CHÚT TÂM TÌNH CUỐI NĂM ĐỨC TIN

Written by xbvn on Tháng Mười Một 30th, 2013. Posted in Thế Giới, Thương Huyền

 Chúa Nhật 24.11.2013 vừa qua, tại Rô-ma, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phan-xi-cô đã long trọng cử hành thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin trước hơn 60.000 tín hữu. Trong thánh lễ này, có một hành động của ĐTC mà theo tôi, mang rất nhiều ý nghĩa, đó là trong suốt thời gian đọc kinh Tin Kính, ngài đã cung kính ôm vào lòng thánh tích của Thánh Phê-rô – người vừa là vị Tông Đồ trưởng, vừa là vị Giáo Hoàng đầu tiên được chính Đức Giê-su trao chìa khóa kho tàng đức tin. Thánh tích này sau thánh lễ cũng được công khai lần đầu tiên cho các tín hữu chiêm ngắm. Sự kiện này đã góp phần củng cố tâm tình sống đức tin của tôi trong suốt năm phụng vụ vừa qua, đó là những tâm tình biết ơn, khiêm nhu và tin tưởng. Và cả ba tâm tình này cũng đã tỏa rạng nơi gương sáng  của Thánh Phê-rô – vị Giáo Hoàng đầu tiên – và nơi chân dung ĐTC Phan-xi-cô – vị Giáo Hoàng đương kim.

1.      Biết ơn :

a.       Biết ơn Thiên Chúa, qua Mẹ Giáo Hội, qua các vị thừa sai và các chứng nhân đức tin :

Suốt hơn 2000 năm qua, kho tàng đức tin được Giáo Hội gìn giữ và thông chia cách quãng đại cho mọi con người, mọi nơi, mọi thời. Điều này trước tiên xuất phát từ ý định yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng hạt giống đức tin sẽ không được lan tỏa nếu không có những người mang sứ mạng gieo rắc. Các Tông Đồ là những người đầu tiên thực hiện sứ mạng này theo lệnh truyền của Đức Giê-su. Từ ngày lễ Hiện Xuống thời sơ khai cho đến hôm nay, lời  mời gọi ra đi vẫn luôn réo rắt và hấp dẫn hàng triệu con người lên rừng, xuống biển, nơi thành thị, chốn thôn quê … để chu toàn cách trung thành bổn phận loan báo Tin Mừng.

Giáo Hội Việt Nam đã trải qua lịch sử 400 năm với những bước chân đầu tiên của các vị thừa sai  tại Cửa Hàn – Đà Nẵng. Và cũng ngần ấy thời gian, dòng máu anh hùng của những chứng nhân đức tin đã nhuộm thắm dải dất hình chữ S này. Dòng máu ấy cũng đang lưu chuyển trong huyết quản của mỗi người con dân đất Việt. Không quá khó để các tín hữu có thể tìm lại những vết tích hùng anh của các vị thừa sai, tuẫn đạo dọc dài các miền đất nước như nơi trảm quyết của Thánh Mát-thêu Gẫm (Quận 1 – Sài Gòn), Thánh Phao-lô Tống Viết Bường (Phường Đúc – Huế), Thánh An-rê Phú Yên (Phước Kiều – Quảng Nam) … hoặc như mộ Thánh Phi-lip-phê Phan Văn Minh (Cái Mơn – Bến Tre), phần mộ 12 Ông Cỏ (Phường Đúc – Huế) … Tôi trộm nghĩ, phải chăng việc trưng bày thánh tích của vị Tông Đồ trưởng Phê-rô trong thánh lễ tại Rô-ma hôm Chúa Nhật vừa rồi không nằm ngoài ý nghĩa này. Tri ân thánh nhân, một con người thật đã sống với Chúa Giê-su qua những biến cố cụ thể và đã trung thành truyền lại niềm tin ấy bằng chính cuộc sống và cái chết của mình. Là những thế hệ cháu con, những người đón nhận niềm tin cứu độ nơi Thiên Chúa cách nhưng không, qua Mẹ Giáo Hội và các bậc tiền nhân, không gì hợp lẽ cho bằng lời tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các ngài, không chỉ hôm nay mà còn mãi mãi về sau.

