LỜI BẠT: VÀ BÂY GIỜ ? MỘT VIỄN ẢNH MỚI CHO GIÁO HỘI

Written by xbvn on Tháng Một 16th, 2018. Posted in Gia đình

LTS: Bài viết dưới đây của cha Christophe Théobald được dùng làm “Lời bạt” cho cuốn: Exhortation apostolique post-synodale du pape François, La Joie de l’Amour, Edition présentée et annotée sous la direction du Service national Famille et Société – Conférence des évêques de France – et de la Faculté de théologie du Centre Sèvres. Avec un guide de lecture et des témoignages. Nhà xuất bản Fidélité Lessius, 2016. Bài này giúp độc giả hiểu sâu hơn Tông huấn Amoris laetitia.

LỜI BẠT

VÀ BÂY GIỜ?

Một viễn ảnh mới cho Giáo hội

CHRISTOPH THEOBALD

 

          Cuối phần dẫn nhập của tông huấn Niềm vui của tình yêu, Đức Giáo hoàng Phanxicô thừa nhận “độ dài không thể tránh được” của tông huấn đó và Ngài dành tặng cho chúng ta một vài lời khuyên đáng được lưu ý khi đọc văn kiện này: “Tông huấn sẽ ích lợi hơn đối với các gia đình cũng như đối với những tác viên (tác nhân) tham gia mục vụ gia đình, nếu như tất cả họ biết kiên nhẫn* đào sâu tông huấn, từng phần từng phần một, hay nếu như họ biết tìm kiếm nơi tông huấn những điều mình cần phải có cho mỗi hoàn cảnh cụ thể” (số 7). Độc giả nào đi theo chỉ dẫn này và biết vận dụng những bình giảng nơi tập tài liệu này chắc chắn sẽ khám phá ra những nội dung được lặp đi lặp lại và những thay đổi về các chủ đề trọng tâm của văn kiện, nhưng độc giả ấy cũng nhanh chóng nhận thấy rằng những lặp từ và những đổi thay đó lại góp phần làm nên tính cố kết và mạch lạc cho toàn bộ lộ trình*. Mặc dầu tông huấn này của Đức Phanxicô cậy dựa sít sao vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau – đọc Thánh Kinh, phân tích bối cảnh thực tế của các gia đình hiện nay, tổng hợp các giáo huấn của Hội Thánh, những văn bản của các Hội đồng Giám mục và các bản báo cáo của hai thượng hội đồng về gia đình (năm 2014 và năm 2015), cũng như các bài giảng huấn riêng của ngài – nhưng đây vẫn là diễn từ để lại cho chúng ta một tầm nhìn hội nhất – tầm nhìn mới ­­– và mời gọi tất cả chúng ta đến với một công cuộc hoán cải sứ mạng. Đề cao tầm nhìn này là một cách thế để tiến xa hơn nữa. Bởi lẽ, trong thế giới quá ư phân tán như hiện nay, viễn ảnh vừa mang tính toàn cầu vừa vô cùng cụ thể như vậy sẽ khả dĩ khơi dậy một nguồn năng lực để sống và yêu thương* không ngừng được làm mới và một sức mạnh mục vụ chưa từng có.

MỘT TẦM NHÌN MỚI MẺ

            Hai hạn từ ­– “ân sủng*” hay “quà tặng*” “lòng thương xót*” hay “sự gần gũi” (proximité) – xuất hiện xuyên suốt văn kiện, từ đầu đến cuối, giống như một kiểu “điệp từ” (leimotiv). Ngay trong phần dẫn nhập (số 5), Đức Phanxicô thiết lập một mối liên hệ giữa Năm thánh Lòng thương xót của Chúa và tông huấn của Ngài, bằng cách đặt ra cho tông huấn này cùng lúc hai mục tiêu: “đề cao các quà tặng của hôn nhân và gia đình” và “khích lệ mỗi người trở thành một dấu chỉ của lòng thương xót sự gần gũi ở những nơi mà đời sống gia đình chưa được thành toàn. Vì vậy, tông huấn nỗ lực thực hiện những gì cần thiết để thuyết phục chúng ta rằng hôn nhân và gia đình không phải là một “ách nặng” nhưng là một “quà tặng” hay một “đặc sủng” (các số 61-62) đáng ước mong và thật hấp dẫn (các số 35-38), dù văn kiện này cũng cho thấy rằng ân sủng chính thực ấy nhiều lúc mặc lấy một dung mạo vô cùng gần gũi và bất ngờ khi mà các biến cố mới lạ của cuộc sống gây ra những cuộc khủng hoảng, những cuộc chuyển đổi, những thất bại và những lỗi lầm; ân sủng đó, lúc ấy, vẫn cứ tỏ lộ đúng như bản chất của nó và mãi như vậy cho đến cùng: “lòng thương xót không ai xứng đáng, vô điều kiện và nhưng không” (số 297), “con tim sống động của Tin Mừng” (số 309).

            Ở đây, chúng ta nhận ra mối ưu tư lớn lao của Công đồng Vaticanô II và của Đức giáo hoàng Phanxicô trong việc tái kiến thiết trung tâm cho toàn bộ hoạt động mục vụ ở trên sứ mạng loan báo Tin mừng vốn không ngừng được canh tân (xem EG các số 41 và 112), bởi lẽ ưu tư này được nhắc nhớ ở đầu chương 3 của Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, trước khi văn kiện này tổng hợp giáo huấn của Giáo hội (số 58, tham chiếu EG các số 35 và 164), và ở cuối chương 8 bàn về “lô-gíc của Tin mừng” (297) và “lô-gíc của lòng thương xót mục tử” (các số 307-312).

            Điều có nguy cơ trở thành một căng thẳng, thậm chí là một mâu thuẫn – và chúng ta đã nhận thấy nó trong suốt tiến trình của thượng hội đồng – thì được diễn tả theo cách như thế này: “lời đề nghị về một lý tưởng có tính đòi hỏi”, không mang nghĩa là kiểu lý tưởng hóa quá đáng nhưng có tính chất mở ra với ân sủng, “sự gần gũi giàu lòng trắc ẩn với những người mỏng giòn, yếu đuối” (các số 35-38). Văn kiện không ngừng cảnh báo chúng ta phải coi chừng nguy cơ rằng cả hai mặt của cùng một mầu nhiệm là ân sủng và tính nhưng không – “khoa sư phạm của Thiên Chúa về ân sủng trong cuộc đời của chúng ta” (số 297) – bị chia cắt với nhau và rốt cuộc lại đối nghịch nhau: khi đó, một mặt chúng ta có thể gặp phải “một nền mục vụ xơ cứng hơn vốn chẳng chịu để xảy ra tình trạng mập mờ nào” và có cao vọng “giải quyết mọi sự bằng cách áp dụng những quy chuẩn phổ quát” (số 308 và số 2), và mặt khác chúng ta có lẽ sẽ đối diện với một kiểu mục vụ dễ “khoan nhượng” và dễ chấp nhận “ngoại lệ” đến độ có thể khiến chúng ta nghĩ rằng Giáo Hội duy trì một nền luân lý kiểu nước đôi” (số 300 và số 2).

            Ấy vậy, chỉ có cuộc gặp gỡ hữu hiệu giữa con người với nhau mới giúp thoát ra khỏi tình thế đôi ngã rốt cuộc vẫn còn khá trừu tượng và xa rời thực tế như vừa nói trên. Chính ở khía cạnh đó mà chúng ta nhận thấy tính chất mới mẻ của tầm nhìn vừa được đề nghị, một tầm nhìn khả dĩ giúp tiến hành một cuộc canh tân đích thực đời sống mục vụ: sự chuyển hướng về phía những cuộc gặp gỡ vốn cho phép, trong vô số những hoàn cảnh cụ thể khác biệt nhau, tiếp chạm được “điều thiện hảo mà Thánh Thần trải đầy xuống trên những cảnh đời mỏng giòn, yếu đuối*” (số 309). Quả thật, bởi lẽ ý muốn của Thiên Chúa dành cho mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh thì vô cùng cụ thể, cho nên ý Chúa không bao giờ được giảm trừ thành một sự tương hợp đơn giản với những quy luật luân lý (số 304 và số 305), nhưng phải thuộc về phạm vi của một lối “biện phân* trong Thánh Thần” (discernement spirituel) vốn luôn mang tính cá vị và tương quan, dẫn tới một hình ảnh “đa diện” (multitudinariste) của Giáo Hội, vượt thoát khỏi mọi kiểu tinh hoa chủ nghĩa; tuy nhiên, điều đó nhất thiết đòi buộc “chúng ta thực sự tự nguyện dấn thân vào trong cuộc hiện hữu cụ thể của tha nhân” (308, xem thêm Niềm vui của Tin mừng, 279).

            “Tính cách mục vụ” nổi tiếng được tranh luận hết sức sôi nổi từ Công đồng Vaticanô II, vì thế, không đơn thuần chỉ là việc “áp dụng” học thuyết. Khi được đặt lại tận tâm điểm mối tương quan mục vụ giữa những người tại đây và lúc này đang công bố Tin Mừng và những người đón nhận Tin Mừng, học thuyết rõ ràng tự thân mang tính cách mục vụ, hoặc khi đó “tự biến mình thành những viên đá khô cứng dùng để ném vào tha nhân”, theo như lối ám chỉ gay gắt của Đức giáo hoàng Phanxicô dành cho những người luật sĩ và những người Pharisêu xuất hiện trong khung cảnh nói về người phụ nữ ngoại tình của Tin Mừng Gioan (số 49). Cả ba chương đầu tiên của tông huấn Niềm vui của tình yêu cũng như toàn bộ phần còn lại của văn kiện này đều đặt nền móng cho tầm nhìn mới mẻ đó trên việc đọc Thánh Kinh (1o), trên một lối phân tích hoàn cảnh thực tế hiện tại của các gia đình (2o) và trên giáo huấn của Hội Thánh (3o), cả ba nguồn tư liệu hay thông số của tông huấn vì thế cần phải luôn ở trong mối tương tác liên tục với nhau.

