NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG

Written by xbvn on Tháng Mười 31st, 2023. Posted in Giáo dân, Linh mục, Ơn gọi, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội kết thúc vào Chúa Nhật ngày 29 tháng 10 tại Rôma, sau một tháng làm việc, với việc công bố báo cáo tổng hợp. Đắm chìm trong công việc của một Đại hội lịch sử, trong đó các chủ đề cấm kỵ cho đến nay vẫn được tranh luận nhưng không có bất kỳ quyết định nào được đưa ra.

Thượng hội đồng này, dù sao đi nữa, đó là Thượng hội đồng của sự thinh lặng.” Ngồi trước một ly cà phê cappuccino tại bàn của một quán bar nổi tiếng ở Borgo, quận giáp ranh với Vatican, nơi có vô số bình luận về các quyết định của các giáo hoàng, nhân viên này của Giáo triều Rôma thở dài. Vài ngày trước đó, khi bước vào hội trường lớn Phaolô VI, nơi diễn ra phiên họp đầu tiên của cuộc họp quan trọng về tương lai của Giáo hội trong tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ với 364 thành viên hiện diện: họ sẽ phải tuân giữ, trong một tháng, một “sự chay tịnh không phát biểu trước công chúng” nào đó.

Sự thinh lặng của các tham dự viên Thượng hội đồng, được triệu tập đến Rôma sau hai năm tham vấn, ngay lập tức được coi là một quy luật sắt. Theo ngài, một cách bảo đảm quyền tự do ngôn luận và giảm bớt áp lực của giới truyền thông được cảm thấy trong các cuộc họp trước đây của các Giám mục, về Amazon hoặc về gia đình.

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất, đó là vẫn còn các nhà báo,” một Giám mục người Phi Châu lấy làm khó chịu khi tình cờ chứng kiến ​​một buổi tối được tổ chức trên đồi Rôma, bên lề Thượng hội đồng. Bất chấp họp kín, nhật báo La Croix đã trao đổi, trong tháng Mười, với khoảng 30 tham dự viên, giáo dân và hồng y, nam và nữ, giám mục và thần học gia.

Chương 1, khám phá

 Khi họ bước vào đại hội trường Phaolô VI, ngày 4 tháng Mười, 365 thành viên (364 tham dự viên, cộng với Đức Thánh Cha Phanxicô) của Thượng hội đồng về tính hiệp hành đã rất ngạc nhiên. Trong căn phòng rộng lớn này, nơi tổ chức các buổi tiếp kiến ​​hàng tuần của Đức Thánh Cha vào mỗi mùa đông, hàng ngàn tín hữu thường kéo đến để gặp người kế vị Thánh Phêrô. Nhưng sáng nay, những dãy ghế đã được thay thế bằng những chiếc bàn tròn – tổng cộng 35 bàn – xung quanh có khoảng 12 ghế.

Trong số 60 vị Hồng y hiện diện, một số vị đã tham dự được một số Thượng hội đồng. Thông thường, các ngài ngồi ở hàng ghế đầu tiên của phòng được gọi là “Thượng hội đồng” (nằm ở tầng trên), trong khi các Giám mục ngồi ở vị trí phía sau các ngài, và phía sau các Giám mục là giáo dân và tu sĩ, đôi khi được mời và không có quyền biểu quyết. Lần này mọi thứ đã thay đổi. Đức Thánh Cha đã mời 96 người không phải giám mục trong số những người đang đi loanh quanh các bàn họp để tìm chỗ ngồi của mình, trong đó có 54 phụ nữ. Một cuộc cách mạng.

Trong một tháng, chính xung quanh những chiếc bàn này, một dấu hiệu bình đẳng giữa tất cả mọi người, mà họ ngồi vừa làm việc nhóm vừa lắng nghe những tham luận trong các phiên họp chung. Họ nói về các chủ đề nhạy cảm như quản trị, chỗ đứng của giáo dân, của phụ nữ hay thậm chí là việc loan báo Tin Mừng tại các vùng đất truyền giáo. Quy tắc, được đặt ra bởi những người tổ chức, mà bao gồm phần lớn là các thành viên thuộc linh đạo Dòng Tên, chẳng hạn như nữ tu người Pháp Nathalie Becquart hay Hồng y người Luxembourg Jean-Claude Hollerich, hệ tại luôn bắt đầu từ kinh nghiệm cá nhân của một người.

Một Giám mục giải thích: “Bạn thực sự có thể nói những gì bạn nghĩ bởi vì bạn biết rằng bạn sẽ không bị người đối diện tấn công”. Nhưng những người khác thì ít nhiệt tình hơn và phàn nàn về một phương pháp quá cứng nhắc, thậm chí còn ấu trĩ. Xung quanh bàn họp, những cuộc trao đổi diễn ra thẳng thắn nhưng không bao giờ đi vào các cuộc tranh luận thần học. Tại một bàn nói tiếng Ý, trong các phiên họp chung, người ta gặp thấy Đức Tổng Giám mục Moscou, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ucraina, Đức Hồng y người Ý Matteo Zuppi, linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro hay Hồng y người Đức, Gerhard Muller, người thường phê bình Đức Phanxicô.

