KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN NĂM C : « ĐÁP LẠI SỰ DỮ BẰNG SỰ THIỆN »

Written by xbvn on Tháng Hai 20th, 2022. Posted in Giáo lý, Học thuyết xã hội, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Đâu là ý nghĩa của lời mời gọi của Chúa Giêsu « giơ má bên kia » ? Chúng ta có thể « yêu thương kẻ thù » được không ? Đó là những gì Đức Phanxicô giải thích trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 20/2/2022, qua đó ngài mời gọi chúng ta noi gương Chúa Giêsu « đánh bại », « đáp trả sự dữ bằng sự thiện ».

Đức Thánh Cha phải đau buồn thốt lên : « Thật đáng buồn biết bao, khi dân chúng và các dân tộc tự hào là Kitô hữu lại xem người khác là kẻ thù và nghĩ cách gây  chiến với nhau ». Ngài cũng nhắc nhở các Kitô hữu : « Cầu nguyện cho những người đã đối xử sai trái với chúng ta là bước đầu tiên để biến sự dữ thành sự thiện ».

Và nếu Chúa Giêsu tố giác sự bất công, thì Ngài làm như thế “mà không tức giận, không bạo lực, mà quả thực với sự tử tế“.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một số hướng dẫn đời sống căn bản cho các môn đệ. Chúa nói đến những hoàn cảnh khó khăn nhất, những hoàn cảnh tạo nên yếu tố quyết định đối với chúng ta, những hoàn cảnh làm cho chúng ta đương đầu với những kẻ thù và thù nghịch với chúng ta, những người luôn cố gắng làm hại chúng ta. Trong những trường hợp như thế,  người môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi đừng nhượng bộ cho bản năng và hận thù, nhưng đi xa hơn, xa hơn nhiều. Vượt lên trên bản năng, vượt lên trên lòng hận thù. Chúa Giêsu nói : « Hãy yêu thương kẻ thù, và làm ơn cho kẻ ghét anh em » (Lc 6, 27). Và thậm chí cụ thể hơn : « Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa » (c. 29). Khi chúng ta nghe điều này, có vẻ như Chúa đang yêu cầu điều bất khả. Và rồi, tại sao yêu thương kẻ thù của anh em ? Nếu bạn không phản ứng với những kẻ bắt nạt, thì mọi lạm dụng quyền lực bị buông thả, và điều này là không đúng. Nhưng có phải thực sự như vậy không ? Có phải Chúa thực sự yêu cầu những điều bất khả và thậm chí là bất công đối với chúng ta ? Có phải như vậy không ?

Trước hết, chúng ta hãy xem xét cảm thức về sự bất công mà chúng ta cảm thấy khi « giơ má bên kia ». Và chúng ta hãy nghĩ về Chúa Giêsu. Trong cuộc thương khó, trong phiên tòa bất công trước vị thượng tế, có lúc Ngài đã nhận một cái tát từ một trong những tên lính canh. Và Ngài đã phản ứng như thế nào ? Ngài không sỉ nhục anh ta, không : Ngài nói với tên lính canh, « Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?» (Ga 18, 23). Ngài yêu cầu một lời giải thích về điều sai trái đã làm với Ngài. Giơ má bên kia không có nghĩa là chịu khổ trong im lặng, nhượng bộ cho bất công. Với câu hỏi của mình, Chúa Giêsu đã tố giác sự bất công. Nhưng Ngài làm vậy mà không tức giận, không bạo lực, mà quả thực với sự tử tế. Ngài không muốn gây ra một cuộc tranh cãi, nhưng đúng hơn để xoa dịu sự oán hận, điều này rất quan trọng : để cùng nhau dập tắt hận thù và bất công, tìm cách phục hồi người anh em tội lỗi. Điều này không dễ dàng, nhưng Chúa Giêsu đã làm được và Ngài bảo chúng ta cũng làm như vậy. Đây là giơ má bên kia : sự dịu dàng của Chúa Giêsu là câu trả lời mạnh mẽ hơn cho cái tát mà Ngài nhận được. Giơ má bên kia không phải là hành động rút lui của kẻ thua cuộc, mà là hành động của một người có sức mạnh nội tâm lớn lao. Giơ má bên kia có nghĩa là đánh bại sự dữ bằng sự thiện, mở ra lỗ thủng trong lòng kẻ thù, vạch trần sự phi lý trong lòng hận thù của họ. Và thái độ này, việc giơ má bên kia này, được thúc đẩy không phải do bởi sự tính toán hay lòng hận thù, nhưng là bởi tình yêu. Anh chị em thân mến, chính tình yêu nhưng không, rộng lượng mà chúng ta lãnh nhận từ Chúa Giêsu đã tạo ra trong tâm hồn một cách làm những điều vốn tương tự với cách làm của Ngài, vốn loại bỏ mọi sự báo thù. Chúng ta đã quen với việc trả thù : « Anh đã làm thế này với tôi, tôi sẽ làm thế kia với anh », hay mang trong lòng một mối oán thù, mối oán hận làm hại, hủy hoại con người.