Đọc Thánh Kinh

            Vậy chúng ta hãy khởi sự với việc đọc Thánh Kinh, bởi lẽ đọc Thánh Kinh không những là đối tượng đáng quan tâm chính yếu của chương mở đầu mà còn là yếu tố tạo nguồn hứng khởi cho những suy tư của chương 4 bàn về tình yêu trong hôn nhân và cũng là “chìa khóa” khai mở chương 3, chương tóm kết lại những giáo huấn của Hội Thánh. Tiên vàn và rốt hết, chính việc đọc Thánh Kinh mới có khả năng tiến hành cuộc hoán cải sứ mạng mà tông huấn đang chờ đợi. Cách đặc biệt, chúng ta hãy ghi nhớ cách đọc Thánh Kinh, đích thị khởi từ kinh nghiệm* gặp gỡ và dựa vào sự liên kết giữa gia đình và ngôi nhà của nó (xem số 44). “Vì vậy, chúng ta hãy bước qua ngưỡng cửa của ngôi nhà an vui đó, đến với gia đình đang ngồi xum vầy quanh bàn tiệc” (số 9), đó là điều Đức giáo hoàng nói với chúng ta trong phần đầu của bình giải dành cho thánh vịnh 128 vốn giúp ngài có khung cảnh cụ thể và bầu khí để đọc lại, cùng với Chúa Giêsu, những đoạn Lời Chúa quan trọng nhất của Cựu Ước và Tân Ước. Qua việc nhắc nhớ rằng chính Đức Giêsu Nazarét đã sinh ra trong một “gia đình khiêm tốn” và luôn rong duỗi trên hành trình sứ mạng, Chúa không ngừng gặp gỡ tha nhân, không người này thì cũng người kia, Chúa bước vào nhà họ và sẻ chia với họ những thảm cảnh, khắc khoải, căng thẳng xảy đến cho gia đình họ (số 21), Đức giáo hoàng chỉ ra cách cụ thể rằng “Lời Thiên Chúa không tỏ ra như một chuỗi luận đề trừu tượng, nhưng như một người bạn đồng hành, kể cả đối với những gia đình đang gặp khủng hoảng hay đương phải đối mặt với một nỗi khổ đau nào đó, và Lời Thiên Chúa chỉ cho các gia đình này thấy được mục đích của hành trình*” (số 22). Tất cả các chủ đề trong phần tiếp theo của tông huấn đều nằm trong đó cả rồi. Độc giả sẽ có thể nhận ra các chủ đề đó.

            Khi ấy, độc giả được mời gọi mặc lấy “ánh mắt Chúa Giêsu”; đó chính là điều Đức giáo hoàng tỏ rõ cho thấy ngay trong phần dẫn nhập, khi Ngài chỉ ra rằng Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn đưa chúng ta đi tới chân lý vẹn toàn (Ga 16, 13), sẽ luôn vượt lên trên “những lối diễn nghĩa khác nhau về một số khía cạnh của học thuyết”, và khi Ngài nói thêm với lối diễn đạt đáng kinh ngạc: “nghĩa là, khi chúng ta hoàn toàn được dẫn vào trong mầu nhiệm Chúa Kitô và khi chúng ta nhìn thấy mọi sự qua ánh mắt Chúa Kitô” (số 3). Nhìn thấy mọi sự qua ánh mắt Chúa Kitô, đó cũng là nguyên lý được thượng hội đồng* đưa ra để tái đọc hiểu giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân và gia đình, nguyên lý này cũng được nhắc lại ở đầu chương 3 (số 60, xem thêm số 77 và 78), chính là chương bắt đầu bằng một suy tư thần học về Tân Ước, và ở giữa chương này có trình bày bức linh ảnh (icône) gia đình tại thế của Chúa Giêsu (số 61-66, để so sánh với các số 18, 21 và 30).

            Quả đúng là chúng ta không tức khắc đạt tới khả năng mặc lấy ánh nhìn đích thực của Chúa Giêsu đối với thực tế của các đôi vợ chồng và gia đình của họ được; tiên vàn cần chiêm ngắm thật lâu Chúa Kitô Giêsu và khám phá ra Chúa quả thật là Con của Chúa Cha, Đấng biểu lộ tình yêu vô hạn của Mình nơi Chúa Con đã tự hiến thân trọn vẹn cho nhân loại. Chính vì lẽ đó, khi theo Chúa Kitô Giêsu đến viếng thăm các ngôi nhà, Đức Phanxicô “muốn chiêm ngắm Chúa đang sống và hiện diện trong vô vàn những câu chuyện tình yêu, muốn kêu cầu lửa Thánh Linh ngự xuống trên toàn thể các gia đình trần thế (sự kêu cầu này làm nên khung cảnh cho toàn bộ chương 3 và chương 4, xem các số 59 và 164). Vốn dĩ hoàn toàn mang tính quyết định, nền tảng “Thiên Chúa Ba Ngôi” vốn đỡ nâng tình yêu phu thê và tình yêu gia đình thì hiện diện trong toàn bộ tông huấn, nhưng nền tảng ấy chỉ được mở ra như một cánh cửa trong cuộc gặp gỡ hữu hiệu của một đôi vợ chồng nào đó, của một gia đình trong một ngôi nhà nào đó và vào dịp một “biến cố” nào đó xảy đến.

Biện phân những biến cố trong thời đại chúng ta

            Quả vậy, chính ngày hôm nay điều đó đang diễn ra và Thánh Kinh tỏ ra như “người bạn đồng hành” nếu Thánh Kinh thực sự cho phép diễn nghĩa “những biến cố xảy đến trong mỗi gia đình của chúng ta” (số 30) trong bối cảnh thực tế hiện nay, và vì thế Thánh Kinh có khả năng giúp chúng ta đạt đến “một tầm hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm khôn dò khôn thấu của hôn nhân và gia đình” (số 31). Rõ ràng đó là điều được đề nghị trong chương 2 của tông huấn, là chương thực hiện một phân tích vừa mang tính lịch sử xã hội vừa mang tính thần học về “thực tế” và những “thách đố” của gia đình.

            Ba nhân tố chính yếu được nhấn mạnh: tính đa dạng vô cùng của các hoàn cảnh, khuynh hướng càng ngày càng mong manh của mối liên hệ hôn nhân và gia đình và “nền văn hóa tạm thời” (39), thêm vào đó là những vấn đề cụ thể như di dân, sự khốn khổ và vô số thách đố cụ thể khác như khuyết tật, những khó khăn về giáo dục, chứng nghiện ma túy, sự lão hóa, v.v. Ngay từ đầu, Tông huấn đã đưa ra một nhận định, một phát ngôn và đồng thời cũng là một nguyên lý: “Ước muốn đời sống gia đình vẫn luôn mạnh mẽ, đặc biệt là nơi những bạn trẻ, và điều đó gia tăng động lực cho Giáo Hội.” Rõ ràng ước muốn đó ngày hôm nay đang bị đe dọa cách đặc biệt bởi mọi “ước muốn” hay “nhu cầu” và khuynh hướng tuyệt đối hóa những ước muốn đó do bởi tính ái kỷ thái quá (các số 33, 34, 39, v.v.).

            Tuy nhiên, khi đối mặt với thực trạng này, một hành vi tự phê bình nghiêm túc về hoạt động mục vụ của Giáo Hội quả là cần thiết, đó là điều kiện tất yếu mang lại tính khả tín cho một phương pháp chẩn đoán tốt về thời điểm hiện tại (xem EG số 77); bởi vì, như Đức giáo hoàng thừa nhận, “cách thức chúng ta trình bày những xác tín Kitô giáo và cách thức chúng ta đối đãi với mọi người đã góp phần gây nên những điều mà chúng ta đang than phiền vào ngày hôm nay” (số 36). Mục tiêu của gặp gỡ mục vụ không phải là để đối chọi lại với sự yếu đuối của những đối thoại viên bằng một bài thuyết trình đơn phương về những bổn phận đòi buộc trong hôn nhân và đề xuất một lý tưởng xa rời thực tế và bất khả thi, nhưng đó là để “trình bày những lý do và động lực lựa chọn đời sống hôn nhân và gia đình” (số 35), và vì vậy, để làm cho những thực tại đó trở nên đáng ước mong” (36); điều đó hẳn là công nghiệp của ân sủng, như đã bàn đến trên đây, vốn có khả năng khơi dậy sự cởi mở và sự tin tưởng đối với cuộc gặp gỡ mục vụ.