ĐHY Muller sẽ là người duy nhất mặc áo dòng và đội mũ đỏ trong suốt công việc, trong khi tất cả các tham dự viên khác sẽ bỏ đi những dấu hiệu đặc trưng của Dòng mình. Ở đây, người ta bắt gặp một hồng y mặc áo sơ mi, ở kia, bề trên của một dòng tu mặc áo phông. Hồng y Müller cũng là người duy nhất lên truyền hình từ khi bắt đầu khóa họp. Những người đồng bào của ngài, tham gia vào “con đường công nghị” của riêng họ, và đối với một số người tự do hơn nhiều, lại trở nên kín đáo hơn nhiều, làm tỉnh ngộ những người đã dự đoán rằng họ sẽ là trung tâm của mọi sự chú ý.

Chương 2, thế giới đến Vatican

Thứ Sáu, ngày 13 tháng Mười, Luca Casarini dõi theo nhịp điệu các bài hát được hát bởi ca đoàn của Đại học Giáo hoàng Urbanô trước ngai tòa Thánh Phêrô. Sáng nay, nhân vật của Mediterranea Saving Humans này, một tổ chức phi chính phủ giải cứu những người di cư trên biển, đã tham dự, cùng với các thành viên khác của Thượng Hội đồng, thánh lễ do Đức Hồng y Ambongo người Congo cử hành. Dưới trần nhà cao vút của vương cung thánh đường, buổi lễ được cử hành bởi các đại diện châu Phi có mặt tại Rôma, giống như tuần trước nó được cử hành bởi những người đại diện của Đông phương, và tuần sau đó bởi các đại diện châu Á. Không còn nghi ngờ gì nữa, Thượng Hội đồng này là cuộc gặp gỡ của các nền văn hóa… mà đôi khi trở thành một cú sốc. Một sự giao thoa địa lý làm nảy sinh nhận thức trong hội trường: Giáo hội đã chuyển về phía Nam.

Và nếu cần xác nhận, thì nó đến từ số liệu thống kê được Vatican công bố vào giữa Thượng hội đồng: vào năm 2022, số người Công giáo tăng lên ở khắp mọi nơi trên thế giới… ngoại trừ ở Châu Âu. Một hồng y người Châu Âu thừa nhận : “Châu Âu không gì khác hơn là một chấm nhỏ”. Trong khi một vị khác, Đức Hồng y người Áo Christoph Schonborn, thừa nhận với báo chí: “Châu Âu không còn là trung tâm chính của Giáo hội nữa.” Ngay sáng hôm đó, Đức Hồng y Charles Bo người Miến Điện đã nói rõ ràng: “Chúng tôi lạc quan chào đón lời kêu gọi được đưa ra ở Châu Á để, được gợi hứng từ hành trình hiệp hành của Giáo hội thế giới, lục địa này trở thành thế kỷ 21 của Chúa Kitô.” Mọi chuyện chưa bao giờ được nói rõ ràng đến thế.

Chương 3, “hiện thực đã vào hội trường”

Vào ngày thứ Hai, 16 tháng Mười, tiếng nói của một linh mục vang lên trong buổi họp Thượng hội đồng: “Tôi xin lỗi vì không phải là một người nữ.” Trong phòng, những nụ cười hiện rõ trên các khuôn mặt, tùy theo bản dịch trong tai nghe. Vào ngày thứ Hai này, chủ đề chính xác là việc nhìn nhận phụ nữ mà nhiều người trong số họ nhấn mạnh rằng họ chiếm hơn một nửa số người tham dự lễ Chúa Nhật. Ngoại trừ vị linh mục đã làm cho đại hội mỉm cười này, tất cả các nhóm làm việc ngày hôm đó đều chọn một phụ nữ làm báo cáo viên.

Chỗ đứng của phụ nữ là một trong những chủ đề chính của Thượng hội đồng. Không chỉ vì 54 người trong số họ lần đầu tiên được tham gia trong số các giám mục, mà còn vì chủ đề này đã rất cần thiết, đặc biệt là qua vấn đề về chức phó tế nữ, được tranh luận một cách công khai. Một số Giám mục thậm chí còn dám nói về nữ linh mục. Một cuộc tranh luận không thể tưởng tượng được cách đây vài năm.

Ngồi ở bàn chủ tịch, Đức Giáo hoàng lắng nghe, ghi chép vài điều và can thiệp rất ít. Một trong những bài phát biểu hiếm hoi của ngài đã được Vatican công khai: ngài nhắc lại tính chất “nữ tính” của Giáo hội và chỉ trích “thái độ trọng nam khinh nữ và độc tài” của một số linh mục bị gậm nhấm bởi “chủ nghĩa giáo sĩ trị”.

Trong hội trường Phaolô VI, một Giám mục nhận ra điều này: “Chúng tôi không nói giống nhau khi có phụ nữ trong nhóm.” Chỉ với sự hiện diện của họ, các nữ tu sĩ và giáo dân dường như đã thực sự thay đổi được bầu không khí tranh luận. Một Giám mục châu Âu tóm tắt: “Hiện thực đã bước vào hội trường”.

