TĨNH TÂM NĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BÀI 10: TÌM LẠI MẠCH NGUỒN LÒNG THƯƠNG XÓT

Written by xbvn on Tháng Mười Một 2nd, 2020. Posted in Linh mục, Tâm linh, Đại Chủng Viện Huế

Từ ngày 26-31/10/2020, quý Thầy Đại Chủng viện Huế bước vào cuộc tĩnh tâm năm hằng năm. Năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P., giảng tĩnh tâm cho các Thầy với chủ đề “Vài thách đố của đời linh mục”. Chúng tôi xin lần lượt đăng lại các bài giảng rất thực tiễn của ngài. Dưới đây là bài giảng thứ mười:

Bài X. Tìm lại mạch nguồn lòng thương xót

 

1. Thời kỳ đã mãn

1.2 Ý nghĩa Giờ G

Để đi vào Nhiệm cục Cứu độ, nhân loại được mời gọi để trở lại cuộc hành trình lịch sử của Dân Ít-ra-en và cùng trải nghiệm lại niềm khát vọng làm nên ý nghĩa vận mạng của Dân qua suốt dòng lịch sử. Lịch sử Dân Ít-ra-en là một lịch sử khá đau thương, diễn tả một thân phận đau thương của kiếp người. Trong dòng lịch sử đau thương ấy, người Dân tin vào lời hứa của Chúa trong St 3,15 (Lời hứa về Dòng dõi người nữ), một niềm tin, nhờ vào các ngôn sứ, vẫn không ngừng sống động và có khả năng nuôi dưỡng niềm hy vọng của Dân để vượt qua biết bao thăng trầm suốt gần 20 thế kỷ.

– “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15), đó là lời công bố một thời khắc quyết định của lịch sử Dân; đồng thời đã cũng là lời công bố một thời khắc khởi đầu cho một giai đoạn mới của tất cả lịch sử nhân loại. Đó là một lời công bố liên quan đến căn tính của một Dân; và trong đức Tin của người Kitô hữu, đó là lời công bố liên quan đến vận mạng của cả nhân loại.

Đó không phải chỉ là chuyện thuần thiêng trong giới hạn một thứ tôn giáo hạn hẹp, và đó cũng không phải là chuyện riêng trong lịch sử một dân tộc nhỏ bé, nhưng đó là một lời công bố có độ trầm trọng sâu xa nhất trong ý nghĩa nhân sinh và có tác dụng phổ quát nhất cho lịch sử của nhân loại.

– “…đã đến gần” không phải là chưa đến, nhưng là đã có mặt và đang thành toàn. Đức Giêsu đã có mặt và đức Giêsu là Trung Tâm của Triều Đại Thiên Chúa vẫn đang lớn lên trong dòng lịch sử nhân loại.

Sứ điệp của ba Tin Mừng Nhất Lãm là Triều đại Thiên Chúa, còn trọng tâm của Tin Mừng thứ Tư là chính bản thân của Đức Giêsu. Đó là hai khía cạnh “tuy hai mà một”. Đức Giêsu là Trung Tâm và Triều đại Thiên Chúa là “Chu Vi”. Không thể có một đức Giêsu mà không có Triều Đại Thiên Chúa cũng như không thể có Triều Đại Thiên Chúa mà không có đức Giêsu.

Tầm nhìn của các đấng bậc và của người Kitô hữu trong Giáo hội đã không ít lần chao đảo, nghiêng ngả; khi thì chỉ thấy một đức Giêsu trong giới hạn một thứ tôn giáo luân lý hoặc thần bí bên lề lịch sử; và khi thì chỉ thấy Triều Đại Thiên Chúa như một lý tưởng thuần tuý chính trị xã hội…

Vào hậu bán thế kỷ XIX, khi mà bóng dáng Triều Đại Thiên Chúa đã quá mờ mịt, thì giới công nhân cũng như nhiều người trí thức phải tìm đến với lý tưởng “thiên đàng trần thế” của K. Marx. Rồi khi mà thứ thiên đàng trần thế của Marx cũng trở nên quá mờ mịt, thì người ta lại quay về với chủ trương tương đối; người ta đành chấp nhận một cuộc sống vui hay buồn, đau thương hay thành đạt… ở đây và lúc này mà không cần mơ một tương lai nào cho lịch sử nhân loại nữa…

– Triều đại Nước Thiên Chúa không đồng nhất với Giáo hội hữu hình, nhưng cũng không thể có ở đâu bên ngoài Giáo hội ấy. Tin Mừng Mác-cô cho thấy sự tỏ hiện mới mẻ của “thời kỳ đã mãn” trong việc đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên, và đó là nền móng của Giáo hội.