Đi vào cuộc truy tầm ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm hôn nhân và gia đình

            Chính vì tình trạng rạn nứt của “ước muốn hôn nhân và gia đình” trong hoàn cảnh thực tế hiện tại mà học thuyết Giáo Hội trong tính năng động mục vụ nền tảng của mình phải được soạn thảo lại và “một công cuộc tìm hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm hôn nhân và gia đình khôn dò khôn thấu” phải bắt đầu (các số 2 và 31). Đó là mục tiêu của chương III. Chúng ta có thể lưu ý đến những phương diện chính yếu sau đây của chương này:

  1. Sau những gì vừa được trình bày liên quan đến “nguyên tắc về tính tiên quyết của ân sủng” (Niềm Vui của Tin Mừng, số 112), chúng ta có thể hiểu rằng hôn nhân và gia đình nên được lĩnh hội như một “đặc sủng”, nghĩa là như một sự tỏ lộ bằng xương bằng thịt, hoàn toàn riêng biệt và tương quan, của ân sủng (1 Cr 7,7), mà, theo cái nhìn tích cực của Tân Ước về công trình tạo dựng, là “bao hàm cả tính dục*” (1 Cr 7,5). Thậm chí tính bất khả phân ly được hiểu tiên vàn không như một “ách nặng” hay một “luật” nhưng như một “quà tặng” (các số 61 và 62). Và việc thụ thai và sinh hạ con cái có ý nghĩa gì đây? Điều đó không đến từ bên ngoài để thêm vào tình yêu song phương giữa vợ và chồng, nhưng phát sinh ngay chính tại tâm điểm của quà tặng dành cho nhau đó” (số 80), mặc dầu điều ấy có thể được hiểu theo cách thức chắc chắn tới mức đáng kinh ngạc rằng hành vi tình dục vợ chồng (sexualité conjugale) là một “lộ trình thăng tiến trong đời sống ân sủng” (số 74), và cho dù hành vi tình dục vợ chồng phải quy hướng đến việc sinh sản (procréation*) đi nữa, thì hành vi đó vẫn không bị giảm thiểu thành việc sinh sản. Tính nhưng không của món quà được trao tặng theo cách như thế sẽ trở thành tiêu chuẩn chính yếu để biện phân* “ước muốn hôn nhân và gia đình” của con người trong một xã hội đang có nguy cơ biến mọi thứ trở thành công cụ hay giảm thiểu mọi sự thành một dự phóng khả dĩ làm chủ được (các số 81-83). Đồng thời cũng cần ghi nhận rằng cách hiểu truyền thống xem hôn nhân như “bậc sống” (état de vie) – [mà trong Hiến chế Lumen gentium số 11, được hòa hợp cách sâu xa với cách hiểu về những “quà tặng riêng biệt” của hôn nhân] – không xuất hiện trong chương này, là chương bàn về giáo huấn của Hội Thánh, và chỉ được đề cập ở cuối chương tiếp theo, khi Đức Phanxicô bàn về đức “khiết tịnh” và công khai chống lại ý niệm cho rằng bậc sống khiết tịnh cao trọng hơn so với bậc sống hôn nhân (các số 159 và 160). Giống như mọi kiểu đặc sủng khác, hôn nhân và gia đình vì thế cũng là một “ơn gọi” thực sự và thuộc về phạm vi của một lộ trình “biện phân ơn gọi” (số 72), điểm mấu chốt là vì hôn nhân và gia đình khởi nguồn từ Thiên Chúa.

            Lối diễn tả mới “Tin Mừng về gia đình” (các số 60, 63,76, 89, …) ở đây được làm sáng tỏ như sau: cách nói đó hệ tại “đặt lại” – cùng với Chúa Giêsu (xem Mc 10, 11-12, …) – cội nguồn của mối liên kết hôn nhân giữa người nam và người nữ ở việc là họ được tạo dựng “theo hình ảnh và giống Thiên Chúa”, một Thiên Chúa được hiểu theo viễn ảnh Kitô giáo, là “Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, nguồn mạch của mọi tình yêu đích thực” (số 63). Ở đây chúng ta gặp lại “nền tảng” (l’arrière-plan) Thiên Chúa Ba Ngôi cho tình yêu hôn nhân và gia đình, trước đó đã được gợi lên; và một trong những chức năng của nền tảng ấy chính là giúp chúng ta hiểu được rằng dẫu cho có mọi kiểu chống đối và mọi nỗ lực làm méo mó đi nữa, lời đề nghị Phúc âm của Chúa Giêsu rõ ràng tương ứng với một “ước muốn” được hàm chứa nơi việc tạo dựng, và chúng ta cũng hiểu được rằng “Tin Mừng về gia đình” vì thế trải dài suốt dòng lịch sử thế giới… “mãi cho đến lúc mầu nhiệm Giao Ước* được hoàn tất trong Chúa Kitô vào thời sau hết, với hôn lễ Chiên Thiên Chúa (xem Kh 19, 9)” (số 63).

  1. Quan niệm về “bí tích*” – phương diện thứ hai của học thuyết – được lồng vào tầm nhìn “mang chiều kích đặc sủng” (charismatique) như đã nói về hôn nhân và gia đình, bởi vì chính bí tích cũng được hiểu như một “quà tặng” đặc biệt (số 67), được hàm chứa trong nguồn mạch ân sủng của phép thánh tẩy (các số 72-74). Tông huấn trích dẫn hai lần lối nói bóng bẩy nơi Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 48, 2, theo đó, chính Chúa Kitô qua bí tích hôn phối đến gặp đôi vợ chồng […] và ở lại với họ” (các số 67 và 73); đó là một cách thức đặt để bí tích này tận sâu trong hành trình không ngừng nghỉ và những cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu, Đấng hiện tại đang đến nhà của đôi hôn phối. Vì vậy, cặp vợ chồng này và gia đình của họ trở nên chứng tích hay “dấu chỉ bí tích” cho tình yêu của Chúa đối với toàn thể Giáo Hội, thậm chí cho sự kết hiệp của Chúa với Giáo Hội. Ở đây Đức giáo hoàng quy chiếu đến thư Ep 5, 21-23, là bản văn quan trọng có tích cách định đoạt lần đầu tiên được giải trừ khỏi lối diễn nghĩa giảo quyệt về “sự phục tùng” của người nữ đối với người nam (xem số 156).

            Người nam và người nữ cũng như gia đình của họ khi ấy có thể được gọi là “Giáo Hội tại gia*” (các số 67 và 86), một lối diễn tả được phục hồi cách sống động bởi Công đồng Vaticanô II (Hiến chế Lumen gentium, số 11), vốn dĩ không những cho phép hiểu Giáo Hội như “một gia đình gồm nhiều gia đình vốn không ngừng được làm cho nên phong phú nhờ đời sống của tất cả Giáo Hội tại gia” (số 87), nhưng còn cho phép tìm thấy ở nơi đó một “kinh nghiệm nguyên khởi về Giáo Hội”: “mối hiệp thông giữa người với người là sự phản chiếu, nhờ ân sủng, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh (số 86). Ở đây có thể chúng ta đang lo ngại một kiểu “lý tưởng hóa” mang chiều kích giáo hội học về gia đình và một thái độ coi nhẹ vị thế của những tín hữu khác trong Giáo Hội, họ cũng được mời gọi hãy đảm nhận, mỗi người tùy theo ơn gọi riêng của mình, sứ mạng diễn tả cho người khác hiểu mầu nhiệm Giáo Hội. Nhưng có tới hai lần tông huấn cảnh báo xu hướng “công giáo” sau đây, vốn bị chỉ chỉ trích bởi các niềm tin Kitô khác: “Tuy nhiên, – Đức giáo hoàng lưu ý -, không được đồng hóa các bình diện dị biệt, không được chất lên vai đôi vợ chồng gánh nặng khủng khiếp là phải tái hiện cách hoàn hảo mối dây liên kết ở giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài; bởi vì hôn nhân hiểu như là dấu chỉ thì bao hàm một tiến trình năng động vốn dần dà thăng tiến nhờ việc tích hợp tiệm tiến những quà tặng Thiên Chúa ban” (số 122, xem thêm số 73).

  1. Phương diện thứ 3, tương đối mới mẻ trong giáo huấn của Hội Thánh, đã lộ rõ nơi chương này: đó là mối tương quan của đặc sủng và bí tích với thời gian và lịch sử*. Toàn bộ suy tư mục vụ trong các chương tiếp theo, cách riêng là suy tư về “quy luật tiệm tiến*” (các số 293-295), đều đặt nền trên ý thức* như thế: bí tích diễn tả một khởi đầu, đó là khởi đầu cho một hành trình đi theo Chúa Kitô Giêsu mang tính cách cá vị, đầy những điều bất ngờ mới mẻ (các số 73, 74 và 186); đó là những điều bất ngờ mang dáng dấp của những biến cố bất chợt xảy đến trong lịch sử nhân loại với những hoàn cảnh vô cùng phong phú và đa dạng (xem số 300), và đối với nhiều người, những hoàn cảnh này khác xa với lời khuyến nghị của Kitô giáo (các số 76-79).