b.      Biết ơn Giáo Hội địa phương :

Giảng trong thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã thay mặt toàn thể các thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội hoàn vũ nói lên lời tri ân Đức Giáo Hoàng danh dự Bê-nê-đic-tô 16, người đã “…do ơn Chúa quan phòng, người đã có sáng kiến khai mở Năm Đức Tin, cho chúng ta được khám phá lại cuộc hành trình đức tin bắt đầu từ ngày chúng ta chịu phép Rửa Tội, được làm con cái Thiên Chúa và nên anh em với nhau trong Giáo Hội”. Ngày 11.10.2012, cũng tại quảng trường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô 16 đã cử hành long trọng thánh lễ Khai Mạc Năm Đức Tin. Theo đó các giáo phận khắp nơi trên thế giới, trong bối cảnh của mình cũng khai mở Năm Đức Tin cùng với nhiều phương thế để thúc đẩy con cái mình sống đức tin ngày một hữu hiệu hơn. Hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, các Giáo Hội địa phương, với những nét đặc thù về văn hóa, lịch sử, những thuận lợi và cả những khó khăn cũng như những thách đố, vẫn luôn trung tín với bổn phận của mình, vừa nuôi dưỡng đức tin nơi con cái mình vừa tìm kiếm đưa về đoàn những người con lạc xa đường. Là phần từ sống trong Giáo Hội, ngày ngày được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, tôi nhận ra một sức sống sâu xa vẫn tuôn chảy giữa lòng Giáo Hội mặc cho bao thế sự thăng trầm. Tử hỏi : Điều gì sẽ xảy ra nếu như không có Giáo Hội ? Tôi chợt nhận ra một đáp án khả dĩ cho mình : Chúa toàn năng có thể làm được tất cả mọi sự vì con người và chính vì thế mà Chúa lập nên Giáo Hội. Thu hẹp tầm mắt để nhìn vào đời sống đức tin của chính mình trong cuộc sống mỗi ngày, tôi tri ân Giáo Hội – người mẹ hiền luôn chăm sóc con cái mình từng chút một. Hôm qua, hôm nay và ngày mai, bao lâu còn các con cái của mình thì bấy lâu Giáo Hội còn hiện diện với tấm lòng từ mẫu luôn vỗ về, chăm sóc và yêu thương.

Biết ơn vẫn còn là một nét đẹp truyền thống của mọi con người từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Người Việt Nam vốn cũng còn rất trân trọng và duy trì thái độ cao quý này. Tuy nhiên, cuộc sống xã hội hôm nay như là một thửa ruộng gồm lúa tốt lẫn với cỏ lùng khác biệt và chen lẫn vào nhau. Bên cạnh những tâm hồn biết ơn cũng vẫn còn đầy dẫy những con người sống với thái độ vô ơn. Thái độ vô ơn thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như thờ ơ, ỷ lại, dửng dưng, vô cảm …

Tạ ơn Chúa – đây là một thái độ con người phải làm đi làm lại mỗi ngày, “vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ” (lời Tiền Tụng chung IV), vì tạ ơn Chúa giúp tôi là chính tôi hơn, nên người hơn. Tri ân các bậc tiền nhân và Giáo Hội còn là việc tôi phải sống những gì Giáo Hội đã dạy, sống những giá trị cao quý mà lớp tiền nhân cha ông đã đổ máu đào ra gìn giữ và minh chứng. Tri ân các ngài cũng có nghĩa là bước tiếp con đường thừa sai – tuẫn đạo mà các ngài đã đi để Lời Chúa và hạt giống đức tin ngày một vang xa.