Chúng ta hãy đến với một phản đối khác : có khả thi đối với một người đi đến chỗ yêu thương kẻ thù của mình được không ? Nếu nó chỉ phụ thuộc vào chúng ta mà thôi, thì nó sẽ là bất khả. Nhưng chúng ta hãy nhớ lại rằng, khi Chúa yêu cầu điều gì, thì Ngài muốn ban nó. Chúa không bao giờ yêu cầu một điều gì đó mà Ngài chưa ban cho chúng ta trước. Khi Ngài bảo tôi yêu thương kẻ thù, Ngài muốn ban cho tôi khả năng để làm vậy. Nếu không có khả năng đó, chúng ta sẽ không thể, nhưng Ngài bảo anh chị em « yêu thương kẻ thù » và ban cho anh chị em khả năng yêu thương. Thánh Augustinô đã cầu theo cách này – hãy lắng nghe lời cầu nguyện tuyệt đẹp này : Lạy Chúa, « xin ban những gì Chúa truyền lệnh, và hãy truyền lệnh những gì Chúa muốn » (Tự Thuật, X, 29.40), bởi vì Chúa đã ban nó cho con rồi. Chúng ta xin Ngài điều gì ? Chúa vui mừng khi ban cho chúng ta điều gì ? Sức mạnh yêu thương, vốn không phải là một sự vật, nhưng là Chúa Thánh Thần. Sức mạnh yêu thương là Chúa Thánh Thần, và với Thánh Thần của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đáp lại sự dữ bằng sự thiện, chúng ta có thể yêu thương những người làm hại chúng ta. Đây là những gì các Kitô hữu thực hiện. Thật đáng buồn biết bao, khi dân chúng và các dân tộc tự hào là Kitô hữu lại xem người khác là kẻ thù và nghĩ cách gây  chiến với nhau! Thật rất buồn.

Và chúng ta, chúng ta có cố gắng sống theo lời mời gọi của Chúa Giêsu không?  Hãy nghĩ về một ai đó đã đối xử sai trái với chúng  ta. Mỗi người trong anh chị em, hãy nghĩ về một người. Chúng ta thường bị một ai đó làm tổn thương; hãy nghĩ về người đó. Có lẽ chúng ta giữ lòng hận thù trong tâm hồn. Vì thế, chúng ta hãy đặt bên cạnh sự oán giận này hình ảnh của Chúa Giêsu, hiền lành, trong phiên tòa, sau cái  tát. Và rồi chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hành động trong tâm hồn chúng  ta. Cuối cùng, chúng ta hãy cầu nguyện cho người đó: chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã làm hại chúng ta (x. Lc 6, 28). Khi người ta làm hại chúng ta, chúng ta lập tức đi nói với người khác và chúng ta cảm thấy mình là nạn nhân. Chúng ta hãy dừng lại, và cầu nguyện với Chúa cho người đó, để Ngài có thể giúp người đó, và như thế cảm giác oán giận này sẽ được xua tan. Cầu nguyện cho những người đã đối xử sai trái với chúng ta là bước đầu tiên để biến sự dữ thành sự thiện. Cầu nguyện. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trở thành những người kiến tạo hòa bình đối với mọi người, đặc biệt là những người  thù địch với chúng ta và chúng ta không thích.

—————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30