            Một lần nữa chính “Tin Mừng về gia đình” có mặt ở đây và sự hiện diện của Tin Mừng này là một điều huyền bí trong toàn bộ lịch sử nhân loại (số 76). Trong suốt hai thượng hội đồng vừa qua, Đức Phanxicô kích hoạt lại truyền thống giáo phụ về những “những hạt giống của Lời” (semina verbi), truyền thống này hiện diện rất nhiều trong các văn kiện trọng yếu của Công Đồng Vaticanô II (chẳng hạn trong Gaudium et Spes số 22 và Ad gentes số 11): “Chỉ khi cố định ánh nhìn hướng về Chúa Kitô, chúng ta mới nhận biết sâu xa tận ngọn nguồn chân lý liên quan đến các mối tương quan nhân linh” (số 77); chân lý này vốn ở trong lòng lịch sử nhân loại, thường được ẩn giấu và nhất thiết phải cần đến một tiến trình biện phân* dựa theo ba loại tiêu chí: trước hết, đó là những tiêu chí liên hệ đến “bất cứ ai […], bất kể dân tộc, tôn giáo, vùng miền của người này có thế nào đi nữa” (số 77), tiếp đến là tiêu chí về ước muốn “hoán cải” đối với những ai “tham dự vào đời sống của Giáo Hội cách bất toàn” (số 78), và sau cùng là điều được chúng ta gọi “tiêu chí khôn ngoan” (critère de prudence) “khi đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn và khi gặp các gia đình bị thương tổn”, và tiêu chí sau cùng này hệ tại ở việc thừa nhận rằng “mức độ trách nhiệm không phải là y hệt nhau trong mọi trường hợp và có thể có tồn tại những tác nhân vốn giới hạn khả năng quyết định” (số 79). Điều có tính cách định đoạt, đó là, một mặt, tương quan nội tại giữa đặc sủng và bí tích hôn nhân và gia đình, và, mặt khác, thời gian tính và lịch sử tính của cuộc hiện hữu của chúng ta, cần phải được xem là thuộc về giáo huấn của Giáo Hội để tránh được nguy cơ phân tách, thêm một lần nữa, một học thuyết phi thời gian và một nền mục vụ bất tất.

  1. Phương diện cuối cùng, gắn chặt với đặc tính bí tích của hôn nhân và với mối tương quan của nó với Giáo hội (địa phương hay hoàn vũ), đáng được nhấn mạnh, bởi lẽ đây là phương diện ấn định, hơn chúng ta tưởng, công việc thực hành mục vụ. Đức Phanxicô nhấn mạnh đến yếu tố trọng tâm của “truyền thống Latinh”, nghĩa là người nam và người nữ là “những thừa tác viên của bí tích [hôn nhân]”: “Qua bí tích thánh tẩy, Thiên Chúa thánh hiến khả năng người nam và người nữ kết hợp với nhau trong bí tích hôn phối với tư cách là những thừa tác viên của Chúa Giêsu để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa” (số 75). Hầu như được trình bày cách sơ lược, lối diễn tả đó rốt cục tóm kết những khía cạnh khác nhau, về phương diện đặc sủng hay về phương diện bí tích, của giáo huấn của Đức Thánh Cha, nhất là khi chúng ta hiểu sự phân biệt – thường bị coi nhẹ trong thời gian gần đây – giữa một bên là những điều kiện mà Giáo hội đòi hỏi “vốn đã thay đổi theo dòng lịch sử” với bên kia là “tính cách thừa tác viên bí tích của hai người kết hôn với nhau và “đặc tính trung tâm của sự đồng thuận của người nam và ngươi nữ, mà tự thân vốn là yếu tố để cho mối dây liên hệ bí tích được thiết lập” (số 75).

            Sự nhấn mạnh của thời hiện đại và thời đương đại về lương tâm* (số 37) rõ ràng liên hệ mật thiết với việc làm nổi bật đôi hôn phối như là “những thừa tác viên” của bí tích. Điều đó cũng liên quan đến việc Đức Phanxicô, trong phần tiếp theo của chương này, nhấn mạnh đến trách nhiệm giáo dục của cha mẹ, còn tất cả những phận vụ khác, dù thuộc nhà nước hay thuộc Giáo hội, đều chỉ là “bổ trợ” (số 84 và số 85): “Những người đã lãnh nhận bí tích hôn phối thì trở thành những thừa tác viên giáo dục thực sự” (số 85). Đầu chương 6, Đức giáo hoàng còn nói thêm rằng những bậc cha mẹ, “nhờ ân sủng của bí tích, cũng trở thành các tác nhân chính của hoạt động mục vụ gia đình” (số 200). Điểm nhấn mạnh này của truyền thống Latinh không ngăn trở Đức giáo hoàng đưa ra lời mời gọi hãy suy tư phản tỉnh nhiều hơn nữa về khía cạnh rõ ràng trong truyền thống Đông Phương, đó là việc nhấn mạnh tới tác động của Chúa trong nghi thức bí tích hôn phối và tới lời chúc phúc là dấu chỉ quà tặng của Chúa Thánh Thần.

            Tôi nghĩ chúng ta sẽ nhận biết được sự tương tác giữa việc đào sâu như thế về bí tích hôn phối và gia đình khôn dò khôn thấu, việc phân tích hoàn cảnh thực tế hiện tại của hôn nhân và gia đình (với “đôi chân đứng vững trên mặt đất”, dựa theo số 6) với một lối đọc Thánh Kinh được làm mới; nhất là chúng ta sẽ hiểu rằng chỉ có cuộc gặp gỡ hữu hiệu với hiện hữu cụ thể của tha nhân mới cho phép phát hiện ra ở nơi đó, cùng với những người nam và những người nữ có liên quan, ý muốn luôn luôn mang tính cá vị của Thiên Chúa. Như chúng ta đã nói lúc đầu, cần thiết phải dấn bước đi sâu vào trong một tầm nhìn thống nhất, vừa mang tính tổng thể vừa mang tính cụ thể vô cùng, để cho những nguồn sinh lực mới mẻ và nguồn sức mạnh chưa từng có ở nơi chúng ta được thi triển. Bây giờ, chúng ta nói thêm rằng tầm nhìn đó vẫn chưa hoàn chỉnh. Bởi vì nếu tầm nhìn đó không đi kèm với một sự “đi ra” hữu hiệu (EG 20-24), nó có nguy cơ phải mang lấy số phận gây tha hoá giống như mọi thứ chủ nghĩa không tưởng hay mọi kiểu ý thức hệ. Nhưng nếu luôn ở nơi “nền tảng” (l’arrière-plan) đỡ nâng cho những cuộc gặp gỡ thường nhật và những cuộc di dân mục vụ của chúng ta vốn chất chứa biết bao điều bất ngờ và vô vàn lời mời gọi để không ngừng tiến xa hơn nữa, thì tầm nhìn đó có thể đóng vai trò vô cùng cao quý, nó giống như “bản đồ” hay thậm chí như “la bàn” nội tâm vậy.

            Quả vậy, sáu chương sau đây – chiếm 2/3 tông huấn – được dành để trình bày về hành trình thường nhật không ngừng nghỉ mà có hai khía cạnh đáng để chúng ta nhấn mạnh hơn hết: (1) học cách ngắm nhìn tha nhân và đồng hành với tha nhân; (2) cách thức mới để kiến tạo một Giáo Hội hiểu theo quan niệm “đa diện” (multitudinariste).

HỌC CÁCH “NHÌN” THA NHÂN VÀ CÁCH “ĐỒNG HÀNH” VỚI THA NHÂN

            Nếu chúng ta hiểu rằng cuộc sống không chỉ diễn ra ở bề mặt, được phủ lấp bởi những phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng còn hơn thế nữa, cuộc sống cũng diễn tiến trong vùng tranh tối tranh sáng nơi những hậu trường của xã hội, trong những ngôi nhà và những căn hộ của chúng ta, tận nơi đáy thẳm lương tâm của chúng ta và ngay trong lòng những suy nghĩ, cân nhắc ít nhiều thầm kín của chúng ta, ở nơi tương tác với thế giới giáo dục, văn hoá, lao động, kinh tế và chính trị, thì chúng ta cay đắng nhận thấy – và đó là mục đích chính của tông huấn – rằng chúng ta cần phải thực sự biết cách “ngắm nhìn” sâu sắc để có thể “đồng hành” cùng nhau trên những chặng đường đời. Chính việc học tập này đánh dấu bước khởi đầu cho “tiến trình hoán cải sứ mạng” của Giáo hội, là điều Đức giáo hoàng Phanxicô vô cùng ước mong (các số 57, 201, 230; nên xem kỹ EG 25-33).

Học cách ngắm nhìn…

            Vì vậy, ước mong rằng mỗi độc giả sẽ bắt đầu bằng một sự luyện tập nho nhỏ: đó là tìm tới phần danh mục sau đây và tìm hiểu mọi ý nghĩa của hạn từ ánh nhìn hay ngắm nhìn. Độc giả ấy chắc sẽ lấy làm ngạc nhiên vì số lượng ý nghĩa thật phong phú biết bao. Khi đọc qua các trang có trích dẫn hạn từ đó, độc giả sẽ thầm tự vấn về cái cách mình ngắm nhìn những người thân cận của mình, sẽ tự hỏi xem đâu là điều mình thấy được và có lẽ sẽ phát hiện ra những hệ quả của ánh nhìn riêng của mình. Độc giả đó sẽ khám phá ra rằng ngắm nhìn Chúa Giêsu đang nhìn cho phép mình nhận thấy được những tầng ngầm sâu thẳm của đời sống thường nhật của mình và của những mối quan hệ của mình với một sự tập chú mang đậm tính chiêm niệm. Đó cũng chính là điều đã được gợi lên trong ba chương đầu tiên của tông huấn, trước khi văn kiện này mời gọi độc giả đến với phần tiếp theo để ngắm nhìn – từng ngày từng ngày – bạn đời và gia đình của mình với một ánh nhìn đầy yêu thương* (các chương 4 và 5), để mặc lấy một ánh nhìn mục vụ và giáo dục (các chương 6 và 7), và nhất là để nhìn ngắm những yếu đuối mỏng giòn của kiếp nhân sinh, nhờ được soi sáng bởi ánh nhìn của Chúa Giêsu Kitô, một “ánh nhìn biệt hoá” (các chương 8 và 9). Có thể độc giả ấy sẽ dừng lại ở tầng nghĩa cuối cùng có tính cách tóm kết toàn bộ lộ trình được hoàn tất kiểu như thế: “Chiêm ngắm mỗi người thân cận bằng đôi mắt của Thiên Chúa và nhận ra Chúa Kitô nơi người ấy…, đó quả là một trải nghiệm* thiêng liêng sâu sắc” (chương 9, số 323).  

