KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN C: THANH TẨY CÁI NHÌN VÀ LỜI NÓI CỦA CHÚNG TA

Written by xbvn on Tháng Hai 27th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong bài suy niệm đoạn Tin Mừng Lc 6, 39-45, trước khi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/2/2022, Đức Phanxicô mời gọi các tín hữu suy nghĩ về cách nhìn và cách nói của mình, vốn có thể xây dựng nhưng cũng có thể gây hủy hoại.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy nghĩ về cách chúng ta nhìn và cách chúng ta nói. Cái nhìn và lời nói của chúng ta.

Trước tiên, cái nhìn của chúng ta. Chúa nói, rủi ro mà chúng ta gặp phải là chúng ta tập trung nhìn vào hạt bụi nơi mắt người anh em của chúng ta mà không nhận thấy cái xà nơi mắt của mình (x. Lc 6, 41). Nói cách khác, rất chú ý đến lầm lỗi của người khác, ngay cả nhỏ như một hạt bụi, nhưng lại bình thản phớt lờ những lầm lỗi của chúng ta, cho chúng ít trọng lượng. Những gì Chúa Giêsu nói là đúng: chúng ta luôn tìm ra lý do để đổ lỗi cho người khác và biện minh cho chính mình. Và rất thường chúng ta phàn nàn về những điều sai trái trong xã hội, trong Giáo hội, trên thế giới, mà trước tiên không tự vấn bản thân và không nỗ lực thay đổi bản thân trước. Mọi thay đổi tích cực, hiệu quả đều phải bắt đầu từ chính chúng ta. Nếu không, sẽ không có thay đổi nào. Nhưng, Chúa Giêsu giải thích, khi làm điều này, chúng ta nhìn một cách mù quáng. Và nếu chúng ta mù quáng, thì chúng ta không thể tự cho mình là người hướng dẫn và thầy dạy đối với người khác: quả thế, Chúa nói, một người mù không thể dẫn dắt một người mù khác (x. c. 39).

Anh chị em thân mến, Chúa mời gọi chúng ta thanh tẩy cái nhìn của mình. Thanh tẩy cái nhìn của chúng ta. Trước tiên, Ngài yêu cầu chúng ta nhìn vào bản thân để nhận ra những khuyết điểm của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta không có khả năng nhận thấy những khuyết điểm của mình, thì chúng ta sẽ luôn có khuynh hướng phóng đại những khuyết điểm của người khác. Thay vào đó, nếu chúng ta thừa nhận những lỗi lầm và sai sót của mình, thì cánh cửa của lòng thương xót sẽ mở ra  cho chúng ta. Và sau khi nhìn vào bản thân chúng ta, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn người khác như Ngài nhìn – đây là bí quyết, nhìn người khác như Ngài nhìn – trước tiên không nhìn vào điều xấu, nhưng nhìn vào điều tốt. Thiên Chúa nhìn chúng ta theo cách này: Ngài không nhìn thấy những sai lầm không thể sửa chữa được nơi chúng ta, nhưng nhìn thấy những người con sai lỗi. Đó là một sự thay đổi trong cách nhìn: Ngài không tập trung vào lỗi lầm, nhưng vào những người con mắc lỗi lầm. Thiên Chúa luôn phân biệt con người với lỗi lầm của con người. Ngài luôn luôn cứu con người. Ngài luôn tin vào con người và luôn sẵn sàng tha thứ lỗi lầm. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn tha thứ. Và Ngài mời gọi chúng ta làm như thế: đừng tìm kiếm điều xấu nơi người khác, nhưng tìm kiếm điều tốt.

Sau cách nhìn của chúng ta, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy nghĩ về lời nói của chúng ta. Chúa giải thích rằng “lòng đầy miệng mới nói ra” (c. 45). Quả thật, từ cách một người nói, anh chị em có thể nói được ngay những gì trong lòng họ. Lời nói mà chúng ta sử dụng nói lên chúng ta là ai. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta ít chú ý đến lời nói của mình và chúng ta sử dụng chúng một cách hời hợt. Nhưng lời nói có sức nặng: nó làm cho chúng ta có thể diễn tả tư tưởng và cảm xúc, nói lên nỗi sợ hãi của chúng ta và những kế hoạch mà chúng ta có ý định thực hiện, chúc tụng Thiên Chúa và chúc lành cho người khác. Tuy nhiên, thật không may, thông qua ngôn ngữ, chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng thành kiến, dựng rào chắn, làm hại và thậm chí tiêu diệt; chúng ta có thể tiêu diệt anh em của mình bằng ngôn ngữ. Thói buôn chuyện gây tổn thương và lời nói xấu có thể sắc hơn một con dao! Ngày nay, đặc biệt trong thế giới kỹ thuật số, lời nói lan truyền rất nhanh; nhưng có quá nhiều lời nói truyền tải sự tức giận và sự hung hăng, tung tin giả và lợi dụng nỗi sợ hãi của  tập thể để tuyên truyền những ý tưởng bóp méo. Một nhà ngoại giao, từng là Tổng thứ ký của Liên hiệp quốc, đã nói rằng “lạm dụng lời nói là khinh bỉ con người” (D. HAMMARSKJÖLD, Waymarks, Magnano BI 1992, 131).

Vậy, chúng ta hãy tự hỏi loại lời nói nào chúng ta sử dụng: những lời diễn tả sự quan tâm, tôn trọng, sự thông cảm, gần gũi, trắc ẩn, hay những lời chủ yếu nhắm mục đích làm cho chúng ta trông tốt lành trước mặt người khác? Và rồi, chúng ta có nói cách dịu dàng hay chúng ta làm ô nhiễm thế giới bằng cách gieo rắc nọc độc: chỉ trích, phàn nàn, làm cho sự hung hăng lan rộng?

Xin Đức Maria, người Mẹ khiêm nhường mà Thiên Chúa đã nhìn đến, Đức Trinh Nữ của sự thinh lặng mà giờ đây chúng ta đang cầu xin, giúp chúng ta thanh tẩy cái nhìn và lời nói của chúng ta.

————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: Vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30