Có phải bộ mặt lem luốt của Giáo hội khiến cho người ta không còn thấy được bóng dáng Triều Đại Thiên Chúa trong Giáo hội ? Có phải những tai tiếng của đấng bậc này hay con người kia đã làm suy yếu tính khả tín của lời rao giảng Triều Đại Thiên Chúa ? Thật ra, những điều ấy không phải là điều chính yếu. Đức Giêsu hẳn đã biết rõ thực trạng của 12 tông đồ và Ngài chấp nhận thực trạng đó. Đức Giêsu hẳn cũng biết rõ những người môn đệ Ngài sẽ tuyển chọn, những đấng bậc và những tín hữu, trong lòng Giáo hội qua bao thời đại, và Ngài vẫn không ngừng đổ máu ra để thánh hoá… 

Điều chính yếu hơn là, ngay trong tình trạng còn đầy khiếm khuyết của mình, Giáo hội có còn xác tín sứ mạng loan báo Tin Mừng Triều Đại Thiên Chúa như là “lý do hiện hữu” của mình không; hay là Giáo hội đã tìm “lý do hiện hữu” nơi chính mình, nơi vị thế, nơi “đức độ” hoặc trong tổ chức, trong nề nếp sinh hoạt của chính mình, và rơi vết xe đổ của dân Do Thái.

Triều đại Thiên Chúa chắc chắn không phải là một thứ cải lương và hầu như bị phân mảnh trong giáo huấn luân lý và bị tan loãng trong cái lập đi lập lại của thân phận con người, thân phận vốn dễ bị lôi vào vòng xoay điều hoà của vũ trụ. Tính thời gian như “phẩm tính siêu hình” của thế giới này, được diễn tả đặc biệt trong Cánh Chung Kitô giáo như một vận hành công bố giờ G của Kitô giáo, bị biến thành một thứ “phẩm tính luân lý” để tô vẽ cho những khoảng khắc độc lập trong đẳng cấp luân lý của con người. Có phải không, một cách vô tình, người Kitô hữu rơi vào thứ cứu thế luận theo khuynh hướng của triết gia Maimonide ? Theo lối nhìn ấy thì sẽ chẳng có giờ G nào của Đấng Cứu Thế cả; lòng trông đợi Đấng Cứu Thế chỉ như một lời kêu mời nhằm thức tỉnh con người. Lòng trông đợi ấy được công bố chỉ nhằm dẫn dắt lịch sử nhân loại, hướng tới tình trạng mà đức Tin vào một Thiên Chúa duy nhất và luật yêu thương, hai nền tảng của tư tưởng Do thái, thống trị trên toàn cõi đất.

Người Kitô hữu cần tìm lại Tin Mừng đức Giêsu Kitô trong dáng dấp mới mẻ của “thời kỳ đã mãn”. Trong đó, “Giờ” của Thiên Chúa, hay “Ngày của Thiên Chúa” được tỏ lộ với “biến cố Giêsu” và sẽ hoàn thành trong ngày Quang Lâm

Đức Giêsu kêu gọi sám hối vì tin vào Tin Mừng về Triều đại Thiên Chúa, sám hối để bước vào kỷ nguyên Triều đại Thiên Chúa. Nhưng con người ngày nay có nhận ra được nét mới mẻ thực sự của triều đại Thiên Chúa không ? Đâu là đường nét tỏ lộ dáng dấp của “thời kỳ đã mãn” ? Việc công bố Hiến Chương Nước Trời mang lại điều gì có thực, sống động và gỉai thoát cho con người hôm nay ?

1.2 Lịch sử nhân loại trong ba chữ Cường – Bình – Phúc
1.2.1 Chân lý “sáng tạo từ hư vô”

 Chân lý đầu tiên trong Sách Thánh đã khẳng định một sự thật, sự thật đầu tiên và nền tảng của cả vũ trụ và cả nhân loại : Vũ trụ này được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô : “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Đây là một sự thật hoàn toàn “mới” và tạo nên một sự khác biệt nền tảng của truyền thống Do Thái Kito giáo với tất cả những tôn giáo vào triết học khác.