            Một trải nghiệm thiêng liêng như thế thì thật cụ thể biết bao, điều đó được nhắc nhớ trong suốt lộ trình học tập đó, chẳng hạn khi Đức Phanxicô nêu bật lên những điệp khúc than phiền: “Chồng tôi không thèm nhìn tôi, cứ như thể đối với ông ấy, tôi là kẻ vô hình vậy”, hay “Trong nhà tôi, tôi chẳng là gì trước mặt mọi người cả, họ thậm chí không nhìn tôi, cứ như thể tôi không tồn tại” (số 128). Và để chỉ ra theo hướng ngược lại là làm thế nào để “vun trồng tình yêu chiêm ngắm”, Đức giáo hoàng không tìm thấy phương cách nào tốt hơn là nhắc nhớ lại trong ký ức chúng ta khung cảnh vui tươi của phim Bữa tiệc của Babette, «trong phim người vợ nội trợ tốt lành nhận được một dấu chỉ tri ân và một lời khen ngợi: “Ở với em, các thiên thần sẽ được no thoả cao lương mỹ vị biết chừng nào!” » (số 129).

            Trong chương 4 của tông huấn, việc học tập đó bắt đầu bằng việc đọc bài ca đức ái của Thánh Phaolô (1 Cr 13), rất thường được bình giải trong những dịp cử hành nghi lễ hôn phối, – Đức Phanxicô chia sẻ cách bình thản như thể Ngài đang an nhiên lần chuỗi vậy – , những thái độ yêu thương khác nhau, cũng giống như các hạt ngọc của tràng chuỗi mân côi, mang lại cho đôi vợ chồng hương vị hàng ngày: kiên nhẫn* và thái độ phục vụ, không tham lam, không kể lể tài đức, không khoe khoang khoác lác…, dễ thương và thanh thoát, không khuấy động nội tâm…, biết tha thứ và biết chung vui với người khác, biết khoan dung trong mọi chuyện, biết tin tưởng và hy vọng, biết chịu đựng tất cả… (các số 90-119).

            Trên nền tảng chung này, vốn không bao giờ có thể dựng xây một lần cho tất cả, Đức giáo hoàng xem xét, ngay sau đó, cách thức tình yêu phu thê được sống khi tình yêu này được trở nên phong phú và được soi sáng bởi ân sủng của bí tích, và khi ấy tình yêu phu thê sẽ được hiểu theo cách diễn tả của thánh Tôma Aquinô, đó là “sự kết hiệp tâm cảm […] vốn bao hàm sự trìu mến của tình bạn (tendresse de l’amitié) niềm đam mê* của tình yêu (passion érotique)” (số 120). Chúng ta cần ghi nhận rằng sự phân biệt đáng lưu tâm như thế cho phép xem xét được sự chín muồi của tình yêu phu thê cũng như mức độ tăng trưởng vững bền của tình yêu ấy (các số 116, 131 và 134), cho dù vẫn phải luôn ý thức về những điều bất ngờ của cuộc sống (như những gì đã được Đức giáo hoàng ghi nhận trong phần học thuyết của tông huấn).

            Sau khi cố gắng làm cho khả dĩ chấp nhận – trên bình diện nhân học và bằng cách quy nạp – “sự mở ra với tình yêu tuyệt đối của tình yêu phu thê”, là sự mở ra rõ ràng có liên hệ với mối tương quan qua lại giữa các chiều kích khác nhau của tình yêu phu thê (các số từ 123-125), Đức giáo hoàng Phanxicô mới đi sâu vào từng chiều kích một. Trước tiên, chúng ta có thể tìm thấy trong chương này những đoạn văn minh giải cho tựa đề của tông huấn, Niềm vui của tình yêu (các số từ 126-130), niềm vui này làm triển nở tâm hồn, đồng thời mở rộng khả năng tận hưởng và tìm được niềm vui thoả – thậm chí trong những giai đoạn của cuộc đời mà niềm vui thoả đó tắt ngấm – bởi lẽ tình yêu bằng hữu hay tạm gọi là ái hữu (amour d’amitié) dần dà chuyển thành đức ái vốn thấu hiểu, đề cao và chiêm ngắm vẻ đẹp của bạn đời – ngay cả khi người bạn này đau ốm, già nua hay không còn vẻ hấp dẫn nào nữa cả. Tiếp đến, chúng ta có thể đọc thấy nơi chương này lời mời gọi các bạn trẻ hãy kết hôn bằng tình yêu và hãy lớn lên trong tình yêu, bởi vì việc lặp đi lặp lại điều luật bất khả phân ly trong hôn nhân không thể nào thay thế được sự chín muồi của tình yêu mà Đức Phanxicô chỉ cho thấy một vài phương cách cụ thể để đạt tới (các số từ 131 – 141). Cuối cùng, chúng ta có thể tìm gặp trong chương này một phần khai triển dài đậm tính chất nhân học và thần học về tình yêu dục cảm hay tạm gọi là ái dục (amour-passion) và chiều kích nhục dục của tình yêu này, phần này mặc dù có đưa ra một tầm nhìn tích cực nhưng vẫn không loại trừ những khía cạnh thường mang tính chất bạo lực và tha hoá của tính dục (sexualité) (các số từ 142-157) – vốn lần đầu tiên xuất hiện trong một tông huấn: “Vậy tại sao chúng không dừng lại để nói về những loại tình cảm và về vấn đề tính dục trong hôn nhân?” (số 145).

            Những đoạn cuối cùng tuyệt vời nói về sự biến đổi của tình yêu, nhất là khi tuổi đời được kéo dài thêm từng ngày từng ngày, sẽ đưa chúng ta trở lại với động cơ trọng tâm của chương này, tức trở lại với thời gian tính của tình yêu và với sự chín muồi của tình yêu – “rượu thượng hạng để càng lâu càng ngon” (số 135) -, thời gian tính và sự chín muồi ấy được khai mở và đỡ nâng bởi ân sủng của bí tích. Và những đoạn này cũng cho thấy được mối liên hệ nội tại giữa chương 4 và chương tiếp theo, là chương nói về tình yêu đang “sinh hoa kết trái” (fécond). Khi đó trình thuật này lại khởi đi từ điểm bắt đầu của hành trình hôn nhân và rong duỗi trên những chặng đường đời khác nhau, theo một cách thức vừa cụ thể vừa trực tiếp: trình thuật dành nhiều khai triển dài để bàn về tình yêu trong khoảng thời gian thai nghén và về tình yêu của một người cha và của một người mẹ (các số 166-177); chương này mở ra những viễn ảnh khác về một khả năng “sinh con đẻ cái” mỗi ngày một lớn hơn (các số 178 – 186), dù không phải đối mặt mãi với những khó khăn thường nhật và với “dự án Thiên Chúa trao cho gia đình, đó là làm cho thế giới trở thành ‘gia đình’, để ai cũng có thể cảm nhận được tất cả mọi người là anh chị em của mình” (các số 183 và 194); chương này khép lại với phần trình bày về cuộc sống hằng ngày diễn ra trong lòng gia đình mở rộng (các số 187-198).

            Chúng ta không thể nhấn mạnh hết được sự khác biệt về cung giọng và về tư tưởng được biểu lộ nơi đây so với các đại văn kiện trong quá khứ như chương đầu tiên của phần thứ hai của Gaudium et spes (1965) và tông huấn Familiaris consortio của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1981). Nếu những tài liệu này vẫn còn ở tầm mức của một tư tưởng về các cấu trúc nền tảng của hôn nhân và gia đình, với những cứng nhắc bất khả né tránh vốn dính chặt nơi việc đặt điểm nhấn trên cấu trúc nội tại được cho là thuần nhất của hiện tượng gia đình và của thần học về gia đình, còn tông huấn Amoris laetitia dẫn chúng ta đi về phía những chặng đường đời và giáo huấn bằng cách tường thuật và nói thẳng cho những đàm thoại viên của mình biết về những điều họ thấy hoặc không thấy. Những cấu trúc đó không bị phủ nhận nhưng bị tương đối hoá cách mạnh mẽ bởi quà tặng tình yêu, vì lẽ Đức Phanxicô khai thác dồi dào nguồn lợi nơi dòng tư tưởng đó, dòng tư tưởng đã hiện diện trong Gaudium et spes, và nơi “cái nhìn khác biệt” được phác thảo bởi Familiaris consortio (FC số 84 và AL số 298). Tiến xa hơn trên chặng đường này, đó là dấn thân vào cuộc tái trang bị về phương diện luân lý nhưng cũng là học tập cách nhìn khác về tha nhân và gia đình, bằng đôi mắt của Chúa Giêsu; đúng hơn đó là bắt đầu đặt chân vào lãnh địa của một phương pháp hiện tượng luận về công việc thường nhật vốn được tác động sâu sắc bởi ân sủng và ước muốn yêu thương. Giá mà các Kitô hữu, các cộng đoàn của họ và những vị mục tử của họ biết ngắm nhìn cách sâu sắc hơn nữa thì…! Dù sao đi nữa, điều kiện tất yếu của toàn bộ nền mục vụ gia đình, đó chính là học biết cách ngắm nhìn….