2.      Khiêm nhu

a.       Gương sống Thánh Phê-rô

Tôi tự hỏi : Phải chăng việc trưng bày thánh tích của Thánh Phê-rô cho công chúng trong dịp bế mạc năm Đức Tin cũng nhằm nhắc nhở mỗi người tín hữu cũng chọn cho mình lối sống đức tin như thánh nhân đã sống ? Thật thế, nơi con người của vị Giáo Hoàng đầu tiên này, người ta có thể nhận ra nhiều trạng huống trong cùng một khuôn mặt : nhiệt thành, sôi nổi, nhút nhát, nóng nảy, kiêu ngạo ,,, và cả khiêm như nữa. Nơi vị Tông Đồ trưởng này, khiêm nhu không phải là “tôi có gì ? tôi không có gì”. Với ngài, khiêm nhu là nhìn chính mình với cái nhìn của chính Chúa: “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy !” (Ga 21,17). Ngay cả với phép lạ được xem như của ngài thì ngay cách ngài nhìn nhận củng đã cho thấy lòng khiêm tốn của một môn đệ Đấng Phục Sinh: “… Cái tôi có, tôi cho anh đây : Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-ret, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,6). Hồng ân đức tin – hồng ân được tận mắt trò chuyện cũng như trực tiếp nhận lệnh truyền ra đi từ nơi Chúa phục sinh đã hoàn toàn thay đổi con người Thánh Phê-rô. Sự chuyển biến rõ rệt nhất của ngài có thể được thấy rõ trong hai biến cố : một Phê-rô nhát gan – “tôi không biết ,,, tôi không quen…” trong đêm thương khó – và một Phê-rô mạnh mẽ đứng lên nói trước cộng đoàn đông đảo các dân trong ngày lễ Ngũ Tuần. Như vậy, khiêm nhu không phải là thỏa hiệp, là im lặng khi buộc phải nói … nhưng còn là can đảm nói lên đức tin của mình và nhất là can đảm sống đức tin ấy cho dù phải trả giá bằng chính những gì là thiết thân quý giá nhất. Khiêm nhu là thế, là dám phó thác vận mệnh đời mình cho Chúa sử dụng, là để Chúa thật sự là Chúa và mình cũng thật sự là mình. Chính vì để Thiên Chúa nói trong chính mình, Thánh Phê-rô đã cất lời tuyên xưng về căn tính thật sự của Đức Giê-su (Mt 16,16) và từ lời tuyên xưng này, Đức Giê-su đã trao chìa khóa Nước Trời (mà theo tôi, đó cũng là chìa khóa đức tin) cho ngài cai quản.

b.      Gương sáng Đức Phan-xi-cô :

Trong giây phút này, mọi con mắt trên thế giới đang chú tập về Rô-ma, chính xác hơn, về một gương mặt mới mẻ, gần gũi và tràn đầy tình phụ tử, đó là Đức Phan-xi-cô, vị Giáo Hoàng đương kim. Biến cố Đức Hồng Y Bergoglio đến từ lục địa Nam Mỹ Châu được đắc cử Giáo Hoàng ngày 13.3.2013 thật sự là một công trình của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội. Một luồng sinh khí mới mẻ thật sự được thổi tràn qua làm hồi sinh tươi mát cánh đồng Giáo Hội vốn đang bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhất là các nguy cơ chủ quan. Nếu phải bình chọn cho một sự kiện đỉnh cao cho năm Đức Tin, tôi muốn chọn sự kiện lên ngôi Giáo Hoàng của Đức Phan-xi-cô như một đỉnh cao đáng ghi nhớ. Và điều người ta dễ thấy nơi ngài, không gì khác hơn, đó là nhân đức khiêm nhường của ngài ngay từ những giây phút đầu tiên ra mắt các tín hữu sau Mật Nghị bầu Giáo Hoàng. Từng lời nói, cử chỉ, lối sống của ngài đang lôi kéo các con cái của Giáo Hội cũng như mọi người thiện chí cùng nhìn về một Giáo Hội thật sự là của mọi con người. Những người đã quen biết về Đức Hổng Y Bergoglio trước đó cho biết ngài không hề thay đổi tính cách gần gũi giản dị đơn sơ, ngay cả khi ngài đã là một Giáo Hoàng. Họ kết luận : “Ngài không thay đổi gì, nhưng thật sự đã thay đổi rất nhiều !” . Thật vậy, đời sống khiêm nhu của ngài vẫn không hề thay đổi từ bao lâu nay, nhưng chính lối sống ấy đang dần dần thay đổi tâm hồn nhiều người, ngay cả giới truyền thông thế giới và thậm chí của các đảng phái chính trị độc tài cũng ít nhiều dành cho vị Cha chung của Giáo Hội những nhận xét đầy thiện cảm.