Vũ trụ được sáng tạo từ hư vô, nghĩa là tất cả vũ trụ được hiện hữu từ một tác động của một “ngã vị”, có tự do và tình yêu. Do đó, bản chất của tất cả vũ trụ thiết yếu mang tính cách “luân lý”, nghĩa là vũ trụ có một ý nghĩa được tỏ lộ do “tinh thần”, chứ không phải chỉ là một tương tác “thể lý” cách tất yếu. Vũ trụ chỉ hiện hữu, phát triển và thành toàn trong nguồn mạch của Đấng đã kéo vũ trụ ra khỏi hư vô. 

Theo cách nhìn của người Sê-mít, sự thật ấy cũng làm cho “bản chất” của vũ trụ, mặc dầu không phá huỷ, không còn chỉ là “cấu trúc nội tại” nơi chính nó. “Biến cố sáng tạo” khiến cho chân lý của vũ trụ thiết yếu mang phẩm tính “nhân thân”.

1.2.2 Bản chất nghĩa tình của vũ trụ

Từ chân lý nền tảng ấy, ta có thể rút ra được những phẩm tính chính yếu làm nên “bản chất” của vũ trụ và con người : 

– Thiên Chúa được chân nhận như một Đấng “siêu nhiên”, một thứ siêu nhiên đúng nghĩa và chân thực nhất. Thiên Chúa ở ngoài và hoàn toàn khác với vũ trụ  (bao gồm tất cả thiên thần, con người, vũ trụ, ma quỉ) , Ngài đã sáng tạo mọi sự chứ không phải “lưu xuất”.

– Tất cả vũ trụ đều hiện hữu chìm ngập trong “môi sinh” căn bản là “sống với AI”

– Con người được trao quyền thống trị vũ trụ, để đưa tất cả vũ trụ này đi vào nẻo đường “sống với ai” và hoàn thành được vận mạng thiết yêu mang tính siêu nhiên. Vũ trụ không có giá trị nào thánh thiêng nội tại (tục hoá cái thiêng) nhưng được trao cho con người để đi vào nẻo đường mới, con người hợp tác với nhau (sống với ai) và chỉ được thành toàn khi đi vào vận mạng siêu nhiên là được kết hiệp với Chúa (thánh hoá cái phàm).

– Nguyên lý vận hành của tất cả vũ trụ và con người chính là : mọi sự đều do ơn tặng không (phúc); con người đón nhận ơn huệ ấy trong tâm tình “lãnh nhận với lòng tri ân”, được ghi khắc một ấn dấu ngọt ngào của tình trạng “mắc nợ nghĩa tình”; và con người lãnh sứ mạng đưa tất cả vũ trụ đến chỗ hoàn thành được vận mạng siêu nhiên trong thế giới của “ân huệ nghĩa tình” ấy.

1.2.3 Vong thân trong tội

Khi tội lỗi xâm nhập vào thế gian, chân lý khai nguyên, bản chất đích thực và nguyên lý vận hành đều bị méo mó, lệch lạc và hư hoại :

– Con người muốn tự mình làm chủ lấy mình và hoàn thành cuộc đời mình bằng năng lực của “lý trí khôn ngoan” ( trình thuật cám dỗ). Con người đánh mất nguồn mạch trung tín để tìm cách khẳng định mình chỉ bằng tiêu chí “đúng / sai”.

– Con người giành lấy những gì mình đã lãnh nhận như thể là tự chính mình có được, và đi vào cuộc chiến đấu, cạnh tranh với tha nhân bằng cường bạo (Cain giết Abel, Lameck đề cao sự trả thù…) (chữ cường = nguyên lý giành giựt)

– Khi con người nỗ lực vươn lên khỏi thế giới sinh vật, mạnh được yếu thua, muốn thăng tiến nhân tính người trong sự một thế giới “công bằng” hơn, người ta muốn thiết lập “chữ bình” thay cho “chữ cường”. Thế giới này lấy nguyên lý hoạt động là “trao đổi” chứ không phải “giành giựt”.

– Nhưng thực tế, chữ bình vẫn không phải là bản chất của thực tại vũ trụ. Con người dù nỗ lực bao nhiêu để thiết lập một thế giới công bằng hơn, thế giới vẫn lù lù là một biển bất công. Con người không thể tự mình giải gỡ được bất công của lịch sử và dính dáng đến mọi người.