… và học biết cách đồng hành

            Trước tiên chúng ta cần ghi nhận rằng chương 6 và chương 7, những chương lần lượt bàn về mục vụ và giáo dục, không từ bỏ viễn ảnh “chiêm ngắm” đó, là viễn ảnh vừa liên quan đến đôi vợ chồng và gia đình vừa liên quan tới những người (cả năm lẫn nữ) đồng hành với họ, chẳng hạn như các vị mục tử, những tác nhân khác của mục vụ và những cộng đoàn (xem các số 218, 219, 224, 235 và 279). Trong số những thuật ngữ thường gặp nhất nơi tông huấn, thuật ngữ “đồng hành” chuyển tải một khía cạnh quan trọng của tất cả các mối tương quan giữa chúng ta – những mối tương quan giữa các cặp vợ chồng với con cái họ – và từ đó được thừa hưởng một nền tảng thần học – đó là “sự hạ mình của Thiên Chúa luôn đồng hành hay song hành với lộ trình của con người…” (số 62 và nhiều chỗ khác); nhưng thuật ngữ đó cũng ám chỉ đến một trong hai phương diện có tính chất định đoạt của hoạt động mục vụ vốn khởi nguồn từ nơi dụ ngôn nói về con chiên thứ 100: “Giáo Hội biết rõ ràng rằng chính Chúa Giêsu tự tỏ mình là Mục tử của 100 con chiên, chứ không phải của 99 con. Chúa muốn có cả thảy” (số 309). Viễn ảnh Tin Mừng như thế hiển nhiên không huỷ bỏ những gì vốn ở nơi mục vụ và thuộc cấp trật “lãnh đạo” (gouvernement) và thậm chí còn không huỷ bỏ những gì thuộc về địa hạt của việc chủ sự nghi lễ phụng vụ; nhưng viễn ảnh đó trổi vượt và không ngừng chất vấn những chiều kích ấy (điều đó đã được phác hoạ kịp thời nơi số 6 của Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục của Công đồng Vaticanô II).

            Theo Đức giáo hoàng Phanxicô, ba phương diện của nền mục vụ đồng hành kiểu như thế đáng được suy tưởng cùng với nhau trong thời đại hôm nay. Trước tiên, mối liên hệ giữa một bên là một thẩm quyền cần thiết trong lĩnh vực đó, bao hàm những chuyên môn khác với thần học và những tác nhân khác với những mục tử, nhưng không làm mất đi giá trị căn bản của hoạt động linh hướng và của bí tích hoà giải (các số 201-204), với bên kia là một sự gần gũi thực sự theo tinh thần của các trình thuật Phúc âm: “Để đương đầu với một cuộc khủng hoảng, cần phải hiện diện. […] Trong những hoàn cảnh khó khăn hay nguy kịch, đa số người ta đều không cậy nhờ đến việc đồng hành mục vụ, bởi vì họ không cảm nhận được rằng đó là một hoạt đồng có tính cảm thông, gần gũi, hiện thực, cụ thể…”, Đức giáo hoàng lấy làm tiếc khi nói về điều đó (xem số 234). Bởi vì tính đa dạng hầu như vô cùng tận của những hoàn cảnh thực tế và sự ít ỏi các tác nhân mục vụ trong một số quốc gia, cho nên cả hai đòi hỏi ấy hiển nhiên đặt ra những vấn đề nan giải lớn. Hơn nữa, chính khi đối diện với bối cảnh được ghi nhận như thế, cần phải lắng nghe ước mong của Đức Phanxicô, đó là các đôi vợ chồng, trong truyền thống Latinh, được xem như “những thừa tác viên” của bí tích và “những thừa tác viên” của giáo dục, thì giờ đây, cùng với gia đình của mình, tất cả họ cũng là “những chủ thể tích cực của hoạt động mục vụ gia đình”. Đó là phương diện thứ hai của chương 6 cần được lưu ý: được lặp đi lặp lại nhiều lần (các số 202, 206, 207,…), phương diện này đặt điểm nhấn trên mối liên hệ của các cộng đoàn Kitô hữu ở trong những gì liên quan đến họ nhất, những gì làm cho việc đồng hành với họ trở thành “một mối bận tâm chung trong các đại dự án mục vụ” (số 200), nhưng đồng thời khía cạnh đó cũng đề cao sự hiện diện của các cặp vợ chồng mới cưới và các gia đình trẻ trong những cộng đoàn tín hữu.

            Còn một phương diện cuối nữa cần làm rõ: phương diện này trải dài suốt toàn bộ chương nói về mục vụ, và đây là lần thứ ba chương này dàn trải một kiểu trình thuật nói về đời sống của một đôi vợ chồng và của một gia đình, nhưng lần này thì ở trong viễn ảnh đồng hành mục vụ. Những thời kỳ khác nhau đều được nêu lên cả và những « vấn đề » (enjeux) về mặt nhân bản và thiêng liêng của chúng đều được “gọi mặt nêu tên”: thời gian đính hôn và chuẩn bị kết hôn và chuẩn bị cử hành nghi lễ hôn phối (các số 205-216), việc đồng hành mục vụ trong những năm đầu của đời sống hôn nhân với những nguồn trợ lực chuyên biệt của nó (các số 217-230), những cuộc khủng hoảng và những khó khăn đủ kiểu (các số 231-238), nhưng không quên lưu ý đến sự trở lại bất chợt của những vết thương cũ (các số 239 và 240), và cuối cùng là kinh nghiệm về sự tang thương, với một nghĩa cử suy niệm rất đơn giản về viễn ảnh Phục Sinh và về những cuộc tái ngộ hy vọng đạt được sau cái chết” (các số 253-258).

            Một điều quan trọng bậc nhất khác trong một văn kiện của huấn quyền, đó là một nền thần học mục vụ mới về các thời kỳ trong đời người được phác hoạ lên ở đây. Không có gì bị loại ra khỏi nền thần học đó; những khủng hoảng bất khả né tránh trong một cuộc đời liên tục biến đổi thì rất được coi trọng, nhưng không bị bi kịch hoá: “Mỗi cuộc khủng hoảng ẩn giấu một tin mừng mà cần phải biết lắng nghe bằng cách luyện tập sao cho thính giác của con tim thật nhạy bén” (số 232). Sự tư vấn không hề đảm bảo chắc chắn rằng những cuộc khủng hoảng đó được “giải quyết” mà không có sự chia ly cũng như chẳng có ly dị. Ngay ở trong chương này, đó là vấn đề cần bàn tới, với một sự quan tâm mục vụ thật nhạy bén, nhất là với việc đề cao một hành trình đồng hành đi đến nơi đến chốn. Những hoàn cảnh hiện sinh khác nhau dù một số vẫn còn được xem là “phức tạp”, nhưng tất cả đều được “gọi mặt đặt tên” và những cách thức tương quan với những hoàn cảnh đó cũng được làm sáng tỏ; nguyên tắc mục vụ, vốn tiên vàn hướng tới những người ly dị tái hôn, đó là “những người này ‘không bị dứt phép thông công’ và họ không bị đối xử như thế, bởi lẽ họ cũng thuộc về cộng đoàn Kitô hữu” (số 243). Ở đây bản văn đề cập trở lại trường hợp các trẻ em vốn thường xuyên trở thành nạn nhân của những hoàn cảnh đó (các số 245 và 246); vấn đề trẻ em nằm ở trung tâm điểm của chương 7, chương bàn về việc giáo dục trẻ em.

            Thông qua ba phương diện đó, chúng ta sẽ sớm nhận ra được tính nhân bản đáng ngạc nhiên của lộ trình* mục vụ nơi Amoris laetitia, tông huấn này minh hoạ cách tuyệt vời “tân chủ thuyết nhân bản” được Đức giáo hoàng cổ võ nhiều lần (chẳng hạn, trong dịp ngài nhận Giải thưởng Charlemagne vào ngày 6 tháng 5 năm 2016); đó là kiểu chủ thuyết nhân bản dựa trên “khả năng hội nhập, khả năng đối thoại và khả năng truyền sinh”. Những khả năng này phải cần đến tiên vàn là việc luyện tập ánh nhìn cho thật tinh tế, nhạy bén về tha nhân, vợ hoặc chồng, và về gia đình, sau đó là sự từ bỏ một thứ văn hoá chuộng cái tạm bợ hoặc là việc trau dồi khả năng xem xét và chiêm ngắm cuộc sống như một tổng thể, và cuối cùng là sự nỗ lực học tập cách thức đồng hành với nhau trên bước đường đời đã trở nên khá phức tạp này. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng tiến trình học tập này quả thật lâu dài và không thể nào vẫn cứ mãi là chuyện của các nguyên tắc, của các ý niệm và của các học thuyết được nữa, nhưng tiến trình ấy phải cần tới một “sự đi ra” hữu hiệu – sự trải nghiệm – của tất cả các tác nhân, “những tác nhân mục vụ” cũng như những tác nhân khác, bằng cách buông mình dấn thân vào trong các cuộc gặp gỡ bất ngờ, qua đó tạo nên các cuộc đối thoại chất lượng và khả năng làm trổ sinh điều mới mẻ. Bây giờ chúng ta sẽ luận bàn về khả năng hàng đầu trong số các khả năng nói trên, đó là khả năng hội nhập*.

