VỀ SỰ HIỆP NHẤT KITÔ GIÁO
“Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một gương xấu”. Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc tiếp kiến chung hàng tuần tai quảng trường Thánh Phêrô hôm nay Thứ tư 22-1-2014.
***
Anh chị em thân mến, chúc buổi sáng tốt lành!
Thứ bảy vừa qua, Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo đã bắt đầu, và nó sẽ chấm dứt vào Thứ bảy tới, lễ Thánh Phaolô tông đồ trở lại. Sáng kiến tinh thần và quý giá nhất nầy lôi cuốn các cộng đoàn Kitô hữu đã hơn một trăm năm. Đây là thời gian dành để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả những người đã chịu phép rửa tội, phù hợp với ý muốn của Đức Kitô: “Xin cho họ nên một” (Ga 17,21).
Mỗi năm, theo hướng dẫn của Hội đồng Đại kết của các Giáo hội và Hội đồng Tòa thánh về Hiệp nhất Kitô giáo, một nhóm đại kết từ một khu vực cuả thế giới sẽ gợi ý một chủ đề và soạn ra những lời cầu nguyện cho Tuần lễ Cầu nguyện. Năm nay những lời nguyện nầy đến từ các Giáo hội và các Cộng đoàn giáo hội ở Canada, và họ qui về câu hỏi của Thánh Phaolô đã đặt ra cho các Kitô hữu Côrintô: “Vậy Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy sao?” (1Cor 1,13).
Chắc chắn Đức Kitô đã không bị phân chia. Tuy nhiên, với đau buồn, chúng ta phải thừa nhận cách chân thành rằng các cộng đoàn chúng ta tiếp tục sống chia rẽ mà đó là một gương xấu. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu chúng ta là một gương xấu. Không có một từ nào khác: một gương xấu. Thánh Tông đồ nói: “Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apollo, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô” (1,2). Ngay cả những người tuyên xưng Đức Kitô là đầu của họ cũng không được thánh Phaolô hoan nghênh, vì họ đã dùng danh của Đức Kitô để tách mình ra khỏi những người khác trong cộng đoàn Kitô hữu. Thế nhưng tên của Đức Kitô tạo nên sự hiệp thông và hiệp nhất, không phải là chia rẽ! Ngài đã đến để tạo ra sự hiệp thông giữa chúng ta, chứ không chia rẽ chúng ta. Bí tích Rửa tội và Thập giá là những yếu tố trung tâm của người Kitô hữu mà chúng ta vốn có chung. Ngược lại, những chia rẽ làm suy yếu sự khả tín và tính hiệu quả của việc dấn thân loan báo Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ đánh mất quyền năng của Thập giá (x. 1,17).
Thánh Phaolô quở trách các tín hữu Côrintô vì những tranh chấp của họ, nhưng ngài cũng đã cảm tạ Thiên Chúa “về ơn huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu. Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người” (1, 4-5). Những lời nầy không là một hình thức đơn thuần, nhưng là một dấu chỉ cho thấy ngài nhìn ra trước hết –và ngài vui mừng chân thành về điều nầy—những quà tặng mà Thiên Chúa ban cho cộng đoàn. Mặc dù những đau buồn về các sự chia rẽ, mà không may là vẫn còn tồn tại, chúng ta hãy nhận lấy lời lẽ của thánh Phaolô như là một lời mời gọi hãy chân thành hoan hỉ về những ân sủng Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu khác: chúng ta hãy nhận ra và vui mừng.
Thật tốt lành để ghi nhận những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và, còn hơn thế, để nhận ra trong những Kitô hữu khác điều gì đó mà chúng ta đang cần, điều gì đó mà chúng ta có thể đón nhận như một quà tặng từ những anh chị em của chúng ta. Nhóm đại kết Canada soạn những lời cầu nguyện cho Tuần Cầu Nguyện nầy đã không kêu mời các cộng đoàn suy nghĩ về những gì họ có thể trao cho các cộng đoàn Kitô giáo anh em, nhưng đã khuyến khích họ gặp gỡ và hiểu biết những gì mà mọi người đôi lúc có thể đón nhận từ những người khác. Việc nầy đòi hỏi một cái gì đó nhiều hơn. Nó đòi hỏi cầu nguyện nhiều, sự khiêm tốn, suy tư và liên tục hoán cải. Chúng ta hãy tiến tới trên con đường nầy, cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, để gương xấu nầy được chấm dứt và không còn tồn tại trong chúng ta nữa.
XT (theo ZENIT)
Tags: Hiệp-nhất
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỐI VỚI CÁC GIÁM MỤC MỸ, CÁC SẮC LỆNH CỦA TRUMP “GÂY LO NGẠI SÂU XA”
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỬI CHO DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI 2025
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