Có lẽ, với gương sáng của thánh Phê-rô, của Đức Phan-xi-cô hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi con cái mình sống tinh thần khiêm nhu ấy trong cuộc sống mỗi ngày, một cuộc sống mà hòa bình không bao giờ là kết quả của sự cao ngạo, bạo lực, hận thù, íhc kỷ, hưởng thụ và vô cảm.

3.      Tin tưởng :

a.       Tin nơi Thiên Chúa

Có lẽ con người hôm nay không còn dám mạnh miệng phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng thay vào đó, họ đóng cửa lòng, không đón nhận Thiên Chúa đến trong nhà mình. Họ nhắm mắt bịt tại trước những thực tại thần linh. Và cũng thật bi đát, chỉ khi nào sa cơ lỡ vận, khi phải đối diện với sự giới hạn bất toàn của chính mình, khi đó họ mới ngửa mặt lên nhìn trời oán thán : “Ông trời ơi – Thượng Đế – Thiên Chúa ở đâu ?”. Mới đây, sau khi siêu bão HaiYan quét qua quốc đảo Phi-luật-tân ngày 7.11.2013, tôi gửi email thăm hỏi một Soeur bề trên Dòng Thừa Sai Truyền Giáo Ursuline có trụ sở chính tại đó. Nhận được hồi âm của Soeur, điều làm tôi bất ngờ là cách Soeur nhìn nhận về thảm họa này : “Yes, its a painful experience for us,, we offer it for our purification and salvation. Please continue to pray that the whole humanity will learn to be one, and keep our nature so that calamities may not happen anymore.  We are all responsible for this, because in oneway or another we help destroy the nature.  May God keep all those who are suffering now in His Heart.” Biến cố đau thương bỗng trở nên cơ hội cho con người thức tỉnh và tiếp tục tin tưởng nơi Thiên Chúa từ nhân. Như thế, rõ ràng Thiên Chúa luôn có chỗ đứng trong thế giới con người, trong mọi cảnh huống cuộc đời và nếu bám chắc lấy Người với lòng tin tưởng, Người không bao giờ bỏ rơi con cái mình. Tôi càng thêm xác tín điều này khi nhớ lại cách nay hơn 20 năm, lần đầu tiên trong đời, tôi được đọc Lời Chúa trong thánh lễ thiếu nhi, bài đọc xuất xứ trong sách I-sai-a mà tôi không thể nào quên được : “… nào người mẹ có thể quên đứa con mình đã cưu mang ư ? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta, Ta sẽ không quên ngươi đâu” (Is 49,15). Tin tưởng nơi Thiên Chúa không phải là được tới đâu hay tới đó, càng không phải là chỉ chấp nhận những gì có lợi cho mình … Đời sống đức tin không phải là chiếc áo để tôi có khoác vào hoặc cởi ra tùy ý. Đời sống đức tin cũng không phải là một khuôn đúc để tạo ra một thế hệ siêu nhân. Đức tin mà Thiên Chúa ban tặng thật sự là một ân huệ luôn mời gọi đáp trả với sự tự do, cởi mở và chân thành. Như thế, tin nơi Thiên Chúa cũng là biết ra sức cộng tác trên cánh đồng trần gian, là biết “chèo ra chỗ sâu thả lưới” với một tinh thần phó thác đơn sơ như Thánh Phao-lô : “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6). Chính Thiên Chúa mới là tác nhân chính của công cuộc sáng tạo và Người còn tiếp tục công cuộc ấy nơi Giáo Hội và trong nhân loại hôm nay.

b.      Tin tưởng nơi Giáo Hội

Nền tảng đầu tiên giúp tôi xác tín nơi Giáo Hội không gì khác hơn là vì “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chính vì sự hiện diện của Chúa như lời Người đã nói mà Giáo Hội được giới thiệu như con thuyền Nô-ê của thời đại, hay như con thuyền mà cụ Đồ Chiểu có nhắc đến trong câu thơ : “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm”.