VÌ MỘT GIÁO HỘI “ĐA DIỆN” BIẾT HỘI NHẬP

            Một sự gần gũi đích thực của các tín hữu, của các cộng đoàn của họ và của các vị mục tử của họ với đặc tính vô cùng đa dạng của những hành trình cá nhân, hôn nhân và gia đình, cũng như việc mọi người đặt câu hỏi về ý Chúa trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó thì dẫn đến một tầm nhìn không ngừng biệt hoá hơn mỗi ngày về Giáo Hội. Hiện diện ngay từ phần khởi đầu của tông huấn, Giáo Hội tỏ lộ dần dà theo tiến trình chúng ta đọc tông huấn và chúng ta nhận thấy phần trình bày về Giáo Hội kết thúc ở chương 8, là chương chủ yếu bàn luận về tính mỏng giòn yếu đuối và về một nền mục vụ đặt nền trên lòng thương xót. Đức giáo hoàng Phanxicô diễn tả tầm nhìn này bằng lối ẩn dụ yêu thích của ngài, đó là ẩn dụ về hình đa diện*, ẩn dụ này minh họa cho nguyên tắc thứ tư trong số bốn nguyên tắc làm nên tư tưởng về xã hội của ngài: “vì cao hơn bộ phận, nên tổng thể có một mô hình đa diện” (EG 234-237); ngài áp dụng nguyên tắc đó trong tông huấn Amoris laetitia, ở Thượng Hội đồng, để tái diễn tả Giáo hội trong tư cách toàn thể.

Điều “được gọi” là bất quy tắc

            Vốn đã được sử dụng nơi Familiaris consortio, sự phân biệt giữa những hoàn cảnh “quy tắc” và những hoàn cảnh “bất quy tắc” (FC 65, 79, 80 và 85) bị vượt quá bởi sự điều chỉnh nho nhỏ sau đây: những hoàn cảnh “được gọi” là bất quy tắc. Bởi lẽ không một ai có thể bị giảm thiểu thành những gì người ta “nói” về người đó và càng không thể bị giảm thiểu thành một lời nói “phủ định” hay “tiêu cực” giống như vô vàn kiểu ám chỉ vốn bén rễ sâu hoắm trong não trạng của chúng ta: “vô-thần” (a-thées), “vô-tín” (in-croyants), “bất-quy tắc” (ir-réguliers), v.v. Vì vậy, đó không phải là quy tắc làm nên điểm quy chiếu tối hậu của truyền thống Kitô giáo, nếu quy tắc ấy không biến đổi cách tham chiếu đó thành lối thực hành kiểu “Pharisêu”, bởi vì Thánh Phaolô đã giải mã được xu hướng đề cao lập trường “thiêng liêng” nói trên, tức xu hướng cứ khư khư muốn căn cứ trên “chữ viết” vốn có thể là một thứ vũ khí giết người (2 Cr 3,6). Trong tông huấn này của Đức Giáo hoàng Phanxicô, điểm quy chiếu tối hậu là ân sủng dưới hình ảnh của lòng thương xót ước muốn của con người, đối tượng được đỡ nâng bởi ân sủng.

            Điểm quy chiếu tối hậu này, hoàn toàn tương hợp với truyền thống, ngày nay bao hàm một ý nghĩa chặt hơn, đó là tính đặc thù của những chủ thể và của những hành trình của họ; điều đó, ngay từ đầu thời hiện đại, đã hướng dẫn nền linh đạo và nền thần học biết khảo cứu kỹ lưỡng hơn nữa về tính thống nhất nơi thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa ở trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó hay trong một cuộc lữ hành* trần thế nào đó, tôi đã nhiều lần lưu ý đến điều ấy. Cuộc đời mỗi người là một tổng thể; người đó chỉ “có” “một khuôn mẫu duy nhất”, nếu tôi có thể diễn tả như thế, và khuôn mẫu ấy, xét trong tư cách toàn thể, người ấy không thể tiếp chạm tới được. Nhưng “tổng thể” này không ngừng trình diện với mỗi người dưới hình thức “lương tâm” của người đó hay dưới dạng “tiếng nói của Thiên Chúa được đón nghe ở tận nội tâm thẳm sâu nhất của con người, trong đền thánh, nơi con người được hiện diện một mình với Thiên Chúa (GS 16), vì “sự mở ra với cái tối hậu” (xem AL 123) là dấu ấn tột cùng của lương tâm. Ngoài những sự thận trọng dễ hiểu của Veritatis splendor (1993) và của Familiaris consortio (1981), nhắc nhớ lại, về phương diện này, những trực giác vĩ đại của nền thần học trong những năm diễn ra Công Đồng Vaticanô II và những năm hậu Công Đồng này, đó là nền thần học mang dấu ấn sâu đậm của Karl Rahner, Alfons Auer, Franz Böckle, Josef Fuchs, v.v. Kể hết ra thì dài biết chừng nào.

            “Quy tắc” ấy không mảy may biến mất trong việc nhấn mạnh đến lương tâm và sự mở ra với cái tối hậu của lương tâm như vừa nói trên. Quy tắc đó không nằm trên cùng một phạm vi và không bao giờ diễn tả một “khách quan tính” phi thời gian, tách biệt với ý thức lịch sử và bị giới hạn trong Giáo Hội của “thời hiện tại” (huius temporis); vì vậy, nó phải không ngừng để cho mình được siêu vượt và được “tái khuôn đúc” bởi những lời dạy và những hành động của Chúa Giêsu, giống như việc những lời giảng và những công vụ đó được tuyên đọc lại bởi truyền thống và mới đây thôi trong chương đầu tiên của tông huấn Niềm vui của tình yêu. Để lấy ví dụ minh hoạ cho hôn nhân bất khả phân ly, Chúa Giêsu đã không đi sâu vào địa hạt những chuẩn mực cụ thể của Halakha; Ngài đã rao giảng trong tư cách ngôn sứ thời sau hết, chứ không như kinh sư hay như luật sĩ: tính bất khả phân ly* vì thế không được trình bày dưới hình thức của một lề luật nhưng cần phải được hiểu như Tin Mừng vốn khai mở một hành trình trung tín mới, chúng ta thấy đây là điểm được đề cao xuyên suốt tông huấn. Còn về “quy tắc điều phối” (régulation) cần thiết của thần học mục vụ vốn bao quát lấy lời hứa đó, ngay thời Tân Ước và suốt dòng lịch sử Giáo Hội, để bảo vệ và khắc ghi lời hứa ấy vào trong những hoàn cảnh thực tế, nó có chức năng định hướng tương lai của đôi vợ chồng và của gia đình. Nếu không có quy tắc ấy, “tính tiệm tiến*” của lịch sử và mục vụ cũng như “tính loại suy” (analogie) giữa một số hình thức kết hợp và hôn nhân Kitô giáo (số 252) sẽ biến mất, và cũng mất đi “tính bất khả” (l’impossibilité) trong việc phát hiện ra tính loại suy đó trong một số trường hợp, chẳng hạn như trong các “mối kết hợp đồng tính” (số 251).

            Người ta có thể ngờ vực rằng ý niệm “tiệm tiến” và cách sử dụng “phép loại suy” trong lòng một tổng thể càng ngày càng biệt hoá về hình thức và phong cách sống là một cách thức lén lút để tái đề xuất sự phân biệt giữa “cái quy tắc” và “cái bất quy tắc”. Không phải như thế, bởi vì năng lực tương đối hoá “cái gọi là bất thường” vẫn được lưu giữ mãi cho đến cùng và việc tìm kiếm cũng như việc thực hiện thánh ý của Thiên Chúa đầy ân sủng và giàu lòng thương xót thì được giữ vững như nguyên lý tối hậu (số 250).

Một tầm nhìn đòi hỏi hơn

            Khi đối diện với sự đối lập, như được gợi lên ngay từ đầu, giữa não trạng nhiệm nhặt của những người này và não trạng phóng túng của những người kia, do đó, tông huấn đưa ra một quan điểm mới, đòi hỏi hơn chúng ta tưởng. Bởi lẽ không có gì khó khăn cho bằng phải mặc lấy một “ánh nhìn biệt hoá” trong sự gần gũi. Điều đó đòi hỏi một khả năng to lớn biết điều chỉnh con mắt camera nội tâm của chúng ta sao cho nó vận hành giống như ống kính tiêu cự, với một tinh thần hết sức uyển chuyển, thậm chí đôi khi là với một tâm tình tri ân và một sự hoán cải các thành kiến của mình; tóm lại, lúc nào cũng cần phải chọn theo “con đường đức ái” (via caritatis).

            Trước tiên, chẳng hề dễ dàng để đánh giá những hoàn cảnh kết hợp khác nhau với tất cả sắc thái của chúng: nhân bản, đạo đức, thần học. Tông huấn đã có một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thừa nhận quyền chính đáng cho những hoàn cảnh kết hợp đó trong những trường hợp đặc biệt như sau: từ những người ly dị, thường là tái hôn, cho đến những gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ, và còn phải kể đến những mối kết hợp đồng tính nữa (các số 241-252 và từ 297-300). “Luật tiệm tiến” và nguyên tắc “loại suy” đối diện thách đố khi vấn đề là gặp gỡ “tha-tính của tha nhân” (l’altérité de l’autre) mà không từ bỏ những xác tín riêng của mình. Có thể trong một số hoàn cảnh, chẳng hạn như trong trường hợp kết hợp đồng tính, những điều khác với những nội dung trong các số 250 và 251 vẫn còn có thể được trình bày, thậm chí là dưới một nhãn quan thần học: đơn giản là cần phải hết sức lưu ý rằng bí tích thánh tẩy giải phóng chúng ta khỏi bị nhốt trong “thân phận” (condition) bất tất của mình, dù có thế nào đi nữa, thân phận ấy, vì vậy, được tẩy trừ khỏi tính chất “định mệnh” (1 Cr 7, 19.29-31) và được biến đổi thành “nơi” kêu gọi, mỗi một lần là độc nhất vô nhị. Quả thật, đối với chúng ta, những người Kitô hữu, “mọi người đều một lịch sử thánh” (Thi hào Patrice de La Tour Du Pin).

