cho các cộng đoàn Ki-tô nhỏ bé (SCC). Họ không ngừng học hỏi nơi những người đã thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong phạm vi hoạt động của họ. Họ dấn thân cho việc bảo vệ các gia đình vốn đang bị đe dọa, thăng tiến các giá trị cộng đồng đang bị mai một, họ làm mọi sự có thể để khôi phục các di sản đã bị hư hoại trong các nền văn  hóa Á châu, gồm cả niềm khát khao chiêm niệm, cảm thức về thánh thiêng, khiếu cảm thụ mầu nhiệm và điều kì diệu, khả năng giúp người khác suy nghĩ, đào sâu và tìm tòi ý nghĩa.

Một thông điệp mạnh mẽ nhất sẽ được chuyển cho xã hội khi người mang Sứ điệp của Đức Giê-su xuất hiện như một sự gợi hứng giữa lòng thế giới. Cha David May thuộc Madonna House chia sẻ rằng ‘hứng khởi’ không chỉ là để có giải pháp cho các vấn đề, nhưng còn để tạo ra năng lực cần có. Nó đến từ việc vun trồng niềm hy vọng. Đó là điều mà một con người sâu sắc, một tín hữu có tinh thần chiêm niệm sẽ thực hiện.

Hy vọng đến từ cầu nguyện và từ việc sống gần gũi với Thiên Chúa (Restoration, 10/2014).

TGM. Thomas Menamparampil, SDB.

Trần Đình Phước dịch – Lê Công Đức biên tập

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30