Thật vậy, nơi Giáo Hội, người ta nhìn thấy một bức tranh nhiều gam màu sáng tối khác nhau mà không hề nghịch lý và mâu thuẫn nhau. Giáo Hội ấy như một người mẹ luôn ôm ấp trong mình mọi con cái cho dù có xấu xí, ghẻ lở như thế nào. Giáo Hội ấy vẫn đêm ngày thanh luyện chính mình cũng như mọi phần tử trong nhân loại với chức năng của muối men cho đời và chuẩn bị tất cả cho ngày đón Chúa mình ngự đến.

Tin nơi Giáo Hội, mỗi người được mời gọi dự phần của mình để làm cho Giáo Hội ngày một đáng tin hơn, can đảm gạn đục khơi trong hầu làm cho Giáo Hội ngày một thánh thiện hơn, đẹp xinh hơn và nhất là xứng đáng trở nên ngôi nhà chung cho con người mọi nơi mọi thời. Với rất nhiều biến cố đã và đang xảy ra trong Giáo Hội, tôi có cảm giác sức sống của Giáo Hội đang tiến theo hình sin trong toán học, có lên có xuống và dù vậy nó vẫn tiến về phía trước. Hình ảnh ấy cũng tựa như hình ảnh của chú én chao lượn trong bầu trời bao la báo hiệu xuân về. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội phải là một chỉ báo, một bảng chỉ đường dẫn đưa con người về với Thiên Chúa. Tin vào Giáo Hội cũng mời gọi các tín hữu một sự dấn thân trọn vẹn trong lòng Giáo Hội và xã hội nhuốm mùi tục hóa hôm nay. Kết thúc Năm Đức Tin, người ta ước đoán có hơn 8,5 triệu lượt khách quy tụ về Rô-ma như một cuộc hành hương đức tin quy mô vô tiền khoáng hậu. Bên cạnh sự hùng vĩ hoành tráng này, tôi cũng nhận thấy có những cuộc hành hương âm thầm khác nhưng cũng không kém phần cao quý nơi những ông bà cụ thôn quê lâm râm bên tràng chuỗi Mân Côi hoặc nơi những em bé theo mẹ đến nhà thờ và được người mẹ trẻ cầm tay dạy làm dấu Thánh Giá và chào Chúa mỗi ngày. Thiết nghĩ, với ý lực của Năm Phụng Vụ 2014 tới đây – Tân Phúc Âm hóa gia đình – những yếu tố truyền thống của một lòng đạo đức bình dân cùng với việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình có lẽ cần được chú trọng nhiều hơn chăng ?

“Năm Đức Tin đã khép lại, nhưng cánh cửa Đức Tin vẫn rộng mở cho muôn người”, Đức Tổng Giám Mục Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã chia sẻ như thế trong thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin của Tổng Giáo Phận Huế. Như thế cũng có nghĩa là phụng vụ Năm Đức Tin không dừng ở đây. Thật vậy, bước đi tiếp theo được mời gọi –  Tân Phúc Âm hóa – cũng chính là những bước cụ thể để hướng hành trình đức tin đến cùng đích của mình, đó là thời điểm mọi con người đạt đến hạnh phúc của mình là chính Chúa Ki-tô và trong Chúa Ki-tô. Với ý hướng như vậy, dù thấy mình còn quá nhiều bất toàn, hèn yếu, tôi vẫn tiếp tục sống những tâm tình biết ơn, khiêm nhu, tin tưởng bước vào năm phụng vụ mới này.

Có điều, tôi vẫn còn mơ hồ tự hỏi : Tân Phúc Âm hóa là gì ?

THƯƠNG HUYỀN

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31