– Sự lệch lạc và hư hoạt của thế giới con người tạo nên một “địa tầng oan khiên” trong tất cả lịch sử nhân loại và trong tất cả mọi cầu trúc của xã hội con người. Người nghèo, người bé mọn trở thành tiếng kêu thấu trời (X. Thánh vịnh 71).

1.2.4 Tái lập đề án cứu độ

Thiên Chúa gọi một dân tộc nhỏ bé và hèn kém nằm giữa một vùng gồm những nền văn hóa không lồ, đó là dân Israel. Trong Dân thánh, Thiên Chúa liên tục thanh lọc số còn sót lại từ những người nghèo Anawim, từ những “con chiên què” (Mikha)..,.

Đức Giêsu khai mạc Nước Trời với Hiến Chương Nước Trời. Với Luca 6,20-21 : một thế giới, một xã hội mới mà nguyên lý căn bản là mọi người hãy thể hiện chữ phúc cho những người nghèo, đói, khóc, bị bách hại. Với Mattheu 5,1-13 : mỗi người hãy nhận ra diễm phúc được là người nghèo của Thiên Chúa (tinh thần khó nghèo)

Đức Giêsu rõ ràng muốn tái lập lại nguyên lý chữ Phúc như bản chất của vũ trụ và thế giới này; và nẻo đường mới của Tin Mừng không là gì khác hơn “nghèo-phúc”, nghĩa là đặt chân mình trên nền tảng của chân lý là hư vô, để tìm thấy cuộc đời được cứu độ vô cùng phong phú trong nguồn mạch ơn phúc.

– “hư vô” hay “nghèo” ở đây được biến đổi trong nhiệm cục cứu độ của Chúa để trở thành một hồng phúc, giống như đứa con càng ngoan thì càng thấy công ơn của bố mẹ nhiều, và càng thấy công ơn bố mẹ nhiều thì càng nhận ra niềm hạnh phúc được là con, tìm thấy “diễm phúc được mắc nợ nghĩa tình”. Nghèo, đó là thái độ càng khoét rỗng để được lãnh nhận tràn đầy hơn, dư dật hơn ơn phúc…; nghèo để được trở nên phúc lộc tinh tuyền hơn khi xác tín tất cả những gì mình là, tất cả những gì mình có, tất cả những gì mình gặp trên đường đời… đều là dòng nước chảy ra từ mạch nguồn phúc lộc của Chúa.

Nếu xem xét tội lỗi, không phải chỉ như một thái độ luân lý, nhưng trong tầng sâu của một thứ “chân lý hữu thể” và vận hành trong nền tảng của lịch sử nhân loại, thì tội lỗi chính là thái độ “đổi tên” bản thân và cuộc đời mình, đánh mất tên “phúc” và đổi tên cho nó thành “cường” hay “bình”. Do đó, ta có thể thấy một Đấng Vô Nhiễm Nguyên tội cũng chính là “Đấng Đầy Ơn Phúc”. Chính vì Mẹ vô nhiễm, không bị méo mó do tội, nên Mẹ sống trong sự chân nhận trọn vẹn bản thân và cuộc đời mình chỉ là và trọn vẹn là Phúc.

2. Tìm lại “đề án” cứu độ trong lòng thương xót

2.1. Ngã vị (persona) hay phẩm cách (personalitas) ?

Con người chỉ trở nên chính mình trong tương quan, và thái độ tương quan ấy làm nên phẩm cách của một con người. Con người như một ngã vị (persona) thiết yếu phải thể hiện chính mình trong nhân cách (personalitas). Bình thường, người ta nhận ra một người “có nhân cách” là người có đức độ hoặc tài năng. Thế nhưng, xét trên bình diện siêu hình, “nhân cách” hay “đức độ” hay “tài năng”… vẫn là điều con người “có” chứ không phải là điều con người “là”. Tài năng, đức độ… vẫn có thể “bay đi mất” mà cái tôi trần trụi thì vẫn luôn ở lại đó. Trong khi triết học nói đến ngã vị như một cái tôi cá thể hiện hữu ấy (subsistens distinctum) thì các khoa tâm lý, xã hội lại chỉ có thể bàn đến nhân cách (personalitas) của con người. Trong đời sống xã hội, trong tương quan ngã vị của con người với nhau, người ta thường nhìn nhận một con người qua nhân cách của người ấy. Người ta kính kẻ đức độ, người ta phục người có tài năng, hoặc người ta xum xoe với người đẹp, người có tiền, có địa vị… Điều ấy nếu được đẩy xa một chút nữa thôi, người ta sẽ rớt vào tình trạng, hoặc chủ trương hoặc vô tình, nhìn nhận xã hội, hoặc nhà nước là chủ thể bạn tặng phẩm giá cho cá nhân con người… 