            Tiếp đến, “ánh nhìn biệt hoá” sau đó còn bao hàm nghệ thuật biện phân* đầy đòi hỏi mà không một giáo luật nào có thể thay thế được, dù giáo luật đó có tinh tế đến dường nào đi nữa. Đức giáo hoàng quả quyết nhấn mạnh điều đó (số 300). Thật vậy, một bộ luật mới có lẽ đủ sức làm cho chúng ta tin rằng sự biện phân chắc không hệ tại ở chỗ áp dụng một vài quy tắc chung, trong khi “rơi vào những hoàn cảnh mà mọi mô hình đều bị công kích kịch liệt”, cần phải can đảm và lạc quan đương đầu với  sự đa dạng bao la bất tận như biển khơi của những hành trình nhân linh, với “chiếc la bàn nội tâm” như đã được nói đến.

            Còn về những chuẩn mực hiện hành, cần phải biết rõ lý do tồn tại của chúng cũng như bối cảnh soạn thảo nên chúng và phải biết sử dụng chúng, sao cho đúng thời đúng buổi, như là sử dụng một “tấm bản đồ” hay một “công cụ” vốn cho phép tìm thấy, thậm chí phác thảo, cùng với những người liên hệ, con đường tốt nhất (hoặc thi thoảng, con đường ít tồi tệ nhất, khi gặp một cơn bão bùng phát). Tông huấn đề nghị một tiểu luận về biện phân (các số 296-306), vốn đề cập đến vấn đề các hoàn cảnh giảm khinh, phân biệt giữa phán đoán về hoàn cảnh với phán đoán về khả năng quy trách nhiệm. Công thức toát lược dưới đây liên kết hết sức mạch lạc sự biện phân luân lý và thiêng liêng, được định hướng bởi các chuẩn mực, đời sống trong ân sủng vốn luôn là mục đích chính của tiến trình biện phân, và hoạt động mục vụ* của Giáo hội vốn bổ trợ cho tiến trình đó. “Vì những điều kiện hay nhân tố giảm khinh, có khả năng là trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan – vốn không thể hoặc không hoàn toàn có thể quy trách nhiệm cho chủ thể hành động – người ta có thể sống trong ân sủng Chúa, người ta có thể yêu thương, và người ta cũng có thể lớn lên trong đời sống ân sủng và trong đức ái, đồng thời đón nhận sự giúp đỡ của Giáo Hội vì mục đích này” (số 305).

            Nếu ta thực hiện được mức đòi hỏi mà kiểu đồng hành đã biệt hoá này biểu lộ, thì ta có thể tự vấn cách chính đáng liệu việc đào tạo linh mục và giáo dân dấn thân trong tác vụ đó có đạt tới đúng tầm mức của những vấn đề (enjeux) nhân bản và thiêng liêng vốn xuất hiện ở đây hay không. Làm thế nào để đồng hành với những người khác nếu bản thân chúng ta không được đồng hành hay được giám sát và được đối chất, với khoảng thời gian đủ dài, trong các hoạt động tập luyện đọc hiểu lại một loạt đủ rộng về những hoàn cảnh hay các trình thuật cuộc đời? Chính nơi phông nền của những câu hỏi liên quan đến đào tạo như trên mà vấn đề thừa tác vụ trong Giáo Hội được đặt ra, và nếu tầm nhìn của Amoris laetitia được đón nhận cách nghiêm túc, thì vấn đề đó có thể minh nhiên trở thành chủ đề của thượng hội đồng sắp tới.

Lô-gíc của lòng thương xót và của sự hội nhập

            Tầm nhìn đa diện của Giáo Hội vì thế không phải là một ý thích riêng của Đức giáo hoàng Phanxicô hay một sự khẳng quyết có tính cách ý thức hệ, nhưng đó là hệ quả nội tại đến từ một cách thức xem xét nghiêm túc tính đa dạng của những hành trình nhân linh của chúng ta, vốn như là yếu tố cấu thành của một quan niệm mang đậm dấu ấn “Lễ Hiện Xuống” (conception pentecostale) của truyền thống Kitô giáo. Đức giáo hoàng đưa dẫn vào trong tông huấn trích đoạn cốt yếu nơi bài giảng của ngài vào ngày 15 tháng 2 năm 2015 vốn đề cập tới phép lạ chữa lành một người bệnh phong (Mc 1, 40-45), bài giảng này được giảng trong thánh lễ cùng với các tân hồng y. Nơi bản văn ấy, ngài đối lập lô-gíc của sự hội nhập với lô-gíc của sự loại trừ, và ngài làm cho bản văn ấy được mặc lấy một hình thức hết sức long trọng và hầu như mang chiều kích “tông toà” (quasi cathédrale): «Thượng hội đồng đã tham khảo đến nhiều hoàn cảnh yếu đuối hay bất toàn khác nhau. Về chủ đề này, tôi xin được nhắc nhớ lại ở đây điều gì đó mà tôi đã muốn thông báo cho toàn thể Giáo Hội được biết để chúng ta không bị lầm đường lạc lối*: “Hai lô-gíc đi cùng suốt dòng lịch sử Giáo Hội: loại trừ và tái hội nhập […]. Con đường của Giáo Hội, kể từ Công Đồng Giêrusalem, luôn là con đường của Chúa Giêsu: đó là con đường của lòng thương xót và của sự hội nhập […]. Con đường của Giáo Hội là con đường không kết án đời đời bất cứ ai, nhưng là con đường tuôn đổ lòng thương xót Chúa trào tràn trên tất cả những ai thành tâm cầu xin Chúa xót thương. [… Bởi lẽ] đức ái chính thực thì không bao giờ có ai xứng đáng, luôn luôn vô điều kiện và nhưng không!”» (296).

            Sự hội nhập đó được thực hiện trên nền tảng bất khả chuyển lay là tính bình đẳng giữa mọi tín hữu vì đều đã được lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Tính bình đẳng này tiên vàn liên quan đến thân phận trần thế của chúng ta, những người lữ hành tiến tới sự viên mãn* tột cùng: “Không có gia đình nào là một thực tại trên trời và được kiến tạo một lần thay cho muôn lần”, đó là điều chúng ta đọc thấy ở cuối chương 9, chương bàn về linh đạo hôn nhân và gia đình (325). Điều ấy hàm nghĩa rằng ở bên này ở bên kia mọi phân biệt giữa điều chúng ta thấy, có lẽ chính đáng, là “quy tắc” và điều chúng ta cho là “bất quy tắc”, chúng ta đã được ơn khám phá ra rằng tất cả chúng ta đều là những tội nhân được thụ hưởng ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi lẽ, vì hạnh phúc của mình, cách nào đó chúng ta vẫn còn thiếu suy xét hay “phán đoán” về tha nhân về chính chúng ta. Tính bình đẳng đó cũng là tính bình đẳng của tất cả các hình thức sống; đây là khía cạnh chỉ mới được tông huấn đề cập đến ở ngoài lề khi văn kiện này nói tới sự độc thân và đức khiết tịnh mà thôi (158-162), nhưng thiết tưởng nó đáng được nhận nhiều hơn nữa những suy tư cả về mặt thần học lẫn về mặt giáo hội học cũng như sự quan tâm trên bình diện mục vụ.

            Cuối cùng, một hình ảnh* mới của Giáo Hội được tỏ lộ từ bản văn này, hình ảnh này gắn kết chặt chẽ với một lối nhìn khác về Giáo Hội: một hình ảnh “đa màu” (Ep 3, 10, quy chiếu đến áo chùng dài tay “đa màu” của Giuse trong St 37,3), được đánh dấu rõ nét hơn bởi nhiều câu chuyện gặp gỡ, thi thoảng rất lạ kỳ, của các trình thuật Tin Mừng; đó là một hình ảnh vừa mặc khải vừa ẩn giấu một cái gì đó “vô hình” tồn tại nơi những hành trình mong manh của chúng ta, những hành trình này đa phần diễn ra ở chỗ tranh tối tranh sáng trong những xã hội của chúng ta. Chính trong mức độ mặc lấy ánh nhìn đó và hình ảnh hay tầm nhìn sâu sắc được vén mở như vậy mà các cộng đoàn chúng ta mới có thể hy vọng trở nên có sức hấp dẫn, lôi cuốn người khác, chính vì điểm nhấn nhân bản được thể hiện nơi những cộng đoàn đó khi họ chấp nhận đi ra khỏi nội vi “kín cổng cao tường” của mình. Chúng ta có thể ao ước rằng các cộng đoàn, các tác viên mục vụ, các thần học gia và mục tử, đàn ông và phụ nữ, biết cùng nhau cộng tác và “đồng lòng đóng góp” (Dei verbum 10,1) luôn hơn nữa theo đường hướng đó.

Phêrô Phạm Hữu Cường chuyển ngữ

Tý Linh hiệu chỉnh

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31