Nhưng thực tế cũng xâm nhập qua những chứng từ, được nhiều người vỗ tay trong phòng, chẳng hạn như chứng từ của giáo dân này mô tả cuộc đàn áp mà người Công giáo phải chịu ở đất nước của mình. Hay sau câu chuyện về một phụ nữ trẻ người Mỹ gốc Ba Lan vừa nói vừa khóc rằng mình có em gái đã tự tử, cảm thấy mình tội lỗi vì là một người đồng tính nữ.

Cách tiếp cận này gây khó chịu cho một số tham dự viên, bao gồm cả các nhà thần học, những người cảm thấy thất vọng vì, theo họ, sự trỗi vượt này được ban cho “cảm xúc”. Nó không ngăn ngừa được căng thẳng và kháng cự. Thuật ngữ “LGBT” biến mất khỏi báo cáo cuối cùng và được thay thế bằng thuật ngữ “căn tính giới tính và xu hướng tính dục”. Và đề xuất phong chức phó tế cho phụ nữ đang bị phản đối mạnh mẽ.

Chương 4, và bây giờ ?

Tôi sẽ kể lại gì khi trở về nhà? ” Giữa hội trường Phaolô VI, Đức Tổng Giám mục Milan, Đức cha Mario Delpini, bày tỏ rõ ràng điều mà nhiều người đang thầm nghĩ. Chúng ta có thể nói gì về tháng ở Rôma này, khi mà về cơ bản, chưa có điều gì quan trọng được quyết định? Trong nhiều tuần, ở Thượng hội đồng, đã nảy sinh ý tưởng rằng báo cáo cuối cùng sẽ “không chứa gì cả”.

Không có gì quyết định, trong mọi trường hợp. Không có quyết định nào trong số những quyết định này mà một số người tha thiết mong muốn và những người khác lo sợ, về các nữ phó tế, việc chúc lành cho các cặp đồng giới hay sự độc thân linh mục. Người ta nói trong hội trường, điều quan trọng là gặp gỡ và nói chuyện với nhau. Áp dụng văn hóa tranh luận, dân chủ hơn một chút. Một nhà thần học khẳng định : “Đó là một báo cáo giai đoạn.” Một chuyên gia khác phân tích: “Đó là một loại giấy chứng nhận tình trạng của Giáo hội Công giáo, những điểm mạnh và điểm yếu của Giáo hội trong thế giới ngày nay.”

Tuần vừa rồi đã nổi lên những câu hỏi về Thượng Hội đồng này. Đây có còn là Thượng hội đồng Giám mục không? Và nó có thể có thực quyền gì? Những câu hỏi ban đầu được đặt ra bởi một số nhà lãnh đạo Đông phương, giờ đây đang trở nên rõ ràng hơn. Những câu hỏi buộc Đức Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng, phải đưa ra lời giải thích cuối cùng vào thứ Tư ngày 25 tháng Mười.

Đức Giáo hoàng đã triệu tập cuộc họp này theo những quy tắc do chính ngài ấn định, Đức Hồng y người Malta tóm tắt. Do đó, ngài có toàn quyền, Đức Hồng y nói tiếp trong bài phát biểu mà bản chép lại sẽ được truyền lại cho tất cả các thành viên của Thượng hội đồng. Việc định hướng lại này đã mở ra cuộc kiểm tra nội dung của báo cáo cuối cùng, được đánh dấu bằng hơn 1.000 sửa đổi. Sau ba tiếng rưỡi đọc to, thứ Bảy ngày 28 tháng Mười, bản báo cáo cuối cùng đã được thông qua và tán thưởng.

Khi đến lúc trở về nhà, có bao nhiêu người nhớ đến những lời của một trong những tiếng nói lớn của Vatican II, Đức Hồng y Paul-Émile Léger, vào năm 1963, sau khóa họp đầu tiên của Công đồng? Lúc đó, ngài viết : “Chúng ta sẽ về nhà tay không. Thế nhưng, một sự kiện lớn đã xảy ra trong Giáo hội: không thể nghĩ đến việc quay trở lại nguyên trạng. (…) Đức Thánh Cha tin rằng mọi chuyện sẽ kết thúc vào Lễ Giáng Sinh năm 1963. Câu hỏi lớn mà chúng ta tự đặt ra cho mình là: Liệu ngài sẽ còn ở đó không?”

Một câu hỏi cũng được đặt ra một cách riêng tư bởi rất nhiều tham dự viên, những người sẽ trở lại Rôma vào tháng 10 năm 2024 để dự phần thứ hai của Thượng Hội đồng này: sau giai đoạn đầu tiên này, liệu sự thay đổi văn hóa sẽ diễn ra không? Liệu Đức Phanxicô sẽ đi đến cùng không?

Tý Linh

(theo Loup Besmond de Senneville, nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2024
H B T N S B C
« Th3    
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30