Điều éo le của kiếp người là, trên bình diện nhân cách, ai cũng biết rằng con người không có điểm xuất phát bằng nhau, thế mà mỗi người lại cứ phải chạy đua trên cùng một đường đua, với những chuẩn mực của mức đến như nhau. Có người sinh ra đã nhận lãnh biết bao ưu thế, và có người, ngay khi sinh ra, đã chịu biết bao thiệt thòi…, mà thiệt thòi lớn nhất là chính ngã vị của họ không được tôn trọng xứng đáng.

Chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt giữa một nền luân lý đặt nền trên nhân cách và một nền tảng siêu hình đặt nền trên ngã vị, bằng cách so sánh hai chiều hướng khác nhau của tình yêu, tình yêu con người và tình yêu Thiên Chúa :

– Tình yêu con người khởi đi từ việc đón nhận cái hay cái tốt nơi ai khác (1). Rồi khi đã gắn bó với nhau qua một quá trình, người ta thấy rõ được “ai khác” ấy, không phải chỉ thấy những điều hay điều tốt mà còn đầy những điều xấu, những điều tệ hại, người ta được mời gọi để trung tín với tình yêu vì đã “đồng hội đồng thuyền” với nhau (2). Sau cùng, đến lúc nào đó, ngay cả khi “ai khác” ấy đã mất tất cả những phẩm tính tốt đẹp, nhân cách cũng chẳng còn gì, mà người ta vẫn đón nhận như là “của mình”, thuộc về mình, thì đó mới là mức độ của tình yêu quảng đại và tốt đẹp nhất (3).

– Ngược lại, tình yêu của Thiên Chúa đối với con ngưởi lại khởi đi từ việc chấp nhận “ai khác” một cách vô điều kiện, hoặc hơn nữa là một tình yêu tha thứ. Chúa thương ta ngay khi ta còn là tội nhân (Xc. Rm 5,8) (3). Rồi Thiên Chúa sẵn sàng đồng hành, liên lụy với con người trong hành trình cuộc đời một cách “trung tín” (2). Cuối cùng, chính tình yêu tặng-không của Thiên Chúa và bề dày nghĩa tình của Chúa với ta trong dòng lịch sử mới làm nẩy sinh những điều hay điều tốt nơi bản thân ta (1). 

Chính chiều hướng “đảo ngược” của tình yêu Thiên Chúa làm nổi giận những người Do Thái ưu tuyển. Điều “đảo ngược” là tình yêu của Thiên Chúa đụng chạm tới phẩm giá người, qua “cánh cửa” ngã vị (persona), trong khi tình yêu con người thì luôn nghiêng về phẩm cách (personalitas). Con người luôn muốn so sánh, đánh giá mình và đánh giá nhau qua phẩm cách, luôn muốn chuẩn hóa phẩm cách như một tiêu chuẩn căn bản của mỗi con người. Thật ra, phẩm giá phải được phát triển trong phẩm cách, nhưng tình yêu mang tính cứu độ của Thiên Chúa, trước tiên, lại chính là lòng thương xót có khả năng nâng đỡ con người “từ chân”, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa xuyên qua cả nhân cách tệ hại của một ngã vị, đón nhận ngã vị trong nền tảng của nhân tính đáng trân trọng, và từ nơi nhân tính cao quí nền tảng ấy, Ngài nâng phẩm cách của con người lên.

Con đường cứu độ của Thiên Chúa không phải được mở ra trên nóc nhà, và chỉ có những người ưu tuyển mới có thể leo lên được, nhưng là con đường hầm ở cũng đáy cuộc đời để ai cùng có thể  “chui” qua được. Thiên Chúa cứu độ con người không phải bằng cách “nắm tóc”, vì nhiều người nghèo của Chúa cũng chẳng có tóc; nhưng Thiên Chúa cứu độ con người bằng cách nâng từ chân, và cả nhưng người yếu kém nhất về nhân cách thì cũng có thể được cứu độ. Đức Gioan Phaolô II nói :

Mặc dù người con này đã phung phí hết phần gia sản của hắn, tuy nhiên, nhân tính của hắn vẫn còn nguyên“.

Trong một “cộng đồng ngôi vị”, người ta không được q uyền đặt điều kiện tiên quyết về nhân cách, theo kiểu con có ngoan thì mẹ mới nhận làm con; nhưng chính người mẹ chân chính phải liên đới, liên lụy với đứa con để giúp nó thăng tiến nhân cách. Tương quan vợ chồng với nhau cũng vậy, anh chị em với nhau cũng vậy…, điều chính yếu là đón nhận và trân trọng một ngã vị “đơn thuần”, và chính điều ấy mới là nền tảng để giúp mỗi thành viên được sống tốt hơn. Có lẽ có khá nhiều tất xấu của con người phát xuất từ một phản ứng vô thức, do ngã vị của mình đã không được chấp nhận. Một ông cha xứ hiểu rằng mình không được con chiên quí mến, sẽ thường lấy luật lệ cứng nhắc để điều hành sinh hoạt giáo xứ…… 

Như thế, yêu thương chân chính là đón nhận bản thân và liên đới, hoặc liên lụy với cuộc đời của ai khác. Tình yêu của Thiên Chúa “đảm nhận” vấn đề nhân cách của người Kitô hữu chứ không phải đòi hỏi nhân cách tốt như điều kiện căn bản. Thiên Chúa xét xử công bằng không phải là một thứ chấm bài thi nhân cách của con người, nhưng là thiết yêu là làm sáng tỏ thái độ của con người đối với hồng ân được đón nhận vào cộng đồng ngôi vị của Thiên Chúa. Tình yêu thương của người tín hữu cũng vậy. Khi người Kitô hữu “yêu tha nhân vì Chúa”, thì đó không phải chỉ là một mệnh lệnh luân lý mà là nhận ra một thực tại : nhờ Chúa, ta nhận ra tha nhân là người anh em của tôi. Ngược lại, thiếu nền tảng siêu hình ấy, người vô thần đương nhiên phải chọn lập trường “bạn ra bạn, thù ra thù”.

2.2. Lòng thương xót như “khả năng chạm đến ngôi vị”

Trong đời sống thường ngày, con người luôn bị thúc đẩy do thái độ “ăn gian”. Con người luôn sợ mình không được yêu chân thật, mình không được chấp nhận từ chính bản thân, và không được liên lụy trong cả cuộc đời. Nỗi sợ ấy khiến cho con người luôn phải “trang điểm” cho bản thân và cuộc đời mình bằng những thứ “sự vật”. Con người muốn khẳng định mình bằng tài năng, bằng địa vị, bằng sắc đẹp, bằng tiền bạc và thậm chí bằng đức độ…, để có thể được người khác chấp nhận. Thái độ “ăn gian” là khi người ta lấy những “sự vật” để thay thế cho bản ngã đích thực; lấy những điều thuộc “chức năng” để làm cho “phẩm giá” của mình được ngon lành hơn… Thái độ ăn gian chính là cám dỗ có thể chinh phục được người khác bằng “sự vật”, thậm chí nhằm trao đổi hoặc mua bán tình yêu bằng một thứ “sự vật” nào đó; theo kiểu “Tao đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu… tao muốn đứa con gái nào chẳng được…”. Gia kêu đã quá tuyệt vời khi không sử dụng những ưu thế của mình, thế lực và tiền bạc, để giải quyết mong ước gặp đức Giêsu, nhưng ông đến với Chúa trong một ngã vị trần trụi, một con người lùn, leo lên cây như một đức trẻ (Xc. Lc 19,1-10).

Thái độ ăn gian đưa đến những thứ tương giao giả tạo, tương giao có tính xã giao, tương giao có tính thực dụng, tương giao có tính lợi dụng hoặc tương giao có tính gây hấn đe dọa… Khi người ta chi biết tôn trọng người giầu mà khinh chê kẻ nghèo, sợ người giỏi mà coi thường kẻ dốt, khúm núm trước người có địa vị mà lại lên mặt với dân đen; khi người ta tặng quà cáp để được lợi lộc, khi người ta dùng sức mạnh của đồng tiền hay vũ lực để bắt người khác làm theo ý mình… Một điều vô cùng khó của con người, đó là khả năng chơi với nhau ở mức độ phẩm giá căn bản; mà điều này chỉ có thể có được khi người ta công nhận mọi sự đều là hồng ân. Con người đã được lãnh nhận nhưng-không chính bản thân và cuộc đời của mình. Phẩm giá của con người không do chính mình, không do xã hội cấp phát theo một số điều kiện nào đó… “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu ? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh ?“(1Cr 4,7). 

Trong thực tế lịch sử, khi nào những thứ trang điểm rơi rụng thì người ta lại có cơ may nhận ra nét “tôn nghiêm” căn cản của ngã vị con người : khi đối diện với một xác người chết, khi đối diện với một người nô lệ, khi gặp thấy một ai đó sống còn “không ra người”… Khi chạm tới một ngã vị trần trụi, người ta có cơ may tìm được thái độ tôn trọng chân thật nhất, tôn trọng tha nhân như là đối tác “ngang hàng”. Hơn nữa, chạm vào một ngã vị trần trụi, con người còn có cơ may nghe được lời cầu khẩn thâm trầm nhất của một ngã vị, lời cầu khẩn “có ai chấp nhận bản thân và cuộc đời của tôi không ?” … Ngã vị không phải là “duy ngã độc tôn” (solipsisme), nhưng luôn luôn là một ngã vị trong tương quan với một ngã vị khác, đó chính là cái nghèo-tôn-nghiêm căn bản, là tiếng kêu căn bản vươn tới lòng thương xót chân thực. Lòng thương xót, ở mức độ siêu hình căn bản của phận người, có lẽ không phải chỉ là một tâm tình đối với “nỗi khổ (nhất thời) của ai đó” (lòng thương hại), nhưng là nhận ra “một ai đó chân thực qua nỗi khổ của người ấy”. Lòng thương xót là khả năng đập phá tất cả những thứ “trang điểm”, vượt qua lớp vỏ của cái thuộc chức năng để khám phá ra một ngã vị vốn tự bản chất là “nghèo-tôn nghiêm”, để nhận ra “âm tính” của một ngã vị, vốn luôn cần được chấp nhận đơn thuần từ một ngã vị khác. Chính vì thế mà tình yêu không thể là sự trao đổi, nhưng thiết yếu phải là trao tặng. Tình yêu, là tác động như một ân ban trong tự do của một ngã vị, chính là cứu cánh của đời người; và điều gì là cứu cánh thì cũng là nguyên lý hướng dẫn hành động của con người. Trong ánh sáng mặc khải Kitô giáo, ta hiểu được nguyên lý căn bản của Kitô giáo chỉ có thể là tình yêu chân chính như là lòng thương xót. Nếu như lòng thương xót là phẩm tính cao quí nhất của Thiên Chúa, là sứ vụ chính yếu của Đức Giêsu (Lc  4, 4-22), thì lời cầu nguyện chân chính nhất chỉ có thể là lời cầu nguyện của người nghèo, lời cầu nguyện dai dẳng và lì lợm (Xc. Lc 18, 1-8…), lời cầu nguyện : “lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi” (Lc 18, 39…). Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Thiên Chúa Giầu Lòng Từ Bi Thương Xót, nói rằng : có một danh hiệu thứ hai của Tình yêu, đó là lòng nhân hậu (từ bi thương xót).

“Vì lòng nhân từ là chiều kích không thể thiếu của tình yêu; nó như là danh hiệu thứ hai của tình yêu”.

Có phải không lòng thương xót Kitô giáo chính là nét duyên chân thật, lóng lánh, lung linh ẩn sau mọi cá tính, mọi tài năng, mọi thái độ luân lý của mỗi người ?

Tạm kết

Có phải chăng não trạng của người Kitô hữu vẫn chưa thích ứng được với tinh thần của Nước Trời ? Có phải chăng, hiện nay, khi nói về các thánh, người Kitô hữu vẫn không ngừng tìm kiếm những đức tính cao cả anh hùng, những đức tính mà tầng lớp ưu tuyển sẽ có nhiều “lợi thế” đạt được hơn tầng lớp những người nghèo khổ ? Có phải chăng, trong hiện tình của đời sống Giáo hội, người Kitô vẫn chưa thấy rõ những phẩm tính sự sống Nước Trời ? Có phải chăng cánh cửa Nước Trời, sự nghèo khó, vẫn chưa rộng mở để biết bao nhiêu con người được Chúa yêu thương đặc biệt có thể bước vào ?

 

* Tác vụ Lời

Đọc  Lc 15,11-32

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Năm 2024
H B T N S B C
« Th4    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31